Chương 1 Lộc! Đi đâu vậy mày?
Người đàn ông tên Lộc đang đi quanh khu Eden, dãy phố do người Á-Châu làm chủ tại Tiểu-Bang Virginia, sát bên thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn. Khi chàng ta quay lại nhìn thấy rõ người vừa gọi mình liền reo lên.
-Khôi! Trời ôi! Ngọn gió nào thổi mày đến đây?
Hai người Lộc và Khôi mừng rỡ cùng chạy đến một lượt ôm chầm lấy nhau. Khôi xoa đầu Lộc, đề nghị:
-Năm, sáu năm rồi mới gặp lại mày đó! Đi uống cà-phê chơi!
Lộc gật đầu, hai người bạn rủ nhau vào một quán ăn gần đó, gọi đồ ăn, cà-phê ngồi tâm sự.
Khôi mở đầu câu chuyện: -Sao lúc này gia-đình mày ra sao, khá không? Lộc lắc đầu chán nản: -Hai vợ chồng làm vừa đủ sống. Má tao lại cứ đau lên đau xuống thành ra vợ tao cứ phải nghỉ hoài để chăm sóc cho bà cụ. Cũng may chủ hãng thương tình nên thông cảm chứ vào chỗ khác thì cứ làm hai ngày nghỉ một ngày thì nó đuổi đi mất đất rồi! Còn mày sao? Về bên này chơi hay ở luôn? Đã có ai ‘phụng dưỡng’ hay ‘báo hiếu’ chưa? Khôi lấy thuốc mời bạn đáp: -Tao vẫn làm ‘hội-trưởng hội độc thân’, bị sở gửi đi công-tác sáu tháng, xong việc sẽ trở về. Chút nữa đưa tao tới nhà thăm bà cụ với vợ con mày một chút. Lộc gật đầu nói: -Má tao vẫn nhắc tới mày luôn, vợ tao cũng thế. Gặp lại mày chắc hai người sẽ mừng lắm. Con tao giờ cũng lớn lắm rồi, đang học lớp mười, nó cũng hỏi chú Khôi hoài. Khôi nhìn Lộc, cảm-động nói: -Mày thật đáng trách, tao dặn nếu dọn nhà nhớ cho tao biết địa chỉ vậy mà biệt tăm biệt tích luôn chẳng biết sống chết ra sao! Lộc vội vàng ‘tạ lỗi’: -Xin lỗi mày. Hồi dọn nhà tao bị mất cuốn sổ điện-thoại và địa-chỉ nên có muốn liên lạc với ai cũng đành chịu chết. Hai người bạn cũ ngồi nói chuyện, tâm sự những ngày qua cho nhau nghe một lúc khá lâu mới chịu đi. Lúc Khôi ra trả tiền, cô thủ-quỹ nhà hàng cười nói: -Bàn của anh đã có người thanh-toán rồi, tôi không có quyền thâu tiền. Khôi nghe nói ngạc-nhiên vô cùng vì anh ta mới chân ướt chân ráo về vùng D.C. này. Vả lại anh ta cũng chẳng quen ai tại đây. Mà nếu có là người quen cũ ắt sẽ đến gặp chào hỏi tay bắt mặt mừng rồi. -Xin lỗi, cô có nhầm lẫn không? Tôi mới tới đây, không quen biết ai cả! Cô thủ-quỹ chỉ vào một người đàn ông tại một bàn gần đó nói: -Đó, ông khách ngồi một mình ở bàn bên kia lúc mới vào gọi đồ ăn có dặn tôi là bàn của anh tính chung vào hóa-đơn của ông ấy. Khôi tiến lại bàn người khách lạ ‘tốt bụng’ nọ; người ấy cũng trạc tuổi Khôi và Lộc, dáng người bảnh bao lịch-sự. Khôi thấy ‘có vẻ hơi quen’ hình như đã gặp ở đâu nhưng không tài nào nhớ ra được. -Cám ơn anh rất nhiều! Nhưng anh tha lỗi cho, tôi càng sống càng hồ đồ! Không biết đã gặp anh hồi nào mà chưa nhớ ra được! Người khách cười đáp: -Anh Khôi không nhớ tôi à? Tôi là Văn-Lang. Anh còn nhớ mấy tháng trước ở Chicago không? Chỉ mới gặp lần đầu, hỏi thăm chút đường xá anh đã khảng khái chỉ bảo tận tình, rồi khao tôi một chầu ở phố Argyle đó! Buổi tối còn dẫn tôi đi nghe ban nhạc anh chơi nữa. Anh đánh đàn quá hay, hát thì khỏi nói! Tôi vốn ở D.C., kỳ đó sang Chicago vì được gửi đi công-tác. Còn anh về đây chơi hả? Khôi ‘ồ’ một tiếng sực nhớ lại. Hai người sau đó bắt tay nhau, Khôi nói. -Đúng là trái đất tròn! Công-ty gửi tôi về đây đi công-tác cố mở rộng thị trường buôn bán. Sáu tháng sau sẽ về lại Chicago. Khôi sau đó gọi Lộc đến giới-thiệu. Ba người chuyện trò một hồi khá lâu. Móc danh-thiếp trao cho Khôi và Lộc, Văn-Lang trịnh trọng nói: -Hai anh nếu có gì cần đến tôi xin nhớ gọi nhé, đừng ái ngại gì cả. Khôi và Lộc cũng cho lại địa-chỉ. Khôi khách sáo nói: -Vâng, ở bên này thì tôi phải học hỏi anh rất nhiều. Chia tay Văn-Lang xong, Khôi theo Lộc về nhà thăm gia-đình bạn. * * * -Bác ạ! -Trời ơi Khôi, con! Một bà lão tuổi sấp xỉ 70, người gầy yếu run rẩy ôm chầm lấy Khôi mừng mừng, tủi tủi. -Chú Khôi! Cháu nhớ chú lắm! Một đứa con trai chừng 16 tuổi chạy lại, Khôi đưa tay ra ôm lấy nó xoa đầu ra vẻ trìu mến. -Bình, cháu ngoan, lớn thế này rồi à! Hỏi qua loa chuyện học hành của Bình, con trai bạn, Khôi lấy trong ví tờ 100 đô dúi vào tay nó. -Cháu cầm lấy mà ăn quà. -Cám ơn chú! Lộc cảm động lên tiếng: -Mày cho nó nhiều vậy chỉ làm hư nó ra mà thôi! Khôi cười, xua tay nói: -Có gì mà nhiều với ít, hư với ngoan? Mày chỉ lắm chuyện! Đôi bạn ngồi nói chuyện tâm sự suốt mấy tiếng đồng hồ thì vợ Lộc đi làm về. Thấy Khôi, chị ta mừng rỡ bước lại vui vẻ chào hỏi. -Anh Khôi khỏe không? Trời ơi, lâu quá rồi mới gặp lại anh! Chiều nay ở lại ăn cơm với tụi em rồi mới được về đó nghe! Khôi cũng gật đầu chào lại nhưng lại ‘đề nghị’: -Chiều nay để tôi mời gia đình anh chị đi ăn một bữa mới phải! Lộc cười, lắc đầu xô nhẹ Khôi một cái nói: -Mày chỉ khéo vẽ vời! Năm, sáu năm không gặp tính nết vẫn như thế, chẳng thay đổi chút nào cả! Khôi cười, nheo mắt ‘chọc quê’ lại bạn: -Dĩ nhiên rồi! Có như thế tao mới là tao chứ! Hai người cười giỡn, đùa với nhau rất hồn nhiên như hai đứa con nít, như hồi còn đi học chung với nhau ở tiểu học vậy. Chợt có tiếng chuông reo, vợ Lộc ra mở cửa.-Anh ơi! Có ông Kent chủ nhà đến. Lộc vội vàng đứng dậy nói với Khôi: -Mày chờ tao một chút nghe. Lộc chạy vội ra ngoài tiếp khách. Thằng Bình con của Lộc đem ra một ly trà và cái gạt tàn thuốc đến cho Khôi. Tiếng ông chủ nhà người Mỹ nói oang oang vọng vào bên trong: -Tôi biết, anh đang trong hoàn cảnh khó khăn, vì vậy nên tôi mới du di cho anh bấy lâu nay. Nhưng đến nay là ba tháng rồi, anh phải hiểu cho tôi chứ. Tôi cũng có bao nhiêu thứ phải trả! Tiếng Lộc xì xào hình như là thương lượng điều gì. Chỉ nghe Kent, ông chủ nhà người Mỹ nói lớn: -Thôi được, tôi ra hạn cho anh thêm một tuần nữa. Nếu anh không trả nổi tôi buộc lòng phải lấy lại nhà cho người khác mướn thôi. Chào anh. Nhìn nét mặt lo lắng của vợ chồng Lộc bước vào, Khôi cười nói: -Thôi, mình chuẩn bị đi ăn là vừa! * * * Cầm bao thư đựng 5000 đô tiền mặt nhét vào tay Lộc, Khôi nói: -Mày cầm lấy mà xài, khi nào có đưa lại tao. Lộc cố nén xúc động, lắc đầu: -Khôi, mày làm tao buồn lắm! Tao dù thế nào cũng đâu có thể nhận tiền của mày được! Mày có còn coi tao là bạn không? Khôi tát nhẹ vào mặt Lộc một cái nghiêm-nghị nói. -Đ.M., tao thương cái tính đó của mày, nhưng cũng ghét thậm tệ. Mày lúc nào cũng có khí phách của một người đàn ông, nhưng dùng cái khí phách đó cho đúng chỗ, với đúng người. Bây giờ mày muốn ngoan ngoãn cầm lấy hay là vừa khóc vừa cầm thì bảo thẳng cho một lời? Lộc vỗ nhẹ lên vai Khôi, gọi vợ ra đưa bao thư nói: -Em cất đi, đây là của anh Khôi giúp cho gia-đình mình đó. Vợ Lộc cầm lấy ứa nước mắt, ấp-a ấp úng, nói không nên lời: -Anh Khôi... Khôi vội vàng xua tay: -Thôi thôi, đủ rồi! Nếu hai người còn coi thằng này là bạn thì xin đừng nói gì nữa! Suy nghĩ một hồi, Khôi nhìn vợ chồng Lộc hỏi: -Hai người có nghĩ đến chuyện bỏ vùng D.C. này mà đến nơi khác dễ thở hơn không? Lộc chán nản lắc đầu: -Tao còn biết đi nơi nào nữa! Khôi cố gắng tìm lời nói khéo: -Tao thấy vùng Richmond được lắm, mức sống so với vùng D.C. rẻ hơn nhiều và không đến nỗi bon chen như trên thủ đô này. Dân Việt ở đó tương đối cũng xuề xòa, sống gần gủi nhau nhiều hơn. Tao quen ông Tadao Uechi, xếp của hãng mì gói Maruchan ở trên đó có thể giúp đưa cả hai vợ chồng mày vào làm. Lộc, mày có thể làm phụ tá viên điều hành và vợ mày có thể làm thư ký, đồng thời cả hai có thể giúp công ty thêm về việc buôn bán, cuối năm có huê hồng được lắm. Nếu mày bằng lòng ngày mai tao lên đó nói chuyện với ông ta, tiện thể đi coi nhà mướn hộ cho mày. Trên đó thiếu gì nhà rộng mà giá rẻ như bèo, vả lại cách đây trên dưới chỉ có 100 dặm. Nếu cuối tuần vợ chồng mày thấy buồn thì cứ lái xe lên đây chơi có khó gì! Lộc và vợ ngồi bàn tán với nhau một lúc khá lâu. Sau cùng, cả hai đều tán thành đề-nghị của Khôi. -Thôi, mọi chuyện nhờ mày vậy! Tao cũng bí đường bí lối quá rồi, và chắc chắn không chen chân nổi ở WASHINGTON D.C. này đâu! Không đầy một tháng, Khôi đã lo hết tất cả mọi chuyện chu đáo, hoàn tất cho gia đình Lộc. Gia-đình Lộc sau cùng đã dọn đến Richmond, và với sự giúp đỡ của Khôi, hai người vào làm tại hãng mì Maruchan, lương bổng tương đối khá hậu hỉ lại nhờ mức sống xuề xòa nên ít nhiều cũng dư được chút đỉnh, không bị thiếu thốn như khi còn ở trên D.C. Cứ mỗi tuần một lần, Khôi lại ghé chơi thăm vợ chồng Lộc. Hôm ấy ghé lại chơi, vợ Lộc mang ra một chiếc áo lạnh đưa cho Khôi. -Chiếc áo này chính tay em đan để đặc biệt tặng riêng anh đó. Tuy đan không khéo lắm nhưng đây là tấm lòng chân thàng của vợ chồng em đố với anh. Mong anh nhận lấy mà đừng chê nhé. Khôi đón lấy chiếc áo cảm động nói: -Cám ơn, chị thật chu đáo quá! Nhưng đã là bạn bè thì đâu cần khách sáo như vậy. Vợ chồng Lộc cũng nói mấy lời khiêm tốn đáp lại. Hai người mời Khôi ở lại dùng cơm chiều. Thấy không có gì vội vã, Khôi cũng nhận lời... Nhâm nhi món đậu kho dồn thịt của vợ Lộc làm, Khôi cất tiếng khen: -Đậu kho khéo quá! Thật lâu quá rồi mới được ăn món này. Vợ Lộc cười nói: -Anh nói quá lời! Món này thì quá bình dân, ai chả làm được! Khôi lắc đầu nói: -Chưa chắc! Đồng ý ai cũng làm được nhưng ngon hay dở còn là chuyện khác nữa. Tôi cũng thỉnh thoảng làm đấy, nhưng thật chỉ có một mình tôi là ăn được thôi, vì lẽ quá đói! Còn nói về món ăn thì đâu phải thật cầu kỳ và đắt tiền là ngon đâu! Nếu biết cách nấu thì một cọng rau tầm thường, một đọt xu hay đọt lang, một miếng đậu hũ cũng trở nên quý giá ngon lành như thường. Nói chi cho xa, như tôi đây, cứ đậu kho, canh cải, rau xà-lách xoong trộn dầu dấm thì tôi ăn cả đời vẫn được! Lấy được người vợ hiền lành đảm đang nết na, nấu ăn ngon như thế này thằng Lộc này thật đã tu mấy kiếp rồi! Tôi đến phải ganh tị với nó thôi! Dù chỉ là một câu nói đùa cho mọi người cùng cười nhưng vợ Lộc nghe nói bỗng thấy thương hại bạn chồng vô cùng. Nàng động lòng trắc ẩn than: -Người tốt đầy phúc hậu như anh mà phải ở vậy cho tới bây giờ thật là trời không có mắt chút nào! Anh cần phải có một người nâng khăn sửa túi, cơm nước cho mới được. Để tụi em cố gắng nhìn quanh nghe ngóng xem có ai hiền lành sẽ giới-thiệu cho anh. Tới chừng đó mà từ chối là ‘hổng được’ đó nghen ông! Khôi chắp hai tay ‘bái tạ’ pha trò, vừa cười vừa nói: -Dạ vâng, tuân lệnh ‘chị Hai’! Như sực nhớ ra điều gì, Khôi nhìn Lộc nói: -“Lộc, mày biết không? Bà dì ghẻ và hai đứa em cùng cha khác mẹ của tao sắp qua tới nơi rồi.”. Lộc đang ăn bỗng giật mình thiếu điều buông rơi cả đôi đũa. -Hả? Vậy sẽ ở đâu? Không phải là mày bảo trợ chứ? Khôi cười nhạt, nhún vai nói: -Bộ tao hết chuyện lo rồi hay sao mà lại đi làm cái chuyện ruồi bu, cầm c... chó đái đó! Bỗng sực nhớ ra có Kim, vợ Lộc, Khôi liền xoay qua khẽ cúi đầu: -Ô, xin lỗi chị Lộc. Kim, vợ Lộc cười, không chấp nhặt. Khôi tiếp tục câu chuyện: -Đây là hội USCC bảo trợ, và là vì bố tao lúc trước kia có làm đơn. Đến khi hồ sơ được chấp thuận thì bố tao mất đột ngột. Vì chuyện đã lỡ nên hội từ thiện kia hứa sẽ gánh vác mọi chuyện, sẽ kiếm nhà cho ở, lo cho công ăn việc làm cho bà ấy và hai đứa trời đánh kia!... Còn vì lý do gì thì tao không biết và cũng không cần biết, hay nói trắng ra ra không thèm biết đến. Hội hỏi tao có chịu giúp không thì tao đáp thẳng là ‘không’! Tao chỉ biết khi nào mấy người đó sang đây tao sẽ đem hết số tiền bố tao gửi còn lại khoảng 3000 đồng đưa cả cho họ là xong chuyện. Lúc còn sống, mỗi lần được ai biếu ít tiền thì bố tao để dành gửi tao nhờ mỗi tháng gửi về cho ba mẹ con bà ấy 300 đồng chứ đừng gửi hết một lượt. Nay đã sang đến nơi rồi thì tao chỉ cần giao cho mấy người đó là kể như hết trách-nhiệm, rảnh nợ! Lộc bỗng thấy buồn cho bạn. Chàng còn lạ gì bà dì ghẻ của Khôi hồi còn ở Việt-Nam từng hành hạ, làm nhục Khôi đủ điều. Nào là bỏ đói con chồng, diếc móc con chồng nhiều phen từ trong bữa ăn đến cả giấc ngủ. Những câu nói độc địa, những lời lẽ hiểm ác khiến người khác nghe còn phải muốn chảy máu mắt. Lại còn nhiều phen chính bà dì ghẻ đó lấy tiền của bố Khôi đi đánh số đề, hay làm chuyện riêng tư cho chính bản thân hoặc cho con mình nhưng lại đổ oan cho Khôi ăn cắp. Bố Khôi buồn nhưng không biết làm gì hay phân xử ra sao. Thấy chồng lặng im, bà dì ghẻ sang mách với anh chồng, bác ruột của Khôi. Bà dì ghẻ khéo nịnh nên rất được lòng bác của Khôi cho nên điều gì bà ta nói đều được ông ta tin răm rắp. Chính mắt Lộc trông thấy từng trận mưa đòn dã man từ những cán chổi cho đến những cây gậy gộc hay bất cứ vật nào vớ được từ tay ông bác vụt tới tấp như trời giáng từ trên xuống dưới, lên khắp tấm thân gầy gò ốm yếu của Khôi bạn mình khiến thằng nhỏ ‘lớn hết nổi’! Khi thì bầm tím sưng hết cả mình mẩy; khi thì đi cà nhắc cả tuần lễ chưa hết. Nhiều lần đến nhà Lộc chơi, bà mẹ của Khôi đã nhiều lần bắt Khôi cởi hết quần áo ra để xem. Mỗi lần nhìn những vết tím bầm từ trên xuống dưới, từ sau ra trước khắp châu thân thằng bé, mẹ Lộc thương xót đến rớt nước mắt! Chính tay bà ta sau đó phải đi lấy dầu xoa bóp toàn thân cho Khôi. Mỗi lần thấy Khôi đói lả người bà cũng lấy cơm cho ăn. Thỉnh thoảng bà ta mua cho Khôi cái quần, cái áo, đôi giày, đôi dép, cuốn vở, cây bút v... v... Có thể nói mẹ Lộc thương Khôi như con. Tuy vậy bà ta không bao giờ xúi Khôi làm bậy hay chống lại ai cả mà chỉ khuyên nó cứ sống cho đúng bổn phận làm con, làm người. Và Khôi cũng tìm thấy đượcc hình ảnh người mẹ hiền nơi bà ta. Lớn lên trải đời nhiều Khôi lại càng thấy phục mẹ Lộc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc chính Khôi thèm được chính miệng mình gọi bà ta một tiếng ‘mẹ’ nhưng rồi lại tủi thân khóc thầm, không dám nghĩ đến nữa. Và cũng do hoàn cảnh đưa đẩy mà Khôi với Lộc trở nên đôi bạn tri kỷ. Lộc vốn mồ côi cha từ nhỏ trong khi Khôi mồ côi mẹ. Hai người ít nhiều cũng đồng tình cảnh ngộ nên lại càng thương nhau hơn. Từ tấm bánh, cây kẹo, hai người đều chia cho nhau trong những ngày thơ ấu còn cắp sách đến trường. Lộc to con mạnh khỏe nên không ai dám đụng. Khôi vì nhỏ con gầy gò ốm yếu nên thường bị chúng bạn ăn hiếp luôn. Mỗi lần Khôi bị ăn hiếp là Lộc lăn xả vào bênh vực, sẵn sàng dùng đến võ lực với bất cứ kẻ nào bất cứ lúc nào. Nhờ vậy sau này không còn ai dám đụng đến Khôi nữa vì biết nếu muốn đụng đến Khôi tức là phải ‘bước qua xác Lộc’. Hai người dù trên danh-nghĩa là bạn nhưng tình đối với nhau chẳng khác gì anh em ruột thịt, nếu không muốn nói là hơn. Do hoàn cảnh đưa đẩy, hai người cùng sang được Hoa-Kỳ. Lộc đi được cả gia-đình, nhưng Khôi chỉ sang được một mình nhờ hồi chạy loạn năm 1975 bố Khôi gửi chàng tại nhà một người bạn. Gia-đình bạn của bố Khôi lúc rời Việt-Nam mang Khôi đi cùng. Lộc lập gia-đình sớm, 20 tuổi đã làm cha trong khi Khôi vẫn ở độc thân suốt bấy nhiêu năm trời. Rồi nhiều năm khác trôi qua, Lộc vất vả, chật-vật kiếm sống lại phải phụng dưỡng mẹ già nên vấn-đề tài-chánh càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó Khôi gặp may mắn khá giả hơn, có việc tốt lành hơn. Thấy bạn túng thiếu, Khôi vẫn thường giúp đỡ đều cho đến khi chàng được việc tốt hơn tại một tiểu-bang khác phải ra đi. Lộc sau đó cũng dọn nhà nhưng đánh mất địa-chỉ Khôi nên suốt một thời gian lâu hai người hoàn toàn mất liên lạc... Rồi bố Khôi sang được Hoa-Kỳ do chính Khôi bảo trợ. Ở chung với con được vài năm, bố Khôi lâm trọng bệnh mà mất. Bố Khôi mất không bao lâu thì đôi bạn tình cờ gặp lại nhau... Và hết miếng cơm, Khôi buông đũa xuống nói. -Ôi, ăn thua gì! Đời họ họ lo, đời tao tao lo. Chẳng ai phiền ai hết là xong, có gì mà phải bận tâm! Dù vậy, Lộc vẫn hiểu rõ Khôi muôn đời cũng còn hận bà dì ghẻ ác độc kia đến thấu xương. Đối với hai đứa em cùng cha khác mẹ, vốn dĩ Khôi không ghét bỏ, định bụng sẽ giúp đỡ nhưng qua bao lá thư với những lời lẽ xấc xược hỗn láo, Khôi nổi giận, quyết định xem chúng như chưa hề hiện-hữu có mặt trên cõi đời này. Nghĩ lại chuyện xưa thời thơ ấu, Lộc gượng cười. Lòng chàng vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình có được người bạn tốt như Khôi. Buồn vì nghĩ bạn mình quá khổ về tinh-thần, cho đến giờ này cũng chưa được yên... * * * Cửa mở, một người con gái khoảng 25 tuổi trông khá xinh xắn, đứng soi bói nhìn Khôi hỏi: -Xin lỗi, ông là ai? Đến đây có việc gì? -Tôi là Khôi, làm ơn cho tôi gặp bà Hội. Tôi đến để giao lại toàn bộ số tiền của bố tôi gửi cho bà ấy. Người con gái tỏ vẻ mừng rỡ reo lên: -A, anh Khôi đó hả? Em là Trúc, em của anh đây mà. Vào đây anh! Khôi vừa đi vừa mắng thầm trong bụng: -“Đúng thật là mẹ nào con nấy! Hễ ngửi thấy mùi tiền là mắt sáng rỡ lên!”. Trúc, người em gái cùng cha khác mẹ của Khôi vừa chạy vừa la lớn: -Mẹ ơi! Anh Khôi đến kìa! Phát đâu, mau xuống chào anh Khôi đi! Từ trên thang lầu có tiếng người đi cồm cộp. Không đầy một phút sau, một người đàn bà tuổi chừng 55 và một đứa con trai vào khoảng 18 bước xuống. Cả hai người cùng reo lên một lượt: -Anh Khôi! Khôi lạnh lùng nhìn hai người. Bà Hội giờ tóc cũng có phần bạc đi nhiều. Đã trên 20 năm rồi Khôi mới gặp lại bà Hội. Chàng phải cố hết sức để dằn lòng khi nghĩ đến chuyện xưa. Nếu bảo là trên đời có một người chàng căm thù, ghét cay ghét đắng thì chính là người đàn bà này. Thời-gian trôi qua tạo nên biết bao nhiêu sự đổi thay, nhưng lửa hận thù của Khôi vẫn không vơi đi chút nào cả. Bà Hội liếc nhìn Khôi, cười nhạt rồi quay qua đứa con trai nói: -Phát, đi rót nước mời anh. Khôi liền giơ tay ngăn lại: -Khỏi cần. Tôi đến đây để giao số tiền bố gửi lại cho cô rồi đi ngay. Ngày xưa, Khôi thường gọi bà ta là ‘cô’ xưng ‘cháu’ chứ không bao giờ gọi là dì mặc dầu bà ta là mẹ ghẻ của chàng. Bây giờ đã lớn, chàng chỉ xưng ‘tôi’ chứ quyết không xưng ‘cháu’ như hồi còn nhỏ. Không phí phạm thời giờ, và cũng không cần đợi phản ứng của ai ra sao, Khôi móc trong người ra một xấp tiền đựng trong một cái phong bì đặt lên bàn nói: -Đây là số tiền 3000 Mỹ-Kim bố gửi tôi, giờ tôi giao lại cho cô. Bà Hội cầm số tiền đếm đủ trước mặt chàng rồi nói: -Hình như tôi nghe bố nói là mỗi đầu người sang đây được chính-phủ cho 10000 Mỹ-Kim thì phải. Khôi nghe nói suýt nữa bật cười thành tiếng. Chàng ‘hừ’ giọng mũi một tiếng rồi khinh khỉnh nói: -Cái đó tôi không biết, có hỏi thì hỏi hội bảo trợ USCC ấy! Tôi không phải là người bảo trợ của cô cũng như Trúc và Phát, có hỏi tôi cũng vô ích mà thôi. Bố gửi tôi số tiền này nhờ gửi cho cô mỗi tháng 300 trước đây. Giờ bố mất rồi mà cô đã sang đến đây thì tôi giao tất cả toàn bộ lại cho cô thế là xong. Việc của tôi đến đây đã chấm dứt. Xin chào! Bà Hội nhìn Khôi một lúc rồi buông tiếng hỏi: -Anh Khôi sao tự nhiên đâm ra lạnh lùng quá vậy? Khôi cười gằn. ‘Bộ phim’ cũ hơn 20 năm được quay lại trong trí chàng. Đó là quãng đời đen tối nhất chàng muốn quên đi mà không được. Nay bà Hội lại hỏi một câu móc họng như thế khiến lòng hận thù của Khôi lại bùng cháy ngất lên. Với cặp mắt uất hận, chàng dằn rõ từng tiếng: -Các người hãy tự hỏi lấy các người! Phát, đứa con trai bưng nước lại mời Khôi để ‘làm lành’. Khi gần đến nơi đột nhiên nó trợt chân ngã. Theo phản ứng tự nhiên, Khôi vội vàng đưa hai tay đỡ lấy nó. Nhờ chàng đỡ nên Phát không bị ngã chúi xuống đất, nhưng ly nước lạnh thì đổ hết lên người Khôi khiến chàng ướt đẫm cả áo lẫn quần. Phát có vẻ luống cuống, e ngại xin lỗi luôn mồm. -Anh tha lỗi cho em! Em vô ý quá! Để em đi lấy khăn lau cho anh. Đoạn gã đi lấy ra một chiếc khăn bông lau sơ quần áo cho Khôi. -Thôi được rồi, không cần đâu! Trúc từ nãy giờ im lặng chợt có dịp để lên tiếng: -Họa này là nó gây ra, vậy anh cứ để cho nó giải quyết có sao đâu. Phát giơ nắm đấm hướng về phía Trúc nghênh mặt nói: -Cái này nè! -Đồ cái thằng mất dạy! -Bà là má tui hả? Bà Hội thấy hai ‘cục cưng’ của mình ăn thua đủ với nhau trước mặt Khôi như vậy thì sợ bị chàng khinh cho nên vội vàng lớn tiếng quát cả hai: -Hai đứa có câm mồm ngay không? Chẳng ra cái thể thống gì hết! Thật chị chẳng ra chị, em chẳng ra em! Khôi chẳng thèm để ý, chàng quay lưng toan bỏ về. -Anh Khôi! Vậy anh tính sao về chuyện tiền chính-phủ cho ba mẹ con em đây hả? Nghe một câu vô nghĩa hỏi đi hỏi lại bằng nhiều hình-thức khác nhau cộng thêm cái giọng trịch thượng của Trúc, Khôi cảm thấy nóng máu khôn tả. Chàng cố dằn, không thèm quay mặt lại, chỉ nói vắn tắt: -Đi mà hỏi chính-phủ. -Mẹ em xưa đối với anh như thế nào mà bây giờ anh lại trở mặt thế? Nghe giọng của Phát, Khôi cũng chẳng buồn quay lại. Chàng vẫn theo mửng cũ trả lời: -Mày cứ hỏi mẹ mày. -Anh không còn coi tụi em là em của anh nữa hay sao? Lần cuối cùng Khôi gặp Trúc thì con bé chỉ mới có bốn tuổi. Phát lúc bấy giờ chưa sinh ra đời. Tình cảm của Khôi đối với Trúc vốn rất là ít nếu không muốn nói là chẳng có chút nào. Đối với Phát thì thật không có gì đáng nói cả, vì chàng chỉ mới gặp nó lần đầu. Cùng lắm là chỉ có cái tiếng ‘cùng cha’ mà thôi. Nhớ lại những lá thư hai đứa viết cho mình trong những năm qua, Khôi giận muốn điên lên. Chàng mở cửa, quay lại nhìn nói một câu chót trước khi ra về: -Tụi mày có bao giờ coi tao là anh đâu! Vừa đóng cửa, chàng nghe có tiếng bà Hội nói vọng ra: -Đồ cái thứ cướp giựt! Nghe đến câu này thì Khôi không còn nhịn nổi nữa. Chàng xô mạnh cánh cửa vào trong nhìn bà Hội quát lên: < 1a84 br />
-Cái con mụ khốn kiếp kia! Mày có giỏi thì lập lại những lời mày vừa nói xem? Nhìn mặt Khôi sát khí đằng đằng, cả ba mẹ con im thin thít không ai dám nói gì. Khôi nói như gào thét: -Mày đã hà hiếp tao, hành hạ tao, và vu oan giá họa cho tao, làm nhục tao biết bao nhiêu phen rồi? Thế còn chưa đủ hả? Quá tức giận, Khôi hét lên một tiếng như trời gầm, dùng hai tay lật nguyên cái bàn xuống đất. Ba mẹ con bà Hội run lên cầm cập, lui lại phía sau mấy bước. Khôi đấm vào tường đánh ‘bộp’ một tiếng lớn tiếng chửi tiếp: -Quân mạt kiếp! Từ giờ tao không nhịn nữa đâu! Khôi lao xuống bếp, vồ lấy một con dao treo ở gần đó, cặp mắt long lên sòng sọc nhìn bà Hội, nói rít lên giữa hai hàm răng: -Đứng im! Đứa nào nhúc nhích tao sẽ cho về chầu Diêm-Vương ngay! Trúc thét lên kinh hãi bỏ chạy, liều tông cửa ra ngoài. Bà Hội run lên, hai đầu gối đập vào nhau cầm cập. Phát đứng im tựa như hai chân bị chôn chặt xuống dưới đất. Cơn phẫn uất của Khôi đã lên đến cùng cực. Chàng nhắc lại từng chi-tiết những chuyện xưa bị bà Hội hành hạ vu khống oan ức thế nào, chẳng khác như quan-tòa đọc bản án trước mặt bị can trước khi đem xử. Khôi giơ cao ngọn dao hét: -Đồ chó chết! Đồ tàn ác! Đồ dã man! Mày phải đền tội! Tao sẽ xẻo từng miếng thịt của mày!-Khôi! Dừng tay! Khôi khựng lại một cái. Lộc không biết xuất hiện từ lúc nào. Chàng đưa tay ra nhìn Khôi nói lớn: -Khôi, bình tĩnh lại! Đưa con dao cho tao! Giọng của Lộc không có vẻ giận dữ, nhưng đầy vẻ nghiêm-trang. Khôi nhắm mắt thở dài. Và không biết lời nói của Lộc có mãnh lực như thế nào mà chỉ thấy Khôi xoay ngược cán dao lại đưa cho chàng sau một phút đăm đăm nghĩ ngợi. Lộc cầm lấy con dao quăng ra xa vào một góc xó, nhìn Khôi điềm tĩnh nói: -Những gì đã qua cho qua luôn đi Khôi. Mày có giết cái hạng người này đi thì chỉ tổ làm bẩn tay thôi chứ ích lợi gì đâu. Hãy để cho nó sống mà trả nợ những tội ác của nó coi bộ hay hơn nhiều. Đoạn Lộc bước tới vỗ nhẹ vai Khôi nói: -Thôi, mình về đi. Khôi ngoan ngoãn đi theo Lộc ra ngoài. Bà Hội và Phát thở phào nhẹ nhõm như vừa ‘chết đi sống lại’. Lộc và Khôi vừa ra cửa chợt thấy Trúc từ đâu chạy hồng hộc vào nhà. Đến sau là một người đàn ông trạc tuổi hai người, ăn mặc hết sức sang trọng bảnh bao. Hai người đang nhìn người đàn ông quan-sát thì Trúc lại chạy ra vội kêu lớn: -May quá anh, chưa việc gì. Lúc đó, người đàn ông mới nhìn Khôi và Lộc tự giới-thiệu: -Tôi tên là Quý, xin lỗi anh nào là Khôi? Khôi tự chỉ vào mình đáp: -Là tôi đây. Anh là ai, cần gặp tôi có chuyện gì? Người đàn ông tên Quý gật đầu nhìn Khôi giọng châm biếm: -Tôi là em rể tương-lai của ông đây. Vì ông dù sao cũng sẽ là anh vợ tương-lai, nên tôi muốn tôn trọng. Nhưng xin ông hãy nể mặt mẹ vợ tương-lai của tôi một chút. Nếu bà ấy có mệnh hệ gì thì xin lỗi, ông không còn đất mà dung thân đâu! Thì ra Quý là ‘kép’ của Trúc mới quen. Khôi thầm ‘phục’ con bé mới sang chưa được bao lâu mà đã biết đi làm quen thật mau lẹ như thế. Và chưa gì coi bộ hai bên đã ‘thề non hẹn biển’ với nhau rồi. Thật là ‘chuyện tình yêu thời nguyên-tử’, chàng thầm nghĩ thế... Trước những lời hăm dọa của Quý, Khôi không nhịn được bèn sấn tới, hất hàm lên giọng thách-thức: -Mày dám làm gì tao nào? Có dám ăn c... tao không? Quý cười như châm chọc nói: -Tôi có đủ tiền để chơi cho ông sạt nghiệp, cho ông tù rục xương. Khôi nắm hai nắm đấm lại nói: -Tao thì chỉ có đôi tay này thôi cũng đủ để cho mày không sống mà xài hết nổi tiền của mày... Lộc thấy chuyện bực mình càng lúc càng nhiều, càng chồng chất thì chịu không được bèn gọi lớn: -Khôi! Kệ cha chúng nó! Tranh luận với ba cái hạng thú vật đó làm gì! Có lợi ích gì không? Mình về đi thôi! Chàng không muốn day dưa rắc rối thêm nên mặc kệ không cần biết bạn mình có đồng ý hay không liền kéo tay Khôi lôi đi thẳng một mạch không thèm ngoảnh mặt lại. Khôi và Lộc đi rồi, một người đàn ông Mỹ da trắng khoảng trên dưới 30 tuổi từ đâu bước tới. Quý nhìn người đàn ông Mỹ hất hàm cười hỏi: -Đâu vào đó hết chứ, Randy? Người đàn ông người Mỹ tên Randy cười nói: -Yên chí. Tôi đã chụp đủ cả hai người đó tại nhiều khía cạnh khác nhau. -Tốt lắm! Mai tôi sẽ đưa lên sở cảnh-sát rồi sẽ tìm một luật-sư cho mẹ vợ tương-lai của tôi để tố cáo nó. Tôi sẽ làm cho nó điêu đứng, xấc bấc xang bang để nó biết tay thằng Quý này không phải dễ chọc. Dứt lời, Quý ôm Trúc hôn một cái. Cả hai cùng cười lớn ra vẻ thích thú vô cùng...