Mỹ vẫn thường nhắc đến gã họa sĩ hàng xóm trong tầng hai khu tập thể cũ kĩ bằng lời nhận xét đầy vẻ khinh miệt ấy, bằng tất cả sự cay nghiệt của một người từng trải qua những nhọc nhằn. Nhưng từ lúc nào, Mỹ lại có thói quen quan sát cuộc sống thường ngày của gã. Gã sống về đêm, Mỹ cũng sống về đêm. Gã sống cô độc trong gian phòng đầy những bức tranh trừu tượng không rõ hình hài và những con manơcanh hàng mi cong vút vô hồn trần truồng để lộ ra những đường cong chuẩn xác. Thoạt đầu, Mỹ tưởng gã dùng những con manơcanh ấy để làm mẫu, về sau Mỹ biết gã sống chung với chúng, Mỹ khinh thường, coi rẻ rồi Mỹ thương hại. Mỹ thương hại một kẻ cô đơn phải ôm ấp vuốt ve manơcanh mỗi khi đêm
về để tiếng rên rỉ giả tạo như bệnh hoạn hóa thành tiếng khóc khiến Mỹ rùng mình giữa đêm.
Ban đêm, Mỹ hay ra ban công hút thuốc và bắt gặp gã đang mân mê một “cô nàng chân dài” nào đó qua cửa sổ. Nhiều lúc Mỹ thấy mà điên tiết vô cớ, muốn sang đập hết đống hình nộm vô tri ấy đi. Có lúc Mỹ lại tò mò muốn biết cuộc sống gã như thế nào, muốn biết gã bôi trát thứ gì lên những khung tranh ấy. Có lúc Mỹ muốn chạy đến, ôm gã một cái rồi trở về phòng như chưa có chuyện gì xảy ra, mọi thứ vào quên lãng, Mỹ và gã vẫn là những kẻ cô đơn độc hành không chung đường với nhau.
Đêm nay, Mỹ lại ra ngoài hút thuốc và nhìn sang phòng gã. Hôm nay gã không ôm “người tình” mà ngồi vắt chân lên bàn đăm chiêu, ánh mắt gã ngước lên bắt gặp cái nhìn lén lút của Mỹ làm Mỹ rùng mình. Không phải Mỹ sợ, Mỹ đã từng gặp đủ thứ chuyện, đủ loại người, làm sao có gì làm Mỹ sợ được. Mỹ rùng mình bởi cái nhìn gã như xoáy sâu, dõi thẳng vào ánh mắt Mỹ, như soi một tấm gương phản chiếu. Có lẽ, những người cô đơn thì đều như nhau, giống nhau ở chỗ cô độc mà nhãn cầu không bao giờ có thể che giấu. Mỹ ném điếu thuốc xuống đất, di di cho nó lụi hẳn rồi bước sang phòng gã. Chỉ qua một nửa đường vòng lan can ngắn ngủi mà trước giờ Mỹ tưởng là xa lắm. Mỹ đứng trước cửa phòng gã, nhìn gã ngước mặt lên nhìn, ý dò hỏi nhưng bất cần, thờ ơ chẳng quan tâm là mấy. Luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng Mỹ, đôi chân Mỹ bỗng run lẩy bẩy. Mỹ tự trách mình, sao lại ở đây, sao lại đến đứng trước phòng gã. Giờ mà bước vào thì dở quá, mà quay về cũng chẳng xong. Mỹ liền bước tới, ra vẻ cũng bất cần, không sợ sệt:
- Có lửa không, cho xin điếu thuốc?
Mỹ hỏi rồi nhận ra là gã nhìn chằm chằm vào cái bật lửa khắc cầu kì trong tay mình bèn giấu vội ra
- Uống nước thì lấy, không có lửa. - Gã cười khẩy, đáp cộc lốc
Thì ra gã cũng hiểu Mỹ sang là để nói chuyện với gã. Mỹ xấu hổ, thấy chột dạ, bèn gật đầu. Gã đứng dậy với lấy cái cốc rồi đi tìm nước, Mỹ cứ đứng ở mép cửa, ngập ngừng chẳng dám vào, cứ ngó vào cố hiểu xem gã vẽ gì ở những bức tranh đầy màu u ám ấy.
Gã tìm khắp nhà, chẳng được giọt nước nào bèn đưa cho Mỹ cốc nước gã đang uống dở. Mỹ đưa tay nhận lấy, cầm mà không dám uống. Mái tóc dài quấn quanh đầu của gã làm Mỹ lúng túng, đưa tay lên vuốt mái tóc ngắn cũn của mình. Mỹ chẳng biết nói gì bèn nói bâng quơ:
- Vẽ gì mà nhìn u ám đau thương thế?
Gã nhíu mày hỏi:
- Bức nào?
- Kia. - Mỹ đưa tay chỉ về bức tranh màu huyết dụ trên tường - Nhìn như máu chảy ấy
Gã bật cười nhìn cô gái vẻ nửa quê mùa, nửa thành thị, nửa non nớt, nửa từng trải. Lần đầu tiên Mỹ thấy gã cười, Mỹ xấu hổ nhưng lại ra vẻ bực:
- Cười gì?
- Có hiểu gì không mà nói? - Gã vẫn cười. - Đấy là ngày vu quy. Hạnh phúc chứ đâu mà thương đau? Nhìn sao ra máu chảy?
Giọng Mỹ trầm xuống:
- Vu quy hả?
Gã gật đầu.
- Nếu thế thì đúng là máu chảy, đúng là đau thương đấy. - Giọng Mỹ trầm, mang vẻ xót xa, chua chát và cay đắng.
Lòng Mỹ trùng xuống, gã cũng trùng xuống, đôi mắt nhìn Mỹ đầy khó hiểu. Mỹ chẳng nói chẳng rằng, quay về phòng, kết thúc cuộc đối thoại của hai kẻ cô đơn bất tận. Bức tranh màu huyết dụ chập chờn trong giấc mơ ngày vu quy đầy máu chảy, tiếng khóc xé lòng và vệt trắng thấp thoáng màu khăn tang nhức nhối trong tranh. Vậy mà gã nói là hạnh phúc. Đúng là gã chẳng hiểu gì. Mỹ gạt suy nghĩ về gã sang một bên, mê man với những giấc mơ dở say dở tỉnh. Còn gã, gã gạt những con manơcanh trên giường sang một bên, trở dậy nhìn vào bức tranh mà gã gọi là “Vu quy” tìm nụ cười, tìm nước mắt, tìm đau thương trong đôi mắt và giọng nói bất cần của Mỹ. Kì lạ thay! Mọi thứ gã tìm kiếm trong bức tranh đều hiện lên rõ ràng. Đêm đó, gã thức trắng.
Gần trưa, Mỹ mới thức dậy, uể oải lật tấm liếp cửa nhìn sang phòng gã theo thói quen. Không thấy gã đâu cả, cửa vẫn mở toang hoang. Căn phòng gã chưa bao giờ đóng cửa cả, có lẽ vì gã ưa tự do, ghét ngột ngạt, có lẽ vì gã đợi chờ ai đó đã từ lâu không trở về. Mỹ chờ mãi mà không thấy gã đâu. Mỹ chợt thấy sốt ruột, nhìn trước ngó sau rồi chạy sang nhà gã, vẫn với đôi dép bông và chiếc váy ngủ mỏng manh màu tím hôm trước. Mỹ chần chừ một lúc rồi bước vào. Mỹ nhìn quanh, không thấy gã. Mỹ bỗng thấy lo, tim đập hơi loạn. Rồi Mỹ chú ý đến bức tranh màu huyết dụ có thêm những nét mới màu đen mỏng tạo thành đường gợn sóng.
Gã cố tạo ra điều gì nhỉ? Mái tóc ư? Hay là những gập ghềnh trắc trở của cuộc đời? Hay đơn giản là gã vẽ thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu? Mà sao, Mỹ thấy bức tranh giống Mỹ quá, như lôi cả Mỹ vào trong ấy, vẻ bề ngoài cứ trầm tư, buồn man mác hoặc bất cần nhưng trong thâm tâm thì dữ dội kêu gào, vùng vẫy. Mỹ tháo bức tranh trên tường xuống nhìn ngắm hồi lâu. Mỹ muốn bức tranh ấy thuộc về mình, Mỹ sẽ mua nó. “Ừ, một con dở hơi vô học bỏ tiền ra mua một bức tranh mà không hiểu gì về nghệ thuật”, Mỹ thầm nghĩ.
- Thích thì lấy đi. - Gã về từ lúc nào, đứng ngay sau lưng Mỹ
- Bao nhiêu? - Mỹ hỏi
- Mua được không mà trả giá. Tôi yêu nó như vợ tôi đấy. - Gã nói.
- Vợ là cái thứ này hả? - Mỹ chỉ vào con manơcanh vô hồn đang nhìn chằm chằm vào Mỹ
Gã không trả lời, cười khẩy. Rồi gã rút trong túi giấy ra một chiếc hộp giấy màu đen, bên trong là chiếc váy voan trắng kiêu sa, với mảnh vải voan cài tóc. Gã rũ chiếc váy ra, chiếc váy cưới làm sáng rực cả căn phòng, khuôn mặt gã rạng rỡ, còn mặt Mỹ tái mét lại, đờ đẫn. Gã nhanh chóng mặc chiếc váy cưới vào con manơcanh mà gã yêu thích nhất. Gã mỉm cười mãn nguyện. Mỹ cười nhạt, cay xè lên mũi:
- Bệnh hay sao mà thích ôm ấp vuốt ve mấy thứ vô hồn này?
- Vô hồn còn trong sạch hơn khối loại đĩ điếm nhơ bẩn.
Mỹ như bị đấm một cái thẳng vào mặt, cách gã nói như là gã đang chửi rủa thẳng vào mặt Mỹ là loại đĩ điếm
- Vậy anh là cái thứ gì? - Mỹ hỏi.
- Không phải loại như cô. - Gã đáp.
Máu Mỹ dồn lên huyết quản, Mỹ vung bức tranh đập vào gã rồi để nó rơi xuống đất. Hộp sơn bắn lên lớp chân váy nhuộm một màu đen, màu đen sạch sẽ nhưng không thể gột rửa. Mỹ bỏ về. Gã đứng trơ nhìn lớp sơn đen óng chảy trên sàn nhà rồi ngấm dần vào chân váy “cô dâu” của gã. Rồi gã nhìn về phía Mỹ lúc này chỉ là tấm lưng biến mất sau cánh cửa đóng sầm lại, cánh cửa luôn luôn đóng mà gã không bao giờ được mở ra. Gã muốn đạp tung cánh cửa đó ra, xem thế giới của Mỹ, xem Mỹ sống thế nào trong ấy, xem nơi ấy Mỹ khóc hay Mỹ cười? Gã nhìn lại “cô dâu” của gã, vô hồn, không biết cười, không biết khóc.
Gã đợi chờ, không bắt gặp được cái nhìn lén của Mỹ, không gặp được cái nhìn khinh miệt hay điệu cười nhạt khinh đời của Mỹ. Chiều tối Mỹ đi, phấn son lòe loẹt. Đêm khuya Mỹ về, loạng choạng say xỉn trên đôi giày cao gót, khóc với cười.
Gã đá cửa phòng Mỹ rồi đứng chờ. Mỹ không ra. Gã đá cửa phòng Mỹ thêm lần nữa. Mỹ vẫn không ra. Gã nắm tay gõ cửa phòng nhè nhẹ. Mỹ ngay lập tức mở cửa, liếc mắt ra rồi lách người ra ngoài.
- Có việc gì? - Mỹ hất hàm hỏi
Gã luống cuống không biết nói gì, nhớ lần trước Mỹ sang tìm gã. Gã ấp úng:
- Cho xin điếu thuốc
Mỹ cười khẩy với bộ dạng của gã, mở hộp thuốc chìa về phía gã, nhìn gã châm thuốc hút rồi nhìn gã ho sặc sụa. Mỹ bật cười làm cho gã xấu hổ.
- Biết hút không mà hút?
Gã không trả lời, hỏi Mỹ:
- Còn giận không?
- Giận ư? Có gì để mà giận gã cơ chứ? Người dưng chẳng ai dư thừa cảm xúc để mà giận người dưng bao giờ. Mỹ dư thừa cảm xúc gì mà giận một gã bệnh suốt ngày ôm ấp manơcanh chứ. Mỹ không đáp câu hỏi
của gã:
- Đến giờ tôi đi làm rồi. - Mỹ nói, cắt ngang những cảm xúc mông lung của gã.
- Lại đi à? - Gã hỏi, đôi mắt như nuối tiếc điều gì.
- Không đi lấy gì mà ăn. - Mỹ đáp giọng căm tức.
- Không thấy nhục à? - Giọng gã căm tức không kém.
Mỹ đẩy gã lùi lại, nhìn mặt gã bằng ánh mắt sắc như dao, rồi lao vào phòng đóng sầm cửa lại. Mỹ lại thay đồ, trang điểm và đi.
Gã vẫn đứng chờ ngoài cửa, thấy Mỹ ra, gã túm chặt lấy tay Mỹ.
- Cô hơn đám manơcanh kia phải không? Tôi sẽ trả cho cô.
- Trả được không mà trả? - Mỹ hất hàm hỏi.
- Bao nhiêu?
- Quý hơn sinh mạng anh ấy. Đồ bệnh hoạn. Nếu anh dám đụng vào tôi sẽ giết chết anh.
Mỹ giật tay ra khỏi người gã rồi bước đi, vẫn trên đôi giày cao gót với cặp chân thon một cách đầy
dứt khoát.
Gã trở nên sợ Mỹ, Mỹ thì trở nên coi thường gã, thậm chí nhổ cho gã một bãi nước bọt mỗi lúc trông thấy gã đang lén nhìn mình. Rồi gã căm hận Mỹ, gã bám sát theo dõi Mỹ. Mỹ vào bar. Gã cũng vào bar. Tiếng nhạc chát chúa, đèn điện xanh đỏ nhấp nháy trong bóng tối, gã lẫn vào trong đám đông mà ghê tởm với tất cả, gã đợi để Mỹ lộ bộ mặt rẻ mạt ra rồi gã sẽ coi thường lại Mỹ. Nhưng ngày ngày Mỹ chỉ đứng sau quầy bar, pha những ly cocktail đủ màu sắc và trang trí đẹp mắt. Thế giới này hoàn toàn xa lạ với gã, gã không hiểu gì cả, nhưng gã biết rằng mình đã sai. Gã biết Mỹ không phải làm gái. Mỹ có nghề nghiệp
có Mỹ.
Gã theo Mỹ ban đầu là vì tò mò, về sau thì là muốn bảo vệ Mỹ. Gã đã yêu tấm lưng nhỏ của Mỹ, yêu mái tóc tém, yêu đôi giày cao gót của Mỹ bước thấp bước cao trở về nhà giữa đêm, gã yêu cái cười vô hình của Mỹ mỗi lúc Mỹ làm việc, yêu tiếng thở dài và cách Mỹ nhả khói thuốc trầm tư một mình.
Gã cứ theo Mỹ đi, ngồi đợi rồi theo Mỹ về. Hôm nay Mỹ không về nhà mà rẽ sang con đường khác. Mỹ mua hoa, mua điểm tâm đêm. Lẽ nào Mỹ định gặp ai? Gã ghen tuông ghê gớm, gã muốn chạy theo lôi Mỹ lại. Nhưng Mỹ lại đi theo con đường quen thuộc về nhà, lên từng bậc cầu thang khu tập thể cũ kĩ mà Mỹ với gã cùng chung sống, à không, song song sống.
Mỹ bước vào phòng gã làm gã giật mình. Nhưng Mỹ ở phòng gã thật mà không về phòng mình. Chân gã líu ríu, bối rối đứng nép ngay sát mép cửa không dám nhìn vào.
- Vào đi còn thập thò cái gì nữa! - Mỹ quát.
Gã khép nép bước vào, sợ sệt. Đây là phòng gã cơ mà, sao gã phải sợ nhỉ? Mỹ đặt ra trước mặt gã tô phở mà Mỹ vừa mua về:
- Ăn đi!
Gã cúi xuống, không dám cãi, ăn hết một mạch, không ngẩng đầu lên. Gã chưa bao giờ ăn một tô phở ngon đến thế. Gã thỏa thuê no bụng mới ngước mặt lên nhìn Mỹ.
- Có thuốc độc đấy! - Mỹ nói
Gã chột dạ nhìn xuống bát phở nhẵn bóng, thấy quặn lên trong dạ dày, ngước lên nhìn Mỹ.
- Lớn rồi mà dại. Người lạ bảo ăn cũng ăn. - Mỹ nói, khẽ nhếch mép cười, đôi mắt long lanh cười theo.
Gã ừ hử ấm ức, không phải vì Mỹ bảo gã dại, mà vì Mỹ bảo Mỹ là người lạ.
- Lần sau bỏ cái trò lén lút ấy đi. - Mỹ đứng dậy phủi quần. - Hoa kia cho anh, cắm vào khỏi héo.
Mỹ về. Lòng gã vui đến lạ. Gã ngắm nhìn chạm tay mơn man, hít ngửi. Lần đầu tiên trong đời, gã được một người tặng hoa. Mùi hương hoa làm gã vui mà cũng làm gã rùng mình. Những con manơcanh làm gã rùng mình. Gã cần một mùi hương thật, không phải những thứ hình nộm này. Gã đã thừa nhận, rằng gã là người cô đơn và gã cần có một người bên cạnh.
Gã đợi trời sáng, sang gõ cửa phòng Mỹ từ sáng sớm. Mỹ bật ngay dậy, hé mắt ra nhìn rồi lách người qua cửa, vung tay đánh gã tới tấp, cái đánh khẽ khàng vừa hết hoảng sợ.
- Tôi có tật hay giật mình đấy. Nghe tiếng gõ cửa là tim đập thon thót.
- Tôi xin lỗi.
- Xin lỗi chuyện gì? - Mỹ dịu lại. - Bỏ qua đi.
- Không. À ừ. Xin lỗi vì gõ cửa và xin lỗi vì chuyện hiểu lầm… - Gã ấp úng.
- Con mắt người đời hẹp hòi nên nhìn đâu cũng thấy xấu xa, tiêu cực. Đâu phải cứ vào đường cùng là đi làm đĩ hết. - Mỹ đáp lại.
- Tôi sai rồi - Gã rụt rè.
- Không. Anh đúng đấy. Vô hồn còn hơn tâm hồn nhơ bẩn. Mấy con manơcanh của anh đúng đấy. - Mỹ nói, thả ánh mắt về hư vô.
Gã ngượng ngịu:
- Tôi sai mà
- Sai ở đâu?
- Con người cần có tâm hồn. Không tâm hồn nào là nhơ bẩn cả. Chỉ có con người ta làm nó nhơ bẩn. - Gã nói đều đều, như không kiểm soát được.
- Anh định nói gì? - Mỹ thấy khó hiểu, liền
thắc mắc.
- À không. Cô làm mẫu vẽ cho tôi nhé - Gã bật ra tự nhiên.
- Tôi đẹp à? - Mỹ nhìn xuống người mình, khẽ nhíu mày.
Gã gật đầu rồi Mỹ cũng gật đầu. Mỹ chưa làm mẫu bao giờ mà Mỹ muốn biết trong con mắt gã, Mỹ là người xấu đẹp như thế nào.
- Chờ tôi đi rửa mặt. - Mỹ lùi vào sau mép cửa.
- Không. Cứ để thế. Tôi cần sự tự nhiên.
Mỹ ngồi trên ghế sofa để gã vẽ nhưng gục xuống ngủ lúc nào không biết. Chân trần, tóc rối, không phấn son nhưng nét buồn phảng phất. Thì ra Mỹ trang điểm là để che đi nỗi buồn mình, gã nghĩ.
Gã tiến đến Mỹ, ngồi dưới sàn nhà và ngả đầu lên ghế sofa. Tiếng thở, mùi cơ thể Mỹ làm gã thấy bình yên. Gã gà gật ngủ, nép sát vào Mỹ lúc nào không biết. Mỹ tỉnh, Mỹ đẩy gã ra dù gã chưa chạm vào mình:
- Vẽ xong chưa?
- Đừng đẩy tôi ra. Một lát nữa thôi mà. - Gã vẫn ngái ngủ, nép gần hơn lại Mỹ.
Mỹ thôi không đẩy gã mà để gã ngủ, nhìn khuôn mặt gã như đứa trẻ, nỗi bất hạnh như vương vất đâu đó. Mỹ cũng thấy bình yên. Mỹ thôi không khinh bỉ và nghĩ gã “bệnh” nữa.
Gã hỏi Mỹ, sao mắt Mỹ buồn. Mỹ đáp, vì cuộc đời Mỹ có khoảng tối không xóa mờ được. Gã giật mình nhìn Mỹ, Mỹ nhìn đi xa xăm:
- Yêu nhầm người, lấy nhầm chồng. Nó thua bạc. Đêm tân hôn bị nó gán cho chủ nợ.
- Mỹ chạy thoát không? - Gã hỏi, như sợ hãi, như xót xa, lo lắng cho Mỹ.
- Thoát, mà không thoát. - Mỹ đáp, nén tiếng thở.
- Sao? - Gã hỏi, cảm giác dồn dập.
- Giữ được trinh tiết nhưng phạm tội hành hung người quá bản năng tự vệ, nên bị công an bắt. - Mỹ
thở dài.
- Rồi sao? - Gã sợ, gượng hỏi.
- Thì đi tù. - Mỹ tỏ ra thản nhiên, cười nhạt trả lời. - Cuộc đời còn dài mà.
- Vậy chồng Mỹ có sao không? - Gã tò mò.
- Ai quay lại mà biết có sao, có trăng gì? - Mỹ
thở dài.
- Không thương hả? - Gã hỏi, đôi mắt u buồn.
- Thương thì làm được gì? - Mỹ đáp, tiếng khô khốc lạnh lùng. - Nó đâu có thương mình, nó bán mình đi đấy thôi.
- Bố mẹ Mỹ đâu? - Gã hỏi.
- Không biết. Tôi được người ta nhặt về nuôi.
- Vậy người nhặt Mỹ về nuôi đâu?
- Mất từ năm tôi mười lăm tuổi rồi. Bệnh tật nhiều quá, cố chữa chạy mãi mà không khỏi. - Mỹ thở ra cay đắng. - Số tôi như vậy đấy.
- Vậy từ đó tới giờ Mỹ sống như thế nào?
- Thì làm thuê, làm mướn, đồng nát, rồi làm công nhân. Rồi lấy chồng. Rồi đi tù. Lại quay lại đời
làm thuê.
- Thế sao Mỹ học được nghề pha chế rượu? - Gã tò mò.
- Tự tìm đường sống cho mình thì sẽ tự học được nghề nào đó thôi.
- Ở đó sống có khó không?
- Chẳng ở đâu là sống dễ cả. Chết mới dễ chứ sống làm sao dễ thế?
- Hay Mỹ đừng đi làm nữa. Làm mẫu cho tôi. - Gã ngập ngừng đề nghị.
- Anh không đủ tiền trả đâu. Đừng sĩ diện. Phận tôi, tôi lo.
Lần nào gã đề nghị Mỹ làm mẫu, Mỹ cũng gạt đi như thế. Mỹ biết là những bức vẽ gần đây của gã, gã giữ lại chứ không còn bán nhiều như trước, những bức tranh thêm màu sắc tươi vui có đôi mắt Mỹ, có cái cười của Mỹ. Thiên hạ vẫn tưởng thế, tưởng nỗi buồn làm cho con người ta thêm sâu sắc. Nhưng sống ngập trong nỗi buồn mới hiểu, niềm vui có giá trị cao đẹp hơn nhiều.
Gã tặng Mỹ bức tranh Vu quy, Mỹ nhận lấy về treo trên tường đối diện với giường ngủ. Bức tranh làm Mỹ nhức nhối, Mỹ trằn trọc quằn quại với vết thương rỉ máu từ tim.
*
* *
Mỹ buông xõa tóc, mặc chiếc váy ngủ mong manh ngồi trên giường là hai tấm phản kê cao trong căn phòng thuê nhỏ hẹp. Mỹ đang đợi chồng về. Hôm nay là ngày cưới của Mỹ, Mỹ tô một lớp son hồng lên môi như để tô hồng lên hạnh phúc. Đám cưới không có người thân, chỉ có mấy người bạn cùng làm công nhân. Không có lễ ăn hỏi, không có xe rước dâu, chỉ có một mâm cơm thịnh soạn hơn thường ngày. Mỹ tự mua cho mình một chiếc váy ngủ mỏng manh này và thỏi son để biến mình thành cô dâu trong ngày cưới. Chú rể của Mỹ đi đâu chưa về. Mỹ lo nhưng dường như hồi hộp nhiều hơn. Mới chỉ hơn tám giờ tối. Mỹ đoán phải nửa đêm chú rể của Mỹ mới về, trong phim vẫn thường hay như thế, cô dâu ngồi ở mép giường chờ chú rể đến khuya mà. Chiếc váy ngủ màu huyết dụ làm Mỹ rực rỡ hơn, tâm trạng Mỹ khấp khởi lo âu, hồi hộp và mừng vui.
Cốc cốc cốc.
Tiếng gõ cửa phòng.
- Mỹ ơi!
Tiếng chú rể mới của Mỹ. Tim Mỹ đập loạn lên. Mỹ mở hé cánh cửa rụt rè. Đám người hùng hổ lao vào túm lấy và lôi Mỹ đi. Ánh mắt chồng Mỹ nhìn theo bất lực, hèn hạ và cả thở phào nhẹ nhõm.
Căn phòng trưng bày theo kiểu giả cổ, Mỹ bị ném lên giường. Hoang mang, sợ hãi. Màu chăn ga và màu rèm lụa cùng màu huyết dụ như màu váy Mỹ bỗng làm Mỹ rùng mình. Lão già bước vào với hàm râu cắt tỉa gọn gàng và mái tóc hất ngược ra sau. Lão cười, lão tiến về phía Mỹ đầy thèm khát. Mỹ sợ hãi, Mỹ la hét. Mỹ ném tất cả mọi thứ trong tầm tay về phía lão. Lão lao chồm đến, đè nghiến Mỹ xuống giường vẫn với điệu cười hãi hùng ấy.
Lão thầm thì: “Chồng mày thua bạc. Mày được gán nợ cho tao rồi. Biết điều thì tao tha, bằng không thì tao giết.” Lão lột quần áo mình rồi lao đến, chộp hai tay lên ngực Mỹ rồi xoa xoa. Mỹ túm lấy cây đèn bàn bên giường táng thẳng vào đầu lão. Lão bị đánh bất ngờ, đưa tay lên ôm đầu, Mỹ đánh đến khi lão ngất xỉu giữa vũng máu đỏ rồi Mỹ cắm đầu chạy mải miết để phía sau, đám người lao nhao đuổi theo.
*
* *
Mỹ vùng dậy, bức tranh màu huyết dụ kinh khủng hơn bao giờ hết. Mỹ hoảng hốt giật bức tranh rơi xuống đất, máu như tràn ra khắp phòng, lan đến cả bàn tay Mỹ ẩm ướt và tanh tưởi mùi máu đỏ. Mỹ khóc, Mỹ chạy về phía cánh cửa đang khép chặt và đập mạnh, cuống cuồng mở không nổi. Mỹ vồ lấy chiếc bật lửa bật lên, căn phòng vẫn tối đen với màu huyết dụ nhức nhối. Mỹ vớ lấy con dao găm, lao tới rạch nát bức tranh một cách điên cuồng, cảm giác máu vẫn chảy đầy hai tay Mỹ như trong ngày vu quy. Mồ hôi vã ra mà sống lưng Mỹ lạnh toát, Mỹ châm lửa đốt mà bức tranh không cháy. Mỹ giật những tờ báo dán trên tường xuống, những tờ báo đăng tin về vụ án ngộ sát ba năm trước, và châm lửa. Lửa bốc lên thiêu rụi hình ảnh Mỹ trong chiếc còng tay, thiêu rụi hình ảnh lão già với cái đầu tứa máu, thiêu rụi dần màu huyết dụ bức tranh “Vu quy”. Bức tranh khó cháy, tạo ra đám khói mờ mịt làm Mỹ ngạt thở, ho sặc sụa. Mỹ kiệt sức vì quá hoảng loạn mà đuối dần. Cánh cửa bị đạp tung, bóng gã họa sĩ lao vào dập tắt đám lửa rồi bế Mỹ
ra ngoài.
Cả đêm Mỹ mê sảng, vùng vẫy, gào thét và sợ hãi. Trong giấc ngủ chập chờn, Mỹ vẫn biết có một người đàn ông đang ôm lấy rồi xoa đầu Mỹ, như vòng tay vững chãi của một người cha che chở, êm ấm và bình yên, vòng tay mà Mỹ chưa bao giờ có. Rồi Mỹ dịu dần trong vòng tay gã dỗ dành. Mỹ đã ngủ ngon.
Mỹ thức dậy trước gã, khi trời mới nhờ nhờ sáng. Gã ngủ rất say, giấc bình yên như một đứa trẻ không lo nghĩ. Những con manơcanh như trừng trừng nhìn Mỹ làm Mỹ sợ, Mỹ thấy gai người ớn lạnh khép mình lại. Mỹ định trở về phòng, nhưng có lẽ trong phòng Mỹ, Mỹ còn bị ám ảnh mà sợ hãi nhiều hơn. Mỹ nằm xuống, cánh tay lười biếng của gã vắt qua đè lên vai Mỹ. Gã vẫn ngủ say, tiếng thở đều đều. Mùi cơ thể gã vô tình ru Mỹ ngủ.
Gã rủ Mỹ về sống chung, chính xác hơn là ăn chung, nằm chung nhưng cuộc sống riêng. Gã nói gã thấy ăn ngon hơn khi có Mỹ và có Mỹ, gã mới bắt đầu có được giấc ngủ bình yên. Mỹ hỏi:
- Tại sao nhà anh không bao giờ đóng cửa?
- Tôi sợ mẹ tôi về, không vào được nhà.
- Mẹ anh đi đâu? - Mỹ hỏi.
- Tôi không biết. Mẹ tôi đi từ lúc tôi còn bé. - Gã trả lời.
- Vậy là không về nữa. Đợi làm gì?
- Tôi biết. Nhưng cha tôi muốn thế.
- Cha anh đâu? - Mỹ hỏi.
- Cha tôi mất rồi. Ông bị đột quỵ sau khi mẹ tôi bỏ đi.
Mỹ lặng đi, chua xót, bỗng dưng Mỹ muốn ôm gã vào lòng, cho gã dựa lên vai Mỹ.
- Vậy từ đó anh sống với ai?
- Một mình.
- Khoác lác. - Mỹ nói - Thế anh ăn bằng gì?
- Tôi đi làm thuê.
Mỹ nâng cánh tay không có chút cơ bắp nào của gã lên mỉa mai:
- Đuổi ruồi thuê hả?
- Bậy bạ. Tôi đi phụ cho ông họa sĩ ở dưới phố. Ông ấy nuôi tôi rồi dạy vẽ cho.
- Giờ anh sống chỉ biết ăn, ngủ, vẽ tranh rồi đem bán, sống qua ngày thôi hả?
- Thế đời còn có gì nữa? - Gã hỏi. Mỹ không đáp. Mỹ lặng thinh. Mỹ không biết rằng cuộc đời còn có gì nữa, có lẽ cuộc đời còn cần phải có những niềm vui.
Mỹ không nhận lời sống chung với gã nhưng thỉnh thoảng Mỹ cũng nấu ăn rồi gọi gã sang ăn cùng. Giữa gã và Mỹ dần dà trở nên thân thiết mà vui vẻ, thoải mái sống song song bên đời nhau.
Một lần, vô tình gã biết gã là họa sỹ nổi tiếng, chính xác là tranh của gã nổi tiếng. Kỳ lạ là từ trước gã không biết tranh của mình nổi tiếng. Gã thấy mình đau đớn, ngu ngốc, gã nổi đóa lên tức giận. Tranh của gã được bán với giá đắt gấp mười lần tranh của thầy gã, vậy mà gã không biết, không để ý, cứ ngây thơ mang tranh đến cho ông thầy rồi nhận bất kỳ số tiền nào thầy đưa để trang trải cho cuộc sống. Gã nhiếc móc chửi b 18c0 i, gã không chửi được thầy gã, người mà gã mang ơn, gã không chửi được mình, không chửi được đời thành ra gã chửi đổng. Gã thành ra chán đời.
Gã làm Mỹ buồn lòng. Con người vô tư trong sáng cũng bị đồng tiền làm cho chán ngán, mệt mỏi. Gã đã sống bình yên, cuộc sống gã đã êm đềm trôi qua, bỗng chốc gã cảm thấy mình bị phản bội vì những khoản tiền thất thu. Cái mà gã gọi là giá trị nghệ thuật đều bị quy đổi ra tiền. Mỹ buồn, Mỹ lại quay ra chán ngán, chẳng buồn nói chuyện hay chào hỏi gã nữa, mặc gã với nỗi chán đời của mình.
- Sao Mỹ lại lạnh nhạt với tôi? - Gã hỏi.
- Người dưng thì thế nào được nữa? - Mỹ hỏi lại.
- Tôi không thích Mỹ gọi tôi là người dưng. - Gã lụng bụng trong miệng.
- Thế thích gọi là gì? Là cha, là chú hay là anh em? - Mỹ hỏi lại.
- Ngoài mấy từ đấy ra, không còn từ nào khác hả?
- Còn từ nào khác?
Gã lúng túng:
- Thì người yêu.
Mỹ phá lên cười, điệu cười nhạt nhẽo:
- Anh là người tình của mấy con manơcanh
kia kìa.
- Mỹ bảo mấy con manơcanh ấy không có hồn còn gì? - Gã ấp úng.
- Có hồn để quy ra thóc như mấy bức tranh của anh hả?
Mỹ bỏ đi, mặc gã đứng đấy suy ngẫm. Dường như gã đứng đấy cả buổi chiều, đến tận khuya Mỹ về, gã vẫn đứng đấy.
- Tôi vứt mấy con manơcanh đi, Mỹ nhé.
- Cuộc đời anh anh lo, liên quan gì mà hỏi tôi?
- Tôi muốn liên quan mà. Tôi muốn mỹ sang ở với tôi
- Anh muốn biến tôi thành manơcanh biết nấu cơm à?
- Tôi muốn chăm sóc Mỹ. Tôi… tôi yêu Mỹ.
Mỹ nhìn gã đang đứng đờ ra bất động. Mỹ cười nhạt, bước vào phòng, Mỹ tưởng gã cứ đứng đấy mãi nào ngờ gã lao đến ôm chầm lấy Mỹ từ phía sau, hôn tới tấp vào gáy Mỹ rồi đẩy Mỹ ngã xuống giường.
- Anh mà động vào tôi, tôi sẽ giết chết anh
Gã không nghe, gã vẫn hôn tới tấp vào khuôn mặt Mỹ và lột quần áo Mỹ ra. Gã đã cưỡng hiếp Mỹ.
Mỹ không giết chết gã như lời Mỹ đe dọa, nhưng Mỹ bỏ đi, biến mất khỏi khu tập thể cũ kĩ mà Mỹ thuê, biến mất khỏi bar mà Mỹ làm, Mỹ biến mất khỏi cuộc đời gã như chưa từng xuất hiện. Mỹ căm hận gã, Mỹ căm hận những gã đàn ông với dục tính chỉ ham muốn đụng chạm đến thân thể Mỹ, nhưng Mỹ lại không đủ bản lĩnh để giết chết gã, Mỹ không đủ bản lĩnh để nhìn thấy gã bị tổn thương, nhất là lại vì Mỹ. Mỹ chỉ biết bỏ chạy khỏi tầm mắt mà Mỹ có thể trông thấy gã, để không phải đấu tranh những cảm xúc tình cảm và hận thù mâu thuẫn dành cho gã.
Gã vẫn ở đó một mình, với những con manơcanh như khi Mỹ chưa dọn đến, nhưng giờ gã mới biết thế nào là đau khổ thực sự. Gã ân hận, gã dằn vặt, trách móc mình, gã đợi chờ, gã tìm kiếm nhưng Mỹ đã hoàn toàn biến mất. Gã không thể ôm manơcanh ngủ như trước, gã không thể cứ vuốt ve manơcanh và cứ ăn ngủ, vẽ tranh sống qua ngày. Cuộc sống gã trở thành cái gì đó đau đớn từ tận trong tim gan gã. Gã biết mình đã thực sự yêu và cần đến Mỹ. Căn nhà gã vẫn mở cửa, nhưng không để chờ mẹ gã mà để chờ đợi Mỹ. Gã đem vứt bỏ hết những con manơcanh và đêm đêm thức chờ Mỹ về.
Và Mỹ đã về thật. Mỹ đứng ngay trước cửa phòng gã nhìn vào, rụt rè hệt như lần đầu tiên Mỹ ghé vào phòng gã. Gã cũng ngước mắt lên nhìn Mỹ như không tin vào mắt mình, rồi gã lao đến ôm chầm lấy Mỹ. Gã
sung sướng đến phát điên, nước mắt ứa ra mà cười mãi. Khuôn mặt Mỹ lạnh lùng nhìn một lượt khắp căn phòng nhìn gã:
- Manơcanh của anh đâu?
Gã không trả lời, lại ôm ghì lấy Mỹ.
- Tôi không làm mẫu, sao anh vẽ được tôi nhiều thế? - Mỹ hỏi, nhìn những bức tranh treo Mỹ đầy
trên tường.
- Đừng bỏ tôi đi. Tôi không cần gì cả, tôi chỉ cần Mỹ thôi
- Thế có cần con không? - Mỹ hỏi chậm rãi, cố để gã nghe rõ.
Gã đẩy Mỹ ra, nhìn vào khuôn mặt Mỹ đang nhìn gã nghiêm túc. Gã nhìn xuống bụng Mỹ, rồi lại ngước lên. Gã gật đầu, ôm Mỹ chặt hơn.
- Cần suốt đời… Tôi nhớ Mỹ lắm. - Giọng gã nghẹn đi.
Mỹ vòng tay lên ôm lại gã, nước mắt trào qua
gò má:
- Thú thật là… tôi cũng nhớ anh.