Ông Hoàng Xứ Kahel Chương 2


Chương 2
Lúc ông xuống tàu thì người đánh xe riêng đã đang đợi ông, ngành điện báo đã hoạt động rất tốt.

Nhưng liệu ông đã ra khỏi một toa tàu, hay một cái lỗ sâu không đáy của hư vô đây? Marseille lấp lánh dưới ánh sáng của một mùa hè Anh-điêng rực rỡ. Dẫu vậy, ông chẳng cảm thấy gì cả: ông không cảm thấy những cái ve vuốt mơn trớn của ánh mặt trời lẫn da thịt của thành phố, tuy đã được ham muốn biết bao từ quá lâu nay. Cơ thể rệu rạo này, dáng đi liêu xiêu này, phải chăng Phi châu đã giữ lại con người ông và chỉ trả về một hồn ma bóng quế?

Ông đưa tay lên che mắt để tránh ánh sáng lóa rực rỡ bên ngoài, ông lảo đảo đáp lại lời chào của anh đánh xe, bám rất lâu vào cánh cửa xe để trút bớt sự cuồng cẳng và làm quen với ánh sáng. Ông kinh ngạc ngắm hai sườn xe tráng véc-ni đen và những bánh xe sáng bóng có nan hoa mạ san hô.

- Anh cho xe chạy qua Cảng Cũ nhé, Marcel! - Ông lầu bầu nói trong lúc ngồi vào ghế. Tựa khuỷu tay lên cánh cửa sổ hé mở và để mặc cho những hình khối lờ mờ của những tòa nhà cao tầng và những hình bóng ma quái của cây cối và khách bộ hành trượt qua dưới cặp mắt nhòa đi vì thiếu ngủ. Họ mau chóng xuống hết đại lộ Athènes và Canebière. Đến kè Belge, ông ra hiệu cho Marcel chạy chậm lại. Tươi hỉnh hẳn nhờ gió biển, ông ngẩng đầu ngoái nhìn về phía Cảng Cũ để lặng ngắm sự đông đúc nháo nhào trên các kè và sự đan chen chồng chéo tráng lệ của những cột buồm. Chỉ đến đoạn đó thì ông mới thực sự cảm nhận được sự hiện diện của thành phố.

Marseille trượt đi theo vận tốc của một bức tranh tường mà người ta gỡ dần ra: cùng một dải rộng lớn hình cánh quạt nhô cao bởi quần thể những quả đồi, những vịnh nhỏ, những ngôi nhà và những mảnh vườn nhỏ, chúng đã liên tục ám ảnh tâm trí ông trong những ngày sống ở rừng rậm. Ông sung sướng gặp lại những khu chợ bán sỉ của nó, những xưởng tàu, những nhà máy sản xuất dầu và xà phòng, háo hức hít thở mùi hoa oải hương và mùi của biển, của lưu huỳnh và mùi mỡ cháy. Ông nhắm mắt lại và để mặc cho tiếng vó ngựa chạy nước kiệu và tiếng nhạc của thành phố du ngủ. Kè Rive-Neuve, âu Carnage, con đường đi dạo Corniche, đại lộ Prado, đại lộ Point-Rouge, rồi đến đại lộ Madrague-de-Montredon.

Xe chạy nhanh qua lối tắt Carthage, phóng ào vào trong công viên, chạy dọc khu chuồng ngựa và khu nhà biệt lập Clary rồi đến đậu trước tòa lâu đài gắn lưng vào sát vách đá, nơi mà cuối cùng ông đã dọn đến ở, sau khi nhạc phụ ông qua đời. Khu nhà biệt lập giờ đây chỉ còn được sử dụng làm thư viện và phòng thí nghiệm. Ông xuống xe và chìm vào không khí gia đình với cùng một sự nhẹ nhõm run rẩy hệt như ở Timbo, nóng rực người do sốt rét, ông nhào vào giường ngủ.

 

Rose, nàng Rose yêu quý bé bỏng của ông, tế nhị và thơm mát hệt như khi ông đã để nàng ở lại, ôm hôn ông hai ba lần liền mỗi ngày, rung động bởi các dòng lệ, trước khi giao phó ông cho các bác sĩ và đầu bếp. Nàng kiên nhẫn cho đến tận lúc lũ trẻ, chúng không còn nhận ra ông nữa, dám tiến lại gần cha mà không run sợ nữa trước khi hỏi ông những câu hỏi đốt cháy môi nàng kể từ lúc ông ra đi:

- Thế nào, Aimé, những người Da Đen ấy mà, họ đã thuận cho mình một vai trong vở Méphistophélès của họ chứ?

- Hãy tin là có đi, mình yêu của anh ạ! Vả lại, chính nhờ nó mà anh vẫn còn sống đấy.

Một tháng sau, ông không những đã hết run lập cập và nôn mửa, mà thân thể ông không còn bơi trong áo quần nữa. Con vật nơi rừng hoang trảng vắng mà ông đã từng trở thành ấy đã quen lại được với cuộc sống gia đình và với tiếng ồn ào của thành phố. Dẫu vậy, Fouta-Djalon vẫn không rời khỏi ông. Ông lôi những cuốn sổ ghi chép ra khỏi rương ngay khi ông đủ sức cầm một cây bút chì và ghi lại với âm điệu giễu cợt và đầy tính tiên đoán: "Châu Phi chắc chắn sẽ tiến hành cuộc công du này và kèm theo nền văn minh. Trong ba năm nữa, Timbo sẽ thưởng thức quả sơ-ri của vùng Montmorency hệt như ngày xưa người La Mã đã làm với những quả vả của xứ Carthage." Rồi ông nghĩ đến khối công việc khổng lồ mà ông còn phải đánh vật với chúng để đạt được điều ấy. Sau những hiểm nguy nơi rừng hoang, thì một cuộc chiến khác đang đợi ông: đối đầu với khối rừng rậm quan liêu ở Paris để bán cho họ kết quả tìm kiếm được.

Đương nhiên, ông ghé chào người bạn đồng lõa Jules Charles-Roux trước khi lên Paris.

Là những hóa học gia, rồi con trai của những hóa học gia, họ đã chào đời trong cùng một năm. Gia đình Charles-Roux sở hữu ngành sản xuất xà phòng ở Marseille cũng như gia đình Olivier sở hữu ngành sản xuất a-xít sulfuric ở Lyon. Cả hai cùng mê đắm Darwin và say mê các cuộc phiêu lưu trong các miền thuộc địa, họ tin vào sự tỏa sáng của khoa học và những nguồn bất tận của sự tiến bộ hơn là tin Chúa. Họ là cặp con song sinh của một thời kỳ sôi động, chinh phục và sáng tạo, thời kỳ mà nó chẳng có thời gian, nhất là không có thời gian để nghi ngờ chính mình.

Jules vẫn còn chưa bị xiêu lòng trước sự cám dỗ đang rất thịnh hành của những chuyến du lịch và thám hiểm nhưng ông lại có mối liên kết chặt chẽ với Gallieni và ủng hộ nhiệt tình việc di cư người Pháp tới Tunisie, Dahomey và Madagascar. Mặc dù sự khác nhau rõ rệt giữa họ về tính khí thì cả hai đều nghĩ rằng Phi châu kể từ đây sẽ thực hiện tài năng thần tài của nước Pháp, từ nơi đó, nó sẽ chiếu rọi không còn chỉ ở Indus hay vùng Địa Trung Hải nữa, mà còn lan xa khắp các đường kinh tuyến, tất cả các cực, mọi ngóc ngách của quả địa cầu. Nói thế, ta có thể hình dung cảm xúc trào dâng của cuộc hội ngộ!

- Dẫu sao thì cũng là cái gì đó khi nắm một bàn tay vừa đi thẳng từ Fouta-Djalon về đấy chứ nhỉ!... Con tàu cập bến sáng nay hay tối qua vậy?

- Hừm... không hoàn toàn thế đâu! - Olivier de Sanderval ấp úng. Tôi đã muốn tránh đến gặp anh với bộ dạng khi tôi trở về đây. Tôi tự khép mình cách ly một thời gian, hừm... có thể nói là vì sự phải phép thôi. Cả thành phố hẳn sẽ bỏ trốn nếu tôi ngay tức thì chường ra trước mặt nó.

Họ vào phòng khách sau những dây phút tuôn trào cảm xúc mà chúng chỉ bị ngắt quãng bởi những tiếng thở dài. Cái bóng nhẹ nhàng của viên quản gia lẩn vào đến tận cạnh họ: vị khách chọn cho mình một ly rượu bách xù còn chủ nhà dùng một lý Cassis. Olivier de Sanderval thưởng thức ly rượu thơm ngon tuyệt hảo và thở dài, mắt khép lại:

- Chúa ơi, liệu có thể không? Tôi, đang ở Pháp, trong một ngôi nhà thực sự, ăn những thức ăn thực sự, uống trong những chiếc ly thực sự, nói chuyện với những con người thực sự!

Jules chỉ đành ngồi ngắm ông. Đó là một dấu hiệu kính nể nhưng cũng là một ý muốn cháy bỏng được nghe ông kể chuyện. Một từ đơn giản phát ra từ ông hẳn sẽ mở ra thời khắc trịnh trọng của nó, tính xác thực trong câu chuyện, bề dầy cho nhân vật chính? Sự im lặng này chợt đến hệt như một bản quốc ca và đương nhiên là sẽ dài, chỉ bị ngắt quãng bởi tiếng líu ríu của lũ chim trong vườn và vài nốt nhạc dương cầm thoát ra từ một ngôi nhà xa xa nào đó vẳng tới.

Chỉ có điều, bắt đầu từ đâu đây? Cuối cùng thì Olivier de Sanderval cũng nhân nhượng lên tiếng. Và với sự nhẹ nhõm của một nghi phạm đã đi đến cùng của sự chịu đựng, ông bắt đầu kể, kể hết tất cả những gì mà ông đã im lặng từ quá lâu và một cách quá đỗi đớn đau, tất cả những gì mà ông đã không dám thổ lộ với Rose: đám ăn mày ở Gorée, vua Boubak, vị lãnh sự Anh, những vực thẳm, rắn, những con báo, bọ cạp, những con tinh tinh, những trận hôn mê, những cơn đau bụng, những lần đe dọa lấy tính mạng và những vụ đầu độc; vẻ đẹp kỳ lạ của xứ sở, thế giới huyền bí của người Peul - quá đỗi gian giảo, lắm mánh khóe và quá quý tộc, nhiều giá trị quá đỗi và quá mê hoặc, nói tóm lại, người ta sẽ trả tiền những thứ đó bằng cái giá của những nhược điểm của họ.

- Như tôi đã thông báo với anh, bạn Jules thân mến ạ, tôi dự định phiêu lưu đến tận Soudan. Nhưng những ông vua Peul này đã không muốn thế. Họ cấm tôi qua đó, họ đã giữ tôi lại hơn hai tháng liền để cảm ơn tôi vì đã đến tận đó với họ đấy.

- Hai tháng là tù nhân của dân Da Đen và...

- An tâm đi, Jules thân mến, đám Da Đen này không ăn thịt dân Da Trắng. Còn tệ hơn nhiều kia, chúng nhá tâm hồn họ!

Jules Charles-Roux mơ màng trong giây lát, rồi thân mật nâng cốc lên:

- Mừng sức khỏe nhà thám hiểm vĩ đại của chúng ta!


René Caillé ở Toubouctou, Dupuis ở Tonkin, còn anh thì ở Fouta-Djalon!

- Nhà thám hiểm ư, tôi tự trách mình đấy! Thời kỳ thám hiểm đã qua rồi, bạn Jules đáng thương ơi! Giờ đến lúc chiếm làm thuộc địa!

- Anh, người đã gặp tận mặt đám Da Đen ấy, anh nghĩ rằng ta có thể lôi họ ra khỏi rừng hoang núi thẳm, nơi mà sự di truyền đã giam cầm họ ư?

- Đó là một chủng tộc nguyên thủy, tôi thừa nhận, họ gần với khỉ hơn là gần chúng ta, nhưng đó là một chủng tộc trẻ. Con tim mới bắt đầu hiện hữu và tinh thần sẽ nảy sinh sau đó. Sự tiến hóa, Jules thân mến ơi, sự tiến hóa đấy!

- Anh thấy thế nào nếu ta tổ chức một buổi nói chuyện trong nhà chúng ta để cùng nhau phát triển tất cả những ý này và khiến cho chúng ta mơ tưởng đến những kỳ quan của Fouta?

- Rất sẵn lòng, bạn thân mến! Đó sẽ là dịp để tôi cám ơn Hội Địa lý của anh vì sự ủng hộ vô giá của họ.

- Anh còn ở lại thành phố lâu chứ?

- Tôi đang chuẩn bị lên Paris để thông báo cho các quý ông trong Bộ Hàng hải. Tôi vẫn còn chưa hết chuyện với loài bò sát: sau đàn cá sấu châu Phi, giờ đến lũ cá sấu Mỹ sống trong các Bộ hành chính!

- Anh sẽ yêu cầu gì ở họ?

- Ủng hộ những hiệp ước của tôi với người Peul!

- Vì cá nhân anh hay vì nước Pháp?

- Trong tâm tưởng tôi thì cũng thế thôi! Ở Timbo, tôi chính là nước Pháp.

- Rồi, được rồi! Tôi sẽ thảo cho anh một lá thư giới thiệu theo ý kiến của tân chủ tịch Hội Địa lý. Ông ta tên là... Ferdinant de Lesseps. Anh có biết nguyên soái Cloué không?

- Sinh thời, bá tước De Chasseloup-Labat đã nói với tôi rất nhiều về ông này.

- Anh rẽ qua gặp ông ấy và nói là tôi giới thiệu. Ông ấy giờ là tân Bộ trưởng Hàng hải.

Olivier de Sanderval uống cạn ly rượu bách xù của mình, đứng dậy và xin lại áo măng tô.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ở Paris, ông đến khu đại bản doanh của mình ở khách sạn Terminus-Saint Lazare và bắt đầu bằng thứ dễ chịu nhất: một bữa ăn tối đủng đỉnh tại nhà hàng Grand Véfour với cha đẻ của kênh đào Suez, vẫn còn đang trên đỉnh cao vinh quang của mình. Trong cảnh trí tráng lệ của thế kỷ XVIII, nằm dưới những vòm của điện Palais-Royal, các nhân vật có máu mặt ở Paris có thói quen tụ tập ở đây. Người ta rất hay nhận ra hình dáng của Grévy hay của Gambetta. Ở đó, khi giỏng tai lên, ta có thể nghe thấy tiếng Edmond de Goncourt hay Alexandra Dumas con nói về những tác phẩm mới nhất của họ. Món gà hầm Marengo tự tan chảy dưới lưỡi và món sốt Mayonnaise gia cầm vượt quá sự nổi tiếng mà những nhà sành ăn tinh tế đã làm cho ông trong đại sảnh của nhà hát kịch Commédie Française hay trong các lô xem trình diễn của Opéra. Ferrdinant de Lesseps tỏ ra vui vẻ, trí thức, một vị khách tuyệt vời. Con người mà ai nấy đều gọi là "Người Pháp vĩ đại" thực ra lại là một ông già lùn thì đúng hơn, tóc muối tiêu khá nhiều nhưng đẫy đà, vận trang phục toàn màu tối. Mặc dù ở độ tuổi bảy mươi lăm của mình, ông vẫn nói chuyện với sự thẳng thắn và một nghị lực đáng ngưỡng mộ. Ông vẫn còn rất tin tưởng vào kênh đào Panama của mình. Chắc chắn, dự án này có vẻ như tốn nhiều tiền của hơn so với điều ông đã dự tính. Nhưng điều ấy cũng chẳng khiến ông nản chí, ông không hề nản chí tí nào nhé! Ngược lại là khác, điều ấy chứng tỏ nó sẽ còn thú vị hơn cả kênh đào Suez. Tiền bạc ư, ông thế nào cũng tìm thấy, chắc chắn là thế, dẫu rằng hiện tại những cổ đông đang chẳng mặn mà gì. Cuộc quyên góp rộng rãi trái phiếu mà ông vừa tung ra vận hành đúng ra là rất tốt.

- Chuyện đó đã vận hành tốt ở Suez, thì nó sẽ vận hành tốt ở Panama! Vả lại, anh bạn trẻ thân mến của tôi ơi, chúng ta không ở đây để nói chuyện về Panama mà để nói về một quốc gia mới mẻ mà tài năng của anh đã đặt vào tầm tay của nước Pháp. Nước... hãy nói lại tên nó cho tôi?

- Fouta-Djalon!

- Đó đúng là cái mà tôi hình như cảm nhận được: Foutita-Djalon! Đó là một xứ lạc thú, có vẻ như thế phải không?

- Đáng buồn là nó không dành cho ngài đâu: chẳng có con kênh nào để đào ở đó cả.

- Ô, có đấy! Charles-Roux đã nói với tôi về ý tưởng về con đường xe lửa của anh. Tôi tính dành hẳn một buổi nói chuyện về chủ đề này tại cuộc họp sắp tới ở viện Hàn lâm Khoa học. Con đường xe lửa, đây chính là kênh đào của thời đại mới đấy!

- Động mạch chính sẽ giúp chúng ta hồi sức cơ thể cứng đờ của Phi châu.

- Anh nói chuyện cứ như Dumas ấy... Ơ, đó là thành viên của chúng tôi ở viện Hàn lâm đấy... Anh nên rẽ qua gặp ông ấy. Ông ấy cũng như tất cả mọi người thôi, Dumas ấy mà, ông ta giả bộ như ghét bỏ vinh dự, nhưng chẳng gì khiến ông ta hài lòng hơn khi thấy những người khác bày tỏ, nâng tầm quan trọng của mình lên. Hãy đến gặp ông ta đi, hãy cám ơn ông ta vì tất cả những gì ông ta đã làm cho anh (dẫu rằng ông ta vẫn còn chưa làm gì cả), điều đó chắc chắn rồi sẽ đẩy ông ta đến thực hiện cái gì đó, ví như lên chương trình nhanh nhất ngày nói chuyện của tôi. Anh cũng nên ghé gặp Ganthiot, đó là thư ký thường niên của Hội Địa lý thương mại của Paris. Anh vừa mới hoàn thành một tác phẩm kỳ vĩ, chàng trai trẻ ạ: ở đây, vũ trụ hay một căn bệnh mới, chẳng có gì tồn tại mà không nhận được sự tán đồng của tầng lớp trưởng giả cả.

- Sự nổi tiếng không thu hút tôi, tôi đảm bảo với ngài thế.

- Đó chính là điều tôi đã tự nhủ với mình thế khi giáng nhát cuốc đầu tiên ở Suez. Nhưng khi tất cả mọi người bắt đầu gọi tôi là "Người Pháp vĩ đại", thì tôi đã thấy điều đó dễ chịu thì đúng hơn. Thế đám Da Đen này thì thế nào?

- Trước mắt, đó là những con vật! Sự tiến bộ chắc chắn sẽ đến được nơi họ.

- A, anh trấn an tôi khi nói về ma thuật của sự tiến bộ đấy! Dân Da Đen trong vài năm! Còn lũ khỉ thì trong bao lâu đây?

Không một bữa ăn nào của giới thượng lưu Paris mà lại không kết thúc bằng vài câu chuyện lạc đề về chính trường hay ca vũ kịch, họ gợi lại Tình yêu y học của F. Poise mà người ta vừa chuyển thể thành sân khấu Opéra-Comique, cũng như về hai nhân vật mang tên Jules trong thời kỳ ấy: Ferry và Guesde.

Sau đó, con người của kênh đào Suez đứng dậy đội mũ cao thành của mình và khoác tấm khăn choàng dài.

- Hãy hứa với tôi sẽ rẽ qua gặp Dumas nhé!... Rồi sau đó đến Ganthiot nữa!

Olivier de Sanderval tháp tùng ông ra tận cỗ xe sang trọng và đứng trân ở đó cho đến tận khi nền vinh quang sống của nước Pháp đi xa dần, trước khi cũng nhào vào xe của mình.

 

Tờ Những bản tường trình của các phiên họp của viện Hàn lâm Pháp xuất bản những đoạn dài của buổi nói chuyện của Lesseps. Ngay lúc đó, các phòng khách và các quán cà phê đang thịnh hành rất say mê người con của xứ Lyon coi thường hiểm nguy này - đã rất nổi tiếng vì đã phát minh ra bánh xe có trục treo và bởi những kỳ tích của mình trên mặt trận Sedan và người, trong sự cô độc huy hoàng của mình, đang đề nghị tặng cho nước Pháp một thuộc địa mới mở ra những quyền chăn thả khả quan, mật ong mà cái tên ngoại lai đã kịp khiến lũ trẻ vui đùa trong các trường học và những bài hát trong các phòng trà ca-ba-rê. Ngoài những nhật báo như Le Petit Marseillais, Le Firago, Le Journal des Débats, La Revue des Deux Mondes, Le Bulletin de la Société de géographie, La Dépêche coloniale và rất nhiều tờ báo khác đưa một tiếng vang lớn về chuyến du lịch của ông. Tên tuổi ông đã rất nhanh vượt khỏi những đường biên giới: Hội Địa lý Luân đôn đã tường thuật những kỳ tích của ông, báo chí Đức không ngớt lời ca ngợi. Vào thời kỳ này, khi những nhà thám hiểm được hưởng lợi cùng một vầng hào quang như những nhà du hành vũ trụ trong thời đại chúng ta hiện giờ, thì ta trở nên đặc biệt có giá trị hẳn khi thấy tên mình được nêu cạnh những cái tên như Stanley và của sĩ quan hành chính Laing, của Mungo Park và René Caillé.

Ông không phải là không hài lòng về mình. Trong vài tuần, ông đã thành công quyến rũ được các nhà bác học, những nhà tài chính và các thành viên viện Hàn lâm. Giờ ông chỉ còn phải đối đầu với con vật hoang dã ác độc nhất ở Paris: các chính trị gia.

 

 

Tên tuổi ông đã quá nổi trong các ngôi nhà lá cũng như trong các phòng khách giàu có và quý phái nhất, hiện giờ thì ông có thể đến gõ cửa văn phòng Bộ trưởng Hàng hải. Nhưng đô đốc Cloué hình như không bị ấn tượng như báo chí. Ông ta để mặc ông đợi vài ngày trước khi mở cánh cửa văn phòng mình:

- Anh chàng Charles-Roux nói với tôi rằng ông đem đến cho chúng tôi một quốc gia hoàn toàn mới.

Olivier de Sanderval giải trình lập luận rất lâu về chuyến đi của mình, vẻ đẹp của phong cảnh, những tiềm năng du lịch và nông nghiệp khổng lồ của Fouta-Djalon, ông nói về tầng lớp quý tộc Peul và sự ngồi tù khó nhọc của ông ở Timbo.

- Ông đã yêu cầu gì ở những người Peul ấy?

- Quyền được mở một con đường xe lửa và buôn bán thương mại.

- Ông chắc chắn là ông không muốn điều gì khác chứ: khai khẩn đất đai và tự xưng vua chẳng hạn?

- Tôi thấy rằng những miệng lưỡi xấu đã hoành hành tới tận những vách tường gỗ hào nhoáng của Nhà nước rồi đấy! Tôi chẳng có tham vọng gì khác là được phục vụ nước Pháp!

- A, nước Pháp! Trong giai đoạn này, kẻ tầm thường nhất trong đám thợ đóng giày cũng huênh hoang giành vinh quang đấy! Ông đã ra đi mà không có chúng tôi: không lệnh công tác, thậm chí còn không hỏi ý kiến chúng tôi.

- Các ngài hẳn sẽ khiến tôi đổi ý, và ngài biết rõ điều đó.

- Hãy nói cho tôi biết, chính xác thì ông đợi gì ở chúng
tôi hả?

 

- Rằng tôi muốn các ngài ủng hộ những hiệp ước của tôi! Rằng ngài phái một đoàn đại diện chính thức đến Timbo, và tôi sẵn sàng đưa đoàn đi!

- Ông có thể chờ đợi nước Pháp lập ông là vua của Fouta-Djalon!

- Tôi chỉ đợi các ngài bảo lãnh những hiệp ước của tôi trước khi những thế lực thù địch hùng mạnh cuỗm mất lọ
tiền hồ!

- Nước Pháp không có bất kỳ phương tiện pháp lý nào để bảo vệ những hiệp ước của ông, nếu như chúng có thật. Những thuộc địa của chúng tôi, đó là Sénégal và Soudan!

- Nắm giữ Phi châu bằng Sénégal và Soudan, đó chẳng khác gì nắm đoản kiếm đằng lưỡi cả! Không có Fouta-Djalon, chúng ta có nguy cơ mất tất cả ở đó!

Ông dừng lại vài giây để đi về phía tấm bản đồ thế giới treo trên tường:

- Xin phép ngài, chúng ta hãy cùng xem lại tấm bản đồ thế giới một chút, thưa ngài Bộ trưởng. Chúng ta có những gì xung quanh nước Pháp khốn khổ của chúng ta nào?

Ông cầm một thanh thước kẻ và với một vẻ nghiêm trọng, chỉ nước Tây Ban Nha, Anh và Đức, chẳng gì ngoài những kẻ thù! Làm sao có thể sống sót khỏi cái tổ vò vẽ ấy chứ. Châu Phi! Chẳng có giải pháp nào khác! "Nó phải là cơ thể và chúng ta là tinh thần!", ông nhấn mạnh. Ông thì ông đã hiểu ngay khi đặt chân đến Gorée rằng châu Phi phải ngừng ngay khi chỉ được coi là một vựa dự trữ nô lệ và cây có dầu, mà phải được khai hóa một cách tỉ mỉ dưới ánh sáng văn minh của thành Athènes và Roma, để trở thành một người bạn, một liên minh, một tỉnh của Pháp. Khi ấy, nước Pháp có thể sẽ thành lập ở đó một nền quân đội hùng mạnh; nhờ nó, cuộc chinh phục Italia sẽ dễ dàng cũng như con đường đến nước Áo thông qua thành phố Brenner. Nước Đức sẽ chẳng còn sự lựa chọn nữa; nền hòa bình vĩnh cửu và thậm chí có thể liên minh đối diện với một nước Anh kẻ thù của châu Âu. Còn làm thế nào để biến châu Phi thành một tỉnh của Pháp ư? Bằng cách biến Fouta-Djalon thành trạm cơ sở, điều đó cũng hiển nhiên như cái mũi nằm giữa khuôn mặt vậy.

Ông không nhận ra rằng ông đã nói liên hồi hai mươi phút liền và cách phát âm nhấn mạnh khiến ta nhớ đến những trận hoang tưởng của ông ở Timbo và còn siêu hình hơn, những cơn hoang tưởng trong cuốn Vô Cùng. Vị Bộ trưởng nhìn ông trong lúc tự hỏi liệu mình có nên nói toạc ra ngay hay cố tận dụng màn đó thêm vài khắc nữa...

- Hãy tin tôi đi, thưa ngài, châu Phi là chiếc chìa khóa cho tương lai của chúng ta. Trước mắt, chúng ta có thể biến nó thành lá chắn và sau này thành nơi cư trú. Vâng, ngài không phải không biết rằng sự đóng băng đang mạnh dần, rằng trong vài thập kỷ nữa xứ Languedoc cũng sẽ bị đóng băng như ở cực Bắc. Khi ấy những tộc người Inuit và Lapon sẽ tràn xuống xứ sở chúng ta. Và chúng ta, chúng ta sẽ chạy đến trú ngụ dưới làn khí hậu mát lành của vùng xích đạo. Với điều kiện phải chuẩn bị địa hình trước!

Vị Bộ trưởng mở to mắt nhìn ông và lầu bầu dưới chòm râu trong lúc cố tình đảo mắt nhìn đồng hồ:

- Rồi, rồi, sự đóng băng!... A mà đúng thế, anh bạn trẻ ạ, sự đóng băng! Và ông tính với bao nhiêu tiểu đoàn đến chiếm đóng ở miền xích đạo trước khi có sự đóng băng đây hả?

 

- Để chinh phục châu Phi, chẳng cần đến một trăm ngàn lính đâu, chỉ cần một người là đủ, người đó sẽ phải biết chiếm được lòng tin của nó!

- Và đương nhiên, người đó, sẽ là ông chứ nhỉ!

- Tôi, ngài hoặc sẽ là những người Anh!

- Người Anh, đó là một nỗi ám ảnh nơi ông đấy! - Ông ta thở hắt ra trong lúc dẫn ông ra cửa.

Rồi ông ta ném cho ông ánh mắt cuối cùng, lo lắng, hạ cố, và lắc mạnh tay ông rất lâu:

- Hẹn gặp lại, thưa ông! Và nhất là phải chăm sóc cẩn thận bản thân! Theo những tin tức cuối cùng, châu Phi hiện thời sẽ thoát khỏi những hậu quả của sự đóng băng, thì dẫu sao ông cũng phải thận trọng trước những cơn sốt của nó!

Lúc đi ra, ông va phải một người đàn ông trong trang phục sĩ quan đang đứng nghe trộm sau cánh cửa.

- Mẹ kiếp, - ông nổi đóa, - ông đứng nghe trộm sau cánh cửa ư? Ông không thấy xấu hổ à, trước tuổi của mình và bộ quân phục ông đang mặc kia?

- Ơ!... Không!... Không, không!...

- Thế thì ông đứng đây làm gì hả?

- Ơ... Tôi... tôi chỉ muốn đưa tiễn ngài thôi!

 

Ông ra khỏi đó với một sự bức bối khó tả. Rõ ràng là Cloué không tin vào dự án của ông lẫn cả con người ông. Ngày hôm đó thật tồi tệ. Ông phải cho đầu óc thoáng khí. Ông đi bộ đến tận quán Café de Paris mặc dù trời mưa, ông chơi cờ ở đó để cho thần kinh bình tĩnh lại cho đến tận khi màn đêm buông xuống. Bữa tối, ông không muốn chường mặt ra ở nhà hàng Grand Véfour lẫn Foyot. Thái độ cáu kỉnh của mình không cho phép ông chịu đựng cảnh ồn ào buôn chuyện của dân Paris ở đó. Còn ăn một mình trong phòng sẽ chỉ khiến sự bức bối của ông tăng thêm. Ông quyết định đi bộ về phía Les Halles, nơi người ta có thể ăn một tối mà chỉ tốn hai xu và trong một làn không khí vô tư nhất.

Suốt dọc đường đi, ông có cảm giác một bóng đen lén lút theo ông từ xa, những tiếng động của bước chân hắn vang lên đằng sau ông và im bặt một cách huyền bí khi chính ông bất thần dừng lại.

"Phải chăng bọn họ đã bắt đầu cho theo dõi mình?” Ông nổi đóa trong lúc rẽ xuống nhà thờ Saint-Eustache. Ô, nếu như họ thám thính ta, thì rõ ràng là bởi vì, mặc dù những gì họ biểu thị, ta vẫn còn có tầm quan trọng trong mắt họ!

Ông lưỡng lự đôi chút giữa các quán, quán này có súp ốc, quán kia có vẹm xứ Provence và quán khác nữa lại có món lòng nấu theo kiểu xứ Auverrgne. Cuối cùng ông chọn quán phục vụ món chân cừu và một món thịt hầm rau thịnh soạn, không phải là do thực đơn mà là bởi nó có vẻ không bẩn và bốc nhiều khói bằng những quán khác. Quán đó đông nghịt người hệt như những quán khác nhưng thật may mắn, với những bàn ăn không bị kê sát sạt nhau và có một góc ngoài trời mà ta có thể khiêu vũ tại đó dưới tiếng nhạc của đàn arcordéon.

Đúng như điều ông đang cần! Chẳng gì tốt hơn đóng vai vô danh giữa đám đông ồn ào náo nhiệt để khiến cho đầu óc nhẹ nhõm! Uầy, tại đây ông có thể ngấu nghiến một món ăn dân dã và uống đến tận say xỉn mà bọn chuyên đưa tin vặt trên báo cũng chẳng biết đấy là đâu.

 

Ông vừa ăn xong những chiếc chân cừu và món rau hầm của mình và chuẩn bị tấn công miếng pho mát. Vào đúng lúc ông đưa tay lên để gọi tên bồi đem đến cho mình một góc rượu vang đỏ nữa, thì có ai đó đẩy ghế và ngồi xuống cạnh ông.

- Tôi có thể ngồi chứ? - Kẻ xa lạ lầu bầu trong lúc đặt tay lên mặt bàn.

Đó là gã sĩ quan sáng nay, kẻ mà ông đã bắt quả tang đứng nghe trộm sau cánh cửa. Hắn đã trút bỏ bộ quân phục để khoác bộ trang phục thành phố rất vô danh, nhưng ông nhận ra hắn ngay lập tức nhờ ánh mắt giảo hoạt và lóe sáng, cái mũi của con vật tò mò thóc mách.

- Vậy chính ông là người theo dõi tôi hả?

- "Theo dõi" quả là từ to tát quá. Tôi chỉ muốn gặp ông trong một khu yên tĩnh để nói chuyện phiếm chút thôi.

- Thế ông muốn nói với tôi về chuyện gì?

- Đương nhiên là về Fouta-Djalon rồi! Nhưng sự lịch lãm buộc tôi trước hết phải tự giới thiệu đã: bác sĩ Bayol!

Bayol, bác sĩ hải quân, người đã theo Gallieni viễn chinh đến tận Soudan đấy! Thật khó tin! Ông tính có thể gặp hắn ở Ségou hay ở Kayes sau chuyến đi đến Timbo và Dinguiraye, ấy thế mà ông lại gặp hắn trong chính tại cái nhà hàng tồi tàn này, sau khi đã bắt quả tang hắn đang nghe trộm sau cánh cửa! Một sĩ quan hải quân, một người lính Pháp thực sự, người đã từng chói sáng rực rỡ ở Congo trước khi đi giao chiến ở Soudan! Ông nhìn đăm đăm rất lâu lên vầng trán rộng, khuôn miệng ngạo nghễ, cặp mắt nhỏ đầy ranh mãnh và thông minh. Không, ông không thể ngưỡng mộ con người này được: ông đã phải cố gắng một cách hết sức nghiêm túc để không giáng cho hắn một cái tát nảy lửa.

 

- A, ra vậy đấy, ông cũng quan tâm đến Fouta-Djalon ư? Thế thì tại sao ông không ghé đó một chuyến?

- Cấp trên đã không đề nghị tôi đến đó.

- Đúng thế thật, trong hải quân, khi đi nhà xí mà không hỏi ý kiến cấp trên thì cũng bị mang tiếng xấu.

- Điều đó cũng chẳng có gì là nực cười cả, ông thấy đấy! Chúng tôi là những chiến sĩ đi phục vụ Tổ quốc, chứ không phải là những nhà phiêu lưu tráng lệ.

- Là cấp trên của ông đã yêu cầu ông đến gặp tôi để nói những điều đó à?

- Không, tự tôi đến thôi. Tôi và ông, chúng ta khác nhau về mọi thứ: những ý tưởng, tính cách, tính tình. Tất cả, trừ một điểm: Fouta-Djalon. Tôi cũng nghĩ hệt như ông rằng đó sẽ là cây bài chủ của quân lực chúng ta ở Soudan. Ấy thế mà người Anh có vẻ như muốn hơn chúng ta. Sáng tay tôi được tin rằng họ vừa mới gửi đến đó một phái đoàn, do đích thân Goldsburry, thống đốc Gambie, dẫn đầu đấy!

- Bọn đểu!... Goldsburry ở Fouta-Djalon ư, chuyện vậy là quan trọng rồi! Nếu vì việc ấy mà ông có mặt tại đây, thì đúng là ông nên đến đấy!

- Không, không chỉ vì chuyện ấy thôi đâu!

- Thế còn vì chuyện gì nữa?

- Cũng là để nói với ngài rằng ý tưởng về một phái đoàn chính thức đến Timbo ấy mà, tôi rất tâm đắc.

- Rốt cuộc thì cũng có người hiểu tôi! Thế thì ông còn đợi gì mà không thuyết phục Cloué hả? Tiếng nói của ông đã có trọng lượng khi đã từng kề cận với Gallieni kia mà!

 

- Không đủ để khiến cho con gấu già Cloué này xuôi lòng! Nhưng ngài thì...

- Tôi hả?

- Đúng thế, hãy nói chuyện với Gambetta đi. Tôi biết ngài đã có cửa vào nơi chủ tịch Viện. Nếu Gambetta dính vào, thì Cloué chỉ còn nước phải thi hành thôi.

- Thế thì đồng ý! Khi cho ông ấy xem những bản hiệp ước của tôi, tôi có thể sẽ thuyết phục được ông ấy.

- Hãy làm nhanh đi, trước khi đám dân Anh quốc biến chúng thành tro bụi, những bản hiệp ước của ngài ấy! Thôi nhé, chào tạm biệt và chúng ta sẽ thông tin cho nhau.

Olivier de Sanderval hắt hơi đúng vào lúc Bayol chìa tay ra cho ông.

- A! - Người này thốt lên. - Đã có ảnh hưởng của sự đóng băng rồi cơ đây! Hãy mặc ấm vào nhé, Olivier, hãy mặc ấm vào!

Và ông ta tiến ra cửa, miệng phát ra một tiếng cười khẩy tàn ác.

 

Khi thức giấc, ông viết ngay một lá thư cho chủ tịch Viện. Câu trả lời được đem đến ngay: "Tôi rất sốt sắng được nghe ngài nói về Fouta-Djalon đấy! Ngài thấy thế nào nếu chúng ta cùng ăn tối tối nay tại nhà hàng Drouant. Ở đó sẽ yên tĩnh hơn là ở quán Bœuf đang thịnh hành hoặc như quán Grand Véfour."

Quán Drouant là một nhà hàng mới trong bản danh sách vẫn còn khá ngắn mà giới tai to mặt lớn của Paris thường lui tới. Ông đã đến rất sớm để tôn trọng những thể thức, nhưng đã thấy Gambetta đang ngồi đợi với một ly rượu, một tờ Le Figaro trên tay.

 

Với phong cách bốc đồng và thẳng thắn, người này đề cập chủ đề ngay lập tức:

- Sáng nay tôi đã gặp Cloué. Nói thẳng với ông, với những ý tưởng mới mẻ của chính ông, ông đã không thuyết phục được ông ấy cho lắm. Tôi hy vọng, với tôi, ông sẽ có cơ may nhiều hơn.

- Tôi chờ đợi nơi ngài hai điều, và đây tôi nói với ngài trong tư cách với một người bạn cũng như với chủ tịch Viện: nhanh chóng thành lập một Bộ Thuộc địa thực sự và ngay lập tức gửi một phái đoàn chính thức đến gặp Almâmi của Timbo.

- Không thể được, bạn thân mến ơi! Chúng ta đã sống trong một cơn khủng hoảng ngân sách chưa từng có. Còn việc gửi một phái đoàn đến Fouta-Djalon thì...!

- Đó là điều cần thiết, Gambetta ạ!

- Trong tâm tưởng ông, mọi chuyện thật đơn giản, nhỉ! Đúng là nếu tôi tin lời Cloué trong chuyện này, thì ông có trí tưởng tượng hết sức dồi dào. Nào, hãy kể cho tôi nghe chuyện sự đóng băng đi xem nào! - Ông ta giễu cợt.

- Chuyện đó cũng khiến ngài cười à, ấy thế mà nó lại chẳng có điều gì kỳ cục cả. Tư tưởng, thưa ngài chủ tịch, chỉ tiến triển nếu nó được ghi nhận trong sự vận động. Vâng, vụ trụ không phải là thể tĩnh, và nó liên tục trong trạng thái động: trái đất, khí hậu, các chủng tộc! Chẳng có gì bị đóng đông cả!

- Ngay cả những chủng tộc cơ à!

- Nhất là các chủng tộc, thưa ngài chủ tịch! Nhân loại, trong chủng tộc da trắng, thì sự tiến triển không phải là đã kết thúc! Hãy hiểu rằng chúng ta không phải là toàn nhân loại, chúng ta chỉ là một cành nhánh thôi.

 

- Nếu tôi hiểu rõ ý ông, thì lũ khỉ châu Phi sẽ tiếp tục những tác phẩm của Platon và của Descartes, của Voltaire và Gay-Lussac nhỉ! Đúng thế không?

- Tôi đã không nói đến lũ khỉ, mà nói người Da Đen!

- Nếu tôi đã hiểu tường tận, thì khả năng thần tài của họ sẽ được tiết lộ vào lúc có sự đóng băng?

- Ở một khía cạnh nào đó thì thế.

- Ông gặp may đấy, bạn Olivier thân mến ạ, đã đang ngồi trước mặt một người mà người này, giống như ông, rất thích tính mơ mộng. Ngược hẳn với Cloué, tôi không coi ông là một gã điên khùng. Nhưng tôi có lẽ cũng phải cần đến cả thế kỷ hoặc hai để làm quen với những ý tưởng như những ý tưởng của ông đây.

Chủ tịch Viện đứng lên, đòi áo măng tô và cây gậy. Rồi ngài còn nói thêm:

- Thế thì đồng ý, tôi sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận trong nội các. Và tôi xin ông, chớ có thù hằn gì tôi nếu như điều ấy không được chấp nhận.

 

Ông quay về Marseille ngay lập tức và gửi bức điện tín này đến thương điếm của mình tại Gorrée:

"Bonnard thân mến,

Nếu như tôi đã biệt tin gì từ khi đánh điện cho ông ở Bordeaux lúc lên khỏi tàu, thì lý do cực kỳ đơn giản: đó là tôi chẳng có tin gì mới hết. Gia đình tôi sống ở Montredon thì phải nói là không gì còn thông thường hơn thế. Còn về cuộc sống của nước Pháp, nói thật đấy, ngoài những tiếng vang thốt ra từ Nghị viện mà ta nghe được thì đó là tiếng nói, bình an và chán ngắt, của một mụ già thực lợi cảm thấy rõ là mình đang hấp hối. Chỉ có điều, tôi vừa từ Paris về, nơi mà tôi mòn chân leo lên các tầng lầu để cố gắng giải thích cho các quan chức quan liêu của chúng ta hiểu lợi ích đối với quốc gia chúng ta về việc chiếm đóng Fouta-Djalon, thì cuối cùng tôi cũng có được một thông tin: hình như người Anh đã gửi một phái đoàn do đích thân Goldsburry, thống đốc của họ ở Gambie, dẫn đầu đến Timbo. Tôi chẳng cần phải lập luận để giải thích cho ông hiểu rằng đó là một vố tồi cho chúng ta. Ông biết rõ hơn tôi rằng người Anh thì ranh mãnh đến thế nào và người Peul thì hám của và lập trường bất nhất ra làm sao. Cuộc gặp mặt giữa hai chủng tộc gian giảo này có nguy cơ khiến cho những hiệp ước của chúng ta tan thành mây khói và nhấn chìm tất cả những báu vật mà chúng ta đã đầu tư vào quà cáp và các thương điếm. Chính vì vậy, tôi ra lệnh cho ông, ngừng mọi công việc đang tiến hành, đến Timbo ngay để đảm bảo rằng chúng ta (chứ không phải lũ vô lại Anh kia) là bạn của Almâmi, và rằng những hiệp ước của chúng ta vẫn còn giá trị. Ông biết rõ những phong tục đê hèn của các vua da đen. Với họ tình bạn chạy về phía quà tặng. Thế nên, chớ có đắn đo gì: hãy đổ đầy quà cáp lên các lãnh chúa tồi tệ Peul đi nhé (nhất là Pâthé, Aguibou, Bôcar-Biro và Alpha Yaya! Cho mỗi người một tấm gương hay một viên hổ phách! Còn đám dân Anh, hãy gièm pha chúng thật lực! Hãy phá hoại ngầm gã Goldsburry này! Hãy làm sao đó để người Peul hiểu rằng đám dân Anh chỉ có một ham muốn: cắt đầu Almâmi và xâm chiếm đất nước của ông ta. Hãy chơi trên sợi dây đàn nhạy cảm của tộc Peul: niềm tự hào huyền thoại của họ, sự gắn bó của họ với đạo Hồi, với nền độc lập của nước họ, tất cả những gì người dân Anh kia chỉ muốn tàn phá trong khi đó thì chúng ta, dân Pháp... Hãy nhắc cho họ nhớ cả triệu lần rằng tôi là và mãi mãi sẽ vẫn là người bạn rất trung thành và rất tận tụy của họ nhé! Hãy làm đúng lời tôi nói và hãy thông tin thường xuyên cho tôi.

Còn tôi, trong lúc chờ đợi, tôi phải trụ lại đây để quấy rối các Bộ hành chính. Hiện tại, tất cả đều chống lại tôi. Nhưng ông đã biết tôi là người thế nào rồi!...

Tôi quay lại Fouta ngay khi có thể.

Hãy gửi lời chào của tôi tới những Portôbé ở vùng ven!"

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mùa đông qua đi mà chẳng đem lại tin tức gì mới mẻ: chẳng có gì từ phía Gambetta, phía Timbo cũng không! Vậy là ông chuyên tâm toàn bộ vào hai cực của cuộc sống mới của mình: trong cuộc sống ban đêm, cuộc sống giấc mơ của những người khác và sự thống trị vô nhân tính của chứng mất ngủ của ông - cơn ác mộng của ông -, vào những cuốn sổ du lịch và những học thuyết khó khăn cam go của Vô Cùng; trong cuộc sống ban ngày, tới nếp sống đơn điệu của người Marseille: thể thao, công chuyện làm ăn, những yến tiệc và gia đình. Georges, mười tuổi và Marie-Thérèse, lên tám, đã tận dụng ông như thể chúng đã chưa bao giờ có dịp. Chúng thoát khỏi bàn tay ân cần của đám gia nhân và gia sư với bất kỳ lý do gì để chạy đến ẩn trong vòng tay của cha chúng. Ông quát mắng chúng dữ đằn vì một tí lỗi nhỏ nhoi tầm thường nào - đặt khuỷu tay lên mặt bàn ăn, một cách ngồi không đúng, một bài tập La-tinh hay toán cẩu thả -, trong lúc bàn tay kín đáo của ông vuốt ve má chúng và trái tim người cha của ông âm thầm chảy tràn tình thương yêu trìu mến.

Tuyết đã thôi rơi, những đàn cò xé tan dải sương mù cuối cùng của miền Nam bằng cú vẫy cánh. Vẫn chẳng có tin gì.

Vật báu Rose của ông để mặc được chìm lút dưới tình yêu và sự lãng mạn dưới ảnh hưởng của những ngày đầu xuân tuyệt diệu ngập tràn ánh nắng mặt trời, những tiếng chim ca và hương hoa nhài lan khắp. Sự hiện diện chu đáo của chồng và những buổi tập hàng ngày của vở Méphistophélès chẳng mấy chốc không còn đủ cho nàng nữa. Nàng ngước cặp mắt ngấn lệ lên khu đồi cao của Marseille, bám chặt chồng và tấm tức khóc: "Aimé, nếu mình thực sự yêu em, thì hãy tổ chức cho em một tiệc trưa nữa trên đỉnh La Verryère nhé, lần này sẽ có cả đoàn Teatro alla Scalla nữa nhé." Ông đã tốn biết bao thời gian để thuyết phục nàng rằng chuyện chẳng có gì vui thú khi hai lần thực hiện cùng một sự khùng điên. Một tiệc trưa lần hai trên đỉnh La Verryère sẽ chẳng tạo được âm hưởng gì. Lũ tò mò và báo chí sẽ tảng lờ đi thôi và, với họ, đó sẽ là một ly sâm banh thừa. Một ý tưởng sáng chói, Teatro alla Scalla, nhưng dẫu sao cũng chẳng phải ở La Verryère đâu, trên bình nguyên Kahel
thì được!

Chỉ cần kiên nhẫn một chút. Đủ thời gian thuần phục những ông hoàng kiêu ngạo Peul kia, dựng lên tòa lâu đài và nhà ga, thông thương công thương và công nghiệp, họ chắc hẳn sẽ ních ra được vài bồn cây, khai khẩn chúng để dựng lên một nhà hát kịch theo khuôn mẫu của Paris, của Milan, của Florence hay Luân Đôn, chính nàng sẽ lựa chọn. Khi ấy, Teatro alla Scala đương nhiên sẽ được chỉ định đầu tiên để khánh thành. Cần phải văn minh hóa miền đất này gấp bội: tuyến đường sắt cho nền kinh tế, nghệ thuật trữ tình cho những phong tục tập quán!

- Thế mình sẽ trị vì dưới cái tên nào, hả Aimé?

Ông vẫn còn chưa nghĩ đến điều ấy. Ông sẽ để mắt đến triều đại Mérovingien hay nơi những người vĩ đại của sông Nil: cái gì đó như Mérovée hay Ramssès. Ông cũng có thể sẽ liên kết chúng với nhau: Méramvée, tuyệt đỉnh của Ai Cập và thời kỳ đầu rạng rỡ của nước Pháp! Méramvée, chỉ đơn giản thế thôi, các nhà sáng lập không cồng kềnh những con số!

- Và mình sẽ gọi em thế nào?

- Rose! Tên của một loài hoa, loài hoa đẹp nhất! Những nhánh gai, hương thơm: Mình sẽ khiến cho người ta cùng lúc vừa yêu vừa sợ đấy!

Ông đã không nghĩ tới Dalanda khi đáp lại những câu ấy. Ông đã không còn nghĩ đến nàng từ khi trở về đây. Không, các nàng không phải là ba người khác nhau có thể chạm trán nhau và trở thành kìch địch. Esmilie, Rose, Dalanda! Các nàng đại diện cho những trạng thái khác nhau của cùng một con người: tuyết ở đây, và nơi ấy là nước lỏng! Sự chuyển đổi phải được tiến hành tại một nơi nào đó gần giữa Thái Bình Dương. Điều ấy phải thấu tình đạt lý như không cảm nhận được gì hết: không ân hận lẫn giằng xé tâm can, không nghi ngờ lẫn trăn trở, chẳng có những cảm xúc phù phiếm hay đạo đức vô bổ khiến bạn rùng mình run rẩy trong những trường hợp như vậy! Ông đã không hỏi xem hoa hồng trong tiếng Peul thì nói như thế nào, chắc chắn là dalanda rồi.

- A, Kahel ư! Hãy làm sao đó để đến sang năm nhé, Aimé, ở Marseille sao mà buồn chán thế không biết!

Ông ngay lập tức thuê một con tàu để dẫn nàng đi đu lịch trên biển ở Sicile.

 

Ngay khi ông trở về, một kẻ xa lạ đến trình diện trước cổng lâu đài. Ông ra lệnh cho bếp trưởng ra nói lại rằng ông không chờ đợi ai cả. Nhưng chàng trai trẻ cố nài, vị khách đã có nhã ý đến từ nước ngoài.

 

- Từ Anh quốc thưa ngài, nếu đúng như phán đoán của tôi theo cách phát âm.

Ông tiếp người khách lạ trong thư viện của khu nhà biệt lập để chỉ rõ cho anh ta thấy rằng cuộc nói chuyện sẽ không thể kéo dài. Người đàn ông đưa khăn choàng dài và gậy cho gia nhân và tiến đến với toàn bộ vẻ tao nhã lịch thiệp người Anh của mình, gỡ găng tay ra:

- Tôi là Sir Gladstone Jr. Và thật vui biết bao khi được gặp ngài, thưa ngài Olivier!

- Sir Gladstone Jr. ư! Ngài muốn nói rằng ngài là em trai của Thủ tướng hả?

- Không phải em trai! Là con trai ạ, thưa ngài Olivier, là con trai!

- Chúa ơi, con trai của Thủ tướng Hoàng gia ư! Một người Pháp thảm hại như tôi có thể đem lại lợi ích gì đối với nền đế chế của ngài đây hả?

- Người Pháp đã luôn luôn là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi, thưa ngài Olivier!

- Nhất là Jean d’Arc và các nhà tư sản ở Calais nhỉ!

- Thôi nào, thưa ngài Olivier, mọi chuyện đó đã thuộc về dĩ vãng rồi. Giờ đây, chúng ta là bạn của nhau rồi kia mà! Dẫu gì đi nữa, tôi có mặt tại đây trên danh nghĩa tình bạn!

- Thế thì, hãy chấp thuận một ly rượu vang đi, ở Pháp, người ta đối đãi với bạn bè như vậy đấy: với rượu vang!

- Nếu ngài xem đó như một khổ hình, thì tôi chấp nhận chịu án chung thân đấy, thưa ngài Olivier, người Anh thốt lên và chạm cốc một cách ồn ĩ.

- Chính vị thân sinh của ngài phái ngài đến đây ư?

 

- Có thể nói rằng tôi tự đến theo sáng kiến của mình dẫu rằng, đương nhiên rồi, cha tôi có biết chuyện.

Một cách tự nhiên mà nói, anh ta đến chỉ vì mục đích duy nhất có thể khiến cả hai quan tâm: Fouta-Djalon! Ở Luân đôn, mọi người đều biết chuyến lưu trú của ông ở Timbo và các bước tiến hành nhọc nhằn của ông ở Paris.

- Cloué có lý đấy, thưa ngài Olivier: Thiên hướng của các ông, người Pháp, nằm ở những trảng rừng thưa của Soudan. Chính các ngài, nói gì thì nói, là dân tộc của Ánh sáng! Vậy nên hãy để cho chúng tôi, dân tộc Anh khốn khổ, những khu rừng rậm đó đi!

Anh ta lập luận rất lâu về việc người Anh đã đi trước người Pháp rất lâu trong khu vực này của trái đất: "Watt và Winterbottom ngay từ năm 1794 và Campell năm 1817, trước Mollieni của các ngài rất lâu kia! Nếu như người ta áp dụng nguyên tắc của kẻ đến trước thì Fouta-Djalon phải thuộc về chúng tôi!"

Olivier de Sanderval đáp lại rằng Fouta-Djalon chẳng thuộc về ai cả, với người Anh lại càng không: các Almâmi đã chẳng ký gì với họ hết, chẳng ký gì với Campell lẫn sĩ quan Liang.

- Người Peul còn xảo quệt hơn cả ngài: họ luôn làm ra vẻ ký nhưng họ chẳng bao giờ ký gì cả... Trừ tôi! Và ngài có biết tại sao họ đã ký với tôi không, hả ngài Gladstone? Bởi vì tôi, tôi không đại diện cho một quốc gia, không đại diện cho một quân đội hay một nhà băng nào cả: tôi là một người bạn.

- Hừm... một người bạn à! Ngài thấy thế nào về điều này (anh ta mở xắc cốt, chất đầy tiền) và một tước vị quý tộc để đổi lại tất cả những hiệp ước của ngài?

 

- Ra khỏi đây ngay, thưa ngài Gladstone, nếu không tôi sẽ phạm một vụ khủng bố chống lại Anh quốc đấy!

- Mạn phép ngài, - Gladstone nói và nâng ly lên, tựa như để chứng minh rằng sự điềm tĩnh của người Anh không phải là một huyền thoại.

Anh ta tu cạn một hơi, bình tĩnh đóng túi, nhận lại áo măng tô và gậy, rồi lịch sự cúi chào trước khi leo lên cỗ xe sang trọng của mình. Olivier de Sanderval theo anh ta ra tận cổng, nhổ một bãi nước bọt tức tối và giận dữ đóng sập cửa lại.

 

Ông dành suốt những tuần sau đó để soạn thảo tác phẩm kể về chuyến đi của mình và tiếp những cuộc phỏng vấn báo chí và thực hiện những buổi nói chuyện trên khắp nước Pháp. Các tờ báo trong các tỉnh hẻo lánh nhất cũng gửi những phóng viên đến gặp ông. Thậm chí cả Đức và Bỉ. Những quý ông trẻ trong chiếc redingote vạt rộng và gi-lê kẻ sọc, các quý bà trong áo dài the, khăn trùm dài và mũ rộng vành xô lấn nhau trong những phòng khách của các Hội Địa lý để nghe ông nói chuyện. Ở Bordeaux, ở Montélimar, ở Dijon hay còn ở Angoulême, người ta vỗ tay cổ vũ ông là người hùng, người ta ôm hôn ông nồng nhiệt trong lúc hét lên với ông những câu "chúc mừng!". Người ta tặng hoa cho ông, chen lấn nhau để được chụp ảnh bên cạnh ông. Ở Toulouse, một nhóm thanh niên trẻ lãng mạn tưới lên ông những tiếng kêu "Fouta-Djalon thuộc Pháp! Fouta-Djalon thuộc Pháp!" Cuối buổi nói chuyện, một thằng bé đến chìa cho ông một cái tráp:

- Cái gì vậy, hả chàng trai trẻ? - Ông hỏi.

- Ô, cho tuyến đường sắt của ông mà!

 

Điều đó đã khiến ông cực xúc động, ông không sao giấu nổi những giọt nước mắt.

- A, nếu như trong các Bộ hành chính ở Paris, tất cả bọn họ đều như cháu nhỉ, cháu bé ạ, thì nước Pháp hẳn sẽ được cứu rỗi! - Ông rên rỉ trong lúc âu yếm bế bổng thằng bé lên.

Bởi, ở Paris, những cuộc thăm viếng của ông vẫn chẳng dẫn đến đâu, còn những lá thư của ông, càng ngày càng bồn chồn và xối xả bay đi, thì vẫn chẳng nhận được lời hối đáp nào hết.

 

Cuối tháng Tư, ông mở một chiếc phong bì trong số đống thư từ mà ông nhận được hàng ngày từ những người hâm mộ ông và thốt ra một tiếng kêu sung sướng khi nhận ra nét chữ của Gambetta, đại để ông ấy nói thế này: "Tôi cuối cùng đã thuyết phục được chính phủ để họ gửi một phái đoàn đến Timbo... Ngài thấy là tôi đã không quên ngài đâu!... Aimé Olivier thân mến của tôi, hãy nhận nơi tôi tình bạn hết sức chân thành, lâu dài và trung thực. Ký tên: Gambetta." Và trong phần tái bút, ông ấy viết thêm: "Thật khó tin, nhưng câu chuyện lộn xộn của ngài về Fouta-Djalon đã bắt đầu thành hình ở đây rồi!"

Ông chạy đến ôm hôn vợ và lũ trẻ, và bật một chai sâm banh. Sau đó, ông đến thư viện và xúc động viết thư hồi đáp. Ông dông dài rất lâu trên những lời cảm ơn thông lệ và kết luận với niềm hứng thú vô hạn: "Đó là thông tin hay nhất mà ngài có thể cho tôi đấy. Ngay 10000 từ giờ phút này, tôi sẵn sàng quay lại Timbo và trò chuyện, lần này là với tư cách chính thể, với các bạn Peul của tôi. Tôi để chính phủ chỉ định các thành viên của đoàn, những người sẽ theo tôi và ấn định ngày lên đường. Dẫu sao, theo ý tôi, sẽ thích hợp hơn cả là ngày này nên diễn ra trước đầu mùa đông. Ở Fouta, các miền đồng bằng bị úng lụt hết và các con đường thì không thể giao thông được bắt đầu từ
tháng Sáu."

Sau biết bao đắn đo, thì lần này, cơ may hình như ngả về phía ông. Bởi vì, cùng tuần ấy, ông đã nhận được một lá thư của triều đình Bồ Đào Nha thông báo cho ông hay rằng, để tạ ơn ông về những thông tin và những hiệp ước mà ông cung cấp về Cassini và Foreyah, vua Louis đệ Nhất phong cho ông tước vị tử tước De Sanderval và sắp mời ông đến Lisbonne để đón nhận chứng thư và tước vị chính thức.

Rõ ràng là đấng Tối cao chỉ còn rọi vào mỗi mình ông
mà thôi!

Chưa đầy tuần sau, một thủy thủ bấm chuông nhà ông để chuyển tới ông những thông tin của Bonnard, người đại diện của ông ở Gorée. Ông ấy đã từ Timbo trở về, bình an vô sự. Almâmi Ahmadou, người trong thời gian đó đã thay Sory theo quy định, những quy định này quá Peul để khiến ta có thể hiểu được, theo sự thay đổi quyền lực, khẳng định tất cả những hiệp ước mà Fouta đã ký với ông và lặp lại tình bạn bất biến của dân chúng Peul đối với ông. Bonnard cũng chẳng gặp mấy khó khăn để thuyết phục Almâmi: gã đần Goldsburry đã thực hiện phần lớn công việc thay ông. Với sự tinh tế sặc mùi chiến binh, ông ta đã phạm một sai lầm là cho đoàn quân của mình duyệt binh trước cung điện để bồng súng chào Almâmi. Chủng tộc Peul vốn luôn ngờ vực và rất nhạy cảm này đã xem sự tế nhị đó như là một lời đe dọa: đó là dấu hiệu mà người Anh đã đến đây với ý định hiếu chiến và rằng những điều Olivier de Sanderval đã nói với Almâmi là đúng sự thật: "Người Anh là những kẻ chuyên gây chiến. Họ chỉ có một ý tưởng duy nhất trong đầu: xử trảm Almâmi và xâm chiếm Fouta. Trong khi đó thì tôi, Olivier de Sanderval, tôi chỉ đến kiếm tìm tình hữu nghị của các ông."

"Vì thế mà, - viên thủy thủ kết luận với một cánh tay hùng dũng đưa lên, - với người Anh, họ đã nói "Ouste" ngay khi đoàn duyệt binh quân sự kết thúc, thưa ngài Olivier, và rằng con đường đến Timbo vẫn luôn được dọn quang và mở cửa chào đón ngài!"

Tin đó có ảnh hưởng đến ông cùng một hiệu quả như mấy chai rượu vang của xứ Bourgogne mà người ta thưởng thức cùng tiếng nhạc ác-coóc-đê-ông trong các bữa trưa giữa cánh đồng. Ông lại bắt đầu chơi tàu thủy và tổ chức những đêm khiêu vũ và các buổi yến tiệc. Ông dành những đêm mất ngủ dài bất tận để trau chuốt tác phẩm Vô Cùng, còn những buổi sáng sớm để tiếp tục chỉnh trang cuốn sách về du lịch của mình. Những buổi chiều, ông thường đến Cassis, đuổi thỏ hoang trong truông trảng hay leo lên các sườn núi cạnh biển. Những kỳ cuối tuần, ông dẫn gia đình đi pic-nic bên hồ Berre hay trong khu rừng của Château-Gombert. Để thư giãn, ông nằm dài dưới những bóng thông của vườn để đọc nhật báo Le Petit Marseillais hay viết đặc kín các cuốn sổ và chuẩn bị, đến từng khẩu phần, chuyến đi sắp tới của ông đến Timbo.

Mùa xuân trôi qua rất nhanh và mùa hè (có nghĩa là mùa đông ở đó, với những cơn mưa không ngừng và sấm sét khủng khiếp) phi nước đại đến nhập cuộc, thì vẫn chẳng có dấu hiệu gì từ Bộ Hàng hải cả! Đến giữa tháng Năm, ông lo lắng phàn nàn với Charles-Roux:

- Anh hãy viết thư cho họ đi! Có thể họ đã quên cũng nên!

 

- Nhưng mà viết cho ai, hả bạn Jules thân mến? Cho Cloué hay cho Gambetta đây?

- Đương nhiên là cho Cloué rồi! Gambetta đã làm hết những gì ông ấy có thể rồi!

Ông thi hành ngay và, trước sự ngạc nhiên đến sững sờ của ông, ông đã nhận được câu trả lời rất nhanh: phái đoàn đương sự đã xuống tàu đi Fouta-Djalon từ hồi đầu tháng Năm rồi. Tác giả của lá thư, một gã trưởng phòng chết tiệt đảm nhận Công vụ các nước bản xứ đã đẩy sự thâm ác của mình đến cùng, đến độ nêu cả tên người trưởng đoàn: đốc tờ Bayol, một cựu diễn viễn hài kịch ở nhà hát sân khấu Folie Bergère, trở thành họa sĩ - nhiếp ảnh, rồi sau đó là sĩ quan hải quân, được Noirot tiến cử; và họ còn đem theo một lá thư của chủ tịch Jules Grévy mời Almâmi của Timbo đến thăm chính thức Paris. Tim ông suýt nữa thì nhảy ra khỏi lồng ngực. Ông ra lệnh cho quản gia
thu xếp va li còn người đánh ngựa đi hỏi lịch trình chuyến tàu sớm nhất đến Paris. Nhưng cơn giận dữ của ông đã khiến vợ ông hoảng loạn, nàng lập tức chạy đi tìm kiếm Charles-Roux. Người này, biết tường tận tính cách cáu kỉnh và cách bùng nổ trong giọng nói của bạn mình, đã khuyên ông từ bỏ chuyến đi đến Paris:

- Việc đó chỉ khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn mà thôi! Trước mắt, anh hãy bình tĩnh lại đi! Trước hết, hãy bình tĩnh đã!

- Đây là một cú tồi của công đoàn đây mà, bọn đạo tặc làm bại hoại các Bộ hành chính của chúng ta mất rồi!

- Anh cứ bình tình đã, chúng ta hãy đợi xem đoạn kết của chuyến đi ra sao!

 

- Lũ đểu! Chúng muốn lấy Fouta-Djalon của tôi ư, thế thì... không đâu nhé! Anh ngăn tôi đi Paris hả? Thế thì tôi sẽ đi Timbo, phải buộc lũ bất lương này án binh bất động mới được!

Định mệnh đã quyết định mọi chuyện khác đi: lần này, sẽ không đi Timbo lẫn Paris. Trên thực tế, một thông điệp gửi đến thông báo ông phải đến Lisbonne ngay lập tức để dự lễ phong tước hiệu của mình.

 

Khi từ Bồ Đào Nha trở về, đất nước Peul đã trở thành chủ đề ưa thích hơn cả của châu Âu và của khu nhà biệt lập Clary, một kè tàu thực sự. Ông lần lượt tiếp đón một sứ giả của vua Léopold II, một nhà địa lý học Thụy Điển, một khách du lịch Thụy Sĩ, người mà sau một cuộc chinh phục mới đây trên sa mạc Sahara, thì lần này lại muốn tiếp tục theo đuổi cuộc phiêu lưu Phi châu của mình theo dấu vết của Mungo Park, tiếp đến là một gã vùng Alsade điên điên khùng khùng, kẻ tự cho mình là một nhà thám hiểm đến đề nghị ông cùng ông ta đi ngược lên dòng sông Congo bằng thuyền từ... Fouta-Djalon đến tận trung tâm Abyssinie. Rồi, nghiêm túc hơn, một phóng viên Áo đã từ thủ đô Vienne đến chỉ để đề nghị ông một bài viết tỉ mỉ về cuộc phiêu lưu của ông. Không còn tính đếm được nữa con số các quý ông từ các Hiệp hội khoa học, những nữ độc giả ngưỡng mộ, những kẻ tò mò hay những phóng viên tiểu phẩm chủ nhật đến nghe ông kể lại chiến tích của mình để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của họ. Ngày cũng như đêm, ông bị những chuyến viếng thăm chộp lấy mặc dù có sự thận trọng của đám gia nhân. Không chịu nổi nữa, ông bí mật tập hợp gia đình và đi nghỉ hè trong ngôi nhà gia đình ở Avignon. Ở đó, giữa một cuộc lẩn trốn trong rừng và một cuộc ngụp lặn trong sông Rhône, ông đã tìm được sự bình an cần thiết để kết thúc cuốn Từ Đại Tây Dương đến Niger, một bản tóm tắt cô đặc những ghi chép trong suốt chuyến đi của ông.

Nhà in Ducroq ngay lập tức đề nghị ông cho xuất bản. Khi ông đang sửa chữa những bản in, thì một buổi sáng đẹp trời, Charles-Rous bất ngờ xuất hiện trong thư viện để nhét cho ông một bản của số báo L’Illustration. Trên hai trang lớn, tờ báo kể lại chuyến trở về của phái đoàn Bayol và Noirot. Ngày mùng 4 tháng Giêng, đoàn đại biểu của chính phủ Pháp đã cập bến Congo, trên con tàu quý phái của Công ty vận tải biển đảm bảo lưu thông trên tuyến Pointe-Noire-Bordeaux quá giang Dakar. Báo chí và tất cả đám đông tò mò của thành phố đã hối hả chen nhau tại cảng. Bởi hai sĩ quan hải quân đã không chỉ cập bến một mình, mà còn được tháp tùng một đoàn đại sứ hùng mạnh của Timbo, dẫn đầu là vị Saїdou vĩ đại, thư ký của Almâmi.

Trên năm cột của trang đầu, tờ báo thuật lại quãng thời gian lưu trú mặn mà ý nhị của họ ở thủ đô vùng Aquitaine. Sau một buổi dạ yến ở Sở Địa lý thành phố, người ta đã đưa họ đi thăm thánh đường, sau đó tặng họ một buổi hòa nhạc quân sự và một đêm diễn ba lê. "Ở nhà hát kịch, - tờ báo nói thêm một cách hóm hỉnh, - nữ vũ công đầu tiên đã khiến cặp mắt của nhân vật có tên Saїdou, vị trưởng đoàn khách mời Da Đen của chúng ta, sáng lóe lên. Quả là khoái chí khi quan sát những con người hoang dã vừa mới ra khỏi rừng hoang này, với những chiếc áo chùng dị hình và những chiếc mũ lạ lùng của họ, sửng sốt trước vẻ đẹp của thành phố chúng ta, ý tôi muốn nói những tượng đài và các quý bà của chúng ta. Màn trình diễn hẳn sẽ còn tráng lệ hơn nhiều nếu như vị quân vương của họ đã chấp nhận thực thi chuyến công du, nhưng ở những người này, đấng quân vương chỉ rời thủ đô của mình để đi chinh phạt hay để hành hương đến La Mecque mà thôi. Chính đó là những phong tục tập quán của người Da Đen!", tờ báo kết luận.

Charles-Roux, lần này, đã chẳng thể làm gì được. Olivier de Sanderval ngay lập tức đóng gói va li và lấy tàu đi Paris. Nhưng Gougeard, tân Bộ trưởng Hàng hải từ chối tiếp ông, còn Bayol và Noirot thì rất khó gặp. Ông đã giậm chân suốt mấy tuần liền, khép mình trong phòng khách sạn Terminus-Saint-Lazare, và đành chấp nhận theo dõi cuộc đi dạo quý tộc ầm ĩ xuyên Paris của họ qua báo chí và qua giọng nói hoài nghi của các bà gác cổng. Phái đoàn cao cấp lần lượt được đón tiếp bởi Jules Grévy, Gambetta, với sự có mặt của chủ tịch Hội đồng chính phủ, Auguste Gougeard, tân Bộ trưởng Hàng hải và thậm chí còn bởi tướng Faidherbe, người mà, sau khi đã thành công sáng chói tại Sénégal, hiện giờ đảm nhiệm chức vụ danh dự Đại chưởng ấn của Bắc đẩu bội tinh. Người ta để họ nghỉ tại khách sạn Louvre, người ta duyệt binh bồng súng chào họ trong sân điện Invalides, người ta dẫn họ đi xem Hamlet ở Opéra. Báo chí không tiếc lời kể những giai thoại tiếu lâm về dáng vẻ oai phong bệ vệ và những không may nho nhỏ vui vui của họ trên đường phố Paris. Đám người Peul vét sạch các cửa hiệu sang trọng và đáp lại khi người ta đưa hóa đơn thanh toán cho họ:

- Hãy đưa cái đó cho Tierno Balêdio(1) đi. Chúng tôi là khách mời của ông ấy, nên chúng tôi chẳng phải thanh toán gì hết.

Khi mà, cuối cùng thì ông cũng tóm được Bayol tại phòng làm việc của ông ta, kẻ này chỉ chìa cho ông một tờ giấy mà thậm chí không thèm đáp lại lời chào của ông. Đó chính là bản hiệp ước mà lão ta đem từ Timbo về, với một phiên bản bằng tiếng Pháp và một bản kia bằng tiếng Peul. Ông đã vượt qua được cơn tức giận để đọc hết phần nội dung:

"Fouta-Djalon, mà một tình hữu nghị dài lâu gắn kết với nước Pháp, biết rằng dân tộc Pháp không tìm kiếm cách lan rộng quyền sở hữu của họ ở Phi châu mà chỉ là những quan hệ hữu nghị nhằm tạo điều kiện thuận lợi thông thương thương mại, biết rõ rằng từ lâu, người Pháp không bao giờ có ý định xen vào trong những công chuyện đặc biệt của những liên minh của họ và rằng họ tuyệt đối tôn trọng các luật pháp, phong tục, những tập quán và tôn giáo của những dân tộc khác... " Theo sau đó là hàng loạt những hiệp ước xác nhận tình bạn giữa hai quốc gia và những thỏa thuận thương mại. Fouta-Djalon cam kết chuyển hướng một phần những đoàn xe khách từ Gambie và từ Sierra Leone về các trạm của Pháp ở Boké.

Bayol nhìn ông đọc với con mắt lóe sáng của kẻ vừa xọc cho kẻ thù của mình một nhát dao:

- Ông thấy rồi chứ hả? Fouta-Djalon đã trở thành xứ bảo hộ của Pháp rồi đó, Aimé Olivier ạ! Những hiệp ước của ông chẳng còn giá trị gì hết!

- Ông gọi đó là một hiệp ước bảo hộ à?

- Nếu như đó không phải là một hiệp ước, cái này ấy mà, thì nó có thể là cái gì mới được chứ? Vậy hãy nhìn những chữ ký đi: chữ ký của Almâmi và chữ ký của Nhà nước Pháp được tôi đại diện đó!

 

- Ông nói về các hiệp định à? Những người Peul này, trong thứ ngôn ngữ cầu kỳ của họ, chẳng làm gì ngoài việc tặng cho ông tình bạn của họ đâu. Ông còn đạt được ít điều hơn những gì tôi đạt được kia. Ông gặp may đấy, Bayol ạ, rằng không phải chính tôi là người phân phát cấp bậc trong ngành hàng hải.

- Cẩn thận đấy, Olivier!

- Còn những gì liên quan đến những hiệp ước của tôi, thì tôi vừa mới nhận được tin tức cách đây không lâu, sự đảm bảo của các người bạn Peul của tôi: chúng vẫn còn nguyên vẹn.

- Điều đó hả, đó là trước khi tôi đến đó thôi.

- Chuyến công du của ông chẳng thay đổi được gì hết.

- Ông chẳng còn là cái quái gì ở Timbo nữa. Nếu ông quay lại đó, ông rất chắc có nguy cơ bị ám hại.

- Đó chính là điều mà chúng ta sẽ xem nhé, Bayol, bởi vì tôi đang chuẩn bị quay lại đó đây, và lần này là để lập nghiệp tại đó.

- Tạm biệt, Aimé Olivier!

- Hãy gọi tôi là Tử tước De Sanderval!

Ông dập cửa và ngay lập tức hối hả phóng tới khách sạn Louvre. Saїdou và đoàn tùy tùng của ông ta hiện giờ đã kết thúc với những cuộc hẹn chính thức. Ông có thể, đến lượt mình, đến thăm họ, thăm dò ý tứ và đón nhận những thổ lộ tâm tư của họ. Ông đưa họ đi thăm xưởng in của tờ Le Figaro cũng như nhiều cửa hiệu và xưởng sản xuất trong đó có một thợ gia công da thuộc, một thợ làm yên cương ngựa và một thợ thêu ren. Ông mời họ đến rạp xiếc, đến xem các buổi trình diễn sân khấu vui nhộn, mời họ ăn tối tại nhà hàng Grand Véfour và Les Vignes ở Bourrgogne. Tất cả bọn họ đều dành cho ông sự đón tiếp hết sức nhiệt tình. Saїdou rất vui được gặp lại ông và chuyển tới ông lời chào rất thân thiện của Almâmi: "Tôi đã biết được tước danh mà vua Bồ Đào Nha đã phong cho anh. Điều đó xác nhận nguồn gốc quý tộc của anh. Tôi sẽ khoe mạnh điều này ngay khi quay trở về Timbo. Anh xứng đáng với tình bạn của chúng tôi lắm, anh chẳng phải lo lắng gì nữa hết." Người có tên Alpha Médina chìa cho ông xem tờ báo mà anh ta đang cầm trên tay bằng tiếng Peul viết về chuyến lưu hành của mình tại Paris và rằng "những người ở Fouta sẽ tìm thấy rất lâu sau khi tôi chết đi". Khi chia tay họ, ông biết rằng không chỉ những hiện ước của mình vẫn còn nguyên giá trị, mà rằng Fouta chỉ chờ ông quay lại để đón tiếp và mở hội mừng ông.

 

Tác phẩm Từ Đại Tây Dương đến Niger ra mắt năm 1883. Cuốn sách đã nhận được lời bình rất hứng khởi. Nó có những uy tín trong những phòng khách và những tờ báo nổi tiếng nhất. Ông là nguồn cảm hứng cho các nhà vẽ biếm họa và các tiểu thuyết gia. Người ta thậm chí còn chứng kiến một phóng viên tiểu luận tràn trề cảm hứng viết một cách nghiêm túc nhất trên đời: "Kiệt sức vì chuyến đi dài ấy, nhà thám hiểm đã buộc võng của mình để nghỉ ngơi trong bóng râm của của những cây dứa khổng lồ."

Ông dành cả năm để đáp ứng những đề nghị: ở đây là một dạ yến do một Hội bác học kính tặng, ở kia là một cuộc nói chuyện trong một phòng khách hay trong một giảng đường đại học. Những bài nghị luận của ông về vẻ đẹp của Phi châu và về hiệu lực của chế độ thực dân không ngăn ông theo dõi sát sao công việc tiến triển ở Fouta-Djalon. Sau Gaboriaud và Ansaldi, ông phái một đoàn khác tới Timbo để xác nhận những bản hiệp ước của mình và cố thử một cuộc thám hiểm về hướng Soudan. Để không va chạm vào sự nhạy cảm của người Peul, lần này ông chọn một đoàn toàn Da Đen dẫn đầu là một cựu lính chiến bản xứ Sénégal có tên Ahmadou Boubou. Họ khởi hành từ Boubah, xuyên qua Fouta, nhận sự xác nhận giá trị của các hiệp ước và liên hệ với những thủ lĩnh Mandingue ở phía bắc Niger và các ông hoàng xứ Toucouleur ở Dingueraye.

Các mối quan hệ giữa ông và Bộ Hàng hải vẫn cứ lạnh lùng như thế, nhưng vào năm 1885, trong Hội nghị ở Berlin, nước Pháp buộc phải công nhận ông là negotiorum gestor và phải tự đứng ra đòi những bản hiệp ước của ông để khiến cho người Anh thất bại.

Cùng năm ấy, ông cấp cho Cardonner, thuyền trưởng con tàu Jean-Baptiste, sứ mệnh công nhận cửa sông của rio Compony và, qua trung gian các đại diện Pelage và Bonnard của ông, cho lập các thương điếm ở Bassah và Kandiafara trong xứ sở của người Nalou, có nghĩa là đã ăn rất sâu trong vùng đất liền.

Các văn phòng Paris vẫn cương quyết thù nghịch với ông. Ông giải khuây bên cạnh vợ con và anh bạn chí thiết Charles-Roux và cũng với những thông tin tới từ Fouta. Năm 1885, Alpha Yaya đã cho người nói với ông rằng anh ta sẽ thuận cho ông một khu đất ở Kadé. Ông tức tốc cho xây dựng ngay tại đó một thương điếm.

Đó là quyền sở hữu đầu tiên của ông tại xứ sở người Peul.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vào tháng Mười hai năm 1887, ngán ngẩm bởi những trò manh mún vụn vặt của chính quyền và bởi tình trạng hỗn mang kỹ xảo của Marseille, Olivier de Sanderval ra đi lần thứ hai đến Fouta-Djalon. Hiện giờ ông phải cụ thể hóa những hiệp ước trước khi "tổ chức công đoàn" đáng khinh này của Bộ Hàng hải ngầm phá hoại chúng hay những lãnh chúa Peul nham hiểm kia đổi ý. Lần trước, mọi thứ đã phức tạp. Kể từ đây ông sẽ phải chiến đấu trên hai trận tuyến, đáng gờm nhất trong hai trận tuyến này không còn nằm ở sân sau lúc nhúc những kẻ bịp bợm và mưu phản của cung điện Timbo nữa, mà lại mười mươi nằm trong những phòng kín của Bộ Hàng hải. Thật xấu hổ cho những kẻ cạo giấy, thư ký quèn ở Paris, ghét thay cái lão trơ trẽn Bayole, kẻ đã bắt đầu, thề danh dự đấy, lộ rõ là một chướng ngại vật quan trọng rồi! Gã này ấy mà, phải bắt hắn án binh bất động ngay từ bây giờ. "Quái vật, người ta phải giết chết nó ngay trước khi nó giở móng vuốt ra!" Điều ấy, ông chẳng cần phải những câu ngạn ngữ dài dòng miên man ấy của Timbo để chiêm nghiệm và tin vào nó.

 

Ông ghé qua rất nhanh ở Gorée để lấy lại con tàu Jean-Baptiste và ngày lập tức khởi hành đi Boulam, ở đó ông dừng lại suy ngẫm rất lâu trước khi đi đối mặt với Fouta.

 

Chuyến đi đầu tiên của ông đã cho phép ông vững chân trong xứ sở đầy nghịch lý và mê ly của những hiệp sĩ và những kẻ gian xảo, của lũ ngoan đạo giả và tiểu quý tộc mập mờ. Trước mắt, một tham vọng khác đưa đường chỉ lối cho ông: nhúng một ngón tay vào trong mớ bòng bong của quyền lực. Đã đến lúc trút bỏ bộ quần áo khách du lịch và nhà thám hiểm để lao toàn thân toàn ý vào trong thế giới đục lờ của người Peul, tóm lấy những sắc thái và những tinh tế của dân tộc không thể dò được này, tinh tế và đáng lo ngại. Lần này, ông sẽ đến tham dự vào những hỗn loạn nguy hiểm của triều đình, ông đến để tạo thành hình số phận của Fouta!

Để bắt đầu, ông cần phải có đất, không có nó thì ông sẽ chẳng bao giờ trở thành vua được! Vùng bình nguyên Kahel ấy, ông sẽ nói chuyện với Almâmi! Ông phải thu phục được nó bây giờ, ngay lập tức! Từ bức tranh toàn cảnh tuyệt vời ấy, từ cái tháp giáo đường Hồi giáo thực sự ấy của miền Tây Phi, đã được viết ra rồi, sẽ thông báo sự đăng quang thời trị vì của ông, bản trường ca điên khùng của châu Phi hiện đại! Bình nguyên Kahel, và chẳng mấy chốc sẽ đến Tombouctou và Limpopo nữa!

 Sẽ chẳng dễ dàng gì đâu, ông tin chắc là thế! May mắn thay, đó lại là một thành viên của gia đình Olivier! Nhờ lòng quả cảm và sự cứng đầu đó thôi!... Chỉ cần làm như người Peul, biết kiên nhẫn, biết dùng mưu mẹo, nhất là phải biết chơi sành sỏi những quân cờ của mình.

Bây giờ ông đã có một ý tưởng khá cụ thể về năm hoàng tử mà số phận đã đặt họ trên con lộ của ông. Ông trước hết gạt Aguibou và Pâthé ra, cả hai người đều đẹp, quá đẹp, thông minh, quá thông minh, dữ dội, bí ẩn, tóm lại là quá Peul, là những lãnh chúa quá đỗi hùng mạnh. Bôcar và Alphayas theo ông hình như dân dã hơn, dễ gần hơn, cụ thể hơn, dễ uốn hơn. Hơn nữa, họ là bạn của nhau, nhưng trong thời gian bao lâu đây?

Qua những người đưa tin của mình, ông biết rằng cuộc chiến tranh nhẹ nhàng giữa các tỉnh và những ganh đua nham hiểm giữa các hoàng tử đã mạnh lên. Uy quyền của Timbo đang yếu đi từng ngày. Labé không còn che giấu những manh ý về tính ưu việt, thậm chí còn nói về sự độc lập! Labé, một phần hai Fouta: một nửa lãnh thổ của nó, một nửa dân số của nó, một nửa đàn gia súc, một nửa số chiến binh, một nửa số đạo sĩ, một nửa số vàng và toàn bộ các mánh khóe của nó, thêm vào nữa là những kẻ xấu miệng.

Ở Timbo, hai đấng quân vương già nua nối tiếp nhau lên ngôi. Ở Labé, một vị vua đang hấp hối mãi chẳng chịu chết. Trong hoàng triều này cũng như trong hoàng triều khác, hai hoàng tử kình địch, hai anh em kẻ thù đang chờ trong hậu trường, thủ sẵn dao sau lưng.

Ông thở dài rất lâu và vừa vuốt râu vừa lầu bầu: "Ta sẽ rất muốn biết tất cả những chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, than ôi, ta lại chẳng có được tài năng của Shakespeare."

 

Sau đó, ông dấn sâu vào đất liền qua những dải đá ngầm ven bờ và những đảo nhỏ của rio Compony. Viên quản lý Bonnard đón ông ngay bên bờ sông trong sự mừng vui khôn tả. Ông ta từ Fouta-Djalon trở về, nơi ông vừa cho lập một thương điếm ở Kadé và đem về rất nhiều tin tốt lành. Những hiệp ước của ông vẫn luôn luôn có giá trị và những đoàn xe của ông di chuyển trong Fouta mà chẳng gặp hiểm nguy gì. Ở Labé, vị vua già đã qua đời, con trai là Aguibou đã lên ngôi. Ở Timbo, Almâmi, Sory, bạn ông đang chuẩn bị quay lại cầm quyền, thay đổi quyền lực, điều không thể lý giải nổi, sự thay đổi quyền lực quá kỳ lạ, đúng kiểu Peul! Và để làm cho tròn, số phận vừa mới đẩy Tierno, một người bạn khác, lên ngôi vua ở Timbi-Touni, để thế vị anh trai, vừa tử nạn trong một cuộc chiến chống lại những kẻ tôn thờ tượng thần thánh.

- Bầu trời Fouta bừng sáng để đón ngài đấy, thưa Tử tước! Ngài có thể, ngay từ bây giờ, bắt đầu những cuộc leo núi
được rồi!

 

Nhưng trước khi bắt đầu nếm trải lại những bãi chăn thả, những cú ngã, miền núi cao và người Peul thì thoạt đầu, ông phải hiến tế một tập tục không thể thiếu: rẽ qua Boké, vinh danh một lần nữa thầy René Caillé đáng kính. Vì hành động gần như là tôn giáo này, chuyến đi của ông là một sự khổ ải
thực sự.

Ông đã phải mất ba ngày như sống dưới địa ngục để vượt được hàng rào của rừng rậm. Mười thanh niên lực lưỡng trang bị dao phay và được thuê với giá cắt cổ dẫn đầu đoàn người. Cùng những động tác máy móc và đơn điệu như năm 1880, chỉ có điều người ta chẳng bao giờ quen hoàn toàn với những cơn đau bụng và ỉa chảy, những trận sa lầy và những cú trượt ngã; lại càng ít làm quen hơn với những ông trưởng bản đòi hỏi vải cốt tông và nhựa thơm chỉ vì đoàn của ông đã xéo nát một cánh đồng, hái quả cây hay xâm phạm một ngôi đền!

Ông đến được Boké, bỏng người vì sốt và gần chết. Cảng vẫn ở đó, với âu tu sửa tàu của nó và những nhà kho, nhưng chẳng còn ai để đón ông nữa. Không hề có dấu vết của Moustier, không ai biết hiện giờ ông ta ra sao. Người ta chỉ cho ông ngôi mộ của chỉ huy trưởng Dehous, đã qua đời hai năm trước do bệnh sốt vàng và họ kể cho ông nghe người phụ tá của ông ta đã được chuyển về Pháp, bị mù và điên điên khùng khùng. Vị tân chỉ huy từ chối mở cửa cho ông và chỉ gào to từ tháp canh của chiến lũy, dưới những cặp mắt giễu cợt của đám lính Sénégal, những người có lẽ chẳng bao giờ hy vọng, với cái giá rất rẻ như thế, được chế giễu một tên toubab đần độn.

- Tôi là Olivier de Sanderval đây mà! - Ông cố nài.

- Chính vì thế mà tôi không mở! - Vị chỉ huy đáp lại.

- Tôi là người Pháp, tôi đáng được cứu trợ.

- Ông không phải do Nhà nước phái đến, chúng tôi không bắt buộc phải cứu trợ ông!

- Tôi sẽ phá cửa!

- Còn tôi, sẽ lệnh cho nổ súng!

- Nhân danh Chúa, hãy mở cửa cho tôi đi! Tôi cần một
bác sĩ!

- Bác sĩ không có ở đây!

Ông lê đến tận đài kỷ niệm mà ông đã lập để hiến cho René Caillé và đặt lên đó một nhánh hoa:

- Giờ thì tôi hiểu tất cả những gì thầy đã phải chịu đựng, hỡi người hùng của Toubouctou! Chỉ toàn những cuộc chiến thành công, để trở về Tổ quốc! Còn tôi đây đã nằm xẹp rồi trước khi có cuộc tấn công thứ hai!

 

Thương cảm, những chủ thuyền và các chủ hàng cá dựng ông dậy và giúp ông quay lại với đoàn người của mình. Họ tặng ông xúp rau chút chít và những vỏ cây ký ninh, được cho là có thể xoa dịu những cơn đau đầu và hạ sốt. Sau đó họ đưa ông đến Balarandé, cách đó vài cây số. Ở đó có một bác sĩ của phòng tuyến, ngụ tại nhà một người đại diện của hãng Compagnie de Sénégal, ông ta vừa mới đến đây mở phòng mạch.

Mattou - tên người đại diện này - đón tiếp ông thật niềm nở, phóng khoáng còn bác sĩ Roberty, người tuy nhiên biết rõ sự va chạm ở phòng tuyến Pháp, ngay lập tức rút xi lanh và các ống hút ra, chăm sóc ông mà không đợi phải cầu khẩn.

Năm ngày dưỡng bệnh để lại có thể lên đường! Ông băng qua rio Numez và đi sâu vào vùng rừng sú vẹt một cách hết sức thận trọng. Đất nước Nalou đang sôi sục khắp nơi. Vua Lawrence đã chết, một trong rất đông những đứa cháu gọi bằng chú, Dinah Salifou, đã tiếm ngai vàng sau một cuộc chiến đẫm máu. Những người bất bình, rất đông, đi xuyên quốc gia, để tìm cách sát hại anh ta.

Địa điểm và con người đã trở nên thân quen khi đoàn của ông tiến gần đến Fouta. Ông đã từng cắm trại ở cánh rừng này, đã uống nước ở nguồn suối kia. Nhưng một số con sông đã đổi dòng chảy, nhiều con đường mòn mới xuất hiện, những ngôi làng đã biến mất do hậu quả của hỏa hoạn, của bệnh dịch hạch hay dưới sự ám ảnh của ma quỷ và những thầy phù thủy.

Ở Tinguilinta, thông tin mà ông nhận được đã hoàn toàn khiến ông khỏe hẳn: một biệt phái của Almâmi đang đợi ông với lá thư rất thân tình và rất nhiều quà mừng. Thật là tuyệt, Timbo vẫn chung thủy mặc dù có chuyến ghé qua của gã Bayole lẫy lừng ấy! Sau những chào hỏi lễ nghi trọng thể xứng danh chức phận của ông, có nghĩa là ca tụng và dài bất tận, thì biệt phái viên thông báo cho ông biết rằng Almâmi đề nghị ông đi thẳng đến Fougoumba, nơi chính Người đang chuẩn bị đến cho cho cuộc đăng quang của mình.

Fouta nhân những kỳ quan của nó lên gấp mười lần, cặp mắt ông nhìn ngắm không chán. Người ta cứ uổng công đi khắp đó khắp đây trong đó, nhưng xứ sở này vẫn luôn luôn giữ dự trữ một bức tranh toàn cảnh chưa từng có, một kiểu thác nước không thể lường trước được.

Dân chúng tỏ ra kém thù nghịch hơn lần trước. Một số nhận ra ông, thăm hỏi tin tức nồng nhiệt và tặng ông một bình sữa hay một làn cam. Đám đông những kẻ tò mò đã trở nên thưa thớt một cách rõ rệt: sự xuất hiện của ông không khiến họ bỏ trốn nữa. Họ ít sờ vào làn da ông hơn, không còn khạc nhổ mỗi khi ông đi qua. Chuyến du lịch đầu tiên của ông đã khiến cho ông quen với khí hậu và những ánh mắt. Kẻ toubab này đã trở nên kém phần lạ lùng, kém phần xa lạ. Huyền thoại về người-đàn-ông-đeo-găng-trắng giờ đây, về mặt huyền bí và nổi tiếng mà nói, thì cũng tương đương với huyền thoại người-đàn-ông-bốn-mắt mà người Peul đã gán cho tướng Faidherbe.

Ông đang ở trong một đất nước bạn hữu, gần như là ở nhà ông. Dẫu vậy, ông vẫn thận trọng. Ông giám sát kỹ ngôn từ của mình và chú tâm đến những gì ông đưa lên miệng. Trong đất nước bạn hữu, đúng vậy, nhưng hơn thế là trong đất nước người Peul: nếu như không được phản bội bạn bè, thì cũng rất thường xuyên cho thám thính dò xét họ và nếu có dịp thì rắc vào bữa ăn của họ một nhúm thuốc độc, thậm chí còn đâm họ trong lúc làm bộ vỗ lưng họ một cách thân thiện! Một đất nước có dân chúng quá đỗi mập mờ, quá đỗi lắt léo đến nỗi mà người ta đến đó chỉ là để chiêm ngưỡng những điều ấy nơi họ! Nhưng xứ sở này, giờ đây khi mà ông đã biết nó, thì ông lại thèm muốn nó, ông cần nó: nó đã trở thành chất ma túy của ông. Ông hiểu phép mầu trong nguồn ánh sáng của nó và những bí mật huyền bí trong các cánh rừng. Ông say sưa trong mùi hương của fonio và của hoa nhài, ông đờ người vì vui sướng trước những con sông và các thung lũng gập ghềnh. Những giấc mơ điên khùng nhất của ông kể từ đây pha lẫn cùng những đường chân trời phát quang và cả những đỉnh tháp phủ đầy màu xanh lơ của nó.

Ông bước đi với cùng sự nhẹ nhàng như thể ông đang ở trên những ngọn núi khoáng vùng Auvergne hay trên những bình nguyên cao của xứ Jura. Ông viết những đoạn thơ và đôi khi còn nảy cả những bài hát ngắn. Ông ghi lại lưu lượng dòng chảy của những con sông và góc độ chênh giữa các sườn núi, sưu tầm những mẫu đá, những vỏ cây téli và cây linguéhi, những quả sangala và quả doubbhé. Ông sẽ trình tất cả những thứ đó cho các phòng thí nghiệm khi trở về, để xem người ta rút được gì từ đó ra. Bởi ông nghi ngờ ẩn sâu dưới lòng đất kia, vẫn còn chất đầy những vật báu và những cánh rừng nhỏ đáng yêu kia còn là một kho dự trữ vô tận những bài thuốc và nước hoa.

Đôi khi ông phải đi vòng hàng hai chục ki-lô-mét để tránh cướp đường, những dòng sông vào mùa lũ hay những ngôi làng là nạn nhân của bệnh đậu mùa hay dịch hạch.

Tối đến, ông lắng nghe những bài ca của lũ châu chấu và dế mèn trong lúc cạo lạo xạo trên những cuốn sổ của mình: "Những cánh rừng lớn này sẽ rất dễ chịu khi đi xuyên qua đó bằng những con lộ được vạch định rõ ràng, dưới bóng những hàng cam và tháp tùng một nữ nhân thông minh; sẽ không tốn đến ba trăm ngàn frăng để tổ chức chuyến đi dạo từ Longchamp ở Đại Tây Dương đến Niger qua những miền đồi núi này của Fouta." Ông cảm thấy dễ chịu rằng thiên nhiên thoạt đầu nảy mầm trong những giấc mơ của ông trước khi sinh ra ngay dưới mắt ông. "Tám năm trước đây, - ông ghi lại, mà mặt lạnh như tiền, - đôi chân ta đẩy ta đi, hôm nay thì chúng đi theo ta, lần sau, chắc ta sẽ phải vác chúng mất." Ông thấy bước đi dễ chịu mặc dù độ nóng và sự gập ghềnh của con đường và, ở mỗi chặng, lại xuất hiện điều gì đó chưa từng thấy hay rất thú vị. Chỗ này, những con người khổng lồ chỉ vận độc cái khố nhỏ xíu chường ra một cách cao ngạo, say sưa trong cuộc nội chiến, chỗ kia người ta lại tổ chức đám cưới cho đứa con gái út hay lễ cắt bao quy đầu của một người anh em thúc bá. Và đó là dịp cho những cuộc chè chén nhậu nhẹt bí tỉ với hạt fonio trộn cừu hay couscous ngô trộn sữa đông, với nhiều đêm khiêu vũ liên tiếp trong tiếng nhạc của những quả bầu khô và sáo.

Ở Lémani, một cụ già lôi từ túi mình ra một đồng trinh một penny và nói chào ông bằng tiếng Anh. Lên mười tuổi, ông cụ kể, cụ đã nhìn thấy mười người Anh đến đây cùng với súng đạn và hàng hóa. Bảo nhau dừng lại ở đó lập nghiệp và gieo trồng cây để sống. Trong tám tháng, sáu trong số họ bị chết. Bệnh tật và chán nản, những người sống sót rút cục đã quay lại vùng ven biển, bỏ lại của cải trước niềm vui khôn tả của dân chúng. Kết nối từng đoạn kể, ông đã hiểu: đó chắc chắn chính là đoàn viễn chinh bất hạnh của Puddie và Campelle, những người mà năm 1817, đã tiến trước, rất ít thôi, cuộc viễn chinh của Mollien.

Tinh tế đến tuyệt vời, touldé của Parâdji đấy! Màu mỡ và gieo trồng tốt, thung lũng Paniata đấy! Ông cho đoàn đi chậm lại, lắp khung chứa phim và chụp ảnh. Ông nấn ná lâu ở Lokouta để nghiên cứu những ghềnh thác Kakrima. Ở Débéa, ông bị nằm bẹp dúi dụi do sự tàn bạo của một đợt tiêu chảy mới.

 

Ở Timbi-Touni, Tierno, bạn ông, vị vua mới của vương quốc này, đã đón ông bằng ba ngày liền chè chén no say và khiêu vũ, hội hè và nhào lộn. Da Trắng tặng cho bạn Peul một khẩu súng Lafaucheux thật đẹp và nhận lại một thanh đoản kiếm kèm theo một bao kiếm bằng da dê tuyệt trần và một hàng chữ khắc ghi lại gia phả của đại gia đình Ba ở Timbi-Touni. Cuộc trò chuyện ngay lập tức trở thành cuộc trò chuyện của hai kẻ đồng lõa cùng tâm địa lâu năm:

- Lần này, anh đến để xin chúng tôi gì nữa đây?

- Điền địa, bạn Tierno thân mến ạ, chỉ là điền địa thôi! Tôi đã chán ngấy là người xa lạ của dân tộc Peul rồi. Tôi muốn trở thành một trong số họ.

- Đúng là lần đầu tiên tôi nghe thấy điều này đấy! Cứ xin đi rồi Almâmi sẽ cho anh địa điền, ở Timbo chẳng thiếu gì.

- Bạn thấy đấy, tôi thích vùng bình nguyên Kahel hơn cả, trong vương quốc của anh. Toàn cảnh nơi đây thật tuyệt vời và đó là trái tim của Fouta! Ngoài ra, chỗ đó lại rất gần nhà anh!

- Anh đang nịnh tôi!

- Nói như thế, liệu tôi có thể hiểu là anh sẽ thuận cho tôi điều ấy không vậy?

- Anh đúng là, Da Trắng ạ, phải có thần kinh thật vững để nắm được tất cả những gì chạy qua đầu anh đấy! Nhượng điền địa của tổ tiên mình, chưa bao giờ có một người Peul nào làm vậy cả!

 

- Tôi xin anh điều đó trên tinh thần bạn hữu mà.

- Tình bạn hữu à?

- Điều đó sẽ đóng dấu phê chuẩn vĩnh viễn, đương nhiên rồi, các mối quan hệ của chúng ta, nhưng cũng là lợi ích của chúng ta nữa.

- Hãy giải thích xem nào!

Ông đề nghị một đồn điền mười ngàn héc-ta và một gói cổ phần trong doanh nghiệp đường xe lửa tương lai của ông. Ông săm soi phản ứng của vị hoàng tử và hài lòng nhận thấy ánh mắt anh ta tỏa ra nhiều sự bối rối hơn là giận dữ.

- Thử đặt giả thiết trong giây lát là tôi đồng ý, Yémé ạ, thì đó sẽ là một vấn đề hơn là một giải pháp đấy.

Cuộc trò chuyện trở nên nghiêm túc. Yémé mở tròn mắt, Tierno bắt đầu ngẫm nghĩ.

- Một gói cổ phần lớn trong một doanh nghiệp đường sắt chẳng đặt vấn đề rắc rối cho ai hết, bạn Tierno của tôi ạ!

Nơi người Peul, lúc nào cũng có vấn đề hết, Tierno phản biện. Kahel không chỉ thuộc riêng phần anh ta, vùng bình nguyên ấy nằm ở ngã ba giữa tỉnh Labé và tỉnh Timbi-Touni. Sự đồng ý của anh ta là chưa đủ, sẽ còn phải có sự đồng thuận của Labé nữa và, đương nhiên, còn của Almâmi, người mà, trên hết, là ông chủ của Fouta, chỉ sau mỗi đấng Tối cao lòng lành và đấng Tiên tri. Ngoài ra, Da Trắng chắc phải mù tịt về chuyện này, tức là để có thể sở hữu một phần điền địa ở Fouta, anh ta phải là người Peul, tốt hơn cả là vừa là lãnh chúa vừa là Peul!

- Anh sẽ làm thế nào nào để trở thành lãnh chúa và người Peul hả?

 

- Tôi sẽ tự xoay xở. Anh sẽ ký giấy nếu tôi có được sự đồng thuận của Labé và của Timbo chứ?

- Với điều kiện ấy thì có thể! Chỉ có điều phải cẩn thận, Da Trắng ạ, nếu Fouta mà biết được những gì chúng ta vừa nói với nhau đây trước khi ý kiến của Almâmi được phát ra, thì tôi sẽ cho chém đầu anh đấy!

- Anh an tâm đi, Tierno. Tôi vẫn chưa phải là người Peul nhưng tôi đã biết nói dối và ăn cắp rồi đấy.

Ông quay về nhà mình, đúng ra là lạc quan. Tierno bộc lộ sự ngờ vực, là một người Peul dòng dõi như anh ta, nhưng anh ta lại không có vẻ cáu giận khi phải nhượng đi một mẩu đất vương quốc của mình. Ông đã chờ đợi một phản ứng dữ dội hơn thế. Đêm đó ông ngủ ngon, có nghĩa là ngủ liền chừng mười lăm phút dài. Khách quý của ông đã gõ cửa ngay lúc bình minh rạng và ông tức thì cảm thấy các thông tin không còn tốt lành nữa.

- Ở Labé, người ta vừa bắt được một người Pháp đấy!

- Cha cố, lính chiến hay là nhà thám hiểm hả?

- Tôi chẳng biết. Tôi thậm chí còn chẳng biết anh ta tên là gì và liệu anh ta đi một mình hay có người tháp tùng.

- Dấu hiệu tồi rồi, chuyện đó ấy mà, dấu hiệu rất tồi đấy!

Kỳ quặc, kỳ quặc, Olivier de Sanderval đã không hề nghe thấy ở bất kỳ nơi nào nói về một phái đoàn nào đó tiến về hướng Fouta cả, ở Gorée lẫn Boulam, ngay cả ở Boké ông cũng không nghe nói đến.

- Anh cho rằng tôi phải cẩn thận ư?

- Không! Anh là bạn của Almâmi, và đó chính là một chiếc lá chắn thực sự ở đây. Dẫu vậy, anh bây giờ đang ở trong một tình thế mới rồi đấy.

 

Anh ta chẳng cần phải nói thêm gì nữa. Yémé ngay lập tức hiểu ra khi nhìn cách anh ta gãi đầu:

- Hãy nói thẳng cho tôi biết đi, Tierno, anh đang sợ cho tôi hay đang lo cho anh hả?

- Fouta phức tạp lắm, Yémé ạ! Chẳng có gì là chắc chắn nơi chúng tôi cả!

- Tôi hiểu! Khi nào thì anh muốn tôi ra đi?

- Hôm nay là thứ bảy. Đó là một ngày tốt lành, thứ bảy ấy mà, để bắt đầu khởi hành một lộ trình.

- Tốt thôi! Thế thì, chỉ xin một sự giúp đỡ cuối cùng! Anh có thể cho tôi mượn chừng hai mươi lính để đi qua Kokoulo được không?

- Lời đề nghị của anh đã được chấp nhận! Tôi vẫn còn là bạn của anh, Yémé ạ, chẳng cần phải bận tâm lo ngại điều đó làm gì!

 

Những lo lắng của ông được xác nhận khá nhanh: một đội lính gác đã đến gặp ông để chuyển hướng đi của ông và dẫn ông về Digui, một xóm nhỏ chừng hai chục nóc nhà, cách Fougoumba già hai giờ cuốc bộ.

"Thế là xong, - ông tự nhủ, - người ta lại chơi cho tôi nghe cùng một bản nhạc hệt như lần trước, chỉ có điều lần trước, đó là ở Timbo, còn lần này thì ở một nơi khỉ ho cò gáy trong rừng rú. Tôi sẽ chết ở đây vì đói, vì rắn cắn hay vì thuốc độc cực mạnh, ở Boké sẽ chẳng ai biết đó là đâu, huống chi là ở Saint-Louis. Lũ người thâm ác này sẽ thề đứng thề ngồi rằng chúng đã đợi tôi ở Gougoumba mãi mà không thấy, rằng chúng đã không hề nhìn thấy tôi đến. Olivier de Sanderval khốn khổ này, vốn hiền lành quá đỗi, nồng nhiệt quá đỗi! Có lẽ là do lũ thú hoang hay bọn cướp đường dài đã xơi tái rồi! Bởi lẽ, đương nhiên rồi, chẳng có ai, ở Saint-Louis hay ở Paris, chẳng ai lại không tin rằng bọn cướp đường hành động theo đúng chỉ thị đến từ ngai vàng ở Timbo!"

Người ta giải thích cho ông hay rằng dân số ở Fougoumba đã tăng lên gấp bốn lần: Do các nghi lễ của ngày đăng quang! Đấy chính là lý do tại sao người ta lại cho ông đến Digui. "Nhưng an tâm đi, - họ nói với ông. - Almâmi sẽ vời ông về cạnh Người ngay lập tức khi Người tìm thấy cho ông một vị trí."

Ông rất nghi ngờ khi nghe tất cả những điều này nhưng khi đến trú ở Digui thì ông nhận thấy rằng, trên thực tế, tất cả các gác xép đều rỗng và các khu chợ thì chẳng có mấy lương thực mà bán. Khi người ta tìm thấy một con gà hay quả trứng, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là nuôi con họ trước khi nghĩ đến Da Trắng. Để ăn tối, ông thường xuyên chỉ đành lòng với một trái cam hay một đĩa quả dại, khi mà ông không đành ngồi đọc Sully Prudhomme hay ngồi nhìn những vì tinh tú lóe lên.

Một người hàng xóm, bà lão Arabia, thấy thương hại ông. Khi dáng người còng vẹo và đôi chân bị căn bệnh thấp khớp hủy hoại cho phép, thì cụ đến tặng cho ông một liễn fonio, một nhúm lạc hay một cốc nhỏ mật ong. Cụ nhìn ông bổ nhào vào thức ăn với cặp mắt ướt nhoèn, vuốt ve mái tóc ông trong lúc ông ăn và chỉ ra về sau khi đã chắc chắn rằng ông đã nghiến ngấu hết.

- Nào, ăn cho bằng hết đi! Chớ để gì cho bọn người khác, cậu là người bất hạnh hơn cả! Cậu có còn mẹ không?

 

Ông mất rất nhiều thời giờ để giải thích cho cụ hay rằng ông đã bốn mươi tám tuổi, rằng ông có thể tự xoay xở một mình rất tốt mà không cần mẹ và rằng cụ chẳng nên mệt mỏi vì ông làm gì.

- Đưa đây, ta sẽ giặt tất cho cậu, tối nay ta sẽ đem chăn của cậu đến, ta đã phơi chúng trên nóc nhà ta cho khô rồi.

- Hãy để tất cả các chuyện đó cho quân của tôi lo đi, Arabia ạ, hãy nghỉ ngơi một chút đi! Hơn nữa, tôi có thể tự mình làm được, tôi không còn là một đứa trẻ nữa!

- Ăn đi, chính do cậu không phải là người ở đây mà họ quá độc ác với cậu. Ta có con trai hiện giờ đang ở Saint-Louis. Những gì người ta đối xử với cậu ở đây, thì ở đó, người ta chắc cũng làm thế với nó.

Sau hai tuần buồn bã để quên đói và ôn lại những hoài niệm cay đắng đến phát ngấy, trợ lực bằng nước long não và chất bít-mút và được sự bao bọc đầy tình mẫu tử của bà cụ già Arabia nâng đỡ, cuối cùng thì sự giải thoát cũng gióng lên bằng giọng nói của một người lính trẻ:

- Almâmi giao trọng trách cho tôi dẫn ông về gặp Người.

- A, đến giờ rồi à! Khi nào vậy?

- Ngày mai!

- Ngày mai, ngày kia! Diango, fab’i diango! Ta biết ca khúc đó rồi! Thì ông ta hãy nói luôn đi, thêm lần nữa, ta là tù nhân của ông ấy cho rồi!

- Sao lại thế, là tù nhân ư? A, tôi hiểu rồi, Da Trắng giận dỗi bởi vì ông ta không được đón tiếp đúng thời hạn! Đó là do sự đăng quang đấy!

 

 

Một trò chơi bắn súng cưỡi ngựa hùng tráng đón tiếp ngay khi ông đến Fougoumba. Hàng lính hoàng gia rẽ đường cho ông qua làn sóng sáng lóa của những đồ trang sức bằng vàng và các áo chùng dài sáng loáng, đưa ông băng qua những dãy lính, các nhà thông thái và quý tộc vấn khăn và xếp ông ngồi cách Almâmi hai ba ghế. Người này hơi quay đầu để nhìn ông ngồi xuống. Ông nhẹ người khi nhận thấy một luồng ánh sáng thân thiện trong ánh mắt của đấng quân vương. Đó là một buổi chiều rất đẹp để xả hơi và cho lễ hội nhưng trong một khung cảnh đặc sệt Peul: đầy những tiếng thở dài và thì thầm, những ánh mắt liếc xéo và những ẩn ý.

Khi mà cuối cùng thì Almâmi cũng tiếp ông, ông cảm thấy ngạc nhiên đến khó chịu rằng, trong nhóm quý tộc bao quanh Người, những lão già bẳn gắt của Fougoumba là đông hơn cả và ngồi gần ngai vàng nhất. Những bạn ông, Tierno, Bocar-Biro, Pâthé và Alpha Yaya cũng có mặt ở đó, nhưng ngồi rải rác trong đám đông và đặc biệt ngoan ngoãn trên những chiếc ghế da dê của họ. Lại bắt đầu nghi lễ bất di bất dịch mà ta đã chứng kiến cả ngàn, cả vạn lần trong hoàng triều Timbo: giọng nói của Almâmi lầu bầu, giọng nói mạnh mẽ và đanh như thép của nhà thông thái thường trực khiến cho cả xung quanh rung lên để dịch nghĩa những suy nghĩ của Người!

- Đây là lần đầu tiên ta gặp lại một người Da Trắng. Thông thường, những người trong chủng tộc ngươi đến Fouta, họ thổ ra một hai lời dối trá, sau đó trở về nhà họ rồi chẳng bao giờ quay lại nữa. Nhưng ngươi, ngươi đã quay lại. Chúng ta biết rõ công việc của ngươi ở vùng ven biển: ở Bassayah, ở Kandiafara, ở Kâdé. Những gì người đã làm ở đó chính là những gì ngươi muốn thực hiện ở đây: những thương điếm và đồn điền trồng trọt. Chúng ta đã hoàn toàn tin tưởng nơi ngươi là vì thế.

Da Trắng nói điều đó đã khiến ông ta cảm thấy được phỉnh nịnh biết bao nhiêu. Ông cảm ơn Almâmi vì sự đón tiếp nồng nhiệt và vì sự tin tưởng của Người và tận dụng vị trí được ân sủng của mình để gợi nói về số phận của tên người Pháp khốn khổ bị bắt giữ ở Labé.

- Tên Da Trắng ấy là một gián điệp! Vua của Labé đã đề nghị cho xử trảm hắn. Ta đã từ chối. Là vì ngươi đấy!

Nhà thông thái dừng lại giây lát để quay về phía một viên cố vấn, rồi ông ta lại tiếp tục nói với Da Trắng:

-Về vấn đề này, ngay chính lúc này đây, Gallieni gửi đến một đoàn sứ giả. Chỉ có điều, kẻ dẫn đường cho họ đã chết ở Siguiri, do bệnh sốt vàng. Almâmi vừa được thông báo những người sống sót hiện đang ở vùng ngoại ô Timbo. Họ sẽ có mặt ở đây vào ngày mai hoặc ngày kia

Khi ra khỏi đó, ông rơi ngay vào Dion-Koїn, người chồng đặc biệt của Dalanda:

- Đấng Allah mới cao cả làm sao, hả Yémé, lại hiện diện trước mặt tôi đây, vẫn sống và đứng vững trên đôi chân của mình!

Anh ta để cho Da Trắng đưa mắt quét khắp lượt xung quanh mình, rồi phá lên cười lớn:

- Chẳng cần phải kiếm tìm đâu, Yémé ạ! Dalanda ấy mà, ta đã để nàng ở Koїn rồi để tránh mọi sự hiểu lầm.

Tên Dion-Koїn khốn kiếp! Cơn mất ngủ, đêm đó, là khó chịu đựng nhất trong tất cả mọi thứ!

 

 

Lại một đợt khủng hoảng do sốt rét: một tuần nã ký ninh và ipéca(1), được bà cụ Arabia trợ giúp, thường đến lau rửa những nôn mửa của ông và cho ông uống vài ngụm nước hãm hoặc nước folléré!

Bà cụ già chỉ xuất hiện vào ban ngày. Bà ở rú trong nhà mình ngay khi màn đêm buông xuống và khi ấy người ta nghe thấy tiếng cụ độc thoại một mình, cho đến tận sáng, bằng chất giọng lẩy bẩy và chua loét, về những điều thậm ác của quỷ dữ và vô số những tội lỗi mà chúng khiến cuộc sống trên mặt đất trở nên bấn loạn. Đêm đó, một đêm trăng tròn tuyệt vời rải rác những vì tinh tú, cụ đến gõ cửa nhà ông và giọng nói khẽ khẽ kỳ quặc của cụ khiến ông phát hoảng.

- Đến đi, đến nhanh đi nào! - Cụ thì thào với ông.

- Trước hết hãy nói cho tôi biết có chuyện gì đã!

Cụ lôi ông ra ngoài ngay khi ông mở cửa, bàn tay run rẩy của cụ áp bịt miệng ông. Ông dẫu vậy vẫn cố nài để mặc thêm chiếc redingote và đôi ủng khi ông hiểu rằng bà cụ tính đưa ông đi xa, băng qua cả khu rừng.

- Có chuyện gì xảy ra thế, lạy Chúa tôi? Họ muốn xử bắn tôi và cụ, cụ muốn giúp tôi đi trốn, phải vậy không?

Họ đi bộ chừng hơn mười lăm phút qua các dãy cành lá đan xen trước khi dừng lại trước một túp lều bị bỏ hoang.

- Vào đi! - Cụ ra lệnh.  - Vào đi nào!

Chẳng thèm để ý đến những đắn đo của ông, cụ dùng hết sức mình đẩy lưng ông vào, và bây giờ ông đứng giữa túp lều, và tự hỏi liệu ông đang đặt chân vào một nơi trú ẩn hay trong một hang thú dữ. Ánh lửa đỏ lóe lên trong lò sưởi không làm sáng nổi chỉ một phần ba chiếc giường đất mà nàng đang ngồi trên đó, nhưng ông nhận ngay ra nàng từ ánh mắt đầu tiên:

- Dalanda! - Ông gào lên và họ ôm nhau lăn tròn dưới đất, cả hai cùng nấc lên bởi sự va chạm của những vòng tay ghì chặt và những tiếng khóc nức nở.

- Hãy giải thích cho anh nghe chút đi nào, em yêu!

- Em trốn Dion-Koїn đến đây bằng cách đi tắt xuyên qua rừng. Em không thể ngồi yên được nữa khi biết anh đang có mặt ở đây.

- Thế bà cụ này là thế nào?

- Arabia là dì của một trong đám con hầu của em, chính họ đã bày cho em kế hoạch này đấy.

- Một mình ở đây, trong đêm, giữa lũ thú rừng như vậy à?

- Ở trong làng thì chúng ta hẳn đã bị nhìn thấy. Nhưng trước hết hãy ăn đi đã, người đàn ông của em ạ, rồi sau đó ta sẽ nói.

Nàng quay về đám bát đĩa và chiếc bình đặt dưới chân. Ở đó có mật ong, sữa và một món cơm ngon tuyệt ăn kèm với một con gà béo ngậy sốt gừng. Ông chén thỏa thích trong lúc nàng hâm nóng cho ông nước hãm kinkéliba.

Khi chia tay nhau, vào lúc hửng sáng, nàng chìa cho ông một chiếc bùa bằng da, run rẩy khép tay ông lại và bóp thật chặt:

- Nếu anh không để mất nó, chúng ta sẽ được bảo vệ! Chính đạo sĩ đã nói thế đấy.

Tối hôm sau ông quay lại đó và tất cả các tối sau đó nữa.

Dẫu vậy, một buổi sáng, lúc quay về làng, ông bắt gặp một đám lính đang túm tụm trước cửa nhà ông.

 

- Ông ở đâu về vậy, hả Da Trắng, ở đâu hả?

Ông tìm kiếm một lời nói dối tầm cỡ trong mớ suy nghĩ lộn xộn của mình và chỉ tìm thấy điều này:

- Tôi thấy xấu hổ phải nói ra!

- Nếu là ông, kiểu gì thì tôi 15369 cũng sẽ nói! - Kẻ to lớn đeo bùa hình như là thủ lĩnh, khuyên ông bằng một chất giọng khủng khiếp của hắn.

- Tôi đã quá đói đến nỗi không thể ngăn mình đi vào rừng để hái quả dại ăn.

- Hi, hi, hi! Hái quả dại ăn vào giờ này ư! Các ông, Da Trắng, quả là có cái bụng thật kỳ quặc! Thôi nào, vào chuẩn bị đi, Almâmi đang đợi chúng ta đấy!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Almâmi vừa hoàn thành việc bổ nhiệm thủ lĩnh các tỉnh. Thành phố rền vang trong niềm vui sướng của những người vừa được đăng quang và những lời than vãn của những kẻ bất bình. Các con hẻm của nó bốc lên không khí luồn cúi và gièm pha, âm mưu mưu phản và bỡ đợ, vốn chỉ có trong các nhà thờ và trong các cung điện, nơi mà những số phận, rất thường xuyên, chỉ được treo trên đầu sợi dây. Những ông hoàng bị truất ngôi buồn bã quay về trong tỉnh của mình, những tân quân vương nấn ná lại để củng cố vị trí của họ bằng những món quà và lời ca tụng. Sự thay đổi quyền lực của các Almâmi đem lại cho Fouta điều mới mẻ giống hệt như sự thay đổi mùa: những mái đầu già rơi xuống, những mái đầu hoàn hoàn mới mẻ lại nở rộ rực rỡ.

Lần này, dẫu sao cái đầu ông đã không bị treo giá. Almâmi tiếp ông lần thứ hai, chỉ có mỗi đạo sĩ của mình và nhà thông thái thường trực tham dự cùng:

- Ta đã cho anh con đường xe lửa và quyền được thành lập các thương điếm. Giờ anh còn muốn gì ở ta nữa, hả Yémé?

- Người biết rõ rồi mà, Almâmi!

- Con đường xe lửa thì ta nhớ, phần còn lại, ta đã quên rồi, chuyện diễn ra đã quá lâu!

- Con đường xe lửa, quyền lập các thương điếm, quyền để cho các đoàn xe của tôi chạy qua, để...

 

- Rồi, rồi, rồi!... Đây, ta cho anh mượn viên đạo sĩ của ta! Ông ấy sẽ giúp anh thảo toàn bộ những đề nghị xin xỏ của anh, sau đó ta sẽ cho thông qua trong đại hội đồng. Anh không hài lòng à? Các ông xem, anh ta chẳng bao giờ hài lòng cả, anh bạn Yémé của tôi.

Ông vẫn giữ vẻ mặt khép kín nhưng đó chỉ là một tiểu xảo.

- Sau chừng ấy cố gắng, tôi đã chờ đợi để chứng kiến những lời phân trần của mình được thỏa nguyện ngay lập tức, Almâmi ạ!... - Ông phàn nàn trong lúc thực ra từ đáy lòng ánh lên một niềm vui thầm kín: một mình với đạo sĩ, ông không thể tìm thấy mối lợi trời cho bất ngờ nào hay hơn thế!

Còn ranh mãnh và lắt léo hơn cả những người Peul này mà ông không ngừng chỉ trích, ông tận dụng cơ hội tưởng như không thể này để luồn vào, một cách giấu giếm, trong các điều phân trần xin xỏ của mình, bình nguyên Kahel. Đạo sĩ không nhận ra tiểu xảo ấy ngay lập tức. Chỉ đến khi đọc lại văn bản thì ông ta mới giật nảy mình và nhìn Da Trắng bằng cặp mắt hãi hùng của những người vùng sơn cước - rất đông ở đây! -  nghẹt thở vì cái bướu:

- Bình nguyên Kahel ư? Không đời nào tôi sẽ dám viết
thế đâu!

Ông ta lại nhấc chiếc bút lau của mình lên để gạch phần đó đi, nhưng Olivier đưa tay ngăn lại:

- Anh không phải lo lắng gì đâu! Tôi đã có sự đồng thuận của Người rồi, nếu không thì tôi hẳn sẽ không dám đọc cho
anh viết.

Đạo sĩ suýt nữa thì chết vì nghẹt thở:

- Và ông hoàng Timbi-Touni đồng ý rồi chứ?

 

- Chính ông ta đã gợi ý chỗ đó cho tôi đấy, - ông nói nhỏ một cách xảo trá trong lúc liếc nhìn đạo sĩ.

- Ông hoàng Labé biết chuyện này chứ?

- Tôi đảm bảo với anh rằng tất cả đều hợp lệ, anh không việc gì phải lo lắng cả!

Đạo sĩ quét khắp lượt xung quanh mình bằng ánh mắt sững sờ để tin chắc rằng thế giới đã không lung lay sau những gì ông vừa nghe thấy. Sau đó, nhẫn nhục, ông ta chìa cho ông
tờ giấy.

- Nếu mọi chuyện đã vậy thì hãy ký vào chỗ này đi!

Đến lượt mình, ông ta cầm bút ký và trình văn bản cho Almâmi. Người này, khi đọc xong, đã cho gọi Da Trắng đến ngay tức thì:

- Gì hả, bình nguyên Kahel ư? Anh có thấu hiểu gì không, hả Yémé?

- Chỉ chừng hai mươi ki-lô-mét toàn truông trảng thôi mà!

- Chừng ấy đất để buôn bán ư?

- Tôi cần một cơ sở cho con đường xe lửa của mình, Almâmi ạ! Anh không thiếu gì đất cả: anh trị vì từ vùng ven biển đến tận Niger và từ Sierra Leone đến tận Niokolo-Koba kia.

- Những vùng đất này thuộc về người Peul. Tôi chỉ là một tên lính canh giữ tầm thường. Đất của Fouta nhượng cho một người ngoại quốc, điều đó chưa từng xảy ra! Chắc chắn là Timbi-Touni và Labé đã đồng ý rồi chứ?

Trước sự im lặng đầy ẩn ý của Da Trắng, đạo sĩ hối hả giã thêm:

- Đó chính là điều mà kẻ ngoại quốc này đã mạo xưng!

 

- Dù gì đi nữa, - Almâmi tiếp tục, - không phải do ta quyết định, ta phải giải trình ở đại hội đồng. Bây giờ, hãy quay lại Digui đi, ta sẽ thông báo cho ngươi ngay khi ta triệu tập hội đồng.

- Thế còn nhà tôi ở Fougoumba thì sao?

- Hãy ở lại Digui đi! Ông hoàng của Fougoumba không muốn ngươi có mặt trên lãnh thổ của anh ta.

Ông xoay xở để bí mật gặp Alpha Yaya trước khi quay lại Digui.

- Tôi đã nói chuyện Kahel với Almâmi rồi. Người thấy không có điều gì bất lợi với điều kiện điều đó tới từ phía các anh.

- Từ phía chúng tôi? Tôi không phải là vua của Labé, tôi chỉ là một hoàng tử nối ngôi thôi mà.

- Ô, anh trai Aguibou của anh sẽ chẳng bao giờ chạy theo rủi ro khi chống đối lại anh vì năm ki-lô-mét rừng hoang cỏ
dại đâu.

- Anh sẽ cho tôi cái gì để đánh đổi điều ấy?

Câu hỏi của Alpha Yaya thật sỗ sàng, nhưng nó không khiến ông phiền lòng: chính điều đó thu hút ông nơi nhân vật này, ở khía cạnh thực tế của anh ta.

- Những cửa hàng, các đồn diền, những cổ phần trong công ty đường xe lửa của tôi!

- Còn nữa chứ?

- Anh còn muốn gì thêm nữa?

- Ngôi nhà của anh ở Boulam!

- Ngôi nhà của tôi ở Boulam ư? Anh còn háu ăn hơn cả Tierno đấy... Được thôi, anh sẽ có nó, ngôi nhà của tôi ở Boulam ấy!

 

- Còn nữa không?

- Có lẽ tôi sẽ có thể giúp anh giành ngai vàng của Labé.

Đúng vào lúc ấy, một con gà gô bay vọt lên từ đỉnh một ngọn cây. Olivier de Sanderval nhìn nó chao lượn trong vài khắc, rồi quay lại với kẻ tòng phạm của mình:

- Anh còn nhớ những gì anh nói với tôi lần đầu tiên khi mình gặp nhau không?

- Buổi sáng nay thật thần kỳ!... Hãy là bạn tôi, kẻ ngoại bang nhé! Đó chính là điều tôi đã nói với anh.

Ông cầm tay anh ta và, ngắm con gà gô đang bay lẫn giữa những đám mây, nói với anh ta bằng chất giọng cố tình gây huyền bí:

- Anh có hiểu nổi tất cả những gì mà chúng ta sẽ có thể thực hiện, chỉ hai chúng ta thôi, nếu như chúng ta nắm tay nhau cùng tiến không hả?

 

Digui không thiếu nước mặc dù đang là mùa khô. Ngôi làng có rất nhiều giếng và một con sông chảy qua ngay bên cạnh. Ông nghĩ đến việc làm vườn: một cách tuyệt vời để quân của ông có việc mà làm, trấn an thần kinh và quên đi cái đói. Ông khai khẩn các bờ sông, đào một con rạch nhỏ và tưới nước chừng một trăm hec-ta. Ông cho gieo rau cải xoong vùng Orléan, xà lách và củ cải đỏ. Ông trồng các cây ăn quả, cố gắng thành công với loài sơ ri và nho. Ngây ngất bởi kết quả công việc mê ly của mình, ông gửi một lá thư ra vùng duyên hải để khoe khu vườn địa đàng của mình và nêu ra hàng trăm những ưu thế để những người Da Trắng đến lập nghiệp ở Fouta chiêm ngưỡng.

 

Ông thích tránh gặp mặt Dalanda hơn, sau va chạm lần trước với lính gác, mặc cho những lời nhắn báo động mà cụ già Arabia đã đem tới cho ông. Phải là một thằng ngố để không tự nhủ rằng người ta đã cho theo dõi ông từ rất lâu rồi để có thể biết được những cuộc trốn đi vào rừng ban đêm của ông: để bí mật tìm cái ăn như ông mạo xưng hay để che giấu vũ khí đây? Nhưng một hôm, ông từ vườn trở về, tản bộ cách đám Ouolouf của ông một đoạn đường, thì ông nghe thấy có tiếng gọi ông vẳng ra từ sâu trong một bụi rậm.

- Ngày mai, - nàng thì thào, - gần con suối-thiên-nga nhé! Vào phiên cầu nguyện giữa trưa ấy!

Đó là một kế hoạch không tồi. Suối-thiên-nga, chẳng ai bén mảng đến đấy vì những dãy tầng dưới rừng rậm rạp và vách đá cao vượt hẳn lên. Hơn nữa, lại cách vườn nhà ông có một trảng gai bụi phủ đầy những cỏ gà và tre. Vào giờ cầu nguyện, không ai có thể giám sát họ. Ông chỉ việc khoác dụng cụ và giả bộ như đi xới đất. Suối-thiên-nga trở thành cái tổ tình yêu của họ: chẳng cần phải mạo hiểm đêm tối để đi đến cái lều bỏ hoang kia nữa! Nàng thường đem đến cho ông bình fonio hoặc cơm, nhìn ông ăn, mủi lòng đến rơi lệ và lại bắt đầu đoạn điệp khúc muôn thủa:

-          Hãy bắt cóc em đi, Yémé, hãy bắt cóc em đi với anh!

 

Thế rồi vào một ngày đẹp trời, không hề có lý do gì, người ta cấm ông rời khỏi làng quá hai ki-lô-mét và mua những sản phẩm trong chợ. Đại hồi đồng từ chối cho ông bình nguyên Kahel, ông hoàng Fougoumba muốn đuổi ông ra khỏi lãnh thổ của mình. Bà cụ già Arabia cứ uổng công bao bọc ông bằng tình cảm trìu mến và những liễn fonio quý giá của cụ, nhưng ông chìm vào một cơn trầm uất còn bệnh hoạn hơn cả đợt mà ông đã từng trải qua ở Timbo.

Ông bắt đầu nghĩ đến lọ cyanure thì, sau một bữa tối thanh đạm với fonio nấu sữa đông, người ta thông báo ông có khách. Ông khoác chiếc redingote, đeo găng và khó nhọc lê bước ra ngoài, người ngợm hao mòn vì đói và lo lắng. Một chàng trai trẻ tuấn tú trên mình ngựa nhìn ông bước tới:

- Anh không nhận ra tôi ư? - Chàng nói với một vẻ vui nhộn.

- Ơ... không! Cậu có thể giúp tôi được đấy!

- Hồi anh đi qua Timbo, tôi mới mười lăm tuổi!

- Chớ có nói với tôi là cậu đấy nhé, là Diaїla  rồi! Vậy từ bấy giờ cậu trốn ở đâu hả?

- Tôi từ Bhoundou đến hôm qua, tôi đã đi học nhiều năm ở đó. Tôi được tin là anh đang ở đây và thế là ngay lập tức bổ đến để chào anh.

- Tôi cảm động quá, Diaїla  ạ, thực sự cảm động!

- Nếu tôi có thể làm được gì cho anh, đừng ngại nhé!

- Tôi sợ là những gì liên quan đến tôi thì chẳng ai còn có thể làm gì được nữa.

- À thế à, anh đang gặp rắc rối à?

- Rắc rối ư? Đây này, đúng lúc mà cậu đang nhìn tôi đây, hoàng tử thân mến ạ, thì tôi không có quyền đi lại lẫn mua đồ ăn. Tôi sống bằng của bố thí của bà cụ già Arabia và những củ cà rốt trồng được trong vườn nhà tôi.

- Tôi sẽ nói chuyện này với cha tôi.

 

Diaїla  ra về, ông ghi lại vài dòng lạc đề bên dưới một bức họa miêu tả một con lũ trong dòng sông Téné: "Gã Da Đen Diaїla  này, quả là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, cánh mũi trang nhã, hai lỗ mũi phập phồng, cặp môi linh hoạt, màu hồng phủ lên hàm răng trắng đều đặn, cặp mắt to hiếu kỳ, ánh mắt thông minh và sống động, bàn tay uyển chuyển và thanh lịch, bàn chân được chăm sóc tỉ mỉ. Có thể là Sylla chăng? Hay đúng hơn là Henri III. Một thủ lĩnh tốt của thời kỳ suy tàn. Điều mà gã đẹp trai này có thể làm cho bại hoại, là nếu hắn xuất hiện trên đại lộ, thì tất cả mọi thứ đều dành cho hắn."

 

Chẳng có gì mới mẻ cả, những ngày sau đó trống trơn mặc dù lời hứa của vị hoàng tử trẻ. Ông hoàng Fougouba không chỉ đành lòng với việc phản đối người ta đồng thuận cho ông đất đai, mà bây giờ ông ta còn muốn người ta rút lại giấy phép xây dựng đường xe lửa. Lão đòi người ta tịch biên tài sản và trục xuất ông ra khỏi Fouta. Ý muốn bỏ trốn đã chấp chới trong đầu ông cả trăm lần, nhưng ngay lập tức khi nghĩ đến điều bất hạnh của Moutet thế là ông lại mệt mỏi đổ ập xuống giường...

Phải đợi thêm một hai tuần nữa thì thông điệp của hoàng tử Diaїla  mới được gửi đến: Almâmi đã quyết định trả lại tự do đi lại cho ông và lại mở các gác chứa hàng và những khu chợ của Fouta cho ông!

Ông đến Gali ngay lập tức, ngôi làng nổi tiếng với các phiên hội chợ đông đúc bán buôn gia súc và các loại hạt. Trước sự ngạc nhiên sững sờ của ông, các cửa hàng thịt từ chối hạt san hô của ông, các chủ hàng sữa quay mặt đi trước các đồng tiền của ông. Chàng trai khôi ngô Diaїla  đã nói dối ông ư? Rã rượi vì nóng, lả người vì đói, cô độc và suy sụp chưa từng thấy, ông chuẩn bị đối đầu với các sườn núi mà người ta phải leo theo thế thẳng đứng và những dòng suối mà ta phải tìm đến chỗ nông nhất mới vượt qua được để quay trở về Digui, thì có một gã to con chạy đến giúp ông, hắn huơ cao một cây gậy:

- Hãy bán cho ông ấy đi và nhanh tay lên!

- Hãy giết ta đi còn hơn, - một bà bán hàng đáp lại, - ta thích cây gậy của ngươi hơn là gậy của Almâmi!

- Almâmi đã gỡ bỏ lệnh cấm bán cho ông ta rồi. Hôm qua ta có mặt ở Fougoumba, điều đó đã diễn ra ngay trước mặt ta.

- Ông ta có tờ giấy ấy trên người không?

- Ông ấy không cần. Tờ giấy đương sự đã được đọc to trong nhà thờ Hồi giáo ngay trước mặt tất cả mọi người.

- Ở Galin, - một người bán gia cầm đáp lại, - thông tin không được bán cho ông ta đã đến với chúng tôi trước, còn lệnh mới thì chưa đến.

- Tôi chẳng ngạc nhiên gì đâu, ở Gali, các người là một lũ thộn hết lượt!

- Hãy nhắc điều anh vừa nói xem nào!

Một cuộc ẩu đả tiềm tàng thành hình, dẫu vậy ngài Olivier de Sanderval khốn khổ không còn cảm thấy đủ sức để can ngăn lẫn ý muốn đứng lại xem. Một tiếng vó ngựa khi ấy chợt vẳng lại từ phía Fougoumba, ba hiệp sĩ xuất hiện. Một người rẽ đám đông những kẻ tò mò, đứng hẳn lên lưng ngựa và đọc tờ giấy đang cầm trên tay:

- Theo sự điều tra và hiểu biết của Fouta thì người đàn ông Da Trắng mang tên Yémé lại được quyền tham gia các khu chợ của Almâmi và mua những đồ hàng quý hiếm theo sự lựa chọn của mình.

- Các người thấy chưa? - Kẻ lạ mặt thốt lên về phía các tiểu thương.

- Tốt thôi, thì ông ta cứ yêu cầu điều mình muốn thôi, giờ thì chúng ta có thể bán cho ông ấy!

- Hãy tha lỗi cho chúng tôi, Da Trắng đáng mến ạ, nhưng trong lãnh địa Fouta yêu quý của chúng ta, những thông tin tồi bao giờ cũng đến quá sớm, còn những thông tin tốt lành thì chẳng khi nào đến đúng thời hạn cả! Tôi có một khu vườn không xa đây lắm, hãy đến đó nghỉ cho mát mẻ đi!

Da Trắng chẳng đợi phải khẩn nài, ông lau trán bằng một vạt áo và chỉ đống hàng hóa mà các tiểu thương gói cho ông trong lúc cố gắng đùa lại với anh ta để xua tan sự va chạm vừa rồi.

- Đừng bận tâm vì chuyện đó đi! - Người đàn ông vừa nói vừa nhìn một lũ trẻ đang chơi vật nhau gần đấy:

- Hãy khuân các thứ này đến Digui và nói rõ rằng đó là của Da Trắng nhé!

Rồi anh ta lại quay về phía Sanderval:

- Anh thấy không, đơn giản thôi mà! Giờ hãy cho lũ trẻ này cái gì đó để thưởng cho sự cố gắng của chúng!

 

Khu vườn của người cứu mạng ông nằm cách đó hai ki-lô-mét, rất khuất mắt những kẻ tò mò, giữa một thành vách đá granít, một khu rừng tre và những hẻm núi cao chừng hai mươi mét, bên trong đó vẳng ra tiếng suối chảy ầm ào. Có dễ chừng đến mười héc-ta sắn và củ từ, củ cải đỏ và bắp cải, mướp tây, ớt, xà lách và hành củ. Hai nhà kho chứa đầy hạt và dụng cụ. Một quần thể năm ngôi nhà đẹp đẽ là nơi ở của anh ta. Anh ta mời ông vào một trong năm ngôi nhà ấy và cẩn thận khép ngay cửa lại sau lưng họ. Anh ta mời ông bia và rượu vang, pho mát và giăm bông, miệng thì thầm với kiểu tinh nghịch của một thẳng lỏi đang ăn vụng đồ ăn của gia đình:

- Thế còn cái này thì sao? Cái này nữa? Hả, anh nói gì về thứ này?

Da Trắng thốt ra một tiếng sáo gió thán phục và hối hả lao ngay vào bàn ăn, thậm chí trước cả khi được mời.

- Anh đã lấy chúng ở đâu vậy, hả bạn thân mến? Anh đã moi được những vật báu này ở đâu vậy?

- Ở vùng ven biển đấy, ha ha! Ở vùng ven biển! Tôi biết Rufisque và Saint-Louis! Tôi đã từng sống ở Boulam, tôi thậm chí đã ghé qua Boké. Nó ngon thật, đúng không, thứ giăm bông này ấy mà?

- Ngon tuyệt đỉnh! Thịt lợn và rượu vang, a ha, nếu người Peul mà nhìn thấy tụi mình nhỉ!

- Chính vì thế mà tôi đã đóng cửa lại!

- Đương nhiên rồi! Anh có một cái tên gọi chứ?

- Hãy gọi tôi là Yéro Baldé!

- Thế thì, Yéro Baldé à, hãy bắt tay người bạn của anh đi!

 

Tuần sau đó, người ta thông báo cho ông tin phái đoàn Gallieni đã tới. Ông ngay lập tức lẻn đến Fougoumba. Đoàn bao gồm chừng trăm tay súng Sénégal và hai Da Trắng sống sót, thoát khỏi sốt vàng. Một đoàn quân thật sự của Gallineni: trang bị vũ khí đến tận răng và lương thực dự trữ hết sức dồi dào! Những kiện đạn và đồ hộp, và một đàn cừu và bò khá hậu hĩnh! Họ đã nghe phong thanh về chuyến viễn chinh lần trước của ông và biết, từ lúc ở Timbo, ông đang có mặt ở Fougoumba!

 

- Bác sĩ Fras! - Người lớn tuổi nhất lên tiếng. - Còn đây là trung úy Plat!

Almâmi đã mời họ ở trong một khu sang trọng nằm ngay giữa làng với những ngôi nhà mái chắc chắn và một mảnh sân mà hiện giờ họ đã dựng lên một chiếc bàn gấp khổng lồ, trên đó chất đầy những chai và các đồ hộp - vậy nên có chỗ dành cho Fougoumba! Một cảm xúc sâu xa, bất thường xâm chiếm người ông: hương vị những món ăn Pháp, ly nước táo mà người ta rót cho ông, những khuôn mặt không hài hòa, hào hứng và dễ bị tổn thương của những người đồng bào của ông! Trung úy Plat khiến ông nghĩ đến cậu Souvignet đáng thương: người này cũng hai mươi ba tuổi và, cũng giống như cậu ấy, tận tâm dồn hết cả tâm hồn lẫn thể xác cho những ảo tưởng phù hoa đẹp đẽ của lứa tuổi mình!

- Chúng tôi đã nhận được thư của trung úy Levasseur, - bác sĩ nói.

- Trung úy Levasseur à?

- Chớ có nói với tôi rằng ông đã không nghe nói đến người đồng bào bất hạnh của chúng ta ở Labé nhé!

Họ đã có tin tức về vị Lavasseur đáng thương ấy, vẫn ở trong trại giam, đói khát và bệnh tật. Cả anh ta nữa, cũng chính là do Gallieni phái đi, anh ấy xứng đáng hơn thế: lúc nào cũng là hai phái đoàn và bằng những lộ trình đi khác nhau. Phi châu nhan nhản những cạm bẫy, người Da Trắng thận trọng bao nhiêu cũng chẳng bao giờ đủ cả.

Ông hỏi lý do họ có mặt ở đây. Điều đó có thể đoán được, họ đến để ký một hiệp ước bảo hộ, một hiệp ước thực sự.

- Bản của Bayol không đủ à?

 

- Không, bản đó chưa đủ dưới con mắt của Gallineni, trong đó người ta chỉ nói về tình hữu nghị, ông ấy cần nhiều hơn thế.

- Và ông nghĩ rằng ông sẽ đạt được điều ấy ư?

- Chúng tôi sẽ không để cho họ có sự lựa chọn! - Fras giáng xuống. - Sẽ chỉ, hoặc là bảo hộ ngay từ bây giờ hoặc là
chiến tranh sắp tới. Một đoàn quân đã đang chuẩn bị ở
Saint-Louis rồi.

- Ừm! Ông đã làm việc với người Peul chưa?

- Chưa, chưa thực sự!

- Thế thì hãy đợi để biết rõ họ đã, trước khi phát ngôn như thế. Ông đã gặp Almâmi chưa?

- Tôi đã đọc cho ông ta nghe dự thảo hiệp ước sáng nay, - Fras đáp. - Ông ta nói sẽ tham khảo ý kiến những bô lão!

- Ông, người sống ở đất nước này đã mười năm nay và là người đã có những hiệp ước với họ, chúng tôi phải bắt đầu từ đoạn nào đây? - Plat hỏi.

Một làn sóng buồn bã và thoáng qua trỗi dậy trong tâm trí ông trước khi đáp lại. Thật uổng phí quá chừng! Họ sẽ không ở đoạn này nếu như người ta đã tin ông! Fouta-Djalon, nước Pháp lẽ ra lên để tâm đến nó ngay từ chuyến đi đầu tiên của ông! Nhưng Cloué đã coi ông như một kẻ gàn, còn Gambetta đã nghe ông theo kiểu tình bạn bè hơn là niềm tin chắc chắc. Tất cả chuyện đó đã mở đường cho kẻ cơ hội có tên Bayol ấy, người chỉ chuyên tìm cách hại ông và thúc đẩy sự nghiệp của hắn! Gallieni không thiếu lòng quả cảm lẫn tài trí, nhưng ông ta lại có cái tật: bản chất lính chiến của ông ta! Nước Pháp đã chẩn đoán nhầm: họ đã phái một nhà giải phẫu đến nơi mà chỗ ấy chỉ cần một người xoa bóp là đủ. Những con người trẻ tuổi này buộc ông phải khâm phục vì lý tưởng và sự trinh nguyên của họ, cùng lúc họ lại gây cho ông một cảm giác thương hại đến cùng cực. Người ta không dẫn họ ra chiến trường, mà ném họ vào miệng sói. Đó chính là những gì ông nghĩ khi gắn lên họ một ánh mắt kém hà khắc, dấu hiệu của sự cảm thông và ngờ vực.

"Phải là kẻ ngốc mới gửi đến xứ sở Peul những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhường ấy, - ông nhủ thầm. - Rõ ràng rằng họ sẽ rất chật vật để đạt được điều gì đó nghiêm túc. Nhưng có thể người ta, từ trên vị trí cao ngất kia, chỉ muốn gây ấn tượng cho dư luận thôi. Chứ không phải là để chinh phục Fouta.

Nhưng tôi chẳng việc gì mà phải thổ lộ những suy nghĩ của mình cho họ. Họ thực hiện những gì mà người ta đã đề nghị họ làm. Cũng chẳng còn gì để nói với chính phủ nữa, nơi chúng tôi, do nghề nghiệp và do thói quen cố hữu cổ xưa, thường là điếc trước tất cả những gì không phải là mình: cần phải đòi hỏi chính quốc gia cần chú tâm và sáng suốt hơn nữa."

- Thế thì những người Peul này thì thế nào? - Trung úy Plat cố gặng hỏi.

- Những người này khó nắm bắt, cả bằng tay cũng như bằng trí óc! Có thể nói, ở đây họ đã đọc Montaigne. Các ông sẽ không bao giờ nhìn thấy dân tộc nào lại rập rờn uốn lượn nhường ấy: không bao giờ ở cùng một chỗ, không bao giờ nói cùng một lời.

- Họ không phải lúc nào cũng sẽ thoát khỏi chúng ta được.

- Với điều kiện chúng ta phải học cách dùng mẹo. Ở đây, lừa người khác không bị coi là một nhược điểm, mà là một hành động dũng cảm và chính nó rèn lên danh tiếng của bạn.

 

- Dẫu cho họ có làm gì đi nữa, chúng tôi sẽ moi bằng được sự bảo hộ này! - Trung úy Plat nổi đóa. - Chính ông đã có được những hiệp ước rồi đấy thôi, đúng không?

- Những hiệp ước của tôi, tôi đã có được chúng sau gần hai tháng tù tội, hàng tá những trận lên cơn sốt rét và năm lần trong tình trạng hôn mê, - ông đáp lại, bị cuốn đi quá đà. - Còn các ông, các ông đi thẳng từ Saint-Louis đến đây với một tờ giấy giẻ rách để nói với Almâmi của Fouta: "Nào, hãy ký vào đây!" Giỏi đấy, những con người quả cảm thân mến, giỏi đấy!

- Chúng tôi muốn chỉ cho ông ta thấy những vấn đề chính yếu không còn giống nhau nữa, rằng kỷ nguyên của những lời đàm tiếu đã qua rồi! Nếu ông ấy không ký, ông ấy sẽ bị xâm chiếm!

- Ông ấy sẽ không ký đâu, nhưng lại giả bộ ký. Ôi, giá mà ông biết được những con người này biết cách giả bộ tốt đến nhường nào nhỉ!

- Chúng tôi không có thời gian, ông hiểu không hả?

- Thảm kịch nằm ở chính chỗ đó, họ hả, họ thì có đầy
thời gian.

Thế rồi ông im lặng, đầy sự thương hại và phẫn nộ. Những chàng trai Pháp khốn khổ! Ông những muốn nói với họ: "Sự có mặt của các người gây nhiều thiệt hại hơn là tiện ích, những thiệt hại cho ích lợi của chúng ta, chứ không phải của người Peul." Nhưng ông chẳng nói gì cả, tu một hơi hết ly của mình và làm ra vẻ muốn về. Quá trẻ trung, quá dễ mến, ông không hề có ý định làm tổn thương họ! Plat rót tiếp cho ông một ly nước táo và nói:

- Chúng tôi giữ ông lại ăn tối!

 

- Tôi đang định đề nghị ông. Khi mà, như tôi đây, ta đã nhồi suốt cả nhiều tuần liền toàn quả dại nghiền, thì ta chẳng còn gu khách sáo cho hợp thể thức nữa.

Trước khi để ông ra về, họ chất cho ông đầy những trà, cà phê, đường, bánh mì, cá hộp sác-đin, bích quy, đậu đỏ cũng như một chồng lớn báo chí.

Lần thăm viếng tiếp theo, ông thấy trung úy Plat đang ngắc ngoải sắp chết. Bác sĩ Fras, trong giây lát, rời tay khỏi xi lanh và những miếng gạc để kín đáo kéo ông ra một góc:

- Tôi rất sợ là cậu ta sẽ ở lại đây mất, - ông ta thì thầm trong lúc thấm mồ hôi trán. - A, tôi hận mình đã không bị ốm thay cho cậu ấy! Cậu ấy quá trẻ để phải chết, cậu ấy ấy mà, ông nghe tôi nói không hả? Quá trẻ.

- Chẩn đoán của ông thế nào?

- Ông nghĩ rằng có thể thiết lập một đợt chẩn đoán trong vùng này ư?

- Cậu ấy sẽ qua khỏi thôi, rồi ông xem! - Olivier de Sanderval nói bằng một giọng hết sức thuyết phục đến nỗi mà vị bác sĩ lấy lại được tinh thần.

- Điều đó sẽ đơn giản hơn nhiều. Một mình, tôi có lẽ sẽ không bao giờ đủ sức. Saint-Louis ở quá xa, người Peul lại quá gần, còn anh chàng Levasseur khốn khổ kia nữa, anh ta còn gần nấm mồ hơn bất kỳ con bệnh nào.

Ông ở lại bên họ suốt cả ngày liền, lau mồ hôi và nôn mửa cho người này, củng cố tinh thần cho người kia. Ông giúp
lọc nước, tiệt trùng xi lanh, chuẩn bị những hộp thuốc mỡ và sữa tắm.

 

Vài ngày sau, một tên lính Sénégal dừng lại trước cửa nhà ông mà không hề xuống khỏi ngựa:

- Là bác sĩ Fras phái anh đến phải không?... Là để đi đám tang à, đúng không?

- Không, để mượn ông ống thụt!

Con người quả cảm ấy giải thích rằng trung úy Plat đã lành bệnh và rằng bác sĩ Fras lại ốm (đúng là ai có phận người nấy) vì táo bón, nên phái anh ta đến mượn ông chiếc ống thụt để có thể thông được. "Phái đoàn đi mà không có ống thụt! - Ông hối hả ghi lại, nhạo báng hơn bao giờ hết. - Thế đấy, người ta tổ chức những ngoại vụ thuộc địa của chúng ta như thế và chúng ta đã có một ngân sách là bốn tỷ cơ đấy! Thôi thì, cầu cho ở Bộ được bình an; nhưng tôi cũng rất muốn nhìn thấy ông ta ở đây, ở chỗ của của chúng tôi, vị Bộ trưởng ấy, chết khô chết héo dưới ánh nắng mặt trời mà không có ống thụt."

Quân đội Pháp đi viễn chinh chỗ người Da Đen và thậm chí không có lấy một cái ống thụt! Ấy thế mà cái đó lại làm nên những điều kỳ diệu đấy, dụng cụ tưởng như rất tầm thường này! Khi, vài ngày sau, tên lính đem lại trả cho ông, anh ta cùng lúc trao cho ông một lá thư giã biệt: bác sĩ Fras đã lành bệnh. Rất khỏe mạnh đến nỗi mà ông đã lên đường chuồn về Saint-Louis cùng với đoàn của ông ta dưới âm thanh của tiếng kèn đồng!

 

Rồi Diaїla  đến thăm đúng lúc ông đang vật lộn với một cơn sốt rét mới:

- Anh phải đến nói chuyện với họ đi thôi.

- Nhưng mà với ai mới được chứ, hả Chúa ơi?

 

- Với các bô lão của Fougoumba! Không có họ thì Kahel đã là của anh rồi, còn cha tôi, ông ấy chẳng thấy gì là bất lợi cả! Ngày mai, sau buổi cầu nguyện giữa ngày, cha tôi sẽ triệu tập đại hội đồng và anh sẽ đến để nói. Để thuyết phục những kiểu đắn đo ngập ngừng của Fougoumba, anh cần phải làm sáng tỏ sự thật mà không để lộ vẻ hình như anh đã có điểm tựa. Anh sẽ đến chứ?

- Tôi chẳng có sự lựa chọn nào.

- Thế thì, chúc may mắn, và hãy cố tỏ ra có tính thuyết phục nhé!

Sự hoảng sợ còn kinh khủng hơn cả hôm trước của một kỳ thi. Ông tận dụng cơn mất ngủ để phác thảo bài diễn văn của mình và lấy thêm can đảm:

"Thôi nào, hãy tiến lên, hãy nói những gì mi muốn nói, nhưng phải thật tốt! Người Peul là một chủng tộc biết cách diễn đạt. Ở họ, cách thức là quan trọng nhất: những lời đẹp ý hay có giá trị hơn cả những hành động."

Nhà thông thái của Almâmi ngay lập tức chuyển qua vấn đề về Kahel. Nhưng Ibrahima, vị vua rất thâm sâu của Fougoumba, phản ứng dữ dội ngay lập tức, mặc dù dáng vẻ gà gật của ông ta:

- Người đàn ông này ở đây không phải là để cầu xin một ân huệ, ông ta ở đây bởi vì đã vướng một tội. Hãy bàn về lá thư mà chúng ta đã vớ được ở vùng ven biển đi!

- Liệu những gì người ta nói có thật không, rằng ông muốn chuyển người Da Trắng từ miền vùng ven đến đây để họ lấy đất đai của chúng ta và chiếm đoạt hoàng triều của chúng ta hả? - Vua của Kébali hỏi ngay.

 

- Người nào dịch cho các ông lá thư này đã cắt cụt đi sự thật. Tôi thề với các ông rằng những gì được viết trong thư chẳng có gì là thù nghịch đối với các lãnh chúa của Fouta cả.

- Nếu nó quả trong trắng như ông nói, thì tại sao ông lại không gửi theo đường thư chính thức của Almâmi, mà mỗi tuần đều có chuyến gửi đến vùng ven biển chứ?

- Tôi thậm chí còn không hề nghĩ đến việc viết một lá thư kia. Chỉ có điều, con người mang tên Alpha kia đã đến gặp tôi ở Digui để nói rằng anh ta sẽ đi đến vùng ven, thế là tôi đã tận dụng cơ hội đó để chuyển những thông tin của tôi cho các đại diện của tôi. Dặt một điều, tôi không biết đó lại là một người không được nghiêm túc cho lắm.

Ông những muốn nói: "Tôi không biết đó lại là một trong những thám báo của các ông."

- Mi dám nói Alpha, con người chín chắn, một đạo sĩ có tiếng tăm và được cả Fouta này kính trọng, là một kẻ nói dối ư?

Tiếng rì rầm phản đối lan đi khắp phòng.

- Ô không, tôi sẽ rất tránh xác nhận điều đó. Tôi đã chỉ nói rằng ông ta đã thiếu kín đáo. Các ông đây đều biết rõ rằng tôi đã đánh giá rất cao các ông và đất nước của các ông. Người ta chưa bao giờ thấy tôi thiếu tôn trọng với một trong những phu khuân vác của tôi. Thế thì làm sao tôi lại dám làm với một nhà quý tộc của Fouta chứ?

- Nói hay lắm! - Có tiếng vang lên hết góc này đến góc kia trong phòng.

- Suỵt! - Thủ lĩnh của Fougoumba lên tiếng. - Nếu những gì người ta kể cho chúng ta là không đúng, thế chính xác thì ông đã kể gì cho những người Da Trắng ở vùng ven hả?

 

- Rằng đất nước của các ông rất đẹp, khí hậu thật dễ chịu, dân chúng đáng kính và cởi mở. A, nếu như có vài người Da Trắng đến đây ở để giúp các ông làm giàu thì tốt biết mấy!

- Những đồn điền và các thương điếm của ông, đó chỉ là cái cớ thôi! Chiếm Fouta, đó mới chính là điều mà lũ Da Trắng các người đang lăm le trong đầu đấy!

Ông đưa ánh mắt thống thiết về phía vua Fougoumba và gióng lên đoạn điệp khúc mà ông thích nhất, đánh bại người Anh và hạ gục kẻ được người Peul yêu thích nhất, bỡ đợ tính kiêu hãnh của họ:

- Người đã đọc lá thư của tôi là một kẻ thù của Fouta hoặc là một người không biết đọc. Tôi đã biết Alpha là một gián điệp làm việc cho những kẻ thù Anh quốc của tôi, tôi đã cảnh báo điều đó với quân của tôi từ lâu rồi, thế nên tôi hẳn đã không ủy thác cho hắn những bí mật của mình. Ông biết rõ rồi đó, Ibrahima ạ, tôi không phải là kẻ đi xâm lấn, tôi là khách quý của Almâmi. Tôi sẵn sàng ra đi ngay ngày mai nếu ông muốn... Những thủ lĩnh của Fougoumba đang gặp sai lầm nhưng họ thông minh, tôi biết họ sẽ công nhận cho người bạn toubab này, người chỉ mang sự thịnh vượng theo mình, tôi nói thêm điều mà họ đã biết rất rõ, nên biết là vào năm 1880, tôi đã chỉ gặp hai mươi người Anh Da Đen ở Fouta; năm nay tôi đã gặp hơn sáu trăm người bọn họ và ở Médina, chính một người Anh đã tiếp tôi đầu tiên nhân danh vua. Các ông không thấy gã Alpha này là một gián điệp Anh, được Freetown trả lương để đối lập với chúng ta hay sao? Người Anh không gây chiến với các ông, các ông hãy nói đi, họ không đe dọa các ông, người Da Đen quá tin tưởng! Họ chẳng đòi hỏi gì nhưng họ lại đến nhung nhúc cả hoàng triều của các ông, các thủ lĩnh già tiếp đón họ, nghe lời họ, vâng lệnh họ. Những thế hệ tiếp nối các vị vua vĩ đại Peul là các ông đây liệu có từ chối sự độc lập của mình không chứ? Nước Pháp, ngược lại, họ có phái một người Pháp nào đến chỗ các ông không, có phái dù chỉ một người duy nhất đến xâm chiếm xứ sở này và khai khẩn theo lợi ích của họ không? Tôi chỉ thấy ở đây một người Da Trắng duy nhất và không vũ khí, người đến đây nói với các ông về lợi ích của các ông chứ không phải của ông ta.

Ông im lặng, và cũng như lần trước ở Timbo, đưa cặp mắt lo âu dõi khắp phòng để săm soi những phản ứng và hiểu ngay trong sự im lặng đang bao trùm khắp nơi rằng bài biện luận của mình đúng ra là khá thành công. Vua Fougoumba ngồi im như thóc, nhưng Tierno, Alpha Yaya, Bôcar-Biro và Pâthé lại gửi cho ông những cái nháy mắt đồng lõa còn Almâmi lại có vẻ hân hoan. Người này thì thầm vài lời và giọng nói đanh thép của nhà thông thái lại vang lên:

- Những điều Da Trắng này nói là đúng, ông ta bao giờ cũng chỉ trang bị mỗi cái ô nhỏ và khăn mùi soa bỏ túi! Năm 1880, chúng ta đã có những ngờ vực, nhưng bây giờ chúng ta có thể tin tưởng vì đã gặp gỡ ông ta khá đủ: người đàn ông này là một người bạn.

- Tình bạn mà nước Pháp muốn chìa cho chúng ta, đó là tình bạn giữa dầu và nước: một trên cao, một dưới thấp, - vua Fougoumba lầm bầm.

- Ông ta đúng là có vài khẩu súng, - Pâthé pha trò, - nhưng đó là để đi bắn gà gô. Ông ta chưa bao giờ nã đạn vào một người Peul nào cả.

 

- Ông ta đến với chúng ta trên tình bằng hữu! - Bôcar-Birro nói thêm.

- Trong khi đó thì gã người Anh có cái tên không thể phát âm nổi kia đã đem đến cả một quân đội! - Alpha Yaya củng
cố thêm.

- Người đàn ông này đến trong tình bạn, - Tierno đế vào. - Chúng ta là người Peul, sách poulâkou đã dạy chúng ta là phải đối xử tốt với bạn bè.

Cuộc tranh luận xoay qua chiều có lợi cho ông. Kể từ đó, phần lớn những ai mở miệng đều nói thay ông.

Các bô lão Fougoumba rút lui, ẩn mình trong những tiếng lầu bầu bị kìm nén. Giờ ông chỉ còn việc thưởng thức thành quả chiến thắng của mình.

Almâmi lại thì thầm vào tai nhà thông thái:

- Da Trắng đã nói rất hay! Fouta đã nghe thấy! Bây giờ, vua Fougoumba có gì để nói nữa không?

Người này thẳng thắn bộc lộ tính khí bẳn gắt của mình và nói ngay mà không thèm để ý đến Da Trắng:

- Chính Người, thưa Almâmi, đã đem Da Trắng này tới đây cho chúng tôi! Vậy thì chính Người phải quyết định!

Almâmi để ba phút dài trôi đi trong yên lặng trước khi lại thầm thì vào tai nhà thông thái:

-Vậy thì, đây là những gì ta quyết định: Fouta thuận cho người mang tên Yémé bình nguyên Kahel và vách đá Guémé-Sangan! Ông ta sẽ ở đó như ở nhà mình, buôn bán như ông ta muốn và gieo trồng những gì ông ta muốn.

 

- Đó thuộc thẩm quyền của Người, thưa Almâmi, ngặt một nỗi người đàn ông này không phải người Peul cũng chẳng phải lãnh chúa để có quyền sở hữu đất đai của Fouta.

- Thế thì, nhân danh Almâmi của Fouta, ta khiến ông ta thành một người Peul và một lãnh chúa.

Almâmi đứng lên, tất cả mọi người đi theo để đến nhà thờ Hồi giáo. Buổi cầu nguyện đã kết thúc, người chủ lễ đang vắt vẻo trên tháp và gõ tabala ba lần trước khi phát đi những âm thanh vang vọng như sấm rền bằng chính giọng nói của mình:

"Bắt đầu từ khoảng khắc này, thể nhân da trắng và cao lớn mà đấng Tối cao lòng lành đã gọi là Yémé Wéliyéyé Sandarawalia được tuyên bố là Peul, công dân của Fouta và quý tộc từ đầu đến chân. Được kính trọng trong vương quốc và là lãnh chúa của Kahel, chỉ có đấng Tối cao và Almâmi là bậc trên của ông ta. Kẻ nào không vâng lệnh ông ấy sẽ bị đánh roi, kẻ nào thóa mạ ông ấy sẽ bị cắt lưỡi, kể nào ăn cắp đồ của ông ấy sẽ bị xử trảm."

Bắt đầu từ lúc đó, mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Người ta cho phép ông rời khỏi ngôi làng rừng rú nơi họ đã đày ải ông để về Fougoumba. Những Ouolouf tháp tùng quay lại Digui, miệng hét lớn bài ca chiến thắng. Bà cụ già Arabia chạy loăng quăng đến thì thầm với ông rằng Dalanda đang đợi ông ở nhà cụ. Mạo hiểm quá, quá mạo hiểm!

- Bé yêu Dalanda, - ông nói trong lúc ôm ghì nàng, - em không bao giờ thôi làm những trò ngốc nghếch cả. Đôi lúc anh muốn phạt em, nhưng ngay khi nhìn thấy em, thì anh lại muốn cái khác.

 

- Thế thì, Yémé, anh sẽ bắt cóc em bây giờ chứ, khi mà anh đã trở thành vua rồi?

- Khi anh sẽ ở Kahel, khi anh sẽ đến ở Kahel đã.

Nàng bắt ông hứa cả mười lần trước khi để ông ra về.

Trong sân nhà mình, ông bắt gặp một người đưa tin cùng với một con cừu đực và một làn lớn trái cây:

- Con cừu đến từ Almâmi và làn trái cây là của Diaїla . Almâmi đã quyết định trở về Timbo sớm hơn dự định. Người đợi ông ngày mai ở Fougoumba để ký với ông những hiệp ước và để chào dã biệt ông.

 

Một bầu không khí căng thẳng đón ông ở Fougoumba. Cả thành phố tiến về phía Quảng trường, thì thào với nhau bằng những giọng khàn khàn nghiêm trọng:

- Có chuyện gì vậy? - Ông hỏi một thằng bé.

- Chúng ta sẽ tham dự một cuộc xử trảm.

- Nhưng xử trảm ai?

- Tên tuổi chẳng có gì quan trọng, chính màn trình diễn mới thú!

Ai là người mà Fouta đã quyết định chém đầu trong thời gian quá ít ỏi như vậy chứ? "Chúa ơi, - ông nhủ thầm, - hãy làm sao cho đó không phải là anh chàng Levasseur khốn khổ chứ? Con cầu khẩn người đấy, Chúa ơi!"

Ông tiếp tục hỏi thăm nhưng chẳng ai đáp lại ông cả. Cuối cùng thì ông cũng nhận ra bóng Saїdou lẩn trong đám đông hỗn loạn.

- A! - Người này kêu lên, - Da Trắng đến quan sát tận mắt những tập quán luật pháp của chúng ta hả! Anh sẽ thấy, chúng tôi vẫn còn chưa biết đến máy chém, nên chúng tôi hành sự bằng kiếm.

- Là trung úy Lévesseur à, tôi đoán chừng thế, - ông nói, người toát mồ hôi hột.

- Trung úy Levasseur ư? A, tên người Pháp mà chúng tôi đã tóm được ở Labé hả? Ô không, không dâu, Yémé! Đó chỉ là một tên nhà quê khốn nạn thôi, một kẻ cướp đường mà chúng tôi đã tìm kiếm từ bấy lâu nay và hắn vừa bị lột mặt nạ. Nếu đó là một người Pháp, thì chúng tôi hẳn đã phải hỏi ý kiến anh. Hiện giờ, anh là vua của Kahel rồi!

Vị đạo sĩ và tên đao phủ đã có mặt ở giữa quảng trường, xung quanh là một đám đông nháo nhào và rất đông.

- Thế thì, bạn Saїdou thân mến, đó là một điều khiến tôi an tâm đấy. Almâmi không đến à?

- Người có đến chứ. Tôi đi trước để dọn đường đón tiếp Người đây.

Saїdou kéo ông về phía khán đài dựng tạm mà đám lính cuối cùng đã dựng xong. Khi tất cả đã sẵn sàng, Almâmi xuất hiện cùng với đám quần thần, chào Da Trắng rất lâu và trao đổi vài câu với Saїdou trước khi đến ngồi vào vị trí của mình. Người ra dấu tay và người ta dẫn tội nhân đến, chỉ được vận đúng một cái khố ngắn, đầu bị chụp một mảnh vải còn cổ và chân bị
đóng xích. Đạo sĩ để tay mình lên miệng làm loa để tuyên bố
lời phán:

- Ngươi, Mangoné Niang, ngươi đã nẫng hết những thương điếm ở Rufisque, ngươi đã càn quét của một đoàn xe ở Boubah, ngươi đã ăn trộm những đàn gia súc ở Mâci, sau đó ngươi đã đến ẩn ở Yali dưới một cái tên giả. Nhưng kẻ đồng lõa của ngươi là Doura Sow, bị bắt ở Boké, đã khai ra ngươi. Vì tất cả những lý do đó và vì những thứ khác mà chúng ta còn chưa biết, ngươi bị kết tội xử trảm. Bây giờ, ta sẽ đọc kinh Fatiha và đao phủ sẽ tiến hành hành quyết.

Ông ta đọc kinh Coran và lật khăn trên đầu tội nhân ra.

- Không được!

Tiếng kêu của Olivier de Sanderval khiến đao phủ sững lại. Ông nhảy về phía hắn để kịp thời giằng cây kiếm khỏi tay hắn.

- Người đàn ông này là bạn tôi! Nhân danh ông hoàng Kahel, tôi đề nghị Almâmi ân xá cho anh ta.

Đó chính là người đàn ông đã tặng ông giăm bông và rượu vang trong trang trại của mình. Trên thực tế, anh ta không phải tên là Yéro Baldé mà là Mangoné Niang, anh ta thậm chí không phải người Fouta. Anh ta sinh ở Rufisque. Đó là một Ouolouf.

- Nhưng chính hắn đã càn quét những thương điếm ở Rufisque! - Saїdou ngạc nhiên kêu lên.

- Không sao hết, có chuyện đó thì cũng vẫn là bạn tôi!

- Anh thực sự muốn ân xá cho hắn ư? - Nhà thông thái của Almâmi hỏi.

- Tôi thực sự muốn điều ấy, thưa Almâmi!

Một làn sóng rì rầm sôi sục chạy khắp khán đài. Họ ngạc nhiên, họ nổi đóa, họ hỏi ý kiến nhau. Rồi nhà thông thái lại lên tiếng nói tiếp:

- Không một lãnh chúa nào của Fouta muốn tên trộm cướp này ở lãnh thổ của mình!

- Thì anh ta đến Kahel vậy! Đó sẽ là thần dân đầu tiên
của tôi!

 

 

 

 

 

 

Ông rẽ qua Kahel, đi dạo một vòng quanh lãnh địa của mình trước khi quay về vùng ven biển: hai mươi ki-lô-mét chiều dài, gần năm ki-lô-mét chiều rộng! Ông lôi ra một cuốn số mới tinh để kiểm kê tài sản của mình, ông có tất tật là một bình nguyên cao đầy cỏ, năm thung lũng, mười quả đồi, hai con suối, một thác nước, ba con sông và ba nhánh sông cụt. Năm làng và mười xóm là dân số con dân của ông, trong đó có hai ngàn đàn ông tự do và năm trăm tù nhân. Mười lăm con lừa, một trăm con chó, ba ngàn con bò và cũng ngần ấy dê và cừu, chừng trăm chuồng gà, năm con ngựa! Ông hít hà cỏ cây, bóp vụn một nhúm đất giữa các ngón tay. Đó là đất Peul thực sự: không hợp với ngũ cốc và các loại củ, nhưng lại rất thuận lợi cho chăn nuôi và trồng rau. Chỉ riêng mùi của nó thôi thì ông hiểu ngay và hiểu rất rõ rằng có thể cho trồng và phát triển cây cà phê và nho, cây thùa(1) và khoai tây. Trên vùng đất cao này, ông cảm thấy đôi chút như ở vùng Auvergne: do phong cảnh, và cũng bởi khí hậu nữa. Nước chảy rất nhiều.

Vài con kênh là đủ để giảm bớt sự thô cứng hà khắc của các đỉnh đồi. Vả lại, cỏ vẫn mọc cao trong tất cả các mùa. Fonio và ngô chỉ cần gieo vãi; hoa, nấm, trái cây, thì chỉ mất công đi hái. Những sườn đồi sặc sỡ của khu bắc ngay lập tức thu hút ánh mắt ông, ở đó ông sẽ nuôi ngựa. Sau đó, ông quay nhìn về phía những khoảng đồng bằng có rừng ở phía nam, chỗ này, ông sẽ tạo một công viên mênh mông mà tại đó, voi và sư tử, linh dương và khỉ đầu chó sẽ vui vầy cùng nhau trong sự tinh khiết hệt như những ngày đầu tiên của vũ trụ.

Ba ngôi làng lại thu hút sự chú ý của ông: ông sẽ lập Fello-Dembi làm thủ đô, Dionsagi là trung tâm kinh tế còn Bourouwal-Dâra là cái tổ luyện kim của ông.

Ông chọn địa điểm xây dựng cung điện của mình trên đỉnh đồi ở Fello-Dembi và, ngồi bên bờ nhánh sông cụt chảy về phía dưới, phác họa tỉ mỉ dự án: một ngôi nhà Peul tuyệt diệu nhiều phòng hệt như những ngôi nhà ở châu Âu, có mái lợp bằng rơm tốt nhất, chạy xuống sát đất theo từng tầng kế tiếp nhau và được trang điểm bằng những vòng mây và những đường kinh tuyến bằng tre. Đó sẽ là một nơi ở tạm thời, đương nhiên rồi. Sau này, ông sẽ mời những nhà kiến trúc tài ba nhất để họ vẽ cho ông cái gì đó. Một cái gì đó thanh lịch và oai phong, một cái gì đó mang phong thái La-tinh ấy mà! Một cung điện, một cung điện thực sự sẽ gợi lại Palazzo Del Principe của thành phố Gênes hay Palazzo Garbello của thành phố Florence. Đất nước Italia vẫn luôn luôn khiến ông mê ly: "Mọi vĩ nhân đều có nguồn gốc Italia!", chính cuốn Hồi ký của ông đã nhấn mạnh điều này.

 Do ngôi nhà của ông ở Boulam đã trở thành nhà của Alpha Yaya, ông sẽ cho chuyển đá cẩm thạch từ Carrare tới để xây mặt tiền và cầu thang. Mái và tường, ông sẽ cho xây bằng vật liệu ở đây. Xứ sở này hình như đầy ứ những đá đen ardoise và đá granít, và cũng có thể bằng than chì và bằng đá quý nữa.

 

Chính tại đây, ở Fello-Demli này, thủ đô tương lai của ông mà ông sẽ hoàn thiện tấm bản đồ kỳ diệu của Fouta-Djalon và vùng ven, những con sông phía nam, và là nơi ông sẽ phác họa bản vẽ tuyến xe lửa của ông. Sau đó, ông cho Mangoné Niang đến đó ở và lệnh cho anh ta tuyển ba ngàn người khỏe mạnh để góp phần thành lập quân đội mới của ông và khai khẩn rừng hoang để biến chúng thành những đồn điền và thương điếm.

Ông cưỡi ngựa đảo khắp vương quốc và gặp gỡ phần lớn con dân của mình. Ông tổ chức những buổi lễ hoành tráng, được tất cả những nhà thông thái nổi tiếng nhất vùng và những mỹ nhân đẹp nhất đến chiêm ngưỡng: thịt thú săn xếp ở từng khu, sữa và mật ong chảy thành dòng! Fonio và cơm nấu trong những chiếc chảo đồng thau khổng lồ. "Vương quốc Kahel ở đây chỉ là những bước khởi đầu của nó, người ta bàn tán trong các lễ hội và trong các khu chợ. Nhưng trong tất cả các vương quốc của Fouta, đó đã là nơi mà người ta được ăn ngon nhất trong lúc nghe các nhạc công chơi sáo tuyệt nhất."

Hiện tại, ông đã hoàn thành việc phát quang những địa điểm cho cung điện và nhà ga, dựng tường các thương điếm và gieo hạt. Huy hiệu của ông được gắn ngay cửa vào những ngôi làng và ba ngàn lính chiến duyệt binh dưới màu sắc của ông. Ông có thể ra đi mà không phải lo sợ, để lại Kahel cho cánh tay lực lưỡng và chắc chắn của viên phó của mình: tên cướp đường Mangoné Niang.

 

Trên con đường về vùng ven, ông dừng lại ở Timbi-Touni để chào tạm biệt người bạn thân Tierno và cho anh ta xem bản vẽ những con phố, những nhà máy và cung điện của mình. Những vòng tay ôm hôn nồng nhiệt kéo theo một bữa tiệc tối dài linh đình.

- Cám ơn, bạn Tierno thân mến của tôi, cám ơn nhiều lắm! - Olivier de Sanderval thốt lên. - Tôi thấy món fonio cừu của anh ngon tuyệt vời chưa từng có, những lời ca tụng của các nhà thông thái của anh có khiếu nhất, nhưng dẫu sao tôi vẫn không hài lòng.

- Tại sao?

- Tôi có cảm giác anh giấu tôi cái gì đó.

- Những thông tin không được tốt, tôi thú nhận điều này. Gallieni đã cho đổ quân đến.

- Đúng là một gã đần!

- Một đoàn quân do một đại úy tên là Audéou chỉ huy! Không hề có phép của Almâmi! Nước Pháp muốn gì đây?

- Hãy đặt câu hỏi này cho người ở Saint-Louis! Còn tôi, anh biết tôi rồi đấy, anh biết thứ tôi muốn: tình bạn của Fouta... Anh có vẻ như không tin tôi...

- Chẳng dễ dàng gì khi đặt lòng tin vào một người Da Trắng!

- Tôi là một người bạn cơ mà, Tierno!

- Tồi tệ nhất, đó chính là tôi không có quyền nghi ngờ điều ấy. Trước mắt, anh đã chẳng xâm chiếm cái gì, nhưng gã Gallieni này?

- Almâmi đã phản ứng ra sao?

- Người đã cấm bán lương thực cho Plat và Fras, và nếu như đoàn quân không đi khỏi Fouta, thì Lavasseur sẽ bị hành quyết.

- Những gì liên quan đến tôi thì thế nào?

 

- Với chúng tôi, anh là người Peul. Về chuyện này, lời nói mà chúng tôi đã phát ra thì gắn liền mãi mãi ở miệng chúng tôi.

- Nếu đó là một sự xâm lấn thì Gallieni, trước hết, chắc phải đợi cho Plat và Fras về đến Sénégal đã.

Tierno không đáp lại. Trong ngôn ngữ Peul, điều đó muốn nói rằng anh ta không đồng tình. Anh tránh, trong vòng ba ngày Olivier de Sanderval có mặt tại nhà anh, đề cập đến vấn đề nhạy cảm và càng ngày càng nóng bỏng trong các mối quan hệ giữa Fouta và nước Pháp. Thật chẳng phù hợp chút nào khi làm bạn mình mếch lòng, nhất là khi người bạn đó lại đang ở dưới mái nhà mình. Vậy là hai người, một Pháp một Peul đành săm soi dò xét nhau, trao đổi vài câu xã giao lịch sự và vài nụ cười giả tạo. Giờ đây họ đã biết nhau quá rõ: đó là những người bạn, hơn thế, là những người hợp tác với nhau. Nhưng, qua những chiếc mặt nạ của tình bạn và sự đồng lõa, ai nấy đều thỏa mái hình dung những tính toán nhỏ mọn đang diễn ra trong tâm trí người kia; sự lo lắng ngấm ngầm đang giày vò ruột gan người kia. Họ biết rõ rằng, ở người Peul cũng như người Pháp, trong một thương vụ giống như vụ này, sự ngờ vực điều hành những hiệp ước chắc chắn nhất và trái quả của tình bạn luôn che giấu một cái hạt: hạt này, thứ chất độc, của sự gian xảo và lừa dối.

Người này đã cắt đất của cha ông mình cho người kia; người kia hứa sẽ đem lại tiền bạc, máy móc, sự giàu có và sự tiến bộ. Da Trắng khoe khoang bảo vệ đất nước mình, thêm vào sự lớn mạnh của nước Pháp, cùng lúc ông ta lại muốn làm vua châu Phi: một bên, tiếng gọi của nghĩa vụ; mặt khác, bản năng thích quyền lực. Tierno bộc lộ như là một kẻ tôi tớ trung thành của đạo Hồi và Fouta mà không phải không nhạy cảm trước tiếng còi rú của sự giàu có và tham vọng. Peul mẫu mực, con chiên Hồi giáo trung thành, thì đúng rồi, nhưng trong bí mật, anh chỉ muốn một điều: tương đương hoặc vượt trội hơn những tỉnh Labé hay Timbo. Người này cần người kia và người kia lại cảnh giác người này. Đó là những đối tác, những đối tác không phải lúc nào cũng thẳng thắn với nhau, nhưng lại kết nối với nhau bằng cùng một sợi dây chão đang treo lơ lửng tận trên cao của vực thẳm. Bởi điều này, cả hai người đều biết: giai đoạn này bốc mùi không thơm. Sự già nua của Almâmi và, bất thình lình, lại có đoàn quân này của Gallieni! Bầu trời nặng nề toàn điềm báo xấu. Các luồng gió xấu bốc lên từ khắp phía. Những đám mây nặng nề che khuất đường chân trời, những dự định. Những lời tuyên thệ và những lời hứa hùng mạnh nhất trong cơn bão sẽ là gì đây?

Họ giả quên đi điều đó trong lúc săn báo và gà gô. Tierno dạy cho Da Trắng cách bắn cung và đẩy ông chơi cưỡi ngựa, chạy vài đường mặc dù ông chẳng thích thú gì môn cưỡi ngựa này. Để đổi lại, Da Trắng dạy anh ta vài kiến thúc cơ bản về leo núi và bày cho anh khám phá môn cờ vua.

Ngày giã biệt, vua xứ Timbi-Touni, theo sau là các kỵ sĩ của mình, đưa tiễn khách quý của họ đến tận dòng sông Kakrima:

- Hãy nhìn các ao chuôm này đi, những thung lũng, những quả đồi nở hoa đẹp nhã nhặn, anh ta tự hào chỉ cho ông xem. Chúng tôi có một đất nước thật đẹp, đúng thế không hả?... Anh thấy đó, dưới kia kìa, khu rừng phía sau núi đá ấy? Đó là một nguồn nước. Một nguồn nước chỉ mỗi một người biết!

- Điều đó chẳng là gì cả, - Da Trắng đáp lại, mang tính cách Pháp hơn bao giờ hết. - Chỗ chúng tôi, có tồn tại một nguồn suối mà chưa có ai biết đến hết!

 

Sau khi đã, lại một lần nữa, thoát khỏi một cách sát sạt bị xử trảm ở Kountou, vì đã vô tình xéo lên vị thần hoàng làng, một bức tượng khốn khổ được đóng trên cột nhỏ ngay trước cửa làng, ông bị vướng ở đó, mệt lả và bị kiết lỵ gần chết ở Ya-Fraya, nơi ông được một người Pháp tên là Gaillard đón tiếp, ông này lập nghiệp trong cái xó xỉnh heo hút này đã từ rất lâu rồi. Ở đây, ông ta bán muối, vải và nến. Ông ta cũng chăm sóc đất đai và các đàn gia súc và đổi đồng lấy ngà voi và vàng cho các đoàn xe khách du lịch qua đường. Ông ta lấy một người đàn bà bản địa, một người đàn bà đẹp, đã cho ông ta những bảy người con, trong đó có hai cô gái đã lớn, đi chân đất và mặc váy có diềm.

Một tuần dài nằm bẹp giường trước khi có thể gượng dậy được! Phu nhân Gaillard đã chuẩn bị chu đáo cho ông một món cháo vịt nấu lẫn với rau épinard dại để giúp ông lấy lại sức. Gaillard tỏ ra rất nồng hậu và dễ chịu dẫu những cơn ho dữ dội khiến ông ta ngột thở. Ông ta giới thiệu con cái mình với ông và rất tự hào nói về hai đứa con gái, chúng đều biết đọc và biết viết và thậm chí còn biết chơi đàn dương cầm. Nhưng đến giờ ăn tối, Olivier de Sanderval, gọi những thành viên còn lại của gia đình lên, thì đã rất ngạc nhiên khi nghe thấy đáp lại:

- Gì cơ, bọn Da Đen ngồi cùng bàn ăn với chúng ta hả, ông không nghĩ thế chứ, thưa ông Olivier de Sanderval!

"Những người Da Đen đáng thương! -Ông ghi lại ngay lập tức. - Những người Da Trắng phải ghét Phi châu ngay cả khi họ chẳng muốn."

 

"Từ sáu tháng nay, lúc nào tôi cũng đói!" Ông cảnh báo trước trong lúc cầm nĩa lên. Ông ăn nghiến ngấu cháo vịt và nuốt cả một phần pho mát Rebrochon cũng như một cốc kem caramen. Sự tuyệt diệu của rượu vang, hương vị của cà phê, lòng nhân từ của Gaillard, nhạc đuổi của Mozart ló ra giữa sâu thẳm rừng rậm... Ông nhắm mắt lại, xua khỏi tai những tiếng ồn ĩ của ếch nhái và sói vằn, rồi bỗng dưng cảm thấy thực sự như đang ở trong lâu đài Montredon của ông. Từ lâu lắm rồi ông mới lại cảm thấy hạnh phúc!

 

Còn năm ngày đường rừng nữa và, cuối cùng, cũng đến được vùng ven biển! Conakry chỉ có thể gọi là hơi tồn tại, chỉ còn một khoảnh của Boké hay Boubah, của Boulam hay Timbo. Một dải rừng thưa hình cái miệng ngự trên khuôn mặt đầy đặn rừng rậm mà thôi!

Người ta không thể tiến lên một bước mà không cảm thấy mặt mình sượt qua những đôi cánh đen u tối của lũ dơi. Nhựa cây và dãi ốc nhỏ giọt long tong trên đầu bạn, những con sâu trườn hẳn vào bên trong áo sơ mi. Lũ tắc kè hoa nhổ vào mắt bạn, những con vipe và rắn-huýt quấn tròn dưới cổ chân bạn. Những lối đi và sân nhà thối inh mùi cứt linh cẩu và phân chim săn mồi. Người ta không còn nhìn thấy cát trên các bãi biển vì những đàn sứa và rái cá, vì cá chết và những con coòng. Lũ sói và lợn nanh cong rúc dũi cũng nhan nhản như ruồi. Để săn thú, người ta ngồi trong phòng khách và ngắm qua khe cửa chớp để bắn những con nai và báo đi ngang qua.

Đó là một vùng đất nguyên sơ, mà hiện giờ, vẫn chưa thuộc về ai cả, có nghĩa là nó không thuộc về bất kỳ người Da Trắng nào hết! Người Bỉ thèm muốn nó, người Đức đòi nó. Trú chân trên những hòn đảo Loos, người Anh huênh hoang nói họ là ông chủ. Có mặt từ Sénégal đến Zanzibar từ thế kỷ XV, người Bồ Đao Nha cảm thấy chỗ nào cũng là nhà họ. Người Pháp, đã lập một trung tâm điện báo và một đồn quân sự nhỏ, và lính của họ, từ Boké, đến đóng tại đó theo thời kỳ, thì vẫn còn chưa dám nghĩ là nhà họ. Những tàu chiến và tàu đánh cá Pháp thi thoảng đến chạy vòng quanh những hòn đảo và khu rừng sú vẹt để can ngăn những người khác tấn công vị trí của họ.

Người Đức gọi nơi đây là Boulbinet, người Anh gọi là Tombo, còn người Pháp lại gọi là Conakry. Người Anh nói rằng đó là một hòn đảo, người Pháp đáp lại rằng không phải và tất cả các quý ông này đều có lý trong khoảng thời gian chừng sáu tiếng trên mười hai tiếng đồng hồ trong ngày: vào lúc thủy triều dâng cao, Tombo hiện rõ như một hòn đảo nhưng, khi thủy triều xuống thấp, thì nó lại được nhìn thấy chỉ như một cục bướu của bán đảo Kaloum: hai trăm mét đường, là cùng, toàn sỏi lớn chia rẽ chúng.

Và "hòn đảo" này, mà trên đó bắt đầu chớm nở ra thành phố, tính tất cả gồm ba thương điếm và hai xóm nhỏ xíu, do hai bộ tộc chiến binh và thù nghịch trú ngụ: Boulbinet ở phía quay ra biển, nơi ở của bộ tộc dữ dằn Téméné, còn Tombo nằm trong phía quay về bán đảo, là nơi tụ tập những người Bagas gan góc. Boulbinet có thương điếm của người Đức tên Collin, còn ở Tombo là thương điếm Anh! Ở đầu kia của đảo, cách bán đảo một dải đá dăm, có một người Pháp lạ lùng cư ngụ, một kiểu Robinson Crusoé, ông ta bán da động vật và sáp nến cho những con tàu quá giang. Một ông già béo tốt hồng hào mang tên Maillard, người mà, trong mảnh đất hẻo lánh heo hút này, đã biến sự tồn tại của mình thành một hòn đảo san hô xa xôi và khó tiếp cận.

 

Ngôi nhà của ông ta nổi lên giữa một hàng giậu dày, lởm chởm những gai góc và dây thép gai, không cửa rả lẫn cổng ra vào. Người ta chỉ có thể vào được nhà nhờ một cầu thang mà ông ta dựng lên với một thiết bị tài tình. Thoạt đầu phải lên tiếng giới thiệu danh tính: nếu người đó đáng tin tưởng, ông ta xoay cầu thang và mời người đó leo lên, nếu không thì ông ta huơ súng và nhả đạn cho đến tận khi nào kẻ lạ mặt phải
quay gót.

Ông ta có cả thảy năm khẩu súng và tất cả đều mang tên phụ nữ: Carmen dùng cho bọn Da Đen, Esméralda dùng cho người Đức, Arippine cho người Anh, còn Marie-Antoinette dùng để bắn thú dữ.

- Thế còn khẩu này thì sao, hả ông Maillard? - Những kẻ tò mò hỏi ông.

- Khẩu đó hả? Ô, dành cho tôi đấy, sẽ dành cho ngày mà tôi không còn đủ sức để leo lên trên đỉnh cầu thang nữa. Tốt hơn là chết như một con chó còn hơn là bị ốm ở nơi này!

- Nó tên là gì, hả ông Maillard?

- Tôi cũng không rõ lắm: là Dominique vào những ngày mưa và Monique cho những ngày còn lại trong năm.

Ngoài ông ta ra, có tất cả sáu người Da Trắng sống ở Conakry: Collin, con gái ông ta và con rể Jacob, giám đốc trung tâm điện tín và hai kẻ ngộ nghĩnh của thương điếm Anh, những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi ai. Một bên, bảy Da Trắng run rẩy vì sợ, suy sụp bởi rượu Pernod và vàng ệch do sốt rét; bên kia là khoảng chừng ba trăm người Da Đen, hao mòn vì ẩm thấp và các loài ký sinh như chí, rận và say xỉn phần lớn trong ngày! Với hệ thực vật và thú dữ ấy, thì chỉ có loại người đó sống nơi đây: một con tàu Noé chờ đợi một sự hồi sinh giả tưởng, hay những tàn tích cuối cùng của một thế giới đã chìm vào đổ nát đây?

Dù sao đi nữa thì đó cũng là điều tổng kết tổng thể về Conakry khi mà, vào năm 1888, Olivier de Sanderval đã đặt chân đến đó lần đầu tiên.

 Ông gầy guộc và rách rưới quá đỗi đến nỗi những người Da Trắng đã bỏ trốn khi ông tiến lại gần còn bọn Da Đen thì cười nhạo báng, giơ tay chỉ trỏ ông. Khi nhìn thấy ông tiến vào văn phòng mình, người đánh điện tín, ghê tởm, phác một động tác lùi lại:

- Ê, ê, ê!... Ông muốn gì ở tôi, hả ông kia?

- Đưa tin tức của tôi về Pháp! Đó chính là điều mà những người đến văn phòng của ông thường làm, ấy là tôi đoán thế, - con người khốn khổ run lập cập lên tiếng.

- Thế thì hãy cho tôi xem tiền của ông đi!

- Tôi chỉ có chút nhựa thơm và san hô thôi!

- Cái phải trả cho tôi, đó là bạc trắng đẹp và kêu leng keng kia. Những đồng louis, thưa ông, nếu ông hiểu điều tôi muốn nói là gì!

- Và ông không thể thuận cho tôi thời hạn để thanh toán hay sao?

- Ô, không, thưa ông!

- Vì lý do gì vậy?

- Tôi thấy ông có vẻ kỳ cục ghê gớm!

- Thế có còn người Da Trắng nào trú ngụ trong cánh rừng rậm này nữa không vậy?

- Hãy đến nhà tay người Đức Collin ấy! Khi ra khỏi đây thì rẽ trái, ông sẽ nhìn thấy mái thương điếm của ông ta ở giữa khóm cây lớn.

 

- Một người Đức có tên là Collin à?

- Ông ta có gốc gác xứ Normandie. Cha ông ta là lính trong quân đội của Napoléon. Sau lần thất trận ở Nga, ông ấy đã muốn lập nghiệp ở Hambourg để quên đi nỗi nhục. Ở đó, ông ta đã thành hôn với một phụ nữ Tơ-tông(1), vâng thưa ông, và điều ấy đã tạo nên chuyện như ông thấy đấy, tay Collin này. Nhưng với tôi, Collin hay không phải là Collin, thì một gã người Đức vẫn chỉ là một tên Đức bẩn thỉu mà thôi!

Bước đi chậm chạp, hơi thở rít róng, người cúi rạp, ông lần đi về phía hàng cây lớn, hai tay nắm giữ chặt quần mình mà lúc này đã trở nên quá rộng đối với thân thể gầy guộc của ông.

- Ông từ đâu đến vậy, thưa ông? - Người đàn ông kỳ lạ tên gọi Collin hỏi trong lúc sờ soạng trên báng súng.

- Từ Fouta-Djalon!

-Tôi chỉ biết một tay lữ hành, người này đã nói với chúng tôi về vùng đồi núi ấy, một ông De Sanderval nào đó!

- Tôi chính là Olivier de Sanderval đây!

Người đàn ông quay lại phía ngăn kéo và lôi ra một tờ báo Le Figaro đã cũ mèm:

- Olivier de Sanderval đã chết, thưa ông! Ông hãy tự mình xem đi!

Ông nhận ra một bức ảnh cũ chụp trong một buổi dạ tiệc khi ông vẫn còn là thị trưởng thành phố Marennes. Ông phải mất hơn mười phút để đọc hết bài báo mà trong suốt cả một trang, đã miêu tả không thiếu một chi tiết cái chết hùng tráng của ông trước một dãy dài kỵ sĩ Peul.

- Ấy vậy mà tôi vẫn còn sống đây, tôi thề với ông đấy, - ông nói, - hàm răng va vào nhau lập cập. Hãy xem đi, bắt mạch tôi đi này nếu như ông không tin lời tôi!

Người đàn ông ngắm ông cả hơn một phút, mở tủ ra và nói bằng một giọng rung động do ngàn ngạt nước mắt:

- Nếu vậy thì thưa ông, hãy đến và dùng đi!

 

Ông vội vã đánh một bức điện tín trước khi định mệnh cho bài báo nói về cái chết kia của ông là có lý. Rồi sau vài ngày ngơi nghỉ, ông dạo một vòng quanh Conakry. Với vẻ an bình của Adam nắm quyền sở hữu cả trần thế, ông tự cắt thành hai lãnh địa lớn, một từ mũi tây của hòn đảo; còn phần kia bắt đầu từ phía mũi đất nhô dài ra biển(1).

 

 

 


1. Tierno Balêdio: biệt hiệu mà những người Peul đã đặt cho Noirot. Dịch hết nghĩa: Đức ông Da Đen (TG).

1.  Một loại cây có đặc tính gây nôn (ND).

1. Một loại cây mọc ở châu Phi, lá có thớ, dệt vải rất bền (ND).

1. Người Đức (ND).

1. Ngày nay, điểm đầu tiên là trụ sở của Tổng thống nước Dân chủ Guiné, còn điểm thứ hai là viện bảo tàng Conakry (TG).

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85238


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận