Tôi để cho nó cà lưng một lúc. Tôi nghĩ mình không biết tên nó là gì và chưa bao giờ tìm cách làm quen với nó. Tôi cúi xuống vuốt ve nó. Đó là lần đầu tiên. Tôi chỉ kịp hơi chạm vào lông nó. Tôi không biết nó đã nghĩ gì nhưng chưa gì nó đã phóng mất tiêu.
Trong nhà chưa có gì thay đổi cả.
Tôi mở cửa sổ phòng khách, pha cà phê và uống một mạch, tai nghe nhạc của Fauré. Khúc tưởng niệm. Thật lạ, đó là loại nhạc mà Hélène đã chọn để làm nền cho hôm chúng tôi đi vào nhà thờ, ngày hôn lễ. Em mặc một cái váy màu vỏ trứng giản dị. Không có đông người trong nhà thờ. Anna Doukas đã tiên đoán là bầu trời sẽ không một gợn mây. Nụ cười của Marie sầu muộn hơn bao giờ hết.
Như thường lệ, tôi cố gắng bưng bít càng nhiều càng tốt về quá khứ. Buổi sáng hôm đó. Tôi đã để cho quá khứ tràn về. Có thể là việc gặp lại Marie. Người bạn. Người em. Có thể là những bản hợp xướng của Fauré. Kỷ niệm không ướt át như sương. Cũng không như hơi nước đọng trên cửa kính. Nếu có thể trượt những ngón tay lên đó và vẽ những đường viền thì thật là tốt.
Sau đó, có tiếng chuông điện thoại reo. Đã lâu lắm rồi không có ai gọi điện, lâu đến nỗi tí nữa tôi đã không lại nhấc máy. Tôi nhấc máy và chờ mà không nói lời nào.
- Alô? ... có ai đó nói. Alexandre à?
Tôi nhận ra anh bạn cảnh sát trưởng tên là Georges Hasbro.
- Mấy giờ rồi nhỉ? Tôi hỏi.
- Tám giờ một phút. Hy vọng là mình không đánh thức cậu dậy chứ?
- Không.
- Kệ. Này, bọn mình đã tìm ra khách hàng của cậu, đúng chỗ ấy. Không được đẹp mắt lắm.
- Mình biết.
- Đúng là cậu biết, và cậu cũng phải biết thêm là có đến nửa tá vỏ đạn còn hơi nóng ở cạnh xác chết. Calip 22 súng trường. Súng ngắn Beretta, chắc thế. Cậu hiểu mình nói gì không? Mẹ kiếp, nhẽ ra cậu phải dọn dẹp chứ! Cậu không giúp gì mình cả.
- Dù sao thì mình cũng có cảm giác là vẫn giúp cậu thời gian vừa rồi đấy chứ?
- Giúp gì?
Sếp thở dài.
- Mình vẫn đang chờ lời giải thích của cậu, Alex.
Trong tầm ngắm của tôi, qua cửa sổ, có một nhành cây trinh nữ. Khi chúng tôi dọn tới đây, cây trinh nữ này cao bằng một thằng con nít mười hai tuổi.
- Cậu sẽ có được những gì hơn cả một bản báo cáo, tôi nói. Sắp tới mình sẽ viết hồi ký. Tất cả sẽ được ghi lại trong đó, cậu sẽ thấy. Đen trên nền trắng. Hoặc trắng trên nền đen.
- Cậu còn kể lể gì nữa?
- Về mình thôi, Georges. Mình rút lui. Thật đấy. Các cậu sẽ có thể sơn lại tủ tường.
Tôi không chuẩn bị gì trước. Nói những lời này xong, tôi mới nghĩ đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
- Tuyệt, viên cảnh sát trưởng đay nghiến. Thế cậu định làm gì ở tuổi này? Làm bảo vệ ở siêu thị hay hưởng trợ cấp xã hội ngay lập tức?
- Mình nghĩ là mình sẽ tiếp tục học đàn piano. Thậm chí học sáng tác nhạc, sao lại không nhỉ? Có lúc mình nghe những giọng nói: Nếu tôi giải thoát chúng ra khỏi con người tôi thì tốt biết mấy. Thể hiện chúng. Chia sẻ chúng.
- Cậu đang làm mình bực mình đấy, Alex ạ.
- Không lâu nữa đâu, thật đấy.
- Cậu vẫn luôn làm mình bực mình, và cậu sẽ luôn làm mình bực mình.
- Đồng ý, nếu cậu muốn... Georges, mình muốn nhờ cậu một việc cuối cùng.
- Không được.
- Cậu không nợ gì mình, nhưng cứ xem đó là món quà tặng mình trước khi mình ra đi. Theo thông lệ mà, phải không?
- Mình đã nói rồi: Không được!
- Thôi đừng nói như một cảnh sát trên phim truyền hình nữa.
- Cậu nhờ mình giúp việc gì?
- Mình muốn biết Florence Mazeau còn sống hay không? Và nếu có thì cô ta đang ở đâu?
- Ai cơ?
- Florence Mazeau.
Tôi đánh vần tên cô ta. Georges vừa ghi vào vừa càu nhàu. Tôi tin: Nếu cô ta còn sống, anh ấy sẽ tìm ra cô ta. Thậm chí là khi cô ta đã chết. Anh ta sẽ giúp tôi. Khi tôi gác máy, miệng anh ta vẫn còn càu nhàu. Suốt ngày hôm đó, tôi ở một nơi không thể định vị. Ở đây cũng không phải, ở kia cũng không phải. Giữa hai nơi. Tôi đã ngủ gà đôi chút. Tôi là quần áo rồi chuẩn bị tinh thần.
Tôi đến Thời gian đã mất rất sớm. Bước qua cửa, tôi có một chút ngập ngừng. Quán cà phê lúc ấy rất đông người. Không có gương mặt thân quen nào quay lại nhìn tôi, không có cánh tay nào giơ lên vẫy tôi. Tất nhiên, bàn của chúng tôi đã có người ngồi, tôi phải chấp nhận ngồi chỗ khác ở tận sâu trong quán. Ghế dài hay ghế dựa? Tôi chọn ghế dài, hướng về cửa ra vào để chờ Marie. Sau khoảng mười lăm phút, một người bồi bàn đến chỗ tôi và tôi gọi một tách cà phê.
Quán cà phê này là một trong những quán cổ nhất thành phố và một trong những quán được yêu thích nhất. Quán được bài trí theo kiểu ngày xưa, vừa lạc hậu vừa tân thời. Trên bức tường phía sau quầy, giữa những dãy rượu là một khung ảnh lớn hình bầu dục. Trên đó, người ta thấy bức ảnh úa vàng của một người có ánh mắt và bộ ria mép cá trê. Một số người bảo đó là Marcel Proust. Người mở quán hẳn là một tay yêu văn chương và những cô gái đương hoa mới đặt cái tên như thế. Nhưng Mafia Ý mà mua lại quán cà phê này hẳn sẽ nghĩ đó là chân dung của một tay ma cô địa phương. Tôi tự hỏi không biết sao mà hồi đó chúng tôi thích quán này đến thế. Có phải chỉ vì lý do thời thượng? Giờ đây, tôi cảm thấy mình lạc lõng trong đó. Một vị khách không mời mà đến. Một điều bất bình thường. Có quá nhiều người, quá ồn và quá nóng; tất cả làm cho tôi mệt mỏi. Nếu không có hẹn thì có lẽ tôi đã chuồn rồi.
Marie đã đứng ngay trước bàn tôi, tôi không thấy em đi vào. Sự duyên dáng trong sự giản dị. Tôi thấy hình như em đã thay đổi chút ít cách búi tóc của mình nhưng không thể biết chính xác. Tôi cũng nhận ra em đã trang điểm đôi chút. Marie thuộc tuýp những phụ nữ không dám công nhận vẻ đẹp của mình, làm tôn lên vẻ đẹp đó lại càng không. Em cầm một túi xách và kẹp một chiếc áo sơmi, bản viết tay nằm trong đó. Em nhìn tôi, vẻ đăm chiêu suy nghĩ, sau đó em đặt chiếc áo sơmi lên bàn và bắt đầu cởi áo khoác. Tôi nghĩ mình nên đứng dậy và giúp em cởi áo ngoài ra, nhưng tôi vẫn ngồi lì trên ghế. Có thể bởi vì tôi hình dung mình có cử chỉ đó đối với hàng chục phụ nữ lẳng lơ, và hạng người đó không đáng giá một phần trăm cái bóng của Marie.
Tôi rất vui khi gặp em.
Tôi ra hiệu ba lần cậu bồi bàn mới lại.
- Em dùng gì? Tôi hỏi Marie.
Trong tích tắc, tôi nghĩ em sẽ trả lời: "Nước chanh Gambatta."
- Cho tôi ly trà, em nói. Trà chanh.
Tôi gọi thêm cho mình một ly cà phê nữa. Chúng tôi im lặng một lúc. Hẳn vì đang tỉnh táo hơn hôm qua, cho nên rụt rè hơn. Rồi Marie nói:
- Hao hao giống như hành hương vậy.
- Đó là tác động "mađơlen", tôi vừa nói vừa chỉ khung ảnh hình bầu dục.
Marie cười.
- Em đã từng đến đây à? Tôi hỏi.
- Chưa.
- Thế nào? Cảm tưởng của em thế nào?
Em đảo mắt nhìn quanh. Rồi thở dài:
- Người ta không thể bước trên dấu chân của chính mình.
Tôi gật đầu tỏ ý đồng tình.
- Anh phải mất nhiều thời gian mới hiểu ra mọi chuyện, em biết đấy.
- Không bao giờ hiểu có lẽ tốt hơn.
- Chưa chắc, tôi nói. Không hiểu biết cũng có thể che chở. Cuốn sổ ăn năn của anh cũng dày như Kinh thánh.
- Anh chỉ cần đọc những thứ khác, một ít thôi cũng được, để thay đổi.
Giọng điệu không nhượng bộ của Marie đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi vốn quen với sự vuốt ve, mơn trớn của em.
- Chỉ có anh mới quyết định được, Alex ạ. Marie nói.
- Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp ta...
- Trời ư? Em không biết. Nhưng con người em thì em biết. Em không đòi hỏi gì thêm, hy vọng anh không nghi ngờ gì. Nhưng em không thể làm gì nếu anh không đồng tình. Nếu anh không muốn. Em đã cố gắng nhưng không được. Không thể bắt người ta sống một cách gượng ép. Em cũng thế, anh thấy đấy, anh đã mất nhiều thời gian để hiểu.
Cậu bồi bàn đưa đồ uống đến cho chúng tôi. Tôi nhìn trà tan dần trong nước nóng. Như mực của con mực. Marie thổi trà trước khi đưa lên miệng. Giữa hai ngụm trà, em nói:
- Và rồi, em nghĩ là anh đã tìm ra cho mình một đồng minh mới.
- Sao lại thế được? Tôi nói.
- Có ai đó khác đang tìm cách giúp anh.
- Ai?
Marie nhìn tôi qua cốc trà.
- Édouard Dayms, em nói.
Tôi im lặng. Marie vẫn giữ nét mặt bình thản, kiên quyết, thậm chí có phần nào đó lạnh lùng trong ánh mắt, tôi chưa từng thấy em như thế bao giờ. Em đặt cốc xuống.
- Em đã suy nghĩ kĩ rồi, đó là lý do duy nhất để em có thể giải thích hành động của anh.
- Hành động nào?
- Hành động tự gửi cho mình cái này, Marie vừa nói vừa vỗ vào cái áo sơmi. Bằng chứng của hắn. Di chúc của hắn. Một thông điệp hòa bình, Alex ạ.
- Một thông điệp hòa bình! Nhưng mà... Mẹ kiếp, Marie, em đang nói với anh về cái gì vậy? Thằng chết tiệt đó đã gửi quả bom đó cho anh để hủy hoại anh!
- Anh đã bị hủy hoại rồi. Không cần thế. Em muốn thừa nhận là hắn đã góp phần làm cho anh mất hết tất cả, bằng cách này hay cách khác. Lúc đầu ấy. Bàn tay cầm cái cọc, như anh nói. Nhưng sau đó, hắn đã chìa ra cho anh một bàn tay không còn vũ khí. "Chúng ta hãy giải hòa đi". Anh hãy tự giải hòa với chính mình: hắn đề nghị anh điều đó.
- Giải hòa trong khi hắn cướp con của anh à? Cướp vợ anh à? Cướp cuộc đời anh à? ... Hắn đã lấy của anh tất cả. Hắn đã nạo hết xương anh và cả tâm hồn anh. Và em là người đã thay thế hắn, em quên điều đó rồi à?
- Đúng thế, Marie công nhận. Phản ứng đầu tiên của em cũng giống như anh thôi. Nhưng em đã tranh thủ đọc lại bản viết tay...
- Anh cũng đã đọc lại.
- Và em nghĩ chúng ta có thể xem lại tất cả mọi chuyện dưới một góc độ khác.
- Dưới bất kỳ góc độ nào cũng trật lất hết. Anh không quen biết gì người này, Marie ạ. Đó là một tên giết người!
- Anh còn nhớ chuyện đó kết thúc như thế nào không?
- Tất nhiên rồi. Thế thì sao?
- Matthieu đi gặp Ariel, lần cuối cùng. Anh ta muốn dứt điểm. Anh ta không thể chịu nổi sự chi phối của con người kép này. Hay là một nửa của anh ta, nếu em muốn. Bộ mặt thứ hai của chính trí não của anh ta, cái bộ mặt đang ngấu nghiến cuộc sống của anh ta. Anh ta muốn thoát ra. Về cơ bản mà nói, Matthieu là người tượng trưng cho những gì tốt nhất trong con người chúng ta, còn Ariel là người đối lập. Đó là cuộc chiến vĩnh cửu. Huynh đệ tương tàn. Can và Abel. Thế lực của cái thiện chống lại thế lực của cái ác. Cuộc sống, tình yêu chống lại cái chết.
- Thế thì sao? Tôi hỏi tiếp.
- Thế thì khi đó, ai là người chiến thắng? Marie hỏi lại.
Quá ồn ào và quá nóng. Tôi mím chặt môi và bướng bỉnh lắc đầu để nói là không. Trong tiếng huyên náo đó, Marie tiếp tục.
-"Mọi chuyện sẽ phải kết thúc như thế này, thưa ông Astrid. Phải hủy diệt cái ác. Phải triệt tiêu nó, như người ta thường nói. Rồi phải tha thứ cho nhau. Về phần tôi, tôi vẫn luôn thích bãi biển vào mùa đông và vẫn tiếp tục đi dạo ở đó. Bây giờ, biển đã lặng. Có những dấu chân của tôi trên cát. Có những dấu chân của Florence. Những dấu chân của những đứa con của chúng tôi. Chúng tôi có thể lần theo những dấu chân đó cho đến nơi nào mình muốn. Ông hãy tự mình nhìn ra điều đó."
Những câu cuối cùng trong bản viết tay. Marie đã đọc thuộc lòng. Tôi vẫn nghiến răng và co tay thành nắm đấm, vẫn lắc đầu như một thằng nhóc thiểu năng trí tuệ. Tôi nhắm mắt lại. Em không chịu buông tha tôi.
- Anh thử thay thế cái tên Florence bằng Hélène thì kết quả sẽ như thế nào?
- Em thôi đi, tôi nói.
Marie tiếp tục:
- Ariel làm gì khi đối diện với Matthieu? Hắn nghiêng mình kính cẩn. Hắn tự hủy hoại mình còn Matthieu thì ra đi một mình. Cuối cùng lòng đã thanh thản. Đó đúng là sự giải thoát của anh ta... Đối diện với anh, Édouard đã làm gì, anh Alex?
Tôi kìm nén lắm mới không đấm tay lên bàn.
- Anh chưa kể cho em nghe phần cuối của câu chuyện, Maria ạ. Em không biết khả năng của hắn đâu. Em không biết những gì hắn đã bắt anh phải hứng chịu đâu. Em không biết!
- "Phần tiếp theo" của câu chuyện, Marie chỉnh lại. Đúng là em không biết, em hy vọng anh sắp cho em biết. Nhưng chưa hết đâu. Câu chuyện tiếp tục hay không là tùy thuộc vào anh!
Tôi không nghe rõ những lời nói đó lắm. Quán cà phê lúc đó ồn ào chói tai kinh khủng. Tôi nhìn lên và thấy những cái miệng đang cười hớn hở ở quầy. Tôi thấy những cái khay người ta đội trên đầu, thấy những cái miệng đỏ hồng đang nhả khói, tôi thấy Marie, tôi thấy Léna, một phụ nữ nhỏ nhắn ngồi bên cạnh tôi với một cái tẩu trên đôi môi đang cười, tôi thấy Ed ma cà rồng đứng bất động bên một cái cột. Tôi đứng bật dậy, đẩy bàn ra. Ly cà phê mà tôi chưa uống bị đổ.
- Chúng ta ra khỏi đây thôi! Tôi nói.
Ariel bặt vô âm tín trong gần chín năm.
Tôi đã không thực hiện ước muốn cuối cùng của hắn, đã không biến điều ước cuối cùng của hắn thành sự thật. Tôi đã đọc những cuốn sổ tay của hắn, tôi đã ngồi hàng giờ để giải mã những chữ viết tượng hình của hắn. Tôi đã không đưa lại những quyển sổ đó cho Florence. Em không biết gì về sự tồn tại của những quyển sổ đó, em đã không biết gì hết.
Em cũng không biết chính tôi là người đang giữ những quyển vở ghi chép của em - những quyển vở màu xanh. Để làm gì? Như tôi đã nói, chúng tôi đi trên một sợi dây và tôi đã đặt ra mục đích giữ được thăng bằng. Bằng mọi giá.
Một vài tháng sau khi Ariel ra đi, Florence và tôi ngồi trên bờ biển đá cuội. Hôm đó là một buổi sáng đầy nắng và gió. Khi em hỏi tôi có nhận lời giữ mãi em bên mình hay không, tôi không đủ tự trọng để từ chối. Hoặc vì yêu em quá nhiều.
Chẳng lẽ ông chưa bao giờ biết đến điều đó, thưa ông Astrid? Tình yêu.
Có chứ. Tất nhiên là có chứ! (Hãy nghĩ đến bức ảnh, hãy nghĩ đến những đứa con làm quận trưởng với những cái mũ quá cỡ đội trên đầu). Hãy nhớ là trong những khoảnh khắc đó, người được yêu, cho dù bất cứ ai, vẫn là một người đặc biệt. Anh ta là trung tâm của thế giới, anh ta là cả thế giới và là sự biện minh cho chính cuộc sống của các bạn. Lớn lao lắm. Xin cảm ơn. Phải bấu víu vào đó. Hãy nhớ người đi yêu là một người không đáng gì. Anh ta cô độc, cô độc và yếu ớt biết bao nhiêu. Dễ bị tổn thương biết bao nhiêu. Anh ta có thể trở về với hư vô vào bất cứ lúc nào.
Hiển nhiên rồi. Ông phải biết điều đó.
Và rồi, tôi đã chán giải thích. Tôi thấy rõ trong những cố gắng đó có những điều thật mơ hồ và vô bổ. Các bạn phải chấp nhận là phần lớn thời gian, chúng tôi không hiểu điều gì đang xảy ra, xảy ra trong lòng chúng tôi hay quanh chúng tôi. Về phần tôi, tôi sẽ chấp nhận là ông không nhất thiết phải tin tôi.
Sáng hôm đó, trên bãi biển, tôi cảm thấy lồng ngực tôi mở ra để đón không khí biển khơi. Không khí của những chuyến đi dài và những hành trình xa xôi. Florence ngả đầu trên vai tôi. Tôi nghĩ em tin tôi. Tôi đã lấy em làm vợ. Chúng tôi đã bỏ học và về sinh sống trong thành phố nhỏ bé quê hương tôi.
Tôi nghĩ mình đã làm tất cả những gì có thể để xua tan bóng tối trong đáy sâu mắt em. Chúng tôi đã cùng nhau làm được ít nhất là hai điều kỳ diệu: sinh ra hai thằng con có tên là Étienne và Mattéo. Điều kỳ diệu thứ ba đang hình thành. Cần phải có thời gian. Cần phải kiên nhẫn và có tình yêu. Rất nhiều tình yêu. Nhưng, nhờ những nỗ lực của chúng tôi cộng lại, nhờ vào sức mạnh ý chí của chúng tôi, cuối cùng cuộc sống đã trở thành một cái gì đó an bình và êm dịu.
Ông không biết là điều đó có ý nghĩa đối với tôi như thế nào đâu, thưa ông Astrid.
Chỉ một cuộc sống bình thường thôi.
Cho đến buổi sáng Noel đáng nhớ đó. Cho đến cái ngày đáng sợ, đáng nguyền rủa đó, cái ngày mà con quỷ thoát ra khỏi hộp. Một hình ảnh dễ dãi, nhưng tôi không tìm ra hình ảnh nào chính xác hơn. Hoặc hắn, hoặc tôi. Chứ không thể cả hai được nữa.
Marie chưa đứng dậy mà tôi đã rẽ cho mình một lối đi trong quán cà phê đông người. Tôi đi ra khỏi quán như vừa đi ra từ một lò lửa. Tôi đi vài bước trên vỉa hè. Tôi mặc áo sơmi nhưng cái lạnh giá chưa kịp xâm chiếm lấy người tôi. Marie vội vã đuổi theo tôi. Em mang theo cái túi xách, cuốn sổ tay và cái áo bludông mà tôi đã quên. Em chưa kịp cài cúc áo choàng.
- Anh ổn chứ? Marie hỏi tôi.
Tôi không trả lời, chỉ đưa một chân ra trước và hít thở không khí mát lạnh. Marie khoác áo bludông lên vai tôi.
- Anh mặc vào đi kẻo lạnh.
Chúng tôi đi bên nhau một lúc. Lúc ấy xe cộ đi lại khá nhiều. Một số tuyến phố có trang trí cho dịp Noel: đèn nháy được chăng ngang hai cột điện, một đôi tuần lộc đang kéo xe trượt tuyết, một cái ủng khổng lồ, một cơn mưa sao băng. Tôi cảm thấy Marie đang nhìn tôi có vẻ phần nào lo lắng.
Khi dừng chân lại trước đèn đỏ, Marie nói:
- Xin lỗi anh vì em đã nói thẳng quá. Anh Alexandre ạ. Và tàn nhẫn nữa. Em thật vụng về... Anh giận em à?
Tôi lại hít sâu.
- Anh không ngờ được, tôi nói. Anh đến đó để qua một buổi tối... một buổi tối kiểu "cựu chiến binh". Em hiểu chứ? Để gợi lại những kỷ niệm xưa cũ. Về thời gian đã mất.
- Chưa quá muộn đâu anh ạ. Nếu anh vẫn muốn.
Tôi nhún vai. Đèn đỏ cho xe ô tô, nhưng chúng tôi chưa đi.
- Anh muốn em để anh ở lại một mình à? Marie hỏi.
- Không. Anh đã hứa là sẽ kể cho em. Anh phải học cách giữ lời hứa.
- Hay là ngày mai, hoặc ngày kia cũng được.
- Không, tôi nói lại.
Chúng tôi lặng lẽ bước đi. Đi đến cảng lúc nào không biết. Chúng tôi nghe tiếng biển rì rào, cảm thấy biển rồi mãi sau đó mới thấy biển. Những con chim mòng biển bay lượn trên đầu chúng tôi. Chúng tôi chỉ thấy những cái bụng trắng toát của chúng.
- Tại sao?... Tôi thì thầm.
Tôi nghĩ mình đang tự hỏi mình, nhưng Marie đã nghe thấy.
- Tại sao cái gì, anh Alex?
Tôi lại dừng chân trên vỉa hè.
- Sao hắn lại có thể làm thế? Chìa tay cho anh sau khi đã đánh anh bằng chính bàn tay đó. Bằng tất cả sức lực của mình.
Marie nhún một bên vai. Một cử chỉ khó nhận ra.
- Có lẽ anh không phải là người duy nhất hối hận, Marie nói.
Rồi em nói nhanh:
- Nghe này, anh Alexandre, có lẽ em đã hơi vội vàng. Em đã khá hài lòng với lí thuyết nhỏ nhặt của mình, thông điệp hòa bình và tất cả những thứ ấy, và em quá vội cho anh biết. Nhưng đó chỉ là một cách diễn giải, một giả thiết như bao giả thiết khác. Nó cũng chỉ có vậy thôi. Và rất có thể em đã sai... ý em là anh đừng có dằn vặt gì vì điều đó. Chúng ta hãy bỏ qua đi. Ít nhất là lúc này. Có thể chúng ta sẽ quay lại khi đầu óc tỉnh táo hơn.
Miệng Marie phả ra từng làn hơi mỏng. Tay em siết chặt cổ áo choàng. Tôi cầm tay em. Làn da của em buốt giá.
- Em bị lạnh rồi, tôi nói.
- Hơi hơi thôi.
- Đói à?
- Hơi hơi thôi.
Tôi nhìn quanh, như tìm một nơi trú ẩn trong cơn bão.
- Đi nào, tôi nói.
Tôi kéo em đi qua những đường phố chật hẹp quanh co trong khu phố cổ. Tôi còn nhớ một nhà hàng nho nhỏ trong khu phố, nhà hàng này chỉ tiếp khách quen, một số khách hàng sành điệu bo bo giữ riêng nó cho mình. Trong nhà hàng không có hơn bốn bộ bàn ghế, ông chủ lo việc nấu nướng còn bà vợ lo việc phục vụ. Kinh tế gia đình. Và trái phép. Món mực phủ hầm ngon nhất thế giới.
Chỉ có điều nhà hàng đó không tồn tại nữa.
Thay vào đó là cửa hàng bán đồ tắm rửa cho chó.
Tôi kiểm tra tên đường nhưng đúng là tôi không nhầm.
Cặp vợ chồng già đó có lẽ đã nghỉ hoặc đã chết.
Thêm một bức tường nữa bị đổ.
- Mẹ kiếp... Tôi nói.
Chỉ khi đó tôi mới nhận ra bàn tay của Marie trong bàn tay tôi. Tôi vẫn luôn cầm tay em. Trong vài giây, tôi không biết nên làm gì. Rồi sau đó tôi nhẹ nhàng buông tay em ra.
- Hỏng rồi, tôi vừa nói vừa nhìn sang chỗ khác. Ta làm gì bây giờ? Em có thích chỗ nào không, hay ta chọn đại một quán nào đó?
- Quan trọng gì đâu, Marie nói, em theo anh.
Biển hiệu đầu tiên mà chúng tôi gặp là biển hiệu của một quán pizza. Dolce Vita. Cổ điển, không cầu kỳ hoa mỹ. Lúc ấy còn sớm và khách hàng chưa đông. Chúng tôi được mời ngồi gần một cái lò sưởi mà có lẽ từ khi kết thúc chiến tranh đến nay chưa hề được nhóm lại. Hai suất ăn, mỗi suất mười lăm euro và một chai nước khoảng Badoit: Đó không phải là một bữa ăn tối thịnh soạn. Tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc là thỏa mãn trí tò mò của Marie. Sau khi ăn khai vị xong, tôi lại nói về trường hợp Édouard Dayms.
Sự chờ đợi bắt đầu trở nên không thể chịu đựng nổi. Ariel không lộ diện từ sáng 24, ngày mà chúng tôi gặp lại nhau trong thời gian ngắn ngủi, bên bờ biển. Cả một tuần lễ trôi qua. Không có tín hiệu nào. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy sự hiện diện của hắn quá rõ, tin chắc rằng hắn đang hiện diện cho dù đơn giản chỉ là một sự xuất hiện ngắn ngủi và ngẫu nhiên. Flo cũng cảm thấy như vậy. Em thu người lại, co ro trong góc riêng của lòng mình. Sự lo sợ làm cho em câm lặng. Tôi đã bảo em nên thay đổi không khí. Em nên đi, nên cùng các con đi đâu xa vài ngày. Florence đã từ chối.
Và rồi, tối 31, đúng 23 giờ 15 phút, chuông điện thoại reo.
Lịch sử lặp lại. Số phận tỏ ra nghiệt ngã.
Hồi chuông thứ nhất chưa kết thúc tôi đã nhấc máy. Ariel chỉ nói 3c3b :
- Mình đang chờ các cậu.
Tôi không nói lời nào. Flo đứng ở bên kia hành lang. Mặt em tái mét. Mắt em tối sầm lại. Lúc ấy, em không đeo những giọt nước mắt màu xanh lơ ở hai tai nữa, em đã xếp vào hộp tư trang. Tôi còn cầm ống nghe trong tay vài giây nữa. Rồi tôi gác máy. Tôi đứng yên tại chỗ. Florence cũng vậy.
- Đó là hắn, em nói.
Tôi gật đầu đồng ý.
- Hắn muốn gì?
Tôi nói dối. Tôi nói:
- Hắn muốn gặp anh.
- Không, Florence nói, anh đừng có đi!
Câu nói đó khiến tôi xúc động. Em vẫn còn thương tôi nhưng em không tin tôi có đủ sức mạnh.
- Anh đừng có đi, em nói lại.
Tôi tiến lại gần. Môi em mím lại, cằm hơi run. Tôi có thể thấy tất cả những cố gắng của em để không khuỵu người xuống. Tôi thầm thì:
- Lần cuối cùng thôi, em yêu ạ.
Bờ mi em khép lại, em nhắm mắt, hít sâu vào rồi ngước mắt lên.
- Anh đã nói với em rồi đấy nhé.
Tôi chỉ cái bụng to tròn của em.
- Anh đang nói với nó đấy.
Étienne và Mattéo đang xem tivi trong phòng khách. Tôi hôn lên trán từng đứa. Chúng không rời mắt khỏi màn hình. Càng tốt. Tôi khoác áo bludông vào và lấy chìa khóa xe. Khi tôi đang bước qua cửa thì Flo gọi tôi.
- Anh sẽ... anh sẽ trở về chứ? Em hỏi.
Giọng em lí nhí. Tôi nghĩ tôi sẽ không phản bội em, tôi sẽ không bỏ rơi em. Tôi thì không.
- Tất nhiên rồi, tôi nói.
Tôi mỉm cười với em, rồi đi ra.
Édouard Matthieu Anthonin Dayms. Sinh ngày 23 tháng 8 năm 1971 tại Cologny, bang Genève. Xuất thân từ một gia đình giàu có. Bố là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, mẹ là người được hưởng một khoản hồi môn rất lớn, nhờ đó mà bà được xem là một trong những người giàu nhất nước. Hai người này định cưới nhau, có với nhau nhiều đứa con và sống hạnh phúc lâu dài. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như thế.
Một năm sau khi Édouard chào đời, một đứa trẻ thứ hai được sinh ra. Một bé gái. Cô con gái được đặt tên là Marie-José Emmanuelle; Édouard đặt tên lại cho em mình là "Jona". Người anh và cô em gái cùng nhau lớn lên trong cơ ngơi rộng lớn của gia đình. Đó gần như là một trang viên có công viên rộng lớn và một cái hồ nước. Một nhà tù hạng sang mà chúng gần như không bao giờ có thể thoát ra ngoài. Không học hành; việc học hành của chúng được một cô gia sư đảm nhiệm, một bà gốc Anh tên là Doris Greenhill.
Sống cách biệt với phần còn lại của thế giới, hai đứa trẻ không bao giờ chia lìa nhau. Quan hệ của chúng cực kỳ mật thiết, gắn bó keo sơn. Đến nỗi người ta thường có cảm giác như hai cái vỏ làm bằng thịt da đó đang chứa đựng duy nhất một bộ não. Thêm một câu chuyện về cặp đôi, hay về một nửa. Số mệnh của chúng dường như cùng đi theo những con đường gắn kết với nhau, không thể tách rời, không bao giờ tan rã. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như thế.
Một buổi tối mùa đông, bé Édouard về nhà. Một mình. Như thường lệ, nó về nhà từ một cuộc thám hiểm gần khu vực công viên. Quần áo của nó lấm bùn từ đầu đến chân, mặt nó bê bết máu. Một vết thương khá sâu ở phía trên lông mày. Hỏi vặn mãi nó cũng chỉ giải thích: "Quỷ... có quỷ..."
Người ta đã đi tìm con bé suốt đêm và cả ba ngày sau đó. Đến ngày thứ tư, người ta tìm thấy thi thể nó nổi trên mặt nước hồ buốt giá. Chết đuối. Không có dấu vết nào của con quỷ mà thằng bé đã nói. Một kẻ lang thang? Một người bắt cá trái phép? Hay chỉ là một người đi dạo? Không một ai biết điều đó.
Khi ấy, Édouard mười tuổi. Jona chín tuổi. Sự im lặng bao trùm trong ngôi nhà.
Làm sao tôi biết được chuyện đó ư? Bà Greenhill đã kể cho tôi nghe.
Tôi đã tìm hiểu thêm.
Cuộc gặp đầu tiên giữa tôi và Édouard Dayms đáng nhớ đến nỗi mà tôi đã muốn biết tất cả, muốn biết tất cả về hắn trước khi gặp lại hắn lần nữa. Khó hiểu lắm, tôi biết. Và khó giải thích nữa. Bởi vì hắn đem lại một cảm giác vượt qua cả ngôn từ và suy nghĩ, đến một nơi nào đó thật phi lí. Tôi nghĩ đó là khởi đầu của một sự quyến rũ. Đúng thế. Một sự quyến rũ có thể so sánh với sự quyến rũ của Ariel đối với Matthieu, và được miêu tả trong cuốn sổ bởi chính... Édouard Dayms. Điều này có xu hướng chứng minh, trong ngoặc đơn, là sự điên rồ của hắn chỉ có sự sáng suốt của hắn sánh bằng. Cuối cùng, vì lý do gì đi chăng nữa, vấn đề là ở chỗ hắn đã cắn nọc độc của mình và phát tán trong mọi tế bào của bộ não tôi. Tôi đâm ra nghiện. Từ đó, tôi luôn tìm tòi, đào bới, lục lọi, chất vấn. Cuộc điều tra về án mạng Cyrillus đã biến thành một sự tìm kiếm chính mình sau khi Édouard Dayms nhập cuộc. Giữa hai lần say rượu, tôi đã dành toàn bộ sức lực của mình vào việc đó. Và may mắn phần nào đã giúp tôi.
Tôi đã khám phá cuộc sống của Doris Greenhill. Tôi đã lần ra dấu vết của bà ta. Bà cựu gia sư đã không rời Thụy Sỹ. Tôi đi gặp bà ta. Tôi cứ tưởng người tôi muốn gặp là một bà già gần đất xa trời nhưng người phụ nữ mà hai anh em mệnh danh là "Bà Gorila" không hơn tuổi tôi là mấy. Một người phụ nữ thông minh và duyên dáng. Bà không quên bất cứ điều gì về những năm tháng đã qua tại gia đình Dayms, trong ngôi nhà Thiên Nga. Bà không kể cho tôi nghe một cách trôi chảy. Theo bà, cái chết của bé Jona đã có tác động như một cú tăng tốc của quá trình phân hủy vốn đã nhen nhóm từ lâu. Quan hệ giữa hai vợ chồng vốn đã không mặn nồng gì, giờ lại càng trầm trọng hơn. Bà mẹ như một nàng công chúa ngủ trong rừng, giam mình trong lâu đài với những ước mơ và niềm hy vọng; bà chờ một vị cứu tinh nhưng chàng hoàng tử lại dương dương tự đắc trong các sân gà của giới thượng lưu. Ông ta bỉ ổi và hám sắc, còn bà thất vọng và ghen tuông: khi hai người gặp nhau là mắt sáng rực lên. Sau khi con bé chết, người mẹ bắt đầu buông xuôi. Rốt cuộc, bà ta không còn rời tháp ngà của mình nữa, rồi cũng không rời giường của mình nữa. Nàng công chúa bị suy nhược thần kinh. Trên chiếc bàn ngủ, có đủ loại thuốc chữa bệnh, tinh hoa của hóa học gây mê. Ông bố thì đã chọn những giải pháp tự nhiên hơn: từ rượu sâmpanh, ông chuyển sang rượu vodka, từ ba ly ông chuyển sang một chai đầy. Nhưng bà mẹ lại là người thắng cuộc. Một hôm, bà đã uống thuốc quá liều, liều thuốc đó đã đưa bà đến một vương quốc mà không có nụ hôn nào có thể đánh thức bà
Édouard tiếp tục lớn lên trong không khí lành mạnh và tươi vui đó. Bà Greenhill chất phác là người chăm sóc cậu. Theo thời gian, vai trò gia sư của bà đã được chuyển sang vai trò quản gia, rồi vú nuôi mà không ai yêu cầu. Sáng bà đến rất sớm, tối bà về rất muộn, khi chắc chắn là thằng bé đã ngủ. Không có bà thì nó đã hư hỏng rồi. Thằng bé có nhận thức được tình hình không nhỉ? Có thể. Nhưng nó không thể hiện gì hết. Không buồn, không đau khổ, không giận dữ. Bà Greenhill cảm thấy lo ngại và thậm chí sợ hãi trước việc nó không có phản ứng gì. Bà tâm sự với tôi là bà thường nhìn trộm Édouard, ánh mắt đờ đẫn và lạnh lùng của nó làm cho bà rùng mình. Không thể tiếp cận. Từ khi em gái mất, nó có vẻ dửng dưng trước tất cả. Édouard mười bốn tuổi thì đến lượt mẹ mất. Nó thấy người ta mang thi hài mẹ mình đi mà không nhỏ một giọt nước mắt. Bà Greenhill không thể không nghĩ là nó bị mất hồn.
Hai năm sau, hai bố con chuyển nhà. Những kẻ sống sót. Ông bác sĩ phẫu thuật đã phạm phải những sai lầm lớn khi phẫu thuật cho hai bệnh nhân và đã bị đình chỉ công tác. Buộc nghỉ việc dài hạn. Ông ta bán nhà và mua một căn khác tại vùng Côte d’Azur, nước Pháp. Có thể sự thay đổi nơi ở và không khí sẽ đem lại cho họ một cuộc sống dễ chịu hơn. Có thể họ sẽ bắt đầu lại từ đầu. Bà Greenhill hy vọng như thế. Bà thường nghĩ đến họ. Và đặc biệt đến Édouard. Bà gần như là người đã nuôi cậu bé khôn lớn. Bà đã làm những gì có thể. Bà cho rằng thằng bé đã phải hứng chịu nhiều đau khổ và đã đến lúc cuộc sống của nó xuôi chèo mát mái. Tôi thấy bà ngập ngừng, nhưng cuối cùng, bà đã không hỏi tôi nguyên do vì sao tôi đến gặp bà.
Từ khi họ bỏ đi, bà không nhận được tin tức gì về họ. Một tấm bưu thiếp cũng không.
Đó là phần Thụy Sỹ của câu chuyện. Tuổi thơ của kẻ giết người. Nguồn gốc. Không khó để đào sâu trong đó những chất liệu cho bi kịch sắp xảy ra. Édouard Dayms là một quả bom nổ chậm. Chỉ còn thiếu ngòi nổ nữa mà thôi.
Nếu dựa vào bằng chứng mà hắn đã đưa ra trong quyển sổ của mình, thì mọi chuyện đã xảy ra ngay trong năm đầu sống tại Pháp. Đúng lúc đó, hai con người, một Ariel và một Matthieu gặp nhau. Hoặc gặp lại nhau. Tại sao ư? Tôi không biết. Nhưng có thể hình dung là chứng tâm thần phân lập của Édouard vẫn đang ở tình trạng tiềm ẩn; nó chín muồi từ từ, tách biệt, trong không khí yên tĩnh và ma quỷ của ngôi nhà Thiên Nga, giờ nó đã sẵn sàng bộc lộ. Chỉ sự thay đổi nơi ở thôi, như bà Greenhill nói, chỉ sự đảo lộn các thói quen thôi cũng có thể trở thành ngòi nổ. Édouard Dayms khám phá biển khơi và chân trời bất tận... Dù gì đi nữa, nhị thức địa ngục bắt đầu hình thành. Kết quả của nó là những gì được viết trong quyển sổ, như "tình tiết về Carteneau" - một tay anh chị thời trung học. Những rối loạn ác tính của nhân cách. Những cơn cuồng ám đầu tiên. Và hành động bạo lực đầu tiên. Phịa hay là thật?... Đoạn này gần như không thể kiểm chứng được, nhưng tôi có xu hướng tin là thật. Đội lốt những sinh linh đang ám nó, đang nhập vào người nó, Édouard Dayms giơ nanh vuốt của mình ra. Hắn chưa giết người. Hắn đang học những gì còn lại mà hắn chưa học. Về sau, cuộc gặp thứ hai đã diễn ra, cũng mang tính quyết định như thế: Florence.
Đó là một cô gái trẻ. Một con người bằng xương bằng thịt. Nhưng với cô gái mà người trần mắt thịt chỉ thấy là một con điếm khốn khổ và nghiện ngập thì Édouard Dayms thấy gì? Một con chim cổ đỏ. Một con chim ưng, một tinh tú lung linh trên bầu trời cao. Một ý trung nhân.
Jona tái sinh. Jona được cứu thoát khỏi cái hồ nước xanh như ngọc. Tại sao lại là cô ta? Tại sao lại là Florence Mazeau chứ không phải là ai khác? Sự giống nhau về hình thức giữa hắn và cô ta là điều không thể chối cãi. Họ như hai anh em thực sự. Nhưng chưa hết: tôi nghĩ đầu óc của cô gái trẻ là một mảnh đất màu mỡ cho kinh nghiệm đó. Một mảnh đất bỏ hoang và tươi tốt, mơ hồ và dễ uốn nắn đối với bất cứ ai. Thế rồi nhà luyện đan xuất hiện và biến cô gái khốn khổ lạc loài thành một vì sao sáng ngời. Hắn tâng cô ta lên mây xanh mà không cần đụng đến cô ta. Cô ta cũng muốn tin như thế vì không được quên là về phần mình, Florence đang cần một người anh, đang thiếu ánh mắt đầy sức sống của một người anh - điều mà cô ta đã không thể nào có được trong tuổi thơ của mình. Tóm lại là cả hai trao cho nhau cơ hội thứ hai. Lần này, Édouard không nhầm lẫn. Hắn sẽ không phản bội. Hắn sẽ không giả điếc trước những lời cầu cứu hay van lơn. Không ai sẽ có thể làm khổ người em gái yêu quý của hắn. Coi chừng những kẻ đụng vào nó! Không có con quỷ nào có khả năng giật bàn tay nhỏ nhắn ra khỏi tay hắn, không ai sẽ có thể cướp của hắn người em đó. Hắn không sợ ai nữa, không sợ
gì nữa.
Bởi vì bây giờ, quỷ dữ chính là hắn.