-Nào, làm chút cô-nhắc, bác sỹ!
-Sẵn sàng.
Viên bác sỹ hải quân già giơ cái ly nhỏ của mình ra, nhìn ngắm chất nước sóng sánh vàng trào lên tận miệng.
Rồi ông nâng nó lên ngang mắt, cho ánh đèn rọi vào. Ngửi ngửi, hít lấy mấy giọt rồi lưu lại rất lâu trên lưỡi và trong vòm miệng ẩm ướt và rất sành, rồi nói:
-Chà, món uống tuyệt diệu! Hay nói cho phải, tên giết người có sức quyến rũ, gã phá hủy các dân tộc! Các bạn ấy mà, các bạn chưa biết nó đâu. Quả các bạn đã đọc cuốn sách đáng phục, gọi là “Quán rượu tồi”, nhưng các bạn chưa như tôi thấy rõ rượu đã hủy diệt một bộ tộc hoang dã, một vương quốc nhỏ của người da đen, chất rượu mà các thủy thủ người Anh râu đỏ hoe điềm nhiên nhập cảng hàng thùng, hàng thùng những cái thùng nhỏ trơn trình.
Xin chú ý, tôi đã chứng kiến tận mắt một thảm kịch rượu kỳ dị và đau lòng xảy ra rất gần đây, ở Brơ-ta-nhơ, trong một làng nhỏ ở ngoại vi Pông-l’ Abê.
Dạo đó, nhân được nghỉ một năm, tôi ở trong một ngôi nhà thôn dã được cha tôi để lại cho. Các bạn đã biết vùng bờ biển bằng phẳng ấy đấy, nơ ngày đêm gió rú rít trong các hàng cây kim tước, nơi từng quãng từng quãng có thể thấy những tảng đá khổng lồ đứng hay nằm, đấy là các vị thần lộ rõ sự lo âu trong hình hài, trong vẻ nằm dáng đứng. Tôi luôn luôn có cảm giác các vị sắp động đậy, sắp nặng nề và chậm rãi bước đi trên bãi biển những bước dài của các ông đá hoa khổng lồ, sắp cất bay lên bằng những đôi cánh mênh mông, những đôi cánh bằng đá, về thiên đường Đruy-đờ. Biển cả đóng và thống trị chân trời, biển luôn rung động, đầy đá ngầm đầu đen, luôn có bọt sóng bám xung quanh, cứ như một đàn chó đợi chờ dân đi biển. Còn con người, họ tỏa ra trên mặt biển khủng khiếp ấy, nó rung hất cái lưng xanh xanh để lật thuyền của họ và nuốt chửng họ như uống thuốc. Họ ra khơi trong những con tàu nhỏ của họ, suốt ngày lênh đênh trên biển, táo bạo, lo lắng và say. Say ư? Họ say luôn luôn mà! Họ thường bảo: “Chai rượu mà đầy, ta thấy đá ngầm. Chai rỗng không, chẳng thấy nữa đâu”.
Xin bước vào những ngôi nhà tranh ấy. Không bao giờ các bạn thấy người bố. Nếu bạn hỏi nữ chủ nhà rằng chồng bà đi đâu, bà sẽ giơ tay chỉ mặt biển ảm đạm đang càu nhàu và khạc vào khắp bờ cơ man nước miếng trắng xóa. Ông ta đã nằm lại mãi trong đó nhân một đêm quá chén. Người con trai đầu cũng vậy. Hiện bà còn bốn cậu nữa, bốn chàng trai hoe vàng to cao lực lưỡng, cũng sắp đến lượt chúng rồi.
Vâng, tôi ngụ trong một căn nhà thôn quê gần Pông-l’ Abê. Tôi ở đấy, một mình với người hầu trai là cựu thủy thủ, và một gia đình Brơ-ta-nhơ trông nom nhà cửa cho tôi khi tôi vắng mặt. Gia đình này có ba người, hai chị em gái và một người đàn ông lấy một trong hai cô và làm vườn cho tôi.
Khoảng lễ Nô-en năm ấy, vợ tay làm vườn sinh một thằng cu. Anh chồng đến xin tôi làm cha đỡ đầu. Tôi thật khó từ chối. Và anh ta vay tôi mười frăng, nói là trả lệ phí nàh thờ. Buổi lễ được ấn định vào mồng hai tháng giêng. Tám ngày rồi, tuyết phủ khắp nơi thành một tấm thảm cứng trắng nhờ như trải rộng đến vô bờ trên xứ sở thấp tè và bằng phẳng này. Biển như đen nhánh mãi xa sau cánh đồng tuyết trắng. Người ta thấy biển lồng lộn, chồm lên, cuộn dâng muôn vàn lớp sóng, như thể nó muốn nhảy xổ vào cái biển trắng xanh bên cạnh như đã chết rồi, vô cùng lạnh lẽo, buồn bã và câm lặng.
Chín giờ sáng, ông bố mới Kê-răng-đếch đến trước cửa nhà tôi với cô em vợ Keec-ma-găng cao ngỏng và cô bảo mẫu bế đứa trẻ sơ sinh quấn trong một tấm chăn. Tất cả chúng tôi đi đến nhà thờ. Trời lạnh lắm, lạnh đến toác đá, nứt thịt nẻ da. Tôi băn khoăn về đứa trẻ sơ sinh người ta đang bế phía trước, và tôi tự nhủ rằng giống người xứ Brơ-ta-nhơ này quả thật như đúc bằng thép, có vậy, con cái họ vừa lọt lòng mới có thể chịu đựng nổi những cuộc đi như thế này.
Chúng tôi đến trước nhà thờ, nhưng cửa đóng còn linh mục đến muộn. Ngồi xuống một cái trụ thấp gần ngưỡng cửa, cô đầy tớ trông nom đứa trẻ bắt đầu cởi quần áo và tã lót của cháu ra. Lúc đầu tôi tưởng cháu tè ướt quần áo và tã lót. Nhưng tôi thấy rõ cô hầu cởi hết, cởi hết, để cháu hoàn toàn trần truồng trong không khí giá lạnh, cậu bé đáng thương! Tôi tiến đến, sôi sục, nói liều:
-Cô điên rồi sao? Cô sắp giết đứa nhỏ!
Cô gái điềm tĩnh trả lời:
-Ồ không, thưa ông chủ, cháu phải chờ đón Chúa trong thân thể hoàn toàn lõa lồ!
Bố và dì cháu nhìn cháu với vẻ hết sức sung sướng. Đó là tục lệ. Nếu người nàh không theo, cháu bé sẽ khổ.
Tôi nổi khùng, tôi chửi đổng, tôi dọa bỏ đi, tôi muốn dùng vũ lực để đắp điếm cho sinh linh yếu ớt. Nhưng chẳng ăn thua. Cô trông trẻ vùng căng ngay trước mặt tôi, chạy băm băm trên tuyết, cả người em bé tím tái đi. Tôi toan rời những kẻ nhẫn tâm ấy thì thấy linh mục đang đi đến trên đồng, theo sau là người giữ đồ thờ và một thằng nhóc trong vùng. Tôi chạy đến và hùng hổ trình bày với linh mục sự phẫn nộ của mình. Ông không hề ngạc nhiên, cũng chẳng hề rảo bước, cử chỉ vẫn đĩnh đạc, chậm rãi. Ông đáp:
-Ông muốn sao cơ? Thành lệ rồi! Ai cũng làm thế. Chúng tôi không ngăn được.
-Ít ra ông cũng mau lên với! – tôi thét.
Linh mục dấm dẳn:
-Nào tôi có bước nhanh hơn nổi!
Ông ta vào kho đồ thờ, còn tất cả chúng tôi đứng đờ ra trên ngưỡng cửa, riêng tôi càng khổ tâm vì em nhỏ đang gào lên trong giá lạnh thấu xương.
Sau cùng cửa nhà thờ mở ra. Chúng tôi đi vào. Đứa bá sơ sinh vẫn phải ở truồng suốt buổi lễ. Buổi lễ kéo dài lê thê. Linh mục ấp úng buông ra những âm Latinh, dằn giọng từng âm một, nghe chẳng hiểu ra sao nữa. Ông ta lê từng bước, chậm còn hơn rùa thần. Chiếc áo lễ khoác ngoài trắng toát của ông ta cứa vào tim tôi, ông ta nom tựa một núi tuyết khác nhân danh một Chúa trời dã man và cay nghiệt đầy đọa thêm sinh linh bé bỏng vốn đang bị cái lạnh kinh khủng đày đọa tàn ác.
Rồi lễ rửa tội cũng kết thúc theo phong tục. Tôi thấy cô bảo mẫu lại quấn tấm chăn dài cho đứa bé lạnh cóng đang rên rỉ bằng một giọng chói tai đầy đau khổ. Linh mục bảo tôi:
-Ông lại ký vào sổ cho chứ?
Tôi quay lại anh thợ vườn:
-Giờ về mau lên và sưởi ấm ngay đứa bé cho tôi.
Tôi dặn anh ta mấy điều để nếu còn kịp thì tránh cho cháu bé bệnh sung huyết phổi. Anh làm vườn hứa y lời rồi cùng em vợ và cô trông trẻ bỏ đi. Tôi theo linh mục vào kho đồ thờ. Khi tôi ký, ông ta đòi năm frăng lệ phí. Vì đã đưa mười frăng cho bố em bé, tôi từ chối trả thêm. Linh mục dọa xé bỏ tờ giấy đã ghi và hủy bỏ buổi lễ. Tôi cũng lấy tư cách một Chưởng lý của nhà nước Cộng hòa dọa lại ông ta.
Cãi vã chán, tôi đành nhượng bộ.
Vừa về đến nhà, tôi đã muốn biết không có gì đáng bực xảy ra. Toi vọt đến chỗ ở của Kê-răng-đếch, nhưng bố em nhỏ, dì em và cô hầu đều chưa về. Sản phụ trở trọi trên giường đang run bần bật vì lạnh. Cô đói lắm, vì từ hôm qua đến giờ đã ăn gì đâu.
-Quỷ quái, họ đi đâu nhỉ? – tôi hỏi.
Sản phụ không sửng sốt, không bực tức:
-Chắc là đang uống rượu ăn mừng.
Lệ mà! Tức thì tôi nhớ đến mười frăng của tôi, mười frăng nói là để trả lệ phí nhà thờ, nhưng chắc chắn đã đem nướng cho con ma men. Tôi sai đem nước cháo cho người mẹ và đốt to lò sưởi trong phòng chị lên. Tôi vừa lo lắng vừa tức tối, khăng khăng tự nhủ sẽ tống cổ bọn người độc ác ấy đi, sợ hãi tự hỏi không hiểu đứa trẻ sơ sinh tội nghiệp giờ ra sao rồi.
Sáu giờ tối, họ vẫn chưa dẫn xác về. Tôi sai đầy tớ của tôi thức đợi, rồi đi nằm. Tôi thiếp đi ngay, vì vốn dễ ngủ và ngủ ngon như một thủy thủ thực sự. Trời vừa rạng, tôi đã bị đánh thức bởi gã đầy tớ đem nước nóng vào cho tôi cạo râu. Vừa mở mắt ra, tôi đã hỏi:
-Còn Kê-răng-đếch?
Gã do dự rồi ấp úng trả lời:
-Ồ thưa ông chủ, quá nửa đêm anh ấy mới về, say khướt đến không bước nổi, cô Keec-ma-găng thân sào cũng vậy, cô bảo mẫu cũng vậy! Con tin họ đã ngủ trong một cái hố, cho nên đứa nhỏ chết mà chẳng hay biết gì!
Tôi bật chồm dậy, la lớn:
-Em bé chết rồi?
-Thưa ông, vâng. Họ đã mang nó về cho mẹ Kê-răng-đếch. Thấy thế người mẹ khóc. Họ liền đổ rượu cho chị uống để chị khuây đi.
-Sao, chúng bắt sản phụ uống rượu à?
-Thưa ông chủ, vâng ạ. Nhưng chuyện này, sáng nay con mới rõ, cũng vừa lúc nãy thôi. Kê-răng-đếch không có rượu mà cũng chẳng có tiền, họ bèn lấy et-xăng thắp đèn mà ông chủ cho, cả bốn uống hết chỗ còn lại trong chai. Chị Kê-răng-đếch đang ốm cũng phải uống ạ!
Tôi tức tốc mặc quần áo, với lấy một cây gậy, chạy đến nhà Kê-răng-đếch, nhất quyết nện cho bọn thú mang mặt người ấy một trận. Sản phụ say xăng đang hấp hối bên cái xác tím ngắt của ocn mình. Kê-răng-đếch, cô trông trẻ và cô Keec-ma-găng cao ngỏng nằm ngáy ran trên đất.
Tôi phải chăm sóc người mẹ trẻ qua đời khoảng giữa trưa.
Viên bác sỹ già nín bặt. Ông cầm chai rượu mạnh, rót một ly nữa, và lại soi ly lên đèn cho ánh đèn tràn qua chất rượu vàng hoe, tưởng như đèn đang đổ vào ly một thức uống màu hoàng ngọc chói lọi, ông tu một hơi cạn sạch thứ chất lỏng phản trắc và nóng bỏng.