Tuổi Thơ Dữ Dội Chương 2

Chương 2
Mừng được cởi trói, ngồi trước cái bàn mặt nứa ở gian ngoài trạm gác.

Lê Hường, Trưởng ban Quân báo trung đoàn, ngồi bên kia bàn, đối diện với em. Cuốn sổ tay và cây bút máy Parke gác trên sổ, đặt trước mặt anh. Anh nói, giọng nghiêm khắc:

- Chú mày phải khai rõ ràng, khai hết, khai cho thật. Nếu khai thành thật, chú mày sẽ được hưởng lượng khoan hồng. Nếu đối trá, quanh co, phải trả giá đắt đó. Chú mày có biết kỷ luật thời chiến đối với bọn Việt gian gián điệp là thế nào không? Xử bắn? - Anh dằn giọng, đầy hăm doạ.

Rõ ràng, giọng của anh Trưởng ban Quân báo nói với Mừng không còn là giọng anh chỉ huy nói chuyện với chú em liên lạc, mà giọng một cán bộ nghiệp vụ đang lấy cung kẻ thù. Mừng lúc này đã hiểu rõ điều đó. Cả người em run rẩy đau đớn, gương mặt mệt lả, tuyệt vọng.

Thấy em vẫn ngồi lặng lẽ khóc, anh hỏi:

- Trước hết, chú mày phải nói cho tôi biết chú mày là người của cơ quan mật thám nào? Đơ-bê? Xuya-rơ-tê Phê-đe-ran? Hay Ty An ninh?

- D ạ… em là Vệ Quốc Đoàn… em không biết chi hết…

Mừng ngước gương mặt tắm nước mắt mà em chẳng buồn lau, nhìn lên Hường…

Cách đây chưa lâu, mỗi lần chạy liên lạc vô Xê-ca Một, qua lán của ban Quân báo, anh Lê Hường thường ngoắc gọi em vào hỏi em:

- Bữa ni em có việc chi phải vô Xê-ca Năm không?

Xê-ca Năm là đóng xưởng bào chế thuốc. Từ Xê-ca Một vô Xê-ca Năm phải trèo qua ba dốc núi. Mặc dầu không phải có việc chi vô đó nhưng em biết anh Hường cần gì, nên em vui vẻ nói: "Có em cũng có công văn chạy vô xưởng bào chế" - "Rứa thì nhờ em tiện thể đưa giúp cái nỉ cho chị Tịnh Nhơn". Anh móc túi áo lấy ra phong thư dán kỹ, trao cho Mừng. Anh cười, mặt hơi đỏ lên, dặn thêm: "Em nhớ đưa riêng cho chị Nhơn thôi nghe… Có mặt các chị khác thì đừng đưa…". "Em biết rồi! Em biết rồi!…". Mừng nhanh nhảu nói, cầm lấy phong thư dầy cộm, chạy đi.

Chị Tịnh Nhơn đẹp nhất xưởng bào chế. Hai má chị bầu bầu, lúc nào cũng đỏ hây hây như có bôi giấy hương. Mừng biết anh Hường và chị Nhơn thương nhau… Lần mô mang thư vô cho chị, chị cũng có thư gửi ra cho anh: "Nhờ em đưa giúp chị…". Em còn biết đưa loại thư này không giống như đưa giấy tờ công văn. Cầm công văn lỡ bị làm nhớp một chút cũng không can chi. Mà tay em lúc nào cũng kềnh càng đầy ghẻ; cầm không khéo, máu mủ ghẻ dính vô phong bì ngay. Bởi vậy, thư của hai người bao giờ em cũng cẩn thận bọc trong ngọn lá vả rừng hoặc ngọn lá nón, để giữ cho phong bì được sạch. Có lần chị Nhơn hỏi: "Tại răng lúc mô cũng thấy em gói thư vô ngọn lá như gói cái bánh rứa?" - "Em sợ tay em làm nhớp mất cái thư quý của chị" - Mừng chìa hai bàn tay chi chít những nốt ghẻ cái cương mủ xanh lè, và nhiều nất lở loét chảy máu.

Cặp mắt đen lay láy và trong vắt như nước suối của chị mở to nhìn em không chớp, và tự dưng láng láng nước mắt. Thấy chị khóc, em lúng túng, lo lắng, vội vã chạy xuơng dốc núi: "Em phải về không sợ đi lâu đội trưởng la".

Chừ thì anh Hường ngồi đó, hỏi em với cái giọng như chưa hề quen em khi mô. Anh không gọi em là em như mọi khi mà gọi là chú mày. "Chắc anh nghi mình là Việt gian anh mới gọi rứa. Chừ mà chị Nhơn gặp mình, chị cũng gọi mình là "chú mày" như anh Hường… Ai người ta còn thèm tử tế với cái đồ Việt gian?". Ý nghĩ đó làm em bật khóc to nức nở.

Anh Hường vỗ bàn làm cuốn sổ và cây bút nhảy lên như bị kiến nhéo:

- Chú mày khai đi! Không phải khóc, mất thì giờ!

- Dạ, em chẳng biết chuyện chi mà khai… Tại vì thằng Kim… em cứ tưởng hắn là Vệ Quốc Đoàn, có ngờ mô hắn là Việt gian. Bữa đó hắn kêu đau bụng. Đội trưởng xuống sông giặt áo quần, bao tải cho cả đội, giao em ở nhà coi nhà. Hắn nhờ em ra quán o Liên mua xôi chè. Em mà biết hắn là Việt gian đời mô em đi… có thèm xôi chè đến chết em cũng không đi. Rứa mà em dại quá, em lại bỏ nhà em đi, để hắn ở nhà một chắc. Em mua xôi về, chè chưa chín…

Lê Hường cau trán, anh vụt nhớ chi tiết này: trên sạp nứa nằm lăn lóc gói xôi đỗ đen khá to, anh Thắng đã cầm ném ra bụi rậm vì sợ trong xôi có bỏ thuốc độc.

-… Em thấy thằng Kim đang ở trong buồng, coi tấm bản đồ bố phòng chiến khu. Em tức quá, la hắn: "Răng anh dám lục bản đồ mật của đội trưởng ra coi?". Hắn nói: "Tau coi nhờ đường vô bệnh viện, để chiều tau xin đi chữa bệnh". Cơi chi mà biết hắn là Việt gian thì em đã chạy xuống sông báo cho đội trưởng… Em thấy trên bàn có cái hộp chi đen đen mà có mặt gương ở giữa, em cầm lên coi, hỏi hắn: "Hộp chi mà đẹp ri?" - Hắn giật lại, nói là hộp đựng tiền, rồi bỏ mau vô bọc cài nút lại. Hắn ôm bụng kêu đau bụng, nói em cứ ăn xôi trước, hắn vô ăn sau. Rồi hắn chạy ra nhà tiêu. Em ngồi chờ hắn vô, em nghĩ… Em nhớ có lần đội trưởng kể: Tụi Việt gian hay dùng máy chụp bóng nhỏ như cái bao diêm để chụp trộm tài liệu bí mật của kháng chiến… Rứa là em sợ quá, em nghĩ: "Hay cái hộp đựng tiền nớ là cái máy chụp bóng, hắn dùng chụp trộm bản đồ bố phóng chiến khu?". Em liền chạy ra cầu tiêu tìm hắn, nhưng hắn đã chạy mất rồi. Cơi chi em biết hắn là Việt gian thì em đã giữ chặt cái máy đó, không cho hắn giựt lại. Em chạy đuổi theo hắn để bắt giữ hắn l i. Em trèo lên ngọn cây bứa, ngó về phía dồn Sơn Quả, thấy bóng hắn chạy lúp xúp đằng xa. Em liền chạy vòng đường tắt qua rú Quao, đón đầu hắn. Em chặn được hắn lại. Em đòi lại cái máy chụp bóng bắt hắn quay lui. Hắn xông vô đập em. Em chụp hòn đá, nhè túi áo hắn có đựng máy chụp bóng, em xán thật mạnh. Cái máy bể tan. Hắn vật em xuống đất, xé áo em làm dây trói em lại rồi đập em tràn cả máu mũi, máu miệng. Hắn rút khẩu súng lục dắt trong lưng quần ra, chỉ vô mặt em, bắt em phải đi theo hắn về đồn Sơn Quả. Em nằm dài ra giữa đường, giả đò đau quá không đi được. Rứa là hắn cõng em một mạch chạy về đồn Sơn Quả. Em ở lại với hắn trong đồn một đêm, nằm chung lộn với mấy thằng Bảo vệ quân. Sáng hôm sau có chiếc xe Jeep thằng Tây đen cầm máy, chở em với hắn thẳng về Huế, đến một nhà có rất nhiều lính Tây. Hắn đi vô nhà đó tự nhiên như đi vô nhà hắn. Hắn nói tiếng Tây xì xồ với tụi Tây. Rồi hắn ở lại đó luôn, còn em tụi hắn đem giam vô lao Toà Khâm, nhốt em vô cái nhà nhỏ tối câm. Em ở đó được hai ngày thì cha em đến đón em. Cha em mặc đồ Tây, đeo lon quan hai, bên hông đeo khẩu súng lục ni. - Mừng chỉ khẩu súng "côn mười hai" để trên bàn. - Tay cầm roi cặc bò ngúc ngoắc, ngúc ngoắc. cha em dắt em ra ngồi trên xe Jeep, vặn lái chở em về nhà riêng Phú Cam. Trong nhà có dì ghẻ em. Dì ghẻ em theo đạo, trên cổ có đeo cái thập ác với dây chuyền vàng. Trên bàn thờ có ông Chúa đứng dang tay chéo chân, với người đàn bà bồng con nít. Cha em ăn cơm thịt bò, thịt gà, ra phố mua cho em mũ dép, mấy bộ quần áo, rồi chở đi nhà thương bôi thuốc cho lành ghẻ. Cha em nói: "Con đi theo Việt Minh làm chi cho khổ, ghẻ đầy người, chỉ còn da bọc xương. Ở đây với cha, với dì ít lâu, ăn uống tẩm bổ cho lại người, chữa cho lành bệnh, rồi cha xin việc cho mà làm". Em nói: "Con nhỏ ri biết làm việc chi?" - Cha em nói: "Rứa mà Tây họ đang cần con đó. Con mà biết nghe họ, làm việc cho họ thì con muốn chi được nấy". Em hỏi: "Cha có biết chừ mạ con ở mô không?" - Cha em nói: "Mạ con bị Tây bắn chết ngoài Phò Trạch rồi" - Mừng trở sống bàn tay quệt nước mắt, nức nở hồi lâu rồi kể tiếp: "Em ở nhà cha em được hơn mười ngày, cha em chở em đến chỗ cha em làm việc. Một cái nhà lầu ba tầng, có rất nhiều Tây, nhiều Việt gian đi đi lại lại. Cha em đưa em vô một gian buồng rất rộng trên vách có treo tấm bản đồ chiến khu mình, nhưng to bằng cả chiếc chiếu. Trong buồng có mấy thằng Tây, mấy thằng Việt gian xì xồ nói tiếng Tây, hút thuốc. Cha em cầm cái que gỗ tròn, dài hơn mét, chỉ lên bản đồ nói: "Con chỉ cho các quan Tây coi chỗ mô tụi Việt minh trên Hoà Mỹ đóng các cơ quan như trung đoàn bộ, tỉnh uỷ, uỷ ban tỉnh, công binh xưởng, kho đạn, kho lúa gạo, chỗ mô bố trí các ụ súng bắn máy bay, đường mô có gài mìn. Con mà chỉ trúng, các quan Tây sẽ thưởng cho con nhiều áơ quần đẹp, nhiều tiền tha hồ mà tiêu xài". Em ngó tấm bản đồ, giả đò như không biết, hỏi cha em: "Cái tờ giấy to đại chang ni là cái chi rứa cha?". Mấy thằng Tây, Việt gian kêu ồ ồ. Cha em quạu mặt nói: "Thằng Kim nói mi đọc bản đồ làu làu, mi đừng có làm bộ giả đui, giả điếc? Mi mà không chỉ thì các quan đây xách cổ mi đi bắn, cha cũng không xin được mô". Một thằng Việt gian đeo gương mát hỏi em: "Em đã nhìn thấy cái bản đồ giống như thế này bao giờ chưa?". Em nói: "Dạ có, em có nhìn thấy, cấp chỉ huy em cũng có một cái giống như ri, nhưng nhỏ chỉ bằng tờ báo, mà vẽ cũng không được khéo như ri. Hắn nói: "Theo lời thằng Kim thì chú mình đọc bản đồ giỏi như một sĩ quan tham mưu". Em nói: "Anh Kim nói chọc em chớ em ở trên chiến khu mới học i tờ tờ i ti, em làm răng đọc được cái bản đồ to mà chữ nhiều bắt loạn ri". Hắn xách tai em hỏi: "Rứa thì em ở trên đó Việt minh sai làm những việc chi?" - "Dạ, em chạy liên lạc, đưa công văn giấy má đến các cơ quan". - "Rứa chắc chú mi phải thuộc hết đường trong chiến khu?" - Em nói: "Dạ, đường thì tui thuộc, chạy liên lạc mà không thuộc đường, lạc bậy vô giữa rú, cọp hắn tha mất xác". Em cứ nói huyên thuyên rứa mà coi bộ cả tụi hắn cũng tin. Rứa là tụi hắn với cha em nói tiếng Tây xì xồ với nhau, rồi cha em nói với em: "Thôi đi về". Cha em vặn xe, chở em về nhà. Em ở nhà chơi không đến có hai tháng, nhiều lần em muốn trốn lên chiến khu, nhưng em không thuộc đường, sợ đi lạc bậy vô đồn Tây thì chết. Rứa rồi cách đây năm ngày, cha em với mấy thằng Việt gian chở em lên đồn Sơn Quả. Cha em nói: "Tây họ sắp sửa đánh lên chiến khu, bắt sống hết tụi Việt minh ẩn núp trên đó, đem về bắn cho dân Huế coi chơi. Con ở đây đợi lúc quân đội họ tấn công lên, thì họ gọi con đi dẫn đường. Con phải dắt chỉ cho họ những chỗ tụi Việt minh đầu sỏ ẩn núp, các chỗ để súng đạn, lúa gạo… Họ mà bắt trúng, họ sẽ thưởng cho con tiền ngàn, tiền vạn". Em giả đò mừng rỡ nói: "Dạ, tưởng việc chi, việc dắt đường thì con làm được. Con sẽ dắt họ đi khắp chiến khu để họ tha hồ mà bắt Việt minh". Ở đồn Sơn Quả, ngày mô em cũng đi ra đi vô cổng đồn cho tụi lính gác quen mặt em. Trưa hôm qua, cha em uống rượu với thằng đồn trưởng say mềm. Em chờ cho cha em ngủ say, em mở bao da lấy khẩu súng lục giắt vào lưng, rồi đi ra cổng đồn, thằng lính gác hỏi đi mô, em nói đi hái sim chín. Trước cống đồn có một vạt đồi sim chín rụng đầy đất, thằng gác nói: "Hái nhiều nhiều đem về cho anh ăn với nghe!". Em dạ. Em lũi vô giữa bãi sim, qua hết bãi sim đến đồi tranh. Em nhắm thẳng hướng chỉến khu em lũi. Em chạy gần thấu trạm gác thì trời đã tối được một lúc lâủ nhưng em không dám vô, em sợ các anh gác tưởng em là Việt gian, các anh bắn. Em chui vô giữa bụi lau rậm, ngồi núp ở đó cho tới sáng em mới vô. Đầu đuôi có rứa thôi anh nờ…

Gần ba mươi năm sau, tôi đến thăm đại tá về hưu Lê Hường, ở khu nhà tập thể bộ đội. Bên chén rượu hội ngộ, chúng tôi cùng nhắc lại những kỷ niệm một thời tráng lệ cách mạng. Tôi ngỏ ý muốn viết lại câu chuyện về Mừng, người đồng đội tuổi thơ của tôi. Lê Hường bỗng đứng dậy mở tủ, lục lọi một hồì lâu. Anh lôi ra cuốn sổ tay dầy khoảng trăm trang. Cuốn sổ đã long bìa, các trang giấy kẻ ca-rô ố vàng như những chiếc lá rụng, nhưng chữ viết còn khá rô vì được viết bằng thứ mực xanh đen Oa-téc-men. Từ những trang giấy ố vàng tôi ngửi thấy mùi cũ xưa, mùi kỷ niệm.

Anh chìa cuốn sổ ra trước mặt tôi, bàn tay cầm cuốn sổ run run: "Đây là bản ghi tốc ký lời cung khai của Mừng hôm đó. Mấy chục năm qua tôi đã đánh mất đi nhiều thứ quý giá, nhưng không hiểu sao cuốn sổ này tôi vẫn còn giữ được. Nghĩ cho cùng cũng có lý do của nó. Đã từ lâu tôi cũng mơ ước viết một cái gì đó về nhưng người đồng đội nhỏ tuổi, quá ngây thơ, quá trong sạch này. Và tôi cũng đã thử bắt tay viết một hai lần… nhưng lần nào tôi cũng bỏ dở. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, tôi thiếu mất cái chủ yếu để thực hiện điều mơ ước. Tôi không có tài năng, nếu cậu định viết về Mừng, tôi xin tặng cậu bản ghi tốc ký này, làm tư liệu.". Đại tá Hường cẩn thận xé sáu trang sổ tay dày đặc những chữ tốc ký, trao cho tôi. Anh hỏi: "Cậu có đọc được chữ tốc ký không?" - "Tôi chưa biết đọc, nhưng tôi sẽ học. Tôi tin là cũng không khó lắm".

Và đoạn văn trên là tôi dịch lại gần như nguyên văn bản tốc ký của đại tá Lê Hường, lời cung khai của Mừng buổi sáng hôm đó.

Mừng kể lại một mạch, em chỉ dừng lại khi phải chùi nước mắt, và nuốt tiếng nấc nghẹn. Từ giọng kể, gương mặt và những giọt nước mắt ngắn dài chảy tràn trên hai gò má trẻ thơ của em có cái gì thật đến nỗi Lê Hường thoáng có ý nghĩ: "Hay đúng là nó bị nghi oan?". Nhưng anh đã vội gạt ngay ý nghĩ đó. Anh còn trẻ quá, mới tròn hai mươi bốn tuổi. Trong công tác chuyên môn của anh, anh đã phải nhiều lần chạm trán và phải thường trực đối phó với những âm mưu vô cùng xảo trá, lắt léo của một kẻ thù hiểm độc, già dặn. Những âm mưu đó thường được che bọc bằng lừa lọc, giả trá và hơn một lần đã cho anh những bài học bằng máu, như trường hợp cái tên đàn ông giả dạng đi mua mây. Anh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ này. Do đó mà anh phải luôn luôn cảnh giác với chính tình cảm và suy đoán của anh. Anh lo lắng mình bị vấp phải sai lầm mới.

Sự chân thật của Mừng đã không chọc thủng nổi lớp áo giáp phòng ngự của anh, mà năm tháng, lớp áo giáp ấy được kinh nghiệm xương máu đan dệt dày mãi lên.

Mừng kể xong. Lê Hường còn lục vấn thêm nhiều chi tiết khác. Cuối cùng anh ngồi im lặng nhìn Mừng rất lâu. Ánh mắt sắc và sáng lạnh của anh như muốn xuyên suốt qua người em. Ánh nói, mắt không rời gương mặt Mừng:

- Tôi đã gặp không ít những điệp viên nhà nghề, có hạng. Nhưng chú mi mới là tên điệp viên sừng sỏ, tinh quái nhất. Những âm mưu hiểm độc nguy hại cho kháng chiến lại được giấu trong cái vỏ bọc ngây thơ, ngờ nghệch của con nít, thì tôi chưa gặp bao giờ. Tôi cho chú mi hai ngày để suy nghĩ, rồi chú mi phải trả lời thật rõ ràng: "Bọn Pháp giao cho chú mi nhiệm vụ gì trong việc mò lên chiến khu lần này?". Nếu chú mi ngoan cố, nhất định sẽ bị trừng phạt theo đúng kỷ luật của thời chiến.

Thật ra, về sau này, Lê Hường mới biết, ngay cả hai tiếng điệp viên Mừng không rõ nghĩa. Em chỉ đoán lờ mờ rằng đó là một tiếng xấu xa lắm, tương tự như tiếng Việt gian. Nên Mừng chỉ khóc. Và Lê Hường cho rằng đó là những giọt nước mắt giả dối của một điệp viên bẩm sinh, điệp viên thần đồng.

Lê Hường viết lệnh tống giam Mừng. Anh giao Mừng cho một chiến sĩ ở trạm gác tiền tiêu, cầm súng áp giải vào Xê-ca Sáu nơi có trại giam những binh sĩ phạm tội chờ ngày đưa ra toà án quân sự xét xử.

Ba ngày sau, đúng vào buổi sáng Lê Hường sửa soạn vào xê-ca Sáu để lấy khẩu cung Mừng lần thứ hai, bọn Pháp mở trận tấn công quy mô lên chiến khu Hoà Mỹ.

Giặc Pháp đã tính toán khá chính xác và xảo quyệt. Chúng tấn công Hoà Mỹ đúng vào trưa ngày chủ nhật.

Thường thường ngày chủ nhật vùng Tiền chiến khu Hoà Mỹ trở nên đông vui, tấp nập như ngày tết, ngày hội. Bộ đội, cáẩ bộ, công nhân, từ các lớp núi chiến khu, suốt cả tuần sống giữa rừng rậm, kéo ra Tiền chiến khu dạo chơi, ăn quà bánh, sưởi nắng, ngắm trời, ngắm sông.

Các chị ở xưởng bào chế thuốc, y tá, hộ lý, tuy không đông lắm nhưng cũng đủ làm sống động, tươi mát quang cảnh nghiệt ngã của núi rừng kháng chiến. Do có các chị nên cánh đàn ông đều cố gắng ăn mặc lành lặn hơn, chải chuốt hơn ngày thường.

Ngày chủ nhật, nhà Văn hoá đại chúng thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đó là mục hấp dẫn nhất, mà cả tuần làm việc, chiến dấu, mọi người đều háo hức chờ đợi…

Chủ nhật hôm đó chương trình sinh hoạt nhà Văn hoá khá phong phú, đã được thông báo trước đó ba ngày.

1. Chính uỷ trung đoàn Trần Quý Hai kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

2. Bác sĩ Lê Khắc Thiền, Giám đốc bệnh viện chiến khu nóỉ chuyện về bệnh sốt rét, những di hại của nó và cách phòng ngừa bệnh đơn giản.

2. Anh Hồ Vi nhà thơ quen biết của trung doàn, trình bày bài thơ mới nhất của anh: "Gửi người chín lăm" (Tên trung đoàn chủ lực tỉnh Quảng Trị).

4. Đội đồng ca của nhà Văn hoá đại chúng trình diễn bài hát: "Bình Trị Thiên khói lửa". Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

5. Công binh xưởng trình diễn vở kịch ngắn một màn: "Ông già và trái thuỷ lôi".

Bạn đọc khi đọc đến đoạn này chắc không khỏi nghi ngờ, đánh dấu hỏi: Một chương trình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ bình thường làm sao sau hơn ba mươi lăm năm mà tác giả còn nhớ và kể lại khá rành mạch? Hay đó chỉ là chuyện bịa đặt, kiểu hư cấu tiểu thuyết? Người kể chuyện xin thưa: Sự nghi ngờ của bạn đọc hoàn toàn có lý. Nhưng đó là một chương trình sinh hoạt văn hoá văn nghệ gắn liền với một ngày chủ nhật khốc liệt, bi thảm, đầy máu, lửa, xác chết của đồng đội và đồng bào. Do vậy mà nó đã tạc khắc vào trí nhớ của nhiều người chứng kiến, tham dự, với một độ sâu bền mà thời gian không xoá nổi.

Cách đây không lâu, trong một buổi gặp gỡ chuyện trò với đồng chí Trần Quý Hai, lúc này là trung tướng, tôi đã nhắc lại chương trình sinh hoạt nhà Văn hoá đại chúng hôm đó. Với mục đích kiểm tra lại trí nhớ của mình, tôi đã quên mất mục thứ hai của chương trình và đồng chí Trần Quý Hai đã bổ sung: "Anh còn nhớ là sau khi anh lên kể chuyện về cuộc kh i nghĩa Ba Tơ, anh Thiền lên nói về bệnh sốt rét… Và đúng lúc vở kịch "Ông già và trái thuỷ lôi" mở màn thì cả chiến khu vang rền tiếng động cơ máy bay và tiếng súng bắn máy bay".

Trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy, tin tức của các tổ trinh sát bám đich dưới đồng bằng đưa về chiến khu dồn dập: Bọn địch ở các vị trí dọc đường quốc lộ đã tập trung quân và xe pháo rất đông. Một quân đội cơ động ứng chiến từ Quảng Trị kéo vào đóng ở đồn đầu cầu Phò Trạch. Dự đoán của trinh sát: Sáng ngày chủ nhật bọn giặc có thể tấn công chiến khu. Ban chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho các cơ quan và đồng bào ở Tiền chiến khu phải rút hết vào núi trong đêm thứ bảy. Ở Tiền chiến khu chỉ còn lại những đơn vị bộ đội có nhỉệm vụ chiến đấu bảo vệ chiến khu.

Sáng chủ nhật. Cả vùng Tiền chiến khu không còn bóng một con lợn, con gà. Quán xá chỉ còn trơ lại mấy cái bàn tre. Bếp núc lạnh tanh. Những cánh cửa chống lên thông thống như muốn bảo với bọn giặc: "Chúng mày cứ việc mò vào, chẳng có xơ múi gì đâu!".

Mấy chú chồn, chú sóc chắc thấy cảnh vắng lặng khác thường, lấy làm lạ, từ trong các bụi rậm chạy ra đứng nghênh ngang ngay giữa các lối đi. Mắt chúng lơ láo, ngó ngược, ngó xuôi, đuôi xù ra cái phướn múa máy, đùa giỡn.

Tiếng rì rào của dòng sông Ô Lâu, tiếng kẽo kẹt các coọng nước quay nghe như rõ hơn, vang vọng hơn mọi ngày. Sương mù thưa loãng dần. Những tia nắng sớm màu vàng hoa chạc chìu, xuyên thủng lớp sương mù, trải dài trên những bãi chông lồ ô chống quân nhảy dù trên các công sự bố trí súng phòng không, lấp lánh trên các nòng thép mười ba ly hai, mười hai ly bảy trên các giao thông hào lố nhố bóng lính, mũ xanh rờn lá nguỵ trang…

Nắng sớm tắm vàng các tán cây đại thụ dựng cao vút trên sườn núi. Trong những vòm lá rậm chóp cây, thấp thoáng ẩn hiện những thân hình nhỏ bé, thoảng nhìn có thể tưởng lầm là những chú vượn, chú khỉ. Đó chính là cái đài quan sát do các tổ Thiếu niên trinh sát phụ trách.

Cũng giống như sương mù, không khí căng thẳng, hồi hộp, lo âu, phấp phỏng về một trận tấn công quy mô của giặc nghiền nát chiến khu, cứ thưa loãng dần cho đến lúc tan biến hẳn, khi mặt trời càng lên cao. Cả chiến khu tràn ngập màu nắng tuyệt đẹp của một ngày chủ nhật tuyệt đẹp.

Cả chiến khu bắt đầu động đậy, nhấp nhổm, vội vàng, muốn tranh thủ những giờ bị mất oan của một ngày chủ nhật hứa hẹn nhiều sinh hoạt vui chơi hấp dẫn. Có một quy luật mà đứa trẻ lên ba ở vùng giặc chiếm đóng cũng biết là bọn giặc chỉ tấn công càn quét vào lúc rạng sáng, muộn lắm là khoảng tám, chín giờ. Sau đó là coi như an toàn. Nên chẳng cần lệnh báo yên, người trong núi bắt đầu đổ ra Tiền chiến khu. Dẫn đầu là các o, các chú, chủ các quán hàng. Tốp năm, tốp ba gồng gánh, tay xách nách mang, cười nói ầm ĩ, dọc các lối mòn giữa rừng cây thấp chạy men theo bìa núi.

Hai chị quần xắn quá gối, gánh một con heo to tướng, cười nói bô bô:

- Tui biết ngay mà? Các ông cứ đoán già đoán non rứa, chớ tụi Tây động mả động mồ chi mà đi tấn công chiến khu vào ngày chủ nhật? Rứa thì ai đi nhảy đầm, đi nhà thờ cầu Chúa cho tụi hắn?

- Không nhảy đầm, không đi cầu Chúa, tụi hắn tiếc đứt ruột khác chi chị em mình mất buôn, mất bán!

Người từ trong các lớp núi kéo ra Hoà Mỹ mỗi lúc một đông.

Dọc bờ sông, các giao thông hào, các ụ súng phòng không, các chiến sĩ trực chiến cũng bắt đầu nhấp nhổm. Người nhảy lên bờ công sự ngồi, người vấn thuốc hút, người nghếch mặt, mắt hấp háy ngó theo mấy o bào chế, y tá, cười nói yểu điệu kéo về nhà Văn hoá đại chúng. Vừa lúc đó, Lê Thắng - đội trưởng trinh sát đi ngang qua. Bộ áo quần vải sợi đôi rách và bê bết bùn đất, cái mũ nan bọc vải dù bẹp dúm dó cắm mấy cành lá nguỵ trang, mắt thâm quầng vì mất ngủ. Suốt đêm qua, anh đôn đáo suốt dọc chiến khu, kiểm tra lại mạng lưới trinh sát.

Theo sát gót anh là Bồng-da-rắn. Trông em cũng lấm lem mệt mỏi không kém đội trưởng. Mấy chiến sĩ ở đại đội liên pháo đang ngồi trên bờ công sự hút thuốc, nhìn thấy hai anh em, liền nói kháy:

- Ông trùm trinh sát ơi! Tây lên thấu mô rồi để anh em còn chuẩn bị nghênh chiến?

- Tin trinh trinh sát thì có ngày đổ thóc giống mà ăn.

Anh Thắng cứ im lặng bước, nhưng Bồng đốp chát lại ngay:

- Tin lính bắn máy bay thì có ngày ăn bom Tây no bụng! - và Bồng sẵn sàng co giò chạy nếu các anh rượt đuổi.

"Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu.… ". Một giọng hát cao vút bỗng cất lên giữa những vồng sắn cao lút đầu người.

Tất cả chưa kịp cãi lộn nhau cùng quay lại nhìn. Một cô gái khoảng mười chín, hai mươi tuổi, áo quần lành lặn nhưng xộc xệch, đầu đội vành hoa mua, hoa sim, tay cầm một nhành hoa bãi hoãi màu nắng sớm, vừa đi vừa quay nhành hoa, vừa hát. Gương mặt cô xanh xao, cặp mắt mở to, lóe sáng ánh ngây dại.

"Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu". Cô ngoảnh mặt về phía núi xanh, cười lên khanh khách: "Ha ha ha! Núi rừng bao la sầu đẹp quá! Đẹp quá! Ha ha ha…".

Bồng-da-rắn chạy đến bên cô gái, nói giọng dịu dàng, van vỉ:

- Chị Hoài Trinh ơi, chị đi vào núi nghỉ ngơi cho khỏe. Chị hát chi hát hoài rứa, làm em đứt ruột…

- Ha ha ha! Hoàng tử của ta! Hoàng tử của ta! Ta ban cho chàng bông hoa thần làm ra hạnh phúc…! - Chị cầm nhành hoa bãi hoãi quệt quệt hai bên má Bồng, rồi cắm vào túi áo Bồng. Bồng đỏ mặt, quay lại, lầm lũi bỏ đi.

Cô Hoài Trinh ở xưởng bào chế thuốc trước đây được coi là hoa khôi của chiến khu, sốt rét nhiều quá đã phát điên từ mấy tháng nay. Cô cứ đi lang thang khắp chiến khu mà hát như vậy.

Nhà Văn hoá đại chúng đã chật ních người. Anh Hinh tỉnh đội phó, trưởng ban nhà Văn hoá lên tuyên bố buổi sinh hoạt thường kỳ tuy hôm nay bắt đầu hơi muộn nhưng hứa hẹn sẽ rất thú vị, hấp dẫn. Chính uỷ Trần Quý Hai lên kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ với giọng Quảng Ngãi quen thuộc, đậm đà mộc mạc.

Cách nhà Văn hoá đại chúng mấy nương sắn là dãy quán hàng. Lửa bếp quán nào cũng cháy rừng rực. Gió bay mùi xào bò, cháo bánh canh, nước lèo, đến tận đây. Khán giả đang chăm chú nghe bác sĩ Lê Khắc Thiền giảng giải về con muỗi Anôphen. Hiệu Coiffeur de luxe của anh Đỡm kẻ vào người ra tấp nập. Anh Đỡm tay lược, tay tông-đơ ngự trên cái ghế cành cây như Bảo Đại ngự trên ngai vàng, hai cẳng chân xỏ trong bao bố chống ruồi và con bu mắt.

Bên kia đường mụ Táo bán hàng vừa ngắm nguýt đôi câu đối trên cột bương hiệu Coiffeur de luxe.

- Rứa mà cũng đòi đối đáp! Nghe cục súc như đá quăng!

Mười một giờ mười sáu phút.

Trên đài quan sát phíaTây Nam chiến khu do một tổ Thiếu niên trinh sát phụ trách, tiếng kẻng báo động máy bay bỗng dồn dập vang lên. Tiếng kẻng chỉ một loáng đã lan rộng cả Tiền chiến khu. Bầu trời chiến khu vang ầm tiếng động cơ máy bay. Sáu chiếc khu trục thành đội hình chữ V, từ phía sân bay Phú Bài vèo vèo lao đến. Các cỡ đạn đại liên, trọng liên, rạch trời đón chúng. Chỉ mấy phút sau, cả vùng trời Hoà Mỹ chìm ngập trong tiếng bom, tiếng súng.

Tiếng bom, súng vừa lặn được vài phút, thì từ phía biển, mười chiếc máy bay vận tải Đa-cô-ta thành một hàng ngang, lùi lũi bay đến chiếm lĩnh vùng trời chiến khu. Vượt qua khỏi sông Ô Lâu, từ bụng máy bay bung ra hàng trăm chiếc dù trắng, xanh, vàng, đỏ, như những tai nấm độc khổng lồ, ngả nghiêng giữa bầu trời. Chúng lớn dần lớn dần cho đến lúc nhìn rõ những tên giặc đen, trắng đeo lủng lẳng dưới những chiếc dù.

- Tây nhảy dù! Tây nhảy dù!

Tiếng gào thét, hô hoán dậy lên khắp nơi.

Buổi sáng thanh bình của chiến khu Hoà Mỹ đã kết thúc trong lửa và máu, với hàng trăm xác chết của đồng bào, cán bộ, bộ đội bị bom, quân nhảy dù và quân bộ tràn qua sông Ô Lâu, tàn sát man rợ chưa từng thấy. Và những người chứng kiến cảnh tàn sát ấy rõ ràng hơn hết là các em trong đội Thiếu niên trinh sát trên các đài quan sát của chiến khu.

Suốt một tuần, báo chí của địch ở Huế đưa tin dồn dập, rầm rộ về trận đại thắng của quân đội Pháp tại chiến khu Hoà Mỹ.

Với những dòng chữ tít lớn chạy dài trên các trang nhất:

"Chiến khu Hoà Mỹ của Việt minh Thừa Thiên bị dìm trong một biển lửa và khói".

"Dinh luỹ đầu não của Việt minh Thừa Thiên đã bị nghiền nát và xoá sạch khỏi vùng núi Hoà Mỹ".

"Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu, Chính uỷ Trần Quý Hai đã chết trong đám loạn quân".

"Xác chết của binh sĩ trung đoàn 101 lấp kín dòng sông Ô Lâu v.v…"

Hàng ngày, cả chục chiếc ô tô chở đầy những người áo quần rách rưới, hai tay bị trói, cùng với súng đạn, chạy vòng quanh thành phố. Dẫn đầu đoàn ô tô là chiếc xe Jeep trống kèn inh ỏi, loa phóng thanh oang oang thành phố.

"Đây là quân lính Việt minh bị bắt tại chiến khu Hoà Mỹ và một phần rất nhỏ số súng đạn thu được của chúng".

Nhân dân Huế chẳng còn lạ gì, miệng lưỡi láo thiên láo địa của bọn giặc. Nhưng chúng cứ ra rả suốt ngày bên tai như vậy, làm đồng bào không khỏi hoang mang, lo lắng.

Sự thật, sau một tuần đánh phá, bọn giặc cũng chỉ lởn vởn được bên ngoài làng Hoà Mỹ. Mỗi ngày chúng mở cả chục đợt tấn công, có máy bay, đại bác yểm trợ, vẫn không vượt nổi dải rừng cây thấp trước thềm núi chiến khu.

Ban đêm chúng co cụm lại trong các công sự đào đắp vội vàng hai bên bờ sông Ô Lâu. Chúng đặt đại bác trên các đỉnh đồi bên kia sông, bắn suốt ngày đêm vào các lớp núi xanh. Bầu trời chiến khu như cái bể rèn khổng lồ với hàng ngàn thanh sắt nung đỏ nhúng vào nước kêu xèo xèo. Đó là tiếng rít của đạn moóc-chê, đại bác và hàng trăm quả bom lớn nhỏ dội xuống các sườn núi, khe suối.

Đêm, quân ta từ trong núi tổ chức các đợt phản kích đánh vào các toán giặc co cụm dọc bờ sông, mặt khác, tổ chức thu lượm thi hài chiến sĩ, đồng bào bị giặt giết trong hôm chúng nhảy dù, đưa vào núi chôn cất.

Trong số này, có xác chết đã in vào trí nhớ các đội viên thiếu niên trinh sát như sắt nung đỏ. Đó là anh Đỡm thợ cắt tóc anh chết nửa nằm nửa ngồi, bị đạn tiểu liên bắn nát mặt.

Hai cẳng chân đầy mụn lở loét vẫn xỏ trong cái bao tải, một tay anh níu sợi dây da đóng vào cột anh vẫn dùng để liếc dao.

Hình như anh định chạy nhưng bị vướng lùng bùng trong cái bao tải nên ngã xuống. Anh níu sợi dây da gượng đứng dậy thì bọn giặc nhảy dù xông vào bắn chết.

Hoài Trinh cô nhân viên bào chế, điên, bị bọn giặc lột trần truồng, hãm hiếp, rồi dùng lưỡi lê xăm nát mình. Đầu cô vẫn đội cái vòng hoa kết bằng những bông hoa sim, hoa mua.

Trong túi áo của Bồng vẫn còn nguyên nhành hoa chạc chìu cô tặng em trước lúc bị giặc giết chỉ mấy tiếng đồng hồ. Đã một tuần nay rồi, mỗi lần bất chợt ngửi thấy mùi hoa rừng úa héo dâng lên từ ngực áo, hai mắt em trở nên đỏ ngầu, giàn giụa nước mắt.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t74244-tuoi-tho-du-doi-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận