Vu Khống Chương 21


Chương 21
Bà trông chừng cho tôi yên giấc. Tôi tưởng như trong phòng này bớt lạnh, và ngay cái tủ sắt cũng tỏa ra hơi nóng.

Mỗi khi so sánh cuộc sống trong chung cư Vườn Táo với cuộc sống những người bình thường, thế nào một hình ảnh cũng hiện về trong trí tôi : tôi thấy những kẻ bên ngoài như những người đi nghỉ hè trên một chiếc thuyền, trong khi chúng tôi là những người sống sót bám vào chung cư này như bám vào một cái cành mục – tôi tự hỏi chúng tôi bám níu làm chi, vì, dẫu sao đi nữa, chúng tôi ắt phải chết đuối, và, sớm hay muộn, chúng tôi sẽ buông tay.

Cách đây mấy ngày, khi từ thư viện trở về, tôi trông thấy một chiếc xe tang trước cửa chung cư. Vài người mặc đồ xám khiêng xuống một chiếc quan tài. Họ vào trong nhà. Tôi bước qua cửa theo chân họ. Đứng trước thang máy là hai ông bà già, họ ở chung cư này. Ông người Thổ Nhĩ Kì, bà người Đức. Họ đứng sát bên nhau; lẫn vào nhau như thế, trông họ lại càng gầy gò, bé nhỏ hơn là thực. Y phục họ cách đây vài năm chắc là màu đen, bây giờ là màu củi mục. Bà đưa tay chùi nước mắt không thôi ứa ra, ràn rụa trên khuôn mặt giữa mái tóc bạc rất đẹp cắt ngắn. Ông đứng thật thẳng, không khóc.

Ông đưa mắt nhìn thoáng qua tôi, rồi nhìn những người mặc đồ xám, cuối cùng ngó sững chiếc quan tài. Ông bật lên một tiếng cười ngắn. Bà nắm lấy tay ông, bóp chặt. Ông lại càng cười. Tiếng cười vang vọng trong phòng đợi, ông cười tựa một thực khách tiệc xong được nghe kể những chuyện dâm đãng. Tôi chạy vọt về phía cầu thang lúc đó đã đầy người trong chung cư tụ tập, tôi nhảy bốn bậc một và vào phòng mình khóa kín cửa lại. Từ sau chuyện ấy, tôi cứ tưởng nghe thấy những tràng cười, đêm khuya làm tôi choàng tỉnh.

Chung cư Vườn Táo gồm hai tòa nhà quét vôi đỏ đối diện nhau. Ở giữa là một bãi cỏ, thành ra từ cửa sổ trên lầu có thể theo dõi người đi lại từ nhà này sang nhà kia. Một đêm, tôi thức dậy đầu nhức như búa bổ. Tôi bật đèn, nhìn đồng hồ phía trên giường : ba giờ sáng. Tôi tỉnh hẳn. Tôi cầm quyển sách trên bàn đầu giường. Tôi đọc. Những hàng chữ nhảy múa. Tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi tắt đèn, đứng lên. Tôi lại bên cửa sổ hút một điếu thuốc. Cửa kính đóng giá. Tôi đứng trong bóng tối. Tôi nhìn xuống bãi cỏ phía dưới, sáng dưới ánh mấy ngọn đèn đường. Tôi trông thấy cửa chính ngôi nhà đối diện mở ra. Một bóng người lách ra ngoài. Một bóng người rất bé nhỏ, bước đi thoăn thoắt. Trùm áo khoác trắng với mũ choàng che kín mặt. Hai tay khoanh trước ngực, áo khoác không cài khuy. Hai chân để trần, nước da màu đồng. Mang giày nhỏ không gót, như giày vũ nữ. Đi mau và run lập cập trong tấm áo khoác, bóng người băng qua bãi cỏ chẳng hề ngước mắt nhìn lên, đúng hơn muốn giấu mặt trong mũ choàng. Rồi biến mất khỏi tầm mắt tôi. Tôi nghe tiếng thang máy dừng lại ở một tầng dưới – có lẽ ở lầu hai. Đêm sau, tôi thức dậy cũng đúng giờ đó. Tôi đứng trong bóng tối, rình bên cửa sổ. Cửa chính ngôi nhà đối diện mở ra. Một bóng người lách ra ngoài. Một nàng tiên bé băng qua bãi cỏ, trùm trong tấm áo khoác mỏng màu trắng.

Ban ngày, tôi bắt đầu quan sát quanh tôi, tìm chiếc áo khoác trắng. Những người đàn bà tôi gặp đều núc ních mỡ, có vài người mảnh dẻ, dong dỏng, nhưng lại thật cao, đi giày cao gót và mang áo khoác thắt chẽn. Đêm đêm, cánh bướm trắng phấp phới bay qua bãi cỏ, trước mắt tôi. Rồi biến mất cho đến đêm sau. Tôi thèm muốn vụt ra, chạy bổ xuống hết mấy cầu thang, tới gặp cô ta.

Tôi đứng chôn chân bên cửa sổ, ngó đôi giày vải lướt trên cỏ ướt. Sáng ra, tôi làm cuộc điều tra. Chẳng đâu vào đâu. Tôi không dám mở lời với người lớn. Tôi sà vào những đám trẻ con, hỏi chúng có bạn chơi nào là một cô bé mặc áo choàng trắng không. Chúng cười, trốn mất, hoặc lắc đầu. Không ai biết nàng tiên bé mặc áo choàng trắng. Tôi bắt đầu cho là cô đơn và những dục vọng không thỏa đã khiến tôi tưởng tượng ra những bóng ma.

Một chiều, tôi trở về Vườn Táo giữa cơn mưa, tôi ướt sũng, nước nhỏ giọt trên mặt. Đằng trước tôi, một hình dáng màu trắng bước thật mau về phía hai ngôi nhà quét vôi đỏ... một hình dáng nhỏ bé bước những bước ngắn và có vẻ mang một vật rất nặng, một cái đẫy. Tôi rảo bước chạy theo bóng người mặc áo choàng trắng. Đuổi kịp, lấy lại hơi thở, tôi đưa tay lật cái mũ choàng. Tôi nhận ra thằng bé người Madagascar ở lầu hai. Một thằng bé lầm lì. Chừng mười, mười một tuổi. Một lần tôi hỏi nó có biết trong nhà có cô bé mặc áo khoác trắng không, nó quay gót về phòng không nói một lời.

Chúng tôi đứng đó, đối diện nhau, dưới cơn mưa, sững sờ. Nó xách một cái đẫy rất nặng, đầy những chai rượu mùi, rượu chát. Tôi nắm vai nó, Áo này không phải của mày. Nó tránh nhìn tôi, quay đầu về phía Vườn Táo, cứ như mong có người đến cứu. Mưa rơi trên mái tóc xoăn của nó. Thình lình, nó vùng ra, kéo mũ choàng lên đầu. Nó nói, Áo chị tôi, rồi bỏ đi. Câu nói khiến tôi ngẩn người một lúc. Tôi định thần, chạy theo kịp nó. Tôi la, Tao muốn nói chuyện với chị mày. Nó không trả lời, nó đi, đầu cúi, cố bước mau dù cái đẫy nặng chĩu – tôi nghe tiếng mấy cái chai va vào nhau lách cách. Nó nói, Chị tôi không có phép đi chơi, ban đêm chị phải làm việc. Chúng tôi đã đến gần bãi cỏ ngăn cách hai ngôi nhà, bãi cỏ cánh bướm trắng lướt qua mỗi đêm. Thằng bé ngẩng mặt nhìn lên dãy cửa sổ chung cư. Nó giật mình, tôi cảm thấy mối sợ hãi làm tấm thân gầy guộc của nó run lên dưới cái áo choàng. Tôi chăm chú nhìn các cửa sổ. Phía sau một trong những cửa sổ ấy, trên lầu hai, là một người đàn ông vạm vỡ, chỉ mặc áo lót. Tôi đã từng gặp ông ta trong chung cư. Ông thất nghiệp, thường đi đâu về cũng say rượu. Có lần tôi đụng mặt ông trong thang máy. Toàn thân ông bốc ra mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi nôn mửa. Từ trên cửa sổ, ông nhìn chúng tôi. Thằng bé rảo bước, tôi còn muốn hỏi nó thêm một câu. Nó quay lại, hất đầu chỉ người đàn ông trên cửa sổ, bảo, Nếu ông muốn chị ấy đến thăm ông đêm nay, ông phải hỏi cha tôi.

Một người ngụ tại Vườn Táo lấy vợ. Ông tổ chức tiệc cưới trong phòng ăn lớn ở tầng dưới. Ngày thường thì mùi cá rán với mùi khoai tây tỏa khắp các tầng lầu. Ta biết ngay là ngày lễ khi ngửi thấy mùi bánh rán với mùi xúc-xích nướng. Tất cả mọi người trong chung cư đều được mời, theo lời tờ giấy lớn dán trên cửa thang máy, nhưng có những người biết rằng nên tránh tủi hổ phải cáo thoái khi thấy mình là kẻ không ai muốn gần. Nghĩa vụ của tôi đối với những người bình thường, những người sung sướng, là không làm nhục họ bằng sự hiện diện của tôi. Còn vui thú của tôi lại là vi phạm bổn phận người bình thường gán cho tôi, vui thú của tôi là phá tham vọng hạnh phúc của họ, vui thú của tôi là thò đầu ra như con cú kêu vang giữa cuộc liên hoan. Tôi nhanh nhẹn bước vào. Trong phòng chỉ toàn đàn bà. Những người đàn bà vẽ mắt, tô môi, chân dận giày da bóng láng gót đã mòn. Mấy bà già ngồi trên ghế. Những người khác phân tán khắp phòng. Trừ hai người da đen, một người béo phị, mặt mũi hoan hỉ, choàng khăn đỏ rực, một người gầy gò, mặc toàn đen, níu lấy mẹ như một con ruồi sợ sệt, còn thì toàn là người Bắc Phi. Kê sát tường trong cùng, hai cái bàn trống không để bày tiệc. Một đám bé gái mặc áo đỏ từ trong bếp đi ra; tay cầm nhón mấy cái bánh rán còn bốc khói, chúng xé bánh làm hai, moi ra miếng chuối bỏ miệng ăn ngấu nghiến, rồi, đầu ngả ra sau, chúng vừa cười khúc khích vừa nhâm nhi bột bánh đẫm dầu. Bọn đàn bà nhìn tôi, mắt họ cho thấy tôi phá cuộc vui của họ, buổi tối này chắc sẽ thành đại họa, vì người đàn ông xuất hiện đầu tiên lại là cái anh loạn óc ở lầu năm. Tôi đảo mắt nhìn hết mọi người, hi vọng nhìn ra một cái áo khoác có mũ choàng, nhưng cánh bướm trắng không có trong phòng. Tôi cười với bà da đen quấn khăn đỏ và quay gót.

Tôi đã đem ở thư viện về một cuốn sách chọn trên kệ triết học. Khi lật qua cuốn sách, tôi bắt gặp câu, Hay ho gì mà chơi trong một thế giới ai ai cũng gian lận, mà người gian lận đầu tiên chính là tôi. Có lẽ tôi sẽ chẳng đọc hết cuốn sách này, có lẽ tôi sẽ chẳng đọc một giòng nào, tôi chỉ cần biết là tôi có trong túi, sát bên mình, trong túi phải áo vét, cuốn sách có hàng chữ ấy, Hay ho gì mà chơi trong một thế giới ai ai cũng gian lận. Tôi đọc sách đâu phải vì muốn thành uyên bác. Tôi tìm trong sách một dấu hiệu nhận biết. Tôi liếc qua nhiều sách lắm. Thường tôi không thấy gì khác hơn là một cuốn sách, những đoạn văn, những từ ngữ. Giở sách mãi cũng chán. Tôi đã toan thôi. Bấy giờ, phép màu hiện ra. Tôi lấy một cuốn sách, mở ra, và đó, một cái gì đó ra hiệu cho tôi. Những lúc như thế, tôi cảm thấy mình như kẻ đắm tầu trông thấy một bàn tay nơi chân trời, một bàn tay cử động trên mặt nước, một bàn tay sống. Một bàn tay chẳng làm gì được cho tôi. Nhưng vẫn là một bàn tay ra hiệu cho tôi và bảo tôi ít ra chúng tôi cũng là hai người đắm tầu trong biển cả cô đơn này. Hễ một cuốn sách ra hiệu với tôi, tôi đem nó về phòng, đặt trên bàn bên giường ngủ. Thế là đột nhiên căn phòng có người, có một bậc thầy nhủ với tôi, Hay ho gì mà chơi trong một thế giới ai ai cũng gian lận, mà người gian lận đầu tiên chính là tôi. Tôi nhai đi nhai lại câu ấy, đủ cho tôi sống hàng ngày trời, hàng tuần lễ. Lại có khi tôi đem sách bên mình, giữ trong túi. Nó sưởi ấm tôi. Nó như một người bạn mỗi sáng tôi lại gặp lần đầu. Tôi tự giới thiệu, Tôi không phải người ở đây. Nó đáp,I'm a stranger here myself19. Chúng tôi quay lưng lại thế giới, chúng tôi cùng đi về một hướng, chúng tôi đi chinh phục Cõi Không Nơi Nào.

Tôi vừa dán lên tủ tấm ảnh tôi tìm ra trong một cuốn sách ở thư viện – tôi đã xé trang sách có tấm ảnh ấy, giấu vào trong áo đem về nhà. Người đàn bà trong ảnh tên là Käthe K., người Đức, bà vẽ và nặn tượng. Trong thư viện có hai cuốn sách viết về bà. Từ mấy bữa nay, tôi lật giở những tác phẩm về nghệ thuật hoạ hình. Phần lớn những bức vẽ của Käthe K. thể hiện một người mẹ che chở các con trước Tử Thần và rồi chính mình bị Cõi Âm nuốt mất. Không phải những bức vẽ ấy, mà gương mặt Käthe K. khiến tôi chú ý. Trong ảnh, bà chừng sáu mươi tuổi. Mái tóc bạc, trông mướt và mềm, búi ra sau. Mặt nhọn, chỉ thoáng đôi nét nhăn, khiến ta nghĩ đến mặt một con chuột bạch con. Khi đứng trước tủ, đối diện với bà, tôi có cảm tưởng mắt phải bà chăm chú nhìn tôi, còn mắt trái cố đoán xem đằng sau tôi có ai khác không. Käthe K. nhìn tôi; bà nửa là người điên, nửa là thầy tu. Bà là thần bản mệnh cho chung cư Vườn Táo. Bà che chở tôi chống cái chết, chống sự điên rồ. Bà trông chừng cho tôi yên giấc. Tôi tưởng như trong phòng này bớt lạnh, và ngay cái tủ sắt cũng tỏa ra hơi nóng.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/64059


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận