CUỐI năm 1969, cả Sài Gòn xôn xao vì mới tìm ra một lưới tình báo quân sự của Việt Cộng nằm ngay trong những cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Báo chí đưa tin bằng những hàng tít lớn: "Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại"[1], "Vụ án chính trị của thế kỷ"[2]. Các bị cáo đều là những nhân vật quan yếu trong chính phủ Sài Gòn: người là cố vấn đặc biệt của tổng thống, người là cấp bộ trưởng, người là tham chánh văn phòng bộ chiêu hồi... Có nhà bình luận còn nói trong số những người bị đưa ra xét xử, có người được coi là ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ sắp tới. Những cơ quan thông tin đại chúng nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, đã đưa nhiều tin tức về vụ án. Năm 1983 trong cuốn hồi ký của mình[3], Ralph McGehee, một nhân vật CIA kỳ cựu, đã nhận chính CIA dã làm áp lực mạnh mẽ với tổng thống Thiệu để tiến hành chiến dịch phá lưới gián điệp này. Vì nội vụ đề cập tới những nhân vật quan yếu trong chính phủ, những nhà hoạt động chính trị xã hội có uy tín rộng rãi trong quần chúng, nên người phúc trình tin tức đã được chính Dale Waites kiểm tra bằng máy dò sự thật (Polygraph Tost).
Cuối cùng, ngày 28-11-1969, chính quyền Sài Gòn đã cho mở phiên tòa quân sự tại Sài Gòn để xét xử những bị can. Trên một trăm ký giả trong và ngoài nước đã có mặt tại Nha Quân pháp ở đại lộ Bạch Đằng chật ních người đến theo dõi vụ án.
Bản cáo trạng dài 23 trang, đọc hết một tiếng rưỡi đồng hồ. Theo tường thuật trên báo chí, "Vụ án này rất căng thẳng và quan trọng, vì qua hồ sơ không có một đảng phái chính trị nào, một nhân vật chính trị nào mà không có liên quan ít nhiều đến vụ án. Xếp hồ sơ đó nặng gấp 200 lần so với bản cáo trạng đã đọc..."[4].
Sau ngày giải phóng Sài Gòn, chúng ta đã tìm được toàn bộ những hồ sơ đó tại Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia của chính quyền Sài Gòn. Trong tập 1 của hồ sơ, có thể trích ra vài nhận xét sau đây: "Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. (...) Cụm A.22 hoạt động và phát triển đều đặn và đã thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu và xuất sắc... Cụm đã phát triển một hệ thống diệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam cộng hòa (...) Những tin tức chiến lược mà Cảnh sát Quốc gia biết họ đã cung cấp, đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh hiện nay. (...) Các dự án quốc gia đều được Cụm A.22 thu thập và phúc trình và nhờ cụm tình báo chiến lược mà các cấp lãnh đạo Hà Nội biết nhiều điều cơ mật mà chính các Tổng Bộ trưởng Sài Gòn không biết. (...) Họ đã tiếp xúc được với các yếu nhân Việt Nam và cũng gặp gỡ đàm luận dễ dàng với các yếu nhân Mỹ như CONLON, HEAVNER, SMITH, COLBY, BURGER..."[5].
Các báo chí Sài Gòn đều ghi nhận "tất cả bị can đều có nét mặt tươi cười và rất tự nhiên", "như đi dự đám cưới", "tất cả cũng vẫn có vẻ đẹp trai"... Hơn hai mươi luật sư biện bộ, trong đó có những người danh tiếng nhất, đứng sau lưng họ.
Phiên tòa trở thành diễn đàn vạch rõ những mâu thuẫn trầm trọng của chế độ Sài Gòn, giữa chính quyền với các đảng phái, tôn giáo, đồng minh chiến lược Hoa Kỳ, giữa những cá nhân trong những tổ chức nảy, với những bằng chứng cụ thể không thể bác bỏ, và công khai tuyên truyền cho đường lối hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Một luật sư đã nói: "Là người biện hộ trong vụ án, tôi như ếch ngồi đáy giếng mà miệng giếng đã bị tổng thống Thiệu đậy lại rồi...".
Vũ Ngọc Nhạ, người bị tố cáo cầm đầu lưới gián điệp, xuất hiện trước tòa với bộ áo trắng, quần đen, cravat nâu, ung dung cầm một xấp giấy trắng, miệng luôn luôn tươi cười. Riêng anh từ chối nhờ luật sư biện hộ cho mình và cũng không tự bào chữa. Anh tuyên bố những việc mình đã làm chỉ có lịch sử phán xét. Tất cả những bị can không ai có một lời đề nghị được khoan hồng. Nhạ và hai đồng đội chính của anh đã bị án chung thân khổ sai. "Lần đầu trong một vụ án quan trọng và trước những bản án nặng nề, người ta không hề ghi nhận một tiếng khóc nào và chỉ thấy những gương mặt vui thân và nghe những tiếng cười..."[6].
Trước rất đông công chúng tụ tập ở cửa tòa án, vây quanh chiếc xe bịt bùng đưa những người vừa bị kết án về trại giam, Nhạ nói với mọi người: "Các bạn cứ chờ xem, một trang sử mới sắp lật qua. Không còn bao lâu nữa đâu!". Anh và các bạn hướng về những máy ghi âm, ống kính truyền hình, máy ảnh của những ký giả nước ngoài chõ về phía họ, nói bằng tiếng Pháp và tiếng Anh: "Cuộc đấu tranh chưa kết thúc, đến đây chỉ mới tạm dừng. Chúng tôi ra đi nhưng nhất định chúng tôi sẽ trở về..."
Họ đã giữ đúng lời hứa. Ba năm sau đó, họ lại xuất hiện ở Sài Gòn, tiếp tục cuộc chiến đấu trên mặt trận thầm lặng cùng với bao nhiêu đồng chí khác, trong đó có nhiều người dã lập nên những kỳ tích mà chúng ta còn chưa biết tới.
Vụ án trở thành một vấn đề thời sự sôi nổi. Dư luận cho là nó còn chứa đựng nhiều nghi vấn. Theo nguồn tin từ dinh Độc Lập, tổng thống Thiệu trong những cuộc trao đổi riêng tư đã nói đây là một việc làm xấu xa của CIA nhằm bôi nhọ uy tín cá nhân mình. Sau đó lại có tin tỉnh trưởng Côn Sơn (Côn Đảo) đã bị thay. Người ta nói tổng thống đưa người của mình ra nắm quyền hành ở Côn Sơn, để chăm sóc ông cố vấn vừa ra đó bắt đầu cuộc sống lưu đày. Giáo hoàng Paul VI cũng gửi tới Côn Sơn tặng ông nguyên cố vấn huy chương "Vì Hòa bình" với một bức thư tỏ lòng ngưỡng mộ người chiến sĩ Công giáo đã cống hiến nhiều cho hòa bình vì lý tưởng thiêng liêng của Chúa.
Cho đến những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn tháng 4-1975, Nguyễn Văn Thiệu vẫn giữ quan hệ với người cố vấn cũ của mình, coi đây là một mối quan hệ tốt đẹp trong suốt cuộc đời chấp chính.
Tập hồ sơ sau đây sẽ đưa ra ánh sáng những vấn đề đến nay còn chưa rõ ràng chung quanh vụ nghi án. Nó được trình bày dưới dạng tiểu thuyết để cho về hình thức đỡ khô khan. Tuy nhiên, điều mong mỏi chủ yếu của tác giả là được chuyển tới bạn đọc những sự kiện, những chi tiết chân xác, với những con người thật.
Bạn đọc có thể gặp nhiều nhân vật của cuốn sách này đang tiếp tục cuộc sống bình dị của họ sau những biến cố lịch sử ở nước ta, cũng như ở đâu đó một số nước ngoài. Nếu có những điều sai sót về họ, tác giả rất mong sẽ được chính họ góp ý kiến để bổ cứu cho lần in sau nếu cuốn sách có được may mắn đó. HỮU MAI ---
[1] Báo Thời thế ngày 1-12-1969.
[2] Báo Cấp tiến ngày 29-11-1969.
[3] Sự lừa dối khủng khiếp - Deadly deceits, New York 1983
[4] Báo Chính luận ngày 29-11-1969.
[5] Hồ sơ mật về Cụm tình báo chiến lược A .22 của Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia, tập I, tr. 38, 40, 41, 42, 43.
[6] Báo Sài Gòn mới, ngày 1-12-1969.