Tôi đã bị bắt. Bị bắt vì giành chiến thắng trong một chương trình đố vui trên truyền hình.
Tối qua, người ta đến bắt tôi giữa đêm hôm khuya khoắt, khi mà ngay cả lũ chó hoang cũng đã ngủ say. Họ phá cửa, còng tay tôi, dẫn tôi tới một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy đang chờ sẵn.
Không có lấy một tiếng kêu gào la hét. Không cư dân nào thò mặt ra khỏi lều của mình. Chỉ có con cú già trên cây me rúc lên trước cuộc bắt giữ.
Chuyện bắt bớ ở Dharavi cũng cơm bữa hệt như những vụ móc túi trên tuyến tàu hỏa địa phương. Không ngày nào lại không có một cư dân thiếu may mắn bị đưa tới đồn cảnh sát. Một số người cảnh sát phải lôi đi xềnh xệch, bị lôi đi mà miệng không ngớt kêu gào, chân không ngừng giãy đạp. Và có những người đi lặng lẽ. Có người mong, thậm chí chờ đợi cảnh sát. Đối với họ, sự xuất hiện của chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy ấy quả thực là một sự cứu giúp.
Nghĩ lại, có lẽ lúc đó tôi nên giãy đạp, kêu gào mới phải. Tôi nên khăng khăng rằng mình vô tội, nên làm toáng lên, khuấy động hàng xóm. Mà làm thế có ích gì đâu. Cho dù tôi có đánh thức được vài người, thì họ cũng chẳng buồn giơ một ngón tay ra bảo vệ tôi. Họ sẽ mở mắt thao láo mà theo dõi cảnh tượng đó, thốt ra một câu bình luận cũ rích nào đấy đại loại như “Lại thêm một người nữa đi”, ngáp dài rồi vội vàng quay vào ngủ tiếp. Sự ra đi của tôi từ cái khu ổ chuột lớn nhất châu Á chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Sẽ vẫn có cái hàng dài người chờ lấy nước vào lúc tinh mơ, vẫn có cái cuộc vật lộn ấy để chen chân cho kịp chuyến tàu địa phương khởi hành bảy rưỡi sáng.
Họ sẽ chẳng buồn tìm hiểu lý do tôi bị bắt. Ngay chính tôi đây, lúc hai viên cảnh sát xông vào lều, cũng chẳng còn nghĩ đến nó nữa là. Khi mà toàn bộ sự tồn tại của bạn là “bất hợp pháp”, khi bạn sống bên bờ của sự túng quẫn trên một khu đất hoang nơi đô thị mà bạn phải chen lấn từng phân và đến cả đi ỉa cũng phải xếp hàng thì bắt bớ chắc chắn là chuyện không thể tránh khỏi. Bạn đã được luyện để tin rằng một ngày nào đó sẽ có một lệnh bắt người ghi tên bạn, rằng cuối cùng thế nào cũng có một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy tìm đến bạn.
Thể nào cũng sẽ có người bảo tôi tự rước họa vào thân. Vì đã bày đặt học đòi tham gia cái chương trình đố vui trên truyền hình ấy. Họ sẽ lắc lắc ngón tay cảnh báo và nhắc tôi nhớ tới những gì người già ở Dharavi thường nói về chuyện đừng bao giờ bước qua ranh giới giữa người giàu và người nghèo. Suy cho cùng thì việc gì một gã bồi bàn không xu dính túi phải tham gia vào trò đố vui trí tuệ chứ? Bộ não đâu phải là thứ chúng tôi có quyền sử dụng. Chúng tôi chỉ được phép sử dụng chân tay thôi.
Giá như họ có thể chứng kiến tôi trả lời các câu hỏi đó. Xem phần thi của tôi xong rồi thì họ ắt sẽ phải nhìn tôi với sự kính trọng mới. Đáng tiếc là chương trình đó chưa được phát trên truyền hình. Nhưng tin tức tôi thắng cuộc một thứ gì đó đã rò rỉ ra bên ngoài. Kiểu như trúng xổ số ấy. Khi những bồi bàn khác nghe được tin ấy, họ bèn tổ chức một bữa liên hoan ra trò cho tôi tại nhà hàng. Chúng tôi hát hò, nhảy nhót và uống mừng cho tới khuya. Lần đầu tiên chúng tôi không ăn tối bằng thức ăn ôi thiu. Chúng tôi đặt món gà biryani và món thịt cừu seekh kebabs từ khách sạn năm sao ởMarine Drive. Ông già pha rượu hom hem ở quầy bar còn gạ gả con gái cho tôi. Thậm chí cả ông quản lý hay cáu kỉnh cũng mỉm cười độ lượng và rốt cuộc thì cũng đưa cho tôi khoản tiền công trả chậm. Tối đó ông ta không gọi tôi là đồ khốn vô tích sự. Cũng không gọi là đồ chó dại.
Giờ Godbole gọi tôi như thế, và còn tệ hơn thế. Tôi ngồi bắt tréo chân trong cái phòng giam mười nhân sáu thước có cánh cửa sắt han gỉ và một ô cửa sổ nhỏ hình vuông đan lưới sắt để lọt luồng ánh sáng mặt trời bụi mù vào phòng. Phòng giam nóng và ẩm thấp. Ruồi nhặng bay vo ve quanh phần còn lại của một quả xoài chín nẫu ướt nhẹp trên sàn đá. Một con gián trông sầu thảm lết tới chân tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy đói. Bụng tôi sôi lên òng ọc.
Người ta nói lát nữa tôi sẽ được đưa tới phòng thẩm vấn, sẽ bị thẩm vấn lần thứ hai kể từ khi bị bắt. Sau khoảng thời gian chờ đợi tưởng như dài vô tận, một người đến dong tôi đi. Người đó chính là thanh tra Godbole.
Godbole chưa già lắm, tầm giữa độ tuổi bốn mươi. Ông ta có cái đầu hói và khuôn mặt tròn nổi bật bởi bộ râu ghi đông. Ông ta đi đứng nặng nề, và cái bụng phệ thì chảy sệ bên trên cạp cái quần kaki. “Lũ ruồi chết tiệt,” ông ta rủa và cố đập một con ruồi đang lượn tròn trước mặt. Ông ta đập trượt.
Hôm nay tâm trạng của thanh tra Godbole không được tốt. Ông ta bực mình vì lũ ruồi. Ông ta bực mình vì cái nóng. Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán ông ta. Ông ta lấy ống tay áo quệt mồ hôi. Trên hết, ông ta bực mình vì cái tên của tôi. “Ram Mohammad Thomas - tên vớ vẩn gì mà pha trộn đủ mọi tôn giáo thế hả?” ông ta nói, và đây không phải lần đầu ông ta nói thế.
Tôi cho qua sự nhục mạ đó. Tôi đã thành quen với chuyện này rồi.
Bên ngoài phòng hỏi cung có hai cảnh sát đứng nghiêm, một dấu hiệu cho thấy bên trong có nhân vật quan trọng. Hồi sáng họ nhai paan và đá qua đá lại những câu đùa tục tĩu. Godbole đẩy tôi vào căn phòng có hai người đàn ông đang đứng trước một biểu đồ treo tường ghi tổng số các vụ bắt cóc và giết người trong năm. Tôi nhận ra một trong hai người. Ông ta, với mái tóc dài như đàn bà - hay một ngôi sao nhạc rock, chính là người có mặt trong buổi ghi hình trò chơi, truyền đạt các chỉ dẫn cho người dẫn chương trình thông qua bộ điện đài. Tôi không biết người còn lại, một ông da trắng đầu trọc lốc. Ông ta mặc com lê màu hoa cà, đeo cà vạt màu da cam sáng. Giữa tiết trời nóng bức ngột ngạt như thế chỉ một người đàn ông da trắng mới đi mặc com lê và đeo cà vạt. Điều đó làm tôi nhớ đến đại táTaylor.
Chiếc quạt trần quay hết cỡ, nhưng căn phòng vẫn gây cho người ta cảm giác thiếu không khí vì nó không có cửa sổ. Cái nóng từ những bức tường trắng bốc lên và bị cái trần gỗ thấp chặn lại. Một thanh xà dài, mỏng chia căn phòng thành hai phần bằng nhau. Căn phòng trống không nếu không kể đến chiếc bàn cũ kỹ và ba chiếc ghế kê vòng xung quanh. Một cái đèn có chụp treo trên thanh xà gỗ chĩa thẳng xuống bàn.
Godbole giới thiệu tôi với người đàn ông da trắng y như một người chỉ hay diễn xiếc giới thiệu chú sư tử cưng của mình. “Thưa ngài, đây là Ram Mohammad Thomas.”
Người đàn ông da trắng cầm khăn tay thấm mồ hôi trên trán và nhìn tôi cứ như thể tôi là một con khỉ giống mới. “Vậy ra đây là người thắng cuộc nổi tiếng của chúng ta đấy! Tôi phải nói rằng trông anh ta già hơn tôi nghĩ.” Tôi cố xác định xem giọng ông ta là giọng của người xứ nào. Ông ta nói kiểu như đám du khách khá giả đổ đếnAgratừ những nơi xa xôi nhưBaltimorevàBoston.
Người Mỹ đó ngồi xuống một chiếc ghế. Ông ta có đôi mắt xanh sẫm và cái mũi hồng hồng. Những đường gân xanh trên trán ông ta trông như những nhánh cây nho nhỏ. “Xin chào,” ông ta giới thiệu với tôi. “Tôi là Neil Johnson. Đại diện cho New Age Telemedia, hãng giữ bản quyền trò chơi đó. Còn đây là Billy Nanda, nhà sản xuất.”
Tôi vẫn im lặng. Loài khỉ không nói. Nói tiếng Anh lại càng không.
Ông ta quay sang Nanda. “Anh ta hiểu được tiếng Anh chứ?”
“Ông quên à, Neil?” Nanda nhắc nhở. “Làm sao ông có thể mong anh ta nói tiếng Anh chứ? Lạy Chúa, anh ta chỉ là một gã bồi bàn ngu xuẩn ở một nhà hàng tồi tàn.”
Có tiếng còi rít lên xé qua không khí. Một tay cảnh sát chạy vào phòng thì thầm gì đó với ông Godbole. Viên thanh tra chạy ra ngoài rồi quay vào cùng một người béo lùn mặc cảnh phục sĩ quan cao cấp. Godbole tươi cười với Johnson, để lộ những chiếc răng vàng. “Thưa ông Johnson, cảnh sát trưởng đã đến.”
Johnson đứng dậy. “Ông cảnh sát trưởng, cảm ơn ông đã đến. Tôi nghĩ ông đã biết anh Billy đây.”
Ông cảnh sát trưởng gật đầu. “Nhận được điện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là tôi đến đây ngay.”
“Ồ, vâng... ông ấy là bạn cũ của ông Mikhailov.”
“Vậy, tôi có thể làm gì cho ông?”
“Thưa ông cảnh sát trưởng, tôi cần sự giúp đỡ của ông về ALTP.”
“ALTP?”
“Đó là cách gọi tắt của trò chơi Ai là tỷ phú?”
“Thế nó là cái gì vậy?”
“Đó là một trò chơi mới được hãng chúng tôi giới thiệu - ở ba mươi lăm nước. Có lẽ ông đã thấy quảng cáo của chúng tôi nhan nhản khắp Mumbai.”
“Chắc là tôi đã bỏ lỡ các mục quảng cáo đó. Nhưng sao lại là một tỷ?”
“Sao lại không? Ông có xem chương trình Ai muốn thành triệu phú không?”
“Kaun Banega Crorepati hả? Cả nước này đều bị cái chương trình đó ám ảnh. Với gia đình tôi, đó là chương trình không thể bỏ qua.”
“Tại sao ông xem chương trình đó?”
“Ờ... Bởi vì nó rất thú vị.”
“Liệu nó có thú vị được bằng nửa thế không nếu giải thưởng cao nhất của nó là mười nghìn thay vì một triệu?”
“Ờ... Tôi cho là không.”
“Chính xác. Ông thấy đấy, sự trêu ngươi lớn nhất trên thế giới này không phải là tình dục. Đó là tiền. Và tiền càng tăng thì sự trêu ngươi càng lớn.”
“Tôi hiểu. Ai là người hỏi chính trong trò chơi của các ông?”
“Chúng tôi có Prem Kumar đảm đương việc đó.”
“Prem Kumar? Cái tay diễn viên hạng B ấy à? Nhưng anh ta không nổi tiếng bằng một nửa Amitabh Bachchan, người dẫn chương trình Crorepati.”
“Đừng lo, rồi anh ta sẽ nổi tiếng. Tất nhiên, chúng tôi buộc phải chọn anh ta một phần cũng vì anh ta có hai mươi chín phần trăm vốn trong công ty con ở Ấn Độ của hãng New Age Telemedia.”
“Ok. Tôi hình dung ra rồi. Giờ thì cái gã này, tên anh ta là gì nhỉ, Ram Mohammad Thomas, có liên quan như thế nào tới chuyện này?”
“Anh ta là người chơi trong kỳ thứ mười lăm của chương trình diễn ra vào tuần trước.”
“Và?”
“Và đã trả lời chính xác tất cả mười hai câu hỏi để giành giải thưởng một tỷ rupi.”
“Gì cơ? Chắc ông đang đùa!”
“Không, không đùa đâu. Chúng tôi cũng kinh ngạc như ông vậy. Anh chàng này là người đã thắng số tiền lớn nhất trong lịch sử. Chương trình kỳ này chưa được phát sóng trên truyền hình nên nhiều người còn chưa biết tin đó.”
“Ok. Nếu ông nói anh ta thắng một tỷ, thì anh ta thắng một tỷ. Vậy có vấn đề gì? “
Johnson dừng lại. “Billy và tôi có thể nói chuyện riêng với ông được không?”
Ông cảnh sát trưởng ra hiệu cho Godbole ra ngoài.
Viên thanh tra quắc mắt nhìn tôi rồi đi ra. Tôi ở lại trong phòng, nhưng chẳng ai mảy may để ý. Tôi chỉ là một gã bồi bàn. Và bồi bàn thì không hiểu tiếng Anh.
“Ok. Giờ nói đi,” ông cảnh sát trưởng nói.
“Ông thấy đấy, ông cảnh sát trưởng, ông Mikhailov không đủ khả năng trả một tỷ rupi ngay bây giờ,” ông Johnson nói.
“Vậy tại sao ông ta lại đưa ra giải thưởng đó?”
“Thì... đó là một mẹo quảng cáo.”
“Này, tôi vẫn không hiểu. Cứ cho đó là mẹo quảng cáo đi, thế chẳng phải bây giờ có người giành giải cao nhất rồi thì chương trình của các ông càng phát triển tốt hay sao? Tôi nhớ rằng cứ một người chơi thắng được một triệu trong trò Ai muốn thành triệu phú, thì số khán giả của chương trình đó lại tăng gấp đôi.”
“Vấn đề là sự tính toán thời gian, ông cảnh sát trưởng ạ, sự tính toán thời gian. Những trò chơi như ALTP không thể được điều khiển một cách ngẫu nhiên hay phó mặc cho may rủi. Chúng phải tuân theo một kịch bản. Và theo kịch bản của chúng tôi, ít nhất sau tám tháng mới có người chiến thắng, cho đến thời điểm đó chúng tôi đã có thể thu hồi được phần lớn vốn đầu tư qua lợi nhuận quảng cáo. Nhưng giờ thì cái gã Thomas này đã phá hỏng toàn bộ kế hoạch của chúng tôi.”
Ông cảnh sát trưởng gật đầu. “Ok, vậy ông muốn tôi làm gì?”
“Tôi muốn ông giúp chúng tôi chứng minh Thomas đã gian lận trong trò chơi đó. Rằng anh ta không thể biết câu trả lời cho tất cả mười hai câu hỏi đó nếu không có kẻ đồng lõa. Cứ thử nghĩ mà xem. Anh ta chưa bao giờ đi học. Thậm chí chưa bao giờ đọc một tờ báo. Không có cách nào để anh ta có thể giành giải cao nhất.”
“Ồ... Tôi không dám chắc thế đâu.” Ông cảnh sát trưởng gãi đầu. Có nhiều trường hợp các cậu bé có nền tảng khá khiêm tốn về sau hóa ra lại là những thiên tài. Chẳng phải chính Einstein cũng bỏ dở trung học đó sao?”
“Xem này, ông cảnh sát trưởng, ngay bây giờ chúng tôi có thể chứng minh gã này không phải trường hợp của Einstein,” Johnson nói. Ông ta ra hiệu cho Nanda.
Nanda đi tới chỗ tôi, vừa đi vừa thọc ngón tay vào mớ tóc rậm rì của mình. Anh ta nói với tôi bằng tiếng Hindi. “Anh Ram Mohammad Thomas, nếu quả thật anh đủ thông minh để chiến thắng trong cuộc thi đố của chúng tôi thì chúng tôi muốn anh chứng minh điều đó bằng cách tham gia một cuộc thi đố tương tự, ngay bây giờ. Đây là những câu hỏi rất đơn giản. Gần như bất cứ ai có trí thông minh ở mức trung bình đều trả lời được.” Anh ta ấn tôi ngồi xuống ghế. “Anh sẵn sàng chưa? Đây là câu hỏi số một. Đồng tiền của nước Pháp là gì? Các lựa chọn là a) đồng đô la, b) đồng bảng, c) đồng euro, hay d) đồng franc.”
Tôi vẫn im lặng. Đột nhiên, lòng bàn tay của ông cảnh sát trưởng nhào tới, giáng xuống má tôi. “Đồ khốn, anh điếc à? Trả lời đi nếu không tôi sẽ đấm vỡ hàm anh đấy,” ông ta đe.
Nanda bắt đầu nhảy tưng tưng như gã điên - hay một ngôi sao nhạc rock. “Xin lỗiiiiiii, chúng ta có thể tiến hành việc này theo cách văn minh được không?” anh ta hỏi ông cảnh sát trưởng. Rồi anh ta nhìn tôi. “Được chứ? Câu trả lời của anh là gì?”
“Franc,” tôi rầu rĩ đáp.
“Sai. Câu trả lời đúng là đồng euro. Ok, câu hỏi số hai. Ai là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng? Đó là a) Edwin Aldrin, b) Neil Armstrong, c) Yuri Gagarin, hay d) Jimmy Carter?”
“Tôi không biết.”
“Đó là Neil Amstrong. Câu hỏi số ba. Các kim tự tháp nằm ở a)New York, b)Rome, c) Cairo, hay d)Paris?”
“Tôi không biết.”
“ỞCairo. Câu hỏi số bốn. Ai là tổng thống của nước Mỹ? Đó là a) Bill Clinton, b) Colin Powell, c) John Kerry, hay d) George Bush?”
“Tôi không biết.”
“Đó là George Bush. Anh Thomas, tôi rất tiếc phải nói rằng anh đã không trả lời đúng câu hỏi nào.”
Nanda quay sang ông cảnh sát trưởng và lại nói tiếng Anh. “Ông thấy đấy, tôi đã nói đây là một gã ngu xuẩn. Chỉ bằng cách gian lận gã mới có thể trả lời được tất cả các câu hỏi tuần trước.”
“Anh có biết anh ta gian lận như thế nào không?” ông cảnh sát trưởng hỏi.
“Đó là vấn đề làm tôi bối rối. Tôi có mang cho ông hai bản sao của đĩa DVD ghi hình chương trình đó. Các chuyên gia của chúng tôi đã dùng kính hiển vi để nghiên cứu từng chi tiết nhưng cho đến giờ vẫn chưa phát hiện được gì. Cuối cùng thì điều gì đó cũng sẽ lộ ra thôi.”
Cơn đói trong bụng dâng lên cổ làm tôi hoa cả mắt. Tôi gập người lại mà ho.
Johnson, ông người Mỹ đầu trọc lốc, đột nhiên nhìn tôi. “Ông cảnh sát trưởng, ông còn nhớ trường hợp viên thiếu tá thắng một triệu bảng trong chương trình Ai muốn thành triệu phú không? Chuyện xảy ra ở Anh vài năm trước. Công ty chịu trách nhiệm trao thưởng đã từ chối trả tiền. Cảnh sát tiến hành điều tra và đã kết tội ông thiếu tá đó. Hóa ra ông ta có một giáo sư là đồng lõa ngồi trong đám khán giả và ông này làm hiệu thông báo câu trả lời đúng bằng cách phát ra những tiếng ho được mã hóa. Chắc chắn ở trường hợp này cũng xảy ra điều gì đó tương tự.
“Vậy là chúng tôi cần phải tìm một khán giả phát ra tiếng ho?”
“Không. Không hề có bằng chứng của ho hắng. Chắc hẳn gã này đã sử dụng một cách làm hiệu khác.”
“Thế còn khả năng sử dụng điện thoại di động hoặc máy nhắn tin để làm hiệu thì sao?”
“Không. Chúng tôi đảm bảo không có bất cứ thiết bị kỹ thuật nào trên người anh ta. Vả lại không cái máy nhắn tin hay điện thoại di động nào hoạt động được trong trường quay.”
Ông cảnh sát trưởng chợt nảy ra một ý. “Ông có nghĩ đến khả năng anh ta có một chip nhớ được cấy trong não không?”
Johnson thở dài. “Ông cảnh sát trưởng, tôi nghĩ ông đã xem quá nhiều phim khoa học giả tưởng rồi. Thế này nhé, cho dù đó là gì đi nữa thì ông cũng phải giúp chúng tôi điều tra cho ra. Chúng tôi không biết kẻ đồng lõa là ai. Chúng tôi không biết hệ thống phát tín hiệu nào đã được sử dụng. Nhưng tôi dám chắc một trăm phần trăm gã này là kẻ lừa bịp. Ông phải giúp chúng tôi chứng minh điều đó.”
“Ông đã nghĩ đến việc đấm mõm gã chưa?” ông cảnh sát trưởng gợi ý vẻ hy vọng. “Tôi muốn nói là có thể gã này thậm chí còn không biết con số một tỷ có mấy số không. Tôi cho rằng các ông chỉ cần ném cho gã hai nghìn rupi thôi là cũng đủ làm gã sướng mê rồi.”
Tôi muốn đấm cho ông cảnh sát trưởng ngã bổ chửng ra. Thú thật, trước khi có mặt trong chương trình đố vui trên truyền hình đó tôi chưa biết giá trị của một tỷ. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Giờ tôi biết rồi. Và tôi quyết định nhận giải thưởng của mình. Với đầy đủ chín con số không.
Câu trả lời của Johnson làm tôi yên tâm. “Chúng tôi không thể làm thế,” ông ta nói. “Làm thế chúng tôi dễ bị ra tòa lắm. Ông thấy đấy, anh ta hoặc là một người thắng cuộc không gian lận hoặc là một kẻ lừa bịp. Vì thế anh ta hoặc nhận được một tỷ hoặc phải ngồi tù. Chẳng có sự lập lờ nào ở đây hết. Ông phải giúp tôi đảm bảo rằng anh ta sẽ phải ngồi tù. Giờ mà phải trả cả một tỷ thì ông Mikhailov sẽ trụy tim mất.”
Ông cảnh sát trưởng nhìn thẳng vào mắt Johnson. “Tôi hiểu vấn đề của các ông,” ông ta kéo dài giọng. “Nhưng trong vụ này tôi được bao nhiêu?”
Ngay lúc đó, Johnson nắm cánh tay ông ta, kéo ra góc phòng. Họ thầm thì với nhau. Tôi chỉ nghe được ba tiếng: “mười phần trăm”. Ông cảnh sát trưởng rõ ràng rất phấn khởi sau những gì vừa được rót vào tai. “Được, được, ông Johnson, coi như việc của ông đã xong. Giờ để tôi gọi Godbole vào.”
Viên thanh tra được gọi vào. “Godbole, cho đến giờ ông đã khai thác được gì từ gã này?” ông cảnh sát trưởng hỏi.
Godbole nhìn tôi bằng ánh mắt độc địa. “Không gì cả, thưa ông cảnh sát trưởng. Gã khốn này cứ lặp đi lặp lại rằng gã ‘biết’ các câu trả lời. Gã nói gã đã gặp may.”
“May mắn ư?” Johnson cười nhạo.
“Vâng, thưa ông. Cho đến giờ tôi vẫn chưa sử dụng cấp độ ba, nếu không gã này sẽ hót như một con chim hoàng yến. Thưa ông, một khi ông đã cho phép, tôi sẽ mau chóng moi được tên của mọi kẻ đồng lõa.”
Ông cảnh sát trưởng nhìn Johnson và Nanda vẻ giễu cợt. “Các ông thấy thoải mái về việc đó chứ?”
Nanda lắc đầu thật lực khiến mái tóc dài của anh ta bay tung lên. “Không. Không tra tấn. Báo chí đã đánh hơi thấy vụ bắt bớ này rồi. Nếu họ phát hiện ra anh ta bị ngược đãi thì chúng tôi coi như xong. Chưa tính đến chuyện bị một tổ chức phi chính phủ về quyền công dân đâm đơn kiện thì tôi cũng đã có đủ vấn đề để giải quyết rồi.”
Ông cảnh sát trưởng vỗ vào lưng anh ta. “Billy, anh đã trở nên giống người Mỹ rồi đấy. Đừng lo. Godbole là một chuyên gia. Sẽ không có một vết lằn nào trên người gã đâu.”
Dịch trong dạ dày tôi dâng lên. Tôi cảm thấy buồn nôn.
Ông cảnh sát trưởng dợm bước rời phòng hỏi cung. “Godbole, sáng mai tôi muốn có tên của kẻ đồng lõa và đầy đủ chi tiết về cách thức hoạt động. Cứ việc sử dụng bất cứ biện pháp cần thiết nào để moi cho bằng được thông tin. Nhưng phải cẩn thận. Nhớ đấy, sự thăng tiến của ông phụ thuộc vào việc này.”
“Cảm ơn ông. Cảm ơn.” Godbole nặn ra một nụ cười. “Ông cứ yên tâm. Khi tôi xong việc với gã này thì ngay đến cả tội giết Mahatma Gandhi gã cũng sẽ nhận.”
Tôi cố nhớ xem ai là kẻ đã giết Mahatma Gandhi, người vốn nổi tiếng với hai tiếng “Hey, Ram” thốt ra trước khi chết. Tôi nhớ chi tiết này bởi vì tôi đã kêu lên, “Đó là tên tôi!” Và cha Timothy đã ôn tồn giảng giải rằng đó là tên của thần Ram, vị thần Hindu bị lưu đày trong chốn rừng sâu mười bốn năm.
Trong khi đó, Godbole đã quay trở vào sau khi tiễn ông cảnh sát trưởng và hai người đàn ông kia. Ông ta thở phì phò trong phòng hỏi cung và đóng sập cửa lại. Rồi ông ta bật ngón tay chỉ về phía tôi. “Ok, đ. mẹ mày, lột quần áo ra!”
Cái đau đớn nhói buốt rỉ ra từ mọi lỗ chân lông trên thân thể tôi.Taytôi bị trói vào thanh xà gỗ bằng một sợi dây thừng thô ráp. Thanh xà cách sàn nhà chín thước nên chân tôi lủng lẳng trên không còn hai bàn tay và hai bàn chân như thể đang bị xé rời ra. Tôi hoàn toàn trần truồng. Những dẻ xương sườn trên ngực tôi chìa ra như xương của những đứa trẻ châu Phi đói khát.
Godbole đã tra tấn tôi hơn một tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa chịu dừng tay. Cứ khoảng nửa giờ ông ta lại sử dụng một dụng cụ tra tấn mới. Thoạt đầu ông ta thọc một cái que gỗ vào hậu môn tôi. Cái que được bôi bột ớt khô. Tôi cảm thấy như thể một thanh sắt nhọn được nung đến độ nóng chảy đang được đóng vào hậu môn. Tôi nghẹt thở và nôn khan vì đau. Sau đó ông ta dúi đầu tôi vào xô nước và cứ giữ yên như thế cho tới khi phổi tôi tưởng chừng sắp nổ tung. Tôi thổi phì phì, thở hắt ra, suýt chết đuối.
Giờ ông ta cầm một sợi dây điện có dòng sống trông như một cây pháo trong lễ hội ánh sáng Dawali. Ông ta nhảy quanh tôi như một võ sĩ quyền anh say rượu rồi bất ngờ tấn công tôi. Ông ta chọc cái dây điện trần vào lòng bàn chân trái của tôi. Dòng điện truyền trong người tôi tựa như một thứ chất độc nóng bỏng. Tôi rúm người lại, co giật dữ dội.
Godbole hét vào mặt tôi. “Thằng khốn, mày vẫn không chịu khai mày đã sử dụng trò bịp nào trong chương trình đó hả? Ai đã cho mày biết câu trả lời hả? Khai đi thì mày sẽ không bị tra tấn nữa. Mày sẽ được ăn một bữa ngon lành nóng sốt. Thậm chí mày có thể về nhà.”
Nhưng ngay lúc này thì nhà dường như là một nơi quá xa xôi. Và một bữa ăn nóng sốt chắc chắn sẽ làm tôi nôn mửa. Nếu bạn không ăn trong một thời gian dài, cái đói sẽ teo lại và chết đi, để lại cảm giác đau âm ỉ dưới lõm thượng vị.
Trận nôn mửa dữ dội đầu tiên bắt đầu hành hạ tôi. Tôi thoáng ngất đi. Qua màn sương dày trước mắt, tôi nhìn thấy một người đàn bà có dáng người cao và mái tóc đen mượt. Gió rít phía sau người đàn bà làm những món tóc đen huyền của bà bay lòa xòa che khuất khuôn mặt. Bà quấn một tấm sari trắng bằng vải mỏng rung rinh, đung đưa tựa một cánh diều. Người đàn bà đó dang hai tay ra và kêu, “Con tôi... con trai tôi... người ta làm gì với con thế này?”
“Mẹ!” tôi kêu lên, vươn người về phía bà qua cái vực sương mù ngăn cách, nhưng Godbole đã thô bạo túm cổ tôi. Tôi cảm thấy như mình đang chạy nhưng không tiến được một bước nào. Ông ta tát tôi rất mạnh và cái màn màu đen mù mịt tan đi.
Một lần nữa Godbole lại cầm bút lên. Đó là một cái bút đen có ngòi màu vàng sáng bóng. Mực màu xanh da trời óng ánh nơi đầu ngòi bút. “Ký vào bản thú tội này mau,” ông ta ra lệnh.
Bản thú tội khá đơn giản. “Tôi, Ram Mohammad Thomas, xin nói rõ rằng vào ngày 10 tháng Bảy tôi là người chơi trong chương trình Ai là tỷ phú. Tôi thú nhận rằng tôi đã chơi gian. Tôi không biết câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Vì vậy tôi xin từ bỏ, không yêu cầu được nhận giải thưởng cao nhất hay bất cứ giải thưởng nào khác. Tôi xin được tha thứ. Tôi lập bản tuyên bố này trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo và không chịu bất cứ sức ép nào từ bất cứ ai. Ký tên: Ram Mohammad Thomas.”
Tôi biết việc tôi ký bản nhận tội này chỉ là vấn đề thời gian. Tôi sẽ chẳng trụ được bao lâu nữa. Chúng tôi luôn được khuyên đừng có cãi vã với cảnh sát. Những thằng vô danh tiểu tốt như tôi luôn ở đáy cùng của cái hệ sinh vật lớp trên ăn lớp dưới. Ở trên chúng tôi là những tên tội phạm tẹp nhẹp, chẳng hạn như bọn móc túi. Trên chúng là những kẻ tống tiền và những kẻ cho vay nặng lãi. Ở trên nữa là những người ưu tú. Trên nữa là những nhà kinh doanh. Nhưng ở trên tất cả bọn họ là cảnh sát. Cảnh sát có những công cụ quyền lực hiển nhiên. Và không ai kiểm soát họ. Ai có thể giám sát cảnh sát chứ? Vậy nên tôi sẽ ký vào bản tuyên bố. Có lẽ là sau mười, mười lăm cái tát, hoặc hơn. Sau năm, sáu hoặc nhiều cơn choáng váng nữa.
Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng hỗn loạn ở cửa. Cảnh sát đang la hét. Những giọng nói oang oang. Cánh cửa rung lên rồi bật mở. Một phụ nữ trẻ lao vào trong phòng. Cô ấy có chiều cao trung bình, vóc người mảnh dẻ. Cô có hàm răng đẹp và đôi lông mày cong trông dễ ưa. Ở giữa trán cô có một chấm bindi xanh to tròn. Cô mặc bộ salwar kameez màu trắng, quấn khăn dupatta màu xanh da trời, đi xăng đan da. Mái tóc đen dài buông xõa. Chiếc túi nâu khoác trên vai trái. Dáng điệu cô toát lên sự dứt khoát.
2c87Godbole lúng túng đến nỗi ông ta để đầu dây điện trần chạm vào tay mình rồi thét lên vì đau đớn. Ông ta định túm cổ áo kẻ không mời mà đến, nhưng rồi chợt hiểu ra đó là một người đàn bà. “Cô là ai mà xông vào đây như thế hả? Cô không thấy tôi đang bận à?”
“Tôi là Smita Shah,” người phụ nữ điềm tĩnh thông báo với Godbole. “Tôi là luật sư của anh Ram Mohammad Thomas.” Cô ấy nhìn tôi, nhìn tình trạng của tôi, rồi vội ngoảnh mặt đi.
Godbole sửng sốt. Ông ta sửng sốt đến nỗi không nhận thấy tôi cũng sửng sốt chẳng kém. Tôi chưa từng gặp người phụ nữ này. Tôi không có tiền thuê taxi. Tôi đào đâu ra tiền mà thuê luật sư.
“Nhắc lại được không?” Godbole càu nhàu. “Cô là luật sư của hắn?”
“Đúng. Và những gì ông đang làm với khách hàng của tôi là hoàn toàn trái luật và không thể chấp nhận được. Tôi muốn sự ngược đãi này chấm dứt ngay lập tức. Anh ta có quyền kiện ông theo điều 330 và 331 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ. Tôi yêu cầu ông cho tôi xem các giấy tờ liên quan đến việc bắt giữ anh ta. Tôi không thấy có bằng chứng nào của FIR(1). Không có những lý do để bắt người theo điều 22 của Hiến pháp đã quy định và ông đã vi phạm điều 50 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Giờ nếu ông không trình lệnh bắt người ra, tôi sẽ đưa khách hàng của tôi ra khỏi đồn cảnh sát để hội ý riêng với anh ta.”
Tất cả những gì Godbole có thể nói được là “Ờ... Ừmmm... tôi... tôi phải nói chuyện với... với ông cảnh sát trưởng. Xin hãy đợi.” Ông ta nhìn người phụ nữ bằng ánh mắt bất lực, lắc đầu, rồi lủi ra khỏi phòng.
Tôi bị gây ấn tượng mạnh. Tôi không biết luật sư lại có quyền lực trên cả cảnh sát như thế. Hệ sinh vật lớp trên ăn lớp dưới sẽ phải được sắp xếp lại.
Tôi không biết khi nào Godbole quay trở lại phòng hỏi cung, không biết ông ta nói gì với người luật sư cũng không biết người luật sư đã nói gì với ông ta, vì tôi đã ngất đi. Ngất đi vì đau đớn, đói và hạnh phúc.
Tôi ngồi trên chiếc ghế dài bọc da với tách trà nóng bốc khói trên tay. Một chiếc bàn hình chữ nhật rải rác giấy tờ. Trên mặt bàn có một cái chặn giấy bằng thủy tinh và chiếc đèn bàn màu đỏ. Tường phòng được sơn màu hồng. Các giá sách chất đầy những cuốn sách bìa đen dày cộp có in chữ vàng ở gáy. Các tấm bằng và chứng chỉ được đóng khung treo trên tường. Ở góc phòng có một cây tiền trồng trong chậu, phát triển lệch về một bên.
Smita trở lại mang theo một cái đĩa và một chiếc ly. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn. “Tôi biết cậu chắc đói lắm nên đã mua ít chapatti, ít rau trộn và Coke. Đó là tất cả những gì tôi có trong tủ lạnh.”
Tôi chộp lấy tay cô ấy. Bàn tay ấm và âm ẩm. “Cảm ơn cô,” tôi nói. Tôi không biết làm thế nào hay tại sao cô ấy lại vào được đồn cảnh sát. Cô ấy chỉ kể với tôi rằng cô ấy đọc được trên báo về vụ bắt giữ tôi và vội đến ngay. Giờ tôi đang ở nhà cô ấy tại Bandra. Tôi sẽ không hỏi cô ấy đưa tôi về đây khi nào, hoặc tại sao. Ai lại đi đặt câu hỏi về một phép mầu chứ.
Tôi bắt đầu ăn. Tôi ăn hết chapatti. Tôi vét sạch chỗ rau trộn. Tôi uống hết chai Coke. Tôi ăn cho đến khi mắt lồi ra.
Lúc này trời đã sẩm tối. Tôi đã ăn, đã ngủ. Smita vẫn ở bên tôi, nhưng giờ tôi đang ở trong phòng ngủ của cô ấy, đang ngồi trên chiếc giường lớn trải khăn màu xanh da trời. Phòng ngủ của cô ấy khác với phòng ngủ của người chủ cũ của tôi, ngôi sao điện ảnh Neelima Kumari. Thay cho các tấm gương lớn, những chiếc cúp và các giải thưởng điện ảnh, trên các ngăn giá có những cuốn sách và một con gấu bông màu nâu to tướng với đôi mắt bằng thủy tinh. Nhưng, giống Neelima, cô ấy có một chiếc ti vi Sony và cả một đầu DVD nữa.
Smita ngồi với tôi trên mép giường, tay cầm một cái đĩa DVD. “Này, tôi đã cố kiếm được một bản sao của đĩa DVD ghi hình chương trình đố vui cậu tham gia. Giờ chúng ta có thể xem nó thật kỹ. Tôi muốn cậu giải thích cho tôi biết chính xác bằng cách nào cậu có được câu trả lời đúng cho tất cả các câu hỏi. Và tôi muốn cậu nói cho tôi biết sự thật.”
“Sự thật ư?”
“Cho dù cậu đã gian lận, tôi vẫn ở đây để bảo vệ cậu. Những gì cậu kể với tôi sẽ không được sử dụng để chống lại cậu trước tòa.”
Những mối nghi ngờ đầu tiên bắt đầu nhen lên trong đầu tôi. Không phải người phụ nữ này quá tốt đến mức không thể tin được sao? Liệu cô ta có phải người do gã Johnson hói ấy gài vào để moi sự thật làm bằng chứng buộc tội tôi? Tôi có thể tin cô ấy hay không?
Vẫn còn thời gian để quyết định. Tôi lấy đồng xu một rupi đáng tin cậy của tôi ra. Nếu đồng xu ngửa tôi sẽ hợp tác với cô ấy. Nếu sấp tôi sẽ nói lời tạm biệt. Tôi khẽ búng đồng xu. Đồng xu ngửa.
“Cô có biết Albert Fernandes không?” tôi hỏi cô ấy.
“Không. Đó là ai?”
“Ông ta có một nhà máy bất hợp pháp chuyên làm khóa dây đồng hồ đeo tay.”
“Và?”
“Ông ta chơi matka.”
“Matka?”
“Chơi bài bất hợp pháp.”
“Tôi hiểu rồi.”
“Vậy là Albert Fernandes chơi matka và thứ Ba tuần trước đã có một cuộc chơi đáng kinh ngạc.”
“Chuyện gì đã xảy ra?”
“Ông ta đã thắng mười lăm ván liên tiếp. Cô có tin không? Mười lăm ván liên tiếp. Tối đó ông ta vét được năm mươi nghìn rupi.”
“Vậy ư? Tôi vẫn không thấy chuyện đó có gì liên quan ở đây.”
“Cô không thấy sao? Ông ta đã gặp may khi chơi bài. Tôi đã gặp may trong chương trình đó.”
“Cậu muốn nói là cậu chỉ đoán mò câu trả lời và chỉ nhờ may mắn mà cậu trả lời đúng tất cả mười hai câu hỏi ư?”
“Không. Tôi không đoán mò. Tôi biết các câu trả lời.”
“Cậu biết các câu trả lời?”
“Đúng. Cho tất cả các câu hỏi.”
“Vậy thì may mắn có vai trò gì trong chuyện đó?”
“Họ toàn hỏi những vấn đề mà tôi biết câu trả lời, thế chẳng phải tôi may mắn sao?”
Cái nhìn hoài nghi cực độ trên mặt Smita nói lên tất cả. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Trong buồn bã và tức giận tôi phun ra một tràng. “Tôi biết cô đang nghĩ gì. Cũng như Godbole, cô nghĩ rằng tôi chỉ có thể phục vụ món gà rán và rượu whisky trong quán ăn. Rằng tôi chỉ đáng sống cuộc sống giống như một con chó và chết như giun dế. Cô nghĩ thế chứ gì?”
“Không. Ram.” Cô chộp lấy tay tôi. “Tôi sẽ không bao giờ nghĩ như vậy. Nhưng cậu phải hiểu. Nếu tôi giúp cậu, thì tôi phải biết cậu giành giải thưởng một tỷ bằng cách nào. Và tôi thú thật, tôi thấy khó mà hiểu nổi. Trời ạ, ngay đến tôi cũng không trả lời được một nửa số câu hỏi đó.”
“Ồ, thưa bà, người nghèo chúng tôi cũng biết đặt câu hỏi và biết yêu cầu câu trả lời đấy. Tôi cược với bà, nếu người nghèo điều khiển một cuộc thi đố, thì người giàu sẽ không thể trả lời được một câu hỏi nào đâu. Tôi không biết đồng tiền hiện nay của Pháp nhưng tôi có thể nói cho bà biết Shalini Tai nợ người cho vay lấy lãi ở gần khu chúng tôi bao nhiêu tiền. Tôi không biết ai là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, nhưng tôi có thể nói cho bà biết ai là người đầu tiên sản xuất đĩa DVD lậu ở Dharavi. Liệu bà có thể trả lời những câu hỏi như thế trong trò thi đố do tôi đặt ra không?”
“Này, Ram, đừng kích động thế. Tôi không có ý xúc phạm. Tôi thật sự muốn giúp cậu. Nhưng nếu cậu không gian lận thì tôi phải được biết làm thế nào cậu biết các câu trả lời.”
“Tôi không thể giải thích được.”
“Tại sao?”
“Bà có để ý khi bà thở không? Không. Bà chỉ biết rằng bà đang thở. Tôi không đi học. Tôi không đọc sách. Nhưng, tôi nói cho bà biết, tôi biết các câu trả lời đó.”
“Vậy nghĩa là tôi cần phải biết toàn bộ cuộc đời cậu để hiểu được nguồn gốc các câu trả lời của cậu chăng?”
“Có lẽ vậy.”
Smita gật đầu. “Tôi nghĩ đó là điểm then chốt. Suy cho cùng, một cuộc thi hỏi đáp cũng chẳng thiên về kiểm tra kiến thức nhiều hơn là kiểm tra trí nhớ.” Cô ấy sửa lại chiếc khăn dupata xanh và nhìn vào mắt tôi. “Tôi muốn nghe các ký ức của cậu. Cậu có thể bắt đầu kể từ đầu được không?”
“Cô muốn nói là từ khi tôi sinh ra? Năm số một?”
“Không. Từ câu hỏi số một. Nhưng trước khi chúng ta bắt đầu, Ram Mohammad Thomas, cậu hãy hứa rằng cậu sẽ kể với tôi sự thật.”
“Cô muốn nói giống như người ta nói trong phim, ‘Sự thật, toàn bộ sự thật và không gì ngoài sự thật’?”
“Chính xác.”
Tôi thở thật sâu. “Vâng, tôi hứa. Nhưng sách để thề của cô đâu? Kinh Gita, Koran hay Kinh Thánh, cuốn nào cũng được.”
“Tôi không cần cuốn nào hết. Tôi là người làm chứng của cậu. Cũng như cậu là người làm chứng của tôi.”
Smita lấy chiếc đĩa ra khỏi bao đựng và tra nó vào đầu DVD.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.