Thoáng Như Hôm Qua Chương 2

Chương 2
Tôi theo chân anh bước vào nhà hàng mang phong cách châu Âu. Kiếp này tôi chưa từng có cơ hội bước chân vào phòng ăn cao cấp, nhưng hiển nhiên anh đã tới đây nhiều tới mức quen rồi, bước vào trong phòng ăn tùy ý thoải mái như đi trong phòng khách nhà mình

Kiếp trước tôi là con gái của quân phiệt xưng bá một phương, anh là con trai của một học giả gia cảnh sa sút; tới kiếp này thân phận của chúng tôi hoàn toàn đảo ngược. Giờ nhìn anh không giàu cũng sang, còn tôi lại thành như hiện giờ, mái tóc ko dài lắm bỏ xoã sau lưng, mang theo một cái túi lớn đầy những tài liệu và ghi chép, lại do phải thức suốt đêm để vẽ bản đồ, nên chắc chắn trông vừa nhợt nhạt lại vừa thảm hại. 

Nhà hàng Pháp này được trang trí ưu nhã, phong cách lãng mạn; nhìn xung quanh, hoa văn lộng lẫy trải đầy trên trần nhà, những bức hình rực rỡ trên cửa sổ thủy tinh, những bức điêu khắc bằng đồng phong thái ưu nhã, bức tranh cổ vẽ cảnh Paris, vừa mang đầy phong cách của thế kỷ mười tám vừa in đậm khí chất cao quý thần bí. 

Một lát sau, người phục vụ mang bữa ăn tới, tôi không thấy thèm ăn nhưng vẫn uống một ngụm sữa rồi mới mở miệng nói: "Em không ngờ anh vẫn nhận ra em." 

Anh nhìn tôi, ánh mắt như lóe sáng: "Anh cũng không ngờ. Nhưng em nhận ra anh mà. Em còn trẻ vậy, lại mang theo sách bên người, còn đang học đại học?" 

"Vâng." Tôi gật đầu: "Em đang học năm thứ ba ở đại học Bắc Hoa, khoa kiến trúc." 

Anh nhíu mày, không có vẻ ngạc nhiên, xem ra cũng khá thoải mái: "Anh cũng tốt nghiệp đại học Hoa Bắc, bọn mình thật có duyên với trường đại học này, hai kiếp đều học ở đó. Tình cờ mới lên thành sách, câu nói này quả có lý." 

Tôi cũng thấy buồn cười, nâng má từ từ nói: "Nếu đem cuộc đời chúng ta viết thành kịch bàn, dựng thành phim, nhất định sẽ rất đặc sắc." 

"Đặc sắc? Anh cũng không biết." Anh nở một nụ cười thong dong với tôi. "Thẳng thắn mà nói, ngoại trừ những chuyện có liên quan đến em, những thứ khác anh đều không nhớ nổi. Đã từng làm gì, đã từng theo đuổi thứ gì, tất cả đều không nhớ được." 

Khi anh mỉm cười, khóe mắt thoáng hiện chút nếp nhăn nho nhỏ, dẫu rất nông song vẫn là dấu hiệu của tuổi tác. Anh trước mắt tôi, cho dù vẫn mang theo vẻ quyến rũ mê người nhưng dẫu sao cũng không phải là một chàng thanh niên hai mươi tuổi. Đáng lẽ tôi nên nghĩ ra, anh và kiếp trước tuyệt đối là hai người khác nhau, rất khó thấy được vẻ nhiệt tình và đầy hăng hái trước kia giữa vầng trán tương tự đó. 

Tôi ngừng một lúc rồi nói: "Không nhớ cũng đâu có gì lạ, dẫu sao mọi chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi." 

Anh mỉm cười tỏ ý tán thành, lễ phép hỏi tôi. "Em có rảnh không, hay kể cho anh chút chuyện trước kia đi? Đương nhiên nếu sáng nay em không bận chuyện gì." 

Sao mà không bận chuyện gì được. Kỳ thi cuối kỳ đã tới gần, tôi còn rất nhiều môn cần ôn tập. Tôi dụi dụi mắt, cố làm cho mình trông tỉnh táo một chút: "Đương nhiên rảnh rồi. Anh đã muốn nghe vậy để em kể." 

"Xin rửa tai lắng nghe." 

"Anh cũng từng học lịch sử, cũng biết Trung Quốc đầu thế kỷ hai mươi ra sao, dân tộc chìm vào biển lửa, nhân dân ăn bữa nay lo bữa mai, nhìn lại thì một đất nước to lớn là vậy bỗng đầy tang thương." Tôi nói, "Những chuyện đó chúng ta đều biết, nhưng sách tiếng Trung cho dù có tả cụ thể đến đâu thì người không tự trải qua thời đại đó rốt cuộc vẫn không cách nào hiểu được, không cách nào tưởng tượng nổi. Giới chính trị, giới quân đội rung chuyển không ngừng, trào lưu tư tưởng mới cũ giao chiến không ngớt, bên này la hét đòi vận động đòi cách mạng; bên kia lại bảo phải theo Tôn Khổng khôi phục nét cổ, khôi phục đế chế. Anh có tưởng tượng được không, toàn xã hội như một thùng sơn đun sôi, tất cả đều lộn xộn." 

Anh chăm chú lắng nghe. 

"Khi đó anh là thủ lĩnh hội thanh niên học sinh, nhóm của các anh bắt đầu bằng việc tự viết văn làm báo, phân tích tình hình thời sự, giới thiệu một số tác phẩm nước ngoài hay cho mọi người, em nhớ tờ báo ấy tên là 'Thế hệ thanh niên', lời mở đầu là do anh viết, cũng khá nổi tiếng hồi ấy. Giờ em vẫn đọc thuộc được đấy." Tôi nhìn anh mong đợi. "Anh còn nhớ không?" 

Vẻ mặt anh, nếu nói là mơ hồ chẳng bằng bảo là ngạc nhiên. Anh lắc đầu. 

"Lúc này, tôi không biết quốc gia ra sao, không biết xã hội như thế nào... Cơ sở lập nên một nước là nhân dân; hy vọng mới của nhân dân, cách giải quyết mọi vấn đề của xã hội đều nằm trong thế hệ thanh niên nước ta. Hạnh phúc của nhân loại, văn minh của quốc gia sao lại để lụi bại dưới tay phường trộm cướp được! Thử xem xem thế giới hôm nay là thiên hạ của ai!" 

Giọng nói trong trẻo mạnh mẽ, tôi nghe tới mức nhập thần, không kìm được, bắt đầu vỗ tay. Trong phòng học trống không, chỉ có hai người chúng tôi, tiếng vỗ tay cũng như dội lại. 

Thận Vi đứng trên bục quay sang hỏi tôi, sắc mặt hơi bối rối: "Sao nào?" 

Tôi lên tiếng khen: "Anh viết đúng là không chê vào đâu, bài viết này vừa có lý lẽ vừa có dẫn chứng, đọc lại rất thuận miệng, chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều học sinh." 

Thận Vi lắc đầu, chăm chú nhìn bản thảo, gần như tự nói: "Đoạn này vẫn không tốt, không thể làm lay động người khác được. Tối nay anh sẽ sửa lại, sáng mai đem in." 

Thận Vi, khi anh đã kiên trì thì cho dù có mười con trâu kéo cũng chẳng lại nổi, tôi nghĩ, nếu trở thành tờ báo đầu tiên của đoàn thanh niên đại học Hoa Bắc thì có cẩn thận một chút cũng tốt. 

Thời gian đó ngày nào tôi cũng về rất khuya, cùng Thận Vi viết văn làm báo, chưa nói tới chuyện xắp xếp cho bài bản, chỉ riêng chuyện in ấn đã khiến người ta cực kỳ vất vả rồi. Cả trường đại học chỉ có một máy in chì kiểu cũ, phải đạ p bằng chân, nghe nói là máy móc cũ do giáo sĩ truyền giáo mang đến, mọi thứ đều phải thao tác bằng tay, lúc ống đồng ăn còn kêu lên ầm ầm, chỉ hơi không chú ý sẽ bị mực in phun đầy người. 

Mọi gian khổ rồi cũng được đền đáp. Những lời kêu gọi qua câu chữ của chúng tôi đã nhận được hồi âm, tạo thành tiếng vọng cực lớn trong giới giáo dục. Lúc lên lớp, các giáo viên còn khen ngợi Thận Vi, bảo văn của anh "tràn đầy cảm xúc, trong vẻ tự lập lại tràn đầy tình yêu đất nước Trung Hoa"; sau khi tan lớp, rất nhiều bạn học sôi nổi tới hỏi anh, trong đó phần lớn là bạn học nữ. Những cô gái vốn thích Thận Vi giờ lại thăng lên thành sùng bái, lại bị tư tưởng trào lưu phương Tây ảnh hưởng, không cho rằng chuyện "nam nữ thụ thụ bất thanh" giờ còn ý nghĩa gì nữa, dán sát vào anh, quấn quít mãi không rời 

Thận Vi là người khiêm tốn, các bạn học nữ nhiệt tình như vậy khiến anh vừa bất đắc dĩ vừa buồn cười, cuối cùng anh nghĩ ra cách: không giải thích gì thêm, chỉ nắm tay tôi đi vòng một vòng quanh tòa nhà của trường. 

Trong lòng tôi ngoài ngọt ngào ra vẫn chỉ có ngọt ngào, lại không nhịn được hỏi: "Anh có nghe người khác nói thế nào về mình không? Nói anh kết thân với con gái đại tướng Lý, muốn leo lên giới quyền quý." 

Anh nhíu mày, nắm chặt tay tôi: "Lý Bách Nghi là Lý Bách Nghi, liên quan gì tới người khác?" 

Thời gian đó, tối nào tôi cũng mang theo mùi mực về nhà. Tôi len lén đuổi tài xế trong nhà đi, để Thận Vi đưa mình về nhà. Một trăm năm trước ánh trăng cũng sáng trong và hiền dịu như hiện giờ, trong lúc chúng tôi chưa phát hiện đã lặng lẽ rủ xuống, chúng tôi tới đâu, nó theo tới đó, cũng như tôi và anh, vĩnh viễn không rời. 

Có lúc mệt mỏi quá, mệt tới mức không ngóc đầu lên được; Thận Vi cõng tôi, bước từng bước một về. Trên đường rất vắng người, giầy anh giẫm trên những phiến đá trên đường, tạo thành từng tiếng vang rất có tiết tấu, cũng như nhịp tim đập của anh, không nhanh không chậm, dường như đây là âm thanh duy nhất trên thế gian này. Tôi dựa vào lưng anh, quay đầu nhìn khắp bốn phía, bóng đêm âm trầm, những ngôi nhà mờ mịt trong màn đêm lộ ra những đường nét rất khó nhận ra. 

Anh bỗng dưng bước chậm lại, chậm rãi mở miệng nói: "Bách Nghi, em có hối hận khi quen anh không? Anh khiến em vất vả như vậy. Thật ra em muốn gì cha cũng có thể cho em mà." 

"Quen anh là điều tuyệt vời trong cuộc đời em, anh đã cho em rất nhiều rồi," Tôi trả lời từ từ từng câu từng chữ một. "Không chỉ tình cảm, trước khi anh xuất hiện, em được nuông chiều tới mức hư hỏng, chưa từng biết một người phải làm sao mới được coi là chính trực, phải thế nào mới có thể đỉnh thiên lập địa không thẹn với lòng. Gánh vác trách nhiệm với quốc gia dân tộc mới là một con người chân chính, giờ em cảm thấy cuộc đời em hiện tại mới thực sự có ý nghĩa, như ngọn nến được thắp sáng lên." 

Thận Vi không nói gì, tôi cảm thấy thân thể anh hơi run run, bèn hỏi: "Tâm nguyện lớn nhất của anh là gì?" 

Lần này anh trả lời rất nhanh, gần như không cần tự hỏi chút nào: "Anh muốn giúp cho mọi người dân nghèo Trung Quốc đều được hạnh phúc. Và, ở bên em đến già." 

Sống mũi tôi cay cay, ôm chặt cổ anh: "Sẽ vậy, đương nhiên là vậy." 

Thế nhưng câu nói của tôi không thành sự thật. Trên thực tế, mọi chuyện tôi mong chờ nhất trong kiếp trước cuối cùng đều chẳng thành công. Khi sự nhiệt tình của học sinh sinh viên va chạm với nguyện vọng phục hồi đế chế phong kiến của những người đương thời, bi kịch của tôi và Thận Vi mới thực sự bắt đầu. 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t48410-thoang-nhu-hom-qua-chuong-2.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận