Vương Y Nguyệt thản nhiên đáp:
- Thiên hạ ai cũng thừa nhận nhan sắc hai mẹ chồng của ta hơn Hắc Quan Âm bà nhiều lắm!
Hắc Quan Âm hừ nhạt:
- Ăn nói hàm hồ, ta chưa nghe chuyện đó bao giờ!
Vương Y Nguyệt cười khanh khách:
- Mẹ chồng lớn của ta hiệu Nhị Ác Thánh, mẹ chồng nhỏ của ta hiệu Tam Thánh Hậu! Bà có nghe đời này những người được tôn làm thánh làm hậu có nhan sắc tầm thường hay không? Riêng bản thân quan âm vừa đẹp vừa nhơn từ, tuy nhiên, bà lại là Hắc Quan Âm chẳng phải ám chỉ lòng dạ u tối, tâm địa bất nhơn đó ư? Ta chỉ cần nhìn bà lúc nào cũng khư khư dùng nón lớn che mặt thì biết nhan sắc của bà tệ đến đâu! Hai mẹ chồng ta đi lại đều đường hoàng chẳng cần che che giấu giấu điều gì! Riêng điểm này bà còn thua xa lắm!
Vương Y Nguyệt vịn vào tước hiệu giang hồ một lời nâng hai mẹ chồng thì mười lời đạp Hắc Quan Âm xuống tận đáy. Hắc Quan Âm muốn cải chính cũng chẳng đủ miệng bèn nhè hướng Vương Y Nguyệt phát một chưởng. Vương Y Nguyệt có gan chọc giận thì có bụng phòng hờ. Nàng khảy liền mấy điệu tỳ bà. Những tiếng đinh đang vang lên xô bạt chưởng lực của Hắc Quan Âm qua một phía. Chưởng đi đổi hướng nhưng uy lực đã ép Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đến nín thở tưởng chừng lồng ngực bị bóp nghẹt. Văn Viễn thất kinh hồn vía lẩm bẩm:
- Cứ để nàng tiểu thư đáo để này bày trò thì sớm muộn cũng khiến Hắc Quan Âm nổi điên! Ta phải mau mau nghĩ cách!
Vương Y Nguyệt thấy kình lực dữ dội trong bụng sợ chẳng kém Văn Viễn. Tuy nhiên, nàng ta vẫn làm cứng cười khanh khách:
- Đến võ công bà còn thua xa lắm! Hai mẹ chồng ta chỉ cần nhấc tay một cái ta đã té bịch tại chổ ngoan ngoãn chịu trận! Xem ra không chỉ nhan sắc bà thua kém, đến bản lãnh bà còn thua đến mấy bậc! Thảo nào năm xưa dầu bà hết lời nài nỉ ỉ ôi, cha chồng ta vẫn không thèm đoái hoài!
Lời này thật sự chạm vào nỗi đau của Hắc Quan Âm, nổi oán hận âm ỉ mấy mươi năm dài lại cháy bừng như lửa đỏ. Hắc Quan Âm nghiến răng ken két:
- Hay cho đứa con dâu của hai mụ già chuyên phá hoại chuyện tốt người khác! Ta hôm nay đánh chết ngươi trước rồi đến Bạch gia trang tính sổ hai mẹ chồng ngươi sau!
Tam Ác Thánh đứng từ xa ngó thấy, mỗi người đều có tâm tư khác nhau. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng nghe Vương Y Nguyệt đáo để liền ngán ngẩm:
- Cuối cùng con trai khờ khạo của ta được bản mệnh đào hoa nào chiếu lại rước toàn các nàng chẳng chịu vừa ai! Xem chừng đoạn đời sau của nó còn khổ sở nhiều!
Riêng Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn thì hớn hở ra mặt. Hai bà ghen tức với Hắc Quan Âm cực độ nhưng Phùng Bất Nghiêng đã nghiêm giọng quở trách khiến cả hai chẳng biết trút hết nổi niềm vào đâu. Giờ Vương Y Nguyệt thay hai bà trút giận lại còn miệng năm miệng mười ca ngợi, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn mát ruột vô cùng. Hai bà liếc nhìn nhau gật gù:
- Thằng con khờ chúng ta thật có mắt chọn! Nàng dâu nào cũng có đảm lược còn hiếu kính với mẹ chồng!
Hai bà hả dạ bao nhiêu thì Hắc Quan Âm tức giận bấy nhiêu. Hắc Quan Âm không dại dột mở miệng nói thêm để khỏi bị Vương Y Nguyệt thêm cớ mai mỉa. Bà ta chỉ muốn nhảy đến bẻ cổ Vương Y Nguyệt cho hả giận. Tuy nhiên, Hắc Quan Âm tự nghĩ thân phận trưởng bối có bẻ chết cô bé như Vương Y Nguyệt cũng chẳng hay ho gì. Hắc Quan Âm thừa biết Văn Viễn khả dĩ có chút công lực múa may vài đường, Vương Y Nguyệt ngoài cầm nghệ thì chẳng có tí bản lãnh nào đáng kể. Hắc Quan Âm định bụng làm cho Vương Y Nguyệt khiếp sợ một phen sau đó mới ung dung lấy mạng. Bà ta không tin không đe dọa được Vương Y Nguyệt.
Vương Y Nguyệt có gan ăn xôi thì có bụng chờ chịu đấm. Nàng trêu gan Hắc Quan Âm nhưng thấy bà ta vẫn đứng bất động liền phòng bị. Văn Viễn rõ ràng không phải đối thủ xứng tầm với Hắc Quan Âm, chưa kể đến đại tiểu thư đã cao hơn Văn Viễn một bậc, cho nên, Vương Y Nguyệt đành phải nhờ vào cầm nghệ để vãn hồi. Nàng chỉ chờ Hắc Quan Âm ra tay sẽ lập tức dùng tiếng đàn khống chế cục diện. Vương Y Nguyệt ôm chặt cây đàn tỳ bà chờ đợi. Hắc Quan Âm cứ đủng đỉnh không động tĩnh gì. Dưới chân đỉnh Lạc Nhạn trở về không gian tĩnh lặng vốn có, tĩnh lặng đến đáng sợ. Lúc này, người dưới chân núi có thể nghe được tiếng gió đang gào rít the thé trên đỉnh.
Sở dĩ đỉnh núi có tên Lạc Nhạn hòng ám chỉ gió lớn hay thổi tại nơi này, gió lớn thổi mạnh đến nổi xô dạt cánh chim nhạn di trú. Thật ra người xưa đặt tên đã có phần thi vị, thứ nhất là chim nhạn có di trú cũng không bay qua nơi này, thứ hai dẫu có bay qua thì chúng cũng khó lòng bay được cao đến vậy. Từ chân núi lên tới đỉnh Lạc Nhạn đã hơn tám mươi dặm, nhưng từ chân đỉnh Lạc Nhạn lên đến tận cùng lại cao gấp năm lần số chiều dài trên. Khó lòng có loài chim di trú nào chịu bay ở độ cao đến vậy. Đỉnh núi Lạc Nhạn vừa cao lại trống trải nên quanh năm đều nghe rõ tiếng gió gầm rú giữa tầng không. Lúc này dưới chân đỉnh Lạc Nhạn, không khí im ắng quá độ thỉnh thoảng nghe rõ tiếng gió rít u u ngắt quãng vọng xuống.
Bỗng nhiên một tiếng thét đau đớn xé toạc không gian vắng lặng. Văn Viễn sợ hãi quá độ té bịch xuống tại chổ. Vương Y Nguyệt nửa kinh đảm, nửa giật mình, hay tay cứ ôm chặt lấy cây đàn tỳ bà quên cả phòng bị. Ví như Hắc Quan Âm ra tay bây giờ thì dễ dàng biết chừng nào. Tuy nhiên, bà ta cốt dọa dẫm Văn Viễn và Vương Y Nguyệt nên chẳng thèm chiếm lợi. Bà ta cứ thong thả đưa bàn tay trái ra trước mặt cả hai. Trên lòng bàn tay bà ta đang có trái tim còn đỏ máu tươi đập thoi thóp từng nhịp. Đó là tim của lão cung chủ.
Hắc Quan Âm cách không đánh một chưởng xuyên lồng ngực lão cung chủ rồi thuận thế móc lấy trái tim đưa ra bên ngoài. Tính từ lúc bà ta động thủ đến khi Văn Viễn và Vương Y Nguyệt ngó thấy trái tim lão cung chủ trên tay bà ta không quá một cái nháy mắt. Chính lão cung chủ thét lớn đau đớn nhưng vẫn chưa hiểu chuyện gì. Lão kịp nhìn thấy trái tim của mình nằm thoi thóp trên tay Hắc Quan Âm mới sửng sờ mà chết. Đòn dọa nạt này của Hắc Quan Âm quả thật có tác dụng, không kể Văn Viễn và Vương Y Nguyệt đang ở đương trường sợ đến tiêu tán hồn vía, Đại Sỹ cùng Cao Bạch Vân đứng ở xa nhìn thấy cũng xây xẩm mặt mày sợ hãi. Hắc Quan Âm nhìn điệu bộ loạn hồn của Vương Y Nguyệt thì cười khanh khách:
- Bé con ngươi cũng không gan dạ như ta tưởng!
Lời vừa dứt thì Hắc Quan Âm đã đứng trước mặt Vương Y Nguyệt. Nàng ta hoảng hồn chưa kịp chạm tay lên đàn tỳ bà thì tay trái của Hắc Quan Âm đã trờ tới ngay trước mặt. Khoản cách gần, Hắc Quan Âm ra tay thần tốc. Vương Y Nguyệt tưởng rằng phen này đã chết chắc nên cố ngoái đầu ra sau lưng toan nhìn được mặt Văn Viễn lần cuối. Ngay lúc đó, sau lưng Vương Y Nguyệt đã lạnh toát tựa như đang dựa vào khối băng lớn. Văn Viễn thấy nàng lâm nguy nên vận hết hàn nhiệt phát liền hai chưởng. Một chưởng, ông tống thẳng vào lòng tay trái Hắc Quan Âm định lấy mạng Vương Y Nguyệt, chưởng còn lại đánh thẳng vào tâm mi bà ta.
Thỏ bị dồn đến chân tường sức phản kháng đến hổ sói đều sợ. Mặc dù cộng hai Văn Viễn cũng chưa đủ khả năng đối chưởng với Hắc Quan Âm nhưng một là Văn Viễn dốc hết sức bình sanh, hai là Hắc Quan Âm không ngờ ông còn đủ tỉnh táo ra đòn. Bà ta tự động thu lại tay trái hóa giải cả hai chưởng đánh tới của Văn Viễn. Văn Viễn không chần chừ nhảy vọt tới phía trước che chắn cho Vương Y Nguyệt. Ông dùng một lúc cả hai loại võ công để phủ đầu Hắc Quan Âm. Tay trái Văn Viễn hóa thành trảo, chính là trảo pháp đắc ý của Tam Thánh Hậu Phùng Nghi Văn. Tay phải Văn Viễn lại xòe thành chưởng theo lối Hắc Ấn Thủ. Ông không dám đánh trực diện nên dùng Du Ảnh Biến đảo người quanh Hắc Quan Âm để tấn công. Đòn thế của Văn Viễn tuy uy lực không đủ nhưng liên kết chặt chẽ đan thành nhiều lớp. Hắc Quan Âm hóa giải không khó, chỉ khó ở chổ vừa giải xong Hắc Ấn Thủ thì trảo đã chộp tới, vừa hóa giải được trảo thì lại thấy bóng dáng chưởng Hắc Ấn xô vào. Cá lớn đến đâu cũng khó bề nhất thời thoát được vô vàng lưới nhỏ chụp xuống. Thành ra, Hắc Quan Âm tự nhiên bị Văn Viễn xoay đến chóng mặt.
Vương Y Nguyệt sau phen kinh hãi cũng hoàn hồn. Nàng vội vàng so dây đánh một loạt đàn để trợ giúp Văn Viễn. Tuy nhiên, đại tiểu thư liền lạng người đến công kích. Đại tiểu thư vốn muốn xé xác Vương Y Nguyệt đã lâu, này được dịp, nàng ta dễ dầu gì bỏ qua. Kết cuộc, Văn Viễn và Vương Y Nguyệt chia ra giao đấu với hai mẹ con Hắc Quan Âm.
Văn Viễn hiển nhiên không thể giúp Vương Y Nguyệt chống chọi đại tiểu thư. Bản thân ông cũng còn chưa chắc có thể cầm chân được Hắc Quan Âm bao lâu nên cứ đành nhắm mắt cầu trời khẩn phật. Riêng Vương Y Nguyệt thì ngược lại. Nàng chẳng những có thể đương đầu với đại tiểu thư, thỉnh thoảng còn dùng tiếng tỳ bà vây hãm Hắc Quan Âm.
Từ sau phen thoát khỏi bàn tay của Sa tiểu thư, Vương Y Nguyệt đã bỏ luôn lốt Cầm Điệp Cuồng Sinh mà ẩn thân nghiên cứu cầm nghệ. Nàng trước đây nếu không có đàn ngọc bên cạnh thì thành ra vô dụng, bao nhiêu tuyệt kỹ giết người bằng tiếng đàn đều xem như bỏ đi. Hơn nữa dầu có đàn ngọc, nếu đối phương là cao thủ thượng thừa ép đấu nội lực, Vương Y Nguyệt cũng chẳng có bao nhiêu cơ may thắng được. Vương Y Nguyệt nghiệm ra lợi hại của Vô Lượng Phổ, nàng theo đó bắt đầu luyện lại cầm phổ giết người của Diệu Thủ Cầm Ma. Nàng ngày trước sợ hãi nhất là tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh và công phu Sư Tử Hống. Cho nên việc đầu tiên, Vương Y Nguyệt nghiền ngẫm ra cách khắc chế hai môn nội công này. Vương Y Nguyệt bản chất cao ngạo nhưng cơ trí nhanh nhạy. Chính lúc Văn Viễn cõng Lạc Tín Phủ cùng Đinh Thụy Vũ chạy đến đồi hoa đào vừa kịp khi nàng ta đã tìm ra phương cách. Văn Viễn chạy trốn đến nơi Vương Y Nguyệt ẩn mình vô tình mang theo hai lão Song Đại Đường Chủ. Vừa đúng dịp Vương Y Nguyệt đang cần người thử nghiệm.
Căn bản, công phu Loạn Tiếu Mệnh hay Sư Tử Hống đều tương đồng nhau. Kẻ dùng phải vận nội công truyền vào tiếng cười khóc hay tiếng thét để tác động vào hai tai người nghe mà công lên não bộ. Đối phương nếu không đủ bản lãnh tự nhiên thất khiếu ra máu vỡ hết mạch não mà chết. Vương Y Nguyệt dùng tiếng đàn giết người trên lý thuyết cũng tương tự như vậy. Khúc nhạc thành danh nhất của nàng ta chính là Hồ Điệp Khúc, người nghe bị tiếng đàn làm phát sanh ảo giác thấy xung quanh có vô vàng cánh bướm ngũ sắc bay lượn. Tuy nhiên, Vương Y Nguyệt lại chẳng có công lực hùng hậu như Văn Viễn để dồn vào tiếng đàn. Vì vậy, lúc giao đấu với cao thủ dùng Sư Tử Hống hay Loạn Tiếu Mệnh, nàng dễ dàng bị tiếng thét và tiếng cười khóc kia làm phân tâm dẫn đến đàn loạn nhịp. Muốn khắc chế điều trên, trước hết tâm trí không được bị kinh động, vì thế, Vương Y Nguyệt về sau đã tìm ra được phương cách hữu hiệu. Nàng một mặt dùng tiếng đàn áp đảo đối thủ, một mặt dùng chính tiếng đàn bảo vệ hai tai của mình nên có thể an nhiên như kẻ điếc chẳng còn sợ Loạn Tiếu Mệnh hay Sư Tử Hống. Cho nên đương trường, Hắc Quan Âm cùng đại tiểu thư có thi nhau dùng Loạn Tiếu Mệnh cũng chẳng ăn thua gì. Vương Y Nguyệt cứ ung dung ngồi một chổ lướt tay trên đàn tỳ bà. Hắc Quan Âm cùng đại tiểu thư cười khóc đến điên trời đảo đất nhưng vẫn phải mướt mồ hôi né tránh sát âm của Vương Y Nguyệt.
Vương Y Nguyệt có tiếng đàn nên vẫn bình yên nhưng Văn Viễn hóa ra lại khổ sở. Ông mấy lần bị Loạn Tiếu Mệnh của Hắc Quan Âm làm xây xẩm mặt mày, cước bộ vì thế giảm sút. Hắc Quan Âm tức thì dùng Hắc Ấn Thủ đánh tới. Dù Văn Viễn kịp định thần né tránh nhưng dư lực đủ khiến ông bị tổn thương, dần dà, tổn thương càng lúc càng trầm trọng hơn. Dẫu vậy, Hắc Quan Âm muốn dùng Hắc Ấn Thủ thì phải ngưng Loạn Tiếu Mệnh. Hai món nội công này tiêu hao khí lực vô kể thành ra bà ta chẳng dám sử dụng đồng loạt, chỉ có thể thi triển luân hồi, chưa kể còn phải phân lực đối phó với tiếng tỳ bà của Vương Y Nguyệt. Nhờ vậy, Văn Viễn chỉ cần gồng mình chống chọi Loạn Tiếu Mệnh, khi Hắc Quan Âm ngưng tiếng cười khóc thì ông tức tốc dùng Du Ảnh Biến chạy lòng vòng tránh Hắc Ấn Thủ chụp tới.
Đại tiểu thư vây đánh Vương Y Nguyệt hơn một khắc vẫn không thể tiếp cận được bèn nổi giận. Nàng ta chỉ muốn xé xác Vương Y Nguyệt càng nhanh càng tốt nên liên hồi phát ra Hắc Ấn Thủ rồi lạng người đến gần. Đại tiểu thư nhẩm tính chỉ cần phá hủy được cây tỳ bà, Vương Y Nguyệt chỉ còn là người thường, khi đó muốn xé xác hay bẻ gãy tay chân dễ dàng biết bao. Nàng từ khi thấy Vương Y Nguyệt ỏng ẻo tình tứ bên cạnh Văn Viễn thì tự nhiên nổi cơn tam bành. Nàng chỉ muốn bắt lấy Vương Y Nguyệt, hành hạ một phen trước mặt Văn Viễn mới hả được dạ ngọc.
Vương Y Nguyệt bị dồn ép quá đổi nên chẳng thể trợ lực giúp Văn Viễn. Nàng đành dồn toàn tiếng đàn đối phó với đại tiểu thư. Trong chốc lát, Vương Y Nguyệt đã bị vô vạn bóng chưởng màu đen của đại tiểu thư vây quanh cơ hồ đến ngộp thở. Đại tiểu thư đột nhiên nghe tiếng đàn bị loạn nhịp thì mừng rỡ, đoán chừng Vương Y Nguyệt đã bấn loạn. Đại tiểu thư tức thì áp sát đến cạnh bên, tay trái chộp lấy đàn tỳ bà, tay phải nhè vào đỉnh đầu Vương Y Nguyệt mà giáng xuống. Đại tiểu thư sợ Vương Y Nguyệt chết ngay thì chẳng còn dịp hành hạ nên uy lực chưởng pháp giảm xuống hết chín phần, căn bản nếu Vương Y Nguyệt trúng phải thì vẫn còn chút hơi tàn mà thoi thóp.
Ngờ đâu khi chưởng pháp giáng gần đến trán của Vương Y Nguyệt, đại tiểu thư mới nhìn thấy nàng ta đang cười mỉm đầy gian trá. Hóa ra, Vương Y Nguyệt đã vờ vĩnh để lừa gạt một phen. Đại tiểu thư nhận biết đã muộn màng. Vương Y Nguyệt khảy liên hồi mấy nhịp. Đại tiểu thư giật mình khản giọng:
- Uy…Uy Phong Khúc! Cầm Điệp Cuồng Sinh!
Chỉ một tiếng đinh đang từ đàn tỳ bà phát ra, đại tiểu thư như bị gió lớn thổi phăng ngược ra sau hơn hai mươi bước chân. Vương Y Nguyệt đánh đàn như ngàn vó ngựa chạy trên đồng trống. Âm thanh đinh đang cứ xua nhau dậy vang trời. Uy Phong Khúc vốn là điệu nhạc tiến quân khi xung trận nên âm điệu cực kỳ hùng tráng cộng thêm đàn tỳ bà toàn đánh những điệu cao, Vương Y Nguyệt luyện hết cầm phổ giết người của Diệu Thủ Cầm Ma lại tâm đắc nhất điệu nhạc giết người này. Kẻ nghe phải ban đầu thấy toàn thân rạo rực, máu huyết rộn rạo, ráng chí ngất trời. Tuy nhiên qua khỏi thì thời này thì mạch tượng, kinh huyệt đều bị tiếng đàn chi phối, nặng thì rối loạn đứt vỡ hết mà chết, nhẹ thì kiệt quệ sức lực dễ dẫn đến hôn mê. Đại tiểu thư nghe chưa quá mấy mươi nhịp thì chấn động thần trí. Nàng ta toan dùng Loạn Tiếu Mệnh để át đi tiếng đàn, nhưng kinh mạch đều rối loạn chẳng thể tùy ý thiên chuyển nội lực.
Đại tiểu thư thấy trời đất bỗng nhiên tối sầm. Nàng ta kinh hãi cố trụ vững định thần thì muôn tiếng tỳ bà như núi cao trờ tới. Đại tiểu thư kinh hãi bật ra tiếng kêu thảng thốt té vật xuống đất, lồng ngực tưởng chừng có đá lớn đèn lên không chịu thấy phải ói liền mấy ngụm máu lớn. Vừa lúc đó, Văn Viễn cũng bị trúng một chưởng văng tới bên cạnh Vương Y Nguyệt bất tỉnh nhân sự.
Vốn, Hắc Quan Âm nhìn con gái bị Vương Y Nguyệt vây khốn khó bề cầm cự nên toan giúp một phen, chỉ vì Văn Viễn cứ nhảy qua nhảy lại cầm chân, bà ta chẳng thể tùy ý hành động. Hắc Quan Âm vốn biết đại tiểu thư vẫn nặng tình với Văn Viễn, thật tâm bà ta cũng không muốn nặng tay nhưng tình thế ép buộc phải dốc sức. Vương Y Nguyệt biết đại tiểu thư đang cả giận nên bày kế lừa phỉnh, Hắc Quan Âm lại biết Văn Viễn lo lắng cho Vương Y Nguyệt nên tính cách trí trá cũng chẳng khó khăn gì. Bà ta chỉ cần phất tay như thể muốn tập kích Vương Y Nguyệt, Văn Viễn tự nhiên hoản hồn vội vàng nhảy ra ngăn cản để bảo vệ người ngọc, vô tình thành trực diện đối chưởng với Hắc Quan Âm. Văn Viễn làm sao có thể chịu nổi một chưởng Hắc Thủ Thủ. Dẫu ông vận hết thảy hàn nhiệt để chống chọi, kết quả vẫn bị uy lực chưởng pháp đánh văng bi như chiếc lá gặp gió cuốn. Hắc Quan Âm hạ xong Văn Viễn chưa kịp mừng rỡ thì đại tiểu thư cũng bị Vương Y Nguyệt làm cho nội thương thổ huyết. Bà ta vội vàng chạy đến bên cạnh xem xét. Căn bản, nội lực của đại tiểu thư hùng hậu nên dầu nhất thời trúng liên hồi mấy lươi loạt đàn tỳ bà vẫn khả dĩ không nguy hiểm đến tánh mạng.
Vương Y Nguyệt lúc này đã đứng dậy như trời trồng. Nàng nhìn Văn Viễn nằm bất động không rõ sống chết thì lòng dạ chẳng còn thiết đến gì. Nàng cứ luôn miệng gọi Phùng lang đầy thống thiết. Vương Y Nguyệt gọi mấy mươi tiếng, Văn Viễn vẫn nằm yên bất động. Vương Y Nguyệt ngỡ Văn Viễn đã chết liền ngửa mặt lên trời cười chua chát. Tiếng khóc có bi ai, có căm phẫn, có luyến tiếc, oán không được đến cuối cùng gặp gỡ, hận phải lìa xa người yêu thương. Vương Y Nguyệt chẳng hề có nội công nhưng tiếng cười lại khiến Hắc Quan Âm cùng đại tiểu thư tự nhiên lạnh gáy. Nàng ta có cười có khóc đến khản giọng khô nước mắt thì Văn Viễn vẫn thủy chung nằm bất động.
Vương Y Nguyệt dứt trận cười ai oán quay lại nhìn hai mẹ con Hắc Quan Âm. Cả hai chạm phải ánh mắt hun hút như đáy sâu vô tận của nàng bỗng nhiên phải lùi lại mấy bước. Vương Y Nguyệt tay trái ôm chặt thân đàn tỳ bà, tay phải liên hồi khảy lên các dây nhưng chẳng hề nghe thấy phát ra bất kỳ âm điệu nào. Hắc Quan Âm đoán chừng Vương Y Nguyệt thần trí điên loạn liền hừ nhạt:
- Con bé này thấy thằng nhỏ chết nên đã phát điên chẳng thể dùng đàn được nữa!
Bà ta lạng người đến toan đánh một chưởng kết liễu Vương Y Nguyệt cho rảnh nợ. Đột nhiên bà ta thấy hoa mắt. Hắc Quan Âm phải dừng lại để định thần. Bóng nắng lúc này đã lên cao phủ khắp chân đỉnh Lạc Nhạn tuy nhiên, trong ánh nắng lại đầy các màu sắc hỗn loạn. Hắc Quan Âm ngó kỹ mới nhận ra rợp trời toàn cánh bướm đủ năm màu đang bay lượn. Đại tiểu thư ngày trước có phen đã được chiêm ngưỡng uy lực Hồ Điệp Khúc. Khi đó, Vương Y Nguyệt vẫn trong lốt Cầm Điệp Cuồng Sinh, đại tiểu thư khi đó nửa vì khối tình si dang dở với Văn Viễn, nửa muốn chiếm đoạt yếu quyết khúc phổ nên bày trò thân cận. Kết cuộc, dẫu nắm được Hồ Điệp Khúc nhưng đại tiểu thư chẳng thể lãnh ngộ nổi. Sau, yếu quyết đó lọt vào tay Sa tiểu thư. Nàng ta đã dùng thuật nhiếp hồn mà truyền cho Văn Viễn, cốt khi Văn Viễn thức tỉnh làm một văn nhân ở Ứng Kê sẽ mơ hồ tưởng bản thân là Cuồng Sinh hòng thuận lợi cho kế bứt dây động rừng về sau. Bản thân Văn Viễn có cầm nghệ tuyệt diệu nhưng bản tâm địa nhân từ thành ra chỉ phát huy được phần nào tinh diệu của Hồ Điệp Khúc. Ngược lại, Vương Y Nguyệt vốn sáng tạo ra nên bản thân nắm rõ tinh hoa, cộng thêm đau đớn tận mắt thấy Văn Viễn đã chết. Nàng đem hết oán hận nhằm vào Hắc Quan Âm mà trút xuống.
Đại tiểu thư vội lên tiếng:
- Là Hồ Điệp Khúc! Mẹ cẩn thận!
Hắc Quan Âm cười mỉa:
- Chỉ là trò hoa mắt trẻ con làm khó được ta ư?
Vương Y Nguyệt nghe vậy thì gằn giọng:
- Ngươi dám giết Phùng lang của ta! Mau mau xuống cửu tuyền mà hầu hạ chàng! Ta hôm nay dùng mạng này để đánh đổi với mẹ con ngươi!
Hắc Quan Âm nhận ra trong giọng nói của Vương Y Nguyệt ẩn tàng nội lực liền kinh ngạc:
- Con bé này từ đâu lại có được chân khí này?
Căn nguyên là nhờ Vương Y Nguyệt biết được bí ẩn của Vô Lượng Phổ. Vô Lượng Phổ có tác dụng như khẩu quyết dưỡng công, Vương Y Nguyệt ngày trước trong lốt Cuồng Sinh đã liều mình cướp đi. Nàng ta cũng như Văn Viễn sau này vì mê âm luật nên dễ dàng phát hiện ra được tác dụng trên. Nhờ vậy, mấy năm dài nàng ẩn mình đã tích tụ được một thân công lực khả dĩ có thể ngang nhiên tung hoành. Nhưng nghiệt nổi, Vô Lượng Phổ chỉ tích tụ công lực nhất thời, không thể như đường lối luyện tập chính quy lúc nào cũng tiềm tàng trong thân thể luồng nội lực, không có tiếng đàn thì hầu như Vô Lượng Phổ mất tác dụng. Cho nên, Vương Y Nguyệt đã theo âm khúc của Vô Lượng Phổ kết hợp vào trong Hồ Điệp Khúc. Thành ra mỗi lần nàng dùng đến đoạn nhạc gọi bướm, tự nhiên bản thân bộc lộ nội lực.
Điểm yếu của Hồ Điệp Khúc nằm ở nơi đàn bướm theo tiếng đàn mà công kích, ví như đối phương có thân thủ lanh lẹ dầu Hồ Điệp Khúc được đẩy nhanh đến đâu cũng chưa chắc thắng. Như lúc ở Ngô gia trang, Văn Viễn dùng khúc nhạc này đấu với Quỷ Công Tử, đến cuối cùng, Văn Viễn vẫn bại. Vì thế, Vương Y Nguyệt hợp Hồ Điệp Khúc cùng Vô Lượng Phổ thành một lại tạo ra thứ nhạc không có âm thanh. Đối phương dầu thấy tay nàng khẩy liên hồi trên đàn nhưng kỳ thực chẳng phát ra chút tiếng động nào, bù lại, uy lực vô hình lan tỏa bốn bề khiến đối phương hoa mắt, một khi đã nghe rõ tiếng nhạc thì thần trí đối phương coi như bị suy yếu phân nửa.
Hắc Quan Âm lúc này cũng lâm vào tình trạng trên. Rõ ràng bà ta không hề nghe thấy âm thanh tiếng đàn nhưng cảm nhận được uy lực man mát bốn bên xâm nhập vào thân thể lại không sao ngăn chặn được. Bất giác, Hắc Quan Âm nghe đinh đang một tiếng thì vạt áo bên trái đã bị xuyên lỗ tròn. Ví như bà ta thân thủ tầm thường, lỗ tròn đó đã nằm trên da thịt.
Hai bên tai Hắc Quan Âm bây giờ toàn là tiếng tỳ bà đinh đang liên hồi. Đàn bướm ngũ sắc theo đó cũng tấn công dồn dập, có trước, có sau, có trên, Hắc Quan Âm xoay trở đến chóng mặt vẫn không có được phút này thơi thả phản đòn. Đại tiểu thư biết mẹ gặp khó liền nhảy tới giúp một phen, thủy chung lại bị vây hãm cùng. Vương Y Nguyệt cứ từng bước tiến gần đến hai mẹ con Hắc Quan Âm, đôi mắt nàng lạnh băng không chút cảm xúc, đàn bướm ngũ sắc vì thế càng nhanh gấp bội. Ban đầu còn trông rõ hình hài, càng về sau, đàn bướm ngũ sắc chỉ còn là những đốm sáng như sao xẹt nhắm vào Hắc Quan Âm lẫn đại tiểu thư. Cả hai muốn chế ngự nhưng không biết chế ngự thế nào mới thỏa đành phải cật lực xoay trở. Người ngoài nhìn vào diễn biến trước mặt phải hoa mắt, mẹ con Hắc Quan Âm thân thủ nhanh đến độ thành ra hai bóng đen chạy qua chạy lại đến chóng mặt trước vô vạn đốm sáng ngũ sắc công kích liên hồi.
Vương Y Nguyệt gia tăng tiết tấu, Hắc Quan Âm cùng đại tiểu thư liền bị xuyên mấy lỗ trên thân thể, may mắn cả hai nội lực cao cường nên chẳng đến nổi tán mạng tức thì. Bỗng nhiên tiếng đàn im bặt, Hắc Quan Âm và đại tiểu thư chắc rằng Vương Y Nguyệt đã kiệt sức. Cả hai mừng thầm vội định thần ngầm vận khí lực để phản kích. Tuy nhiên, cả hai chưa kịp ra tay đã thấy trước mặt có quầng sáng lớn chụp tới. Đây chính là cao đoạn uy lực nhất của khúc nhạc gọi bướm. Nhưng con bướm ngũ sắc hợp thành một khối đồng nhất mà công kích. Đối phương bản lãnh yếu nhất định sẽ nát tan thân thể, khả dĩ đối phương chống đỡ được, quầng sáng tự động phát tán thành vô vạn tia sáng lớn nhỏ như rừng tên phóng ra khiến không sao trở tay kịp.
Bản lãnh của Hắc Quan Âm ngăn chặn quầng sáng trên thì không khó, nhưng ngay lúc đó, quầng sáng chợt phá lóa khiến bà ta cùng đại tiểu thư phải nhắm chặt đôi mắt. Quầng sáng tự động phân chia thành muôn vạn tia sáng nhỏ hơn điểm thẳng đến thân thể cả hai. Thì thần không hơn một cái nháy mắt, đến thần tiên e cũng khó lòng xoay trở kịp, chỉ nhìn ra thân thể hai người đã bị nuốt trọn trong khối cầu ngũ sắc kỳ dị đó.
Văn Viễn lúc này lại ú ơ ho khan ra mấy ngụm máu tươi mà trở mình tỉnh dậy. Ông cứ ngỡ Vương Y Nguyệt đã bị Hắc Quan Âm làm hại nên cất tiếng gọi:
- Vương muội!
Vương Y Nguyệt định bụng Văn Viễn đã chết. Nàng quyết dồn hết sức lực diệt hai mẹ con Hắc Quan Âm xong sẽ tự tận theo cho thỏa nguyền. Lòng dạ người ngọc chẳng còn thiết sống nên đau khổ thê thiết không sao kể hết. Bỗng nhiên nàng nghe tiếng Văn Viễn gọi khác gì được uống mấy trăm loại thuốc phục sinh. Vương Y Nguyệt quay lại nhìn Văn Viễn mà lệ tràn mặt ngọc:
- Chàng…chàng còn sống ư?
Văn Viễn còn bị nội thương nên chẳng thể đứng lên được. Vương Y Nguyệt liền tất tả chạy đến cạnh bên. Nàng mới chạy được nửa đường thì phía sau Văn Viễn đã có ba người xuất hiện bất thần. Đó là một lão niên cao lớn cùng hai lão bà. Vương Y Nguyệt giật nảy người sợ hãi. Nàng lại thấy lão niên nọ toan đặt tay lên đỉnh đầu Văn Viễn thì đoán là phương gian trá tính đục nước béo cò. Vương Y Nguyệt liền thét lớn:
- Đừng hòng làm hại Phùng lang của ta!
Lời chưa dứt thì trên đầu ba người nọ đã có quầng sáng của Hồ Điệp Khúc chụp xuống. Vương Y Nguyệt trong lúc nguy cấp ra đòn tính về tốc độ lẫn uy lực đều hơn hẳn khi đem dùng với hai mẹ con Hắc Quan Âm. Lão niên kia liền cười hà hà:
- Con dâu này thật khá, chưa rót chén trà để vào nhà chồng thì ra tay đánh cha mẹ chồng!
Lão niên nọ chính là Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng. Hai lão bà kia là Nhị Ác Thánh Phùng Ân Khổ cùng Tam Thánh Hậu Phùng Nghi Văn. Phùng Bất Nghiêng tuy thấy quầng sáng chụp xuống vẫn thản nhiên. Vương Y Nguyệt kịp nghe mấy lời trên thì lòng dạ tự nhiên kinh động. Nàng lại nghe khí lạnh từ đâu xông đến buốt rét thân thể. Vương Y Nguyệt vốn đã kiệt sức nên không thể chịu nổi hàn nhiệt đành phải dừng lại đánh rớt cả đàn tỳ bà đang cầm trên tay. Nàng giương mắt nhìn liền ngẩn người ngơ ngác. Phùng Bất Nghiêng chỉ dùng một tay đã chụp lấy quầng sáng Hồ Điệp Khúc. Quầng sáng tự động tiêu tán mất hút không thể phát lóa. Vương Y Nguyệt hiểu căn nguyên lão niên kia đã dùng công lực tiêu trừ đi uy lực Hồ Điệp Khúc. Nàng nhìn kỹ, nếu bỏ bớt các nếp nhăn cùng chòm râu bạc thì khuôn mặt lão niên và Văn Viễn thật sự là giọt nước chẻ đôi. Nàng líu lưỡi lắp bắp:
- Là…là…!
Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng hóa giải Hồ Điệp Khúc nên vận Cuồng Tâm Pháp khiến toàn thân trắng bệch như xác chết, khí lạnh theo đó lan rộng khắp bốn bề dưới chân đỉnh núi Lạc Nhạn. Đại Ác Thánh thu hồi công lực nhìn Vương Y Nguyệt mà cười khà khà:
- Phùng lang của ngươi là Phùng nhi của bọn ta! Ngươi nói xem bọn ta là ai?
Vương Y Nguyệt chắc mẫm ba người trước mặt là Tam Ác Thánh lừng lẫy. Nàng ngó thấy nét mặt Phùng Ân Khổ nghiêm nghị, nét mặt Phùng Nghi Văn bộc lộ khí giận thì thảo nảo cúi đầu:
- Không…không xong rồi! Ta chưa kịp làm dâu đã ra tay đánh cha mẹ chồng còn ra thể thống gì nữa!
Phùng Ân Khổ lúc này liền ngồi xuống thăm dò thương thế của Văn Viễn. Phùng Ân Khổ thì từ tốn đến cạnh bên Vương Y Nguyệt:
- Ngẩng mặt lên cho ta xem!
Vương Y Nguyệt sợ hãi không dám cứ cúi gầm mặt. Phùng Nghi Văn được dịp thị uy với con dâu càng thích chí lấn tới:
- Ngươi vừa rồi ca tụng nhan sắc của ta cùng chị lớn đẹp hơn con mụ góa bụa áo đen kia trăm vạn lần sao bây giờ lại chẳng dám nhìn? Phải chăng ngươi từ đầu đã phát hiện ra bọn ta nên mới bày trò nói lời lấy lòng lấy dạ!
Vương Y Nguyệt đoán chừng lão bà đang đứng trước mặt là Phùng Nghi Văn thì càng sợ hãi đến run rẩy chân tay. Vương Y Nguyệt từng trải giang hồ nên biết uy danh hiếu sát của Tam Thánh Hậu Phùng Nghi Văn. Vương Y Nguyệt vội vàng ngẩng mặt lên đáp:
- Con…con nào có ý đó! Chỉ là…chỉ là…!
Hiển nhiên Phùng Nghi Văn chỉ khéo nói trách, bản lãnh như Hắc Quan Âm còn không phát hiện ra được thì chút công lực cỏn con của Vương Y Nguyệt làm sao có thể nhìn thấu. Phùng Nghi Văn thấy nàng ta sợ hãi chực rơi nước mắt thì vừa bụng. Phùng Bất Nghiêng sợ bà hù dọa Vương Y Nguyệt vỡ mật nên lên tiếng:
- Nó đã xả thân cứu Phùng nhi, nàng chớ làm khó!
Phùng Nghi Văn gật gù:
- Vừa rồi ngươi thay ta và chị lớn mắng con mụ áo đen, còn xả thân cứu Phùng nhi! Sau này nếu ngươi ăn ở hai lòng với Phùng nhi thì chớ trách Tam Thánh Hậu ta!
Phùng Nghi Văn nói lời này rõ ràng đã xem Vương Y Nguyệt là con dâu trong nhà. Vương Y Nguyệt cứ nghĩ sau này được bước chân vào Bạch gia trang sẽ phải trải qua mấy trường mưa to gió lớn, chẳng ngờ lại dễ dàng đến vậy. Nàng liền dập đầu tạ ơn liên hồi. Phùng Nghi Văn vội nâng Vương Y Nguyệt đứng dậy. Bà ta thấy Vương Y Nguyệt tuy lớn tuổi hơn Đại Sỹ và Cao Bạch Vân, bì nhan sắc cũng không được như hai nàng dâu kia nhưng bù lại miệng lưỡi cùng ngạo khí đều hơn hẳn cho nên đâm ra yêu thích. Bà liền nắm tay dẫn Vương Y Nguyệt đến trước mặt Phùng Bất Nghiêng và Phùng Ân Khổ rồi nói:
- Thằng con khờ của chúng ta càng lúc càng dẫn về các nàng dâu rất vừa bụng thiếp!
Phùng Ân Khổ dò thăm thương thế của Văn Viễn xong mới nhìn Vương Y Nguyệt. Bà ta đăm chiêu nói:
- Muội chớ vội! Phải coi ý con dâu lớn và con dâu kề của chúng ta thế nào!
Văn Viễn nghe không khỏi ngơ ngác:
- Con dâu kế? Mẹ lớn đang nói con dâu kế nào vậy?
Lúc này, Đại Sỹ cùng Cao Bạch Vân mới chạy đến nơi để họp mặt. Hai nàng nhìn Văn Viễn vừa mừng vừa tủi tự nhiên khóc òa nức nở. Văn Viễn thấy Đại Sỹ hiển nhiên là vui mừng tột độ. Ông ngó thấy Cao Bạch Vân thì càng cười tươi. Ngờ đâu hai nàng cứ thay phiên tát liên hồi đến tối tăm mặt mũi, Văn Viễn đoán chừng khi Vương Y Nguyệt đang ỏng ẹo cạnh ông để trêu gan đại tiểu thư đã bị cả hai nàng này nhìn thấy hết. Văn Viễn bị Đại Sỹ và Cao Bạch Vân thi nhau hành hạ, Vương Y Nguyệt không khỏi xót xa nhưng mười phần hết chín nàng cũng nổi giận mà phụ họa tát tai Văn Viễn mấy cái:
- Chàng đúng là tên mọt sách trí trá giỏi gạt người ta!