Thời gian dạy cho chúng ta hiểu rằng bất cứ con đường nào cho những kẻ yêu nhau trốn chạy cũng là một vòng tròn - điểm kết thúc cũng là lúc khởi đầu. Thế nên nếu Trái đất tròn như người ta vẫn nói, thì dù hai hướng ngược chiều nhau, sau một vòng quay, những người dưng ngược lối rồi cũng sẽ gặp lại.
Di hôn tôi.
Một nụ hôn vội giữa quán pub lúc 11 giờ khuya đang hỗn độn hơi người và xập xình tiếng nhạc như bít bùng mọi giác quan.
Một nụ hôn của cô nàng cá tính chủ động đặt lên môi chàng trai đã ngồi cùng trò chuyện say sưa từ khi phố lên đèn đến lúc đường sá vắng hoe.
Một nụ hôn như thế, thiết nghĩ chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên.
Nhưng nếu đây là lần đầu tiên cả hai gặp nhau thì đúng thật hơi phiền.
Vì bạn biết đấy, tơ tình và tơ nhện, thật ra đều mỏng manh như nhau, nhưng một thứ có thể khiến bạn nhận ra mình đang yêu còn thứ kia chỉ làm bạn thêm rối rắm lung lạc. Có điều là phải vương vào mới biết…
Thế nên, tôi chẳng biết mình đã vương vào đâu từ sau nụ hôn vội đến ngọt lịm kia. Ngọt cũng phải thôi, Di vừa uống cạn ly cocktail Sangria mà.
“Vậy rốt cục Ai Cập thuộc châu Á hây châu Âu?”, Di cười lém lỉnh khi rời môi tôi và tiếp tục đánh đố, kéo tôi trở về thực tại với quán xá ầm ĩ và câu hỏi khiến mình lơ ngơ.
Tôi bật cười vì lỗ hổng kiến thức địa lý quá lớn của mình. Mà thật ra, ngay sáng hôm sau khi tỉnh rượu và xác tín lại với mô hình địa cầu, tôi mới vỡ lẽ Ai Cập phần lớn thuộc châu Phi. Trời ạ, lỗi kiến thức quá sức sơ đẳng. Có điều không thể trách tôi được, ai mà chẳng lơ mơ quên đi các khái niệm châu lục xa xôi khi đang ngồi cạnh rất gần một người con gái như Di.
✽
“Gọi cho Di thử xem, photographer nữ hiếm hoi, chưa kể xinh gái nhất Sài Gòn”, thằng bạn đưa tôi danh thiếp kèm lời giới thiệu có vẻ dư thừa.
“Tao đâu có tuyển người mẫu mà cần xinh. Khéo vẽ chuyện!”. Tôi cằn nhằn, xong cũng cất kỹ tấm danh thiếp trắng được in dập nổi chữ Thiên Di bằng thứ mực xanh ánh bạc cầu kỳ, thầm nghĩ “nghe tên là biết không thể đứng yên”.
Công ty tôi vừa nhận thực hiện dự án quảng bá thương hiệu cho một showroom nội thất. Có điều, mọi nhiếp ảnh gia tôi liên hệ đều chỉ nhận được cái lắc đầu, bởi showroom này dành cho trẻ em với thiết kế y hệt truyện cổ nên các tay nhiếp ảnh quen chụp mấy cô người mẫu nóng bỏng cũng đành bó tay. Di là cứu cánh duy nhất khiến tôi yên tâm, bởi lối suy nghĩ cố hữu rằng phụ nữ chắc hiểu ý bọn trẻ và dễ chiếm tình cảm của chúng hơn.
Ơn trời, Di rất thích con nít và chỉ vừa xuất hiện đã có cách khiến tụi nhỏ xúm xít vây quanh. Buổi chụp hình dự kiến mất cả buổi chiều rốt cục chỉ kéo dài chưa đến một giờ đồng hồ. Thấy còn sớm, Di nhận lời mời đi uống vài ly để tôi được dịp cảm ơn.
Lời cảm ơn chẳng biết lân la đến đâu mà chúng tôi ngồi cạnh nhau đến giữa khuya vẫn chưa ngớt chuyện. Di mê du lịch, còn tôi lại thích gặp gỡ nhiều người và tiếp xúc nhiều nền văn hóa mới, thế nên cuộc trò chuyện thành ra một buổi khám phá passport lẫn nhau. Di trầm trồ về những ngày tôi lánh đời sang Myanmar và sống nhờ cửa Phật để tìm thanh tịnh, còn tôi ngưỡng mộ thân gái dặm trường một mình leo đỉnh Himalaya bất chấp núi tuyết điệp trùng.
Chúng tôi nói về các vùng đất mình chưa từng qua, về nỗi say mê kỳ lạ dành cho những nơi chốn chỉ thấy trên bản đồ và biết qua Google. Di rất muốn một lần đắm mình giữa hoàng hôn ở Giza – nơi các Pharaoh chọn xây chốn yên nghỉ vĩnh hằng phải thuộc về phía Tây sông Nile để linh hồn tiếp tục chu trình bất diệt cùng vầng thái dương. Còn tôi, lẳng lặng nhìn đôi mắt ánh lên niềm vui của Di và thấy lòng mình xôn xao ánh lên thứ bình minh của một cảm tình chưa rõ dạng.
“Vậy hẹn gặp em ở Giza, hứa nhé!”, tôi vừa nói vừa để tay lên ngực trái ra vẻ như tuyên thệ.
Và đó là lúc Di áp lên môi tôi nụ hôn, như một lời hẹn ước!
Dĩ nhiên, chúng tôi thừa hiểu lời hứa ấy vốn dĩ đã được men rượu vẽ vời thêm thắt. Đang chếnh choáng say, ai dám chắc những gì nói ra còn ai nhắc lại và có được lâu dài? Và nụ hôn kia chưa chắc đã xuất phát thật lòng, bởi mấy ai yêu nhau chỉ với tiếng sét ái tình của lần đầu tiên. Đời đâu phải truyện cổ mà tin vào nụ hôn có thể đánh thức công chúa khỏi giấc ngủ ngàn năm.
Đúng thật, lời hứa chưa kịp thành thì chúng tôi đã rời tay nhau nhanh như đá tan loãng vào ly rượu đã nhạt vị. Những buổi hẹn hò thưa dần, những lời thương chưa kịp nói đành giữ lại. Và mỗi lần tôi ngỏ ý xa xôi, Di sẽ lại giấu đi ánh mắt xao nhẹ để mỉm cười thật tươi rồi bảo: “Em còn quá nhiều điều phải làm trong phần đời này…” Cứ thế, Di mải mê đến những vùng đất mới – một mình – để làm công việc mà em yêu thích, chụp lại những khoảnh khắc của đời thường nhật. Một cuộc đời mà tôi không thể chạm vào xáo động. Hai đứa cứ thế, đi cạnh nhau, trông thấy nhau, nhưng không thể nào với tới nhau. Thật ra, tình cảm ấy, ngay từ đầu đã rất khó để nói đúng hay sai. Chẳng thể so đo, cũng không màng tính toán được mất về sau thế nào, chỉ cần biết rằng đang bước bên cạnh nhau thật gần, vậy là đủ – dù chỉ là bước theo quán tính, chứ chẳng phải bản năng của một tình yêu thật lòng.
✽
Di rời đi.
Tôi cũng không buồn níu lại. Gió trời ai mà giữ nổi. Không thể là mây để bay cùng, cũng không thể là bầu trời đủ rộng để ôm hết gió vào lòng, tôi đành nhìn hạnh phúc rời tay. Di lên đường theo lời mời của một tổ chức phi chính phủ để thực hiện loạt ảnh phóng sự đời sống về trẻ em các nước gặp nạn đói. Hay ít ra đó là những lời em nói vội trong điện thoại trước ngày lên đường mà không cho tôi kịp gặp để chào từ biệt. Di bảo: “Em đi làm việc thôi mà, đưa tiễn làm gì cho rườm rà!”.
Ngày ngày tháng tháng, tôi âm thầm dõi theo Di từ vài cái status chẳng mấy khi em nhớ update trên facebook, từ những thông tin góp nhặt qua mấy người quen chung. Tôi nghĩ em thực sự đã quen với cuộc đời mới, đã quên tất cả, quên lời hứa vội, và quên cả tôi. Dù tôi chỉ đứng bên đời em như một cái bóng khi tỏ khi mờ, chưa một lời yêu thương, chưa một lần tìm tay níu lại, nói gì đến quyền hạn hỏi han: “Cuộc sống mới rồi, người có thấy vui?”
Đôi lúc thấy tình cảm hai đứa giống như giọt nước, có vỡ tan bao lần vẫn nguyên một hình dáng thế thôi. Nghĩa là có gần gũi hay chia cách thì mối quan hệ giữa tôi và em cũng chỉ gói ghém trong hình hài thân phận của hai kẻ đi chung đường – nhìn thấy nhau nhưng không có quyền giữ lấy nhau. Đành mỉm cười chấp nhận làm những người-lạ-thân-thương trong cuộc đời nhiều hướng rẽ.
Tôi trở về cuộc sống thường nhật, gặp gỡ khách hàng, họp bàn ý tưởng. Trái đất cũng trở về thường nhật của những ngày tôi chưa gặp Di. Hay ít ra là không còn Di nên tôi mới dư dả thời gian màng đến thế sự, để chạnh lòng trước các nỗi đau lớn hơn của đời, từ xả súng ở Bangladesh, bạo động ở Libya, sóng thần ở Nhật Bản… Đời mệt mỏi quá, ai cũng đang cố gắng sống cho trọn vẹn trước khi những thứ bất an đổ ập đến mình. Vậy mà có tình yêu là mãi chưa trọn vẹn.
✽
Nhiều năm về sau, khi cái tên Thiên Di cũng trở thành một loài thiên di bay mất trong tâm tưởng, tôi đinh ninh mình đã bước qua thời trẻ xốc nổi, yêu thì yêu chẳng cần lý do và bỏ là bỏ chẳng cần từ biệt. Không hẳn đã quên Di, nhưng đúng như em đã nói, chúng tôi còn quá nhiều việc cần phải làm trong phần đời này, đâu thể vì tình yêu mà xem nhẹ tất cả.
Công ty tôi gặp phải một khách hàng khá khó tính. Mọi bản dự thảo đề ra đều bị chối từ. Đối tác là người Nhật nên rất kỹ tính và đòi hỏi tỉ mỉ lẫn thẩm mỹ trong từng bước quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quá đau đầu, tôi đành cầu viện đến nhà sách, lướt qua khu vực sách ảnh và du ký biên thảo các quốc gia để tìm tư liệu về xứ sở Mặt trời mọc hòng làm vừa lòng họ. Ôm một chồng sách về văn hóa và con người Nhật Bản, tôi yên chí sẽ có thêm vài gợi ý ghi điểm trong bản kế hoạch. Chưa kịp quay ra quầy thu ngân, mắt tôi dừng lại ngay trang bìa một cuốn sách ảnh nhan đề “Lời hẹn Ai Cập” và hình bìa là kim tự tháp Giza giữa gió cát trong nắng chiều đang ngả về phía Tây. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là dưới dòng tựa đề là tên gọi thân thương được khắc chữ bằng màu xanh ánh bạc cầu kỳ – Thiên Di.
Gác vội tất cả cuốn sách đang cầm trên tay sang kệ bên, tôi bần thần lật từng trang sách. Trang mở đầu, Di đã ghi: “Đề tặng cho anh, cho lời hứa bất thành của tuổi trẻ hai đứa mình”… Nhanh hơn cả một tia chớp giữa trời quang, tôi phóng ra quầy thu ngân, trên tay chỉ cầm duy nhất cuốn sách của Di.
Con người ta sợ thời gian, còn bản thân thời gian lại sợ kim tự tháp!
Thời gian khiến tôi nhận ra mình mất mát quá nhiều. Tuổi trẻ, đam mê, nhiệt huyết và cả tình yêu. Tôi sợ thời gian. Nghe qua tưởng nực cười, những người trẻ là những kẻ còn dư dả thời gian nhất, hà cớ gì lại sợ? Thế nên xếp gọn ngày tháng còn lại của cuộc đời vào balô và xách trên vai, tôi lên đường đến một nơi mà ở đó thời gian phải cúi mình run sợ trước một sức mạnh siêu hình khác. Và đúng thật, kim tự tháp ở Ai Cập khiến tôi tự thấy nỗi sợ thời gian trở nên bé nhỏ và tầm phào vô cùng…
Hơn bốn ngàn năm qua, trong tất cả kỳ quan thiên nhiên cổ đại đều đã biến mất, kim tự tháp tại Giza vẫn đứng sừng sững giữa đất và trời Ai Cập, bất chấp thời gian lẫn những điều kiện khắc nghiệt của vùng sa mạc. Còn chúng ta, tại sao không thể kiên lòng yêu một người trong cuộc đời vốn dĩ hữu hạn và nhỏ mọn hơn rất nhiều so với bốn ngàn năm đá cuội? Cát bụi đá tảng còn bền lòng vì nhau, cớ sao hai trái tim ấm nóng và biết đập những nhịp yêu thương lại không thể?
Di viết những dòng tâm sự ấy khi sống tại Cairo, hòa vào nhịp đời bản xứ để thấu hiểu cảnh sống của người dân cũng như tín ngưỡng tâm linh họ dành cho các vị thần và Pharaoh cổ đại. Những bức ảnh chụp lại cảnh Di chơi đùa, gánh nước cùng bọn trẻ đều sáng bừng một nụ cười giữa tối tăm của cuộc sống kham khổ. Nụ cười của em vẫn trong trẻo như thể tôi chỉ vừa thấy hôm qua giữa quán pub đông người. Nụ cười dường như dành cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì tôi.
Tất cả những kiến trúc Ai Cập từ thời cổ xưa đều được xây bằng đá. Những tảng đá nặng cả tấn được chồng chất lên nhau, không dùng xi măng hay bất cứ loại keo hồ nào nhưng vẫn dính chặt qua hàng ngàn năm mặc bao mưa nắng. Các phiến đá ốp ở bề mặt kim tự tháp được cắt vừa khít và xếp cạnh nhau hoàn hảo tới mức ngày nay ta cũng không thể nhét nổi một mũi dao vào giữa các khe nối. Ừ thì đâu chỉ có kim tự tháp, kết nối hai tâm hồn cũng hệt vậy mà thôi. Ràng buộc cuộc đời của mình vào ai đó đôi khi chẳng cần hứa hẹn đính kết gì, chỉ cần tự lòng mình cảm thấy cần phải ở đúng nơi đó, bên cạnh người đó – vậy là đủ…
✽
Gấp lại cuốn sách trong mông lung lẫn hụt hẫng, tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về cuộc sống hiện tại của Di. Những dòng chú thích trong sách được trích từ nhật ký trên xứ người của em nên cũng khá ngắn gọn, khiến tôi hồ nghi không biết em đã về Việt Nam hay vẫn còn mải miết lang bạt?
Cả ngày sau đó, tôi lục tung các mối quan hệ để liên lạc với Nhà xuất bản đã phát hành tập sách. Thằng bạn bên công ty in ấn quen khá thân với Ban biên tập nên sau vài lời giới thiệu, họ cho tôi email kèm địa chỉ liên lạc của một tổ chức từ thiện tại Cairo. Có điều, địa chỉ ấy không phải của Di, mà là của một anh chàng ngoại quốc xa lạ nào đấy tên Ethan.
Xốn xang lẫn ngần ngại, tôi ngồi cả giờ đồng hồ mới viết được một bức email gửi cho Ethan và giới thiệu mình là “bạn cũ” của Di. Mặc dù tự thấy kỳ quặc với danh xưng ấy nhưng quả thật, tôi biết gọi tên mối quan hệ của mình và em thế nào đây? Cuối thư, tôi hỏi thăm về Di và mong được biết tin em có còn đang ở Cairo hay không?
Ngày hôm sau, thư trả lời của Ethan đến, chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Di có kể tôi nghe về anh và lời hứa cùng đến Cairo của hai người. Có nhiều điều tôi muốn nói với anh, từ chuyện gửi in tập sách, đến việc cô ấy không về Việt Nam. Anh cho tôi số điện thoại để trao đổi rõ hơn, được không?”.
Không biết nghĩ gì, tôi trả lời ngắn gọn: “Gặp trực tiếp rồi hẵng nói. Tôi bay ngay sang ấy. Hẹn gặp anh!”.
Tôi ra sân bay ngay tối đó.
Sự gấp gáp này là vì lẽ gì? Vì muốn gặp Di, hay vì ghen? Tôi cũng không biết nữa. Mà ghen vì cái gì? Bao nhiêu năm trời chúng tôi có đả động đến cuộc sống của nhau đâu. Vậy mà bây giờ đọc những dòng viết của em, tôi cứ thấy cả một thời tuổi trẻ trong mình đang cuồng chân níu lại một lời hẹn dang dở.
✽
Sau gần mười giờ bay và ba giờ đồng hồ quá cảnh tại Doha, tôi đáp xuống sân bay Quốc tế Cairo vừa kịp lúc bình minh. Từ trên cao, sông Nile hiền hòa xanh mướt mắt chảy quanh đá núi cát vàng của sa mạc. Đẹp như một giấc mơ. Vì một lời hứa đã được thành hình, dù muộn màng.
Đưa địa chỉ cho bác tài, tôi thả mình ở ghế sau khi taxi dần đi vào trung tâm thành phố, băng qua quảng trường Tahrir (Tự do) mà có lần tôi đã thấy trên bản tin thời sự về tình hình biểu tình căng thẳng. Thành phố Cairo nằm sát sa mạc, lại thấp hơn mặt biển nên rất bụi bặm. Sự phân hóa giàu nghèo tại đây in hằn rõ rệt trên từng con phố. Khu vực đô thị hiện đại với các trung tâm thương mại và văn phòng chính phủ thì tươi màu sơn mới, cửa kính sáng choang, còn khi đi dần qua khu phố cổ của Cairo thì bụi giăng mờ đường, mặt trời leo lét, nhà cửa mục nát với những gương mặt thất thần và mỏi mệt.
Taxi dừng lại trước một tòa nhà bằng vữa đá cũ kỹ, không hề sơn phết gì. Hầu hết khu nhà cổ ở Ai Cập đều được xây bằng gạch bùn xám ngoét như thế, có lẽ để tránh sự xói mòn và xỉn màu, vì trước sau gì không khí vùng sa mạc cũng ám bụi khắp nhà. Lần theo địa chỉ, tôi leo lên lầu 5 trên những bậc thang đá trần trụi đất bụi. Văn phòng của tổ chức từ thiện nhỏ xíu, chỉ có vài người bản xứ đang cặm cụi trên bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ và báo chí. Một cô gái bước ra chào và hỏi han vài câu tiếng Ả Rập khiến tôi tròn xoe mắt. Tôi vội nhắc đến tên Ethan thì nhận được câu trả lời bập bẹ bằng tiếng Anh rằng ngày mai hãy quay lại. Tôi mở balô, lấy cuốn sách của Di, mở trang in hình em cười rạng rỡ cùng các trẻ nhỏ châu Phi thì lập tức nhận được một tràng tiếng bản xứ liến thoắng và ánh nhìn hoang mang. Tôi, cũng hoang mang không kém, đành chào tạm biệt và quay về khách sạn, lòng xốn xang lẫn nghi hoặc về mối quan hệ giữa Ethan và Di.
Điện thoại hết pin nên cũng không còn cách nào khác để mở email và liên lạc với Ethan. Tôi miên man trong dòng suy nghĩ: “Dù sao đã đặt chân đến Cairo, lẽ nào không đến Giza chào Nhân sư?”. Nghĩ là làm, một chuyến xe chở tôi băng qua cây cầu Qasr el-Nil được mệnh danh là “cung điện của sông Nile” để đi từ bờ Đông sang bờ Tây dòng sông. Từ trung tâm thành phố náo động, chen nghịt nhà cửa, càng đi về phía Tây vào vùng sa mạc thì chẳng thấy gì phía trước ngoại trừ sỏi đá kín đường, bụi giăng xám xịt. Giữa cảnh tượng khô khốc và ngổn ngang gió cát ấy, thung lũng Giza hiện dần ra với bộ ba kim tự tháp sừng sững và tượng Nhân sư (Sphinx) khổng lồ.
Tôi ngồi cạnh Sphinx và nhìn dòng người đổ về phía các kim tự tháp Khufu, Khafre và Menkaure. Trong đó, kim tự tháp Khufu (Kheops) xây dựng để chôn cất vị Pharaoh cùng tên là công trình kiến trúc đồ sộ nhất của thung lũng Giza nói riêng và của cả nền văn minh Ai Cập cổ đại nói chung. Mỗi buổi, khu di tích này chỉ cho khoảng một trăm khách được vào trong thăm quan, thế nên khi tôi đến nơi đã không còn kịp tranh suất nào. Đành ngồi kế tượng Nhân sư và giở sách của Di mà mường tượng cảnh quan bên trong qua lời kể của em. Gió cát Trung Đông lồng lộng bên tai, nắng nóng Phi châu oi gắt trước mắt, nhưng lòng tôi cứ xôn xao một nỗi thiết tha rất đỗi dịu dàng.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về tượng Nhân sư mà mình đang ngồi cạnh. Pho tượng cao hơn 18 mét và trải dài tới 57 mét này tạc hình một thần thú đầu người có đôi mắt chăm chăm dõi về hướng Đông với ánh nhìn khó hiều. Người ta đồn đại từ hơn 2.500 năm trước Công nguyên, khi pho tượng vừa được xây xong, có một lời nguyền rằng bất kể ai đến trước Sphinx và nói một câu thật thông tuệ thì Nhân sư sẽ mỉm cười. Biết bao nhà hiền triết, học giả khắp nơi tìm đến, diễn thuyết hàng trăm lời lẽ thật uyên bác nhưng tượng Sphinx vẫn trầm ngâm im tiếng. Duy chỉ có một lần, có em bé chừng ba tuổi đi cùng mẹ lẫn trong đám đông, khi bé tuột khỏi tay mẹ đã hoảng sợ cất tiếng gọi “Mẹ ơi”. Điều kỳ diệu ngay lập tức xảy ra, pho tượng Nhân sư cất tiếng cười giòn giã và đó là lần duy nhất trong suốt mấy ngàn năm nay, người ta thấy Nhân sư mỉm cười.
Chỉ thế thôi, đôi khi lời lẽ lắng sâu, thâm thúy nhất lại là lời giản đơn và chân thành nhất cất lên từ trái tim luôn hướng tìm về người yêu thương.
✽
Mặt trời trôi dần về phía Tây, thung lũng Giza chìm trong ráng chiều mênh mông và u uất – thứ ánh sáng có thể làm nỗi buồn hóa thành cát bụi và theo gió vùng hoang mạc thổi bay tứ tung. Ừ thì lúc nào chẳng vậy. “Tịch dương vô hạn đáo. Chỉ thị cận hoàng hôn” (Nắng chiều đẹp vô tận, chỉ tiếc sắp hoàng hôn).
Về lại khách sạn, tôi cắm sạc điện thoại và vùi mình vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, nghe dịu dặt mùi cocktail Sangria lẫn lộn giữa mùi cát nóng oi nồng của sa mạc. Tỉnh dậy chẳng thiết check mail công việc, tôi phóng thẳng đến văn phòng của tổ chức từ thiện.
Lần này, vừa thấy tôi ngay cửa ra vào, cô gái bản xứ hôm qua đã chạy vội đến góc phòng báo với anh chàng tóc vàng mắt xanh mà tôi đoán chắc không ai khác ngoài Ethan. Từ xa, Ethan nhìn về phía tôi, thoáng chút ngỡ ngàng, xong hấp tấp rời bàn giấy tiến ra cửa, ngờ ngợ hỏi: “Anh là bạn của Di?”.
Tôi gật đầu, vừa mừng thầm khi đã gặp đúng người, vừa có phần tị hiềm vì anh chàng đẹp mã này đã cùng đồng hành với Di suốt những năm tháng ở Cairo. Thế nên, tôi hỏi ngay vấn đề chứ chẳng thiết tha chào hỏi xã giao: “Di đâu rồi?”.
Ethan lại càng nhìn tôi trân trân và ngần ngại: “Anh chưa đọc email tôi gửi sao?”.
Tôi ngớ người vài giây. Từ sau khi viết thư thông báo mình sẽ đến đây, tôi chưa hề xem qua email mới. Những nôn nao lẫn gấp rút cho chuyến đi hội ngộ đã làm tôi quên bẵng phép lịch sự tối thiểu và những giao đãi của một người cả chục năm trời làm trong ngành truyền thông. Tôi đành quay sang cười trừ: “Tôi bay ngay sang đây nên cũng chưa có thời gian check mail nữa. Mà có chuyện gì thì gặp trực tiếp như vậy, chẳng phải dễ nói hơn sao?”.
“Nhưng có những chuyện có lẽ rất khó nói thành lời thế này…”, Ethan buông thõng người xuống ghế rồi thẫn thờ nhìn tôi. Bẵng đi vài giây im lặng, anh quay lại bàn làm việc, vơ vội mũ và áo khoác dẫn tôi rời khỏi văn phòng.
Chúng tôi đi bộ một quãng đường dài qua những con phố lấm lem bụi cát, những ngôi nhà đậm nét kiến trúc Ả Rập một thời vàng son nay trơ gan hứng chịu mưa nắng bào mòn. Sau vài ngõ ngách quanh co và bậc đá ngổn ngang màu thời gian xộc xệch, tôi nhận ra mình đang đứng dưới bờ sông Nile. Gió thổi hiu hiu đến dịu lòng, đâu đó vang tiếng trẻ nhỏ nô đùa rẽ nước vào nhau huyên náo cả một vùng loang ánh mặt trời.
- Di nằm lại ở đây… – Ethan chỉ tay về phía dòng sông, nơi người Ai Cập tôn vinh là nữ thần, nói trong tiếng nấc đứt quãng, hoặc chính thính giác của tôi đã đứt quãng để có thể nghe trọn sự thật này.
✽
“Di không theo đạo nên không thể cử hành các nghi thức tang lễ trong nhà thờ thánh Allah. Sau khi hỏa táng, tôi đem tro cốt của cô ấy rải trên sông Nile. Chắc bây giờ gió đã thổi bay về phía Tây để Di tự do giữa thung lũng Giza ngắm hoàng hôn mỗi chiều. Hồi còn sống, cô ấy rất thích đến kim tự tháp lúc gần tắt nắng và ngồi nhắc về anh, về lời hứa thời trẻ của hai người. Tôi mang những bức ảnh Di chụp, những dòng nhật ký Di ghi, gửi về Việt Nam nhờ in thành sách, hy vọng một lúc nào đó anh có thể đọc được để biết rằng cô ấy chưa bao giờ quên anh…”
Những lời nói của Ethan cứ vang ong ong trong đầu như một nỗi ám ảnh, dù tôi đã xin anh để tôi lại một mình bên bờ sống lấp lóa. Chẳng biết lấp lóa bởi ráng trời soi vào dòng nước hay chính mắt cũng đang nhòa theo bóng chiều khóc một niềm yêu. Trong tay, tôi vẫn cầm chiếc điện thoại để ngỏ trang email mà Ethan gửi ngay trước khi tôi bay sang Ai Cập. Đó là mẩu tin về cuộc bạo động chống đối chính quyền. Cairo chìm trong lửa cháy, lựu đạn hơi cay phủ trắng bầu trời và dòng người đổ về quảng trường Tahrir trong phẫn nộ. Hàng trăm người đã ngã xuống trong cuộc chính biến. Tổ chức từ thiện của Di cùng các bác sĩ ở trại y tế dã chiến đã túc trực nhiều ngày liền ở quảng trường để cứu chữa cho các nạn nhân biểu tình. Trong lúc băng ra giữa dòng người hỗn loạn để bế một em nhỏ đang hoảng sợ, một viên đạn lạc đã cướp đi cuộc đời còn rất trẻ của người con gái khát khao sống trọn vẹn hơn ai hết.
Tôi ngồi đó, cạnh sông Nile lao xao nước chảy đang chia nhánh xuôi dòng đổ ra Địa Trung Hải. Tự hỏi phải chăng dòng sông cũng đang rỉ rả những lời buồn cho những cuộc đời đã chia chắt trôi khác hướng nhau? Và hướng đi của Di, nơi thần Anubis dẫn đường, một lần nữa tôi không thể đến kịp. Tôi đã làm trọn lời hẹn Ai Cập với em, nhưng những cảm xúc yêu thương ngày trẻ đã không thể trọn vẹn. Hóa ra đau lòng nhất không phải là khi chúng ta bội ước quên hẹn, mà là khi lời hứa đã được làm tròn, còn tụi mình lại khuyết mất nhau. Nấc khẽ, tôi mấp máy môi, chỉ thốt được thành tiếng gọi: “Di ơi!”.
Và đâu đó, phía bên bờ Tây dòng sông, nơi thung lũng Giza thấp thoáng trong lớp bụi, tôi mơ hồ thấy tượng Nhân sư mỉm cười.