Chừng nửa năm nay, những quan chức, nhân viên và lính gác ở phủ tổng thống đã quen mặt ông phụ tá của cha Lê.
Lúc đầu, ai cũng chú ý đến người trung niên bé nhỏ, vầng trán cao, mắt nhìn thẳng, quần áo giải dị, dáng vẻ khiêm nhường, hay ra vào nơi làm việc của ông cố vấn chính trị. Ông ta ít quan tâm đến xung quanh, không gần ai, nhưng cũng không làm ai khó chịu. Có người nói đó là một ông giáo. Có người bảo ông là thầy tu không mặc áo chùng đen. Bề ngoài, ông giống cả hai loại người này, những người nặng về cuộc sống tinh thần, không biết những chuyện xoay xỏa trong cuộc đời. Sự có mặt thường xuyên của ông ở phủ tổng thống, báo hiệu quan hệ giữa tổng thống với cha Lê lúc đầu là đối địch, rồi lạnh nhạt, nay dần dần được cải thiện. Sau đó, không mấy ai để tâm đến ông nữa. Vì hình ảnh rất ít thay đổi của ông đã trở thành quá quen thuộc với mọi người.
Riêng Ngô Đình Nhu vẫn thấy mình chưa hiểu được người phụ tá của cha Lê.
Tờ trình của anh ta, do Ngô Đình Cẩn gửi từ Huế vào, thuộc loại giấy tờ lần đầu xuất hiện ở Phủ tổng thống. Đã có nhiều người công kích chế độ, nhưng chưa ai dám thẳng thừng, vạch ra những nhược điểm có thực của chế độ như anh ta. Có phải vì muốn làm một việc thiện nhân ngày Đức Mẹ lên Trời, và vì trách nhiệm đối với quốc gia, với giáo hội, mà anh ta nêu ra bốn nguy cơ của chế độ không? Cha Lê không có thiện chí với chính quyền hiện nay như vậy, mà anh ta lại là phụ tá của cha Lê. Hay anh ta định làm áp lực với tổng thống và mình, như cha Lê vẫn thường làm...? Rất khó tin đây là một việc làm thiện chí như anh ta nói.
Cơ quan mật vụ của Nhu đã nhanh chóng báo cáo, Vũ Đình Long, Vũ Ngọc Nhạ, Hoàng Đức Nhã chỉ là một người mà giáo dân Bình An hay gọi là thầy Bốn. Anh ta là người thân tín của cha Hoàng, có hoạt động rất rộng trong giáo dân di cư, và những đoàn thể tôn giáo. Nhu định bụng nhắc cậu Út, đừng để bọn tay chân làm càn, bạ ai cũng nghi là tình báo, là Việt Cộng. Lúc đầu, Nhu chỉ định khai thác ở Hai Long một số thông tin cần thiết, rồi bảo Cần đã biết là bắt lầm thì thả anh ta về, không cần gây sự gì thêm với cánh Phát Diệm...
Nhưng khi nhận dược bản báo cáo một âm mưu đảo chính là nguy cơ trước mắt, và sau đó cuộc đảo chính đã nổ ra, thì Nhu thấy không thể bỏ qua con người này. Chính vì anh ta mà Nhu phải ra Huế. Trong cuộc trao đổi, Nhu nhận thấy anh ta, mặc dù với cách nói năng lễ độ, đã ngang nhiên bác bỏ một số ý kiến của mình bằng sự lý giải và lập luận khá chặt chẽ. Nhu ít gặp những con người như vậy. Và cuộc trao đổi rõ ràng là bổ ích. Tuy anh ta luôn nhắc nhiều ý kiến là của Đức cha Lê, nhưng những lập luận này, là của chính anh ta. Không thể khác được. Trong đó, có những điều quan trọng mà anh ta nói dối. Cha Lê không ra Huế để dùng anh ta "báo nguy" cho chế độ. Cha chỉ nói cho người phụ tá của mình biết đang có một âm mưu đảo chính. Và anh ta đã tự ý nói cho Cẩn, để Cẩn báo cho mình phải đề phòng. Vì sao anh ta làm việc đó? Thậm chí trong bản báo cáo, anh ta còn nói những lời bất lợi cho cha Lê: "Cha có thái độ bàng quan đối với cuộc đảo chính". Như vậy tức là trái tim của anh phụ tá náy không còn thuộc về cha. Anh ta vẫn đề cao thiện chí của cha đối với chế độ, nhưng trong thực tế anh ta đã phản cha!... Có lẽ Cẩn đã mua chuộc được anh ta. Cẩn giỏi về mặt đó. Phần lớn những người Cẩn dùng là bọn chiêu hồi. Nhưng Cẩn không có điều kiện để khai thác tối đa con bài này. Mà có thể y còn làm hỏng việc. Vậy thì mình phải nắm ngay lấy anh ta... Nhu đã nhanh chóng quyết định đưa ngay Hai Long về Sài Gòn, Hai Long sẽ "nằm vùng" ở chỗ cha Lê để thông báo kịp thời những âm mưu của bọn đối lập, kể cả của Đức cha.
Từ ngày Hai Long về Sài Gòn, Nhu nhận thấy người phụ tá của cha Lê tiếp tục giúp đỡ mình nhiều việc có ích. Nhu đã trực tiếp nói sẽ thỏa mãn mọi yêu cầu, tạo điều kiện tốt cho anh ta hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng anh ta chưa hề đề nghị y giúp đỡ bất cứ điều gì. Và trong khi làm những việc cho y, anh ta vẫn giữ đúng cương vị là người phụ tá của cha Lê, không hề nhích lại gần y hơn trước. Tại sao lại như vậy? Nếu y đã nhận xét lầm, anh ta vẫn một lòng một dạ với cha Lê, anh ta không cần chi ở mình, thì sao anh ta cứ làm đủ mọi việc, cố tình lập công với chế độ?
Bọn mật vụ của Lê Quang Tung vẫn theo sát Hai Long, như chúng đã thường xuyên bám sát những nhân vật quan trọng có quan hệ với cha Lê và cha Hoàng. Theo báo cáo của chúng: gia đình Hai Long rất nghèo, hàng ngày anh phải chở hàng ra chợ cho vợ bán rau quả để sinh sống. Ngày nào anh cũng vào thư viện đọc sách về thần học. Anh ta cùng với cha Hoàng đi khắp nơi, gặp các đảng phái tôn giáo, vào Tòa Tổng giám mục, vào Tòa Khâm sứ. Anh ta có quan hệ rất rộng rãi với những phe nhóm đối lập...
Đôi lúc, Nhu đã có ý nghĩ: hay hắn ta là một tên khiêu khích do cha Lê cử tới để dò la mình? Cha Lê, một con cáo già, người của Pháp và Vatican, không thể nào hòa giải với mình chừng nào mình còn dựa vào Mỹ? Cha Hoàng còn hơn thế. Ông không bao giờ quên mối thù mình đã bắt và quản thúc ông. Ông thừa biết người của Lê Quang Tung vẫn bám quanh nhà thờ Bình An... Nhưng Nhu đã gạt sự nghi ngờ này. Giả dụ cha Lê có trao cho Hai Long nhiệm vụ đó, và anh ta có nhận, nhưng vào việc anh ta đã không làm như vậy. Anh ta đã giúp mình những việc rất lớn mà bọn an ninh, mật vụ của mình không thể làm được.
Hay hắn ta là Cộng sản, đích thực là một tên tình báo của Bắc Việt, chứ không phải bọn Dương Văn Hiếu đã bắt lầm? Nhưng sự nghi ngờ này còn tan nhanh hơn những nghi ngờ khác. Cha Thục có thể nhận lầm một tên Cộng sản. Nhưng Cẩn không thể lầm. Và cha Lê, cha Hoàng càng không thể lầm!
Vậy cái gì đã thúc đẩy anh ta đến với mình?... Anh ta muốn một ghế tổng trưởng hay một vị trí lãnh tụ trong khối Công giáo?... Mình sẵn sàng giúp anh ta thành đạt những tham vọng đó, nếu anh ta chính thức trở thành người của mình. Nhưng đến cả điều này cũng chưa rõ...
2.
Lệ Xuân hỏi chồng:
- Hai Long ngày trước là sinh viên?
- Đang học tú tài năm thứ nhất thì vào quân đội Pháp. - Nhu đáp.
- Bữa nọ anh ta nói, hồi ở Pháp, làm gérant[1] cho một nông trang trồng nho. Anh ta quen biết nhiều cha cố và sĩ quan Pháp, kể cả linh mục Jean Cassaigne.
- Phần lý lịch của Hai Long, Lê Quang Tung đã xác minh. Năm 1952, bỏ bộ đội Việt Minh về Hà Nội học. 1953, vào quân đội Pháp, làm secrétaire comptable[2] cho 22e Bataillon Génie[3], đã cùng quân đội Pháp vào Nam, sau đó sang Pháp, được hai năm thì trở về nước. Anh ta đang làm những gì cho cha Lê và cha Hoàng, còn chưa biết. Hai Long có đầu óc analytique[4].
- Đầu óc lộn xộn, - Lệ Xuân vừa nói vừa cười - phần tinh khôn, những lý lẽ phân tích anh ta mượn của các cha Lê, cha Hoàng, còn chính anh ta thì toqué[5].
Bà cố vấn thấy anh chàng trẻ tuổi, phụ tá của cha Lê này rất buồn cười. Lúc nào cũng chỉ nói chuyện chính trị, chuyện giáo hội một cách khôn ngoan, rất mê say. Ngoài ra, không còn gì hết. Anh ta không phải là một người đàn ông! Đang ở độ tuổi hồi xuân, bà ta tự biết mình là một con người rất hấp dẫn. Nhan sắc của bà được chăm sóc một cách hoàn hảo. Từ những nhân viên hạng bét của Phủ tổng thống cho đến những chính khách, những cha cố có dịp đến đây, đều phải công khai hoặc lén lút ngắm nhìn bà. Bà ta muốn kích thích mọi người, buộc người ta phải thừa nhận, phải ngưỡng mộ nhan sắc của mình. Tuy nhiên, khi đã là "đệ nhất phu nhân" của miền Nam, bà ta cũng biết tự chế ngự để không đi quá xa, để giữ giá. Nhưng bà ta chưa hề bắt gặp anh chàng đàn ông trẻ tuổi, khỏe mạnh, bộ mặt cũng dễ coi này, nhìn ngắm mình bao giờ. Dường như anh ta không thấy mình là đàn bà, hơn nữa lại là một người đàn bà đẹp.
Không muốn để chồng đoán biết ý nghĩ của mình, Lệ Xuân nói tiếp:
- Có anh nào làm chính trị mà lúc nào cũng chỉ nghĩ là vì Chúa không?
Quan hệ giữa Nhu và Lệ Xuân vừa là vợ chồng, vừa giống như cha con. Luật sư Trần Văn Chương, bố của Lệ Xuân, là bạn của Nhu. Lệ Xuân kém Nhu 15 tuổi. Ngày mới lấy nhau, Nhu đang còn là một kẻ thất cơ lỡ vận, cô gái mới 16 tuổi không những thương yêu người chồng "hàn sĩ", mà còn bán cả tư trang của mình để lo việc gia đình. Tình yêu của Nhu với Lệ Xuân luôn luôn kèm theo sự hàm ơn. Nhưng tính tình sôi nổi, trẻ trưng, hiếu thắng, nhiều lúc đành hanh của Lệ Xuân, khiến cho y nghĩ vợ bao giờ cũng là một đứa trẻ mà y phải chiều chuộng, rộng lượng. Như rất ít bác bỏ những ý nghĩ, những lời nói sai trái của vợ, để tránh những cuộc tranh luận vô ích, vì Lệ Xuân không bao giờ chịu thua. Nhu cũng không để ý từ lúc nào vợ mình đã bắt đầu tham gia vào những hoạt động chính trị. Mọi việc hệ trọng của quốc gia đều do mấy anh em Nhu lo toan. Lệ Xuân, vợ y, tham gia vào đó cũng là việc tự nhiên. Mới đầu, Lệ Xuân chỉ đi theo chồng dự những cuộc tiếp tân. Sau đó, Lệ Xuân chuyển sang hoạt động phụ vận. Bà ta nhanh chóng trở thành lãnh tụ của phong trào đoàn kết phụ nữ. Trúng cử vào quốc hội, bà ta đã đề nghị thông qua những đạo luật có liên quan đến phụ nữ, tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi, và bao giờ cũng giành phần thắng. Bây giờ Lệ Xuân tham gia ý kiến với chồng về tất cả những việc quốc gia đại sự mà bà ta biết. Bà ta làm khá lộ liễu, gây những khó khăn cho chồng trước dư luận. Nhưng không có cách nào để ngăn bà ta lại. Nhu chỉ còn làm ngơ và cố gắng hạn chế những việc làm có thể rất dại dột của vợ do tính nóng nảy, xốc nổi bằng cách giấu kín những chuyện quan trọng mà bà ta còn chưa biết. Nhưng nếu vợ đã biết rồi, Nhu cũng đành chịu.
- Em muốn nói Hai Long là đạo đức giả ư? - Nhu hỏi lại vợ.
- Không hẳn thế. Em đã nói y là một anh chàng toqué... Làm chính trị là để đạt được một cái gì.., địa vị danh vọng, tiền tài, chứ đây lại không vì cái gì cả! Chỉ vì Chúa! Mà anh chàng có vẻ thành. Vì thế nên em bảo đầu óc anh ta lộn xộn, anh thấy đúng không?
- Một nhận xét hay!
Nhu mỉm cười nhìn vợ với cặp mắt thương yêu. Lệ Xuân ngoẹo đầu, chìa má cho chồng đón một cái hôn. Nếu có điều gì khiến cho bà ta chưa thỏa mãn trong hạnh phúc gia đình, thì đó chính là ở chỗ ông chồng luôn luôn chìm đắm, say mê với những suy tư về chính trị, thường quên mình đang độ hồi xuân, cần được vuốt ve chăm sóc.
Nhu tin vào trực giác của vợ. Suy nghĩ của Lệ Xuân lúc nào cũng tự do, không vào khuôn phép, nên đôi lúc Lệ Xuân có những phát kiến bất ngờ, chính xác khiến Nhu phải giật mình.
Chính cái điều Lệ Xuân vừa nói, đang làm Nhu gần đây phải bận tâm. Nhưng Như vui vì thấy vợ mình không có ác cảm với Hai Long. Lệ Xuân rất ghét cha cố di cư. Nếu bà ta ghét lây cả Hai Long, thì sẽ phá quấy làm hỏng những việc y đang dự tính. Nhưng y cũng không đồng ý với nhận xét của vợ, anh ta là một anh chàng gàn, hay một người lập dị. Về anh ta có những câu hỏi chưa được trả lời. Vấn đề là ở chỗ cần tiếp tục theo dõi.
Có tiếng gõ cửa.
- Cứ vào!
Viên sĩ quan nội thất xuất hiện:
- Thưa ngài cố vấn, ông phụ tá của Đức cha Lê đã tới.
- Mời vào phòng khách, tôi sẽ ra ngay.
Cách đây nửa giờ, Hai Long đã gọi điện thoại từ nhà thờ Phát Diệm, xin được gặp Nhu.3.
Ngô Đình Nhu bắt tay Hai Long, vui vẻ nói:
- Bà nhà tôi vừa nhắc đến anh xong.
- Thưa, bà cố vấn vẫn khỏe?
- Cảm ơn anh, vẫn khỏe.
Hai Long tự hỏi, câu nói xã giao của Nhu là để tỏ tình thân mật hay một cách nói gián tiếp: vợ chồng Nhu vừa trao đổi về mình.
- Anh thường ngày vẫn đến Trung tâm văn hóa Pháp đọc sách à? - Nhu hỏi.
Hai Long hiểu Nhu muốn nói cho anh biết, anh vẫn được theo dõi cẩn mật.
- Cảm ơn ông cố vấn quan tâm, về lâu dài, tôi có ý định làm một cái thèse[6] về thần học. Cuộc đấu tranh giữa các chủ thuyết còn gay gắt. Muốn thắng phải làm chủ được những lý thuyết cơ bản.
- Anh có nhiều năng khiếu về phân tích. Chúc anh thành công... Anh thấy chủ thuyết Nhân vị thế nào? Có nhiều người tán thành nhưng cũng không ít người phản đối.
Trong chủ trương, hành động, Nhu là một con người rất thực dụng, nhưng chủ thuyết của y thì lại hoàn toàn mang màu sắc duy tâm, gần như một thứ tôn giáo. Nhu rất say sưa với chủ thuyết "Nhân vị". Cũng không nên tiếc y một lời khen, Hai Long nghĩ.
- Tôi cho rằng tác giả của nó đã xuất phát từ một ý tưởng nhân đạo, đã hiện dại hóa và cụ thể hóa chủ nghĩa nhân đạo cổ điển trong hoàn cảnh ngày nay.
- Cảm ơn lời khen của anh. Khi xây dựng chủ thuyết này, tôi đã nghĩ đến sự tự do và hạnh phúc của con người. Dân chủ là cái không thể thiếu được đối với mọi quốc gia ngày nay. Chủ nghĩa Cộng sản, như chính những nhà kinh điển của chủ nghĩa này đã tuyên bố, là vô sản chuyên chính, là độc tài. Con người không thể chấp nhận được độc tài đảng trị, vô thần, không có tự do. Cộng sản đòi hỏi hy sinh cá nhân, dẹp cá nhân, là điều cực kỳ phi lý. Chủ nghĩa tư bản có cái hay của nó, nhưng cũng có những cái dở. Cái dở của nó là bóc lột, là chỉ chú ý đến cá nhân mà không chú ý đến tập thể. Khi nó phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, thì nó trở nên rất vô nhân đạo, không thể nào chấp nhận. Việt Nam không thể theo ai. Ta chống cả Cộng sản, cả Tư bản. Ta chủ trương coi trọng con người: con người cá nhân cũng như con người tập thể. Có người Mỹ bảo tôi là không tưởng, hỗn tạp, pha tôn giáo, khó hiểu, từ trước đến giờ không ai làm như vậy... Họ không thuyết phục được tôi. Ít nhất cũng có một người đã làm: Marx. Marx đã tổng hợp hai chủ nghĩa duy tâm và duy vật. Tôi vẫn thấy mình đúng.
Không nên tranh luận với y chuyện này mà lỡ việc đang cần làm, Hai Long nghĩ.
- Đi vào triết học như đi vào một cái rừng mênh mang vô tận, khó tìm được lối ra. Tôi đã nói một chủ thuyết vì con người là rất nhân đạo, một tư tưởng lớn... nhưng rất khó thực hiện.
- Nếu có lòng tin, giữ vững lòng tin, thì sẽ thực hiện được, con người không thể không phấn đấu cho tự do, hạnh phúc của mình... Nhìn anh hôm nay, tôi thấy anh rất khởi sắc, có lẽ anh đem đến cho tôi một tin vui mới?
Hai Long mỉm cười:
- Tôi mang tới cho ông cố vấn một tài liệu, không hiểu ông cố vấn có cần hay không?
Sao 3 tháng nghiên cứu, hai nhóm chuyên gia Anh và Israel đã soạn xong bản dự thảo kế hoạch lập ấp chiến lược ở miền Nam Việt Nam, để mang về nộp cho người Mỹ theo đúng hợp đồng. Họ đưa cha Hoàng 2 bản, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Việt với lời đề tặng và chữ ký của các tác giả. Họ cũng đề nghị cha Hoàng trực tiếp sửa chữa hoặc góp ý kiến thêm. Hai Long đã sao ngay mấy bản, một chuyển về trung tâm, một mang đến cho Nhu. Anh cần đưa đến sớm vì thấy các viên tướng Phạm Văn Đổng, Phạm Xuân Chiểu đã đến đề nghị với cha Hoàng cho mượn xem, chắc chắn họ cũng sẽ sao lại mang tới cho Nhu để tâng công.
Anh rút trong cặp ra đưa Nhu hai bản dự thảo bằng hai thứ tiếng Anh, Việt.
Nhu cầm lên xem rất mừng rỡ:
- Quý vô chừng! Rất cảm ơn anh. Thế nào Mỹ cũng cử người sang thảo luận. Mình có kế hoạch này nghiên cứu trước để trao đổi với họ, hết sức tốt!
Nhu thực sự tươi tỉnh. Y đốt một điếu thuốc và khoan khoái nhả khói, cặp mắt mơ màng. Chắc y đang nghĩ tới những ý kiến sâu sắc của mình sẽ đóng góp trong cuộc thảo luận với người Mỹ, y là người chủ xướng của quốc sách ấp chiến lược, và nghĩ đến một ngày không xa toàn thể dân quê Nam Việt Nam bị dồn vào bên trong những hào sâu và dây thép gai, mỗi ấp trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm đối với Việt Cộng.
Chờ y tận hưởng hết những phút vui, Hai Long nói:
- Tôi đã chuyển đạt ý kiến của cha cố vấn De Jaegher với cha Hoàng, mời cha tham gia Ban cố vấn về ấp chiến lược, nhưng cha cáo từ.
- Vì sao?
- Cha nói đã đóng góp hết ý kiến của mình, hiện nay cha tuổi già sức yếu, chỉ muốn tập trung sức lo cho giáo dân, lo công ăn việc làm, lo xây trường học.
- Liệu cha có chịu chỉ làm mấy việc đó! Ý kiến anh ra sao?
Hai Long mỉm cười thay câu trả lời.
Nhu tỏ vẻ thông cảm, không dồn ép, chuyển sang vấn đề khác:
- Cha Lê gần đây thế nào?
- Cha vẫn tỏ ra lo lắng.
- Lúc nào cha cũng lo người Mỹ phản! Cha chỉ tin có Pháp. Cha nói chi?
- Cha đã biết ông Johnson sang hổi tháng 5 đã yêu cầu tổng thống chấp thuận việc đưa quân chiến đấu Mỹ sang Việt Nam. Cha nói: việc cho quân Mỹ vào, sẽ tạo ra một tình thế rất nguy hiểm. Nhóm thân Mỹ sẽ lợi dụng. Và chính người Mỹ sẽ sử dụng lực lượng này khi họ cần gây áp lực với tổng thống! - Hai Long mượn lời cha Lê để hỏi về việc Mỹ định đưa quân vào.
- Không phải họ yêu cầu tổng thống cho quân Mỹ vào, mà đó chỉ là một sự gợi ý.
Hai Long hơi nhún vai.
Nhu nhấn mạnh:
- Chính tổng thống đã bác bỏ. Tổng thống đã nói: "Việt Nam cộng hòa chỉ cần quân chiến đấu Mỹ trong trường hợp Bắc Việt công khai xâm lăng miền Nam". Và anh thấy trong bản thông cáo chung đã không hề đề cập tới vấn đề đó... Quân giải phóng miền Nam của Việt Cộng hiện nay chỉ có khoảng ba vạn người. Mới đây, Mỹ đã đồng ý tăng viện trợ và vũ khí cho ta xây dựng một đạo quân chính quy 30 vạn người. Khi cần có thể tăng gấp dôi số đó. Việt Cộng chỉ mới đủ sức đánh những trận nhỏ. Ta không cần để những quân khu như bây giờ. Ta sẽ lập những vùng, những khu, những tiểu khu chiến thuật thích hợp với từng nơi. Ta sẽ xây dựng, mở rộng quân ở các địa phương. Và quan trọng nhất là cái này... (Nhu trỏ vào bản dự thảo kế hoạch lập ấp chiến lược trên bàn) sẽ chặn đứng mọi mưu đồ to lớn của Bắc Việt.
Nhu đã xả hơi. Y lại hút thuốc, điếu thuốc đã sắp tắt.
- Nghe ông cố vấn, tôi đã yên tâm. - Hai Long nói - Giá tôi biết điều này sớm hơn một chút để trình với cha. Vì nếu Mỹ đưa quân chiến đấu vào thì lại xuất hiện thêm một nguy cơ mới.
- Anh có thể nói thêm với Đức cha: phái đoàn Xta-lây sang Việt Nam sau khi ông Johnson về, đã không đề cập tới việc đưa quân Mỹ vào. Trước thái độ của ta, người cầm dầu nước Mỹ đã bỏ ý định đó. Chúng tôi sẽ chứng minh cho họ biết ta đủ sức tự bảo vệ. Chúng tôi cần sự ủng hộ của Đức cha... Và cả của anh nữa.
Hai Long nhớ lại thái độ của y khi bắt đầu cuộc gặp gỡ. Y không bằng lòng với cách đi hàng hai của mình. Hãy biết như vậy.
- Xin ngài cố vấn tin rằng tôi sẽ hết mình vì chế độ vì quốc gia.
Nhu tiễn chân Hai Long ra tới bậc thềm dinh Độc Lập với vẻ thoải mái, tự tin của một người hoàn toàn làm chủ tình thế.
4.
Tháng 10 năm 1961, tiếp theo phái đoàn kinh tế - quân sự E. Staley sang hồi tháng 6, Mỹ cử tiếp phái đoàn quân sự - chính trị Maxwell Taylor đến Sài Gòn. Kế hoạch Staley - Taylor đã hình thành gồm 3 giai đoạn:
1. Dồn dân lập ấp chiến lược, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng và tổ chức những ổ biệt kích phá hoại miền Bắc.
2. Phục hưng kinh tế Việt Nam cộng hòa, tăng cường quân đội quốc gia và gia tăng hoạt động biệt kích phá hoại ở miền Bắc.
3. Phát triển kinh tế miền Nam và tiến công miền Bắc.
Trong thời gian qua, Hai Long vẫn đi lại giữa nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Bình An và dinh Độc Lập. Những tin tức thật và tin tức giả anh đem tới cho Nhu có tính cách trao đổi. Phòng khách của Nhu là nơi kiểm nghiệm những tin tức anh thu lượm được từ bên ngoài. Những tin tức anh lấy được từ chính miệng Nhu cũng được kiểm nghiệm lại ở bên ngoài. Anh nhận thấy, sự tin cậy của Nhu đối với mình tăng dần qua mức độ những điều cơ mật Nhu đã thổ lộ với anh. Lệ Xuân có mặt ngày càng nhiều hơn trong những cuộc trao đổi này.
Với kế hoạch Staley - Taylor công bố, quốc sách ấp chiến lược đ 660a ợc Mỹ hoàn toàn chấp thuận và triển khai nhanh, vị trí của Diệm - Nhu có vẻ được củng cố hơn cách đây nửa năm.
Sau khi phái đoàn Taylor rời khỏi Sài Gòn, Hai Long tới dinh Độc Lập.
Cả Ngô Đình Nhu và Lệ Xuân đều có mặt ở phòng khách.
Hai Long nhận thấy hai vợ chồng vừa có chuyện không vui. Lệ Xuân không giữ được nét tươi cười như những lần anh đến trước. Những sợi tóc ngắn buông mành trên trán bà ta dường như chọc vào mắt, khiến cho đôi mắt bà ta khó đăm đăm, thỉnh thoảng lại long lên những ánh bực tức. Nhu tuy biết tự kiềm chế nhưng cũng lộ vẻ không vui.
Nhu hỏi Hai Long với giọng làm ra vẻ bình thản:
- Cha Lê có ý kiến gì về cuộc hội đàm vừa qua?
- Cha nói mọi việc diễn ra đúng như ngài dự đoán. Kế hoạch như vậy, nhưng Mỹ không được thỏa mãn những yêu sách chính của mình. Nay mai tình hình lại càng rối ren hơn.
Vợ chồng Nhu nhìn nhau.
- Việc gì các cha cố cũng biết ngay? - Lệ Xuân nói - Tin tức từ đâu lộ ra ngoài?
Hai Long nói:
- Tôi xin lưu ý bà cố vấn, người Mỹ có nhiều người thân của họ bên ngoài Phủ tổng thống. Có đôi khi họ còn biết cả những vấn đề mà người thay mặt chính phủ Mỹ chưa kịp nêu ra với tổng thống và ông cố vấn.
- Những thằng nào hay đi lại chỗ cha Lê?
- Họ có tới hàng chục chứ không chỉ một vài người. Tôi đã kịp thời thông báo những người đó với ông cố vấn. Chỉ có điều, đôi lúc tôi không được biết chính xác ai đã nói gì. Nhiều điều do Đức cha nói lại. Nhưng tôi đã mạnh dạn gạt bỏ những tin tức bịa đặt hoặc xuyên tạc.
Nhu nói:
- Taylor đồng ý với tất cả những giải pháp của ta, chỉ đề nghị: cho tàu chiến Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh, cho Mỹ đưa một số đơn vị quân chiến dấu vào miền Nam, và cho họ đưa cố vấn đến cấp tỉnh. Tổng thống và tôi đã bác bỏ tất. Ở Việt Nam cộng hòa này mình là chủ. Cũng lại giống như lần ông Johnson sang, cuối cùng, họ đồng ý với ta. Taylor không thể to hơn Johnson?
- Nhưng chắc là Taylor cũng chỉ nói lại ý kiến mới của tòa Bạch ốc.
- Bạch ốc cũng bác. Kennedy cũng bác! - Lệ Xuân giận dữ nói xen vào.
- Không ai xỏ dây vào mũi mình được. - Nhu nói với giọng trầm tĩnh.
Hai Long hỏi:
- Còn vấn đề mở rộng thành phần chính phủ?
- Đó là việc nội bộ của mình, do mình quyết định. Không thể để ai xen vào việc nội bộ. Như vậy còn gì là chủ quyền. - Nhu trả lời một cách chung chung.
- Họ ngu! - Lệ Xuân lại nói - Ông Nhu mà rời Phủ tổng thống thì tất cả đổ sụp... Tổng thống có trực tiếp điều hành công việc đâu! Họ định tìm ai ra thay?
Biết Nhu không muốn vợ nói ra điều này, Hai Long lảng qua chuyện khác:
- Tôi lưu ý ông cố vấn hết sức đề phòng những nguy cơ ở liền kề bên cạnh.
- Nhờ anh theo dõi sát cha Hoàng và những phe phái đối lập giúp tôi. Tôi biết cha Hoàng đang tập hợp lực lượng.
- Cha chánh xứ đã quá già! Cha có làm gì chăng nữa cũng chỉ tìm chút nguồn vui những ngày tàn giữa giáo dân. Trước hết, ông cố vấn nên chú ý đến giới quân sự thân Mỹ. Hiện nay, họ chủ yếu đang nhắm vào ông cố vấn.
- Mấy thằng an ninh toàn ăn hại! - Lệ Xuân nói tranh chồng - Để mãi thằng Đỗ Mậu làm gì. Lại cả thằng Võ Văn Hải nữa!
Hai Long đã biết sau vụ đảo chính năm 1960, Nhu có ý ngờ Võ Văn Hải, bí thư của tổng thống, và Đỗ Mậu, giám đốc an ninh quân đội, Nhu định loại bỏ nhưng Diệm không đồng ý.
- Nếu người Mỹ vẫn cố sự bất đồng, - Hai Long nói - tôi đề nghị ông cố vấn hết sức giữ gìn. Ông cố vấn là rường cột của quốc gia. Trọng tâm là giới quân sự thân Mỹ.
- Cảm ơn anh.
Lệ Xuân nói:
- Tướng tá giở trò gì, cứ đem Đỗ Mậu ra mà treo cổ!
Nhu át đi:
- Tôi hoàn toàn đồng ý với cha Lê: tình hình còn phức tạp. Đã nhìn thấy vấn đề là sẽ có cách giải quyết vấn đề...5.
Lễ Giáng sinh năm 1961. Suốt ngày xe hơi từ Sài Gòn chiếc nọ nối theo chiếc kia phóng về nhà thờ Phát Diệm. Những chính khách, tướng tá, người cầm đầu đoàn thể chính trị, tôn giáo nườm nượp kéo đến chúc phúc Đức cha Lê. Nhà khách đã kê thêm bàn, luôn luôn có người ngồi chật.
Trong năm qua, không khí ở nhà thờ Phát Diệm và nhà thờ Bình An đã khác hẳn. Ai cũng nói không Noel nào người về chúc phúc giám mục đông như năm nay. Mọi người vui vẻ nói cười. Có thể thấy tất cả đều thuộc các phe nhóm đối lập. Họ đến không phải chỉ để chúc phúc cha Lê, mà còn để gặp nhau trao đổi tình hình, nói chuyện chính trị. Bọn mật vụ Lê Quang Tung luôn luôn bám sát nhà thờ Phát Diệm, nhưng chúng chỉ làm được công việc ghi số xe, số người lui tới, và tên những người chúng đã biết mặt, chứ không sao lọt được vào nhà thờ. Họ nói chuyện tại đây thoải mái như ở nhà.
Giám mục Lê mặc áo choàng trắng của dòng tu khổ hạnh, dài sát gót chân, ngực đeo thánh giá, trang trọng đi lại giữa những dãy bàn, chốc chốc lại dừng chân ban phát cho người này hoặc người khác một đôi câu. Cha cố gắng đối xử với khách thật bình đẳng. Cha là của chung chứ không phải của riêng ai.
Hai Long ngồi lẫn với đám tướng tá gốc ở Phát Diệm. Họ khá đông, nên có nhiều người anh không biết mặt. Họ đều vui mừng coi như những ngày đen tối đã qua, bọn quỷ dữ Diệm, Nhu đang giãy chết.
Người bên cạnh Hai Long là một người da bánh mật, ria, tóc, lông mày đều rậm và đen nhánh, có hàm răng trắng lóa và nụ cười rất tươi. Hai Long không quen anh ta, nhưng anh ta lại tỏ ra rất biết anh.
Người đó nhoẻn miệng cười, hỏi Hai Long:
- Gần đây, thầy phụ tá ra vào dinh Độc Lập thấy thế nào?
- Căng thẳng. Đầy không khí nghi kỵ. Nhưng ông Nhu tỏ ra vẫn cứng.
- Bề ngoài thôi! Trong bụng run lắm rồi. Taylor là cố vấn quân sự của riêng Kennedy, không thể đùa!
- Ông Nhu nói: đã biết tình hình thì sẽ có cách giải quyết.
- Biết...? Biết cái mẹ gì! Ông Nguyễn Văn Lực đã móc với CIA rồi! Ông Lực đã dính với "xịa"[7], đã nói sẽ làm thì nhất định làm! Lần này, sẽ rung hơn tháng 11 năm ngoái nhiều. Năm ngoái "Mẽo"[8] mới dọa. Năm nay "Mẽo" sẽ làm thực. Vì chính "Mẽo" dựng ông Diệm, ông Nhu lên nhưng bây giờ không điều khiển được nữa!
Anh ta lại nở ruột nụ cười rất rộng, rất tươi. Hai Long cũng cười phụ họa để chia sẻ niềm vui với anh ta.
Lát sau, Hai Long tìm riêng cha Hoàng, thuật lại chuyện này. Cha nói: "Mình nghe rồi! Phạm Xuân Chiểu, Phạm Văn Đổng đã nói với mình".
Chờ cha Hoàng trở về nhà thờ Bình An chuẩn bị làm lễ đêm Giáng sinh, Hai Long gặp cha Lê. Nghe anh nói xong, cha Lê cười nụ: "Có vào hang cọp thì mới bắt được cọp con, nhưng từ nay phải chú ý đề phòng. Đừng để thành cháy vạ lây. Mấy ngày qua, cha định nhắc anh chuyện đó. Mình cứ đứng ngoài mà coi!".
Hai Long quyết định báo lại tin này cho Nhu. Anh giấu tên những người có liên quan. Nhu nghe xong, thái độ rất khẩn trương, hỏi lại:
- Nhóm nào chủ trương? Tin đó xuất xứ từ đâu?
- Cha Lê và cha chánh xứ đều nói với tôi như vậy. Các ngài không nói nhóm nào làm. Tôi đã hỏi thử nhưng hai cha đều nói chỉ cần biết vậy thôi...
Sáng hôm sau Hai Long vừa phóng xe tới đầu phố Duy Tân, thì thấy một cô gái tay cầm chiếc túi xanh, rất giống cái túi anh đang treo ở ghi-đông xe, đi ung dung trên hè bên phải.
Anh phóng xe vượt lên một quãng, nhấc xe lên hè đường, mua một bao thuốc lá.
Cô gái đi tới, chăm chú nhìn cái túi của anh, rồi hỏi:
- Phiền anh, coi hộ em mấy giờ rồi.
Hai Long xem đồng hồ rồi nói:
- 7 giờ 15 phút.
- Vậy mà em lo trễ quá, đồng hồ em 7 giờ 30 rồi.
- Nhanh 15 phút.
- Anh có ra phía đường Ca-ti-na[9], phiền anh cho em quá giang một đoạn?
- Mời cô lên xe... Cô khoác cái túi ở ghi-đông cho đỡ mỏi tay.
- Dạ...
Qua nhà thờ Đức Bà, cô gái nói:
- Anh cho em xuống đây... Xin rất cảm ơn anh.
Hai Long đưa trả cô gái cái túi xanh. Cô gái nhìn cái túi miệng hơi mỉm cười, chào rồi quay đi.
Trong cái túi xanh Hai Long đưa cô gái, có bản sao kế hoạch Staley - Taylor kèm theo thư của Hai Long viết bằng mực hóa học báo cáo những ý kiến của Nhu, và tin sắp có một chính biến do CIA giật đây. Trong cái túi của cô gái để lại, có thư của Trung tâm, báo tin đã nhận được bản dự thảo về ấp chiến lược, và yêu cầu tìm hiểu kế hoạch Staley - Taylor. Anh rất mừng vì mình đã đáp ứng kịp thời.
Buổi chiều, anh tới trại Lê Văn Duyệt tìm Dương Văn Hiếu. Anh nói cho Hiếu biết tin và bảo báo ngay cho cậu Út biết. Hiếu mừng như bắt được vàng, hết sức cảm ơn anh, và nói hắn sẽ đi chuyến máy bay sớm nhất ra Huế. Hắn than phiền:
- Tôi ở Sài Còn đã lâu, mà không sao xâm nhập được vào các đoàn thể tôn giáo, vì đi tới đâu họ cũng biết là người của ông Cậu. Ra Huế gặp ông Cậu chẳng có chi để báo cáo.
- Riêng việc đó tôi sẽ giúp anh.
Hai Long nói một cách hào phóng. Anh biết đây là cách tốt nhất để gắn bó Hiếu với mình.
6.
Ngày 27-2-1962. Buổi sáng, Hai Long đang trên đường tới thư viện thì nghe những tiếng rít xé tai trên bầu trời. Tiếp theo là hai tiếng nổ rung chuyển thành phố.
Mọi người đổ xô ra hè, ra đường. Một đám khói đen đùn lên từ phía dinh Độc Lập. Một chiếc máy bay đen xì dần dần mất hút ở phương trời phía tây. Tiếng bàn tán xôn xao.
- Bom ném vào dinh Độc Lập!
- Tôi trông rõ hai máy bay ta. Có cờ ba sọc!
- Đảo chánh rồi!
- Lại đảo chánh rồi!...
Hai Long vội quay về nhà cho gia đình yên tâm, sau đó anh phóng xe xuống nhà thờ Phát Diệm. Xe cứu hỏa rú còi rền rĩ. Xe cảnh sát phóng hớt hải. Xe chở binh lính đổ về phía dinh tổng thống. Nhưng sau một vài loạt súng nổ khi có tiếng máy bay, không còn nghe tiếng súng. Đám khói đen tan dần và Sài Gòn sau lưng anh vẫn êm ả. Có lẽ chưa có chuyện gì ngoài hai trái bom trút vào dinh Độc Lập Anh nghĩ vậy nhưng vẫn phóng xe tiếp xuống nhà thờ Phát Diệm.
Nhìn thấy anh, cha Lê mừng rỡ:
- Cha đang lo, tuy cha biết anh thường đến đó vào buổi chiều. Lại thêm một đòn cảnh cáo. Không biết tổng thống, cố vấn sống hay chết? Cha Thục lại vừa vào, cũng ở trong dinh Độc Lập. Nếu vô phúc thì chết cả 3 anh em! Trò chơi kiểu Mỹ cũng gớm thật?...
Hai giờ sau, Lê Quang Tung gọi điện thoại cho anh:
- Ông cố vấn chính trị mời ông phụ tá chiều mai tới dinh làm việc.
- Ông đại tá cho biết về tình hình sức khỏe của tổng thống, cha Thục và bà Nhu?
- Cả gia đình đều an toàn, không có chuyện chi! Mai mời ông phụ tá lại nhé!...
Cha Lê đứng theo dõi cuộc nói chuyện, nhận xét:
- Người ta muốn báo sớm cho mình biết người ta "không mần chi"! Cũng còn tốt phúc đó! Nhưng không phải chỉ có hai lần thôi, nếu còn cứ chọi với Mỹ! Anh đến đó xem sao. Cho nó "thủy chung như nhất"!
Trước khi Hai Long về Sài Gòn, cha Lê trao cho anh một lá thư chúc mừng sức khỏe cha Ngô Đình Thục.
Cha Lê mỉm cười:
- Với cha Thục là tình đồng đạo, làm cho phải phép. Còn tổng thống và ông cố vấn thì thôi...7.
Vợ chồng Nhu cùng vội vã ra cửa đón Hai Long khi anh tới.
Nhu ôm lấy anh và lần đầu tiên, y hôn anh. Bà cố vấn chìa má cho Hai Long nói:
- Thầy phụ tá chúc mừng tôi đi!
Cả hai vợ chồng Nhu đón anh như đón người thân thiết nhất trong gia đình.
Hai Long nói với giọng xúc động:
- Đa tạ Chúa đã phù hộ tổng thống, tổng giám mục, và gia đình ông cố vấn tai qua nạn khỏi.
- Cảm ơn anh đã sớm cho tôi biết tin. Tôi đề phòng một vụ 11 tháng 11, nhưng không ngờ chúng lại làm chuyện ni!
- Cha Lê có gửi thiếp, bảo tôi đem tới chúc mừng sức khỏe của cha Ngô Đình Thục.
- Lần này thì rõ ràng anh "báo nguy" cho chúng tôi chứ không phải cha Lê!
Hai Long đứng lặng thinh.
Lệ Xuân nói:
- Chúng tôi mà chết cả ngày hôm qua, thì hôm nay chúc các cha làm lễ ăn mừng!
Bà ta có phần xanh xao sau vụ tai biến.
Nhu đỏ bừng mặt, đôi mắt rực sáng:
- "Toi" cần bám sát cha Lê và cha Hoàng, nhất là cha Hoàng. Mấy ông cha cố này nối giáo cho giặc, chỉ nay xui đám này mai xúi đám khác! Các ông ấy có mưu đồ vương bá thì cởi áo thầy tu ra!...
Hai Long bình tĩnh nói:
- Tôi xin cam đoan với ông bà cố vấn, tôi sẽ vận động được cha Lê và cha Hoàng nếu không công khai ủng hộ tổng thống, thì cũng không trực tiếp chống phá tổng thống.
- Anh cố bám cho được đám lực lượng tự vệ Phát Diệm.
- Nhờ kinh nghiệm của ông cố vấn giúp cho bữa trước ở Phú Cam, tôi đã nắm được phần hồn cựu chiến sĩ Phát Diệm rồi!
- Kinh nghiệm nào? - Nhu ngạc nhiên.
- Ông cố vấn đã mách giùm tôi, cứ giúp các cha làm một vài vụ "áp phe" thì muốn gì cũng được! Tôi đã tổ chức cho cha Hoàng và các chiến sĩ cựu tự vệ làm một số áp phe.
Cả vợ chồng Nhu đang bực tức đều phá lên cười. Lần đầu từ khi gặp Nhu, Hai Long thấy y cười thành tiếng.---
[1] quản lý
[2] thư ký kế toán
[3] tiểu đoàn công binh 22
[4] phân tích
[5] gàn
[6] luận văn
[7] tiếng lóng gọi CIA
[8] Tiếng lóng gọi Mỹ
[9] Catinat