“Mấy tiếng đầu tiên tôi còn nghĩ đấy đúng là một lầm lẫn,” thanh tra Petersen nói. “Tôi cứ tưởng mục tiêu thật chính là chiếc bus chở những nhà toán học các ông, cũng ở ngay phía sau không xa gì, chứ. Tôi tin là vài người các ông còn kịp thấy chiếc xe kia lao xuống bờ sông, phải không?” ông ta hỏi Seldom.
Chúng tôi ngồi trong quán cà phê Pháp trên phố Little Clarendon. Petersen đã sắp xếp để gặp chúng tôi ở đấy, bên ngoài văn phòng ông ta. Tôi tự hỏi không biết có phải ông ta muốn xin lỗi, hay cảm ơn chúng tôi vì chuyện gì không. Ông ta mặc một bộ đồ đen trang trọng, và tôi nhớ ra là sáng hôm ấy sẽ có một lễ tang đặc biệt cho lũ trẻ đã chết. Đây là lần đầu tôi gặp Seldom từ sau chuyến đi của ông đến Cambridge. Ông có vẻ nghiêm nghị và lặng lẽ, và viên thanh tra phải lặp lại câu hỏi của mình.
“Phải,” Seldom đáp, “chúng tôi thấy nó đâm vào lan can và lao khỏi cầu. Xe chúng tôi ngừng ngay lập tức và có người nào đã gọi cho Radcliffe. Vài người nghĩ là họ nghe thấy tiếng kêu thét từ dưới đáy dốc. Lạ là ở chỗ,” ông nói, như đang thuật lại một cơn ác mộng, “khi chúng tôi nhìn xuống, hai chiếc xe cứu thương đã có mặt sẵn.”
“Chúng có mặt là vì lần này, tin nhắn đến trước tội ác, không phải sau đó. Đấy cũng là điểm đầu tiên tôi lưu ý. Và nó không gửi đến ông, như những lần trước, mà lại gửi thẳng đến phòng cấp cứu và tai nạn của bệnh viện. Họ gọi tôi trong lúc mấy chiếc xe cứu thương rời bánh.”
“Lời nhắn là gì vậy?” tôi hỏi.
““Cái thứ tư trong liên chuỗi là hình tứ linh. Mười điểm của tam giác mù.” Đó là một cú điện thoại, và may là nó được thu băng lại. Chúng tôi tìm được các băng thu khác giọng nói của hắn ta, và mặc dù hắn cố ngụy trang một chút, không còn nghi ngờ gì, đó chính là hắn. Chúng tôi còn biết cú gọi xuất phát từ đâu: hộp điện thoại tại một trạm xăng ngoài rìaCambridge, nơi hắn ngừng để đổ xăng. Đấy chính là chỗ chúng tôi khám phá chi tiết độc đáo nhất. Thượng sĩ Thám tử Sacks để ý chuyện đó khi anh ta coi lại các hóa đơn: hắn mua rất ít xăng, ít hơn nhiều so với lượt đi. Và nhất định thôi, khi chúng tôi khám nghiệm chiếc xe bus sau khi đụng, chúng tôi thấy bình xăng gần như trống rỗng.”
“Hắn không muốn xe bốc cháy sau khi đụng đất,” Seldom nói, như thể ông ngần ngại phải đồng ý với cách lý luận không có sai sót này.
“Phải,” Petersen nói, “đầu tiên tôi nghĩ hắn gửi đi một cảnh cáo trước là vì trong vô thức, hắn muốn chúng tôi chặn hắn lại, hay có thể đó là một phần của trò chơi - hắn muốn chơi nổi, đang chấp chúng tôi một điểm. Nhưng cái hắn muốn hóa ra là sao cho các thi thể đừng bị cháy, và xe cứu thương ở ngay gần để các cơ phận được đem tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Hắn biết là với mười thi thể, sẽ có một cơ hội tốt tìm thấy được bộ phận thích hợp. Tôi nghĩ là trên một phương diện, hắn đã thắng: đến khi chúng tôi hiểu ra chuyện gì, thì đã trễ rồi. Cuộc cấy ghép được thực hiện gần như lập tức chiều hôm ấy, ngay lúc họ vừa nhận được đồng ý của cặp cha mẹ đầu tiên, và tôi được biết cô bé sẽ sống.
“Thật ra, chúng tôi chỉ mới nghi ngờ người cha từ hôm qua, khi chúng tôi nhận thấy trong một cuộc kiểm tra cho đúng lệ là tên hắn nằm trong danh sách ở lâu đài Blenheim. Hắn đã chở một nhóm trẻ con khác từ trường đến chỗ hòa nhạc. Theo lẽ thì hắn sẽ đợi chúng ở bên ngoài bãi đậu xe. Hắn đã có điều kiện tuyệt hảo để đi vòng ra sau sân khấu, bịt miệng người nhạc công cho đến chết, rồi trở lại ngoài bãi đậu xe trong lúc nhốn nháo mà không ai thấy. Ở Radcliffe người ta xác nhận là hắn có biết bà Eagleton; một cô y tá đã thấy hắn một đôi lần trò chuyện với bà ấy. Chúng tôi cũng được biết là bà Eagleton đã từng mang cuốn sách của ông về các liên chuỗi logic theo vào phòng đợi. Đúng là bà ấy đã khoe với hắn rằng ông là bạn mình, không biết là chuyện ấy sẽ làm bà trở thành nạn nhân đầu tiên. Và cuối cùng, trong số sách của hắn, chúng tôi thấy một cuốn về những ngườiSparta, một về những người theo Pythagoras và cấy ghép nội tạng thời cổ đại, với một cuốn nữa về sự phát triển thể chất của trẻ em mang hội chứng Down - hắn muốn chắc chắn phổi của chúng có thể dùng được.”
“Vậy thì hắn đã giết ông Clarck như thế nào?” tôi hỏi.
“Tôi sẽ không bao giờ xác nhận được giả thuyết của mình, nhưng tôi không nghĩ là chính Johnson đã giết Ernest Clarck. Đơn giản là hắn đợi cho một xác chết được đẩy ra khỏi căn buồng mà hắn biết là Seldom hay vào thăm. Các thi hài được để nằm trong một căn phòng nhỏ trên cùng tầng không có ai canh giữ cả, có khi tới hàng tiếng. Hắn chỉ việc lẻn vào, và đâm một ống chích rỗng không vào cánh tay Clarck, để lại một dấu đâm để nhìn giống như ông ta đã bị giết. Bằng cách này, hắn ta thực sự có ý muốn tạo ra càng ít tai hại càng tốt. Muốn hiểu được lý lẽ của hắn, tôi nghĩ ta phải bắt đầu từ kết cục. Tôi muốn nói là, từ chỗ đám trẻ con bị bệnh Down. Có thể hắn đã bắt đầu suy nghĩ theo hướng ấy khi con gái mình bị từ chối không cho phổi đến lần thứ hai. Lúc ấy hắn vẫn còn đang đi làm, vẫn chở bọn trẻ bệnh Down này đến trường mỗi buổi sáng. Con người này bắt đầu nghĩ đến chúng như một cái kho những lá phổi lành mạnh, mà mỗi ngày hắn cứ để tuột khỏi tay mình, trong khi con gái của hắn thì đang chết dần.
“Nghĩ luẩn quẩn nảy ra ý muốn, rồi từ ý muốn dẫn đến chỗ ám ảnh. Có lẽ đầu tiên hắn chỉ nghĩ đến chuyện giết một đứa trong bọn trẻ thôi, nhưng hắn biết không dễ gì tìm được lá phổi thích hợp. Hắn còn biết là rất nhiều phụ huynh của trường này là dân Thiên chúa giáo ngoan đạo. Chuyện cha mẹ của những đứa trẻ như vậy quay về tìm kiếm tôn giáo rất là thông thường. Nhiều người thậm chí còn tin là con của họ là thiên thần nữa. Hắn không thể lựa đại một đứa với nguy cơ chuyện cấy ghép lại bị từ chối lần nữa, mà cũng không thể cứ lái xe đâm xuống cái mỏm nào là xong - các phụ huynh sẽ lập tức nghi ngờ điều gì đó và từ chối không hiến nội tạng. Ai cũng đều biết là Ralph Johnson khẩn thiết muốn cứu con mình, đến nỗi sau khi nó được đưa nhập viện, hắn đã tìm hiểu xem nếu chính hắn hiến phổi bằng cách tự sát thì có hợp pháp không. Hắn cần có một người khác giết lũ trẻ giùm mình.
“Đấy là chỗ nan giải của hắn đến khi đọc thấy, nhờ vào bà Eagleton, hay trên mặt báo, chương về những vụ giết người hàng loạt trong sách của ông. Nó đã cho hắn ý tưởng mà hắn đang cần. Hắn bèn vạch ra một kế hoạch. Giản dị vô cùng: nếu không nhờ ai giết bọn trẻ được, hắn sẽ sáng chế ra một tên hung thủ. Một kẻ giết người hàng loạt sẽ làm cho mọi người đều bị đánh lừa. Hắn là hẳn đã đọc về những người theo Pythagoras, nên rất dễ dàng tìm được một liên chuỗi ký hiệu nhìn vào giống như một thách thức cho một nhà toán học. Tuy nhiên, ký hiệu thứ hai - con cá - còn có thể có thêm một ẩn ý riêng nữa: nó là biểu tượng của những người Thiên chúa giáo sơ khai. Đó không chừng là cách báo hiệu của hắn về một sự báo thù. Chúng tôi còn biết là hắn rất say mê ký hiệu tứ linh - hắn vẽ nó lên lề tất cả sách của mình - có thể vì sự trùng hợp với con số mười, nhân số toàn đội bóng rổ, số trẻ con hắn nghĩ tới việc giết hại.”
Hắn chọn bà Eagleton để khởi đầu liên chuỗi là vì khó đi đâu mà tìm được một nạn nhân dễ dàng hơn: một bà già lớn tuổi, một người tàn phế nằm nhà một mình vào buổi trưa. Trên hết mọi thứ, hắn không muốn cảnh sát bị đánh động ngay lúc đầu. Đấy chính là yếu tố chìa khóa trong kế hoạch của hắn. Những vụ án mạng đầu tiên phải làm cho kín đáo, không nhận ra được, sao cho chúng tôi không bắt tay lùng tìm hắn ngay và hắn có đủ thời gian để đi được đến vụ giết người thứ tư. Hắn chỉ cần một người biết chuyện - đó là ông. Vụ đầu tiên có chỗ bị hỏng một chút, nhưng hắn vẫn khôn hơn chúng tôi và sau đó không còn phạm thêm một lỗi nào. Thế là, trên một phương diện thì hắn đã thắng. Cũng lạ đấy, nhưng chính tôi còn thấy không nỡ lên án hắn. Tôi cũng có một đứa con gái. Ta không bao giờ biết được mình có thể đi xa đến mức nào vì con.”
“Ông có nghĩ hắn đã tính đến chuyện cứu mạng mình?” Seldom hỏi.
“Chúng ta sẽ không bao giờ biết được,” Petersen đáp. “Khi khám nghiệm chiếc xe bus, mới phát hiện ra là thiết bị lái đã bị làm cho trục trặc. Trên lý thuyết, điều đó sẽ cho hắn một bằng cớ ngoại phạm. Nhưng mặt khác thì hắn đáng ra đã có thể nhảy khỏi xe sớm hơn. Tôi nghĩ hắn cố lưu lại sau tay lái càng lâu càng tốt, để chắc chắn chiếc xe đã lao xuống hố. Hắn chỉ chịu nhảy sau khi xe đã cán qua hàng lan can. Khi người ta thấy hắn thì hắn đã bất tỉnh và hắn chết trong xe cứu thương trên đường về bệnh viện.” Viên thanh tra liếc nhìn đồng hồ rồi ra hiệu cho một người phục vụ. “Đúng rồi, tôi không muốn đến buổi lễ trễ giờ. Tôi chỉ muốn nhắc lại là tôi cảm kích vì sự giúp đỡ của các ông đến mức nào, cả hai ông.” Rồi ông ta mỉm cười với Seldom một cách cởi mở lần đầu tiên. “Tôi đã cố hết sức đọc những cuốn sách ông cho mượn, nhưng toán không bao giờ là mặt mạnh của tôi cả.”
Chúng tôi đứng lên nhìn theo ông ta đi về phía nhà thờ St Giles, nơi một đám đông đã tụ tập từ trước. Trong đó có vài người phụ nữ mặt phủ mạng đen, mấy người trong bọn họ cần phải được đỡ lên trên các bậc thềm và vào trong nhà thờ.
“Anh sắp về lại Viện à?” Seldom hỏi.
“Vâng, chính ra lúc này tôi không nên bỏ thời giờ làm việc khác mới phải: tôi phải hoàn thành và nộp báo cáo cho học bổng của mình không trì hoãn hôm nay mới được. Còn ông thì sao?”
“Tôi?” ông nói. Ông nhìn về phía nhà thờ, và trong một chốc nhìn ông thật cô đơn và tuyệt vọng một cách kỳ lạ. “Tôi nghĩ tôi sẽ đợi ở đây đến khi hết buổi lễ. Tôi muốn đi theo đám tang đến nghĩa địa.”
Hết chương 24. Mời các bạn đón đọc chương 25 !