Đàn ông chọn khe ngực sâu Truyện 5


Truyện 5
Truyện ngắn: Thời thủy chung đã đi vào cổ tích

Đức Chúa Jesus phán rằng: "Người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với bạn đời mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." (Sách Mát thêu). Thuỷ là sự khởi đầu. Chung là kết thúc. Người thuỷ chung là người sống từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc (dù trong cái nhỏ chỉ là một sự việc) hay cái lớn là một sự nghiệp, hoặc cả cuộc đời sống với nhau.. Trước như thế nào, sau như vậy, không thay lòng đổi dạ. Dù là xã hội phương Đông hay phương Tây thì lòng thủy chung của phụ nữ cũng được đề cao, ngợi ca bởi giá trị phẩm hạnh, và cái đẹp ấy rất đáng được tôn vinh trân trọng.

"Thủy chung và phản bội" là cặp phạm trù đối lập giữa hạnh phúc rạng ngời với nỗi đau buốt giá ê chề, một đề tài hấp dẫn, bàn luận suốt hàng ngàn năm, tốn bao nhiêu giấy mực. Thủy chung là đức tính tốt đẹp mang tính người nhất, nhưng không phải bao giờ cũng được ghi nhận, tôn vinh, đôi khi còn bị nghi ngờ, hiểu lầm và bị vùì dập không thương tiếc bởi những âm mưu đen tối từ chủ nghĩa cá nhân ích kỉ mà nàng Desdemona kiều diễm là một nạn nhân. Trong tấn bi kịch Othello nổi tiếng, đại văn hào William Shakespear đã để tướng quân da đen dùng đôi bàn tay chai sần quen cầm cung kiếm cứng như thép bóp cái cổ đẹp như sứ trắng của người vợ yêu quý đến nghẹt thở. Othello giết chết nàng Desdemona xinh đẹp không chỉ bằng sự ghen tuông nông nổi, bằng nỗi thất vọng rã rời, mà còn hành động như một chiến binh dũng mãnh nhưng mất kiểm soát lý trí trừng trị sự phản bội, lại vô tình giết oan lòng thủy chung cùng với sự trong trắng của nàng. Có lẽ Othello sinh ở cung Bọ Cạp, mang bản chất đàn ông thủy chung sâu sắc và quyết đoán, đam mê. Một khi đã yêu người con gái nào là lửa tình nồng cháy, nhưng cũng rất dễ ghen tuông đến u mê tăm tối, nhìn đâu cũng thấy đàn bà con gái phản bội.

Người phương Tây quan niệm: Con gái sinh nhằm cung Kim Ngưu thì lòng thuỷ chung chỉ được thể hiện qua sự gần gũi, thân thiện về thể xác, gắn liền với sở hữu. Người càng bảo thủ cực đoan bao nhiêu càng thủy chung bấy nhiêu. Một khi đã hứa hẹn, gần gũi vói ai là gắn chặt như keo dính với người đó, dù tình cảm trong mối quan hệ ấy không được như mong muốn. Nhưng, con gái sinh cung Song Tử thì khái niệm "thuỷ chung" luôn trở thành xa xỉ và chưa bao giờ là đức tính lâu bền của họ, sự phản trắc luôn luôn rình rập trong đầu. Giao tiếp, chia sẻ, cảm thông của tâm hồn lãng mạn và sâu sắc mới là cái khóa vàng giữ được lòng thủy chung của đàn bà Song Tử.Truyen8.mobi

Nói đến sự hoài nghi, có lẽ người La Mã chiếm vị trí số một nhân loại. Dù là kẻ dễ thay lòng đổi dạ sớm nắng chiều mưa, dễ bội phản như thiếu phụ Song Tử hay thủy chung lâu bền như gái Kim Ngưu cũng không thoát khỏi cái đai trinh tiết của đàn ông vùng biển Địa Trung Hải. Hoài nghi tất! Khóa tất! Thời La Mã xa xưa có những người thợ đánh đai trinh tiết, cái nghề độc đáo này vẫn còn lưu lại trong văn học và huyền sử. Các chiến binh La Mã trước khi ra trận đều tim đến thợ giỏi thuê đánh một chiếc đai trinh tiết bằng thép, đeo vào sẽ ôm gọn sát để che chỗ sinh đẻ của người phụ nữ. Người ta mô tả: Đai trinh tiết được thiết kế có một ổ khóa, và có hai lỗ thoát nhỏ để bài tiết, xung quanh đai có các đinh ba cạnh sắc, nhọn hoắt dài khoảng 3cm nhằm gây khó khăn, đau đớn cho những con đực dám cả gan xâm phạm vùng cấm. Trước lúc ra sa trường, người chồng choàng đai trinh tiết vào vùng cấm của vợ, khóa lại rồi cầm chìa mang theo mình... Chinh chiến liên miên đằng đẵng bao nhiêu lâu thì người phụ nữ cũng bị chung thân với cái sự chằng néo ấy bấy nhiêu, chỉ khi nào người chồng trở về... mở khóa, thì cái đai trinh tiết mới được tháo bỏ. Chiến binh không về cũng có nghĩa là cái đai trinh tiết cùng xuống mồ vói người phụ nữ, thịt da tan vào lòng đất nhưng cái khung thép vẫn đai lóng xương đùi và xương chậu. Trong xã hội nam quyền đẫm máu và nước mắt này, văn minh chịu bước lùi trước man rợ.Truyen8.mobi

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh vệ quốc của Việt Nam vĩ đại, huy hoàng, thần thánh đã giành được độc lập tự do, nhưng cũng phải chịu những mất mát, hy sinh vô giá. Hàng triệu đàn ông ra trận không trở về, cũng có nghĩa là từng ấy người phụ nữ thừa ra. Tôi đã chứng kiến được nỗi khổ chờ chồng 5 năm, 10 năm của phụ nữ miền Bắc thời chiến tranh, cứ ám ảnh mãi đến tận bây giờ. Ngày ấy họ còn son trẻ, nước da mịn màng, vồng ngực căng mẩy, sức sống thanh xuân mà trĩu nặng nỗi u buồn, còn bây giờ họ đã trở thành những cụ già tóc bạc da mồi, má hóp lưng cong. Trai làng vừa mới lớn đang vỡ giọng đã lên đường nhập ngũ. Cả nước ra trận, làng toàn ông già, bà lão với trẻ con và đàn bà con gái. Những buổi chiều về, các thiếu phụ ngồi ở bến sông giăng hàng ngang giặt quần áo cho mình cho con sau một ngày lam lũ trên đồng ruộng, họ hỏi thăm chuyện chồng con ở mặt trận, họ thở dài. Chiến tranh không ngớt, dài đằng đẵng, thỉnh thoảng có người xuất ngũ về làng nhưng thân mình đầy thương tích, người cụt chân tay, người mất hàm, người sốt rét ác tính bủng beo đi không vững. Chỉ một bóng quân phục xanh màu lá cây thập thõm chống nạng trên bờ đê cao khó nhọc xuống cái dốc đầu làng là cả cánh đồng xôn xao. Các chị các cô nháo nhào bỏ cào cỏ, cuốc, xẻng... chạy hộc tốc, để rồi một người mừng rỡ trào nước mắt nhận ra người chồng thương tật của mình, còn lại bao nhiêu người vừa mừng lây vừa chưng hửng buồn.

Đêm đêm, hàng xóm đỏ đèn, vợ chồng người lính ấy hì hục sau bao ngày mòn mỏi khát khao chờ đợi, và cũng khiến cả làng thao thức. Những thiếu thụ thợ cấy nghĩ đến hàng xóm, trí tưởng tượng được chắp cánh bay xa. Lửa dục tình ngùn ngụt cháy trong lòng, đêm trưòng không chịu được, có người đổ lúa vào... xay, có người ra giếng khơi kéo nước lạnh... tắm. Những đêm tối trời, tiếng xay lúa ù ù lúc gấp gáp lúc trễ nải, triền miên đến sốt ruột. Những đêm về sáng, trăng vằng vặc lai láng tiếng nước xõa tong tõng mà tê tái lòng thương. Đôi khi tôi bắt gặp trên dây phơi nhà hàng xóm có cái quần đàn ông hoặc cái áo Tô châu bộ đội, cứ ngỡ một anh lính nào đó từ mặt trận mới về. Nhưng, tuyệt nhiên không, những thiếu phụ nhớ chồng không chịu được, thảng hoặc đem quần áo của chồng ra giặt cho đỡ thèm đàn ông. Và, đêm đêm nhóm lửa, đem chúng bỏ vào nồi rang lên, lật đi lật lại với niềm tin dân gian làm cho nỗi nhớ bớt giày vò. Bao nhiêu thiếu nữ, thiếu phụ làng tôi đã đi qua chiến tranh bằng những đêm chờ chồng chờ người yêu như thế. Ngày chiến thắng, dù khóe mắt có thêm vài vết nhăn rễ mạ, nước da thiếu phụ bớt căng, vồng ngực hơi lép, nhưng ánh mắt họ lấp lánh kiêu hãnh một tình yêu chung thủy. Ai may mắn thì cặp nào về với cặp ấy, ai bất hạnh thì thừa ra. Tuyệt nhiên, không có một người đàn bà nào phụ tình, bội phản người ra trận và biết bao nhiêu đứa trẻ vẩn cứ được nuôi dưỡng, lớn lên trong những ngôi nhà không có đàn ông.

Chiến tranh ở Việt Nam cũng có nhiều người con gái ra trận, và không thiếu những thiếu phụ nuôi giấu bộ đội miền Bắc bị thương trong nhà. Đêm đêm trốn địch dưới hầm, vài mét vuông chật hẹp, da thịt đụng chạm, lửa dục bốc lên. Chiến tranh triền miên, sự sống và cái chết mong manh, con gái chưa biết mùi đàn ông thì đắn đo giằng xé, lúc muốn tò mò trái cấm lúc giữ mình, thiếu phụ lâu ngày vắng thiếu đàn ông cũng là thử thách khắc nghiệt. Vậy mà, họ vượt qua được hết, lí trí đè bẹp cảm xúc, giữ được mình, trước sau như một với người chồng người yêu. Nhà thơ Simonov đã từng viết: ''Em  ơi  đợi  anh  về/ Đợi  anh  hoài  em  nhé /Mưa  có  rơi  dầm  dề /Ngày  có  dài  lê  thê/ Thì  em  ơi  gắng  đợi". Có thể nói: Đợi chờ và thủy chung là đức hạnh chói sáng của người phụ nữ thời chiến tranh.Truyen8.mobi

Ngày nay, người phụ nữ có thủy chung hơn thời chiến tranh? Lòng thủy chung đã đi vào cổ tích? Kinh tế thị trường, lối sống hiện đại phương Tây ào ạt xâm nhập vào Việt Nam, "công dung ngôn hạnh" cũng không còn là chuẩn mực duy nhất của đạo đức người phụ nữ. Điều kiện kinh tế tự lập khiến người phụ nữ tự do hơn và có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác giới. Nếu như thời chiến tranh, các thanh niên cường tráng nhất làng ra trận thì hình ảnh đẹp và lãng mạn ấy cũng luôn choán chỗ, ngự trị trong trái tim người phụ nữ. Những công dân nam giới tốt nhất ra trận, làng còn lại toàn đám đàn ông không già thì cũng sứt môi lồi rốn, lẻo khẻo, bấy bớt, người đàn bà tử tế thừa lòng kiêu hãnh không bao giờ đánh đu, hạ mình, dù chỉ là run rẩy thân xác với những người thể trạng yếu ớt và khiếm khuyết này. Vả lại, cái làng bé như bàn tay, tình ý đầu mày cuối mắt với "giai", trong khi người nhà mình đang đổ xương đổ máu ở chiến trường thì người con gái ấy sẽ tự giác phải bán xới đi nơi khác, mang tiếng suốt đời. Nên cơ sở của lòng thủy chung còn được bồi đắp từ hoàn cảnh văn hóa.

Ngày nay, xu hướng nữ quyền đang diễn ra khá mạnh. Người phụ nữ độc lập về kinh tế đang nhiều lên. Trước kia, người phụ nữ loanh quanh ở làng, có được mấy gã đàn ông mà gặp gỡ. Bây giờ họ có thể đi năm châu bốn biển, gặp gỡ đàn ông... quốc tế, da trắng, da đen đủ cả, cơ hội giao tiếp cũng nhiều hơn lên. Tất nhiên sự cám dỗ và phản bội cũng tăng dần đều.

Người phụ nữ xưa e ấp, rụt rè, thụ động chuyện phòng the vối chồng trong bóng tối, thậm chí đến lúc người chồng chết mới nhìn rõ hình hài của quý của chồng trong héo rũ, thì ngày nay cái tôi cá nhân của người phụ nữ có điều kiện bộc lộ mạnh mẽ. Lâu ngày không gặp, thay vì chờ khi bóng đêm về thì người phụ nữ "vồ" luôn lấy chồng hoặc người tình và quần áo của hai kẻ đói khát rải từ cổng vào đến tận giường ngủ. Dường như, người phụ nữ hiện đại đã thay đổi trật tự đợi chờ, họ không chờ đợi đàn ông nữa hoặc nếu chờ đợi cũng phải ngang nhau.Truyen8.mobi

Thủy chung không đúng chỗ, đúng nơi, cũng trở thành ích kỉ. Biểu tượng "Hòn vọng phu" cũng được đem ra xem xét lại. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đem tư duy thủy chung thời hiện đại để soi chiếu nàng vọng phu dân gian rằng: " về đi em/Mọi hi vọng qua rồi/ Người ra đi không thể về được nữa/Nhưng con em trên tay em đang đói lả/Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai?"

Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng mà hóa đá, làm con cũng hóa đá. Nàng mắc cái tội: Được tiếng thủy chung, nhưng lại bỏ mặc đứa con ruột thịt của mình. Vậy, nàng không chờ chồng, được tiếng dưỡng con thì lại mắc tội không thủy chung. Soi chiếu ở góc độ nào, nàng cũng mắc tội. Phụ nữ hiện đại khôn ngoan hơn là không bao giờ bị đẩy vào tình huống của nàng Tô Thị.

Thủy chung bao giờ cũng đi cùng lãng mạn. Người có tâm hồn ít trữ tình, mơ mộng, nặng về tò mò, khám phá, thiên về thụ hưỏng để no cái bụng, để sướng thân xác, thì thủy chung bằng zê rô. Bởi vậy, Romeo và Juliet đắm say, lãng mạn, thủy chung mới là tượng đài của tình yêu.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/6343


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận