- ĐÀM QUỲNH NGỌC -
Mùa hè năm nay chị tôi ốm nặng. Suốt ngày chị nằm xẹp lép trên giường, da mặt xanh lướt, hơi thở hổn hển. Chị trở nên khó tính, không dễ gì làm vừa ý. Cha tôi bảo:
- Chịu khó chăm sóc chị nghe con. Khổ, nó vất vả
từ bé.
Trong giọng nói nghiêm trang của cha, tôi đồ chừng có việc hệ trọng sẽ đến, nhưng cụ thể việc gì, tôi không biết, không hề.
Cha rất thương chị, bù đắp tình cảm thời chị còn bé, cha đã đi xa. Mẹ và tôi hiểu được điều đó nên càng thương cha hơn. Thời ấy: “Cha còn bận đi đánh giặc”. Chị biết về cha có thế, qua lời kể của mẹ.
Mười bảy tuổi, cao lớn, khỏe mạnh, chị xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi sâu xa theo lời kêu gọi của một tổ chức dành cho tuổi trẻ. Hôm chị ra đi, tối ấy cha về, mắt ông đỏ hoe vì không gặp chị. Ở nhà được năm hôm, cha lại khoác ba lô ra đi, cha vào Nam. Mẹ khóc ròng những đêm sau đó.
Chín tháng sau, tôi ra đời, cha vẫn biền biệt không một hồi âm.
Thi thoảng, chị có về thăm nhà, vồ lấy tôi, hôn chùn chụt, đôi mắt long lanh tràn đầy sức sống. Chị kể với mẹ những ngày đang ở rừng, khai hoang, dựng nhà, gieo hạt, trồng cây… nghe vui như ở thiên đường, tương lai đầy hứa hẹn.
Chị đưa mẹ những đồng tiền phụ cấp ít ỏi, nhưng còn mới cứng, thơm mùi hồ, nói với mẹ mua quần áo mới cho tôi: “Ở chỗ con không có gì tiêu tiền cả”.
Năm tôi mười hai tuổi thì chị về hẳn, vào một buổi chiều đông, chiếc va li xẹp lép chỉ có mấy bộ quần áo. Tài sản lao động của chị hơn mười năm trời chỉ có thế này ư? Tóc thưa mỏng vì sốt rét, mắt vô hồn, chị không vui, uể oải trả lời khi mẹ hỏi: “Đơn vị con làm sao?” - “Giải tán rồi mẹ ạ”. Tiếng nói của chị ngoan, hiền, nhưng nghe như có cả nỗi ức nghẹn muốn trào lên từ lồng ngực.
Mẹ buồn tháng trước, tháng sau cha về, có cả đầy đủ giấy tờ của một thương binh, đôi hàm đại tá trên ve áo, tóc trắng hơn nửa, vai ông như trễ xuống. Mẹ dụi đầu vào ngực cha nấc lên, còn cha cười ẩn náu cả nỗi niềm
tự hào.
Gia đình vui như Tết, mẹ tưng bừng cơm nước cả ngày, gia đình thế là đông đủ. Bà con xa gần đều đến nhà chung vui, cô Vi, em gái của cha theo chồng ra Hà Nội cũng nghỉ phép hàng tuần về thăm cha.
Ngày vui qua đi, sinh hoạt của gia đình trở lại bình thường, chỉ có chị trở nên đau yếu hơn. Có phải vì những năm tháng cha vắng nhà, chị gồng mình lên gánh vác những gì có thể cho cả gia đình, bây giờ cha đã về, chị cũng cần được nghỉ ngơi với đúng nguyên bản của chính con người chị?
Chị nằm liệt giường, ăn uống rất ít, người rộc đi nhanh, hay mê sảng. Những lúc tỉnh, chị muốn có tôi quanh quẩn ở bên:
- Đưa cho chị quyển sổ bìa nâu. - Chị thì thầm.
Tôi lục tìm trong chiếc va li nghèo nàn của chị, quyển sổ được bọc kín tỉ mỉ cầu kỳ bằng ni lông nằm dưới đáy va li. Tôi bóc mở, tò mò lật giở vài trang đầu, toàn công thức chế biến các loại rau rừng. Bên cạnh:
“Công thức xử lý măng rừng tươi” là dòng chữ nhỏ xíu
lả lướt:
“Thực lòng ta rất yêu anh, muốn được hôn anh, nhưng không dám, đúng vậy, ta không dám…”
Thế là thế nào? Tôi nhìn sang, chị đã ngủ, bệnh tật khiến chị ăn uống, ngủ nghỉ thất thường. Trên vầng trán xanh xao đẫm mồ hôi, vừa có cái gì sáng trắng lướt qua. Một cái gì rất đỗi mơ hồ, tôi không hiểu nổi.
“Vĩnh biệt anh!”
Một dòng chữ khác, gẫy vụn, nhoè từng nét, chắc bị ướt át lúc vừa viết ra, nằm ngay dưới dòng chữ: “Cách xử lý khi ăn nhầm phải lá ngón độc”.
Tôi gập sổ, ngồi bó gối, bần thần nhìn chị ngủ.
Ba mươi tuổi, chưa chồng, chưa nghe chị nhắc đến tên, kể chuyện về một người đàn ông. Những dòng chữ kia có nghĩa lý gì? Tôi không hiểu, mãi mãi không hiểu nếu như chị không kể. Tôi kém chị hơn mười bảy tuổi, khoảng cách còn hơn thế hệ.
Chị chợt mở mắt, giọng nói như gió thoảng:
- Đọc to lên, trang mười lăm, từ dòng thứ tư.
Tôi giở sổ tìm, trang này chưa tìm đến.
“Đức ơi, làm sao lại như thế cơ chứ? Mới tháng trước, tôi và anh còn cãi nhau về chuyện chữ Hiếu ở đời phải như thế nào? Trên vòng hoa tiễn đưa người qua đời thì nên viết: “Kính viếng…” hay: “Vô cùng thương tiếc…”. Hôm nay theo như ý của anh ngày nào, tôi sẽ viết lên băng giấy gài ở vòng hoa đặt ở quan tài: “Vô cùng thương tiếc…” theo đúng ý anh. Vòng hoa ấy không phải cho ai khác, mà cho
chính anh…”
Tôi rùng mình, đặt quyển sổ xuống:
- Chị viết về ai thế này?
Chị xua tay mệt mỏi:
- Em đừng hỏi nữa, chị mệt lắm, đọc tiếp đi.
Tôi giở sang trang khác, chữ viết ở đây càng tệ hại hơn, đã xấu, mờ nhạt, lại nhỏ li ti viết vội vàng, tâm trạng người cầm bút lúc ấy không bình thường chăng? Khó nhọc lắm mới đọc nổi:
“Tại sao tôi lại lú lẫn đến mức ấy cơ chứ, hôm trước có cụ Nam vào nông trường chơi, cụ dặn, mùa này các cháu đi rừng phải cẩn thận”. “Có gì nguy hiểm, thưa cụ?”. “ Tháng ba trong rừng chỉ có độc một loài hoa ngón nở, đa số ong đều tha nhụy hoa độc về tổ để làm mật. Đừng dại dột ăn ké ong(1) tháng ba, nếu nhỡ ăn thì chỉ có cách đi bệnh viện rửa ruột mới may ra cứu được. Đấy là nói trường hợp chưa uống nước, còn đã uống nước thì đành chịu, vô phương cứu chữa. Năm ngoái, ba ông cháu nhà ông Tư cụt chết cũng vào mùa này, vì ăn ké ong đấy. Các cháu còn trẻ, lại toàn là người dưới xuôi lên, ông dặn kẻo nhỡ ra thì khốn”. Tôi nghe kỹ những điều này, tại sao không nói với Đức, chỉ cần một lời nói thôi, biết đâu Đức đã không đến nỗi phải ra đi, tôi đã
vô tâm…”
Chị viết về ai, có thân thiết lắm không mà buồn thảm thế này? Tôi ngừng đọc, gương mặt gầy gò của chị đầy nước mắt. Tôi hốt hoảng:
- Chị làm sao thế?
- Chị không sao đâu, em đọc nữa đi, chị muốn nghe.
Thực tình, tôi không muốn, không hề muốn đọc những dòng chữ như thế này, chỉ làm chị buồn thêm. Nhưng cha đã dặn: “Chịu khó chăm sóc chị…”. Tôi thở dài đọc tiếp:
“Mưa mới khủng khiếp làm sao, mưa như thể có một thác nước khổng lồ nào đó trên trời đang giận dữ đổ ào xuống trái đất, muốn rửa sạch những nhơ bẩn ở kiếp người? Cơn giận của trời khiến con người có cảm giác cả trái đất này sẽ tan biến trong cơn mưa rừng. Tất cả chúng tôi tạm thời trú ở trại, lán. Lán trại ở rừng chỉ là tạm bợ, tung tóe từng tấm phên dưới mưa, mưa vùi dập tất cả dưới dòng nước. Con người nơi đây giống như loài chuột con đang run rẩy loay tìm sự sống dưới dòng nước trên trời ào ào trút xuống? Sống chết tại trời, câu nói đó đến giờ tôi mới thấm thía làm sao. Biết đến bao giờ chúng tôi có ngôi nhà vững chắc bình thản đứng nhìn trời mưa? Biết bao giờ chúng tôi khô ráo ấm áp được đắp chăn bông trong những ngày mưa rừng không phải lên đồi, không phải chạy mưa như loài chuột con...?”
Chị ngẩng đầu lên bảo:
- Đừng đọc đoạn ấy, chị đau đầu lắm. Em tìm trang ba mươi, bắt đầu từ dòng có dấu đánh mực đỏ.
Tôi vâng lời, tìm và đọc cho chị nghe:
“Chiếc cầu nhỏ ngày nào ta dắt nhau qua. Nắng vàng ong, mặt trời dài dại. Má em hồng, môi thắm lại. Đôi mắt anh mở to mênh mang, dường như có cả tia nắng của mặt trời trong ấy. Ta bên anh bé nhỏ và thơ ngây. Anh chững chạc già dặn trước cuộc đời. Ngày ấy, giờ đây xa rồi, tất cả… chỉ còn chiếc cầu là vẫn như xưa. Ta bên người bạn ngóng trông ai…?”
- Chịu thôi, em không thích đọc nữa. - Tôi
nhăn nhó.
Không có tiếng trả lời. Chị đã ngủ tiếp, gương mặt xanh xao rúm lại. Có thể một cơn đau khủng khiếp vừa lướt qua, nhưng chị không kêu, không bao giờ.
Cha đi đâu về, dẫn theo một người đàn ông cao lớn, trạc tuổi cha. Ông mặc bộ chiếc áo xanh màu bộ đội có miếng vá vai. Tôi đoán chừng ông ta tự vá lấy, đường kim rất dài. Đường kim của người đàn ông thường dài, thô vụng. Mẹ tất tả từ dưới bếp đi lên chào khách, tay còn cầm quả tim lợn nhỏ giọt máu xuống nền thềm. Chị bất chợt cựa quậy, mở mắt nhìn quả tim đầy máu tươi, rùng mình, quay mặt vào tường, chị ngủ tiếp. Cha nói thầm vào tai mẹ:
- Toàn, bạn anh, trước kia là bác sĩ trong quân đội.
Bác sĩ Toàn khám bệnh, chị nằm im, mắt lơ mơ,
hơi thở khó nhọc, bác sĩ xem mạch rất lâu, nhìn mãi
vào khuôn mặt tái nhợt rồi kéo tay cha ra ngoài sân mới nói nhỏ:
- Không có dấu hiệu của bệnh tật hiểm nghèo, nhưng rất yếu, đường tim mạch có vấn đề...
Cha nói nghiêm trang như một người lính phải chuẩn bị trước lúc ra trận chiến mới:
- Mình hiểu, và sẵn sàng.
Bác sĩ thở dài:
- Thôi, mình về.
Cha vào nhà ngồi trầm ngâm uống nước bên bàn, tác phong điềm tĩnh, nhưng gương mặt ông nhăn nhúm khổ đau, tôi giật mình, cha như vừa già thêm mấy tuổi.
Mẹ dỗ dành chị ăn cháo, từng thìa, từng thìa một như uống thuốc đắng vậy.
Tôi ngồi vào bàn học. Trước mắt là tờ giấy phẳng phiu nằm ngay ngắn, đề bài làm văn chỉ mỗi dòng chữ duy nhất: “Ước mơ của em?”. Ước mơ gì nhỉ? Đã bao giờ mình ước mơ điều gì chưa? Khó quá. Chiều nay phải nộp bài rồi. Tôi gà gật ngủ, không hiểu sao sau đó choàng dậy viết những gì trong giấc mơ vừa thấy:
“Ước mơ ư? Thưa thầy, em ước mơ có người đàn ông khỏe mạnh đưa em đứng trên chiếc cầu vồng bay lướt qua từng cơn mưa rừng ào ạt, tìm kiếm chị em, đưa chị về nhà. Nắng bừng lên rực rỡ, và người đàn ông đó là thần sấm, thần mưa không bao giờ chết. Sao thần chỉ biết cười mà không nói? Từ người đàn ông bỗng xuất hiện đám trẻ con đông đúc vây quanh, đứa nào cũng đẹp như con của thần và có cánh. Chị em bỗng đi xe máy vụt qua, cười tươi, không thấy ốm đau gì, cũng chẳng cần phải chờ cầu vồng đưa chị đi. Nông trường ở miền rừng nơi chị làm việc bỗng dưng có nhiều ngôi nhà tầng, ô tô, xe máy, các quả đồi xanh mướt toàn chè, cà phê. Chị đang chạy xe về nhà, trên đầu là bảy sắc cầu vồng tỏa sáng bay theo chị, trẻ con không đi, cũng ào ạt bay theo, chúng nó đồng thanh gọi em: “Dì ơi, dì ơi…”
Tôi nộp đoạn văn ấy cho thầy giáo, tuần sau trả bài bị điểm ba. Thầy nhận xét: “Nhận thức không sát thực với thực tế, viết linh tinh”.
Tôi không buồn, nghĩ khác thầy, viết thế là sát thực với sự thật gia đình, về chị, về ước mơ của tôi. Tôi đọc đoạn văn cho chị nghe, chị chơm chớp đôi mắt an ủi:
- Chị hiểu, hiện giờ em rất thương chị mà. Rồi em cũng khổ cả đời như chị thôi.
Bệnh tình của chị không thuyên giảm, chị mê sảng luôn luôn, lúc nào cũng muốn có người ở bên. Những lúc tôi đi học, có bà bác sĩ già đã về hưu hay sang chơi.
Bà thường đọc cho chị nghe những câu ca dao nghe
thật buồn:
“Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm”
“Ra về ngoảnh mặt lại đây
Cho ta nhìn chút cho khuây tấm lòng”
“Ra về sương xuống đầm vai
Ngoảnh nhìn trở lại bóng ai lờ mờ”
Chị nằm im nghe, lơ mơ, mơ màng, khuôn mặt ướt át vì mồ hôi, hay nước mắt? Mẹ nói với bà bác sĩ:
- Thôi, tôi xin bác, đừng đọc những câu như thế, cháu nó đang buồn.
Bà bác sĩ nói nghiêm trang:
- Chị không biết gì cả, bệnh của cháu không cần nhiều thuốc lắm đâu, cần những gì thuộc về tinh thần, tình cảm.
Mẹ gật đầu như chợt hiểu.
Một đêm, mưa to sấm chớp nhì nhằng, các cành cây quằn quại đau đớn. Mưa quất ràn rạt vào tường nhà, vào cánh cửa, chị chợt tỉnh giấc kêu lên:
- Ai gõ của nhà mình thế kia?
- Không có ai đâu chị, ngủ đi, đừng sợ. - Tôi
dỗ dành.
- Không, có người thật mà, vừa gọi, chị có nghe thấy, đừng lừa dối. Tội nghiệp.
Chị bắt đầu vùng vẫy, trườn xuống đất, đòi ra mở cửa, chị nói huyên thuyên:
- Mưa trôi hết cả đồi núi rồi. Công lao bao nhiêu năm tháng của hàng trăm con người bây giờ đi đâu? Loài vắt ở đâu ra mà nhiều thế, chúng hút máu người, hút máu người, hết cả máu rồi, sống làm sao đây? Bám cả vào người tôi thế này, con nào cũng mọng đầy máu và máu, chui cả vào ngực, khủng khiếp quá, kinh hoàng quá của lũ hút máu người. Không thở được nữa em ơi. Tôi chết đây. Em tôi đâu rồi?
Chị thét rùng rợn, trong ánh chớp xanh lè vừa lóe lên, đôi mắt của chị trắng dã mất tinh thần, bọt mép sùi ra. Kinh hoàng sợ hãi, tôi gào lên, gọi cha mẹ dậy mau. Cha tung chăn lao vào ôm chị, chị quẫy đạp cấu xé. Gần sáng, chị thiếp đi, cha mệt mỏi rũ xuống.
Lúc chị tỉnh dậy, cha đang ngủ, mẹ đi chợ từ lúc nào, chị đòi ăn cháo, tôi mừng rỡ mang cháo đến cho chị. Ăn xong chị bảo:
- Anh ấy vừa về với chị.
- Ai cơ?
- Anh ấy, mà em không biết được đâu. Chị yêu
anh ấy suốt bảy năm trời rồi, lúc tối anh ấy về, và đã
đưa đơn…
- Đơn gì đó chị?
- Chị không muốn nói nữa. - Tự nhiên chị lại buồn, lại rũ người xuống như cây héo - Có thể tại chị lại nhầm lẫn lung tung rồi. Nói chung chị không nhớ được cái gì chính xác nữa rồi. Có thể chị mơ ước vậy thôi, em đừng nghe, đừng…
“Ta thấy anh đã trở về, rõ ràng là như vậy, nhưng em ta còn nhỏ quá, làm sao hiểu hết mọi chuyện ở cuộc đời. Trong ánh chớp xanh, anh đã hiện ra, âu sầu, đôi mắt
mệt mỏi…”
Những dòng chữ ngay ngắn trên tờ giấy vương vào tóc chị.
Tờ khác:
“Ta bỏ qua tất cả để yêu anh, anh lại yêu người khác. Sao ta lại ngu ngốc thế cơ chứ. Nhiều lúc vẫn biết mình ngu, nhưng không dứt bỏ được.”
Tờ giấy nữa, nhàu nát, nằm dưới gậm giường, tôi nhặt lên, cẩn thận vuốt cho nó phẳng ra:
“Nông trường thành lập mười ba năm, vậy mà bây giờ phải giải tán ư? Còn có nỗi đau khủng khiếp nào lớn hơn? Những gì tuổi trẻ đổ công sức, máu và nước mắt, cả cái chết mới giành giật được với đất trời, giờ lại trở về với rừng hoang? Sức trẻ? Ước mơ? Tình yêu? Có còn gì nữa đâu? Hơn mười năm trời ta không làm được gì ư?”
Những ngày gần đây, thi thoảng tôi lại nhặt được những trang giấy có dòng chữ viết tay mệt mỏi của chị. Tôi đưa tất cả cho cha, ông không hề đọc, chỉ bảo:
- Cha hiểu rồi.
Một tháng sau, đột nhiên chị khỏe hẳn lên, mẹ phấn khởi lắm, suốt ngày hỏi xem chị thích ăn gì để mua. Còn cha, trở nên trầm tư ít nói. Bà bác sĩ sang chơi, lúc về, bà bảo nhỏ tôi:
- Hỏi xem chị mày có cần gì, muốn viết gì nữa không?
Tôi ngờ rằng bà biết sĩ đã biết được một điều gì đó về chị, nhưng không muốn nói ra. Tôi không hỏi, chỉ làm theo điều bà đã dặn. Những lúc phải đi học, còn lại suốt ngày tôi quanh quẩn với chị.
- Em có bận gì không? - Chị âu yếm hỏi.
- Chị cần gì ạ, em không bận đâu. - Tôi sốt sắng.
Chị có vẻ suy nghĩ:
- Em sắp nghỉ hè chưa?
- Chiều nay là buổi học cuối cùng, còn một buổi đi tổng kết năm học nữa là xong thôi ạ.
- Thế thì được, chị có việc nhờ em.
Ngày sau, lúc cha mẹ vắng nhà, chị bảo:
- Đem giấy bút lại đây, chị nhờ em một việc.
Tôi đem giấy bút lại, chị bảo:
- Để đấy, hôm nay em đi chơi ở đâu cũng được, chị khỏe rồi, em không cần phải ở nhà đâu, chị muốn viết mấy chữ thôi.
Tôi phấn khởi, tung tăng theo bạn chơi trên cánh đồng vừa gặt lúa. Chiều tà, từng đám trẻ con chạy nhảy đuổi theo những người săn chuột bán cho nhà hàng ở thành phố, gọi là đặc sản. Nghe nói món đặc sản chuột đồng bây giờ cũng đắt đỏ lắm. Chúng tôi hò hét vỗ tay ủng hộ cho người đi bắt chuột, hy vọng không còn cảnh lúa, ngô bị loại tiểu hổ cắn rã ra từng đám.
Đang vui, đột nhiên có người cha nhờ, đã gọi gấp tôi về nhà có việc. Nhà có việc đột xuất gì lại đông người vào ra? Có gì đó cha? Tôi chạy ào về hỏi, ông nói bình tĩnh, nghiêm trang:
- Chị con đi rồi, âu cũng là số phận.
Tôi rụng rời chân tay. Chị vừa nói ngày hôm nay chị khỏe. Cha nhắc khẽ tôi:
- Số phận, mệnh hệ của con người thôi con.
Cha an ủi tôi, hay chính ông đang an ủi ông? Tôi khóc không thành lời vì thương cha, tròng mắt ông phút chốc bạc phếch, da xanh hơn ngày thường, ông nói như người lính ở chiến trường vào giờ phút hiểm nguy:
- Coi như đây cũng là một việc, làm cho chu tất, tình cảm để dành lúc khác phải không con?
Đưa chị về với đất trọn vẹn, tôi dọn dẹp sắp xếp nơi chị nằm, kê chiếc bàn trở thành nơi thờ cúng chị. Tình cờ tôi nhặt được tờ giấy cuối cùng do chị viết bằng bút bi:
“Sức trẻ, tình yêu, ước mơ…có còn gì nữa đâu?
Có những việc không bao giờ làm lại được nữa. Sống làm chi khi không còn cơ hội để ước mơ? Em đừng học theo chị.
Vĩnh biệt!”
Tôi không đưa tờ giấy cho cha, bởi ông đã quá hiểu về chị. Tờ giấy ấy tôi giữ mãi bên mình, trở thành di chúc, bùa hộ mệnh, nhắc nhở khi quyết định một vấn đề phải hết sức thận trọng, bởi có những việc không bao giờ làm lại được nữa phải không chị? Thương lắm, chị ơi!
1. Ké ong: nhụy hoa do loài ong tha về tổ, chưa lên men, chưa thành mật ong.