Đường Gươm Tuyệt Kỹ Chương 1


Chương 1
Kỳ duyên dưới hang sâu

Trời khuya. Trăng sáng lờ mờ!

 Bên đỉnh cao, một cây tùng già đứng trơ trơ giữa màn sương bạc, thỉnh thoảng lắc theo gió, thở hắt ra tíêng “xì xào” như cố sức phá tan cảnh vắng lặng hãi hùng của rừng sâu.

 Lặng lẽ quá! Âm u quá! Khiến người ta có cảm giác như đây không phải là một nơi của thế giới loài người.

 Thế mà dưới gốc cây cổ thụ, cây thông cằn cỗi kia lại phát ra tiếng khóc. Tiếng khóc não nề của một đứa bé lên năm bị mất mẹ.

 - Mẹ ơi! Sao mẹ lại nhẫn tâm bỏ con sống cô quạnh.

 Tiếng khóc vang ra, loãng dần trong không gian cô tịch.

 Bóng tối chập chùng, và cứ chốc chốc tiếng than khóc lại vang lên để rồi không có một lời đáp lại.

 Đứa bé quần áo trắng nõn, một gương mặt thông minh, dáng hình thon thon, trên đôi mắt động nỗi buồn khôn tả.

 Nhìn vào lối phi thân nhẹ nhàng của nó, đủ biết nó không phải là một đứa nhỏ tầm thường. Mới năm sáu tuổi đầu mà đã có một võ công phi phàm, và một lòng bạo dạn ít ai bì kịp.

 Bên sườn núi xa, xuất hiện một căn nhà lá. Màn sương đêm ôm lấy phủ lên một màu sửa đục.

 Đứa bé thoăn thoắt chạy về phía ấy. Bỗng một tiếng gọi phát ra làm rung chuyển cả một vùng.

 - Hùng nhi!

 Một ông lão, đầu tóc bạc phơ đã đứng trước ngôi nhà tự bao giờ, đôi mắt phát ra một luồng nhãn quang sáng rực.

 Đứa bé lao vào lòng ông lão khóc sướt mướt gọi lớn :

 - Sư phụ! Sư phụ!

 Ông lão cảm động, hai giọt lệ già nua như đặc lại, từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo. Ông ta ôm chầm đứa bé vào lòng, đưa tay vò đầu âu yếm :

 - Con đi lâu quá, sư phụ không an tâm. Tại sao đêm nào con cũng tới “Đoạn Hồn thạch” làm gì?

 “Đoạn Hồn thạch”, ba tiếng ấy đã làm khiếp đảm các giới giang hồ. Đến “Đoạn Hồn thạch”, ai cũng biết ngay là một nơi nguy hiểm, kẻ đến đó ít khi được sống sót.

 Hai mươi năm nay, nơi vùng núi hoang vu kia xảy ra một chuyện lạ. Trong động âm u, thường ngày phát ra một mùi hôi thối không thể tưởng tượng. Ngoài mùi hôi nhức óc kia lại có tiếng ù ù nghe như gió bão.

 Khách giang hồ tò mò đến đó bị nhiễm mùi hôi thối mà chết, nên mới đặt tên là “Đoạn Hồn thạch” có nghĩa là “Động đá chết chóc khủng khiếp”.

 Đừng nói đến gần, cứ xem những bộ xương trắng ngổn ngang, cách “Đoạn Hồn thạch” vài dặm, cũng đã rõ hơi độc ấy giết người nguy hiểm thế nào rồi.

 Nhưng ông già kia là ai? Đứa bé cô đơn ấy là ai, mà lại có ngôi nhà bên đồi vắng cách “Đoạn Hồn thạch” không bao xa như vậy?

 Cách đây hơn bốn mươi năm về trước, trong giới giang hồ có một Không Không đạo sư võ công tuyệt thế, suốt đời hành hiệp chuyên làm việc nghĩa, cứu dân lành, trừ kẻ ác thời đó, ai nghe đến Không Không đạo sư cũng phải cúi đầu mến phục. Tiếng tăm ông chẳng những vang dội ở Trung Nguyên, mà còn làm cho các anh hùng lân bang phải nể sợ.

 Không Không đạo sư thấy mình tuổi già, muốn tìm đồ đệ, để truyền dạy võ công, sau này có thể nối chí ông cứu đời giúp nước.

 Nhưng ông tìm mãi, không có một người vừa ý.

 Bỗng một ngày kia, Không Không đạo sư thả bước vân du đến vùng núi xa xăm bắt gặp một đứa bé bỏ rơi trong đống cỏ.

 Đứa bé sơ sinh còn đỏ hói, nằm trong một bọc giẻ, khóc oa oa.

 Không Không đạo sư động lòng thương cứu lấy, tìm một nơi để nuôi dưỡng.

 Khổ thay, ông ta là một kẻ giang hồ hành hiệp, đâu có nhà cửa, vợ con, biết nơi nào trú ngụ để nuôi đứa bé.

 Sau một ngày bồng đứa bé đi khắp nơi, ông ta mới tìm được một đồi hoang, cách “Đoạn Hồn thạch” một dặm. Nơi đây không có một ai dám bén mảng đến, vì sợ chất độc của “Đoạn Hồn thạch” phun ra.

 Sở dĩ Không Không đạo sư ở nơi đây được, không sợ chết vì chất độc, là vì ông ta bình sinh có luyện được môn thuốc khữ độc rất hữu hiệu.

 Việc đầu tiên mà Không Không đạo sư phải làm là tìm hiểu tông tích của đứa bé.

 Qua một thời gian dọ hỏi, ông ta biết được đứa bé ấy có tên là Lý Thanh Hùng, con của Lý Trị Lương, vốn dòng dõi tuấn kiệt.

 Lý Trị Lương làm nghề tiều phu, sống dưới chân núi. Năm hai mươi lăm tuổi, Lý Trị Lương lấy Lưu Thị làm vợ. Hai vợ chồng tuy sinh sống trong cảnh củi quê gạo cháo, nhưng rất tương đắc.

 Qua hai năm tràn trề hạnh phúc, Lưu Thị có thai, Lý Trị Lương vẫn thường ngày vào rừng đốn củi sinh sống.

 Rừng núi đang thanh bình êm ả, bỗng một hôm có một nhóm giang hồ từ đâu kéo đến, chiếm lấy núi Lữ Lương lập nên doanh trại và từ đấy, trên giang hồ xuất hiện một tổ chức gọi là Phi Long bang.

 Những dân chúng sống ở dưới chân núi đều bị uy hiếp, bắt giam dân chúng ở nơi đó để luyện tập võ công.

 Lý Trị Lương phản đối hành động của Phi Long bang nên bị tên Bang chủ Bắc Tẩn Kiếm Hùynh Nghiêm Hùng giết đi.

 Lưu Thị là người có một nhanh sắc cá lặn chim sa, khi nghe tin chồng bị hại, nàng khóc sướt mướt, cố tìm nơi lánh nạn.

 Rủi thay nàng chỉ là một cô gái chân yếu tay mềm, vừa ra khỏi nhà đã bị bọn môn đồ của Phi Long bang bắt được đem về nạp cho Bang chủ.

 Huỳnh Nghiêm Hùng thấy nàng có chút ít nhan sắc, ép buộc gió trăng, và ngỏ ý lấy nàng làm vợ.

 Lưu Thị thương dòng máu của chồng, sợ tuyệt đường hương khói nên chẳng dám liều mình. Nàng hứa với Huỳnh Nghiêm Hùng sau khi khai hoa nở nhụy sẽ thành thân.

 Huỳnh Nghiêm Hùng không muốn có một đứa con không phải là dòng máu của mình, nên định ý đợi Lưu Thị sanh xong sẽ giết chết đứa hài nhi để khỏi hậu hoạn.

 Nào ngờ, trời còn thương dòng họ Lý, nên trong trại có lão họ Vương, trước kia vốn là bạn tiều phu với chồng nàng, bị Phi Long bang bắt ép vào làm đồ đảng giữ chức ở ngoài Tam đường.

 Vương lão vốn có lòng nhân, nên đợi lúc Lưu Thị đẻ xong, đem đứa bé xuống núi ở miền đồng cỏ, tránh được bàn tay ác độc của Phi Long bang chủ.

 Do đó, Không Không đạo sư mới gặp được hài nhi, và đem về nuôi. Không Không đạo sư một mình phải làm cả hai nhiệm vụ: Từ mẫu và Nghiêm sư.

 Vì ước vọng của ông ta làm sao cho đứa bé sau này trở nên trang tuấn kiệt, vì vậy ông ta cố rèn luyện võ nghệ cho đứa bé.

 Thanh Hùng vừa lên năm tuổi, đã được Không Không đạo sư bắt đầu truyền dạy những cơ bản nhập môn.

 Thanh Hùng là một đứa bé thông minh, hiền hậu, nên học rất giỏi. Vừa lên sáu tuổi võ công của Thanh Hùng đã có căn bản. Nội lực có thể đánh gãy những cây nhỏ cách sáu bước, còn khinh công đã có thể nhảy xa đến ba trượng.

 Đối với một đứa bé lên sáu mà căn bản võ công như vậy, là đã khá lắm rồi.

 Không Không đạo sư rất hài lòng, và hy vọng vào tương lai đứa đồ đệ của ông.

 Chỉ có điều Thanh Hùng cảm thấy tâm hồn buồn bã, mặc dù tình thương của ông trút hết vào đứa đồ đệ duy nhất, và Thanh Hùng cũng đối với ông không thiếu tình thương.

 Người buồn thường tìm đến chỗ thanh vắng, đó là tâm trạng chung của loài người, vì vậy, mới lên sáu tuổi, thường đêm, Thanh Hùng đã một mình lên đến “Đoạn Hồn thạch” để than thân, trách phận, gọi mẹ nhớ cha.

 Không Không đạo sư tỏ ý ngăn cấm nhưng Thanh Hùng lại có tánh hiếu kỳ, và vào một đêm Thanh Hùng đã gặp một quái tượng trong cửa hang “Đoạn Hồn thạch”.

 Đêm đó trời đã về khuya, cũng như thường lệ, Thanh Hùng lẻn đến góc tùng thì đột nhiên nơi hốc đá phát ra một tiếng kêu.

 Tiếng kêu nghe lành lạnh! Đồng thời tiếng ồ ồ phát ra một cách mãnh liệt hơn mọi bữa, làm cho hắn muốn điếc tai nhức óc.

 Hắn lần đến, nhìn vào một cái lỗ sâu ăn thông vào thạch động.

 Vừa ghé mắt dòm vào, thì một luồng hắc khí xông ra, tanh không thể tả, khiến cho hắn ngây ngất cả người, chân lảo đảo muốn qụy xuống.

 Biết là hơi độc, Thanh Hùng liền thò tay vào túi lấy hai viên thuốc giải của Không Không đạo sư đưa cho hắn cất giữ để hộ thân.

 Thuốc này là một linh dược quý báu lạ thường, mà Không Không đạo sư đã gia công hơn hai mươi năm trời, mới chế ra được.

 Hắn uống thuốc vào đã thấy trong người bình tĩnh sáng suốt như thường.

 Cách chỗ hắn ba trượng có một cửa hang ăn thông vào trong. Hắn vội thu hết can đảm lần đến.

 Vừa bước vào miệng hang, bên trong phát ra hai tiếng rú rợn người, tiếp theo là mấy tiếng “Khịt khịt”, “bùng bùng”. Cả những tảng đá lớn nơi miệng hang đều rung rinh lên như sắp có động đất.

 Thanh Hùng thất kinh, dừng chân lại!

 Thật là nguy hiểm! Thân hình bé nhỏ của Thanh Tùng với những tảng đá khổng lồ trên miệng hang sâu, nếu sập xuống thì xương thịt hắn nát ngầu còn gì.

 Thế mà hắn cứ vẫn nghiêng nghiêng cái đầu bước tới, đôi mắt chầm chầm bên trong như bị một sức thôi miên nào vây?

 À! Té ra hắn vừa thoáng thấy trong hang sâu có hai con quái vật đang đánh nhau.

 Quên cả nguy hiểm, hắn để bàn tay trước ngực thủ thế, rồi cứ lần bước tiến vào.

 Độ ba trượng, thì hang sâu đã thăm thẳm, mùi tanh hôi phát ra không còn chịu được nữa.

 Thanh Hùng liền vận hết nội lực, đề khí, rồi cứ từng bước một lần đến.

 Đường hầm đi quá một trăm trượng thì đến một quãng rộng, bốn bề đá xây như một cái thạch động.

 Ở đây, hai con quái thú đanh hăng say đánh nhau!

 Nhìn thấy hai con quái thú, Thanh Hùng mình mấy toát đẫm mồ hôi. Hai con quái thú ấy, một con hả miệng đỏ như chậu máu, mình có bốn chân, lông lởm chởm giống như một con heo rừng, nhưng lớn hơn heo rừng gấp mười lần. Còn con kia là một loại trăn xanh, dài ước mười trượng, thân hình lớn như một cây tùng.

 Bây giờ Thanh Hùng mới rõ, mùi tanh hôi phát ra là do ở miệng con quái thú giống heo rừng. Còn tiếng vo vo, vun vút chính là cử động của con trăn xanh tạo thành hơi gió.

 Thanh Hùng đến gần, hai quái thú vẫn hăng say đánh nhau không hề hay biết có Thanh Hùng ở đây. Thanh Hùng để ý quan sát thấy mỗi lần trăn xanh uốn mình phóng tới thì quái vật giống heo rừng hà trong miệng ra một luồng hơi mù mịt như khói, đồng thời dùng hai chân trước đẩy lui địch thủ. Ngược lại, mỗi lần trăn xanh chuyển mình là một làn gió mạnh như chưởng phong tạt tới vun vút.

 Lối đánh của hai quái thú thật kỳ dị và dũng mãnh, chẳng khác hai tay cao thủ võ lâm trên đời.

 Nhiều lúc, hắn thấy con quái thú này tấn công con quái thú kia, hắn bậm môi, cong tay khuỳnh chân, hình như chính hắn là một đối thủ đương dự cuộc vậy.

 Ban đầu, Thanh Hùng còn đứng xa, sau hắn mỗi lúc mỗi xích lại gần đấu trường, mà hắn vẫn không hay biết.

 Đột nhiên, một tiếng gió vút, quạt vào trước mặt Thanh Hùng. Hắn vội giơ tay ra đỡ. Nhưng sức hắn nhỏ xíu thế kia, làm sao ngăn được sức gió lộng của quái thú.

 Sức gió vừa đánh bạt qua, thì cả thân hình Thanh Hùng đã bay bổng lên trời, lao đầu vào một hỏm đá đầy rong rêu.

 Thanh Hùng thất kinh la lớn :

 - Ối chết!

 Thật vậy, hắn đã bị con trăn xanh quật đuôi trúng hắn, và tung hắn quật vào hỏm đá thì còn sống sao được nữa.

 Giữa lúc hắn sợ quá, nhắm mắt chờ chết thì một làn kình lực thốc tới, chận đứng luồng gió của trăn xanh, làm cho Thanh Hùng không còn thấy mình bị lao đầu vào hỏm đá nữa!

 May thay! Thanh Hùng dùng thuật khinh công nhẹ nhàng đáp xuống như một chiếc lá rơi, và quay nhìn lại, thấy hai con quái thú vẫn tiếp tục đấu nhau kịch liệt.

 Thanh Hùng lầm bầm :

 - Ôi chao! Ta khỏi chết là nhờ con quái thú giống heo rừng!

 Thật ra, quái thú này không phải cố tâm cứu Thanh Hùng, trong lúc giao đấu, hắn thấy trăn xanh quật đuôi vào Thanh Hùng, nên thừa chỗ sơ hở tấn công đối phương, đánh ra một đòn kịch liệt. Quái thú trăn xanh phải thu mình thủ thế, nhờ đó Thanh Hùng thoát khỏi một đòn của trăn xanh.

 Tuy thoát chết, nhưng Thanh Hùng bị lao vào phía trong của một hang sâu tối om.

 Bên ngoài hai con quái thú đang đánh nhau kịch liệt như vậy, Thanh Hùng còn mong gì thoát ra được.

 Thanh Hùng đưa mắt nhìn mọi nơi và lần bước vào một hóc đá để núp đỡ, tránh những nguy hại có thể xảy ra.

 Thanh Hùng lần đi được một đoạn thì bỗng trong hóc đá có một mùi thơm bốc ra ngào ngạt! Mùi thơm khoan khoái lạ thường, đánh tan mùi tanh hôi của hai con quái thú kia.

 Thấy tâm hồn thư thái, Thanh Hùng cứ lần mãi vào trong. Bên trong là một hang đá lớn, không có gì cả, chỉ thấy càng vào sâu thì mùi thơm cành nhiều.

 Đi một lúc, Thanh Hùng bắt gặp một cành cây nhỏ, từ trong kẹt đá nhô ra. Cành cây có hai nhánh, mỗi một nhánh có một quả.

 Thanh Hùng vội dừng lại, để mũi vào ngửi thì thấy đúng là mùi thơm trong hang do hai quả này tiết ra.

 Tuy hang sâu, nhưng bên trên có ánh trăng lờ mờ chiếu vào, Thanh Hùng nhận ra thứ quả ấy màu vàng và chỉ lớn bằng ngón tay.

 Thanh Hùng thầm bảo :

 - Quả cây có mùi thơm, chắc là ăn rất ngon.

 Thanh Hùng liền đưa tay ra bứt hai quả bỏ vào miệng.

 Đúng như lời hắn đã đoán, quả cây có một mùi vị thiệt là ngon, vừa nuốt vào bụng. Thanh Hùng cảm thấy mát lạnh cả người. Hắn mò tay tìm nữa để hái ăn, nhưng cây đó chỉ có hai quả, làm cho hắn thấy tiếc, hắn trố mắt nhìn mãi.

 Hắn chép miệng, lảo đảo bước ra ngoài hắn chợt thấy trong người bốc lên một luồng hơi nóng từ đơn điền chạy lên mặt.

 Hơi nóng có vẻ dồn dập khó chịu, làm cho Thanh Hùng thất kinh bụng bảo dạ.

 - Chết chết! Ta đã ăn phải trái độc rồi!

 Hắn nhớ lại lời sư phụ hắn dạy, rủi khi nhiễm độc phải ngồi yên, vận hơi cho thông các mạch để đuổi chất độc ra ngoài.

 Hắn liền ngồi xếp bằng xuống mặt đất, khoanh chân lại, dùng yếu quyết nội công để vận công hành quyết.

 Tuy nhiên, hơi nóng mỗi lúc một tăng. Hắn cảm thấy như một luồng hỏa khí chạy khắp cả các kinh mạch trong người, cuối cùng bốc lên, mặt nóng như lửa.

 Thanh Hùng hốt hoảng thầm trách :

 - “Bởi ta không nghe lời sư phụ nên mới mang họa vào thân”.

 Hắn muốn ôm mặt chạy về, quỳ trước mặt sư phụ ăn năn chịu tội, nhưng làm cách nào ra khỏi hang được?

 Đàng trước cửa hang, hai con quái thú vẫn đang đấu nhau đến độ quyết liệt tiếng gió ào ào tiếng thở hồng hộc, cả hang đá rung lên như muốn sập đổ?

 Thanh Hùng đành ôm mặt nóng ngồi ở đó, không còn biết cách nào hơn.

 Bỗng có tiếng dãy đành đạch! Rồi tiếng gió ào ào trong hang dần dần dịu đi.

 Thanh Hùng hé mắt nhìn ra thấy con trăn xanh đã bị con quái thú giống heo rừng đánh chết, nằm liệt dưới đất, miệng trào máu tươi lai láng, và mùi tanh không tả. Con vật đó chỉ còn dãy dụa được vài cái rồi tắt thở.

 Còn con quái thú giống heo rừng tuy thắng, nhưng đã bị mệt nhừ, nằm mẹp dưới đất, thở hồng hộc, đôi mắt đỏ ngầu, miệng hả ra đỏ loét.

 Thanh Hùng mừng quá! Cơ hội này không thoát thân còn đợi chừng nào? Hắn tung chân nhảy ra ngoài.

 Nhưng lạ làm sao! Hắn vừa nhảy một cái đã ra đến miệng hang, làm cho hắn kinh dị, nghĩ thầm :

 - Bình thường mình nhảy một cái chỉ xa được có ba trượng, sao mà hôm nay lại nhảy xa gấp mấy lần như vậy?

 Hăn ngạc nhiên là phải, vì hắn có biết đâu hắn vừa ăn phải hai quả Huỳnh Tiên Lộ kia.

 Huỳnh Tiên Lộ là một giống cây rất quí, mọc trong hang tối âm u. Bởi nó không chịu nổi khí dương, nên đến năm trăm năm mới có một lần ra trái. Đó là một điều may mắn, mà sau này hắn nhờ đó trở nên một đệ nhất giang hồ, lừng danh thiên hạ.

 Vừa nhảy đến miệng hang, Thanh Hùng bỗng quay đầu nhìn lại, vì hắn thấy trong hang tối bỗng nhiên sáng quắc.

 Một luồng điện quang nhấp nháy, tỏa ra đủ màu sắc.

 Thanh Hùng tò mò, lại tung mình nhảy trở vào, thì thấy nơi chỗ hỏm bên trong có một bộ xương người mà lúc nãy hắn đã vô ý dẫm phải.

 Chính bộ xương này đã phát ra luồng ánh sáng ấy.

 Thanh Hùng sợ độc khí, không dám lại gần, nhưng sau khi xem xét, hắn thấy không phải là độc khí, mà hình như có một vật gì bằng châu ngọc ẩn trong bộ xương khô ấy.

 Hắn tò mò, bước lại dùng chân banh đống xương khô ra thì bỗng nhiên bắt gặp một lưỡi kiếm.

 Lưỡi kiếm dài hai thước, trên cán có khắc một con rồng, đẹp đẽ vô cùng. Một bên đó lại có chiếc bao kiếm cũng đẹp đẽ không kém.

 Tuy còn nhỏ tuổi, song nhìn thấy vật quý, Thanh Hùng cũng nhận ngay được là một bảo vật của dị nhân lưu lại từ đời trước.

 Hắn thầm bảo :

 - Bửu kiếm đẹp quá! Sư phụ ta tuy võ nghệ cao cường, nhưng chỉ có cây kiếm bằng gỗ mà thôi! Vậy ta đem vật này về cho sư phụ chắc sư phụ mừng lắm.

 Hắn cẩn thận nâng thanh kiếm lên, nhặt chiếc bao đút vào.

 Bỗng thấy trên bao kiếm có cột vào miếng da thú, cuốn tròn lại như ngón tay cái.

 Thanh Hùng vội mở ra xem thì thấy trên miếng da có khắc rất nhiều chữ.

 Nhờ ánh sánh của thanh kiếm, Thanh Hùng mới đọc được những dòng chữ khắc trên miếng da :

 Gươm này gọi là “Hàn Tinh kiếm” của một đạo sư đời nhà Lê chế ra, sau này truyền tới tay ta. Thanh gươm này đã giết biết bao nhiêu là giặc, lừng danh trên mấy trăm năm, do đó khách giang hồ ai cũng muốn đoạt thanh gươm này.

 Kẻ nào vào được thạch động của ta tức là đã có duyên với môn phái của ta.

 Lúc sống ta đã không tìm được một đệ tử, đến lúc ta chết ta đành cho kẻ có duyên.

 Vậy hãy cúi đầu trước bàn thạch lạy ta chín lạy, rồi bước sang bên trái bảy bước, ở đó có một hốc đá, trong hốc đá có cuốn kinh thư ta đã suốt đời nghiên cứu công phu thượng thừa.

 Kinh thư chia ra làm ba phần: phần thứ nhất dạy về lôi điện khí công, phần thứ hai, Lôi Điện kiếm thuật, phần thứ ba, chưởng lực. Nếu cố gắng luyện hết ba môn này cho thấu triệt thì mai sau sẽ đạt được mức võ công thượng thừa trong giới giang hồ.

 Con thú ngoài hang là một loại tê giác dùng để trị bách thú. Nó tánh độc nhưng rất trung thành với chủ. Ta nuôi nó dùng để giữ gươm báu và kinh thư. Nếu đã lấy gươm và sách thì cũng phải giữ gìn nó.

 Tống Phong đạo nhân.

 Lý Thanh Hùng xem xong mừng rỡ vô cùng. Hắn liền cúi đầu vái lạy bộ xương khô chín lạy rất cung kính và van vái :

 - Kính tiền bối! Đệ tử Lý Thanh Hùng, duyên may gặp được tiền bối, lưu truyền báu vật, đệ tử nguyện tuân theo lời dạy bảo của tiền bối.

 Dứt lời Thanh Hùng liền đứng dạy, bước bảy bước qua bên trái, quả nhiên hắn thấy một hộp đá, bên trong có để quyển sách bìa màu xanh da trời. Bên trong đề bốn chữ lớn “Mật tập kinh thư”, phía dưới ký tên “Tống Phong đạo nhân”.

 Lý Thanh Hùng lòng mừng khấp khởi, một tay ôm tập kinh thư, một tay xách Hàn Tinh kiếm nghiêng mình bái tạ lần chót rồi rón rén bước ra.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/16182


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận