Cách đây hơn bảy trăm năm, vùng Dan no Ura ngang eo biển Shimonoseki là nơi xảy ra trận quyết chiến giữa hai giòng họ Minamoto và Taira. Ở Dan no Ura, một nhà Taira từ đàn bà con nít đến cả vị ấu chúa mà ngày nay người ta còn nhớ đến qua cái tên Thiên Hoàng Antoku (An Đức) đều bị tuyệt diệt. Từ đó đến nay bao nhiêu nước đã chảy qua cầu mà một vùng biển Dan no Ura vẫn còn xì xào về những chuyện kinh dị về hồn ma vất vưởng của dòng họ Taira. Đừng nói chi đến những con cua Heike (một tên khác của Taira) trên lưng mang hình mặt người như muốn giữ lại dấu tích oán hờn của các chiến sĩ Taira, (lũ cua mà người kể truyện đã có lần nhắc đến trong một tác phẩm khác), trên một vùng biển đó, người ta đã nghe, đã thấy bao nhiêu là sự kiện kỳ quái. Ví dụ cái cảnh hàng nghìn ánh lửa ma trơi không biết đâu ra, lướt trên ngọn sóng trong những đêm tối đen. Dân chài thường gọi đó là “quỷ hỏa”, loại ánh sáng xanh lè lạnh lẽo. Nào đã thôi đâu, những ngày gió lớn, lúc đó từ ngoài khơi lại vọng về những tiếng thét gào cuồng nộ như âm thanh sát phạt trên bãi chiến trường.
Xưa đã thế nhưng ngày nay những con ma Taira còn lộng hành hơn trước nữa. Ma hiện ra trên thuyền bè đi lại ngoài khơi, tìm cách nhận đắm hoặc chờ những ai đang bơi lội giữa dòng, bất thần chụp lấy rồi kéo họ xuống đáy biển. Cái chùa A Di Đà lập lên ở vùng Akamagaseki (nay là Shimonoseki) vốn nhằm mục đích cúng tế, an ủi vong linh những con ma Taira ấy. Phần đất cuối chùa nơi sát biển, nhà chùa có dành ra một khu chôn cất, dựng bia mộ khắc tên vị thiên hoàng chết đuối cùng như tên quần thần của người, mọi năm đến ngày giỗ chạp, đều lập đàn tràng giải oan. Từ khi A Di Đà Tự lập ra, rồi đến khi bia đá dựng lên thì quỉ quái họ Taira cũng bớt quấy người. Dù vậy, những chuyện quái dị không vì thế mà hoàn toàn chấm dứt, điều đó chứng tỏ vong linh kia vẫn chưa được phiêu diêu về cõi thọ.