Tôi muốn kể các bạn nghe một câu
chuyện rất xưa, xưa lắm, hầu như không mấy ai còn nhớ.
Có một trại chủ giàu nuôi hai vợ chồng Di-gan già để giúp việc. Dù đã lớn tuổi, họ vẫn sinh được một đứa con. Cha mẹ nó rất sung sướng, đặt tên con là Liechko. Cùng ngày, cùng giờ, cùng phút, vợ người chủ trại trẻ sinh được một bé gái, đặt tên là Lali.
Một bé trai, một bé gái sinh ra cùng thời gian, người ta bảo như thế số phận đã dành chúng cho nhau. Khi còn bé, hai đứa chơi với nhau. Lớn hơn, Lali được đi đến trường trên chiếc xe ngựa. Ngày nào Lali cũng đề nghị Liechko lên xe, ngồi cạnh mình. Cô chia sẻ với bạn bánh mì và bánh ga tô, phần ăn chiều của cô.
Một hôm bà chủ trại nói với chồng:
- Thế nào mà Lali ăn nhiều bánh thế mà vẫn không mập lên được.
Một chị sen nghe tiếng, kêu lên:
- Làm sao mập lên được, cô ấy toàn cho Liechko bánh? Hơn nữa cô ấy còn cho Liechko lên xe đến trường.
Trại chủ nổi giận, cấm con gái không được gặp gỡ con của người hầu Di-gan. Cuối năm, bọn trẻ mang vở học về nhà. Liechko được điểm ưu tú, nhưng Lali chỉ đạt điểm trung bình. Chủ trại bất bình, chạy đến chỗ thầy giáo:
- Làm thế nào mà con trai của tên hầu của tôi điểm lại cao hơn con gái tôi?
Thầy giáo trả lời:
- Thời gian gần đây, Lali không được như trước nữa. Trước đây Lali học bài không thua gì Liechko. Nhưng từ khi ông cấm cháu không được nói chuyện với Liechko, cháu tỏ ra lơ đãng, buồn bã. Chẳng có gì làm cho cháu khuây khỏa được.
Về đến nhà, trại chủ cho gọi người hầu lại bảo:
- Tôi không thích con trai bác học cùng lớp với con gái Lali của tôi. Bác phải rút nó ngay khỏi trường.
- Nhưng ông chủ muốn tôi đưa cháu đi đâu, ông chủ biết là trong vùng chẳng có trường nào khác.
- Một tên Di-gan thì cần gì đi học. Ngoài đồng ruộng thì công việc chẳng tiến triển, trong lúc đó thì con bác mài đũng quần trên ghế nhà trường. Từ ngày mai, nó sẽ đi chăn bò.
Khi ông già Di-gan báo tin ấy cho gia đình, mẹ Liechko òa khóc. Nhưng cậu con trai họ nói:
- Chẳng hề gì cả, con đã biết đọc biết viết, bây giờ con đi chăn bò.
Hôm sau thay vì đến trường, cậu ra bãi chăn. Khi Lali biết bạn ở đâu, cô yêu cầu người đánh xe ngựa cho cô ra gặp bạn. Cô ngồi xuống cạnh cậu, nói:
- Vì bạn không được đến trường với tôi, tôi sẽ đến chăn bò với bạn.
- Không, Liechko nói, bạn phải đi học, nếu không cha bạn sẽ không bằng lòng.
Không thể làm gì được, Lali cứ ở ngoài bãi chăn đến tối. Hôm sau, hôm sau nữa cô lại đến. Ngày thứ tư, thầy giáo đến trại hỏi tin về Lali. Trại chủ cho gọi người đánh xe ngựa. Bác thú thật bác đã đưa Lali ra đồng từ ba hôm nay. Trại chủ tức nghẹn vì giận. ông ta cho người báo với người hầu Di-gan, buộc ông già phải lập tức đuổi con đi, hoặc cả nhà phải rời khỏi trại. Bà mẹ than khóc nhưng Liechko thì nói:
- Đừng khóc, mẹ, không sợ gì cả, con sẽ chẳng mất gì khi được chu du khắp thiên hạ.
Bà mẹ nấu bánh cho cậu và Liechko ra đi. Giữa đường, cậu gặp chiếc xe ngựa của trại chủ. Trông thấy Liechko vai mang bọc quần áo, Lali kêu lên:
- Bạn đi đâu, Liechko?
- Tôi đi khắp đó đây theo lệnh của cha cô. Từ biệt Lali.
- Tôi sẽ đợi bạn. Lớn lên, tôi sẽ không lấy ai khác ngoài bạn. Đừng quên điều tôi nói.
Cô vừa dứt lời thì người đánh xe quất roi và chiếc xe đi mất trong mây bụi, Liechko tiếp tục đi. Sau một chặng đường dài, anh đến một con suối rộng, một chiếc cầu hẹp bắc ngang. Anh định lên cầu thì trông thấy bờ bên kia một bà già đang đuổi một đàn ngỗng lớn đi tới.
Bà già kêu lên:
- Đợi đã, để ta cho đàn ngỗng đi qua.
Liechko không vội. Anh ngồi xuống đất, kiên nhẫn đợi. Cầu hẹp đến nỗi đàn ngỗng phải qua hàng một. Trời bắt đầu tối mà đàn ngỗng chưa sang hết bờ bên kia. Liechko gối đầu vào một hòn đá ngủ. Anh thức giấc thì đã rạng đông... Liechko cởi bọc lấy bánh ăn. Nhưng những con ngỗng càng ngày càng nhiều ở bờ suối bên kia... Liechko ngả mình dưới một tán cây, ngủ tiếp. Anh thức giấc thì đàn ngỗng đã qua hồ, trên cầu đã hết. Còn bà già, tay cầm cây gậy chăn cừu thì đứng cạnh anh.
- Ngỗng của ta đã đi qua, đến lượt anh. Nói thật xem anh phải đợi lâu quá có bực không?
- Không hề, Liechko cười, trả lời. Cháu đi lung tung, chẳng có gì vội cả.
- Một người khôn ngoan chẳng bao giờ vội vàng cả. Một người lịch sự cũng không cáu bao giờ, bà già hài lòng nói. Nếu cháu sốt ruột hay nếu cháu phàn nàn, cháu sẽ bị trừng phạt. Nhưng vì cháu đã đợi không một lời ta thán, cháu sẽ được thưởng. Bà giơ cao cây gậy, bất thình lình đánh vào tay Liechko. Anh kêu lên.
- Cú đánh này sẽ đem điều may đến cho cháu.
Dứt lời bà biến mất như có phép.
Liechko ngắm bàn tay vằn đỏ.
- Thật là cái bà độc ác.
Anh vượt suối, tiếp tục đi, rồi anh đến cổng một thành phố lớn, vào một cửa hiệu kim hoàn.
- Cậu tìm gì, hả chàng trai?
- Tôi muốn học nghề kim hoàn.
- Tại sao lại không, người chủ nói. Nếu cậu chăm chỉ và dễ bảo, cậu sẽ học được một nghề tốt đấy.
ông đưa Liechko vào nhà, cho ăn uống. Rồi ông dẫn anh vào một phòng nhỏ để qua đêm. Sáng hôm sau, ông đánh thức anh dậy, đưa anh vào xưởng, nơi có nhiều thợ học việc trẻ.
- Cậu nhìn xem, đó là những đồ trang sức bằng vàng và bạc, do các thợ học việc của ta làm. Nếu chăm chỉ và khéo tay, trong một năm, cậu sẽ làm được như thế.
Rồi ông cho anh vào xưởng nơi các thợ bạn đang làm việc: Nếu ở đây ba bốn năm, cậu sẽ được làm việc như họ! Ông nói.
Cuối cùng ông đưa anh vào xưởng làm việc của ông.
- Ta làm việc ở đây, đây là món hàng đặt mới nhất của ta. ông chỉ cho Liechko một cái vương miện. Chính đức vua sẽ đích thân đặt hàng ta. Không ai trong thành phố này có khả năng làm được một việc tinh tế như ta, không bao giờ cậu có thể làm được cái gì đẹp như thế, dù cậu có để cả đời để luyện tập.
- Sao bác lại nói thế? Liechko cười, nói. Bác cứ giao việc này cho tôi, tôi sẽ hoàn tất.
Người chủ nổi giận.
- Cậu là thằng bé huyênh hoang. Một chút nữa thì ta đuổi cậu đi đấy. Ta sẽ nhốt cậu ở đây, nếu chiếc vương miện tối nay không xong, ta sẽ tống cậu ra khỏi cửa. ông nhốt Liechko trong xưởng rồi đi.
Liechko quan sát chiếc vương miện đang làm dở. Kim cương và đá quý bày trên bàn tỏa ánh sáng ngời ngời. Anh lấy một viên kim cương, tìm chỗ thích hợp nhất của nó. Anh cảm thấy bàn tay mình nhẹ nhàng và khéo léo. Chúng tự biết cách dùng kìm kim hoàn và kẹp. Một thời gian sau, tất cả đá quí đã được nạm trên vương miện. Công trình đã hoàn thành.
Tối đến, khi người chủ kim hoàn vào trong xưởng, ông không tin vào mắt mình nữa. ông tính bỏ nhiều tuần để làm chiếc vương miện nhưng rồi đột nhiên ông thấy công trình đã xong, trong vẻ đẹp rạng rỡ. ông phải thừa nhận mình không thể làm như vậy.
- Nếu cậu làm việc này mà không ai giúp đỡ thì cậu là một nghệ sĩ lớn. Cậu có muốn ở lại đây và thành người hợp tác với tôi không? Chúng ta sẽ chia nhau trung thực số tiền kiếm được.
Liechko nhận lời. Nhưng người thợ kim hoàn không phải là người thật thà và ông ta không giữ lời hứa. Khi nhà vua trả tiền, ông giữ cho mình phần lớn tiền công.
Liechko đang thích nghề kim hoàn. Anh để dành tiền kiếm được, định bụng sẽ về nhà khi nào đã tiết kiệm được kha khá để giúp đỡ bố mẹ.
Nhưng rồi anh nhận thấy người chủ ăn cắp tiền của anh, anh quyết định từ bỏ ông ta. Lang thang trong thành phố, anh đi qua một cửa hiệu mang biển hiệu điêu khắc gỗ. Anh nghĩ: Trở thành nhà điêu khắc cũng hay đấy. Anh gõ cửa. Nhà điêu khắc bằng lòng nhận Liechko làm thợ học việc. Trước tiên ông cho anh thăm xưởng của những người học việc và thợ bạn, cuối cùng là xưởng của chủ. Giữa phòng có một bàn thờ đang làm dở.
- Nhà vua đã đặt ta làm bàn thờ này. Nhà vua cho xây một nhà thờ mới vì con gái ngài ốm rất nặng. Linh mục nói nhà thờ mới có thể cứu được công chúa. Trong thành phố của chúng ta, không có thợ điêu khắc nào khéo léo như ta, không bao giờ anh có thể làm được như ta, dù anh có dành cho nghề điêu khắc cả cuộc đời.
Liechko mỉm cười:
- ông cứ thử xem. Cho phép tôi hoàn thành nốt bàn thờ này.
- Sao? Anh chưa phải một thợ học việc mà đã dám coi là giỏi như ta sao? Được. Ta sẽ tóm lấy lời anh, ta sẽ nhốt anh ở đây đến tối, nếu không hoàn thành được cái bàn thờ này thì cứ liệu hồn.
ông nhốt chàng trai lại và ra đi.
Còn lại một mình trong xưởng, Liechko hăng hái bắt tay vào việc. Anh bắt đầu chạm khắc các vị thánh và thiên sứ đẹp đến nỗi tưởng như họ sống thật. Khi các bức tượng đã xong, anh vui vẻ cắt may quần áo bằng lụa và vóc, mặc cho tượng. Sau đó anh thếp vàng tay, chân tượng, hoàn tất bàn thờ. Liechko dừng lại, hài lòng ngắm nghía công trình của mình. Bất thần, anh có cảm tưởng mình đã thấy một trong các thiên thần mạ vàng cử động, mở miệng nói.
- Làm tốt đấy, Liechko. Hiếm có người tạc cho ta một hình ảnh đẹp như thế. ta sẽ thưởng cho anh. Hãy đưa cho ta con dao của anh.
Lặng đi vì ngạc nhiên, Liechko đưa con dao cho thiên thần. Thiên thần chạm ngón tay vàng vào lưỡi dao và trả lại chàng trai.
- Từ nay, mỗi khi anh chạm lưỡi dao vào một vật chết, vật ấy sẽ sống lại.
Dứt lời, thiên thần trở lại dáng điệu bất động giữa các tượng khắc. Tối về, khi người thợ điêu khắc mở cửa xưởng, ông thấy bàn thờ đã xong. ông không tin vào mắt mình:
- Ai đã làm xong bàn thờ này?
- Chính tôi.
Vì người thợ còn hồ nghi, Liechko bình tĩnh lấy một mẩu gỗ và trước mắt ông ta, anh gọt một đầu tượng rất đẹp.
- Hãy ở lại đây, cộng tác với tôi. Ta sẽ chia nhau thu nhập một cách trung thực.
Liechko nhận lời. Sửng sốt vì vẻ đẹp của bàn thờ, nhà vua trả công rất hậu cho người thợ điêu khắc. Người đó giữ lại phần lớn tiền công, chỉ cho Liechko một số tiền nhỏ.
Nhà thờ đã xong, vua cho đặt bàn thờ vào đấy. Nhưng thay vì khỏi bệnh như các linh mục đã nói, công chúa chết đột tử. Nhà vua giận điên lên, cho gọi các linh mục quở trách, dọa sẽ cho phá tan nhà thờ mới. Linh mục sợ quá, nói:
- Nếu Chúa trời không nghe lời cầu nguyện thì chắc chắn lỗi là ở gã thợ điêu khắc làm bàn thờ.
Vua cho gọi người thợ điêu khắc. Khi người này trình diện, vua nổi trận lôi đình:
- Linh mục nói Chúa trời không nghe lời cầu nguyện của ta vì ngươi độc ác, việc làm của ngươi làm ô uế đền thờ.
Người thợ điêu khắc khiếp sợ, thú thật với vua không phải ông ta mà người cộng tác với ông ta đã làm ra bàn thờ.
- Đó là một người Di-gan, nhưng là một con chiên ngoan đạo.
Vua hạ lệnh cho Liechko vào chầu:
- Ngươi đã chạm khắc bàn thờ của nhà thờ mới phải không?
- Thưa vâng.
- Ngươi là con chiên?
- Thần là con chiên. Bố mẹ thần cũng là con chiên.
- Người thợ điêu khắc và ngươi là những tên nói dối, và chí ít thì linh mục cũng nói dối. Nhà vua phán, giọng dọa nạt. Ta nghĩ tốt hơn cả là treo cổ cả ba tên.
Liechko nói:
- Người ta bảo rằng công chúa vừa qua đời rất đẹp, xin cho phép thần được chiêm ngưỡng công chúa trong quan tài một lát, rồi thần có chết cũng cam lòng.
Nhà vua bằng lòng, lệnh cho quân hầu dẫn Liechko vào phòng đặt quan tài. Người chủ tiệm điêu khắc bị xiềng ngoài hành lang.
Khi Liechko trông thấy người con gái đẹp trong quan tài, anh yêu cầu người ta để cho anh được ở một mình với nàng một lát. Người hầu đi ra. Người chủ tiệm điêu khắc thấy Liechko ở lại một mình trong phòng, đâm tò mò. Lão ta đến gần cửa, nhìn qua lỗ khóa. Lão thấy chàng trai đến gần người chết, rút dao, đâm mũi dao vào bàn tay. Tức khắc cô gái ra khỏi quan tài, nói.
- Ta đang ở đâu thế này?
Nàng nhìn Liechko, rất ngạc nhiên:
- Còn ngươi, ngươi là ai? Ta chưa bao giờ trông thấy ngươi. Liechko cầm tay nàng và mở cửa. Người chủ kia bất ngờ, lùi lại. Liechko dẫn công chúa đến chỗ vua cha nàng. Nhà vua thấy con sống lại thì vui mừng phát điên, ông tặng Liechko nhiều quà và hạ lệnh thả người chủ.
Người thợ điêu khắc không thể quên những gì mình đã thấy qua lỗ khóa nhưng liền ngậm tăm, không một lời với người cộng sự. Lão ta cũng ghen tị với Liechko hơn xưa vì những quà tặng của nhà vua.
Chẳng bao lâu sau, hoàng tử nhỏ mắc một căn bệnh chết người. Một tối, toàn thành phố vang lên tiếng chuông cầu hồn. Đứa bé đã chết. Người thợ kia tự nhủ: Đến lượt ta thử vận may.
Lão đến gặp nhà vua, xin phép được ở lại một mình với hoàng tử chết. Nhà vua nhớ lại rằng người cộng sự của hắn cũng đã yêu cầu ngài như thế và công chúa đã sống lại. Vua cho dẫn người thợ điêu khắc vào phòng khâm liệm.
Còn lại một mình với đứa trẻ chết, lão ta rút dao trong túi, đâm mũi dao vào tay đứa trẻ, không có gì xảy ra. Lão đâm lần thứ hai nhưng hoàng tử vẫn bất động. Sợ quá, lão kêu lên. Quân hầu chạy vào, trói chân tay người thợ điêu khắc, tống vào ngục. Được tin, nhà vua khép lão ta vào án tử hình. Việc hành quyết sẽ được tiến hành ở quảng trường. Nhưng rồi đúng lúc đao phủ sắp thi hành án thì một chàng trai trẻ tóc xoăn đen, rẽ đám đông chạy đến, phục xuống chân vua:
- Xin Đức vua rủ lòng thương con người vô tội này, xin cho bác ta được sống, thần hứa sẽ cứu sống lại con ngài.
Nhà vua nhận ra gã trai đã cứu sống công chúa. Ngài lệnh dừng cuộc hành quyết, đích thân dẫn Liechko đến gần hoàng tử nhỏ, nhưng ngài không muốn rời phòng. Liechko nói rằng hoàng tử sẽ không sống lại nếu không ở một mình với anh. Nhà vua đồng ý đi ra, nhưng ông đứng sau cánh cửa, định bụng sẽ mở ra ngay để xem sao. Nhưng ông không kịp. Chỉ vài giây sau, Liechko đã xuất hiện, tay dắt hoàng tử nhỏ bình yên vô sự.
Cả vương quốc ăn mừng. Nhà vua ban thưởng cho Liechko rất nhiều quà và vàng, nhiều đến nỗi chàng trai không tự mình mang nổi. Vua lại tặng cho anh một con ngựa đẹp. Liechko chất lên mình ngựa toàn bộ tài sản. Tạ ơn vua, một lần anh lại xin tha tội cho người thợ điêu khắc và trở về nhà.
Nhưng anh vừa ra khỏi cổng lâu đài thì lão thợ điêu khắc chạy đến, quì xuống chân anh, kêu lên:
- Xin anh đừng đi, ở lại với tôi, tôi sẽ đối xử với anh như con tôi. Từ nay, tất cả những gì tôi có đều thuộc về anh vì anh đã cứu mạng tôi.
- Tôi không thể ở lại với bác được. Tôi phải trở về với cha mẹ đang cần tôi. Tôi biết rõ bác đã rình tôi, bác đã lừa dối tôi, nhưng tôi không để bụng. Tôi muốn chúng ta chia tay nhau như hai người bạn
- Xin hãy ở lại thêm hôm nữa thôi để tôi tỏ lòng biết ơn anh.
Buổi tối, người thợ điêu khắc mở một bữa tiệc thịnh soạn. Hắn ta ra sức chăm sóc khách, mời ăn, mời uống, ôm hôn, luôn miệng nhắc chuyện nợ anh mạng sống của mình. Nhưng khi Liechko nhìn đi nơi khác, hắn liền bỏ thuốc ngủ vào cốc rượu của anh.
Cảnh giác, chàng trai không uống, bỏ hết xuống gầm bàn.
Sau bữa tiệc, chủ nhân theo Liechko đến tận cửa phòng anh. Liechko đánh hơi thấy sự phản trắc: khi người chủ đi ra, anh không ngủ, anh cuộn cái chăn thành hình người, đặt trên giường, rồi nấp sau cánh cửa. Một giờ trôi qua, cánh cửa từ từ mở. Qua cánh cửa mở hé, cái căm râu ria của người thợ điêu khắc hiện ra, tay lão ta cầm một con dao dài.
Người thợ điêu khắc lách nhẹ vào giường, rồi bất thần đâm mạnh con dao vào cuộn chăn. Liechko nhảy xổ ra từ chỗ nấp, tước con dao từ tay hắn, kêu lên:
- Bác đền đáp lòng tốt của tôi như thế đấy!
Trước khi lão thợ điêu khắc kịp hoàn hồn, Liechko đã khoác chỗ vàng lên vai, ra cửa, khóa trái lại. Anh rảo bước tìm ngựa, nhảy lên mình ngựa, phi đi.
Anh đi lâu, rất lâu. Một hôm anh đến một nơi có phong cảnh quen thuộc. Một con suối rộng, bắc ngang là một cây cầu hẹp, bờ bên kia là một cánh rừng già. Liechko hiểu rằng anh không còn xa làng quê là bao. Anh lên cầu. Thình lình cúi mình xuống, anh thấy bóng mình dưới nước. Anh đã thay đổi biết bao! Không còn là thằng bé Di-gan mà viên chủ trại độc ác đã đuổi ra khỏi nhà. Bố mẹ có nhận ra mình không? Cô bé Lali của mình bây giờ ra thế nào? Bây giờ anh đã là một chàng trai cao lớn, dong dỏng trên mình ngựa. Chìm đắm trong suy tư, anh vào rừng. Anh thuộc nó quá. Hồi còn bé, anh hay vào rừng tìm nấm và quả dâu tây. Thình lình, anh giật cương, hãm ngựa lại. Căn nhà xây tường trắng kia ở đâu ra thế nhỉ? Như một nhà thờ nhỏ, nhưng không cửa sổ, không cửa ra vào.
Bất chợt, bà già xưa kia đã muốn đi trước anh qua cầu xuất hiện không biết từ đâu. Bà vẫn vung vẩy trên tay chiếc gậy bà đã đánh vào tay anh. Bà cười với Liechko, miệng móm mém.
- Ta thấy con đã thành đạt, con trai ạ. Con có dáng vẻ của một lãnh chúa. Con đi chơi bằng ngựa cơ à. Con mang gì trong túi thế?
- Vàng và bạc kiếm được bằng mồ hôi lao động và nhờ sự giúp đỡ của bà. Con xin biếu bà một nửa.
- Ta không cần tiền của con, bà già cười trả lời. Nhưng ta vui mừng khi thấy con không phải là kẻ hạ tiện và vô ơn. Rất tiếc là có nhiều tin xấu đang đợi con ở nhà.
- Tin gì hả bà? Liechko kêu lên, hoảng hốt.
- Con về muộn quá, bố mẹ con đã chết từ lâu. Thân thể ông bà đã đã tan rữa trong lòng đất, ngay con dao thần diệu cũng không làm cho ông bà sống lại. Cô bạn Lali của con, cô ây cũng chết rồi...
- Lali có chuyện gì với cô ấy?
- Bố mẹ con bé ép gả chồng, nhưng nó từ chối. Nó chờ con trở lại. Nhưng người bố đã không ngừng hành hạ nó, bắt nó phải lấy một người đàn ông khác. Nó đã uống thuốc độc. Trước khi chết, nó có viết một lá thư yêu cầu được chôn cất trong rừng, ở đây. Kia kìa, người ta đã chôn nó cách đây ba ngày và xây bít tường lại.
- Con có thể trông thấy nàng không?
- Có thể. Ta sẽ giúp con.
Bà già lấy đũa thần gõ vào tường. Tường mở ra và khi Liechko muốn cảm ơn bà thì bà đã biến mất như bị nuốt chửng vào lòng đất.
Liechko vào nấm mồ. Trên một cái bệ cẩm thạch chính giữa gian phòng, anh thấy một quan tài bằng bạc: Không còn là cô bé mà anh đã biết: nàng mới đẹp làm sao! Trông nàng như đang ngủ.
Liechko lấy con dao thần diệu trong túi ra. Lưỡng lự một chút, anh chích mũi dao nhọn vào bàn tay trắng nuốt. Cô gái đang chết mở mắt, ngạc nhiên nói:
- Anh là ai?
- Em không nhận ra anh sao, Lali?
- Có chứ, em nhận ra anh, anh là Liechko. Anh Liechko của em, anh đã trở về!
Đưa mắt nhìn quanh. Nàng sợ hãi:
- Nơi khủng khiếp này là đâu?
- Hãy ra bên ngoài, anh sẽ giải thích cho em sau.
Liechko cầm tay Ladi, đỡ nàng đi ra. Nhưng vừa qua được lỗ hổng thì bức tường trắng khép lại sau họ: Liechko hiểu rằng con dao thần diệu còn ở bên trong.
Anh hối tiếc rồi tự bảo: Bây giờ nó không quan trọng nữa. Điều chủ yếu là Lali vẫn còn sống.
Lali nép vào anh, nói:
- Đừng giải thích gì cả, em đã biết cả rồi. Em đã uống lá cây độc. Bố mẹ em tưởng em chết, đã chôn em trong nấm mồ này theo yêu cầu của chính em. Nhưng anh đã tìm ra nấm mồ. Chính là niềm vui đã trả lại sự sống cho em.
- Phải, em có lý, Liechko nói. Bây giờ chúng ta đi tìm cha em để yêu cầu ông ban phước lành cho ta.
Lali lắc đầu:
- ông ấy sẽ không bao giờ cho phép chúng ta lấy nhau, nàng nói buồn bã. Em không muốn quay về nhà. Bố mẹ em tưởng em đã chết, những người đó đã khóc than cho em. Để họ ở lại. Chúng ta sẽ đến một xứ sở mà ở đó không còn ai biết ta là ai.
Liechko và Lali lên ngựa, họ đi rất xa. Họ mua một ngôi nhà đẹp cùng đất đai và sống với nhau rất hạnh phúc.
Hết truyện 16. Mời các bạn đón đọc truyện 17!