Muốn gì thì muốn, chúng tôi cũng cứ cưới vơ cho anh! – Mọi người xúm vào bảo tôi như vậy.
Tôi giãy nảy lên, làm ra bộ không thích. Nhưng kỳ thực trong tâm tôi không có gì phản đối cả.
Cô này nết na chăm chỉ lắm? – họ tìm cách thuyết phục tôi.
Con gái mà điều trước tiên được khen lại là nết na chăm chỉ, thì ắt là nhan sắc không ra gì rồi! Chắc thế nào cũng phải có khuyết tật gì đó.
- Nết na hay không, tôi cũng không cần lắm. Cốt nhất là làm sao mặt mũi phải dễ coi một tý, để nếu không phải suốt ngày, thì ít ra đôi lúc có thể ngắm được. Tôi rụt rè bảo họ.
- Cô ấy đi với anh thì xứng đôi lắm rồi, – họ nới cốt để tôi yên lòng.
Nhưng chính đó lại là điều tôi sợ nhất…
- Cô ấy là người có học thức. Tiếp xúc với cô ấy nhất định anh sẽ thấy hợp ngay?
Điểm này thì tôi thích. Một cô gái có học thức! Phải nói rằng học thức dù sao cũng là một nét hấp dẫn đấy chứ! Các bạn cứ đọc các mẩu rao vặt kết hôn trên báo thì biết đấy. Từ anh thợ mới học nghề quét vôi cho đến nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, có ai là người không muốn kiếm một cô vợ có học thức đâu nào!.
- Mẹ cô ta là người Đức, còn bố là người Thổ.
- A! Điểm này cũng hay đấy!
Giống vật lại cũng như giống người lai, bao giờ cũng có những phẩm chất tốt lắm nhé! Tôi chợt nhớ đến phu nhân Phôn Xađrextainơ trong truyện ngắn trứ danh của Hôme Xaiphetiin. Đó là một phụ nữ Đức có thân hình rắn rỏi. Sáng nào cũng vậy, ở chợ về, mình mặc bộ quần áo thể thao, tay xách làn, bà vừa đi vừa nện mạnh gót giầy cộp… cộp… cộp… trông rất oai vệ.
- Cô ta nói được cả tiếng Đức, tiếng Pháp lẫn tiếng Ý!
Tôi thầm nghĩ: nếu săn được con chim này thì thật cũng bõ công chờ đợi hơn bốn chục năm giời! Người ta nói thế mà đúng: chỉ có kẻ nào biết nhẫn nhục chờ đợi thì mới đạt được ý nguyện.
Bà mối chính trong chuyện này là madơmmoaden Êleptơra, năm mươi chín tuổi, người gầy đét như con cá mắm.
- Cô này rất xinh, thuộc loại tờré giôni1 đấy! – madơmmoaden Êleptơra nói, – người cao thon thả… trông tơré cuyntivè2, mà lại giòng dõi con nhà quý phái nhé!
- Bà Êleptơra này, – tôi bảo, – thế bà đã nói cho cô ấy biết rằng tôi đã ngoại tứ tuần chưa?
- Nói rồi! Cô ấy bảo đàn ông cứ là phải ngoài cái tầm bốn mươi mới có thể gọi là đàn ông được!
- Thế bà có bảo với cô ấy là vóc người tôi thắp bé không?
- Có. Nhưng cô ấy bảo được cái chắc anh thông minh!
- Nhưng bà đã kể cho cô ấy biết tôi chỉ là một anh làm báo quèn, lương tháng không hơn gì mấy cô thợ đan bít tất, tức là chỉ có năm mươi lia một tuần, mà với điều kiện là phải vừa lòng ông chủ đấy! Bà đã kể cho cô ấy biết điều đó chưa?
- Rồi! Kể hết rồi! Cô ấy có những ba cái nhà cơ! Đồ đạc đủ hết, thẳng thiếu thứ gì?
Nếu vậy thì được. Không có sau lại bảo không nói trước! Đã biết thế rồi mà cứ lao vào, sau này khổ thì đừng có trách! Đúng là cô ả tự dưng muốn chuốc nợ vào thân, mà tôi thì hoàn toàn có khả năng làm cô ta được toại nguyện.
Nói thật ra thì tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến tất cả những chuyện này, nhưng chết nỗi một ông bạn tôi cứ thiết tha muốn tôi lấy vợ.
- Thôi, cưới quách đi cho rồi cậu ạ! Cho đời nó dễ chịu – Anh ta thuyết phục tôi. – Và cũng để bọn tớ khỏi phải lo lắng về cậu nữa! Lo mãi cho cậu, tớ cũng phát ngán lên rồi?
- Sao cậu lại nói thế. – Tôi bảo anh ta. – Cậu tưởng thời buổi bây giờ, một người con gái như thế… Chắc gì cô ta đã chịu lấy một thằng như tôi!
- Thôi đừng có nói vớ vẩn! Đã bao năm nay cậu không được biết hạnh phúc là gì, thì bây giờ hạnh phúc tự nó đến với cậu. Chuyện ấy là thường chứ!
Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng đánh liều gật đầu, mặc cho mọi sự muốn đi đến đâu thì đến.
Theo sắp đặt, người con gái mà số phận đã định cho tôi phải lấy làm vợ, sẽ đi cùng madơmoaden Êleptơra đến sở chúng tôi. Người bạn tôi sẽ phải có mặt ở đó để đón họ.
Ngày hẹn đã tới. Phải người nào đã từng nếm mùi cuộc sống độc thân mới hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào. Từ ngày hôm trước tôi đã phải lấy chiếc áo sơ mi trắng ra giặt, rồi phơi lên ban công cho khô. Nhưng ác một cái là hôm sau trời mưa tầm tã suốt đến tận chiều. Áo rút trên dây xuống mà nước từ hai ống tay vẫn còn tong tỏng. Tôi còn hai cái áo nữa, nhưng một cái thì bẩn quá, cái kia thì nhầu nát. À, thôi được, không sao! Tôi quyết định vắt thật khô… Lấy hồ phết vào cổ và hai ống tay, rồi cắm bàn là cho thật nóng… áo may sẵn cái nào cũng thế, mặt trong cổ bao giờ cũng rộng hơn mặt ngoài, là thế nào cũng không thẳng được! Sau đó tôi mang bộ com lê ra chải xăng. Chải xong đi tìm bít tất và mùi xoa thì không còn cái nào sạch cả! Đang cạo râu thì bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt. Hoá ra tôi để quên bàn là trên quần. Tôi chạy vội đến nhấc ra, nhưng nó đã kịp làm cháy một miếng tướng ở đầu gối. Chà! Cái cảnh sống độc thân đáng nguyền rủa này! Thôi, muốn gì thì muốn, tôi cũng phải lấy cô gái này thôi!
Rút cuộc tôi đành phải mặc cái áo hãy còn ẩm, vác cái bộ mặt xây xước như bộ que tính có khía nấc, hãy còn rớm máu vì cạo vội, mà ra đi.
Muộn mất rồi! Tôi nhảy đại lên một chiếc tắc xi, phóng như bay đến sở. Vừa đến nơi, anh bạn tôi đã nhảy bổ ra, ghé sát tai tôi bảo:
- Cậu chết rấp ở đâu thế? Để người ta chờ đến hơn một tiếng đồng hồ rồi!
- Thế nào?… Trông xài được chứ hả? Anh bạn tôi mặt không còn thần sắc.
- Cứ vào xem thì khắc biết!
Tôi hồi hộp quá! Ngay cả lúc sắp bước vào phòng thi hay thậm chí lúc sắp bị đưa ra toà án tối cao, tôi cũng không thấy hồi hộp như thế… madơmoaden Êleptơra đây rồi! Và trên ghế cạnh bà ta là… chao ôi!… một sinh vật kỳ dị. Nó đưa mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt. Tôi ngoảnh vội sang phía người bạn, nhưng anh ta đã quay mặt vào tường. Thế là hết người cầu cứu.
- Rất hân hạnh được gặp ông!
- Xin lỗi vì đã làm cô phải chờ!
Hai ánh mắt chúng tôi chợt gặp nhau… Trời ơi! Tôi muốn bê lấy cái bàn mà đập vào đầu madơ- moaden Êleptơra một cái! Tôi tuy khù khờ thế, nhưng đâu đến nỗi thế… Cái người đàn bà mà bà ta định giới thiệu làm vợ tôi này chỉ có thể dùng vào một việc thích hợp nhất là đem nhốt vào một cái lều, rồi đứng ngoài cửa mà kêu:
- Vào xem đi, Vào xem đi! Kỳ quan thứ tám của thế giới đây!
- Một quái vật kinh dị chưa từng có đây! Nói đúng hay sai, vào xem đi sẽ rõ!
Thoạt tiên có thể mang y đi trưng bày ở các chợ phiên hay các đám hội, sau đó mang đi biểu diễn ở các tỉnh, rồi dẫn đi khắp vùng Anatôli. Rồi can đảm nữa thì làm một vòng quanh châu Âu, châu Mỹ, cho các nước người ta biết hệ động vật của nước ta còn có thêm loại gì.
Chúng tôi bắt tay nhau.
- Cô có được khoẻ không ạ?
- Mécxì! Còn ông?
Đột nhiên madơmoaden Êleptơra to giọng hỏi tôi:
- Ông thấy cô ta thế nào?
- Bà Êleptơra ạ, bà có nghe nói ở Xtămbun người ta mới mở một vườn bách thú không? – Tôi bảo.
- Không? – Bà mối buông một tiếng cộc lốc.
Người con gái mà bà ta muốn sẽ làm tôi sung sướng, trông chả khác gì một con ngựa thồ nòi Hung-gia-lợi mà trước kia trong pháo binh người ta vẫn dùng để kéo những cỗ pháo nặng. Khi duyệt binh thì nó sùi cả bọt mép ra. Nói của đáng tội, giống ngựa thồ dù sao cũng còn có ưu điểm là nó biết im lặng. Chứ đằng này vị hôn thê của tôi không lúc nào ngơi mồm. Y nói tiến thoắng át hết cả chúng tôi. Những câu y nói không ai hiểu gì cả, vì cái miệng y, giống như kim địa bàn, lúc nào cũng muốn bật lên phía trên. Tuy vậy, để câu chuyện khỏi bị đứt quãng, thỉnh thoảng tôi lại phải lịch sự đáp lại những câu y hỏi, mặc dù thực tình tôi không sao hiểu nổi y muốn hỏi gì. Nhưng bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có lối thoát của nó. Nên tôi cứ nhìn mắt y mà trả lời ”Vâng” hoặc ”Không”. Vì nhìn mắt bao giờ người ta cũng đoán được phần nào ý nghĩ. Nhưng đôi mí to mọng úp xụp trên mắt y trông thật dễ sợ. Y nhìn chúng tôi một cách lấm lét, như anh chủ hiệu tạp hóa giấu hàng lậu trong quầy bán trộm vào những hôm chủ nhật.
Nói tóm lại, đấng Tạo hóa chí tôn khi nặn ra kẻ tội đồ đáng thương này đã tỏ ra vô cùng sành sỏi về các kỳ hình quái dạng! Thánh Ala muốn gì, là đều ấy được thực hiện.
Người ta bảo y biết bốn thứ tiếng. Chao ôi! Lời đồn sao quá điêu ngoa! Có một hồi, đứng bán ở quầy y cũng bập bẹ được dăm ba câu tiếng Pháp. Nhưng sau ít khách, người ta không mướn y nữa. Người ta bảo mẹ y là người Đức. Cả chuyện này cũng đã sai lạc ít nhiều. Không phải mẹ y, mà là bà hàng xóm ở cạnh nhà y cách đây mươi năm, là người Đức. Rồi, hẳn các bạn còn nhớ, người ta bảo y có ba căn nhà. Té ra không phải ba căn nhà, mà là một căn nhà có ba buồng. Mà bây giờ cũng đã bị cầm rồi. Ấy là chưa kể cả tám anh chị em y cùng chui rúc vào đó…
Madơmoaden Êleptơra hỏi lại tôi một lần nữa:
- Thế nào? Anh có ưng cô ta không? Bằng lòng nhé?
Nếu vì lịch sự tôi bảo bằng làng, thì sẽ hết đường rút lui. Người ta sẽ thít lấy cổ tôi mà bắt làm lễ cưới ngay. Vì thế tôi cứ ậm à, ậm ừ.
- Bà biết đấy… về những vấn đề như thế này thì… Có phải thế không ạ?… Trước hết người đàn ông phải… đúng không ạ? Người phụ nữ trong chuyện này thì… Vâ…â…ng! Còn về phần tôi… nhất định là tôi sẽ thưa chuyện với bà sau…
Tôi liếc nhìn người con gái đáng thương: đôi mắt cô ta dán chặt vào môi tôi. Không khí bỗng trở nên nặng nề…
- Trời hôm nay đẹp quá!
Tôi vội chộp ngay lấy lời cô ta như vớ được cọc.
- Vâng thưa cô, trời hôm nay thật là tuyệt! Năm nay…
Gì chứ đề cập đến chuyện thời tiết thì tôi có thể nói cả tuần liền không nghỉ!
Nhưng bỗng tôi cảm thấy có một cái gì đau nhói ở trong lòng. Các bạn cứ nghĩ xem: người con gái xấu xí ấy muốn lấy chồng, mà tôi lại là niềm hy vọng cuối cùng của cô ta… Nói ra sợ các bạn không tin, chứ quả thật lúc ấy mắt tôi bỗng rớm lệ. Nhưng tôi phải vội vàng quệt ngay nước mắt, vì sợ cô ta lại tưởng đó là dấu hiệu của bệnh già.
”Mi hãy cưới người đàn bà này làm vợ đi! – tôi tự nhủ thầm như vậy, – dù sao đây cũng không phải là hành động điên rồ đầu tiên của mi cơ mà! Hãy lấy cô ta đi, rồi hãy cứ là một thằng ngốc như từ trước đến nay mi vẫn là như thế. Hãy tự hy sinh thêm một lần nữa để cứu lấy người đàn bà khốn nạn này!”.
- Năm nay thời tiết không giống như năm ngoái…
- Vâng, đúng ạ!
Tôi nhìn người đàn bà: Chẳng giấu gì các bạn, trong lúc nhìn như thế, tôi tự hỏi: Không biết sau khi cưới nhau, người ta còn phải làm gì nữa? Gì chứ, việc tôi phải hôn y là cái chắc rồi! Với những ý nghĩ hết sức thiện chí ấy, tôi bắt đầu quan sát kỹ khuôn mặt y, cố tìm xem có chỗ nào khả dĩ có thể đặt môi vào được. Nhưng… hỡi ôi!… Không một minimét vuông nào trên mặt y là không có nốt sần hay mụn trứng cá. Vẫn với một động cơ đầy thiện chí như thế, tôi lại quan sát các chỗ trên đôi cánh tay và mái tóc của y. Nhưng than ôi, cũng chẳng thấy một khu vực nào nhẵn nhụi.
“Đó chẳng qua là do tâm hồn mi quá thơ mộng và óc tưởng tượng của mi quá phong phú đấy thôi! – Tôi tự bảo mình như vậy. Mi cứ hãy nhìn khuôn mặt này rồi lại tưởng ra khuôn mặt khác!”
Rút cuộc là buổi gặp mặt hôm ấy chúng tôi cứ loanh quanh suốt hai tiếng đồng hồ về chuyện thời tiết Khi madơmoaden Êleptơra và y đứng dậy ra về, tôi còn để ý thấy chân trái của y ngắn hơn chân phải đến năm sáu đốt. Nhưng bây giờ thì cái tật thọt của y chỉ khiến tôi càng thêm thương y mà thôi!
Khi cánh cửa vừa đóng lại sau lưng các vị khách, bạn tôi hỏi:
- Cậu thấy cô ta thế nào?
- Tôi sẽ cưới người con gái này. – Tôi đáp.
- Cậu điên à!… – Anh bạn tôi quát lên.
- Tôi không thể tìm được người đàn bà nào khá hơn thế đâu! Nhất định tôi sẽ cưới cô ta!
Buổi tối, madơmoaden Êleptơra đến nhà tôi.
- Tôi bằng lòng cưới đấy! – Tôi bảo bà ta.
- Cưới ai? – Bà ta hỏi.
- Còn ai nữa! Người con gái mà bà dẫn đến ấy!
- Ồ rất tiếc là không xong rồi!… Cô ấy lại chê anh!!!