Đông Dương Hấp Hối Chương 8

 Chương 8
Các diễn biến tiếp theo sau trận Điện Biên Phủ
Dịch giả: Phan Thanh Toàn
Nguồn: NXB CAND



        
    Ngay sau khi tôi nhận thấy chiến dịch Điện Biên đang diễn biến theo chiều hướng xấu, với sự thống nhất của ngài Tổng ủy, tôi thông báo với chính phủ Pháp về tình hình có thể xảy ra nếu tập đoàn cứ điểm bị thất thủ. Và tôi cũng gợi ý cho chính phủ về các biện pháp ở cấp nhà nước cần phải có để đối phó. Một bức điện tín với nội dung rất rõ ràng về vấn đề này được gửi đi ngay vào ngày 16 tháng 3.

Ngay khi trận đánh đang xảy ra, ông Dejean và tôi đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm chung của chúng tôi trong nhiều bức thư, điện tín. Về phần tôi, tôi cũng viết thêm thư riêng gửi cho ông Marc Jacquet, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết, thống chế Juin, và tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng.



Quan điểm tôi không ngừng nhấn mạnh có thể được tóm tắt như sau:

“Nếu Điện Biên Phủ sụp đổ, chiến dịch 1953-1954 sẽ kết thúc bằng một thất bại chiến thuật rất nghiêm trọng, nhưng nó cứu được nước Lào và giúp tránh được những sự xáo trộn quan trọng cho vùng châu thổ và vùng trung tâm Đông Dương. Mặt khác trên tất cả những chiến tuyến khác ngoài Điện Biên Phủ, chúng ta đã đứng vững và không có một cứ điểm nào bị mất. Binh đoàn Tác chiến của Việt Minh bị thiệt hại nghiêm trọng hơn rất nhiều. Về mặt chiến lược, chúng ta sẽ không phải lo sợ về thất bại không khắc phục được.

Nhưng sự thất thủ của cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ là một cú sốc về mặt tâm lý vừa khắc nghiệt, vừa gây ấn tượng rất mạnh. Vấn đề là làm thế nào tránh được một cú sốc có thể gây ra sự sụp đổ về mặt tinh thần của nước Pháp dẫn đến hoặc một sự thất bại về mặt quân sự, hoặc sự chấp nhận với bất cứ giá nào một nền hòa bình mà trên thực tế tình hình không đến nỗi tồi tệ như vậy(Trong một công văn đề ngày 21 tháng 4, báo cáo cho chính phủ, về tình hình ngay trước khi hội nghị Genève nhóm họp, tôi viết: “Vì sự thiệt hại của đối phương quá lớn nên lúc này đã là quá trễ để các sư đoàn của Việt Minh sau khi dự xong chiến dịch Điện Biên Phủ có thể tiến đánh vùng Bắc Lào hoặc quay trở về vùng châu thổ với những khả năng tấn công nguy hiểm. Sự thất thủ Điện Biên Phủ có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng hơn vào thời điểm này chỉ khi nào nước Pháp và Việt Nam để bị buông trôi theo tinh thần mệt mỏi và ý muốn bỏ cuộc”.

Chính vì vậy, việc chủ yếu là nước Pháp và các Quốc gia Liên kết phải xác định mạnh mẽ quyết tâm của họ theo đuổi cuộc chiến và thông báo ngay lập tức dự định của họ về những biện pháp cần thiết. Về mặt chính trị, quyết tâm này phải được thể hiện bằng sự chuẩn bị về mặt tâm lý cho dư luận quần chúng1. Về mặt quân sự, quyết tâm này phải được thực hiện bằng sự giữ vững các vị trí của chúng ta trên toàn lãnh thổ Đông Dương; sau đó là sự chuẩn bị để gửi thêm chi viện - trong trường hợp hội nghị Genève diễn biến chậm.

Tất cả những việc trên không ngăn cản việc tìm kiếm hòa bình thông qua thương thuyết, vì những cuộc thương thuyết đó đã bắt đầu, nhưng điều quan trọng là chúng không được tiến hành trong không khí bại trận.

Cho dù chính phủ đã không làm gì để thực hiện những gợi ý nói trên và cho dù họ đã không trả lời một cách chính thức nhưng qua thái độ của họ, cũng như qua những bức thư có tính cách cá nhân được những nhân vật có trách nhiệm gửi đến cho tôi, tôi có thể cho rằng quan điểm đó đã được chấp thuận trên nguyên tắc2.

Những lời tuyên bố ngày 13 tháng 5 - sau sự thất thủ của cứ điểm Điện Biên Phủ - của thủ tướng trước quốc hội xác nhận điều này: những lời tuyên bố của ông gần như hoàn toàn trích từ những lá thư của tôi trình bày quan điểm này.
_______________________________________
1. Ngay khi cuộc tấn công bắt đầu, ông Dejean và tôi đã yêu cầu phổ biến trên phạm vi đất nước những nội dung sau đây, mà thực tế là hoàn toàn đúng với sự thật:
a. Thất thủ Điện Biên Phủ là một thất bại chứ không phải là một thảm họa. Lực lượng đồn trú tại Điện Biên Phủ chỉ khoảng 5% của toàn bộ lực lượng quân đội của chúng ta tại Đông Dương.
b. Thất bại của trận đánh được bù lại bằng các kết quả đạt được rất quan trọng: đã cứu được nước Lào, giữ được vùng châu thổ và tạo điều kiện cho chúng ta đối đầu với cuộc tiến quân của Việt Minh vào vùng trung tâm Đông Dương.
c. Đối phương thiệt hại hơn chúng ta rất nhiều. Họ phải mất rất nhiều thời gian để bù đắp lại.
d. Trong trường hợp một nền hòa bình trong danh dự không thể đạt được tại Genève, cuộc chiến tranh có thể và phải được tiếp tục. Sự xụp đổ của một pháo đài không thể biện minh cho sự từ bỏ cuộc chiến đấu.
2. Ngày 10 tháng tư, tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng quân đội khi nói về một tư tưởng chủ bại đang bắt đầu được hình thành ở Hà Nội, đã viết cho tôi như sau: Tôi rất quan tâm đến những lo lắng đã dần xuất hiện theo diễn biến tình hình tại Điện Biên Phủ. Tôi vẫn giữ quan điểm cho là chúng ta đã mong đợi trận đánh diễn ra và nếu lực lượng đồn trú tại đấy bị thất thủ, thì đó vẫn là một thành công về mặt quân sự nếu xét theo cách nhìn là Binh đoàn Tác chiến Việt Minh đã phải chịu những thiệt hại quyết định.

***

Diễn tiến của tình hình quân sự trong những tuần lễ tiếp theo sự sụp đổ của Điện Biên Phủ chỉ củng cố thêm quan điểm mà tôi đã phát biểu khi trận đánh diễn ra. truyện được lấy từ website tung hoanh

Ngay sau khi tập đoàn cứ điểm thất thủ, có một sự suy giảm rất lớn sức ép của đối phương. Sự giảm bớt này chứng tỏ sự mệt mỏi của Việt Minh và họ không còn khả năng tận dụng ngay lập tức về mặt chiến lược, một chiến thắng chiến thuật họ vừa có được. Sự kiện này đã tạo điều kiện cho ta tập hợp các lực lượng cho đến lúc bấy giờ ta vẫn chưa làm được, cho phép chúng ta đối phó với một cuộc tấn công vào vùng châu thổ nếu nó xảy ra.

Ở Bắc Lào, địch quân sau khi đưa một vài đơn vị vào vùng Nậm Bạc, đã dừng lại và thu quân trở về vùng Điện Biên Phủ.

Trong vùng châu thổ, họ đã mở một cuộc tấn công vào vùng Phủ Lý và một số đồn bót ở mặt trận phía nam, nhưng trục giao thông Hải Phòng -Hà Nội đã trở lại tương đối yên tĩnh. Ba binh đội cơ động rút từ những chiến tuyến khác đã lần lượt được đặt dưới quyền chỉ huy của tướng tư lệnh vùng Bắc Bộ.

Tại Trung Lào, Việt Minh rút đi một phần các lực lượng của họ trong vùng Vịnh, tạo điều kiện giảm bớt gánh nặng trong vùng để có thể thu hồi được hai binh đội cơ động đưa về tăng cường cho vùng châu thổ.

Trong vùng Nam Lào, các hoạt động của đối phương trên trục đường Sài Gòn - Séno giảm bớt rõ rệt, và cho phép chúng ta giảm các lực lượng chiến đấu. Một binh đội cơ động cũng đã được thu hồi và hỗ trợ cho vùng châu thổ.

Ở Campuchia các tiểu đoàn của Việt Minh xâm nhập vào vùng lãnh thổ phía bắc của nước này đã rút về hậu cứ và một số đơn vị khác rút về Trung Bộ Việt Nam.

Ở vùng Nam Bộ, sự yên tĩnh trở lại và tình hình diễn biến xấu ở một số nơi đã ngưng.

Trong vùng “Atlante” và trên Tây Nguyên, Việt Minh rút bớt các lực lượng chung quanh An Khê, nhưng lại mở các cuộc đột kích nhắm vào các trục giao thông của chúng ta về hướng Ban Mê Thuộc và Tuy Hòa, gây nhiều khó khăn cho ta.

Trong vùng Trung Bộ Việt Nam, địch quân mở một loạt các cuộc tấn công nhỏ vào vị trí của chúng ta trong vùng Đà Nẵng, uy hiếp vùng Đồng Hới. Để đối phó với sự hoạt động trở lại của đối phương, chúng ta đã cho gửi một binh đội cơ động và một số đơn vị khác, rút từ vùng “Atlante”.

Như thế thì chúng ta đã kiểm soát được tình hình chung trên các chiến trường ở Đông Dương. Chúng ta có những khó khăn nghiêm trọng ở một số địa phương, nhưng không có một sự nguy hiểm nghiêm trọng tức thì nào.

Ở những nơi khác, trong vùng Điện Biên Phủ, đối phương tập hợp lại Binh đoàn Tác chiến của họ và chuẩn bị rút về phía châu thổ sông Hồng1. Việc rút về bắt đầu vào ngày 13 tháng 5. Đến khoảng giữa ngày 10 - ngày 20 tháng 6, các sư đoàn 308, 312 và sư đoàn nặng rút về đến vùng Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, các sư đoàn 316 và 304 về vùng Thanh Hóa. Đây là những vùng mà các sư đoàn này thường nghỉ ngơi, tập hợp lại lực lượng.

Một trong những khó khăn chính là ý muốn của Bộ Chỉ huy Việt Minh là không muốn trả cho chúng ta số thương binh người Việt Nam. Chúng tôi bác bỏ chính thức việc phân biệt đối xử với các tù binh, và cuối cùng đã đạt được yêu cầu. Sự thành công của thương lượng nhờ rất nhiều vào sự cố gắng hết mình của đại tá bác sĩ Huard, Khoa trưởng Khoa Y trường Đại học Hà Nội, chỉ huy một nhóm công tác được biệt phái làm việc bên cạnh Bộ Chỉ huy Việt Minh.

Để đổi lại các thương binh nặng, chúng tôi trao trả lại cho Việt Minh các tù binh bị thương hay đau ốm.

Không quân của chúng ta, mặc dù là mệt mỏi, nhưng đã can thiệp một cách quyết liệt để ngăn chặn các cuộc chuyển quân này. Không quân đã thành công trong việc làm chậm bước tiến của Việt Minh, buộc địch quân phải di chuyển vào ban đêm hoặc vào những lúc thời tiết xấu. Và cho dù không quân có được sự trợ giúp của những cơn mưa làm cho đường đi trở nên khó di chuyển hơn, nó vẫn không thành công trong việc cắt đứt một cách có hiệu quả các đường thu quân của đối phương.

Một cuộc tấn công vào vùng châu thổ, về mặt lý thuyết chỉ có thể diễn ra từ ngày 20 tháng 6, nhưng chưa có một dấu hiệu nghiêm trọng nào cho thấy khả năng nó sẽ diễn ra. Một số tương đối nhiều các tin tức mà chúng ta nhận được về sự mệt mỏi của những đơn vị Việt Minh cùng với những ý định của Bộ Chỉ huy họ, đều cho thấy địch quân không có khả năng đẩy chúng ta vào tình thế nguy hiểm ngay lúc này. Vả lại họ không thể xem thường chúng ta: trong một nhật lệnh gửi cho bộ đội của mình, ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Sự sụp đổ của Điện Biến Phủ không cho phép chúng ta được coi thường địch quân”.

Do đó tôi đánh giá tình hình trước mắt và trong một tương lai gần không có gì bi quan.
_______________________________________
1. Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, các cuộc thương thuyết được tiến hành để Việt Minh trả lại cho chúng ta số thương binh nặng. Bộ Chỉ huy Việt Minh đã tìm cách áp đặt điều kiện là ta phải từ bỏ mọi hoạt động không quân nhắm vào những con đường mà bộ đội của họ sử dụng để trở về vùng châu thổ. Chúng ta không thể chấp nhận yêu cầu này, vì nếu làm như vậy, đối phương sẽ có được một ưu thế chiến lược rất lớn. Với sự đồng ý của chính phủ, tôi đã từ chối yêu cầu này. Những cuộc thương lượng cũng không đi đến đâu.

***

Hình như đến thời điểm giữa tháng 5, chính phủ đã đánh giá mọi chuyện một cách bình tĩnh và thấy được hình ảnh thật sự của tình hình. Chúng ta vừa phải chịu đựng một thất bại chiến thuật rất nghiêm trọng, nhưng lại được lợi về mặt chiến lược. Chúng ta không hề bị thua cuộc và tất cả đều tùy thuộc vào sự giữ vững tinh thần của chúng ta.

Nhưng rủi thay, vào nửa cuối tháng 5, cho dù tình hình quân sự không có các chuyển biến bất lợi, nhưng bầu không khí chính trị đã thay đổi hoàn toàn, dưới ảnh hưởng của dư luận báo chí.

Trước đó, ngay khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, báo chí đã diễn một vai trò hết sức tồi tệ mà một trong các vị chỉ huy của tập đoàn cứ điểm đã nhận xét như sau trong bản báo cáo của ông: “Nếu trong những ngày đầu của trận đánh, báo chí đã thông tin cho thế giới biết sự anh dũng của các chiến sĩ, thì ngay từ giữa tháng tư, nó đã bắt đầu làm sụp đổ tinh thần chiến đấu đó bằng những bài báo và chương trình phát thanh hết sức bi quan. Nó đã thông tin cho Bộ Chỉ huy đối phương biết1 về hệ thống bố phòng, về quan điểm của chúng ta đối với trận đánh, các lực lượng, các kế hoạch cũng như hy vọng của chúng ta.

Tình hình, nhất là trong vùng châu thổ được mô tả như là một bi kịch.

Khi đọc các bài báo, nhất là các hàng tít, chúng ta có cảm tưởng như ta đang đứng bên bờ vực thẳm của một thảm họa toàn diện.

Tôi xin trích dẫn ở một vài trong số hàng chục ví dụ:

Ngày 16.5, một tờ báo có số phát hành lớn với một hàng tít lớn đã viết: “Hai tiểu đoàn Việt Minh đã có mặt ngay tại Hà Nội, giả dạng làm những người đánh cá và lái xe tắc xi”. Ngày 25 tháng 5, một tờ khác viết: “Ba phần tư thành phố Hà Nội bị 100.000 quân Việt Minh bao vây. Họ ngăn chặn mọi sự ra vào, trừ ban ngày”. Thế nhưng tình hình hai bài báo trên mô tả là những việc nhiều người đã biết từ nhiều năm nay: “Tình hình an ninh xuống cấp” ở vùng châu thổ, việc không thể đi lại vào đêm tối, sự có mặt tại Hà Nội (cũng như ở bất cứ thành phố nào khác ở Đông Dương) của các đơn vị Việt Minh giả dạng và được tổ chức bí mật. Nhưng tình hình trên đã được các báo trình bày như những sự việc vừa mới xảy ra và là hậu quả của sự thất thủ cứ điểm Điện Biên Phủ.
______________________________________
1. Sự việc này là một thí dụ về sự vô ý thức của các nhà báo phương Tây trong việc làm lộ bí mật quân sự. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ xảy ra thì 35 nhà báo của tám quốc gia khác nhau yêu cầu được hỏi tướng De Castries một số câu, họ đề nghị phải trả lời ngay lập tức đối với công chúng. Một số câu hỏi đó là:
- Các ông có thể chống cự được trước mọi cuộc tấn công tại Điện Biên Phủ của lực lượng Cộng sản không, và trong vòng bao lâu?
- Trong cuộc chiến đấu anh dũng của các ông, ông cần đến những sự chi viện gì nhất từ Pháp, từ Mỹ và phần còn lại của Thế giới Tự do?
- Giai đoạn ác liệt nhất của trận đánh đã qua chưa, hay là các ông đang chờ đợi một thời điểm tồi tệ nhất của trận đánh?
- Phải chăng các lực lượng Cộng sản mạnh hơn nhiều so với những gì các ông mong đợi, và tỷ lệ tương quan đó như thế nào?
- Có bao nhiêu quân Việt Nam (Ngụy quân) trong chiến dịch Điện Biên Phủ và thái độ của họ ra sao?
Việc từ chối trả lời những câu hỏi trên đây đã tạo ra những phản đối dữ dội từ các nhà báo này.

Ngày 23 tháng 5, một tin khẩn cấp được nhiều tờ báo loan tin về “một cuộc tấn công” sắp xảy ra. Tin này được cho là xuất phát từ một lệnh của tướng Giáp gửi cho bộ đội của ông mà chúng ta bắt được. Thậm chí người ta còn cho đăng tải “nguyên văn” của lệnh truyền: “Chúng ta sẽ chiếm đóng Hà Nội ngày 23 tháng 5 vào lúc 22 giờ 30, bất kể những sự thiệt hại và tàn phá như thế nào. Ký tên: GIÁP”. “Thông tin” này không dựa trên một cơ sở nào cả.

Gần như tất cả báo chí, nhất là hai tờ báo buổi chiều, đã mô tả “trận đánh Phủ Lý” như là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công vào vùng châu thổ nhưng trên thực tế đó chỉ là một loạt các trận đánh đơn lẻ, dữ dội và không có một sự liên hệ nào với nhau, cũng không có một ý nghĩa nào về mặt chiến lược.

Trong tờ báo ra ngày 20.5, một bài báo mô tả tinh thần của dân chúng và binh lính bị ảnh hưởng một cách trầm trọng, đang ở trong tình trạng “căng thẳng về mặt tinh thần có thể dẫn đến một sự hoảng loạn”. Thật ra “tình trạng hoảng loạn” này chỉ có ở một vài nhà báo; do đó đã tạo ra sự hoảng loạn cho môi trường tiếp xúc với họ. Một ví dụ “hội chứng” hoảng loạn của các nhà báo là, một trong số đã nổi nóng vì nơi làm việc của báo chí ở Hà Nội đã không được “bảo vệ” 1 và chính từ họ mà “hội chứng hoảng loạn” lây sang nơi họ quan hệ công tác.

Trái lại, sự bình thản trong các tầng lớp dân chúng ở vùng châu thổ thật là ấn tượng. Sự thất thủ của Điện Biên Phủ chỉ có một ảnh hưởng rất nhỏ đối với cư dân ở Bắc Bộ. Với họ, xứ Thái chỉ là một miền đất xa lạ do những người khác chủng tộc sinh sống. Những người Pháp sinh sống ở Bắc Bộ chắc chắn lo lắng lớn hơn, nhưng họ đã không tỏ ra hoảng hốt và những sự ra đi, thậm chí của phụ nữ lẫn trẻ em rất hiếm.

Nhưng không may, cái tồi tệ nhất đã xảy ra, tình trạng hoảng loạn tràn sang Paris và tìm được ở đây một tiếng vang rộng hơn. Những âm vang này còn được một vài giới chính trị thổi phồng để thực hiện mục đích từ lâu của họ là đạt đến hòa bình bằng mọi giá.
_______________________________________
1. Chỉ có các cơ sở quân sự được bảo vệ. Khách sạn, nhà ăn cũng như nơi làm việc của báo chí thì không có bố trí bảo vệ.

***

Được giao nhiệm vụ đến Đông Dương, tướng Ely đến Sài Gòn ngày 18 tháng 5.

Ông xác nhận rằng dù chiến dịch Điện Biên Phủ có một kết cục đau đớn, nhưng tôi vẫn còn được sự thông cảm hoàn toàn của chính phủ Pháp1 và chính phủ vẫn tin tưởng tôi2, mục đích của ông trong chuyến công tác này là giải thích rõ hơn chỉ thị của chính phủ mà ông mang theo.

Trong chỉ thị công tác này (chỉ thị đầu tiên tôi nhận được từ khi nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương), có một số biện pháp đã yêu cầu tôi phải:

1. Nhiệm vụ trước tiên của tôi là phải bảo tồn đội quân viễn chinh.

2. Ổn định tình hình tại vùng Trung Bộ và Nam Đông Dương để trong những điều kiện sẽ diễn ra về sau, thực hiện một sự rút quân về phòng thủ tại vĩ tuyến thứ 18.

3. Trong vùng châu thổ, thực hiện các cuộc rút quân trong “giai đoạn đầu” về “vùng có ích” (Hải Phòng - Hà Nội) và nếu cần thì lui quân lần thứ hai về khu vực cố thủ Hải Phòng. Để thực hiện yêu cầu cuối cùng này, tướng Ely đã nói rõ, theo suy nghĩ của chính phủ là ở bước đầu tiên (bỏ vùng phía nam, phía tây châu thổ), chúng ta thực hiện một sự rút quân nhanh chóng (trong vòng từ 10 đến 15 ngày). Bước thứ hai (bỏ Hà Nội), rút về Hải Phòng, chỉ có thể được thực hiện theo lệnh của chính phủ hoặc trong trường hợp sức ép rất mạnh của đối phương, theo sự chủ động của tôi. Truyện "Đông Dương Hấp Hối " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc ()

Khi đọc bản chỉ thị, tôi tuyên bố với tướng Ely rằng, nếu tôi đồng ý với chính phủ về điểm thứ nhất và thứ hai, thì tôi hoàn toàn không đồng ý về điểm thứ ba.

Tôi nhìn nhận cần thiết từ đây trở đi phải coi nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đội quân Viễn chinh là ưu tiên số một. Tôi chỉ nhận xét là việc quá nhấn mạnh đến những từ “quan trọng hơn bất cứ một sự cân nhắc nào” nếu hiểu một cách máy móc sẽ biện minh cho mọi sự buông trôi.

Tôi cũng thống nhất về những lợi ích của việc rút về phòng thủ ở các vùng Trung Bộ, Nam Bộ Đông Dương, nghĩa là từ phần phía nam vĩ tuyến thứ 18 trở vào; và yêu cầu ổn định tình hình ở những vùng lãnh thổ đó. Hướng chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp với các quan điểm tôi đã bày tỏ rất nhiều lần: nỗi ám ảnh “phải bằng mọi giá phòng thủ vùng châu thổ”, di sản của tướng De Lattre là một ý tưởng đúng vào năm 1950-1951, nhưng đã trở thành một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất vào năm 1952-1953, và là một phần lớn của nguyên nhân gây nên tình trạng gần như bế tắc mà tôi đã thấy ở đây. Cuộc hành quân “Atlante” không có một mục đích nào khác hơn ngoài việc khắc phục hậu quả nói trên.

Do đó, tôi công nhận phải dự kiến rút khỏi một số vùng ở Bắc Bộ (trong phạm vi tạo ra bởi những thiếu thốn của sự chi viện từ Pháp), để có thể rút ra một số lực lượng có thể được di chuyển về phía nam vĩ tuyến thứ 18. Đây cũng chính là những gì mà tôi đề nghị trong một bức thư mới gửi cách đó không lâu.
________________________________________
1. Ngày 9 tháng 5, ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, tướng Ely có viết cho tôi: “Không khi nào các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của chúng ta trao đổi với nhau về lý do tại sao phải hình thành cứ điểm Điện Biên Phủ. Còn về phần tôi, ngài đã biết rồi đấy, tôi đã ra sức bảo vệ ngài một cách hoàn toàn ngay khi ngài có quyết định bảo vệ cứ điểm này. Nếu có bất đồng, thì những bất đồng này xuất phát từ giới báo chí, đầu tiên là ở Hà Nội”. (ông ám chỉ đến một chiến dịch báo chí bắt nguồn từ Hà Nội vừa được nhắc đến ở phần trên).
2. Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, tôi báo cho chính phủ biết, thông qua tướng Ely, là tôi đồng ý ở lại nhiệm sở chỉ khi nào họ còn tín nhiệm tôi.

Mặt khác tôi cũng lưu ý rằng việc rút quân theo đúng chỉ thị của Chính phủ (ngay lập tức rút khỏi những vùng đất phía nam và tây của châu thổ) sẽ tạo ra nhiều hậu quả bi thảm. Đây là một sự tự hạ thấp vị thế về quân sự của chúng ta trong những cuộc thương thuyết tại hội nghị Genève. Chúng ta cũng sẽ để vuột mất một nguồn tuyển mộ chủ lực cho quân đội Viễn chinh và quân đội quốc gia Việt Nam1 đưa đến hậu quả việc phát triển đội quân này sẽ bị ngưng lại. Cuối cùng là một hậu quả về mặt tinh thần có thể làm cho cuộc chiến không thể tiếp tục được. Những nhà thương lượng của chúng ta sẽ mất quyền chủ động.

Tôi cũng nói thêm là, đứng về quan điểm quân sự, việc rút quân không những không cần thiết thực hiện ngay mà còn có thể đẩy chúng ta vào một tình thế nguy hiểm hơn là duy trì ngay tại chỗ các vị trí của ta, vì khi đối phương nhận thấy ta đang chuẩn bị rút quân - điều này khó tránh khỏi - sẽ tung ra ngay một cuộc tổng tiến công vào vùng châu thổ2. Trong hoàn cảnh hiện tại về những thiệt hại của quân lính họ, thì Việt Minh sẽ không mở những cuộc tiến công nếu ta giữ vững các vị trí. Nói tóm lại là, nếu bị tấn công khi đang rút quân thì rất khó chống cự hơn nếu chúng ta quyết tâm phòng thủ ngay tại chỗ.

Tôi kết luận về tình hình và những biện pháp cần thiết sau đây:

Trong thời gian trước mắt, trên nguyên tắc địch quân có khả năng từ ngày 20 tháng 6 trở đi mở một cuộc tấn công vào vùng châu thổ, nhưng đây là một khả năng không thể xảy ra, một phần vì những thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu, phần khác do đây là thời gian gần kề mùa mưa, nên họ không thể tiến hành những cuộc tấn công lớn.

Cuộc tiến công này, nếu xảy ra sẽ được tiến hành dưới dạng các cuộc xâm nhập của một phần những đơn vị lớn của Việt Minh trở về từ mặt trận Điện Biên Phủ. Nó sẽ gây cho chúng ta những khó khăn để đối phó lại, chúng ta phải rút quân từ các nơi khác, nơi tình hình đã trở nên yên tĩnh hơn. Nhưng sự xâm nhập này sẽ không gây cho chúng ta những nguy hiểm nghiêm trọng với điều kiện là chúng ta không nên tạo cho họ có cảm nhận là chúng ta đang chuẩn bị rút quân. Do đó chúng ta, không chỉ có khả năng mà phải cần thiết giữ toàn bộ vùng châu thổ.

Nhưng mặt khác, trong tương lai, vào một ngày nào đó tình hình sẽ trở nên vô cùng đáng lo ngại cho chúng ta.

Thật vậy, nếu hội nghị Genève tan vỡ, vào mùa thu hoặc đầu mùa đông chúng ta lại phải đối phó với một Binh đoàn Tác chiến Việt Minh đã được bổ sung lại, được gia tăng về quân số nhờ vào sự tuyển mộ rộng khắp và chuyển một số đơn vị địa phương thành đơn vị chính quy, nhất là hỏa lực được tăng cường mạnh mẽ với sự chi viện của Trung Quốc. Tối thiểu là Binh đoàn Tác chiến sẽ được tăng thêm 30 tiểu đoàn và chắc chắn sẽ được sự yểm trợ của một lực lượng pháo binh được củng cố, một lực lượng phòng không nhiều về số lượng và hiện đại; có khả năng có cả xe tăng (chúng ta có được những thông tin rất nghiêm túc về sự kiện này). Dù sao đi nữa chúng ta hy vọng - tuy không chắc chắn lắm - rằng ta sẽ không phải đối phó với một lực lượng không quân của Việt Minh, vì nếu Việt Minh sử dụng không quân, vào lúc ban đầu, họ sẽ phải sử dụng các sân bay của Trung Quốc, buộc Trung Quốc sẽ phải can thiệp vào cuộc chiến một cách lộ liễu trong khi Trung Quốc hình như không muốn chơi trò mạo hiểm này.

Ít nhất thì chúng ta sẽ phải đối phó với một loại hình chiến tranh mà đối phương đã mở màn tại Điện Biên Phủ với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Loại hình chiến tranh này sẽ lan ra khắp Đông Dương, hay ít nhất là tại vùng phía bắc vĩ tuyến thứ 18, nơi có một hệ thống đường sá tạo điều kiện cho khả năng tiếp tế với số lượng lớn.
___________________________________
1. Các giáo phận ở vùng phía nam châu thổ là một trong các nguồn cung cấp nhân lực tốt nhất cho chúng ta (đặc biệt là các đơn vị nhảy dù).
2. Trừ khi phải rút chạy toán loạn, bằng không những sự rút lui như vậy phải mang theo tất cả mọi thành phần liên hệ và phương tiện kèm theo (gia đình của các quân nhân và công chức, các tầng lớp dân chúng có quan hệ với ta, trang thiết bị...). Một sự rút quân như vậy không thể nào làm được một cách lặng lẽ.


Do đó, một vấn đề rất cần thiết là vào mùa hè này chúng ta phải có những biện pháp đối phó với loại hình chiến tranh mới này có thể sẽ diễn ra vào mùa thu, nếu cuộc chiến vẫn tiếp tục. Chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ, coi như hội nghị Genève thất bại, vì về phía Việt Minh chắc chắn họ không bao giờ ngưng những sự chuẩn bị về quân sự của họ trong thời gian hội nghị diễn ra.

Vì vậy tôi mong đợi có những sự chi viện quan trọng được gửi đến vào mùa hè1. Nhưng tôi cũng đoán trước được là những sự cung ứng này vượt quá ý muốn nếu không nói là quá khả năng của nước Pháp. Tôi cho rằng sự chi viện cần thiết không chỉ giúp chúng ta đối phó, mà còn có thể gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng2, nhưng không phải là để mà “chiến thắng cuộc chiến này”. Tôi đã đặt vấn đề về một sự can thiệp của Mỹ, và kết luận bằng một nhận định là chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn: hoặc là tìm kiếm hòa bình tại Genève, hoặc chuẩn bị cho sự quốc tế hóa ngay lập tức của cuộc đối đầu, trong trường hợp hội nghị thất bại.

Những đánh giá trên đã khiến tôi kiến nghị thực hiện kế hoạch sau đây vào mùa hè.

1. Giữ vững toàn bộ những vị trí hiện nay của chúng ta. Không lùi bước ở bất cứ nơi nào, để không làm mất vị trí của chúng ta trong bản đồ chiến tranh mà ta sẽ trình bày tại Genève, và cũng để không tạo điều kiện cho đối phương mở những cuộc tấn công. Việc duy trì toàn bộ vị trí của ta không loại trừ bất cứ một sự điều chỉnh nào, nhất là việc rứt bỏ một số lớn đồn bót mà sự hữu ích của chúng rất gây tranh cãi nhưng Bộ Chỉ huy tại Hà Nội vẫn còn cứ cố giữ cho đến lúc này.

2. Chuẩn bị vào đầu mùa thu những sự rút quân cần thiết trong trường hợp hội nghị Genève thất bại, chiến tranh phải tiếp tục và nếu các sự chi viện trong mùa hè không đủ để giữ lại tất cả.
____________________________________
1. Về lục quân, lực lượng chi viện cần thiết được ước tính là khoảng 25 hoặc 30 tiểu đoàn, 2 hoặc 3 đơn vị pháo binh 105 ly và các đơn vị tổng trù bị (pháo hạng nặng, súng phòng không, xe tăng). Thêm vào đó, tất cả các đơn vị tác chiến phải được trang bị hỏa lực phòng không và chống tăng. Cuối cùng khung chỉ huy của các đơn vị phải được đầy đủ vì như tôi đã viết: “Với một quân đội tinh nhuệ mà Việt Minh đã có như hiện nay, chúng ta không thể đánh nhau với họ bằng những đơn vị không đầy đủ và không có đủ khung chỉ huy”. Về không quân, tôi đã yêu cầu chi viện thêm 3 tập đoàn máy bay ném bom, một tập đoàn máy bay vận tải, 3 đại đội trực thăng, máy bay trinh sát và quan sát. Cơ sở hạ tầng phải được tăng cường một cách mạnh mẽ, để đối phó với một cuộc tấn công bằng không quân của đối phương.
2. Ngay trước khi hội nghị Genève được mở ra, ngày 2 tháng 4 tôi đã viết: “Binh đoàn Tác chiến Việt Minh cần một thời gian tương đối lâu để tổ chức lại lực lượng... Rất ít có khả năng là nó có thể trở lại cuộc chiến sau khi được tổ chức lại và hiện đại hóa trước giữa mùa đông. Chúng ta sẽ có cơ hội tung ra một quả đấm rất mạnh vào đối thủ ngay từ mùa thu”. Tôi nhận định lực lượng cần thiết phải là từ 8 đến 10 binh đội cơ động (khoảng 3 sư đoàn).

Để thực hiện kế hoạch này song song với việc thực hiện những chỉ thị của chính phủ mà tôi đã thống nhất (bảo vệ sự an toàn tối đa cho các lực lượng Viễn chinh, dồn sự phòng thủ về phía nam vĩ tuyến thứ 18), tôi đã dự kiến những biện pháp sau đây:

Ở khắp nơi lực lượng Viễn chinh sẽ được tập hợp lại, sẽ được miễn nhiệm vụ phòng thủ khu vực. Từ đây trở đi nhiệm vụ này sẽ được giao lại cho quân đội các Quốc gia Liên kết. Tất cả các đơn vị thuộc binh đoàn Viễn chinh sẽ được cơ động hóa. Chúng sẽ được tổ chức lại một phần gồm những đơn vị bản xứ, phần khác gồm những đơn vị thuần nhất (Bắc Phi, châu Phi, Lê dương). Mục đích của việc tổ chức lại này là để đối phó với những cuộc nổi loạn có thể xảy ra, hoặc là trong những đơn vị Việt Nam, hoặc là trong những đơn vị bản xứ được ghép vào các đơn vị của chúng ta.

Giao cho Bộ Chỉ huy Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn trong những vùng lãnh thổ có lợi ích chiến lược không cơ bản, đặc biệt là những vùng ta dự kiến sẽ rút đi sau này. Biện pháp này, phù hợp với ý muốn mà giới thẩm quyền Việt Nam thường yêu cầu, cũng phù hợp với những khuyến cáo vừa được người Mỹ nhắc lại, có thuận lợi là giao trách nhiệm cho người Việt Nam trong những đợt rút quân về sau, nếu họ không có khả năng tự mình giữ nổi những vùng quan trọng. Biện pháp này cũng tạo điều kiện cho họ chuẩn bị tiến hành chiến tranh du kích, theo ý nguyện của họ chống lại Việt Minh trong những vùng ta có kế hoạch rút đi. Hơn nữa đại tá Nguyễn Văn Vỹ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Nam triều đã gửi cho tôi một công văn có sự thông qua của ngài Bảo Đại nhấn mạnh đến việc thực hiện giải pháp này. Tôi không nghĩ là người Việt có khả năng tổ chức cuộc chiến tranh du kích chống lại Việt Minh. Tuy nhiên nhiệm vụ và lợi ích của chúng ta là tạo điều kiện để họ có những cơ hội - và trách nhiệm của họ trong trường hợp thất bại.

Trên những cơ sở này, việc thực hiện phải được tiến hành như sau:

Ở vùng châu thổ, binh đoàn Viễn chinh sẽ được tập kết lại trong vùng Hải Phòng - Hà Nội, nhiệm vụ chính của họ là phòng thủ vùng này.

Các vùng lãnh thổ phía nam và tây chỉ do các lực lượng Việt Nam đóng giữ, việc chỉ huy được giao dần dần cho Bộ Chỉ huy Việt Nam. Tuy nhiên điều này không loại trừ khả năng là các lực lượng của binh đoàn Viễn chinh sẽ can thiệp hỗ trợ cho các lực lượng Việt Nam, nếu không có gì trở ngại cho nhiệm vụ chính của họ.

Tất cả những vị trí không thiết yếu sẽ được di tản, hoặc được giao lại cho các đơn vị bổ sung, sẵn sàng rút đi khi bị tấn công. Chỉ duy trì những cứ điểm cần thiết cho việc phòng thủ những vị trí đã được gia cố1 và bảo vệ những trọng điểm.

Tại vùng trung tâm Đông Dương, một hàng rào phải được dựng lên dọc theo rào cản núi thiên nhiên tại vĩ tuyến thứ 18 để ngăn chặn Binh đoàn Tác chiến Việt Minh xâm nhập vào vùng Trung và Nam Bộ. Một phần của rào cản này thực tế được hình thành trên lãnh thổ Lào.

Vùng Atlante phải được giao lại cho Bộ Chỉ huy Việt Nam, sự toàn vẹn của những vùng đã chiếm phải được gìn giữ bằng tất cả khả năng có được trong khi chờ sự chi viện, nếu chiến tranh tiếp tục thì phải tái chiếm những vùng đã mất.

Kế hoạch này cho phép chờ đợi mà không làm cho tình hình quân sự bị suy sụp một cách trầm trọng để sẵn sàng cho - hoặc một cuộc ngưng bắn trong trường hợp hội nghị Genève thành công hoặc một sự quốc tế hóa không tránh khỏi của cuộc chiến nếu hội nghị thất bại. Kế hoạch này còn cho phép nền ngoại giao của ta nắm trong tay mọi lá bài để giành lấy một trong hai kết quả kể trên. Mặt khác, nó không ảnh hưởng đến tình hình quân sự sau này, nếu ta tiếp tục cuộc chiến.

Trước khi trở lại Paris ngày 23 tháng 5, tướng Ely với tư cách cá nhân đã thống nhất với tôi về những sự bố trí này. Theo ông việc bố trí này không mâu thuẫn với những chỉ thị của chính phủ ông mang sang. Việc rút quân được chính phủ chỉ đạo chỉ có tính cách bắt buộc đối với những gì liên hệ đến lực lượng viễn chinh. Tôi hoàn toàn tự do trong việc sử dụng các đơn vị Quân đội Liên hiệp.
_________________________________________
1. Phần phía bắc của vòng đai vùng châu thổ, vòng đai Hà Nội và Hải Phòng.

***

Mặt khác tôi đã phát biểu với tướng Ely quan điểm của mình là cho dù tương lai diễn biến như thế nào - có hòa bình hay tiếp tục cuộc chiến tranh - một điều cần thiết là những quyền hành về chính trị và quân sự phải được tập trung trong tay một sĩ quan cấp tướng, người được bổ nhiệm phải được sự tín nhiệm của người Mỹ để có thể đối kháng lại những sự lấn lướt ngày càng nghiêm trọng của phái bộ quân sự Hoa Kỳ.

Tôi đã nói cho ông ta biết sự điều chỉnh về mặt cơ cấu và nhân sự này, theo tôi thì phải diễn ra vào thời điểm những cuộc hành quân lớn chấm dứt, nghĩa là trong vòng tháng 7.

Không nói rõ lập trường của ông về một giải pháp thích hợp cho tương lai, tướng Ely đã cho tôi biết, quan điểm của ông là chống đối tất cả mọi sự thay đổi nhân sự, khi nào tình hình vẫn chưa được ổn định.

Vì thế, cho đến khi ông rời Việt Nam, tôi có thể tin rằng ông sẽ bảo vệ kế hoạch tôi đã trình bày trước chính phủ và khi kế hoạch này được thông qua, tôi sẽ được dành đủ thời gian để thực hiện nó.

Nhưng ngay khi tướng Ely vừa đáp xuống sân bay Orly thì báo chí đã loan báo với tất cả những sự ồn ào một kế hoạch hoàn toàn khác, theo báo chí sẽ được ông ấy đem trình bày với chính phủ. Kế hoạch này gồm việc rút tôi về và rút ngay lập tức một số điểm quan trọng ở Bắc Bộ cùng những nơi khác.

Tất cả những chiến lược gia ở quốc hội, tất cả những “chuyên gia quân sự” của các nhật báo - vì mỗi nhật báo đều có “chuyên gia quân sự” riêng của họ, thường là những người không biết gì hết về vấn đề Đông Dương, và tất nhiên là tất cả những gì đang thật sự xảy ra tại đấy - đều hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết của việc rút quân ấy, điểm duy nhất họ chưa thống nhất với nhau là mức độ của việc rút quân ấy mà thôi.

Tướng Ely đã bị ảnh hưởng của làn sóng hốt hoảng đó chăng? Liệu ông có bị ảnh hưởng của tướng Salan, người cùng đi với ông đến Đông Dương, người ngay từ trước khi đến Đông Dương nắm tình hình tại chỗ đã ủng hộ giải pháp rút quân lớn trên diện rộng? Hay là tướng Ely đã phải lùi bước trước một quyết định mà chính phủ thông qua trong hoàn cảnh chính phủ đang phải đối đầu với một cuộc tranh luận sắp diễn ra tại quốc hội. Cuộc tranh luận này ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính phủ và chính phủ muốn chứng tỏ với quốc hội rằng, họ đã làm “một cái gì đó”? Tôi không bao giờ được biết sự thật1.
_____________________________________
1. Trong cuốn sách “Nhiệm vụ của Pháp tại châu Á”, ông Fréderic Dupont, người thay thế ông Marc Jacquet tại chức Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết, viết rằng tướng Ely khi trở về từ Đông Dương đã làm một “bản tường trình khá bi quan về tình hình quân sự”, cho biết ông “dự kiến nhanh chóng rút khỏi Hà Nội, mà theo ông thì không thể nào chống cự được từ 2 đến 3 tuần”. Ông Fédéric Dupont cho biết thêm tướng Salan còn báo cho ông “một bức tranh ảm đạm hơn rất nhiều so với tướng Ely”. Hình như tướng Ely - do bị ảnh hưởng của tướng Salan - đã mô tả cho chính phủ một tình hình nghiêm trọng hơn thực tế rất nhiều. Cách giải thích này được sự đồng tình của ông Frédéric Dupont. Ông viết thêm như sau: Ông ấy (tướng Ely) khi trở về từ chuyến công tác thứ hai (vào cuối tháng 6) đã cho tôi biết một ý kiến kém bi quan hơn rất nhiều.

Chỉ nhờ vào sự tiết lộ của báo chí mà tôi đã được biết về bản “báo cáo Ely- Salan”. Những gì đã được phổ biến - và theo tôi được biết, đã không bao giờ được đính chính - hoàn toàn khác với những gì tướng Ely trước khi rời khỏi Sài Gòn nói với tôi là sẽ được báo cáo lên chính phủ.

Cho dù những âm vang dội lại từ Paris đã khiến tôi phải suy nghĩ rằng, giữa một bên là giải pháp của sự can đảm và kiên quyết, còn bên kia là giải pháp của sự rút chạy và hoảng loạn, chính phủ đã nghiêng ngày càng nhiều về giải pháp thứ hai, tôi vẫn không thay đổi phương hướng đã vạch ra. Tôi chỉ yêu cầu chính phủ hoặc phải lên tiếng cải chính một cách chính thức về những tin đồn rút tôi về, hoặc là cho rút tôi ngay.

Ngày 25 tháng 5, tôi đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch của tôi trong một cuộc họp tổ chức tại Sài Gòn. Với sự có mặt của ông Tổng ủy, nhà cầm quyền Việt Nam được thông báo về chương trình hành động này. Họ hoàn toàn thống nhất với tôi.

Trong những ngày cuối tháng 5, tôi đã liên lạc với Nha Trang, Huế, Seno và Hà Nội, cùng với tất cả các tư lệnh các vùng lãnh thổ. Tôi có giải thích thêm về những lệnh đã được ban ra.

Qua những cuộc tiếp xúc nói trên, tôi đã có được một cảm nhận về những sự tin tưởng khả năng của chúng ta duy trì tình hình ổn định cho đến cuối mùa hè.

Một điều tệ hại được báo cáo từ khắp nơi là thái độ của quân đội Việt Nam. Quá trình tan rã của nó, khởi đầu từ hội nghị Berlin đã trở nên trầm trọng hơn và gia tăng một cách nhanh chóng sau khi Điện Biên Phủ sụp đổ. Tuy nhiên ý kiến được thống nhất chung từ tất cả các vùng lãnh thổ là tinh thần binh lính tùy thuộc hoàn toàn vào sự giữ vững các vị trí của chúng ta, và tất cả mọi sự rút lui - nhất là nếu chúng xuất phát từ người Pháp - sẽ tạo ra một hậu quả rất thảm khốc. Tướng Cogny đã tỏ ra rất kiên quyết về sự cần thiết không được rút quân vào lúc này.

Ông đã tái xác nhận trước mặt ông Tổng ủy và tôi điều ông đã khẳng định với tướng Ely cách đó vài ngày là không có một hiểm họa nào đối với vùng châu thổ trước tháng 9, và những phương tiện mà ông được chi viện hoặc được hứa chi viện trong thời gian tức thì (sự hỗ trợ của ba binh đội cơ động) sẽ giúp ông đủ sức đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Tướng Beaufort, Tư lệnh vùng Tây Nguyên và khu vực Atlante, cũng chống đối mọi sự rút lui ngay lập tức.

Vào ngày 30 tháng 5, tôi đã tóm tắt suy nghĩ của tôi trong một bức điện tín gửi cho chính phủ, đây là báo cáo cuối cùng của tôi về tình hình. “Những nỗ lực của phe nổi loạn đã giảm hẳn xuống, trừ ở Trung Bộ Việt Nam, nơi địch quân đã triển khai thêm nhiều đơn vị mới. Chúng ta không biết chắc chắn ý đồ của Việt Minh có tiến công vào vùng châu thổ hay không. Một cuộc tấn công như thế này chỉ có thể xảy ra từ khoảng 20 tháng 6, ngày mà Binh đoàn Tác chiến Việt Minh trở về từ Điện Biên Phủ sẽ lại ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nếu trận đánh xảy ra, thì với tương quan lực lượng đang có cùng với những sự tập hợp lực lượng trở lại, chúng ta sẽ đối phó một cách tự tin. Dường như là Bộ Chỉ huy Việt Minh chưa có quyết định nên tấn công hay không, quyết định của họ tùy thuộc rất nhiều vào sự nhận định của họ về sự cương quyết của chúng ta”.

Vào ngày 3 tháng 6, tôi được thông báo về việc thay thế tôi và ngài Dejean bởi tướng Ely, được bổ nhiệm vào hai chức vụ vừa là Tổng ủy và Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương.

Nội dung của bức điện tín chính thức này, do ông Laniel, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký, đã ghi rõ: “Tôi mong ngài thực hiện đúng những biện pháp, phù hợp với các chỉ thị mà tướng Ely mang đến cho ngài”. Câu này đã khẳng định chính phủ lựa chọn giải pháp rút lui.

Tôi rời nhiệm vụ chỉ huy chính thức vào ngày 8 tháng 6, nhưng tôi vẫn không quên nhắc tướng Ely quan điểm của tôi về sự tai hại của một chính sách như vậy. Tôi lên máy bay quay về Pháp ngày 15 tháng 6. Vào thời điểm này không có gì để bác bỏ những nhận định của tôi về tình hình quân sự mà tôi đã báo cáo trong bức điện tín của tôi ngày 30.5. Không có một diễn biến nghiêm trọng nào xuất hiện trong thời gian trước mắt.

***

Cho đến khi tướng Ely lên nắm quyền chỉ huy ở Đông Dương, ông chỉ giữ những vị trí có tính cách ngoại giao hơn là quân sự, và chưa bao giờ chỉ huy một cuộc hành quân quan trọng. Về vấn đề Đông Dương, ông chỉ có hiểu biết qua hai chuyến công tác ngắn vào tháng 2, tháng 5. Hơn nữa sức khỏe không cho phép ông cùng một lúc đảm nhận trách nhiệm rất nặng nề của một Tổng ủy, và trách nhiệm không kém phần quan trọng hơn - vào thời điểm quyết định - của chức vụ Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương. Hơn nữa, ông sẽ lại phải trở về Pháp trong vòng vài ngày để họp với Chính phủ Mendès France, vừa lên thay thế Chính phủ Laniel ngày 17.6. Truyện "Đông Dương Hấp Hối " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc ()

Do đó, đối với các quyết định về quân sự, ông phải dựa vào tướng Salan, người được ông bổ nhiệm làm trợ lý. Thế nhưng, tướng Salan là người ủng hộ việc rút ngay lập tức một số vị trí quan trọng mà tôi đã từ chối thực hiện.

Tôi vừa rời khỏi Đông Dương, người ta cho tiến hành ngay kế hoạch này.

Trên vùng Tây Nguyên, vào cuối tháng 6, chúng ta tự rút khỏi cứ điểm An Khê. Cứ điểm này đóng vai trò “một chiếc gai nhọn” chĩa vào lực lượng của Liên khu V, tương tự như vai trò mà Điện Biên Phủ đã thực hiện trong vòng 5 tháng chống lại một phần lớn Binh đoàn Tác chiến của Việt Minh.

Do không có đủ phương tiện nặng và đạn dược đầy đủ, các lực lượng của Liên khu V đã không có khả năng chiếm An Khê và Bộ Chỉ huy của họ cũng không suy nghĩ đến việc này1.

Việc di tản hoàn toàn được thực hiện theo quyết định cá nhân của tướng Salan và hoàn toàn trái với ý muốn của tướng Beaufort, Tư lệnh vùng Tây Nguyên. Việc di tản kết thúc bằng một thất bại rất nghiêm trọng2. Được hoàn toàn tự do, các lực lượng của Liên khu V tiến về phía nam Tây Nguyên đẩy chúng ta vào một tình thế vô cùng khó khăn và thậm chí uy hiếp thành phố Ban Mê Thuột3, một thành phố từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại.
________________________________________
1. Các tin tức nhận được sau khi đình chiến cho biết: Bộ Chỉ huy Liên khu V vào đầu tháng 5 quyết định không tiến hành bất cứ một cuộc tấn công quan trọng nào vào An Khê vì họ đã phải chịu thiệt hại rất nặng nề và sự đóng góp của họ vào chiến dịch Điện Biên Phủ làm tiêu hao nhiều lực lượng họ có. Họ chỉ tiến hành chiến tranh du kích chống lại các hệ thống giao thông của chúng ta, để phần lớn bộ đội của họ được nghỉ ngơi. Họ không có một kế hoạch nào để tấn công An Khê.
2. Cứ điểm An Khê do binh đội cơ động GM 100 trấn giữ được hình thành chung quanh hạt nhân là tiểu đoàn trở về từ Triều Tiên. Đây là một đơn vị phòng thủ rất chắc chắn. Họ đã bảo vệ tốt An Khê, thậm chí chống lại những lực lượng đông đảo hơn rất nhiều nhưng không có hỏa lực pháo binh yểm trợ, (chính là nhờ vào khả năng phòng thủ rất tốt của họ, mà binh đội cơ động này đã được bố trí ở đây) nhưng mặt khác, đơn vị này không thích hợp với những trận đánh trong rừng già. Sự rút lui qua một lộ trình hết sức khó khăn (Việt Minh đã biết trước vài ngày về sự di tản của họ) và không có một sự hỗ trợ đầy đủ, là một cuộc hành quân hết sức rủi ro, không có nhiều cơ may, để kết thúc một cách tốt đẹp. Và đó là những gì đã xảy ra: binh đội cơ động 100 bị mất Bộ Tham mưu của họ, cùng một đơn vị pháo binh, một đoàn xe tải (gồm 250 chiếc) và một phần lớn quân số (khoảng 1200 người).
3. Sau sự di tản khỏi An Khê của ta. Bộ Chỉ huy Liên khu V (cũng theo các tin tình báo nhận được sau khi có hiệp định Đình chiến) quyết định khai thác tối đa chiến thắng không mong đợi này. Bằng cách đẩy mạnh các lực lượng của họ tiến về phía nam, họ dự kiến tràn đến vùng Ba biên giới (Nam Bộ, Trung Bộ và Campuchia) vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Tình hình nghiêm trọng trên Tây Nguyên, ngay trước khi đình chiến là hậu quả trực tiếp của việc rút ra khỏi An Khê. Nó sẽ không xảy ra nếu không có sự rút lui ấy.

Chỉ vài ngày trước khi hội nghị Genève kết thúc, chúng ta đã tặng cho đối phương một chiến thắng hoàn toàn miễn phí.

Việc rút ra khỏi vùng phía nam của châu thổ Bắc Bộ, một việc đã bị cả tướng Cogny và tôi chống đối, được thực hiện từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7, dưới một cái tên là cuộc hành quân “Auvergne” sau khi tôi rời nhiệm sở. Theo sự kể lại của những người thân cận của tướng Cogny - ông ta đã phản kháng mãnh liệt chống lại lệnh này trong một tuần lễ, cuộc hành quân này sau đó đã được tiếp nối bằng các cuộc hành quân khác cũng loại này, nhưng nhỏ hơn trên khắp các vùng lãnh thổ còn lại trong vùng châu thổ, và được kết thúc bằng sự rút quân toàn bộ của chúng ta về vùng Hải Phòng và Hà Nội.

Tất cả các cuộc hành quân nói trên đều được tiến hành một cách thuận lợi nhưng đã tạo ra sự tan rã của rất nhiều đơn vị Việt Nam và một sự di tản trong những điều kiện khủng khiếp nhất của các nhóm dân cư theo đạo Thiên Chúa từ các xứ đạo trong vùng nam châu thổ. Đối phương không thực hiện một hành động nào quan trọng để ngăn trở các cuộc rút quân và trong các trận đánh cho thấy một sự yếu kém rõ ràng so với các đơn vị của chúng ta1. Các trận đánh duy nhất có thể tạo cho chúng ta những khó khăn là trong vùng Phủ Lý. Còn ở tất cả những nơi khác, địch quân đã tiến theo sau các cuộc rút quân của chúng ta nhưng không giao tranh một cách quyết liệt. Điều này cho thấy họ đã hoàn toàn không sẵn sàng cho một cuộc tấn công có thể gây nguy hiểm cho chúng ta trong vùng châu thổ - nhất là ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ.

Trên tất cả những phần lãnh thổ còn lại của Đông Dương, không có một cuộc hành quân lớn nào được thực hiện và những cuộc hành quân diễn ra (nhất là ở Trung và Nam Lào) đều thuận lợi cho chúng ta.

Trên đây là sự tóm tắt ngắn gọn về những diễn biến quân sự, xảy ra trong khoảng thời gian giữa thời điểm tôi ra đi và ngày ký hiệp định đình chiến.

Để biện minh cho sự rút quân này, một dư luận trong giới chính trị cho là do tinh thần của các sĩ quan chỉ huy của binh đoàn Viễn chinh đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau sự thất thủ của Điện Biên Phủ tất yếu đã dẫn đến sự rút quân kể trên.

Tôi đã phản ứng mạnh mẽ chống lại những luận cứ này. Tinh thần của các sĩ quan Pháp ở Đông Dương chưa bao giờ được phấn khởi (làm sao họ có thể phấn khởi được khi ta chưa nói cho họ rõ tại sao họ lại phải đi đánh nhau!), nhưng nó lại rất vững. Sau sự thất thủ Điện Biên Phủ, không có một cái gì chứng tỏ là có sự suy sụp tinh thần trầm trọng. Đi khắp Đông Dương vào tháng 5, tôi không thấy ở bất cứ nơi nào có những dấu hiệu đáng báo động, không có một phản ứng nào của bất cứ cấp chỉ huy nào với tôi. Tướng Ely, người đã tiếp xúc nhiều trong thời gian của chuyến công tác từ ngày 18 đến 23 tháng 5, cũng không thấy có một cái gì khác. Chính ông đã phát biểu như vậy.

Trên thực tế cũng có những tiếng râm ran tiếp theo những lá thư của một vài sĩ quan, hạ sĩ quan - và tất cả quân đội đều biết rõ người hay gửi bức thư loại này đến các ngài bộ trưởng hoặc nghị sĩ đều không phải là những cá nhân ưu tú trong quân đội.

Chỉ qua một vài lá thư của kẻ chủ bại mà đánh giá toàn bộ sĩ quan, thì thật là một sự xúc phạm đến họ.
_________________________________________
1. Nhiều bản báo cáo cho thấy sự mệt mỏi của những đơn vị Việt Minh, gồm phần lớn những thương binh mới vừa phục hồi và bộ đội mới vừa được tuyển mộ, huấn luyện.

***

Có thể người ta sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi đánh giá những sự kiện diễn ra sau khi tôi rời nhiệm sở.

Tôi tự cảm thấy được làm như vậy vì những sự kiện nói trên là hậu quả trực tiếp của các quyết định mà tôi đã có ý kiến chính thức chống lại, không chỉ trước khi tôi rời cương vị chỉ huy, mà ngay cả sau khi tôi trở về Pháp, trong những cuộc trao đổi không chính thức - chỉ trong cuộc trao đổi không chính thức, vì tôi không được ai mời làm việc một cách chính thức với những vị chỉ huy quân đội và một số ít chính trị gia đã tiếp tôi.

Tôi đã phát biểu quan điểm của tôi với ngài Tổng thống; với thống chế Juin; với tướng Keonig, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; với ông Jacques Chevalier, Tổng trưởng Bộ Chiến tranh và ông Guy La Chambre, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết, để giải thích tại sao người ta không chính thức hỏi ý kiến của tôi, một nhân vật chính trị đã đưa lý lẽ cho thấy quan niệm hết sức lạ lùng của những người nắm quyền trong chính phủ. Lý do như sau: “Việc phải có sự lựa chọn giữa ý kiến của vị chỉ huy mới và cũ là một điều rất là phiền”. Làm trọng tài để phán quyết trong trường hợp này không phải là việc của chính phủ sao?

Nếu như từ ngày 15 tháng 6 năm 1954, tôi không còn được cung cấp các nguồn tin chính thức nữa, thì những “âm vang” đến từ Đông Dương cũng quá đủ đề cho phép tôi có được sự đánh giá tình hình một cách đầy đủ.

Từ những “âm vang” trên, tôi đã loại bỏ tất cả những gì có tính cách thái quá, như một thông tin (đến từ một nguồn được phép hẳn hoi) qua đó cho biết các lực lượng Việt Minh do đã quá mệt mỏi sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nên sẽ “không thể đứng vững” trước một cuộc tiến công rộng lớn Pháp - Việt; hoặc một vài tuyên bố của tướng Cogny khẳng định ông có thể tiếp tục được cuộc chiến ở Bắc Bộ “và đi đến chiến thắng”.

Tôi cũng không nói tới quan điểm của nhiều sĩ quan, mà tôi cho là rất nghiêm túc, về khả năng của chúng ta có thể gây cho Việt Minh một trận thảm bại vào tháng 10, trước khi họ có thể xây dựng lại Binh đoàn Tác chiến của họ.

Tôi chỉ bàn đến những nguồn tin chắc chắn, chỉ liệt kê những tin chính.

Trong một chuyến công tác đến Bắc Bộ vào mùa thu năm 1954, ông Guy la Chambre, Tổng trưởng phụ trách các Quốc gia Liên kết đã chất vấn nhiều vị chỉ huy trưởng các binh đội cơ động và khu vực. Gần như tất cả đều phát biểu quan điểm là chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tiếp tục bảo vệ tất cả vùng châu thổ.

Trong một bản báo cáo về những cuộc hành quân trong vùng châu thổ, từ khi thất thủ Điện Biên Phủ cho đến khi ngưng bắn, tướng Cogny đã xác nhận quân đội ta thường tinh nhuệ hơn lực lượng Việt Minh và ít nhất là có thể giữ được Bắc Bộ cho đến mùa thu.

Nhiều vị tư lệnh các binh đội cơ động và các khu vực ở Bắc Bộ đã viết thư cho tôi và cho biết, từ khi Điện Biên Phủ thất thủ cho đến khi cuộc chiến kết thúc, họ đã nhận thấy có sự đuối sức của các lực lượng Việt Minh ở khắp nơi và gần như các lực lượng này bị đánh bại trong tất cả các trận giao tranh. Truyện "Đông Dương Hấp Hối " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc ()

Chúng ta còn nắm được là từ khi Điện Biên Phủ thất thủ đến khi ký hiệp định Genève, Việt Minh đã rút ra khỏi vùng châu thổ số quân nhiều hơn là số họ đã đưa vào để tạo điều kiện cho quân lính của họ được nghỉ ngơi. Đây là một dấu hiệu cho thấy họ không có ý đồ tấn công.

Mặt khác, qua những tài liệu đáng tin cậy, tôi cũng được biết là “các sư đoàn của Việt Minh đã bị suy yếu rất nhiều sau chiến dịch Điện Biên Phủ, không có khả năng tấn công”, “Bộ Chỉ huy Việt Minh không có kế hoạch khai thác ngay lập tức chiến thắng Điện Biên Phủ”, (lý do là phải có thời gian để Binh đoàn Tác chiến trở lại vị trí chiến đấu và sự mệt mỏi của bộ đội); “một chiến dịch lớn chỉ được dự kiến vào mùa thu năm 1954, trong trường hợp hội nghị Genève thất bại”.

Cuối cùng, thông qua nhiều nguồn tin chắc chắn, tôi được biết những thành viên quan trọng của Bộ Chỉ huy tối cao Việt Minh đã tuyên bố với các sĩ quan của Ủy ban Đình chiến là họ không có dự kiến mở bất cứ một cuộc tiến công nào vào mùa hè năm 1954.

Dựa trên nguồn thông tin trên đây, phù hợp hoàn toàn với những gì tôi đã biết về tình hình và những khả năng của Việt Minh vào thời điểm tôi rời Đông Dương, tôi cho là tôi có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Quan điểm này như sau: Khác với những sự khẳng định của bộ máy tuyên truyền chính thức, binh đoàn Viễn chinh Pháp không hề ở trong tình trạng hiểm nghèo từ sau trận Điện Biên Phủ. Tuyệt đối không có gì bắt buộc phải tiến hành những cuộc rút lui vội vã như ta đã làm. Ngay khi hội nghị Genève đang họp, dù chẳng có lý do chính đáng nào, chúng ta đã bỏ đi phần quan trọng nhất những con ách chủ bài quân sự mà ta đang có trong tay. Lịch sử của chúng ta hiếm khi phải chứng kiến một trường hợp sụt giảm ý chí tới mức đó.    

Các chương khác:

Nguồn: tunghoanh.com/dong-duong-hap-hoi/chuong-8-rqzaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận