Tuổi Thơ Dữ Dội Chương 12

Chương 12
Sân lao Thừa Phủ nhập nhoạng tối. Từ trên chòi canh một hồi kẻng chói ngắt vang lên.

Kẻng báo giờ tù phải chui vào các nhà ngục. Tụi lính ngục đi vòng quanh các chop tường, la hét, quát nạt.

- Vô hết! Vô hết! Năm phút nữa thằng mô còn xớ rớ ngoài sân, ăn đạn chớ trách!

Một toán lính ngục khác cầm gậy, roi cặc bò, dùi cui từ bên ngoài chạy rầm rập vào xua tù vào các ba-ti-măng. Khi tù đã vô hết, chúng đóng sập các cánh cửa niềng sắt, khoá lại.

Cả hai ba-ti-măng nghẹt cứng tù nhân, tối thui như trong hang. Tiếng la hét, cãi lộn, chửi bới tranh giành nhau chỗ nằm rào rào nổi lên tứ phía. Ồn ào, hỗn độn hết chỗ nói. Khoảng nửa giờ sau, tiếng huyên náo ồn ào dần dần lắng xuống. Mọi người đã nằm yên tại chỗ của mình. Lác đác có tiếng ngáy, tiếng nói mê.

Tù nhân nằm trần trên nền xi măng, ép sát vào nhau như cá trong hộp. Họ nằm kín cả đường đi ở giữa, không còn hở một chỗ để len chân.

Không khí mỗi lúc một thêm oi bức, ngột ngạt. Mấy cái hố tiêu ngập ngụa cứt đái lúc này bốc hơi càng dữ. Mùi hôi thối không chỗ thoát, đặc quánh lại, tưởng có thể lấy tay mà vốc được.

- Thúi chi mà thúi lắm ri trời!

- Cần chi phải bắn, phải chém! Đêm mô họ cũng cho ngửi cứt ri cũng đủ thối phổi mà chết.

- Tụi hắn ác đến nước ni mà trời Phật mô không hiện ra vật chết cho bà con nhờ!

- Trời Phật mô vật được tụi hắn! Tụi hắn thì phải có Vê-cu-đê mang bom vô vật như ở đồn Hộ Thành mới xong!

Tiếng kêu la, nguyền rủa, ca than phẫn uất, chốc chốc lại nổi lên, xé toạc mùi hôi đặc quánh và bóng tối.

Khốn khổ nhất ba-ti-măng trong đêm là mấy người già yếu và tụi tù con nít. Sức yếu, họ bị những người khoẻ lấn ép, dồn đẩy mỗi lúc một gần sát bậc thềm cầu tiêu. Gần như họ phải nằm lên cứt, nước đái, giẻ rách và giấy lau đít.

Lượm nằm cách thềm hố xí chỉ mấy bước chân. Mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, làm nó muốn ngạt thở. Nhưng nó chẳng buồn nhúc nhích, cựa quậy. Khắp người nó chỗ nào cũng đau như có ai lấy số ng dao mà dần. Những cú đấm, đá, đạp của Lép-sẹo và tụi “băng” của hắn đến lúc này mới ngấm đến tận xương. Trước đây, cái răng cửa của Lượm bị sứt mất một nửa nên cả đội mới đặt cho biệt hiệu: Lượm-sứt. Bây giờ cái răng sứt và cái răng lành bên cạnh cũng gãy nốt, trở thành cái lỗ hổng “trổ cửa cho voi vô ỉa”, in hệt mấy đứa bạn sún răng mà ngày còn đi học Lượm hay trêu chọc làm chúng phải nổi cáu.

Hai môi Lượm bị dập, giờ càng sưng vều. Lúc chiều, Thúi và Lanh đưa cơm vào, nó chỉ ăn được mấy miếng. Nhai cơm, hai hàm răng và cặp môi nó đau buốt như nhai mảng chai. Nó bật rên đau đớn và nằm vật xuống nền xi măng. Sau đó nó thiếp đi không còn hay biết gì nữa. Khoảng nửa đêm, nó chợt bừng tỉnh dậy. Nó muốn cựa trở mình, nhưng không sao cựa nổi…

Chợt có tiếng hỏi thì thào, sát bên tai Lượm:

- Hôi thúi lắm hả anh?

- Ngạnh đó à? Răng mi không ngủ, thức làm chi?

- Đầu tui nhức quá, không ngủ được… Hay anh lấy cái áo tui đắp lên mũi cho đỡ thúi!

- Cũng chẳng hơn chi! Kệ, cứ để cho hắn thúi! Đã nếm mùi tù thằng Tây thì cứ nếm cho hết. Tụi hắng còn cái món chi gớm hơn cái món cứt, nước đái ni thì cứ đem hết ra đây! Tau mô có ngán!…

Hai mắt Lượm mở thao láo, trừng trừng nhìn bóng tối ngột ngạt. Một nỗi hối tiếc ghê gớm từ góc xó nào đó trong trí nhớ, lại chồm ra dày vò Lượm. “Cái bữa đó mình không ngu, biết đánh lừa tụi chó béc-giê, thì chừ đang nằm với cả đội ở chiến khu rồi, chứ mô phải chịu gãy răng, dập mặt, nằm ngửi cứt ở đây. Làm lính trinh sát mà ngu độn như mình thì phải chịu như ri cũng đáng đời lắm. Nó thở dài cay đắng, uất ức. “Chỉ thương chỉ huy trưởng thôi - Nó miên man suy nghĩ - Chắc lúc ni ông cũng đang phải nằm trần trụi trên nền ca-sô hôi hám như mình ở đây. Khát hớp nước cháy cổ cũng chẳng biết nhờ ai lấy cho. Mình ở đây còn sướng hơn ông, cần chi đã có thằng Thúi, con Ngạnh, chừ lại thêm cả thằng Lanh nữa, xúm lại giúp đỡ” - Lượm đưa tay quờ quạng sờ ba đứa bạn đang nằm ép sát hai bên mình, tự nhiên nó thấy ấm lòng lại. Cực khổ đến đâu mà có bạn thì cũng không đến nỗi, vẫn còn chịu được, còn đứng vững được… “Anh ơi, sáng mai mà em bớt đau, nhúc nhích được, răng em cũng tìm được cách liên lạc với anh, tiếp tế nước cho anh. Làm răng anh lại để cho tụi hắn bắt được? Vệ-to-đầu, mi là đứa khôn ngoan tài giỏi nhất đội, mi đi làm liên lạc, bảo vệ chỉ huy trưởng, mà mi lại chịu để cho ông bị bắt? Hay là lúc đó ông đi một mình, không có mi? Ông đã ăn mặc, cải trang như rứa, mà vẫn bị bắt, chắc phải có đứa biết mặt ông, chỉ điểm cho Tây… Đứa mô chỉ điểm? Hay chính lại thằng Thành, thằng Nguyễn Trì? Việc ni nhất định mình phải dó tìm cho ra, rồi tìm cách nhắn lên chiến khu. Nhưng chưa chừng mình chưa kịp làm chi thì đã chết vì tay thằng Lép-sẹo và tụi đàn em của hắn…” - Lượm nghĩ vậy, vì sực nhớ lúc chiều ngồi ăn cơm, thằng Lanh kể với thằng Thúi và con Ngạnh: Trưa nay vừa ngồi dậy được là thằng Lép-sẹo lôi ngay co n dao găm dắt trong lưng quần, đem ra mài vào thành bể ở giữa sân. Vừa mài dao, hắn vừa nghiến răng kèn kẹt, nói với tụi đàn em bâu quanh: ”Tau phải thọc lút con dao ni vô giữa ngực hắn! Tức là thọc vô ngực mình đó! - Còn hắn thì không còn tau, còn tau thì không còn hắn!”

Theo thằng Lanh thì Lép-sẹo không giống như những đứa khác, nói phách lác, nói doạ. Hắn đã nói là hắn làm. chết hắn cũng làm. Cách đây chưa đầy một tháng, hắn và tụi đàn em, vào lúc nửa đêm, đã trùm bao bố lên một anh tù to lớn như Tây Lê Dương, rồi hè nhau lấy gạch đá đập vỡ đầu anh, chỉ vì anh này đã bợp hắn một tát tai. Tụi lính ngục phải bỏ anh này lên băng-ca, khiêng vô nhà thương. Nghe đâu anh ta nằm thương được ba ngày thì chết… Nghĩ tới đó, Lượm thấy ruột gan bồn chồn, xao xuyến và ớn lạnh dọc xương sống.

Từ hôm bị bặt đến nay, Lượm đã trải qua nhiều phút căng thẳng, hiểm nguy, nhưng chưa lúc nào nó cảm thấy lo lắng, sợ hãi như lúc này. Nó hình dung trong cảnh tối thui như lúc này, mình đang ngủ say, một cái bao bố bỗng trùm lên mặt. Mình chưa kịp cựa quậy thì một lưỡi dao đã thọc vô giữa ruột… Mình chết mà không kịp kêu lấy một tiếng…

Tự nhiên Lượm ứa nước mắt… Một con dòi từ trên trần rơi đúng giữa mặt nó. Trước viễn cảnh ghê rợn của cái chết, con dòi không còn làm nó thấy ghê tởm nữa. “Mình chết chôn xuống đất thì bọn dòi bọ còn lúc nhúc đầy mình!” Nó chua xót nghĩ vậy, và đưa tay bắt con dòi, ném đi. Nó bỗng chạm tay vào một đứa ngồi ngay gần sát đầu mình. Tim nó muốn ngừng đập, run rẩy hỏi:

- Ai đó?

- Tui đây. Ngạnh đây!

- Răng mi không ngủ mà ngồi đó làm chi?

- Tui ngồi canh tụi hắn cho anh. - Ngạnh thì thầm trả lời - Tụi hắng mà mò qua đậy chụp bao tải lên anh là tui lay thằng Thúi dậy để hắn la tiếp cứu, thức hết cả lao dậy, tụi hắn phải sợ, không dám đâm. Anh coi đây này. - Ngạnh mò tìm bàn tay Lượm, gại, gại vào lòng bàn tay Lượm một cái đầu đanh hai mươi phân nhọn hoắt.

- Hắn mà đụng vô người anh là tui đâm liền. Mình chừ có bốn anh em, sợ chi tụi hắn!

- Ừ hè. - Lượm lúc này mới sực nghĩ ra - Đúng là chừ mình đã có bốn người, bằng quân số một tổ chiến đấu của Đội ngày còn ở mặt trận Huế…

Chính ý nghĩ này làm Lượm bình tâm trở lại - nỗi sợ hãi tiêu tan dần. Nó đưa bàn tay tìm nắm lấy bàn tay Ngạnh. Trời, bàn tay nó giống hệt bàn tay Vịnh-sưa, bàn tay con nít mà đã có chai, có cạnh. Lượm nói, giọng cảm kích.

- Cậu khôn thiệt, đúng là chính hiệu liên lạc của du kích, chết thì thôi, chứ không chịu khai chôn súng! Cậu đã nghĩ ra cái điều mà tớ ngu quá, chẳng nghĩ ra: Chừ mình có bốn anh em mà toàn du kích với Vệ Quốc Đoàn. Lẽ mô ta lại sợ mấy thằng ăn trộm, ăn cắp?

 

Nguồn: truyen8.mobi/t72058-tuoi-tho-du-doi-chuong-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận