CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Giá của một phút gọi đến Tổng Đài Tư Vấn số 18 là năm ngàn đồng.
Công việc của tôi là nói, nhưng đôi khi nó trở thành lắng nghe.
Và chỉ lắng nghe mà thôi.
Như là trong ca trực đó.
- Chào cô.
- Dạ... - Hơi ngừng một chút để dò đoán cách xưng hô, rồi tôi quyết định -... Xin chào anh.
Thật ra, trong công việc của tôi cách xưng hô hoàn toàn không quan trọng. Chỉ là giọng nói và cách nói. Còn lại là những hình dung.
Thật là vậy, nhưng rồi tôi cũng tự vẽ ra được khuôn mặt của người bên kia. Căn cứ vào giọng nói, điều này có khi sai lệch vì có người được trời cho giọng tươi trẻ mãi mãi. Nhưng cách nói thường là chính xác.
Vậy, căn cứ vào cách nói, tiếng thở nặng hoặc thở dài, giọng điệu ngập ngừng, khựng, có khi không phải vì nói một điều khó nói mà là cái lưỡi và ý tưởng không song hành cùng lúc, cái này phải khựng để đợi cái kia.
Và tôi gom những điều đó lại vẽ thành một khuôn mặt. Rồi tùy theo nội dung mà tôi vẽ đôi mắt, mũi, và những nếp nhăn nếu có.
Cuốn sổ của tôi có nhiều chân dung bằng cách đó. Ban đầu, đó là tôi giải trí cho đỡ đơn điệu công việc giữa bốn bức tường và cái điện thoại, sau còn nghĩ biết đâu mình trở thành họa sĩ.
Trở lại với giọng đàn ông ngày hôm đó.
Tay trái áp ống nghe vào tai, tay phải tôi cầm cây
Hiện ra trên giấy là khuôn mặt người đàn ông tuổi khoảng năm mươi, tóc vẫn còn đen vì giọng nói trong như tiếng chuông, một chất giọng đặc biệt hiếm có.
- Tôi về hưu rồi...
À, vậy là không phải năm mươi. Tôi vẽ thêm một ít tóc màu muối tiêu.
-... Bây giờ tôi làm bảo vệ cho công ty. Tôi hài lòng với công việc của mình cô à. Tôi có uy tín nên được thêm nơi khác mời làm bảo vệ, là tôi được hai lương, thêm lương hưu nữa là ba. À, có cái nơi khác nghĩa là tôi làm ca, ban ngày tôi trực ở công ty là công việc chính, ban đêm được nghỉ ca ở công ty thì tôi làm bảo vệ cho nơi kia, là đìa tôm đó cô. Cứ đi loanh quanh để tụi trộm thấy có bóng người mà không dám làm bậy vậy mà. Tới một giờ sáng thì tôi về nhà. Tiền lương ba nơi cộng lại cũng đủ đưa cho vợ, chừa lại cà phê thuốc lá với mua báo mỗi sáng. Vậy là êm... Không sung sướng hơn ai nhưng so với nhiều người tôi biết mình vậy là cũng được...
Cũng được mà sao lại thở dài? Tiếng thở dài như cơn gió tạt ngang giọng nói trong như tiếng chuông khiến nó bị ngàn ngạt, tôi phải áp ống nghe sát tai hơn.
- Tôi lấy vợ muộn cô à. Có hai đứa con, một trai một gái. Tôi hy vọng vào đứa con gái lắm cô à. Nó ít nói, ngoan, mà lại chăm chỉ nữa.
Có con trai mà đặt hy vọng vào con gái, nghĩa là... Cây bút chì trong tay tôi nguệch những nếp nhăn trên trán người đàn ông, và hai vết hằn hai bên cánh mũi.
- Vậy mà nó chết vì bị người ta đâm.
Thông tin cái chết cất lên bằng giọng rủ rỉ như ông ta tự nói với mình, tôi chỉ là cái cớ để ông ta thốt thành lời mà thôi.
Tôi biết có những lúc người ta thèm nói kinh khủng, vậy nên cần có người lắng nghe.
Nhưng mà mỗi phút mất năm ngàn đồng. Tôi muốn nhắc ông ta nhớ điều này.
- Con gái tôi đi chơi. Mà không phải đi chơi. Là đi làm về, tan ca, đi cùng đường, cả nhóm cùng đi chung. Trong nhóm có một đứa bạn dính vô chuyện ghen tuông, là hai đứa con gái yêu một thằng. Con nhỏ kia đứng bên kia đường. Con nhỏ này nhìn thấy, nổi cơn, nhào tới. Con nhỏ kia thấy bên này là một nhóm mà mình chỉ có một, phải tìm cách tự vệ, không biết nó tìm đâu ra con dao ngay lúc đó. Nó cũng nhào vô, đúng lúc con gái tôi nhào tới để can. Con dao thọc trúng tim con gái tôi. Chết trên đường đi tới bệnh viện.
Tôi thả cây bút chì xuống, chuyển ống nghe qua
tay phải.
Tôi không thuận tay trái. Tay trái chỉ sử dụng cho những việc nhẹ.
- A lô, cô còn nghe đó không?
- Dạ...
- À... chuyện từ năm ngoái rồi, bây giờ tôi đã bình tĩnh rồi. Bình tĩnh rồi mới tâm sự với cô được, chứ hồi đó tôi rối loạn lắm. Tưởng phát điên. Cô nghĩ đi, thằng con trai thì ở tù vì ma túy. Con gái chết vì bị đâm. Đâu ai biết vì sao mà nó bị đâm. Cứ chết mà do đâm chém là thấy ngán. Trời đất ơi, lúc đó tôi muốn tự sát luôn cho rồi. Ờ, nhưng mà tôi nói bậy quá. Tôi vẫn còn đứa con trai mà. Đâu có bỏ nó được phải không cô? Không, con tôi là con tôi, không bỏ đi đâu hết. Tôi vẫn đi thăm nuôi nó hàng tháng, đếm từng ngày tới khi nó ra tù. Còn hai tháng nữa là nó mãn, cô à. Tôi đếm từng ngày. Vợ chồng tôi dành dụm chờ nó ra tù làm lại cuộc đời. Nhiều khi tôi tự an ủi nó bị tù mà lại hay, cho nó biết sợ mà chừa. Đúng không cô? Mỗi lần vợ chồng tôi đi thăm nuôi, nghe nó nói có nhiều chuyện trong tù không kể cho ba má nghe ở đây được là tôi hiểu lắm. Thấy nó sợ mà tôi mừng, miễn nó còn biết sợ là tôi còn hy vọng. Phải không cô?
*
* *
Điện thoại reo. Giọng người đàn ông tươi tắn:
- Cô ơi, con trai tôi về rồi.
- A... hay quá. - Tôi nói.
- Vui. Tôi vui lắm cô. Nó về hôm qua. Bà xã tôi nấu một nồi nước lá xông cho nó tắm, kỳ cọ cho bằng hết cái mùi tù. Tôi làm một bữa tiệc, mời hết mấy đứa bạn giang hồ của nó tới. Tôi nói khổ đau quá lắm rồi, tiệc này là chia tay với quá khứ, thôi tụi mày thương bác thì đừng đứa nào rủ rê nó nữa. Tụi nó cụng ly, thề là không rủ rê, còn cầu mong cho con tôi sớm kiếm được việc làm nữa. Tối qua cha con tôi trải chiếu nằm giữa sân nói chuyện suốt đêm. Nó kể chuyện trong tù tôi nghe mà dựng tóc gáy. Nó nói cởi được cái áo tù ra khỏi người là nhẹ tưng, khổ cực gì cũng chịu được. Mà ông sếp công ty của tôi cũng tốt lắm cô, ông ta chịu cho nó làm công nhân, lương tháng được triệu rưỡi. Bắt đầu lại như vậy cũng tạm được phải không cô? Tôi mừng lắm. Nói là nói vậy nhưng mà nó đi làm ở đâu tôi cũng lo, biết đâu được đời. Vậy mà ông trời xui khiến nó làm chung công ty với tôi, tôi cũng coi ngó được nó. Cô chia vui với cha con tôi nghen cô. Cô biết không, trong xóm tôi có con nhỏ coi được lắm. Từ cái hồi con trai tôi còn ở tù mà con nhỏ đã gọi tôi là bố. Khi thì "Bố cà phê chưa?", khi thì "Bố ăn cơm chưa?"... nghe dễ thương lắm. Con gái mà một thân một mình từ Bắc vô đây tìm đường làm ăn, ban đầu là chạy bàn cho quán cơm, nay đã ra riêng được gánh cơm bình dân rồi. Dĩa cơm cho tôi lúc nào cũng thêm miếng thịt nạc hay con tôm rim.
- Nghe ngon quá. - Tôi nói và chuyển ống nghe qua tay trái, tay phải tôi vẽ lên trang giấy hai khuôn mặt nghiêng về nhau, một cô gái và một chàng trai.
Người đàn ông cười:
- Thằng con trai tôi mà đừng tái ngu thì cũng có tương lai phải không cô?
Nghe trong tiếng cười và câu nói là nỗi lo lắng
vô cùng.
*
* *
- Buồn rồi cô ơi. Con trai tôi nghỉ việc công ty rồi. Ông sếp nói từ ngày nhận nó vô làm, khách hàng người ta cứ hỏi này hỏi kia... Sếp ngại. Tôi không trách sếp cũng không trách mọi người. Lỗi là tại con trai tôi thôi.
- Bây giờ con trai anh tìm được việc làm khác chưa?
- Rồi. Nó đi phụ hồ. Tôi không chê cái nghề phụ hồ, miễn nó chịu làm ăn là tôi mừng. Nhưng mà cái nghề phụ hồ này cứ chiều lại rủ nhau ra quán làm một cái lẩu. Tôi sợ là sợ chỗ đó. Tụ tập, rồi rượu vô... Tôi khuyên nó làm việc xong là về thẳng nhà, nhưng mà nó nói cũng có lý, không ngồi với anh em một ly thì người ta nói mình kiêu, cũng mệt lắm.
Tiếng thở dài thườn thượt:
- Kiểu gì cũng mệt. Nhớ tháng trước làm công ty, tới kỳ lương nó đưa hết cho má nó, hàng ngày xin lại mười ngàn uống cà phê thôi. Vợ chồng tôi mừng quá trời.
- ...
- Hai cha con cùng công ty thì đi chung xe, khi nó chở tôi khi tôi chở nó, vui, yên tâm. Nay phải mua cho nó cái xe để đi làm riêng. Cái xe làm tôi càng lo, cô hiểu tôi không?
- ...
- Có cái xe riêng như cầm tiền triệu trong tay. Nó đi phụ hồ nay công trình này mai công trình kia, có tối về nhà, có tối nói ngủ lại để canh chừng vật liệu. Sao mà tôi lo quá cô ơi.
- ...
- Cô còn nghe không?
Năm ngàn đồng một phút. Cái giá này là để tôi tư vấn cho khách gọi tới. Với cái giá này mà tôi im lặng là có lỗi với khách.
Nhưng mà biết nói gì đây?
Tôi lấy giọng nhẹ nhàng, cố gắng để người đàn ông biết là tôi rất quan tâm đến tất cả những gì ông kể:
- Những buổi tối ngủ ở nhà, con trai anh có còn trò chuyện với anh không?
- Không, mấy bữa nay không nói năng tâm sự gì hết. Vậy nên tôi mới lo. Nó nói đi làm hồ mệt quá nên phải ngủ sớm để mai có sức mà làm.
- Dạo này vợ anh ra sao?
- Thì cũng như tôi vậy. Nhiều khi bữa cơm chiều hai vợ chồng cứ nhìn mâm cơm đợi nó về. Tiếng điện thoại reo làm cả hai vợ chồng điếng người như nghe tiếng đại bác, là nó báo tin phải ở lại công trình để canh vật liệu. Nhiều khi tôi muốn hỏi ông thầu có đúng là nó ngủ lại đó không nhưng lại sợ làm tổn thương con mình. Tôi không tin con tôi thì còn mong ai tin nó phải không cô?
Cuốn sổ của tôi, trang chân dung người đàn ông này, tôi tô thêm quầng thâm quanh mắt.
*
* *
- Cô biết tôi đang làm gì không?
Câu hỏi khiến tôi lúng túng, rồi tôi cũng tìm ra câu trả lời:
- Anh đang cầm điện thoại.
Vang tiếng cười như tiếng khịt qua mũi, giọng người đàn ông qua kẽ răng:
- Tôi đang nhìn con tôi quằn quại.
- ...
- Nó hút lại. Hôm bữa nó nói bị mất xe máy, rồi cách đây một tuần nó nói bị mất điện thoại... Nhưng mà tôi vẫn cứ hy vọng. Tới khi ông chủ thầu nói nó ăn cắp xi măng rồi đuổi việc thì tôi xích nó lại...
- ...
- Kinh khủng lắm cô. Cứ mỗi lần nó lên cơn là vợ tôi xỉu. Mỗi ngày nó lên hai cơn, sáng một cơn chiều một cơn. Tôi hỏi trung tâm, người ta cho biết là con nghiện mà chịu đựng được một tuần thì có cơ may. Bữa nay là ngày thứ ba. Hai ngày đầu là do tôi xích nó lại, khi lên cơn nó van xin rồi chửi rủa tôi thậm tệ. Hôm nay tôi hỏi nó: "Con có muốn vô tù lại không?", nó nghĩ ngợi một hồi rồi tự giơ chân cho tôi xích...
- ...
- Cô còn đó không?
- Dạ...
- Còn bốn ngày nữa.
- ...
- Tôi tiếc quá cô à.
- Có chuyện gì nữa hả anh?
- Con nhỏ bán cơm... con dâu hụt của tôi đó cô. Tôi nói con dâu h t vì hôm qua con nhỏ tới nhà đúng lúc thằng con của tôi đang lên cơn, tôi xích nó ở phòng sau không ai thấy nhưng mà nó chửi rủa tôi thì phòng ngoài nghe được. Nó chửi tàn tệ quá. Tôi cũng có ít lỗi lầm với má nó, má nó cũng có ít lỗi lầm với tôi, nó moi ra mà chửi cả tôi lẫn má nó. Cũng tại tôi chủ quan, đáng lý ra tôi phải kiếm cớ gì đừng cho con nhỏ vô nhà. Nhưng mà tại tôi quý, tôi sợ mất lòng con nhỏ cho nên... Nghe thằng con trai tôi chửi mà con nhỏ rùng mình... Tôi biết vậy là hết rồi. Sáng nay gặp ở chợ, con nhỏ nó kêu tôi bằng bác, hết "bố bố con con" rồi.
Tôi muốn nói một câu gì đó, như là "Biết đâu... mai mốt con trai anh cai được rồi thì...", nhưng thấy trong trường hợp này sáo rỗng còn tệ hơn là im lặng, cho nên tôi thôi.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI
Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe về ca trực đầu tiên của tôi. Nói ca trực đầu tiên, nghĩa là lần đầu tiên tôi trực một mình.
Hôm đó tôi rất hào hứng, và dĩ nhiên rất hồi hộp, nhưng mà tôi cũng rất tự tin. Tôi đã thực tập suốt cả ba tháng rồi còn gì. Trong suốt chín mươi ngày tôi chỉ một việc lắng nghe. Mọi người bật điện thoại loa rời để tôi cùng nghe câu hỏi và câu trả lời.
Kết thúc ba tháng thực tập, tôi làm một phép tính: trung bình mỗi ngày có hai mươi câu hỏi, sau ba tháng tôi đã biết một ngàn tám trăm câu hỏi, và cũng biết chừng đó câu trả lời.
Bạn đang nghĩ có những câu hỏi giống nhau, phải không? Đúng là có những câu hỏi giống nhau, về mặt từ ngữ, nhưng không bao giờ chúng giống nhau về cách diễn đạt. Vậy nên những câu trả lời cũng vậy, những người hướng dẫn tôi chưa bao giờ bê nguyên xi câu trả lời này cho người kia.
Vậy đó, tôi học cách lắng nghe, và cách diễn đạt những câu trả lời hình như giống nhau sao cho thật
khác nhau.
Câu hỏi dành cho tôi trong ngày đầu tiên là: "Cô tới đây dùm tôi ngay có được không?".
Câu hỏi được thốt lên bằng giọng khàn khàn uể oải của người thức dậy sau giấc ngủ không ngon.
Câu hỏi này tôi chưa từng có kinh nghiệm trả lời. Tôi chưa từng nghe câu hỏi này trong suốt thời gian thực tập. Trong kho vốn liếng của tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này. Và tôi cũng nhớ ra là tôi chưa từng thấy ai đang trực mà rời phòng đi đâu cả.
Tôi lúng túng:
- Xin lỗi, có lẽ chị nhầm số rồi...
- Phòng Tư Vấn Số 18 - Giọng bên kia khẳng định mình không nhầm một cách dửng dưng, tựa như nó đã biết trước là có gọi tới thì cũng vậy vậy thôi.
Tôi thấy tự ái kinh khủng:
- Dạ, đúng là Phòng Tư Vấn Số 18. Chúng tôi rất hân hạnh được chị gọi tới, nhưng...
Giọng bên kia gắt lên, chán ngán:
- Nhưng tư vấn suông thì làm cái mẹ gì.
Điện thoại cúp cái rụp. Hết.
Tôi cầm ống nghe, người đơ ra cả phút. Cuộc gọi đầu tiên trong ngày đầu tiên là như vậy sao?
Lòng tự tin trong tôi tan chảy. Làm sao đây?
Bỗng tôi ngớ ngẩn nhận ra mình và khách hàng đang đổi chỗ cho nhau. Tôi đang rất giống họ khi cần tư vấn.
Hay là... có khi nào là sếp đang thử thách tôi không? Đã từng có ý kiến là tôi quá trẻ cho công việc này, quá ít ỏi vốn sống.
Tôi bỗng tỉnh táo hẳn, và thấy tự ái trào dâng. Tôi nhấn lại số vừa gọi tới:
- Xin chị cho biết địa chỉ?
- Tới thiệt không đó?
- Tôi sẽ tới ngay. Chị đợi chút xíu nghe.
Viết ra giấy số nhà và tên con đường vừa đọc lên cũng bằng giọng uể oải sau giấc ngủ không ngon, tôi nhìn lên tấm bảng trên tường ghi họ tên và số điện thoại của tất cả nhân viên để phòng khi có nhiều khách hàng gọi một lúc thì người đang trực sẽ nối máy tới.
Tôi nhấn số của chị Nguyệt, người có khả năng biến những tâm sự buồn của khách hàng thành những câu chuyện tiếu lâm.
- Chờ chị chút xíu. - Giọng chị Nguyệt vui vẻ và tín hiệu cho biết chị đang sẵn sàng nối máy.
- Không phải nối máy đâu chị, em nhờ chị tới trực dùm em.
- Sao? - Giọng chị Nguyệt kinh ngạc. - Ngày trực đầu tiên mà em muốn bỏ đi đâu vậy?
Ra chị có nhớ đây là ngày trực đầu tiên của tôi.
Tôi bối rối:
- Em sẽ nói lý do sau được không? Tới trực dùm
em đi.
Lặng một chút, rồi tôi nghe tiếng "cóc" gõ vào ống nghe, âm thanh này của cử chỉ này tôi thường thấy nơi chị mỗi khi bất đắc dĩ phải đồng ý với ai đó.
- Nhanh thật nhanh nghe chị? - Tôi nói thêm.
Chị cười vang:
- Trời đất, chưa thấy ai nhờ người khác cái kiểu ra lệnh như em. Được rồi, trong khi chờ chị tới thì em hãy mặc sẵn áo khoác, đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm đi.
Tôi làm theo lời chị. Xong xuôi, tôi vừa đặt tay lên nắm đấm cửa thì cánh cửa đã tự động bật mở, là chị Nguyệt đang từ ngoài đẩy vô, tay này của chị còn trong tư thế vặn nắm đấm cửa, tay kia giơ ra một bó hoa tư i:
- Chúc mừng em tháng này được lãnh lương
chính thức.
Một câu chúc mới thực tế làm sao, nhưng bó hoa thì rất lãng mạn. Tôi xúc động cầm bó hoa, không nói
nên lời.
Chị cười, đẩy vai tôi ra hướng hành lang:
- Thúc hối chị tới nhanh nhanh rồi lại đứng ỳ ra
vậy sao?
- Em cám ơn chị.
Tôi bước nhanh. Tới chỗ để xe mới nhớ tay mình còn cầm bó hoa. Thôi thì cầm theo luôn.
Địa chỉ của cuộc gọi là một căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ. Tôi nhìn lại tờ giấy ghi địa chỉ một lần nữa. Đúng là nó rồi, nhưng tại sao lại khóa? Hay là tôi đã
viết nhầm?
Tôi loay hoay quay đầu xe, tay cầm bó hoa đụng vào nút còi xe, tiếng "tin... in... in ..." vang dài.
Người đàn bà ở căn nhà kề bên bị tiếng còi xe gọi ra. Bà cau mày nhướng mắt nhìn tôi, liếc bó hoa, rồi quay đầu nhìn ổ khóa, cùng với cái quay đầu là cái lắc đầu, bà bỏ đi vô nhà, khó chịu không che giấu.
Tôi muốn hỏi bà về chủ nhân căn nhà đang khóa nhưng rồi lại thôi. Có vẻ như hàng xóm không thân thiện. Tôi không muốn gặp vị khách đầu tiên của mình với số vốn về họ là một mớ lời chê trách.
Có vẻ không phải như tôi dự đoán, không phải là sếp thử thách tôi. "Tư vấn suông thì làm cái mẹ gì", câu nói bực dọc chán ngán quay trở lại bên tai tôi.
Có gì đó hơi phiêu lưu, mình nên tiếp tục hay
quay về?
Tôi lấy điện thoại ra, gọi về Phòng Tư Vấn Số 18. Giọng chị Nguyệt vui vẻ:
- Chị đây. Sao?
- Chị đọc dùm em số điện thoại của cuộc gọi ngay trước khi em ra khỏi phòng đi.
- Em có chuyện gì rắc rối với khách hàng hả?
- Em sẽ giải thích sau. Chị nhanh nhanh dùm em đi.
- Đợi chút.
Tôi nghe tiếng nhấn phím tách tách tách, rồi giọng chị Nguyệt:
- Không - chín... chà chà chà... số đẹp quá... năm -năm - năm - năm - năm... khách của em là đại gia à?
Tôi nói nhanh "Em cám ơn chị" rồi cúp máy.
Hơi hồi hộp, tôi nhấn số, và chờ đợi...
Từng hồi chuông dai dẳng...
Tôi nhấn lại... vẫn không trả lời.
Về đi thôi, tới đây là đủ nhiệt tình rồi. Nhưng điều gì đó trong tôi vẫn nấn ná muốn tới cùng. Tôi nhắn tin: "Tôi là người của Phòng Tư Vấn Số 18, tôi đang đứng trước nhà chị. Cửa khóa ngoài?".
Ba mươi giây mà không có hồi âm thì tôi sẽ về,
thanh thản.
Tôi bắt đầu đếm, và thấy mình kỳ dị vì bà hàng xóm đang nhìn tôi qua rèm cửa. Tôi nhận ra không chỉ mình bà, còn có những người khác cũng đang nhìn tôi từ đâu đó, những cái nhìn xoi mói nghi ngại.
Điện thoại của tôi reo, và giọng nói khàn khàn mỏi mệt đó vang lên: "Mở khóa dùm, chìa khóa ở dưới
khe cửa".
Tôi nhìn xuống mép cửa sát nền nhà, cái chìa khóa từ bên trong đang nhúc nhích chui ra.
À, thì ra người đi làm sớm đã khóa cửa lại cho người bên trong tiếp tục ngủ. Thật dễ hiểu.
Tôi cúi lượm cái chìa lên, và mở ổ khóa.
Hiện ra trước mặt tôi là một cô gái mặt mày xam xám, có lẽ cô không chải tóc bằng lược mà chỉ cào qua bằng những ngón tay rồi túm lại khiến phần tóc trên xoáy rối bồng lên. Cô mặc cái váy ngắn cũn và mỏng dính, móng tay móng chân sơn màu xanh lá cây. Mùi nước hoa trộn mùi mồ hôi mùi rượu mùi thuốc lá và mùi gì đó của căn phòng quện thành một thứ mùi khó chịu khiến tôi bước lùi.
Cô nhìn tôi, nhếch mép:
- Ngán hả?
Cô quay người đi tới cái giường chất đầy những cái gối, móc cái ví màu đỏ từ dưới cái mền lông công diêm dúa, rồi cô đi tới trước mặt tôi, tay rút tờ tiền trong ví:
- Bao nhiêu?
Nhìn tờ tiền kẹp giữa hai ngón tay sơn móng màu xanh lá cây, tôi ghìm cơn buồn nôn.
Tôi lắc đầu:
- Không bao nhiêu cả. Phòng Tư Vấn Số 18 không có dịch vụ mở khóa. Tôi tới đây vì nghe giọng nói của chị tôi tưởng chị bị bịnh, cần người giúp đỡ.
Cô thõng hai tay xuôi hông, nhướng mắt nhìn tôi, nụ cười chế giễu rầu rĩ:
- Cám ơn. Đúng là tôi bị bịnh. Mỏi người quá. Cô nói tôi cần giúp đỡ thì cô giúp hả?
Cô nhìn tôi. Tôi nhìn cô. Những người hàng xóm nhìn cô và tôi. Cái váy cô mặc quá mỏng và quá ngắn. Tôi thấy mặt mình nong nóng. Tôi muốn chấm dứt sự có mặt của mình ở nơi này nhưng không biết bắt đầu sự chấm dứt như thế nào. Mà hình như tôi đang tiếp tục
thì phải.
- Bác sĩ nói phải ăn no rồi mới uống thuốc được. - Cô nói. - Tủ lạnh sạch trơn rồi. Mua dùm tôi gói mì tôm được không?
*
* *
Chị Nguyệt cười khừ:
- Chẳng những mua mì tôm mà còn mua c cháo nóng hổi nữa phải không?
Tôi gật đầu. Chị Nguyệt chành miệng ra. Tôi đỏ mặt phản ứng:
- Nếu là chị thì sao? Chẳng lẽ chị không mua cháo cho người bị bịnh à?
- Nếu là chị, chị sẽ không đùng đùng chạy về phía người mà mình không biết họ là ai. Tư vấn qua điện thoại là một chuyện, một con người bằng xương bằng thịt là chuyện rất khác. Lỡ không phải là cô gái đang bị bịnh mà là một gã lừa đảo thì sao? Em sẽ ra sao?
Tôi nín thinh.
Chị Nguyệt gõ vào cái điện thoại kêu cóc cóc cóc liên hồi:
- Chị rất muốn biết cô gái đó đã nói gì mà khiến em ngay lập tức lao ra đường làm theo ý của cô ta.
"Tư vấn suông thì làm cái mẹ gì".
Tôi cúi đầu nín lặng.
- Ô! - Chị Nguyệt la lên. - Bó hoa chị tặng em đâu rồi? Hay là cũng theo tô cháo nóng hổi luôn rồi?
Tôi đỏ bừng mặt mũi. Đúng là vậy. Tôi đã trao cho cô gái đó cái túi đựng hai gói mì, hộp cháo nóng hổi, và cả bó hoa với lời chúc cô mau lành bịnh.
Chẳng hiểu sao tôi lại làm như vậy nữa.
- Em xin lỗi... - Tôi lí nhí.
Chị Nguyệt nhìn tôi lom lom:
- Hả? Cô gái đó có gì mà em bí mật vậy?
- Cô ta nói là... nói là... - Tôi ngập ngừng rồi tuôn ra mà không biết là mình đang nhại y hệt giọng của cô gái đó - "Tư vấn suông thì làm cái mẹ gì".
Chị Nguyệt trố mắt, rồi chị cười rất lâu mới nín:
- Nghe mà thấy công việc của chị em mình vô tích sự quá hả?
- Cô ta rất giống... mấy cô...
Tôi bỏ lửng, chị Nguyệt tiếp lời:
- Vậy là tối qua vị khách làng chơi trước khi rời đi đã tử tế mà bấm ổ khóa cửa lại cho cô ta tiếp tục giấc ngủ?
Tôi suy luận khác:
- Cũng có thể là cô ta bị bịnh nên không thể tiếp khách, đã nhờ ai đó khóa ngoài dùm để được yên thân.
Chị Nguyệt nhìn tôi, lại cười:
- Em có vẻ muốn che chở cho cô ta hả?
Tôi phản ứng liền:
- Đâu có.
- Vậy tại sao cô ta không nhờ chính người mà cô ta nhờ khóa cửa tới mở ra dùm luôn?
Tôi không nói được gì.