Trường Hận Ca Chương 11

Chương 11
Người có biệt danh Cô-lo

Người có biệt danh Cô-lo

“Cô-lo tiên sinh” ấy là những nhân vật sang trọng, giàu có, gặp nhiều trong những năm 50 và 60. Trong xã hội mới, những người này vẫn giữ phong cách cũ, lấy bảo thủ để thúc đẩy tiến bộ. Biệt danh “Cô-lo” bắt nguồn từ tiếng Anh “colour”, biểu hiện đặc trưng văn hoá thời thực dân. Tiếng Anh này trở thành khẩu ngữ dân gian của thành phố, ý nghĩa cũng mở rộng, theo thời gian, càng ngày càng xa ngữ nghĩa. Những người được gọi là “Cô-lo tiên sinh” cho đến những năm 80 hầu như không còn, còn dăm ba người thì cũng đã lớn tuổi, khuôn mặt đã biến đổi, mọi người quên dần cái tên ấy. Nhưng thật kỳ quái, giữa những năm 80, không biết từ đâu xuất hiện những “Cô-lo” mới, những người này bằng lòng buồn tẻ hơn những “Cô-lo tiên sinh” thời trước, vẻ mặt hiền lành, không tỏ ra  bịp đời, phỉnh phờ thiên hạ. Trong đám đông qua lại, ít ai nhận ra bóng dáng những người này. Vậy thì tìm họ ở đâu?

Khi mọi người đổ xô đi sắm bộ giàn loa thì con người ấy thích đĩa hát cũ; mọi người chuộng các loại máy ảnh Nikon, Minolta tự động thì những nhân vật ấy chơi máy ảnh Rolex 120, tay đeo đồng hồ cơ, uống cà-phê phin, dùng kem cạo mặt, chơi máy chiếu phim đèn chiếu, đi giày mõm nhái... đích thị đó là “Cô-lo tiên sinh”. Mỗi khi tìm thấy những vị này, đừng nhìn anh ta, hãy nhìn những gì thời thượng trước mắt, bất giác nhận ra cái thô bỉ, tầm thường của thời thượng. Giữa xô bồ ồ ạt mọi thứ không thể nào làm tỷ mỷ cẩn thận được. Giống như đang bị rượt đuổi, từng đợt từng đợt liên tiếp bứt phá. Vừa đòi hỏi nhiều, vừa đòi hỏi nhanh, thế là không thể không bớt công, cắt xén nguyên liệu, làm dối làm ẩu, càng ngày càng sa sút. Cứ nhìn vào các cửa hiệu áo quần thì rõ, trên tường, trên giá, trong tủ và cả những sạp hàng trước cửa hiệu đều chưng biển đại hạ giá, “mốt” này chưa kịp bán hết, những “mốt” mới đã đến, không đại hạ giá biết làm thế nào? Những “Cô-lo tiên sinh” là chút tinh tế còn sót lại của những trào lưu “mốt” được làm dối làm ẩu. Bọn họ rất sành điệu, tuy không một lời tuyên bố, không lý luận dài dòng, nhưng đứng vững, mỗi bước đi đều để lại một dấu chân, mình làm để người khác nói. Thậm chí họ không có cả tên gọi, gọi họ là “Cô-lo tiên sinh” chỉ là phát minh của một vài người nào đó, cũng không  lưu truyền rộng rãi. Bởi bọn họ không tên không họ, chỉ lặng lẽ cấy cày thửa ruộng của mình. Thật ra, có thể gọi đó là những người hoài cổ, tuy là những người mới, không lấy đâu ra “cổ” để hoài niệm, nhưng họ ra bờ sông, ra đến giữa sông quay lại ngắm nhìn  những dãy kiến trúc cổ điển và tháp chuông Gothique, mọi ô cửa sổ đều thâm nghiêm, tất cả đều là đường hầm thời gian. Bọn họ leo lên sân thượng các toà cao ốc để thả chim bồ câu hoặc thả diều, dưới tầm mắt là một đại dương mái nhà, một vài cái nhô cao trông như những cánh buồm, là dòng chảy của thời gian. Cả những cửa sổ tò vò nơi đầu hồi, tiếng dương cầm từ trong những toà biệt thự vọng ra, đều là món ăn của hoài cổ.

Kỳ Dao quen một trong số đó, anh ta năm nay hai mươi sáu tuổi. Mọi người gọi anh ta là Cô-lo có ý hài hước để ám chỉ vóc dáng anh ta nhỏ bé. Anh ta là thầy giáo dạy thể dục ở một trường trung học, thường mặc áo quần vận động viên, tóc cắt kiểu bàn chải. Bởi phải tác nghiệp ngoài trời nên da đen. Trong trường anh ta ít nói, không chơi bời với đồng nghiệp nào, chẳng ai biết anh ta là một tay chơi guitar Espanol giỏi, trong nhà có cả trăm đĩa nhạc Jazz cũ. Nhà anh ta ở trong một ngõ cổ bên khu Hồng Khẩu, bố mẹ đều là công chức cần cù, tiết kiệm, chị gái đã đi lấy chồng. Một mình anh ở trên gác ba, máy hát, đồ dùng để cả ở sàn, vào phòng phải cởi giày, ngồi bệt xuống sàn, trở thành nhất thống thiên hạ. Mở cửa sổ tò vò từ căn phòng của anh có thể thấy những mái ngói nghiêng nghiêng, mùa hè có nhà trải chiếu lên mái ngói, buộc mình vào cửa sổ bằng một sợi dây ba-lô và nằm ở trên đó. Bầu trời lúc này xanh thăm thẳm, lấp lánh những vì sao. Tiếng ầm ỳ từ một nhà máy nơi xa vọng lại, trong đêm, cột khói bay lên từ ống khói in trắng lên bầu trời. Mọi âm thanh của đêm lắng xuống, như hoà tan trong không gian, không suy tư, nghĩ ngợi. Anh ta chưa có bạn gái. Trong đám bạn bè tuy có không ít tình cảm với nhau, nhưng đến mức thân thiết thì dừng lại không phát triển tiếp, bởi không có nhu cầu tiến thêm bước nữa. Anh ta cũng chẳng có chút lý tưởng gì về cuộc sống, chỉ cần có việc làm, cũng biết mình phải đi tìm việc, bởi thế có thái độ tích cực. Không có mục tiêu xa, nhưng gần thì có. Bởi vậy, anh ta không có điều gì phải lo nghĩ, chẳng qua thỉnh thoảng buồn vô cớ. Nỗi buồn ấy cũng có sự an ủi, ấy là nhạc Jazz của những năm hai mươi. Tiếng kèn saxophone lẫn với tiếng kim chạy trên đĩa hát, xè xè, gây cảm giác rờn rợn trên da thịt. Anh ta thích những bài hát cũ, những gì mới không thể làm anh ta thích thú, chỉ mang tính bột phát, không có gì là cơ bản. Nhưng cũng không quá cũ, cũ không đến mức cổ lỗ, quá mức hoang tàn, chừng một trăm mười năm là vừa. Những gì mới rộ lên trong một số ít người, chỉ là đốm sáng trong trời đêm tối như mực, con đường rải đá bằng phẳng, một toà nhà kiểu Tây, chút âm hưởng uyển chuyển réo rắt trong mớ âm thanh hỗn độn. Nói đúng ra, những gì mà nhạc Jazz cũ có thể đại diện và khái quát.

Đám b n trai, bạn gái của Cô-lo đều là những nhân vật thời thượng, trong mọi chuyện, bọn họ và Cô-lo là hai thái cực, bọn họ ở mũi nhọn của trào lưu. Thành phố này có sân quần vợt, bọn họ là khách đầu tiên; khách sạn nào có bowling bọn họ cũng là những khách đầu tiên. Họ là bạn học của Cô-lo hồi học thể dục thể thao, lấy tinh thần thể thao để dắt dẫn và cũng là đặc trưng của trào lưu thế giới ngày nay. Họ chuộng những loại áo quần thể thao mang thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, còn như thương hiệu Pierre Cardin đã trở nên lạc hậu. Hình ảnh những người này xuất hiện trên đường phố, phần lớn là cưỡi mô-tô, phía sau đèo một cô gái tóc dài bay bay, phóng nhanh như gió. Điên cuồng nhất trong điệu nhảy Disco cũng là họ. Bằng mọi cách, bọn họ kết bạn với một vài người nước ngoài, cùng tham gia các hoạt động để có bộ mặt quốc tế, đồng thời để được tự do ra vào những nơi có khách nước ngoài. Cô-lo là người lặng lẽ, không có chỗ đứng trong đám người kia. Khi mọi người ồn ào náo nhiệt thì anh ta đứng nép sang một bên, có hay không có anh ta cũng chẳng sao. Trông anh ta thật buồn tẻ, nhưng cái buồn tẻ của anh làm cho đám bạn bè vui vẻ thêm nổi trội. Cho nên, có anh ta hay không có anh ta cũng khác. Nói về anh ta, cũng rất cần một bối cảnh thời thượng, ném anh ta vào trong mênh mông biển người, chới với, không nơi bấu víu, khiến những cái cũ kỹ của anh ta khó tránh khỏi bị nhận chìm. Bởi những cái xưa cũ kia là biểu tượng của sự lỗi thời, để người đời nhận biết, nó đành phải tìm một vị trí mới mẻ để hiện rõ giá trị đích thực. Tựa như một cổ vật được đặt trên nền nhung đẹp, nếu không có cái nền đó, người ta sẽ vứt cổ vật kia vào thùng rác. Vì thế, anh ta không thể tách mình khỏi đám người kia, tuy buồn tẻ, nhưng rời bỏ thì ngay cả buồn tẻ cũng không, có chăng sẽ trở thành tầm thường. 

Bố mẹ của Cô-lo coi anh ta như đứa trẻ ngoan ngoãn: không hút thuốc, không uống rượu, có công việc tử tế, sinh hoạt ngoài giờ thật đúng mực, cũng không có quan hệ nam nữ thiếu đứng đắn. Hồi anh ta còn nhỏ không ham chơi, mỗi tuần xem phim một lần, đó là tất cả những thú vui của những người được gọi là Cô-lo. Có dạo, mẹ anh ta thích sưu tập những bản giới thiệu phim, đến thời Cách mạng văn hoá bà phải đốt hết bộ sưu tập đó, về sau các rạp chiếu phim không còn phát hành những tập truyện phim ấy nữa. Đến khi có vô tuyến truyền hình họ không còn đi xem phim. Sau bữa cơm tối là mở máy thu hình cho đến tận mười một giờ. Có máy thu hình, những năm cuối đời của họ trở nên tốt đẹp. Con trai ở trên gác mở nhạc cũ, bố mẹ nghe đến đinh tai nhức óc, điều này càng làm bố mẹ cho con là đứa trẻ ngoan. Anh ta ít nói cũng khiến bố mẹ yên tâm. Tuy cả nhà ăn cùng mâm, nhưng suốt bữa ăn hầu như không nói câu nào. Thật ra họ là những người xa lạ, nhưng sáng chiều gặp nhau, nên sự xa lạ không là gì. Mà nó phải thế. Suy cho cùng, tất cả họ đều là người thật thà, mọi cử chỉ, tâm tư đều thu gọn, bất kể vật chất hoặc tinh thần, chỉ cần một chút không gian là đủ. Dưới những mái nhà trong các hẻm của Thượng Hải ẩn náu không biết bao nhiêu kiếp người tằn tiện như thế. Có những lúc cảm thấy nơi ấy huyên náo, hễ mở cửa sổ ra tiếng ồn lập tức đập vào tai, nhưng đừng trách, đó là những động tĩnh của kiếp sống đơn sơ, góp nhặt, tích tiểu thành đại. Rốt cuộc họ vẫn sống, cũng có tiếng động. Trên sân thượng những đêm hè, người nằm ngắm sao không chỉ là một đứa trẻ, lòng họ cũng cồn cào không biết  về đâu, đành lên mái nhà vậy. Trên đó thoáng đãng biết bao, tự do biết bao, ngay cả bồ câu cũng phải bồi hồi xao xuyến nhường khoảng không của chúng. ở đó, tiếng ồn chìm xuống, con người nổi lên, bay bổng chốc lát là đủ. Trong những hẻm có cửa sổ tò vò như thế, cũng có những khúc hát trái tim không bình thường bị dồn nén bật ra, cửa sổ tò vò là thanh quản.

Nơi thật sự hiểu Cô-lo là những đường phố phía tây Thượng Hải, bởi anh ta thường lui tới, nơi ấy có bóng cây che mát. Bóng cây cũng có lịch sử của nó, che nắng cả trăm năm nay, đường phố Mậu Danh từ chỗ ồn ào đến yên tĩnh, ồn ào và yên tĩnh đều có năm tháng. Anh ta thích đi dạo ở đây, bởi có cảm giác lội ngược dòng thời gian. Anh nghĩ, phố này có đường tàu điện, dù có tình huống nào đi nữa thì trên tàu điện vẫn là hai dãy ghế gỗ, ở đấy có chiếu phim câm đen trắng, trong kẽ những viên gạch và trụ đá đều có chữ, cố đọc có thể đọc ra sự trải nghiệm xưa cũ. Những đường phố phía đông Thượng Hải cũng rất hiểu Cô-lo, con đường nào cũng chạy thẳng ra bờ sông, phong cảnh ở đây phóng khoáng, thoáng đãng, phim câm đen trắng là phim sử thi, sự trải nghiệm cũng rất bão tố dữ dội. Chim bay lượn trên mặt sông không ngày tháng, cũng như bồ câu, điều anh ta mong muốn ở đây không có năm tháng. Mong muốn không có gì quá đáng, không phải trời rộng đất dày gì, mà chỉ là thời gian năm chục năm. Như mặt trời ở thành phố này không mọc lên từ đường chân trời hoặc đường mặt biển, mà mọc lên từ mái nhà, tóm lại bị hớt đầu mất đuôi, chỉ ở một khoảng giữa. Xét ra, thành phố này vẫn là một đứa trẻ, không có bao nhiêu ngày tháng để nhìn lại. Những đứa trẻ như Cô-lo lại thành một ông già, tưởng đâu trong chốc lát có thể kể lại chuyện cũ. Lời tâm sự để nói với cảnh xưa. Đồng hồ trên nóc nhà hải quan vẫn điểm là thứ bất diệt trong mây khói phiêu diêu, anh ta nghe thấy tiếng vọng của ngày xưa. Cô-lo đi trên đường thể nào cũng có gió thổi ngược lại. Là gió biến hình từ giữa những dãy nhà tràn ra, anh hờ hững nhìn, nhưng lòng lại rất sôi nổi, thậm chí có cảm giác như đang hát múa. Anh rất thích mặt trời lặn trên thành phố, đường phố lúc mặt trời lặn giống như bức tranh sơn dầu phai màu, rất hợp với tâm trạng thành phố.

Hôm ấy, bạn bè nói nhà ai đó có hội vui, có những ai những ai đến, nghe đâu có cả hoa hậu Thượng Hải hồi xưa cùng dự. Anh ta ngồi sau xe mô-tô của bạn, phóng về phía tây thành phố, đến một khu chung cư mới gần sân bay. Bạn anh ta trú trong một căn hộ kiều hối tận trên tầng mười ba, căn hộ của một người bà con ở nước ngoài mua và nhờ trông coi giúp. Bình thường người bạn này cũng không ở, chỉ mỗi lần tổ chức hội hè, tụ tập bạn bè vui với nhau một đêm hoặc một ngày. Những buổi tụ hội như thế cũng dần dần có tiếng vang, một truyền mười, mười truyền trăm, người đến dự cũng một kéo theo mười, mười kéo theo trăm, anh ta đều hoan nghênh. Đông người, khó tránh khỏi vàng thau lẫn lộn, không ít kẻ thiếu đứng đắn cũng trà trộn vào, tất sẽ có chuyện, ví dụ như trộm cắp. Nhưng theo quy luật, đông người cũng có cái tốt. Bởi thế, có lúc những nhân vật đặc biệt cùng tham dự, ví dụ như các ngôi sao điện ảnh, những tay độc tấu violon của dàn nhạc, nhà báo, con cháu một vị tướng lĩnh Cộng sản hoặc Quốc dân đảng nào đó. Những cuộc hội họp kiểu này như một mặt trận, có biết bao nhiêu chuyện cũ, chuyện mới được trao đi đổi lại, lan truyền không gian phòng khách, thật sự ồn ào, vui vẻ.

ở khu chung cư mới này, hễ mở cửa sổ ra là thấy cao ốc như rừng, cửa sổ có ô sáng, ô tối, bầu trời mênh mông, trăng sao như xa hơn. Nhìn xuống, ô tô trông bé bằng hạt đỗ, nối dài thành chuỗi long lanh, chạy trên những con đường rộng rãi, thẳng tắp. Cách xa đấy lúc nào cũng có một công trường, đèn sáng thâu đêm, tiếng máy đầm rung lên từng hồi, từng hồi vang động không trung. Bụi xi măng lẫn trong không khí, gió thì hào phóng, ào ào hành quân qua các dãy nhà. ánh đèn ở khu khách sạn, bởi giữa rừng nhà cao to, nên tỏ ra buồn tẻ, nhưng là buồn tẻ của choáng lộn, sáng sủa, tưởng như có niềm vui xuyên tận đáy lòng. Nơi này đúng là một khu mới, là tấm lòng rộng mở, không như trong phố, ấp ủ nỗi niềm uẩn khúc, khó mà hiểu nổi. Đến khu mới có cảm giác như ra khỏi thành phố, đường sá và nhà cửa theo một kiểu khác hẳn, ngang bằng sổ thẳng như đạo lý được diễn tả rõ ràng, không giống trong phố, như lôi từ trong ổ, trong hang ra.

Dưới bầu trời đêm khu mới, tiếng cười tiếng nói trong căn hộ kiều hối tầng thứ mười ba tan ngay trong giây lát, tiếng nhạc cũng tan biến. Chỉ một chút vui vẻ ấy ở khu mới có là gì đâu? Trong khuôn cửa sổ ồn như tổ ong, ngập tràn niềm vui mới. Chưa có những gì của các khách sạn bốn sao hoặc năm sao, ở đấy đêm nào cũng tiệc tùng, vũ hội, chiêu đãi. Lại ẩn giấu cả những thiên diễm tình, cái đó cũng rất kêu, rất danh chính ngôn thuận, cửa buồng chỉ cần treo tấm biển “Xin đừng quấy rầy”. ở nơi đó niềm vui có đủ màu da, niềm vui của khắp thiên hạ. Nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, những bài hát của đêm Giáng sinh vang lên thì không thể nào phân biệt nổi niềm vui là của Trung Quốc hay của ngoại quốc. Lên đến đây như không tim, không ưu tư, bởi chưa kịp tích luỹ một hồi ức nào, đầu óc vẫn còn trống rỗng, chưa phải dùng đến trí nhớ. Đó là toàn bộ trạng thái tinh thần của khu nhà mới. Tiếng nói cười ồn ào trên tầng thứ mười ba như hạt tấm giữa biển khơi. Duy chỉ có chị điều khiển thang máy phiền lòng đôi chút, từng toán, từng tốp tay xách rượu hoặc ôm hoa, ào vào thang máy rồi ào ra, phần lớn là những người lạ, đủ loại người.

Anh chàng Cô-lo đến không rõ là tốp thứ mười mấy. Cửa hé mở, bên trong lố nhố bóng người. Họ vào, không ai chú ý, nhạc mở oang oang, âm thanh cực mạnh. Trong căn phòng thông ra hành lang, một nhóm đóng cửa ngồi xem phim truyền hình. Cửa hành lang mở, gió thốc vào từng cơn, như cổ vũ, thôi thúc. Một ngư i con gái ngồi ở góc phòng, trắng trẻo, trang điểm qua loa, mặc váy lụa màu tím nhạt. Nàng ngồi ôm hai vai, người hơi ngả về phía trước, nhìn màn hình. Có lúc, tấm rèm cửa sổ khẽ lay động bên gấu váy cũng không làm nàng bận tâm. Khi màn hình sáng lên có thể thấy phía dưới mắt nàng hơi bị sụp xuống mới biết được tuổi tác của nàng. Nhưng rồi giây phút tuổi tác ấy cũng nhanh chóng qua đi, bị che lấp. Tuổi tác rón rén đến, chỉ sợ để lại tỳ vết, nhưng vẫn phải bất đắc dĩ lưu lại. Đó là Kỳ Dao năm 1985.

Thật ra, trong những bài hồi ức về Thượng Hải, tái hiện cảnh phồn hoa của năm 1946, đã thấp thoáng cái tên Kỳ Dao. Cũng có đôi ba người nhiễu sự truy tìm nguồn gốc của Kỳ Dao, viết những điều bịa đặt trên những tờ báo lá cải, nhưng không có một phản ứng nào, thế là chìm sâu. Năm tháng qua đi, dù là những chuyện huy hoàng rực rỡ, một khi rơi vào vực thẳm thời gian, nếu có được chút ít hồi quang cũng may mắn lắm rồi. Vầng hào quang của bốn mươi năm trước, cũng như con người Kỳ Dao, già yếu không theo ý muốn. Thậm chí vầng hào quang ấy còn thêm tuổi cho Kỳ Dao, ghi dấu tuổi tác cho nàng. Như những tấm áo cất tận đáy hòm, tốt thì tốt đấy, nhưng đã lỗi thời, khoác lên mình sẽ biết đó là người đã trải nhiều năm tháng, bởi vậy nó tăng phần xưa cũ cho nàng. Duy chỉ có Vĩnh Hồng là xúc động, thoạt đầu không tin, sau rồi tin, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề. Bắt đầu Kỳ Dao ngần ngại, nhưng dần dà cũng mở cái hộp chuyện của mình, lại càng có nhiều câu hỏi để nàng trả lời. Có nhiều việc đã quên, bất ngờ được nhắc lại, tất cả những chi tiết vụn vặt, từng giọt, từng giọt nhỏ hội lưu thành dòng sông lớn. Đó là biểu hiện ưu thế của người con gái, chẳng phải là điều mà những người con gái ganh đua tài sắc trên phố Hoài Hải cần đó sao? Hết trào lưu nọ đến trào lưu kia, dồn đẩy từng đợt sóng, há chẳng phải để giành ưu thế đó sao? Vĩnh Hồng hiểu được giá trị của niềm vinh quang đó, nói:

- Cô thật đáng kính nể!

Vĩnh Hồng giới thiệu Kỳ Dao với từng người bạn trai của mình, mời Kỳ Dao đến dự những buổi hội vui. Đến dự những hội vui của cánh thanh niên, nàng biết thân biết phận ngồi vào một góc, nhưng nàng đã điểm thêm màu sắc huy hoàng cho những buổi đó. Thông thường mọi người không trông thấy nàng, cũng không coi nàng là người dư thừa, nhưng tất cả đều biết tối nay có mặt “hoa hậu Thượng Hải”. Có những hôm mọi người mong nàng đến, nhưng lại không biết nàng đang ngồi trong góc tường đến tận lúc tan cuộc ra về. Nàng ăn mặc rất hợp, cử chỉ nhã nhặn, ai cũng vừa lòng, không trở ngại đến ai. Nàng như sự trang trí, một bức họa trong phòng khách. Sự trang trí và bức họa với gam màu ấm, màu vàng đậm, thật sự hoa lệ, có thể phai màu nhưng không mất gốc. Còn những thứ khác, đều là phù hoa thoáng chốc.

Cô-lo trông thấy Kỳ Dao ở những buổi họp mặt đó, anh ta nghĩ: đây là “hoa hậu Thượng Hải” mà mọi người vẫn nói ư? Anh ta toan bỏ đi thì thấy Kỳ Dao ngước mắt, nhìn một lượt rồi lại cụp mắt xuống. Cái nhìn có vẻ hoảng hốt bối rối, nhưng không cầu khẩn ai hoặc mong muốn tha thứ điều gì. Lúc này Cô-lo mới nhận ra rằng mình không công bằng, anh ta nghĩ bụng: Hoa hậu Thượng Hải, chuyện đã bốn chục năm nay rồi! Anh ta nhìn lại nàng, trước mắt như không thật, nhìn không đúng chỗ, trong giây lát bàng hoàng, anh như thấy lại bóng dáng của hơn ba mươi mươi năm trước. Thế rồi, bóng dáng ấy mờ dần, đột hiện, có thêm những chi tiết. Nhưng những chi tiết ấy không thật, hiện lên trước mắt, nhói lòng. Anh ta thấy rõ một sự thật tàn bạo, đó là sức tàn phá của thời gian. ở cái tuổi hai mươi sáu của anh ta lẽ ra không nên biết thời gian nông sâu, thời gian chưa dạy anh về đạo lý, bởi thế anh mới dám hoài cổ, mới dám nói thời gian là tốt! Thời gian trong nhạc Jazz đúng là tốt, nó nhào nặn sự vật trở nên rắn chắc và trơn nhẵn, mài phẳng bề mặt sự vật, hiện lên những đường gân li ti, mang ý nghĩa lửa thử vàng. Nhưng hôm nay anh ta thấy không phải là sự vật trong nhạc Jazz cũ, mà là một con người, anh không biết nên nói thế nào. Sự vật có phần buồn thảm, anh ta thấy mình chạm đến nhân lõi thời gian cũ mà trước đây vẫn lướt qua vỏ bọc thời gian. Cô-lo không bỏ đi, như có gì đó níu chân anh lại. Tay anh nâng ly rượu, đứng tựa cửa, mắt nhìn vào máy thu hình. Kỳ Dao đi vào phòng vệ sinh. Khi đi qua chỗ anh ta đứng, anh mỉm cười. Kỳ Dao lập tức nhận lấy cái cười ấy và lộ vẻ cảm động, nở nụ cười đáp lại. Chờ đến lúc Kỳ Dao quay vào, anh ta hỏi, có cần lấy nước uống không? Nàng chỉ vào góc phòng, nói ở đó đã có ly trà rồi, không cần. Anh ta lại mời Kỳ Dao khiêu vũ, nàng chần chừ giây lát rồi cùng khiêu vũ với anh.

Trong phòng đang mở một điệu nhạc Disco, chân họ bước theo nhịp ba, tiết tấu chậm hẳn lại. Mọi người đang quay cuồng, duy chỉ có họ bất động, tựa ốc đảo giữa muôn trùng sóng. Kỳ Dao xin lỗi, bảo anh cùng nhảy Disco, đừng uể oải như thế nữa. Anh ta lại bảo mình thích thế. Bàn tay anh ta để ở cạnh sườn Kỳ Dao cảm thấy những rung động diệu kỳ của cơ thể nàng, những rung động lấy bất biến ứng vạn biến, trong bất cứ tiết tấu nào cũng có thế nhận biết những rung động vượt qua thời gian kia. Anh ta rất xúc động, lặng lẽ, chợt nghe nàng khen anh nhảy đẹp, nhảy đúng phong cách la-tinh cổ điển. Lại có người mời Kỳ Dao nhảy. Những bước nhảy của họ ung dung, có lúc ánh mắt gặp nhau, cười hiểu ý nhau, thoáng chút vui mừng tình cờ. Đêm Quốc khánh, trên sân thượng toà nhà đó có bắn pháo hoa, một đoá hoa cô đơn chậm rãi nở trên bầu trời đen thẳm, rồi tung ra muôn vàn ánh sao sa, biến dần và để lại một bóng trắng mờ nhạt rất lâu mới tan vào màn đêm.

Từ sau lần ấy, Kỳ Dao gặp lại Cô-lo trong một vài buổi vui khác, dần dần quen nhau. Một hôm, Cô-lo nói với nàng: anh ta ngờ rằng mình là người của bốn mươi năm trước, có thể đã chết vì một tai nạn nào đó rồi đầu thai trở lại, số kiếp vẫn chưa trọn nên khó quên người xưa, cảnh cũ. Kỳ Dao hỏi anh căn cứ vào đâu để nói thế. Anh ta nói, căn cứ vào việc vô cớ hoài tưởng Thượng Hải bốn mươi năm trước. Việc ấy liệu có liên quan gì đến anh ta? Có lúc anh đang đi ngoài phố, chợt như trở về với quá khứ, phụ nữ mặc xường xám, con trai mặc lễ phục, xe điện leng keng, tiếng rao “Ai mua hoa bạch lan đây” thánh thót như chim hót, cả tiếng kéo cắt xoàn xoạt, giòn tan của các hàng tơ lụa dọc phố. Bản thân anh ta cũng trở thành người cũ, một người con trai có vợ hiền, sống quy củ, tóc rẽ ngôi giữa, tay xách cặp, đi làm ở sở Tây. Nghe đến đây, Kỳ Dao bật cười, nói:

- Như thế nào là một bà vợ hiền?

Anh ta mặc Kỳ Dao, cứ thế nói: một hôm, anh ta ngồi tàu điện đi làm, bất ngờ trên tàu gặp một vụ đấu súng, đặc vụ của Uông Tinh Vệ truy giết phần tử Trùng Khánh đánh nhau trên toa tàu, đuổi nhau từ đầu toa đến cuối toa, anh ta bị thương vì một viên đạn lạc. Kỳ Dao nói:

- Chuyện anh xem trên truyền hình đấy chứ?

Anh ta vẫn tỉnh bơ, nói rằng, mình quả là một oan hồn, lòng không đặng, bởi thế cho đến hôm nay, người là của hôm nay, cõi lòng vẫn của ngày xưa ấy. Anh  nói:

- Chị thấy đấy, em rất thích chơi với những người hơn tuổi mình, như thế em có cảm giác đã quen biết nhau.

Lúc này, nhạc lại nổi lên, hai người cùng ra nhảy với nhau. Nhảy được nửa chừng, bất giác Kỳ Dao bật cười:

- Tôi mới là người của bốn mươi năm trước, nhưng muốn trở lại thời ấy cũng không được, còn anh muốn trở lại thì cứ việc trở lại!

Anh ta thấy xúc động, không biết trả lời thế nào. Nàng nói tiếp:

- Cứ coi như đó là một giấc mơ, là giấc mơ của tôi, không chờ đến lượt anh, nhưng lại giống nhau!

Nói xong, hai người cùng cười. Tan hội, Cô-lo mời Kỳ Dao vào một dịp nào đấy cùng đi ăn cơm. Nàng cười thầm nhưng cũng cảm động khi thấy anh ta đang sắm vai quân tử hào hiệp, liền nói:

- Thôi, để tôi mời! Không đi tiệm, mời đến nhà tôi ăn bữa cơm thường, anh vui lòng thì đến, không đến cũng chẳng sao.

Đúng hẹn, Co-lo đến rất sớm, ngồi ở sofa xem Kỳ Dao nhặt giá. Kỳ Dao mời luôn cả Vĩnh Hồng và bạn trai mới của Hồng, mọi người vẫn gọi anh này là Chân sếu. Sắp đến giờ ăn hai người mới đến. Thức ăn đã bày lên bàn, Cô-lo như một nửa chủ nhà, xăng xái bày bát đũa. Bởi khách chỉ là lớp đàn em, Kỳ Dao không khách khí gì, thức ăn nguội, thức ăn nóng cùng bày lên một lúc, chỉ có món canh vẫn trên bếp lò. Vĩnh Hồng và bạn trai của cô không quen Cô-lo, đã gặp mặt nhưng chưa biết tên, chưa hỏi chuyện bao giờ. Đôi bên cùng lạ, không biết nói chuyện gì, tất cả do Kỳ Dao dẫn chuyện. Bởi đang ăn nên nói toàn chuyện món ăn, Kỳ Dao nói đến những món ăn không có trên bàn hôm nay, ví dụ món gà tần nước dừa Inđônêxia, vì không mua được nước cốt dừa. Cả món thịt xá-xíu Quảng Đông, không đâu bán bột xá-xíu. Hoặc các món khác như gan ngỗng Pháp, nước mắm Việt Nam... Kỳ Dao nói, đó là những món ăn vẫn có trên bàn ăn bốn mươi năm trước, tựa như hội nghị Liên hợp quốc, thức ăn của nước nào cũng có. Thượng Hải thời đó như một thế giới nhỏ, có thể thưởng thức phong vị đông tây nam bắc, nhưng nói gì thì nói, phong vị là thứ ở ngoài cửa sổ, quan trọng hơn là những gì ở trong cửa sổ, đó là điều cơ bản hàng ngày. Bốn mươi năm trước những thứ đó không phải nói, không cần niêm yết, cũng không cần quảng cáo, một hạt gạo, một ngọn rau cũng đều ngon, không hiểu tại sao bây giờ cái gì cũng xô bồ, nháo nhào, cứ như thức ăn trong chảo lớn của nhà ăn tập thể vậy. Nên nhớ rằng, mỳ của bốn mươi năm trước cũng từng bát một. Cô-lo biết Kỳ Dao nói những chuyện đó cho mình, ý chừng bảo với anh ta rằng đó là nỗi niềm bốn mươi năm trước, nhưng anh ta cho là những chuyện vặt. Anh ta biết Kỳ Dao đang cười mình, chẳng những không thấy khó chịu, trong lòng còn lý thú vì những lời phê phán, đó là những điều nhập môn của anh ta. Anh ta còn hiểu được cái thông minh của Kỳ Dao, cái thông minh của bốn mươi năm trước, không giành được địa vị nào, nhưng nhẫn nhục chịu đựng, không giương nanh múa vuốt, kêu gào hò hét, mà phần lớn là suy nghĩ cho người khác, ít tính toán vì bản thân, trong đó ấp ủ mối quan tâm. Cái thông minh bốn mươi năm sau không thể nào có.

Sau lần ấy, anh ta đến chơi thường xuyên hơn. Một bận, anh ta đến, gặp Vĩnh Hồng đang nhờ Kỳ Dao bảo cách cắt áo khoác ngoài, anh ta ngồi nghe. Tuy không hiểu gì về cắt may, nhưng trong đó ẩn chứa những đạo lý trừu tượng, có thể dùng cho nhiều việc. Anh ta nghĩ, mình xưa nay chẳng hiểu gì, những đĩa nhạc Jazz chỉ là nhạc đệm, hoặc là âm thanh phụ, còn những dòng chính và tình tiết nội dung lại ở đây; âm thanh thiên biến vạn hoá của saxophone hay đến mức có thể, cuối cùng cũng là để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng nét chính lại rất lặng lẽ, rất đơn giản, thậm chí chất phác, là trái tim bình dị. Anh ta nhìn qua cửa sổ, đối diện là cửa sổ nhà bên, khép kín, không rõ trong đó ẩn náu những gì, anh ta nghĩ: có thể là tình tiết của lãng mạn. Anh dạo bước trong phòng, nghe rõ tiếng cót két của sàn nhà đã rệu rã. Anh thực sự không biết, thực sự không hiểu. Thật ra, lãng mạn của bốn mươi năm trước đang ở trước mắt, tản mát khắp nơi. Cô-lo quả là một thanh niên có hiểu biết, thoáng cái đã hiểu nhân tình thế thái của thời đại. Mọi sự thật không thể qua được mắt anh ta, mọi điều giả dối cũng không lừa dối được anh. Dường như anh có thể hít thở được bầu không khí phảng phất nước hoa Giấc mơ Paris và hương thơm của hoa bạch lan. Nước hoa Giấc mơ Paris là thứ cao sang, hương hoa bạch lan là sự bình dị đời thường, một mùi thơm thông thường, cũng là một thứ lãng mạn, phải vun trồng chăm sóc tỷ mẩn mới có được. Nước hoa Giấc mơ Paris là ý tưởng siêu phàm thoát tục, nhưng chân vẫn đạp đất. Đó là sự lãng mạn khói lửa nhân gian, bởi thế có thể chà đi xát lại, bóc vỏ rồi vẫn còn lại nhân lõi.

Anh ta nói với Kỳ Dao:

- Đến nhà chị thật sự có cảm giác đi ngược dòng thời gian.

Kỳ Dao cười nhạo:

- Cậu thì có được bao nhiêu thời gian để đi ngược? Hay là ngược về trong bụng mẹ?

- Không, ngược về kiếp trước.

Nghe anh ta đưa thuyết luân hồi ra, Kỳ Dao vội xua tay, cười:

- Biết kiếp trước của cậu đẹp rồi, là một vị công chức giàu sang, có vợ hiền chứ gì!

Anh ta cười, cười xong rồi nói:  

- E rằng kiếp trước em đã thấy chị, một nữ sinh trung học, mặc áo dài, tay xách cặp sách hoa có viền lá sen...

Kỳ Dao tiếp lời:

- Thế là cậu đi theo, buông lời tán tỉnh: “Tiểu thư ơi, có đi xem phim không, phim do Vivien Leigh(16) sắm vai chính đấy”, chứ gì!

Hai người cùng cười phá lên. Thế là mọi chuyện bắt đầu. Mọi chuyện đều bắt đầu như thế, đại loại theo kiểu Hollywood, suy diễn tiếp tục, không ngoài chuyện tình yêu, bởi tiền đề là giả định, cả hai đều không dè dặt. Một người hồi tưởng, một người hướng tới, cảm tưởng mình đã đến nơi đó. Có những lúc quên thực tại, nghĩ rằng mộng là thực, những tình tiết thêu dệt cũng được chuyển vào những tình cảm thực, cho đến khi cùng đau xót. Vương Kỳ Dao nói:

- Thôi đi, thôi đi, đừng cho là thật nữa!

- Em rất muốn là thật.

Sau câu nói là một khoảnh khắc im lặng. Cả hai cùng lúng túng, lúc này mới phát hiện đã đi quá xa. Anh ta còn trẻ, lời lẽ thiếu khéo léo, giải thích một câu:

- Em rất thích bầu không khí của thời ấy!

Kỳ Dao im lặng giây lát, rồi nói:

- Phải, bầu không khí đẹp đấy, nhưng người thì già rụng cả răng rồi!

Lúc này anh ta mới phát hiện vừa rồi đã lỡ lời, muốn giải thích lại không tìm đâu ra lời lẽ, bất giác mặt đỏ bừng. Kỳ Dao đưa tay xoa đầu anh ta, nói:

- Đúng là trẻ con!

Cổ họng anh nghẹn lại, không dám ngước lên, cảm thấy có việc gì đó bị hiểu nhầm, nhưng lại không nói rõ ra được, anh sai ở đâu cũng không biết. Khi Kỳ Dao xoa đầu, anh cảm nhận được sự oan khuất và thể tình của người phụ nữ này, trong anh dâng trào nỗi niềm cảm thông, khiến hai người gần nhau hơn.

Như vậy, khi hai người ngồi với nhau không ai nói đến chuyện ấy nữa, chỉ nói những chuyện vặt vãnh linh tinh. Chuyện tuy ít nhưng không cảm thấy lạnh nhạt, những phút im lặng đều có lý do. Là tình tiết của chuyện cũ được thêm thắt, không nghĩ rằng tự nó không thể quên được. Hôm ấy, Cô-lo mời Kỳ Dao ăn cơm, nàng bằng lòng nhưng không có cách nào để nhận lời, nghĩ bụng: tính sao đây? Nếu là bốn mươi năm trước! Nàng cười, nói:

- Hà tất phải đi đâu, đi đâu không bằng ăn ở nhà!

Thế là Kỳ Dao đã chuyển sự việc sang một hướng khác, anh ta cũng không nài. Từ đấy, cứ vài ba ngày anh ta lại đến một lần, lần nào đến cũng ăn cơm, tựa như một nửa gia đình. Vĩnh Hồng cách vài hôm cũng đến, lại thêm một miệng ăn. Có lúc, Vĩnh Hồng đem theo anh Chân sếu, nhưng không phải lần nào cũng ăn cơm, hai người ngồi một lúc rồi đi, chỉ còn lại hai người, không khí tĩnh lặng, tình cảm. Những ngày này, hai người không hẹn đều từ chối các cuộc họp mặt đông vui, với họ những cuộc họp mặt như thế không hợp, có chuyện gì cũng không nói được với nhau. ở nhà tuy buồn, nhưng thực tế hơn, chuyện nhiều chuyện ít đều được, thích hợp với người quen nhau. Còn những cuộc hội họp đông vui để cho những người chưa quen biết. Bao giờ làm món ăn gì Kỳ Dao cũng hỏi anh ta:

- So với mẹ cậu ở nhà thì thế nào?

Gần đây, Kỳ Dao cũng hỏi như thế, anh ta trả lời:

- Em chưa bao giờ so sánh chị với mẹ em.

Nàng hỏi tại sao, anh ta đáp:

- Bởi chị không có tuổi.

Nàng không nói được lời nào, im lặng giây lát mới nói:

- Người sao lại không có tuổi?

Cô-lo vẫn giữ ý kiến của mình:

- Chị hiểu ý của em rồi đấy.

- Nghĩa thì hiểu, nhưng ý thì không như thế!

- Em không đồng ý với ý kiến của chị.

Anh ta thoáng buồn, cúi đầu im lặng. Kỳ Dao để mặc, lòng cười chua xót, nghĩ: con người này cuồng dại mê đắm mất rồi, nhưng chẳng hiểu đó là buồn hay vui. Kỳ Dao đứng trước cửa sổ bếp, tay giữ bình nước đang định mở, mắt nhìn cảnh sắc ngoài trời. Trời sắp tối, vài tia sáng cuối cùng vẫn đang lưu luyến. Cảnh sắc đã thấy bao nhiêu năm nay, tơ vương rối lòng, phút giây này biết rõ phút giây sau.

Kỳ Dao trở lại phòng, đặt ly trà vừa pha lên mặt bàn, thấy vẻ mặt anh ta vẫn buồn, liền nói:

- Đừng kiếm chuyện, đừng làm hỏng những gì đang tốt đẹp.

Co-lo giận dỗi quay mặt đi. Kỳ Dao lại nói:

- Chị rất thích đứa trẻ hiểu biết, lễ phép trong cậu, nhưng không thích đứa trẻ nghĩ ngợi mông lung.

Bất chợt anh ta ngước lên, nổi cáu:

- Đứa trẻ nào, đứa trẻ... đừng gọi em như thế!

Kỳ Dao buông một tiếng: “Bệnh hoạn!” rồi đứng dậy, bỏ đi nơi khác. Anh ta nói:

- Chị đi đâu đấy? Chị lẩn tránh điều gì? Có lý lẽ gì thì nói ra đi!

Kỳ Dao đứng lại:

- Có lý lẽ nào giữa chị với cậu đây? Nói lý lẽ nào đây?

Anh ta càng bực tức hơn:

- Chị không có lý lẽ gì, tưởng bỏ đi là xong đấy à?

Kỳ Dao cười, quay lại và ngồi xuống:

- Vậy thì chị nghe lý lẽ của cậu, nói đi nào!

Anh ta vẫn tiếp tục gay gắt:

- Chị không dám nhìn thẳng vào sự thật!

Kỳ Dao gật đầu đồng ý, vẫn tiếp tục nghe, nhưng anh ta không nói nữa. Nàng cười nhạt:

- Vậy mà chị cứ nghĩ cậu có nhiều lý lẽ lắm đấy!

Nghe thấy thế, anh ta như muốn nổi nóng hơn, miệng há hốc, không nói nên lời, nhưng đầu lại rúc vào lòng Kỳ Dao, ôm ngang người nũng nịu. Kỳ Dao giật mình nhưng không dám động đậy, nói năng gì. Nàng không đẩy anh ta ra, cũng không nổi cáu, chỉ xoa đầu anh ta, nhẹ nhàng an ủi. Anh ta vẫn không chịu ngồi lên. Lát sau, những lời an ủi của nàng cũng đã hết, hai người cùng im lặng.

Màn đêm từ từ buông xuống, phủ bóng đen lên vạn vật, tạo nên bức tranh bất động. Hai người cũng bất động, phía trước không có con đường cho hai người, họ đành phải dừng lại, dừng lại, dừng lại ở giờ phút này, chỉ kéo dài thời gian mà thôi. Họ cũng đành im lặng, nếu nói, sẽ nói gì? Cãi nhau như vừa rồi ư? Thật ra chỉ mù quáng cãi nhau, chẳng đâu vào đâu, càng cãi nhau càng rối. Cho đến khi cả hai cùng lặng yên, sự việc mới đâu vào đấy. Nhưng thời gian từng giọt, từng giọt trôi qua, cả hai không thể như thế cho đến già. Cho đến khi trời tối hẳn, đôi bên không nhìn rõ mặt nhau, chỉ thấy hai bóng đen lặng lẽ tách khỏi nhau, thế rồi đèn bật sáng. Là khuôn cửa sổ cuối cùng của hẻm Bình An sáng đèn.

Ngày hôm ấy đã qua đi như thế, cả hai dường như đã quên, không nhắc lại chuyện đó nữa. Tuy nhiên, Kỳ Dao không còn hỏi anh ta “Chị so với mẹ cậu thế nào”, câu hỏi ấy hôm nay sẽ trở nên bỡn cợt. Cũng không nhắc đến chuyện tuổi tác, chuyện trở thành khu vực cấm. Kết quả của ngày hôm đó xem ra là phép trừ, tước bỏ một số chuyện, nhưng thực ra chỉ tước bỏ những gì rậm rạp, chỉ tước bỏ được chi tiết. Bây giờ hai người gặp nhau cũng rất rành mạch rõ ràng, có lúc không nói năng gì, nhưng không nói còn hơn cả nói. Cũng có lúc nói không ngớt, ấy là những chuyện quan trọng, ví như chuyện Kỳ Dao nhớ lại năm xưa. Những chuyện   đẹp như gấm như hoa, xoá mờ tất cả những gì trước mắt. Cả những bi thương gắn liền với tươi đẹp cũng được khoác ánh nê-ông. Kỳ Dao cho anh ta xem cái hộp gỗ Tây Ban Nha của bốn mươi năm trước, không mở mà chỉ cho xem hoa văn trên mặt hộp, những thứ bên trong không thích hợp với anh ta. Kiểu hoa văn và ổ khoá đều có tuổi, là thứ đạo cụ tuyệt vời giúp anh ta đến với vở kịch của bốn mươi năm trước. Thật ra, anh ta coi Kỳ Dao là một vai nữ chính của Hollywood, còn anh ta không xứng với vai nam chính, chỉ là khán giả trung thành, loại khán giả coi sân khấu là cuộc đời. Anh ta yêu thích thật sự vở kịch năm xưa, xem không biết chán, tuy chỉ xem nhưng thường là quên mất mình đang ở đâu.

Ngược lên từ những chuyện cũ của Kỳ Dao, đối mặt với hiện thực, anh là nỗi lòng buồn chán lúc phim kết thúc. Tuy không phải là người của cảnh ấy, nhưng bởi chú ý xem, anh còn xúc động hơn cả người trong cuộc. Người trong cuộc phải chia sẻ nỗi lòng để đối phó với biến cố, giữ vững tinh thần. Anh nằm trên mái nhà phía ngoài cửa sổ tò vò, nhìn bầu trời hiện lên một bức tranh. Trong đêm tối, từng bức, từng bức lướt qua những mái nhà san sát. Ôi, thành phố này như con tàu đắm, cột điện là những cột buồm trên đó còn vương những mảnh buồm rách, thật ra đó là những cánh diều của trẻ nhỏ. Anh buồn đến phát khóc lên được. Những đám mây trôi nổi trên con tàu đắm chỉ là ảo giác, ảo ảnh. Bên tai vang lên tiếng đóng cọc, là hồi âm dưới bầu trời, tưởng đâu tiếng đóng cọc kia đang đưa thành phố này xuống sâu lòng đất. Anh cảm thấy mái nhà đang rung lên, ngói dưới thân mình đang kêu lạch cạch. Lúc này, nhạc Jazz cũ cũng không thể an ủi nổi anh, một lớp bụi phủ trên mặt đĩa hát, kim đã cùn, âm thanh rè rè chỉ có thể làm buồn thêm. Anh thiếp đi lúc nào không biết. ánh sao trên bầu trời đã xua tan ảo giác, tiếng đóng cọc vui hơn, lúc trầm lúc bổng như một bản đại hợp xướng. Bản hợp xướng này là tiết mục lớn của thành phố về đêm, thâu đêm suốt sáng. Đến khi sương rơi, trời sáng nó mới kết thúc. Bất chợt anh choàng mở mắt, một đàn bồ câu rào rào vụt qua. Anh nghĩ, bây giờ là lúc nào? Anh mơ màng nhìn đàn bồ câu đang biến thành những chấm đen trên bầu trời, mình cũng là một trong số đó. Nắng đã lên, chiếu rọi trên nóc nhà, lớp lớp loang loáng, anh phải dậy.

Anh hỏi Kỳ Dao có thấy thành phố này cũ đi không. Nàng cười:

- Có gì mới mãi mà không cũ? - Ngừng giây lát, nói tiếp - Như chị, bản thân là một người cũ, có tư cách gì để chê bai những thứ khác?

Anh cảm thấy chua xót, nhìn nàng, trông rất trẻ nhưng không thể che đậy được túi thịt dưới mắt, những nếp nhăn nhỏ. Anh nghĩ: tại sao thời gian vô tình đến thế? Bỗng trào lên nỗi nuối tiếc. Anh đưa tay sờ mái tóc Kỳ Dao tựa như người bạn già. Kỳ Dao lại cười, nhẹ nhàng gạt tay anh, anh nắm chặt lấy tay nàng, nói:

- Chị lúc nào cũng xem thường em. 

Kỳ Dao đưa một tay khác lên xoa xoa đầu anh ta, nói:

- Chị đâu có xem thường cậu!

Anh ta vẫn khăng khăng:

- Chị xem thường em!

Kỳ Dao cũng khăng khăng:

- Chị không xem thường cậu đâu!

Anh ta lại nói:

- Thật ra, tuổi tác là điều vô nghĩa!

Suy nghĩ giây lát rồi Kỳ Dao nói:

- Vậy thì, phải nhìn sự việc thế nào?

- Sự việc nào?

Kỳ Dao không trả lời. Anh ta hỏi dồn, bức quá, Kỳ Dao mới nói:

- Những việc có liên quan đến thời gian.

Câu nói hai mặt làm cả hai người cùng cười, tay vẫn trong tay anh ta. Tình huống thật khôi hài, vô vị nhưng dưới cái khôi hài và vô vị vẫn có cái gì nghiêm túc. Cái đó không thể chối bỏ, chối bỏ sẽ rất đau đớn bi thảm. Đã ai thấy cảnh tỏ tình như thế chưa? Khoảng cách hai người là một phần tư thế kỷ, lệch thời gian, lệch tiết tấu. Nếu không phải là một chút gì phía sau thì thật ghê tởm. Hai người, tay để yên trong tay. Cả hai đều kiên nhẫn, là điều không mục đích, vội vã sẽ vội vã gì? Bởi thế, hai người từ từ buông tay, còn lại vẫn như cũ. Có lúc xen vào những lời đường đột, ứng phó được sẽ như cũ. Một lần, anh ta nói:

- Chị đừng trách gì em nhé!

- Chị có trách gì cậu đâu!

- Chị thầm trách em, trách em đến muộn.

Kỳ Dao cười, lát sau mới nói:

- Chị với cậu cùng đi tu để được tái thế vậy!

- Đi tu để tái thế?

- Cậu chưa nghe nói bao giờ à? Tu trăm năm được cùng thuyền, tu ngàn năm được chung gối đấy.

Nói đến “chung gối” cả hai đều động lòng, rồi cùng im lặng. Mặt nàng đỏ lên, thấy mình đã lỡ lời, sợ nghĩ vớ vẩn, lại thấy anh ta cúi đầu trầm mặc, cho rằng không vui, bất giác không giữ nổi nước mắt. Sợ anh ta thấy, nàng dứng dậy vào bếp, thu dọn một vài thứ gì đó rồi trở ra, nhưng không thấy người đâu nữa. Một mảnh giấy để lại mặt bàn với dòng chữ: “Đang sống ở đời này, hà cớ gì phải tái thế!” Đọc dòng chữ, lòng nàng bình tĩnh lại, thấy buồn cười, nghĩ bụng: làm gì thế này? Lẽ nào cho là thật? Nàng vò mảnh giấy. Sau lần ấy, rất nhiều lần mũi tên đã đặt lên giây cung nhưng rồi cũng yên ổn qua đi. Nhưng nghĩ lại thấy giật mình, đang chơi trò đi trên lưỡi dao sắc, lỡ ra là có thể ngã, nhưng lại không biết cách dừng lại. Trò chơi đi trên dây cũng rất dễ sợ. Nhưng không thể nhiều, nhiều sẽ có ngày sẩy chân. Bởi thế, mỗi lần chỉ có hai người, không khí có phần căng thẳng, cung đao sẵn sàng. Mỗi lần như thế, có Vĩnh Hồng đến, hai người thật lòng chào đón. Có người thứ ba, hai người kia không phải đi trên dây. Ba người cùng nói chuyện trên trời dưới biển, cho dù nói bao nhiêu đi nữa, với hai người đều cùng một ý nghĩa. Có Vĩnh Hồng, hai người này thành người mình, sự không liên can của Vĩnh Hồng là phản chứng cho sự liên can giữa họ với nhau. Vậy là cùng hiểu ý nhau. Việc Vĩnh Hồng nhập hội đã giải toả tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thời gian ngưng trệ của hai người. Lâu dần, Vĩnh Hồng trở thành người không thế thiếu đối với họ.

Anh ta lại nhắc đến chuyện mời mọi người ăn cơm, bởi mời cả Vĩnh Hồng nên Kỳ Dao không tiện từ chối. Hôm sau, Vĩnh Hồng kéo theo cả anh bạn Chân sếu cùng đi, bốn người đến ăn bít-tết ở tầng dưới khách sạn Cẩm Giang. Anh chàng Chân sếu tuy chỉ tham gia tạm thời nhưng lại đóng vai chính, nói chuyện nhiều nhất.  Anh ta nói toàn những lời lẽ đang rất thịnh hành và những chuyện vỉa hè, nghe như chuyện ngoài trái đất, khiến mọi người tròn xoe mắt, há hốc miệng ra nghe. Cô-lo và Vĩnh Hồng không lạ lắm, nhưng Kỳ Dao thì được mở rộng tầm mắt, thật không thể hiểu nổi trong cuộc mưu sinh ban ngày bình thường, ban đêm bình thường của thành phố này lại có chuyện cướp giết, máu me, dao súng như thế. Có phần bán tín bán nghi, nhưng chỉ nghe thế thôi. Bữa ăn kết thúc vui vẻ, Chân sếu đòi trả tiền, không ai có thể ngăn anh ta được. Cô-lo giành trả tiền, nhưng không thành. Đành phải để Chân sếu làm chủ tiệc. Vĩnh Hồng thì ai trả tiền cũng vậy, hai người kia lại thấy mình ăn nhầm, rất áy náy. ý định kéo Vĩnh Hồng vào làm bình phong, không ngờ không thành, những dự định từ lâu cũng không thành. Ra khỏi khách sạn, cặp Vĩnh Hồng vẫy taxi đi làm việc khác. Còn hai người đứng bên vỉa hè, chẳng biết nên đi đâu. Đi dọc phố một quãng, phút lúng túng qua đi, Cô-lo nói:

- Rất muốn mời chị ăn cơm, rốt cuộc vẫn không thành.

Kỳ Dao cười:

- Bởi chưa thật lòng đấy!

- Phải cố lên! Nói xong, anh ta cho tay vào túi quần, khuỳnh ra để nàng quàng tay vào. Đường phố Mậu Danh rợp bóng cây, vô cùng lãng mạn. Bạn nghĩ rằng bóng cây kia là để che mát hay sao? Không, bóng cây tạo cảnh mộng mơ, người che trong bóng mát, trùm trong vầng sáng của ngoại giới.

11  Anh chàng Chân sếu

Quan hệ giữa Vĩnh Hồng với anh chàng Chân sếu giữ được khá lâu, thứ nhất, bởi Chân sếu chịu vung tiền cho Vĩnh Hồng, thứ hai, bởi chưa có ai thay thế Chân sếu. Chân sếu nói với Vĩnh Hồng, ông nội anh ta là “Vua nước chấm” nổi tiếng của Thượng Hải, anh ta là cháu nội duy nhất, là người thừa kế theo luật định. Anh ta khoe, nước chấm của ông nội anh bán khắp vùng Đông Nam á, châu Âu và cả ở Mỹ. Cơ ngơi của ông nội anh ta ngoài công nghiệp nước chấm ra còn có vườn cao su, đất  hoang, rừng nguyên thuỷ, một cảng chuyên dụng trên sông Mê Kông, phát hành cổ phiếu ở phố Wall tận bên New York. Nghe anh ta nói cứ như chuyện “Nghìn lẻ một đêm” vậy. Vĩnh Hồng không cho là thật, nhưng có một việc không thể giả được, ấy là tiền của anh ta. Chân sếu vung tiền cũng thật đáng sợ, anh ta làm cho quan niệm về tiền của Vĩnh Hồng tiến thêm đến mấy con số. Có lúc, Vĩnh Hồng không nén nổi tình cảm, kể với Kỳ Dao chuyện anh ta vung tiền ra sao. Kỳ Dao hỏi anh ta lấy tiền ở đâu ra, Vĩnh Hồng cũng kể nghìn lẻ một chuyện của anh ta. Khi nói chuyện thì Vĩnh Hồng có phần tin. Còn Kỳ Dao thì không tin, vẫn nghi ngờ, nhưng không dám nói ra, có dịp lại lặng lẽ quan sát anh chàng Chân sếu và cũng nhận ra đôi chút manh mối.

Thật ra, anh ta chỉ là con người của xã hội nhốn nháo, xưa nay Thượng Hải vẫn có những con người như thế, phần lớn bọn họ không có nghề nghiệp, nhưng ăn mặc tiêu xài thì thượng thặng. Ban ngày bọn họ lảng vảng trong các bar của khách sạn, uống rượu, tán gẫu. Buổi tối càng không phải bàn, không có bọn họ thì thành phố này coi như không có sinh hoạt đêm. Nhưng đừng nghĩ bọn họ chỉ chơi bời, họ cũng có việc để kiếm tiền. Ví dụ, chơi quần vợt với người nước ngoài, dạy lái mô-tô. Hoặc là, giúp cơ sở dịch vụ nào đó tiếp đón các đoàn du lịch, tiện thể làm luôn việc buôn bán ngoại tệ. Những quan hệ trong nước và quốc tế kiểu đó bọn họ làm trên đường phố hoặc trong khách sạn. Nói chung, họ biết đôi ba câu tiếng Anh, đủ để chào hỏi, làm quen, đổi tiền, làm hướng dẫn viên du lịch tạm thời. Bởi công việc mang tính quốc tế, cho phép họ mở rộng tầm mắt, ăn mặc và phong độ dần dần theo kịp trào lưu quốc tế. Họ là nhóm người có tư tưởng cởi mở, tác phong không gò bó. Trong xã hội này có nhiều khâu không hoàn chỉnh, đều do bọn họ đảm đương nghĩa vụ bù đắp lỗ hổng. Bọn họ bận rộn hơn bất cứ ai, cánh taxi sống nhờ vào họ, mua bán trong các nhà hàng cũng dựa vào họ. Thành phố tỏ ra phồn vinh biết bao!

Anh chàng Chân sếu cao những một mét chín mươi, bộ mặt xương gầy, hơi hóp, răng hơi vẩu, đeo kính trắng. Trông dáng người khô gầy nhưng rất khoẻ, cơ bắp nở nang. Bởi bị vẩu, anh ta nói giọng đầu lưỡi, nhưng không sao, nghe lại có vẻ điệu. Anh ta thích nói chuyện, bất kể là người lạ hay quen, hễ gặp là thao thao bất tuyệt, dễ có ấn tượng anh ta là người nhiệt tình. Anh ta còn thích trả tiền cho người khác, có lúc đang ăn trong nhà hàng, thấy bàn bên có người quen, ăn xong, anh ta trả luôn tiền cho bạn. Đi mua sắm cùng Vĩnh Hồng bao giờ cũng chọn thứ xịn nhất. Lần nào đến nhà Kỳ Dao cũng đem theo quà, không bao giờ đến tay không. Quà cũng thật lịch sự, một bó hoa hồng. Những ngày đông giá rét, hoa hồng phải chuyển bằng máy bay từ miền Nam lên, mỗi bông mười đồng, nhà Kỳ Dao lại không có lò sưởi, hoa héo rất nhanh. Suốt ngày anh chạy đây chạy đó, cứ sợ không kịp tiêu hết tiền, tiền đều chi cho người khác, còn bản thân thì đầu năm chí cuối chỉ một cái quần bò, vừa bẩn vừa rách. Đôi giày du lịch cũng vừa rách vừa bẩn. Không chú ý đến mình cũng là một phong cách. Nhất là mùa đông, chưa bao giờ anh ta mặc áo len, chỉ một cái áo mỏng, rét thâm cả mặt mũi, người co ro. Nhưng lúc nào cũng phấn chấn, vui vẻ, cười nói. Bản tính anh ta vui vẻ, thích đông người ồn ào, vui đâu chầu đấy. Để tạo không khí vui tươi, anh ta sẵn sàng để người khác trào lộng. Anh rất biết quở trách bản thân, cũng khó tìm được con người vô tư như anh ta. Dần dần anh ta được lòng mọi người. Ai đi đâu bảo đi anh ta cũng đi, không thấy thì tìm, hỏi: Chân sếu đâu nhỉ? Đi đâu? Cứ như vậy, mãi rồi cũng tạo được quan hệ với mọi người. Những người của xã hội nhốn nháo, bề ngoài rất sinh động, thực chất bên trong cũng khá ổn định, có những quy tắc hình thành thói quen. Bởi vậy, như đi làm và tan tầm, họp mặt và giải tán đều có cách nhất định. Họ đi làm vào khoảng giữa ca của các nhà máy, chừng mười một giờ, sau mười hai giờ đêm mới chia tay. Chia tay, mỗi người đi một ngả, biến dần vào bóng cây dưới những ngọn đèn đường.

Chân sếu đi một chiếc xe đạp cũ nát về phía tây nam thành phố. Anh ta đạp chầm chậm, người đi đường vắng vẻ. Thoạt đầu anh ta còn hát khe khẽ, sau rồi thôi. Chỉ còn tiếng xích xe đạp nghiến ken két. Đường vắng, ánh đèn thưa thớt, niềm vui của Chân sếu cũng lắng xuống. Giá có ai gặp lúc này sẽ thấy anh ta là một con người khác. Anh ta buồn rầu, sầu não, trên trán nổi rõ nét dữ dằn bởi sự phiền muộn. Sắc mặt anh ta tối sầm lại, không chút tươi tỉnh. Anh đã đến một khu tập thể, hai bên là những dãy nhà xây trong những năm bảy mươi, sơ sài cẩu thả, nguyên liệu thô, cũ lắm rồi, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, những dãy nhà trông như những cái hộp bê-tông, không có lấy một ngọn đèn. Nơi đó đang ẩn náu những cơn ác mộng tăm tối, chỉ có một linh hồn đang thức tỉnh, ấy là anh chàng Chân sếu. Anh ta đi giữa những dãy hộp bê-tông, nếu nhìn từ trên cao xuống, sẽ thấy anh ta đi như một con sâu đang bò giữa những nấm mồ. Chân sếu dừng lại trước một ngôi nhà, dựa xe vào tường rồi vào cửa và bị bóng tối trong đó nuốt chửng. Không rõ anh ta đã đi lên cầu thang bằng cách nào. Cầu thang thì ngổn ngang đủ thứ, lối đi chỉ còn chừng bốn mươi phân. Lúc này Chân sếu trở thành một chú mèo nhanh nhẹn, lặng lẽ không tiếng động, bước dài vài ba bậc thang một. Có thể hình dung anh ta đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi. Anh ta mở cửa, đấy có chút ánh sáng, ánh sáng từ hành lang lọt vào. Cũng có tiếng động, ấy là tiếng nước rò rỉ trong nhà vệ sinh. Hành lang cũng lỉnh kỉnh đồ đạc. ở đây hai gia đình chung một cổng vào, sống đã nhiều năm, mạng nhện nơi góc nhà là sự chứng minh. Chân sếu vào bếp trước, vén tấm rèm che chạn bát, ngó vào trong, không phải anh ta muốn ăn gì, chẳng qua chỉ là thói quen. Bát đĩa trong chạn phủ một lớp vải mỏng. Anh đậy chạn lại, lấy một bình nước từ trong bếp lò rồi vào nhà vệ sinh. Lát sau có tiếng nước róc rách trong chậu, Chân sếu đang rửa chân. Mọi việc anh ta đều làm dưới ánh trăng mờ nhạt ngoài cửa sổ, không cần phải bật đèn, nhắm mắt cũng làm được. Anh ngồi trên bồn cầu, chân ngâm vào chậu nước, tay cầm khăn lau chân đặt trên đầu gối, mắt nhìn thẳng phía trước. Nền nhà ướt nước, có những con côn trùng đang hoạt động. Chân sếu đang nghĩ gì?

Giá như không tận mắt thấy, dù nói thế nào cũng không thể tin nổi cái giường Chân sếu nằm ngủ. Giường kê ở phía ngoài của một căn phòng hẹp, bàn ăn ở ngay đầu giường, mặt bàn đầy mùi mắm muối dầu mỡ, phía trên giường là một giá gỗ dài để cất chăn bông vào mùa hè, mùa đông thì gác chiếu, còn cả những thứ linh tinh suốt năm không dùng đến nhưng không hiểu vì sao không vứt đi. Chân sếu ngủ ở đấy như chui vào một hốc núi. Mỗi lần chui vào, anh ta kéo chăn trùm kín đầu và chỉ trong chốc lát là chìm vào cơn ác mộng, ngập trong bóng đen. Một chút hoạt động cuối cùng cũng không còn, vắng vẻ và ngột ngạt vô cùng. Đêm đen ở đây đúng là đêm đen thứ thiệt, không lẫn chút giả tạo, được đong đầy nén chặt hơn trong khung bê-tông. Chân sếu từ ngoài ánh sáng bước vào làm sao có thể chịu đựng nổi! Cho nên, anh ta phải trùm kín đầu như ngủ say, như đang khóc, một con đà điểu đang khóc. Anh ta cong lưng, co bộ giò dài ngoẵng, muốn giấu mình nhưng buồn vì không giấu nổi. Ai thấy cũng phải rơi nước mắt. Nhưng ban ngày, mọi việc thay đổi một cách hài hước. Những người ngủ muộn như Chân sếu thường dậy muộn. Với lại, anh ta dậy sớm để đi đâu? Tất cả những người sống về đêm đều đang ngủ. Anh ta đành ngủ vậy. Người đi làm hoặc đi học đều đi qua đi lại ngay đầu giường anh ta, nói to, hoặc ngồi cạnh giường để ăn sáng, khua đũa, khua bát lanh canh. Cửa sổ, cửa lớn mở toang, nắng sớm chiếu thẳng vào người Chân sếu, đó là ác mộng ban ngày. Ai bảo ác mộng chỉ có trong đêm? Có những cơn ác mộng không phải thế. Chừng như cố tình ganh đua với tĩnh mịch đêm qua, vào lúc này đủ loại âm thanh, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, mặc sức ồn ào! Nhưng Chân sếu vẫn ngủ, giấc ngủ duy nhất trong tiếng ồn của vạn vật. ồn ào  chừng một tiếng đồng hồ, cho đến lúc tiếng cửa dập thình thình, tiếng chân bước rầm rập trên cầu thang, tiếng chuông xe đạp rộn lên ngoài cửa sổ, tất cả xa dần, lặng dần. Vào lúc sắp sửa yên lặng thì có tiếng nhạc từ xa vọng tới, tiếng nhạc thể dục buổi sáng của học sinh một trường tiểu học, từng tiết tấu đập vào tai Chân sếu, lúc này Chân sếu như trở về thời thơ ấu.

Thời thơ ấu, có một thứ âm nhạc Chân sếu vẫn thường được nghe, ấy là tiếng chuông vang lên báo hiệu chắn đường cho tàu hoả qua vào khoảng bốn giờ chiều. Tiếng chuông vừa vang, hai cô chị dắt hai tay Chân sếu chạy ra nơi chắn tàu đứng chờ. Anh ta còn nhớ láng máng, hồi đó nhà là một gian trong đám nhà cấp bốn. Ba chị em chạy nhảy, vội vàng như sắp đi trẩy hội trên những lối đi chằng chịt giữa xóm nhà đơn sơ tự dựng lên. Khi ba chị em ra đến chỗ chắn tàu thì đã thấy đèn đang nhấp nháy báo hiệu xe và người đi bộ phải dừng lại. Còi tàu thét vang, đoàn tàu chạy tới, thoạt đầu là những bước đi nhanh nhẹ, đến gần đột nhiên nhanh như gió, từng toa tàu chạy qua, không kịp trông rõ mặt người trong những ô cửa sổ trên tàu. Chân sếu nghĩ, họ đi đâu đấy nhỉ? Đoàn tàu đã đi qua, ngừng giây lát, chắn tàu lại từ từ nâng lên, người và xe như ngọn triều tràn qua đường sắt. Chân sếu nhận ra một khuôn mặt quen thuộc, mẹ của ba chị em. Chân sếu là con trai một trong nhà, một chị lớn hơn bảy tuổi, một chị nữa lớn hơn sáu tuổi, là hai bảo mẫu nhỏ của Chân sếu. Bọn chúng vắt một sợi dây thừng lên cành cây trước nhà, buộc một mảnh ván làm đu, đó là vườn trẻ của Chân sếu. Lũ kiến trên sân gạch, giun trong đất đều là bạn, Chân sếu vẫn nhớ niềm vui của thời ấy. Về sau cả nhà mới dọn đến khu tập thể này. Nhà bê-tông như cái hộp chỉ làm cho Chân sếu bức bối, tuy anh ta mát tính, nhưng không khỏi bực mình, bụi bặm ở góc nhà và dưới gầm giường, vết ẩm mốc trên tường, kẽ nứt trên trần nhà, cả những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh ngày một nhiều đều là nỗi bực mình tích tụ theo năm tháng. Tuy anh ta không nói, nhưng cảm thấy vô nghĩa, thật vô nghĩa. Tốt nghiệp trung học, anh ta được nhận vào làm công nhân đứng máy ở nhà máy hoá chất nhuộm, được hai năm thì bị viêm gan, về nghỉ và không đi làm nữa. Trong thời gian nghỉ ốm dài hạn, sáng nào anh ta cũng cưỡi xe đạp đi chơi, nỗi buồn phiền tan đi từ lúc nào không biết.

Anh ta cưỡi xe dạo phố, bản tính vui vẻ lại trở lại. ánh nắng trên đường phố thật rạng rỡ, cảnh vật cũng rạng rỡ. Chân sếu gò lưng đạp xe chầm chậm như cá tung tăng trong dòng sông nắng. Khi Chân sếu vào đến trung tâm thành phố đã là mười một giờ rưỡi. Anh dừng xe, nét mặt ngơ ngác, nhưng vẻ ngơ ngác qua đi nhanh chóng, tiếp theo là nét kiên định. Anh ta đi theo hướng đã chọn. Nắng từ trên mái nhà phản chiếu những tia sắc nhọn khiến lòng người phấn chấn. Đây là khoảng phố Vũ Khang, phố Hoài Hải, nơi yên tĩnh trong cảnh ồn ào, náo nhiệt và cũng là thời điểm yên tĩnh giữa huyên náo, mang niềm vui và sự tự hào được nghỉ ngơi. Lòng dạ Chân sếu cũng sáng láng hẳn lên, bóng dáng ác mộng cũng tiêu tan, cảm giác nhẹ nhàng, trống trải. Ai trông thấy Chân sếu cũng đều nghĩ anh ta là người thành đạt, đang có những việc hệ trọng. Chân sếu đang đi làm việc gì vậy? Anh ta đang đi mời bạn ăn cơm.

Lòng tốt của Chân sếu bức bách đến vậy, bất kể gần xa, miễn là người ngoài đều là người anh ta yêu mến. Những người này tạo nên tình yêu Thượng Hải trong anh ta. Bọn họ là chủ nhân của những đường phố đẹp của Thượng Hải, anh ta và người nhà của anh ta lại là những người ngoài khó mà trông chờ được gì. Bây giờ, anh ta dựa vào sự cố gắng của mình, đã chen vào được trong đám người đó. Anh ta đi trên đường phố này có cảm giác như nhà mình vậy, người qua lại đều là người nhà, suy nghĩ của những người này chính là suy nghĩ của anh ta. Những cửa hàng hai bên đường tuy không phải của anh ta, nhưng ở đấy và không ở đấy là khác nhau. Trong một vạn người qua lại trên đường phố chỉ có thể có một người mang tâm tình thân thiết, gần gũi; một phần vạn người này là cột sống, là tinh thần của đường phố Thượng Hải. Lý do thật đơn giản, không cần quá sâu sắc, nó đã khơi động được sức sống, bảo nó manh động cũng được, nó ngây thơ, ngây thơ gần với ranh giới sự thật, nhưng không có gì thay thế nổi.

Có những hôm công việc của Chân sếu là đổi tiền. Đừng xem thường việc đổi tiền, đó cũng là việc chính đáng, họ còn in cả danh thiếp nữa chứ! Bọn họ đều là những người có tình cảm chân chính, cứ điều tra xem, những trò lừa đảo không xuất phát từ tay bọn họ, toàn là bọn chạy cờ, khuấy lên cho đục nước béo cò. Công việc nào mà chẳng có chuyện lẫn lộn vàng thau. Nhìn chung bọn họ đều có chủ thuê, những ông chủ này có thể chứng minh cho phẩm chất của họ. Công việc này cũng có những rủi ro, lúc được lúc mất. Lúc mất bọn họ nằm im, chờ thời cơ để trỗi dậy. Việc Chân sếu làm cũng vì tình hữu nghị, có người nhờ, dù có phải chịu thua lỗ anh ta cũng sẵn sàng, tạo cho người khác một ấn tượng thực lực của anh ta rất hùng hậu. Vĩnh Hồng quen anh ta đúng vào lúc nghề đổi tiền đang phất, Chân sếu vung tiền như đất, ai thấy cũng ngạc nhiên. Tiêu tiền cũng có tình cảm của nó, nhất là tiêu cho con gái. Tính Chân sếu vốn rộng rãi, nhưng ít kinh nghiệm chiều chuộng con gái, vung tiền đến mức vung luôn cả tình cảm chân thật. Vào những ngày này anh ta dồn tất cả nhiệt tình cho Vĩnh Hồng, hờ hững với bạn bè, hờ hững với công việc. Trông anh ta thật hiền lành, trung thực, ánh mắt ấm áp, dịu dàng, ai thấy cũng cảm động. Anh ta đúng là con người quên mình, một lòng vì người khác. Anh ta mua cho Vĩnh Hồng một đống thời trang, còn anh ta thì vô cùng luộm thuộm. Trong mắt anh chỉ muốn Vĩnh Hồng đẹp hơn, còn mình thì thế nào cũng xong. Anh ta chỉ bực một nỗi không thể dốc hết túi cho Vĩnh Hồng, biết rằng mình chẳng có gì đáng tiền. Anh ta có ngàn vạn lời chân tình để nói với Vĩnh Hồng, nhưng nói ra toàn những lời giả dối.

Chân sếu đến nhà Kỳ Dao thoạt đầu vì Vĩnh Hồng, về sau không hoàn toàn như thế. Anh ta thấy chỗ này rất hay, con người Kỳ Dao cũng thật tuyệt vời. Tuy là người lớn tuổi, nhưng đối với bọn trẻ không có gì cách biệt. Tuy là người của thời cũ, nhưng không có gì xa với tinh thần thời đại mới. Chân sếu không giống Cô-lo, anh ta thì không có nhận thức đối với chuyện cũ, không có cảm tình đối với người cũ, chỉ nhìn về phía trước, sự việc càng ở phía trước càng hay. Bởi anh ta không phải là người có đầu óc như Cô-lo, làm gì cũng không lựa chọn, mà là bị đẩy tới, cứ trôi theo con sóng, sóng dồn về phía trước, anh ta cũng nhìn về phía trước. Không tự chủ, anh ta vẫn còn có chút trực giác, đôi khi trực giác còn mẫn cảm hơn tư tưởng, mang bản chất của sự vật thẳng tiến. ở nhà Kỳ Dao, tâm linh anh ta có được sự yên ổn nào đó, sự yên ổn ấy mách bảo anh không cần thiết phải vội vã ào về phía trước, mang ý nghĩa của một liều thuốc an thần. Tưởng như trong tối tăm hồ đồ phát hiện ra chân lý tuần hoàn và cả chân lý trong trăm ngàn biến động cũng không để mất gốc. Đường phố Thượng Hải phù hoa, hão huyền, nhưng ở đây như tìm được nhà của mình. Những thịt, cá trên bàn ăn nhà Kỳ Dao là hạt nhân yến tiệc trong cao lâu tửu quán; trang phục trên người Kỳ Dao là nhân lõi trong những tủ áo quần các hiệu thời trang; sự giản dị của Kỳ Dao là cội nguồn của xa hoa. Tóm lại, rất thiết thực. ở đây, Chân sếu có thể thấy những thứ tương tự như tinh túy của thành phố này. Yêu thành phố về mặt này thì Chân sêu giống với Cô-lo. Một người yêu cái cũ, một người yêu cái mới, thật ra chỉ khác nhau cách gọi, vẫn chỉ là yêu hào quang và cái đẹp. Một người yêu tỉnh táo, một người yêu hồ đồ, mức độ yêu thì ngang nhau, đều toàn tâm, toàn ý. Kỳ Dao là người chỉ đường và là thầy dạy, có sự chỉ bảo của Kỳ Dao thì tất cả mọi hư ảo đều có thể cảm nhận cụ thể. Đó là ma lực của Kỳ Dao.

Chân sếu cũng có những điều hỏi Kỳ Dao, nhưng ấu trĩ gấp trăm lần Cô-lo, có những câu hỏi rất ngớ ngẩn. Kỳ Dao vẫn giải thích cặn kẽ nhưng  thầm trách anh ta ngớ ngẩn đến đáng yêu. Kỳ Dao nghĩ bụng, anh này vào tay Vĩnh Hồng muốn tròn được tròn, muốn méo được méo, Vĩnh Hồng thật có phúc. Nhưng rồi Kỳ Dao lại cười nhạt: không biết tiền của anh ta còn tiêu được bao lâu? Kỳ Dao nghĩ, ở đời này nếu là tiền của mình thì sẽ không tiêu xài như thế, đồng tiền đến thế nào, đồng tiền sẽ đi như thế, còn như Chân sếu vung tiền không tiếc chỉ có trời mới biết anh ta tiêu tiền của ai. Thật không hiểu nổi Chân sếu lại có thể chi tiền của mình cho người khác như thế được. Thậm chí, tiêu tiền cho người khác cũng chính vì để mình kiếm được tiền, bằng không, một khi trong tay không có đồng tiền, liệu anh ta khổ tâm và không yên đến mức nào. Bản thân anh ta không có nhu cầu tiêu tiền. Anh ta mặc rất giản dị, ăn càng không phải nói, một bát cơm chan nước, một ít dưa muối gì đó là xong bữa. Dù yến tiệc thịnh soạn cũng là để tiếp đãi người khác, anh ta đụng đũa không nhiều. Nhu cầu của anh ta chỉ đủ ấm no. Anh ta vui khi cho người khác ăn uống chơi bời, có những lần người khác tranh trả tiền với anh, anh ta tỏ ra giận dỗi, đụng đến con người thật của anh ta, anh ta cảm thấy người khác cướp đi sự hưởng thụ của mình. Đúng là anh ta khổ vì không có đủ tiền, đổi tiền là thứ lên xuống thất thường, thu nhập không ổn định. Có những lúc người khác cho anh chút ít, nhưng chỉ như cặn nước trong đáy ly. Có lần, bạn bè giới thiệu anh đưa mấy vị kiều bào đi chơi, mua bán hoặc làm việc này việc khác, cuối cùng, tiền ăn, tiền uống anh ta bao trả còn nhiều hơn tiền thù lao. Bạn bè khuyên anh đừng nên thế, bảo sẽ bao tiền ăn uống cho anh, nhưng anh trả lời rằng, bạn bè với nhau là gì đâu! Anh ta coi trọng tình bạn thế đấy! Không ai biết đằng sau sự hào phóng ấy của anh là nỗi buồn phiền vì đồng tiền kéo dài ngày này sang tháng khác. Thật ra, anh ta vay của hai bà chị nhiều tiền lắm rồi, bây giờ không dám vay nữa. Anh ta còn tiêu lạm vào tiền để đổi. Nói khéo với chủ, kéo dài thời gian đổi, không đúng hẹn. Xưa nay anh vẫn giữ được lòng tin, có tình nghĩa với bạn bè, bởi vậy có kéo dài vài ba ngày cũng không sao. Nhưng anh ta biết không thể mãi như thế được, mãi rồi sẽ không có cách gỡ, vạn bất đắc dĩ mới phải làm thế, cùng lắm phải nói dối đi đâu đó thăm người thân từ nước ngoài về,  mượn cớ tránh mặt vài hôm. Mấy hôm nay không thấy bóng anh ta ở những nơi ăn uống ồn ào, không nghe thấy tiếng anh ta lớn tiếng tranh luận. Không ngờ, anh ta đến một công viên nhỏ vắng vẻ ở góc đông bắc thành phố, ngồi trên chiếc ghế dài, xem trẻ con chơi cầu trượt, lũ trẻ leo lên trượt xuống, tiếng reo hò của bọn trẻ vang động bầu trời ven đô, vang vọng thật xa. Những chú chim sẻ đang tìm mồi gần chân anh ta, làm bạn với anh ta. Anh ta ngồi suốt ngày, cho đến lúc công viên đóng cửa mới chậm rãi ra về, ăn bữa cơm người nhà úp lồng bàn để phần. Trong túi anh lúc này không có nổi một đồng để đi ăn bất cứ thứ gì ở ngoài.

Thượng Hải phồn vinh là nơi coi trọng thế lực và tiền tài không hơn không kém, người không tiền, không thế lực xin đừng đến. Chân sếu chi tiêu cho bạn bè là nộp thuế cho xã hội thế lực và tiền tài. ánh đèn nê-ông nhấp nháy, những đợt sóng mới tràn qua ngày và đêm, những khúc nhạc thời thượng và dư thừa điệu nhảy Disco, khiến bầu trời thành phố sôi sục, anh cam chịu làm người đứng ngoài cuộc được sao? Cứ như Chân sếu, con người của xã hội nhốn nháo suốt ngày đêm ngụp lặn trong cái phồn hoa nơi này, ngày nào cũng là lễ Giáng sinh, làm sao có thể chịu đựng nổi những ngày tháng bình thường không hội hè. Bọn họ nhắm mắt lại cũng có thể phân biệt đâu sáng, đâu tối. Cũng là đường phố tối tăm, bọn họ có thể dùng mũi đánh hơi biết đằng sau bức tường nào đang có múa hát đêm ngày, đằng sau bức tường nào chỉ có giấc ngủ một mạch đến sáng. Họ là người xuất chúng, những người như thế làm sao cam chịu cuộc sống bình thường được? Hiểu được điều ấy mới hiểu được nỗi buồn thê thảm của Chân sếu khi ngồi một mình trong công viên nhỏ, không hỏi cũng biết anh ta đang nghĩ gì.

Thật ra chỉ mấy chục phút ngồi xe công cộng nhưng lại cách xa đất trời, gió buồn, không khí buồn, người cũng buồn. Anh ta nghĩ, bạn bè đang làm gì? Vĩnh Hồng đang làm gì? Những lúc cùng Vĩnh Hồng anh ta chỉ nghĩ cách làm sao cho Vĩnh Hồng vui, bây giờ ngồi một mình suy nghĩ của anh ta đã đi xa, nghĩ về tương lai giữa anh ta với Vĩnh Hồng, đó là ý nghĩ xa lạ. Con người của xã hội nhốn nháo như anh ta rất ít nghĩ đến tương lai, tương lai không nghĩ tự nó cũng đến, không có gì phải nghĩ ngợi, một khi nghĩ sẽ không nghĩ ra điều gì. Bởi đó là điều không thể biết, bởi là điều không tính toán. Suy nghĩ của Chân sếu bị chững lại, anh ta phát hiện mình và Vĩnh Hồng không có gì phải nói đến tương lai, chỉ có những ngày hiện tại. Những ngày hiện tại co lại chỉ còn những bữa ăn, những buổi khiêu vũ, những lần đi phố sắm đồ, đó là tinh hoa của đời người, là thách thức quan trọng nhất, cái quan trọng nhất là phải dùng tiền mới giải quyết được. Bởi vậy, suy đi nghĩ lại vẫn là chuyện tiền nong.

Chân sếu lại xuất chinh với khuôn mặt phấn chấn, tinh thần sảng khoái, tươi cười, đầu tóc mới cắt, thay bộ đồ sạch sẽ, ruột tượng căng phồng, tấm lưng nhiều năm cúi gập cũng thẳng lên. Anh ta nói sẽ mời mọi người ăn thịt nướng ở Vườn bia mới mở trong khách sạn Cẩm Giang. Tối đầu thu, gió nhè nhẹ lay động ngọn nến trên mặt bàn, ngọn lửa hồng của lò nướng, rượu óng ánh trong ly, vài sợi khói nhạt bay theo gió. Mắt Chân sếu ướt nước, nghĩ bụng: đang nằm mơ hay sao? Mái dù che trên đầu như một cánh buồm chốc chốc lại căng phồng lên như đưa họ đến một miền quê êm đềm. Đây mới thật là đêm Thượng Hải, còn những đêm khác đều là cặn bã. Chân sếu cứ đi đi lại lại, tối nay sẽ là chương mới trong truyền thuyết gia tộc của anh ta. Buổi tối như trong cung pha-lê, nói gì người khác cũng đều tin, con người rất có sức tưởng tượng. Trên bãi cỏ vài con muỗi đốt chân, bốn phía là những kiến trúc kiểu châu Âu, vòm lá cây ngô đồng che phủ, âm nhạc nhè nhẹ. Tất cả những thứ đó đều thứ yếu, không quan trọng, điều quan trọng ở trong lòng, trong lòng có cảm giác thế nào? Như không phải người, mà là tiên. Chân sếu không nói nên lời, hát không thành, hai đầu gối anh ta khẽ rung, ngón tay gõ nhịp, mắt không chớp. Say sưa là gì, say sưa là đây. Chỉ cách nhau vài hôm, Chân sếu tưởng đâu như người của hai thế giới.

Cách vài hôm Chân sếu không xuất hiện, Kỳ Dao lại nghĩ anh ta là kẻ lừa đảo. Anh ta xuất hiện như thế làm Kỳ Dao khó hiểu. Chân sếu không giải thích, đặt vội túi quà, trên túi giấy của cửa hàng miễn thuế có in chữ Trung Quốc và chữ Anh. Kỳ Dao phỏng đoán anh ta từ đâu đến nhưng vẫn không hỏi, chỉ hỏi Vĩnh Hồng sao không đến. Chưa dứt lời thì Vĩnh Hồng xuất hiện ngay ở cửa cầu thang. Hồng đến muộn vì đang gọi điện thoại ở đầu hẻm. Vừa lúc Cô-lo cũng đến, cả bốn người cùng ngồi nói chuyện. Chân sếu nhìn quanh nhà Kỳ Dao lâu ngày mới lại đến, cảm động nghĩ: không có gì thay đổi. Anh ta cảm thấy mình lâu lắm mới đến, nhưng người ở đây vẫn thế, tưởng chừng như đợi chờ anh ta, thật xúc động. Để trở về với những ngày đẹp, Chân sếu phải làm một vài vụ lừa đảo. Tối hôm trước, anh ta thắng quả đổi tiền ở một hẻm đường Lục Gia Chủy bên Phố Đông bằng cách đánh tráo mười tờ một đôla lấy một tờ hai mươi đôla. Trò đánh tráo này không có gì là ly kỳ, nhưng đối với Chân sếu thì đây là một kỷ lục xấu xa trong lịch sử đổi tiền của anh ta. Trên chuyến phà từ Phố Đông về Phố Tây, Chân sếu nhìn mặt trăng đang bị mây che phủ, lòng cũng trở nên u ám. Nếu không cùng quẫn, anh ta sẽ không đi vào con đường đen tối ấy. Tính tốt của Chân sếu còn một chút trong sạch, bây giờ chút trong sạch ấy cũng bị dính bẩn, anh ta cũng thấy đau lòng. Lúc này anh ta nhìn ánh đèn trên bờ, những kiến trúc nguy nga như núi dựng trước mắt, thành phố được mạ một lớp ánh sáng. Bóng đêm nhắc nhở anh ta phải làm thế nào để giữ được linh hồn!

Hết chương 11. Mời các bạn đón đọc chương 12!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t35385-truong-han-ca-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận