Đường Hai Ngả Người Thương Thành Lạ Truyện 4


Truyện 4
Tình yêu Nhật thực

Anh có biết vì sao hoa bất tử không bao giờ tàn? Vì vốn dĩ nó đã chết rồi. Cũng như những gì đã qua và không-còn-nữa giữa chúng ta... nghiễm nhiên trở thành Bất Tử trong em.

Vừa đến trước cửa khách sạn, tôi đã há hốc mồm và đứng yên không dám động đậy bởi ba chú chó săn từ đâu xộc tới đánh hơi đống hành lý lỉnh kỉnh dưới chân.

-     Tụi nhỏ chỉ lục xem có bom hay chất nổ gì không, anh cứ yên tâm. - Đâu đó vang lên giọng nữ, nói tiếng Việt hẳn hoi, làm tôi càng ngớ người hơn. Ngay giữa thủ đô Jakarta này, nghe được ngôn ngữ quê nhà đủ khiến người ta an lòng, nhất là khi đang bị vây quanh bởi cả gia đình chó săn hung hăng khịt mõm.

Em bước ra từ sảnh tiếp tân, nở nụ cười trong veo như thủy tinh trên cửa kính phản chiếu ánh Mặt trời, xong bảo:

-     Tháng trước có vụ đánh bom tự sát ở một khách sạn lớn ngay trung tâm nên chính quyền siết chặt an ninh hơn với tất cả hành lý. Anh chịu khó chờ tụi nhỏ làm nhiệm vụ tí nhé!

Tôi lại tiếp tục tròn xoe mắt trước cô gái đồng hương tính cách can trường này. Nghĩ sao mà cô ấy gọi đây là “tụi nhỏ” và lại còn cười tươi rói khi nhắc về vụ đánh bom tự sát?

Thật ra Yên không phải tiếp tân của khách sạn. Bộ du lịch sở tại đã nhờ em làm hướng dẫn viên cho tôi trong chuyến công tác này. Yên đang theo học ngành Văn hóa tại Đại học Quốc gia Indonesia và công việc tour-guide là cách để trang trải cuộc sống sinh viên. Khi các nhà chức trách mời tôi sang Jakarta thực hiện loạt bài phóng sự quảng bá du lịch, Yên được nhà trường tiến cử và trở thành ứng viên sáng giá vì không bị rào cản ngôn ngữ.

Nhưng chính vì tương đồng ngôn ngữ mà chuyến công tác này của tôi trở thành cuộc. đấu khẩu liên miên.

-                           Mình đến Bali trước đi, anh muốn viết bài về thiên đường du lịch.

-      Tôi vừa xắn miếng omelette trên bàn ăn sáng, vừa lên kế hoạch hành trình với em vào hôm sau.

-   Ai đến Indo cũng đi Bali cả, em nghĩ chẳng còn gì mới mẻ. Chưa kể nơi đó được mệnh danh là Đảo trăng mật, trai đơn gái chiếc đến đó không nên! - Yên lắc đầu.

Tôi phì cười, nghĩ thầm cô gái này cá tính và lạ đời hết sức. Dừng tay cầm nĩa, tôi ngước nhìn em hỏi:

-    Vậy em có gợi ý gì không, sau Bali thì anh chỉ nghĩ đến thành phố thương mại Surabaya và thủ phủ văn hóa một thời ở Yogyakarta?

-   Anh đang ở thủ đô của xứ vạn đảo, mọi thứ đều có ở Jakarta, cần gì phải đi xa xôi? Con trai các anh thật là giống nhau!

Tôi tròn xoe mắt:

-   Là sao? Giới tính thì liên quan gì đến quyết định đi đâu cơ chứ?

-    Chẳng phải sao, con trai hầu hết bị viễn thị, chỉ toàn nhìn thấy ở đâu đâu xa tít tắp và mê mải với những điều ngoài tầm với, chứ chẳng bao giờ bận lòng để tâm đến những thứ thật gần bên cạnh mình.

-    Vậy thì em lầm to, mắt anh sáng rõ 10/10. Nhưng để không bị đánh đồng với người yêu cũ viễn thị của em và bảo toàn danh dự cho đàn ông còn lại của thế giới, anh sẽ đi một vòng quanh Jakarta với em. - Tôi nhếch mép cười, đoan chắc đã nói trúng tim đen của Yên.

Lần này thì đến phiên em tròn xoe mắt:

-    Nhà báo các anh có vẻ thích suy diễn nhỉ? Người yêu em còn chưa có, huống hồ là cũ. Còn việc các anh bị viễn thị bẩm sinh là do gen di truyền từ thời Adam rồi.

-   Anh tưởng Adam chỉ mắc bệnh về cột sống thôi, hóa ra thị giác cũng có vấn đề à? Nhắc mới nhớ, Eva bọn em còn nợ tụi anh đốt xương sườn đấy nhé.

-    Còn các anh thì nợ bọn em một lời xin lỗi vì viễn thị cận thị loạn thị thế nào mà nhìn nhầm trái cấm thành trái dâu trái táo, xong rủ nhau ăn để cả hai bị tống khứ khỏi vườn địa đàng, phải xuống trần gian ăn omelette thế này.

Tôi phá lên cười. Đúng thật là dù rất ương ngạnh nhưng ở Yên toát lên sự thông minh hóm hỉnh khiến tôi không mảy may phiền lòng.

Cả ngày đó, chúng tôi đi qua những con đường tấp nập nhất ở thủ đô, nếm những món ăn đường phố đậm đà hương vị nồng cay đặc trưng của xứ vạn đảo. Ớt và tiêu đỏ là những loại gia vị chính có mặt trong hầu hết các món ăn, vì thế trên bàn ăn lúc nào cũng thấy rực sắc đỏ. Thông thường, các món ăn đều dùng chung với sambal - một loại nước xốt được làm từ ớt tươi có công dụng như nước tương của Việt Nam. Yên đã phải liên tục dặn dò đầu bếp câu “Tidak pakai cabe” để họ nêm nếm gia vị vừa phải hơn khi chứng kiến tôi cay xé lưỡi chẳng còn thốt nổi lời nào. Cuối cùng, em đành gọi món cơm Nasi Tumpeng béo ngậy làm dịu vị giác, cốt để tôi có thể trò chuyện trở lại. “Có người huyên thuyên kế bên để bữa ăn của em đỡ trống trải như thường nhật”, Yên bảo. Món cơm nấu từ nước dừa này nhìn khá vui mắt với hai màu xanh - vàng xen kẽ của lá dứa và củ nghệ. Nasi Tumpeng được xem là đặc sản vì cơm được nặn thành hình tháp nhọn, gợi nhiều liên tưởng đến những mái nhà đỉnh chóp truyền thống ở Indonesia.

-    Cần chi đi đâu xa, khi chỉ lòng vòng Jakarta đủ để anh viết một loạt bài về ẩm thực rồi nhỉ? - Yên lí lắc hỏi.

-   Biết rồi cô nương, anh vẫn còn tê lưỡi lẫn môi đây, không đôi co với em đâu. - Tôi lắc đầu.

-    No bụng rồi, giờ mình vận động tay chân thôi! - Nói đoạn, em níu tay tôi băng qua cầu vượt, đi bộ một quãng dài trên đường lát đá thẳng tắp, hướng về phía bảo tàng nghệ thuật.

Bước vào trong, khán phòng đã chật kín khách du lịch. Những cô bé, cậu bé nghệ sĩ nhí chừng tám, chín tuổi từ dưới sân khấu mang trao tận tay từng khán giả những ống tre được ghép thành hình như đàn hạc cỡ nhỏ. Yên bảo đây là đàn Angklung, một loại nhạc cụ thường dùng trong các lễ hội mừng thu hoạch. Người dân tin rằng tiếng đàn sẽ gọi mời thần thánh đến ban tặng sự trù phú cho mùa sau.

Đàn Angklung có bảy kích cỡ ống tre dài ngắn khác nhau để tạo nên thang âm thất cung và ngộ nhất là chỉ cần cầm trên tay rồi rung lắc đúng nhịp, ai cũng sẽ tạo nên âm sắc thanh tao. Tôi và Yên đã ngồi suốt buổi chiều trong khán phòng để nhịp tay theo đàn nhạc đệm cho màn múa dân gian của các em nhỏ. Thỉnh thoảng hai đứa quay sang nhìn nhau cười hớn hở xong gật gù tán thưởng cho khả năng nghệ thuật vừa chớm nở của bản thân.

Rời khỏi bảo tàng, Yên bước chậm rãi trên lề đường đang dần đổ nắng ngược chiều tàn, thủ thỉ: - Có những khi ngán nghe tiếng người, em lại tới đây để nghe tiếng nhạc. Cũng lạ, chỉ là những thanh tre vô tri va vào nhau, vậy mà tạo thành đủ mọi cung bậc thăng trầm.

-   Người với người va vào nhau cũng sẽ thăng trầm thế thôi. Mà có vẻ em chẳng muốn mình va vào ai cả. Bớt tự kỷ và sống một cuộc đời trần gian tí đi cô gái. - Tôi nói bâng quơ, xong quay sang nhìn em. Có chút nắng chiều thảng hoặc rơi vào mắt Yên. Em vội quay đi. Hoàng hôn vàng vọt loang đầy, sóng sánh một nỗi buồn dập dềnh đến độ tay tôi khỏa nước mải miết cũng chẳng thể chạm tới mái tóc dài của em đang xõa bay trước gió.

-     Anh về khách sạn nghỉ ngơi nhé. Sáng mai mình đi sớm. Rời Jakarta cho anh vừa lòng.

-   Em tính đi đâu?

-   Đà Lạt.

-   Hả?

“Đà Lạt” mà Yên nhắc đến thật ra là phố núi Bandung - thành phố lớn thứ ba của Indonesia sau Jakarta và Surabaya. Nằm trên cao nguyên ở phía Tây, cách thủ đô gần hai trăm cây số, Bandung khuất sau cung đường đèo khúc khuỷu, hai bên triền núi trải đều những đồi trà xanh mướt.

Phố núi đón chúng tôi trong một chiều mưa tí tách rơi trên ô kính xe, buồn man mác. Yên bảo nơi này quanh năm mưa suốt, lần nào em xách balô lên đây lánh đời cũng gặp cảnh nước trút trắng trời riết rồi thành quen. Nói đoạn, em tựa cửa nhìn mông lung ra ngoài con đèo heo hút mây phủ, tuyệt nhiên không nói cười. Thấy lạ, tôi vuốt nhẹ tóc em, ánh mắt ra chiều lo lắng. Em bật cười.

-   Không sao đâu, chỉ là em thấy mình đẹp nhất khi tựa cửa buồn bã thế này. Lâu lâu phải ra dáng con gái buồn lãng mạn để sống cuộc đời trần gian như anh nói chứ!

Tin tôi đi, tâm trạng của cô gái này còn thất thường khó hiểu hơn cả thời tiết quanh năm mưa suốt ở Bandung.

Nhịp sống cao nguyên dần hiện ra sau những đoạn đèo quanh co. Tôi mê mẩn nhìn những mái nhà truyền thống thấp lè tè, nhắc nhở một truyền thuyết về những vị thần trên cây không cho phép người trần xây nhà cao hơn mình. Khi xe chạy vào làn đường bao quanh bởi hoa núi khoe sắc chật lối hai bên, tôi mở toang cửa kính để không khí trong lành tràn vào mát rượi cả lồng ngực. Đúng thật là giữa tiết trời se lạnh và hương hoa nồng nàn của phố núi Bandung, thấy nhớ về Đà Lạt của xứ mình quá...

Đặt chân đến nơi mới hiểu vì sao người dân Indonesia ưu ái gọi nơi này là “thành phố hoa”. Dân làng trồng hoa san sát ngay trước cửa nhà hoặc dựng những nhà kính trên vỉa hè để chăm chút cho đủ loại cây kiểng. Những con đường ở đây cũng khá nhỏ, lại là đường đèo nên dốc thoai thoải và nhiều ngõ vòng vo, cho nên thật lý tưởng nếu thả bộ để thỏa thích ngắm hoa và mặc sức trả giá với những bác nông dân tại gia để mua vài chậu kiểng làm kỷ niệm.

Em cầm trên tay lẵng hoa bất tử mới mua bên đường, xong trầm ngâm bảo:

-  Anh có biết vì sao hoa bất tử không bao giờ tàn?

-    Vì ngay khi mới nở, nó có phải trải qua quá trình mộc hóa nên vẫn giữ được màu sắc ban đầu, đúng không em? - Tôi mơ màng trả lời với vốn kiến thức sinh học còn lại ít ỏi từ thời phổ thông.

-    Cho là vậy đi, nhưng tại sao thiên nhiên lại bắt nó chịu cảnh mộc hóa, trong khi các loài hoa khác được nở tươi dưới ánh Mặt trời và tàn úa theo quy luật thời gian?

-    Vì mỗi người đều có phận sự riêng trong cuộc đời, và hoa cũng thế. Có những loài hoa mang phận sự nở tươi và tỏa hương khoe sắc, nhưng có những loại hoa chỉ để phơi khô làm kiểng trong nhà kín cửa không ánh nắng không nước chăm. Trả lời vậy đúng ý em chưa?

-  Nhưng em nghĩ.

-     Thôi em đừng nghĩ và đánh đố anh nữa. Hoa nào cũng có sứ mệnh đời hoa riêng hết. Cũng như phận sự đời em không phải làm nhà thực vật học. - Tôi buột miệng mà không kịp suy nghĩ.

-     Thật ra hồi xưa nhà em làm nghề trồng hoa mà. - Em cúi mặt thầm thì, gương mặt bình lặng như nước.

Yên đi cạnh tôi, thả bộ trên con đường dốc quanh co của phố núi. Lời em nói như sương mờ lãng đãng trầm mặc:

-    Quê em ở Đà Lạt. Cả nhà trồng hoa mang ra chợ bán từ ngày em còn nhỏ xíu. Trong nhà kính, có khóm hoa bất tử cứ nở tươi bốn mùa. Bố không nỡ bứng đi, dù thứ hoa ấy chẳng ai thu mua giá cao. Nhưng cuối cùng, không chỉ khóm bất tử mà cả vườn hoa đều phải bán hết để bố mẹ gom tiền cho em du học. Giờ hình như khoảng sân đó chỉ còn là bãi đất ngổn ngang sắt thép chờ xây đô thị chứ chẳng còn màu hoa nào. Có nhiều thứ bất tử với thiên nhiên nhưng không sống sót nổi dưới bàn tay đong đo cơm áo gáo tiền của con người, anh nhỉ?

Tôi trầm ngâm. Những mắc míu trong lòng cuối cùng cũng có lời đáp. Hóa ra ai trong chúng ta cũng phải đôi lần khoác lên chiếc mặt nạ tươi rói và bướng bỉnh thất thường để che giấu đi một trái tim dễ tổn thương khi sống xa quê hương.

Cố xua đi sự im lặng giăng đầy giữa hai đứa, tôi mở lời:

-   Vậy sau này anh lên Đà Lạt chơi, em nhớ đón tiếp nha!

-    Em chắc chắn sẽ nhớ đón, có điều đến đó anh còn nhớ lời hẹn không thôi? - Yên khẽ hỏi, tay vẫn mân mê những cánh hoa bất tử khô khốc.

Đường đèo đổ dốc. Hai chúng tôi cứ bước dài theo quán tính nhanh vội. Băng qua những bụi hoa tươi rạng rỡ ven đường. Băng qua phố núi vào chiều hanh hao nắng. Băng qua những nỗi cô đơn trĩu nặng, qua trăm ngàn lần lặng lẽ.

Nhưng không băng qua nhau.

Vì chẳng hiểu sao, cả hai không ai nỡ bước trước bỏ lại người bên cạnh nên cứ song song đồng hành. Thỉnh thoảng nhìn vào mắt người đối diện, thấy nụ cười trong veo in hằn bóng mình trong đó. Những nụ hoa bất tử trên tay vốn đã khô queo bỗng chợt rung nhẹ theo gió.

-   Anh thấy ngọn núi mang hình dáng gì không? - Yên chỉ về đỉnh núi thấp thoáng phía xa vào sáng hôm sau, khi cả hai vượt đèo leo lên núi lửa Tangkuban Perahu.

-   Giống món cơm Nasi Tumpeng bị em ăn mất phần đỉnh chóp.

-    Bớt giỡn đi anh! Núi lửa Tangkuban Perahu trong ngôn ngữ của người Sundanese nghĩa là “Con thuyền lật ngược”.

-   Thuyền không ở biển mà mang tít lên núi làm chi vậy?

Yên bỏ mặc câu pha trò nhạt thếch của tôi, kể tiếp:

-    Truyền thuyết kể lại ngày xưa có chàng trai đem lòng yêu một nữ thần xinh đẹp. Nữ thần muốn cự tuyệt nên giao ước chỉ chấp nhận lời cầu hôn nếu chàng trai đào xong một hồ nước và đóng được chiếc thuyền trước lúc bình minh. Nhưng không ngờ, những linh hồn đã hiện lên trong

đêm để giúp kẻ chung tình nên chiếc thuyền đã sớm thành hình. Nữ thần

lo sợ bèn nghĩ cách để làm Mặt trăng biến mất và gọi Mặt trời dậy.

-  Nghe có vẻ giống Nguyệt thực nhỉ?

-    Chính xác. Người phụ nữ đoạn tuyệt ấy đã căng một tấm vải đỏ che hết đường chân trời, bọc kín Mặt trăng thành đỏ lịm. Các linh hồn không còn thấy Mặt trăng tỏa ánh bạc mà chỉ thấy một vùng sáng đỏ lòm nên hoảng hốt bỏ trốn. Gà cũng gáy sớm hơn vì cứ ngỡ Mặt trời đã thức dậy mà đâu biết chỉ là Nguyệt thực mạo danh. Chàng trai tưởng mình đã chậm chân khiến giao ước bất thành nên tức giận hất tung con thuyền đang xây dở. Kỷ vật đính ước từ đó lật úp nằm lại chỏng chơ giữa núi đèo và hóa thành Tangkuban Perahu sục sôi lửa giận.

-   Anh không quan tâm tới cơn tức giận của chàng trai trong chuyện ngày xửa ngày xưa cho lắm, mà lo sợ núi lửa ngày nay còn tức giận phun trào lần nào nữa không thôi?

-   Anh yên tâm. Tới nơi anh sẽ thấy chỉ có người tràn đầy chen chúc quanh miệng núi lửa, chứ chẳng có nham thạch nào tràn ra nổi.

Vừa phấn khích, vừa nghi ngại, tôi và Yên bước vào vùng đồi núi chập chùng và mịt mù trong khí sulfur. Cứ nghĩ vùng núi lửa sẽ oi bức, ai ngờ khi càng lên cao lại càng lạnh, từng đợt gió thổi tê cóng người. Run cầm cập và không ngừng xoa tay giữ ấm, chúng tôi tiến đến gần miệng núi lửa rộng hoác và sần sùi để chứng kiến một trong những kỳ quan lâu sôi đã khô quánh, đông đặc dưới đáy miệng núi lửa tạo nên một vùng trũng xám xịt nồng nặc mùi lưu huỳnh. Mặc dù dọc đường đi, người bản xứ đã dặn dò rằng khí sulfur dày đặc có thể gây khó chịu hô hấp, nhưng chẳng ai buồn đeo khẩu trang hay dùng khăn che mặt, bởi màn sương mù phốt pho trắng xóa ấy lại khiến tôi thích thú và có cảm giác đang lạc giữa chín tầng mây trời.

Quá đỗi nôn nao, tôi nắm tay Yên, hào hứng bảo:

-   Giả dụ lúc này núi lửa phun trào, em sẽ làm gì?

Yên chưa kịp trả lời, tôi đã thấy hơi lạnh trong tay dần ấm lại. Bất giác nhìn hai bàn tay đang đan vào nhau, tôi mơ hồ chẳng còn thấy xung quanh gì nữa. Hay bởi khí sulfur và sương mù mây phủ đã che kín đôi mắt Adam viễn thị của mình?

Tôi có đang ngộ nhận về một điều đã thất lạc quá lâu vừa tìm lại không nhỉ? Hay cảm giác này, khoảnh khắc ấy, quả thật có chút yên bình chạm khẽ vào tay.

-   Anh sẽ nhớ em chứ? - Yên tiễn tôi đến tận cổng check-in sân bay, hỏi một câu khiến tôi mông lung chẳng thể trả lời. Ừ thì, những ngày - và cả những đêm - vừa qua, tôi rất bình yên khi có em ở cạnh. Nhưng khi rời khỏi xứ sở vạn đảo này rồi, ai dám chắc trong vạn nhịp đập của trái tim hai đứa, có nhịp đập nào kiên tâm dành cho nhau?

-    Nói nhớ, có nghĩa là đã xa rồi. Em muốn mình phải xa để nhớ, hay luôn gần trong tâm trí để không bao giờ cảm thấy cần nhớ nhung? - Tôi cố cười thản nhiên nhất.

-   Em hỏi thế thôi. Chứ hạnh phúc trường cửu nhất là thứ hạnh phúc không cần phải dựa dẫm vào ai. Nỗi nhớ mà cứ đi tầm gửi thì cuối cùng cũng dễ lung lay và bị bỏ lại. - Yên nhoẻn cười, vẫn nụ cười bướng bỉnh và lạ lùng của em.

Nhìn qua cửa sổ máy bay, Jakarta tiễn tôi đi bằng những ngọn đèn

li    ti của trăm con tàu đang dập dờn trên biển nước của phía dưới xa. Thành phố này về đêm dường như yên tĩnh, lặng lẽ vô ngần, bởi không có thứ ánh sáng lấp lóa và đầy mê mị như Sài Gòn mà tôi đang trở lại.

Và đúng thật, Sài Gòn cùng ngổn ngang công việc và các mối quan hệ chằng chịt đủ sức mê mị tôi quên đi những ngày chóng vội ở Bandung. Như một chớp mắt. Như sự đổi thay sáng - tối chỉ cách một bờ mi khép mở. Cất vào trí nhớ chút bình yên nhẹ nhàng, tôi lơ là với thứ cảm xúc từng có với Yên. Tất nhiên ai trong chúng ta cũng có quyền thương nhớ, nhưng-vẫn-phải-bước-tiếp. Bởi lấy kỷ niệm làm thói quen và lẽ sống thì cũng giống như lấy khí CO2 làm ôxy tiếp vào cơ thể vậy.

Cứ thế, tôi cứ bước tiếp và hít thở thứ không khí lành trong không vướng víu kỷ niệm. Cho đến một lần, tôi có công tác đến Đà Lạt.

Phố núi hôm ấy, tình cờ, rơi vào ngày Nhật thực.

Cả thành phố đang rực nắng giữa trưa bỗng chìm trong bóng đêm chập choạng. Tôi ngồi bên triền dốc cạnh bờ hồ để chụp lại khoảnh khắc Mặt trời bị Mặt trăng che khuất. Loay hoay chỉnh máy hình để canh tiêu cự, tôi xoay ống kính giáp vòng để chụp thử vài bức ảnh đo sáng. Đột nhiên, một nụ cười tươi rói lọt vào khung ảnh khiến tôi buông máy, dụi mắt trần để nhìn rõ hơn.

Là Yên.

Em bước xuống triền dốc, nhẹ nhàng len qua chiếc cầu đá dẫn lối ra phía giữa hồ nơi tôi đang ngỡ ngàng trước cuộc hội ngộ này.

-    Em đã hứa khi anh đến đây, em sẽ ra đón tiếp mà. - Yên cười khúc khích, nụ cười lảng bảng trong ánh sáng chạng vạng.

-   Em về khi nào? Anh cứ tưởng em vẫn còn trong thời gian bảo vệ luận án bên Jakarta.

-    Về khi nào đâu quan trọng. Chỉ cần ngay lúc này, ở tại đây, anh và em đều còn nhớ những lời đã hứa là đủ. - Yên lại mỉm cười, ánh mắt em trong veo như mặt hồ, tuyệt nhiên chẳng hề đọng chút váng vất tờ mờ của Nhật thực đang bao phủ hai đứa.

Tôi và em ngồi cạnh nhau, giữa một vùng tối loang đầy của khoảnh khắc Mặt trời chịu nhường Mặt trăng. Lòng tôi vẫn còn đầy mặc cảm và ngại ngần, bởi thật sự tôi chưa từng xem trọng lời hứa vu vơ lúc xưa. Vậy mà.

-     Anh còn nhớ truyền thuyết Nguyệt thực ở núi lửa Tangkuban Perahu không?

-   Nhớ chứ. Câu chuyện nữ thần cự tuyệt tình yêu bằng cách che đi Mặt trăng.

-    Chẳng hiểu sao lúc này em lại nghĩ về truyền thuyết đó. Nguyệt thực khi xưa chia cách tình yêu khiến chàng trai không đến được với người con gái anh thương. Còn Nhật thực bây giờ đã giúp em gặp lại và ngồi sát cạnh anh thế này.

-    Yên à, anh xin lỗi. - Tôi vô thức viện đến câu nói muôn thuở của loài người để khỏa lấp sự trống trải trong suy nghĩ.

Em nhỏ nhẹ tiếp lời, như chẳng để tâm đến tôi đang vụng về cúi gằm mặt:

-    Có lẽ với anh chỉ là những xốc nổi tình cờ, nhưng nỗi nhớ trong em là thật và chưa thay khác bao giờ. Những khi nhớ về anh, về chúng ta của ngày hôm qua, em bất giác sợ. Sợ những bốc đồng trong cảm xúc của mình khiến anh bận lòng, sợ những cảm xúc của mình khiến anh bận lòng, sợ những điều đã qua làm anh phân tâm và lần lữa, sợ rằng chưa chắc hoặc nhớ hoặc quên - bên nào sẽ đau hơn. Nhưng đáng sợ nhất, là sợ mình lại ngộ nhận thêm một lần.

-    Em không ngộ nhận. Chỉ là chúng ta đã chọn hai con đường song song không có điểm giao chung. Nơi em ở khác khoảng trời anh sống. Nơi anh đặt sự quan tâm hằng ngày lại không có em hiện diện.

-   Có những chia xa vốn là lẽ đương nhiên, như Mặt trăng có nấn ná cách mấy cũng chẳng thể sống chung dưới một khoảng trời với Thái dương, đúng không anh?

Yên vừa dứt lời cũng là lúc nắng bừng lên trở lại. Ánh sáng hắt xuống mặt hồ loang nước làm tôi lóa mắt đến choáng váng. Nhắm mắt định thần đôi chút, tôi mơ hồ nghe tiếng chân em vội rời đi, len qua phía cầu đá vang tiếng gõ bước khô khốc. Giật mình, tôi chớp mở mắt nhìn, cố trốn tránh ánh nắng chói gắt đang phủ trắng xung quanh. Cuồng chân chạy vội lên bờ, chẳng còn thấy Yên đâu.

Có tiếng cười khúc khích sau lưng, tôi quay ngoắt lại, chỉ thấy vài cô bé đang tủm tỉm cười, băng ngang qua vai. Tiếng họ thủ thỉ to nhỏ: “Đẹp trai mà bị khùng, ngồi lẩm nhẩm nói chuyện một mình.”

Tôi nhìn lại xuống triền dốc, đường dẫn lối qua cầu đá xuống hồ. Tuyệt nhiên chẳng còn ai ở đó.

Chỉ có một bụi hoa bất tử, nép mình rung nhẹ để đón nắng trở lại sau khoảnh khắc nhất thời Mặt trăng - Mặt trời chung đôi.

Truyện ngắn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/39905


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận