Nhớ cho rằng, Trái đất vẫn quay - không vì một ai mà dừng lại. Có thở dài, có buông tay, có khóc như trẻ dại thì sáng mai khi Mặt trời thức dậy, chúng ta vẫn phải bước tiếp trên con đường còn quá rộng dài đã chia làm hai.
“Giá mà bốc hơi được ngay lúc này.”
Em đã nghĩ như vậy khi vừa thấy P lên giàn dây đan thành hình tháp dựng ven bờ West Coast. Singapore nhỏ xíu, gặp đâu không gặp, lại tình cờ chạm mặt vào đúng lúc em đang như một tấm nùi giẻ vắt hoài không khô.
- Anh ấy lại làm em buồn à? - P ân cần hỏi.
- Đâu có, cát biển bay vào mắt em thôi. Hôm nay, gió mạnh quá.
- Nói đoạn, em quay mặt đi để tóc xõa bay trong gió đêm hòng che đi đôi mắt đỏ hoe.
- Đừng dối anh. Em chỉ có ba kiểu khóc. Khóc khi vòi vĩnh và mè nheo, lúc nào cũng cầm theo khăn giấy và V-Rohto. Khóc vì thất vọng và mệt mỏi, sẽ phải có tiếng thở dài. Và khóc như bây giờ thì chỉ khóc vì người con trai mà em yêu thương. Anh biết rõ quá mà. Vì những giọt nước mắt này đã từng dành cho anh.
Không đợi đến khi P ngồi xuống cạnh mình, em bật khóc ngon
lành.
Còn gì tủi thân hơn khi ngồi khóc trước mặt người yêu cũ, vì một người yêu cũng vừa-trở-thành-cũ.
❖
Em đã từng yêu P và anh biết rồi đấy, câu chuyện nào bắt đầu bằng hai chữ “đã từng” đều chỉ có một kết cục đau lòng như nhau. Từ những ngày hai đứa còn là sinh viên Việt Nam đến khi cùng qua Singapore với ước mơ “một túp lều tranh hai quả tim vàng”. Tuổi trẻ mà, ai chả có những phút bồng bột và viển vông như thế.
Ngày đó, hai đứa ở trọ tận Bukit(1) Panjang, tít trên đồi cao đúng như tên gọi. Xung quanh toàn những đoạn đường đèo thả dốc và rừng cây bảo bọc mọi lối đi, đến khi muốn lên khu rừng trung tâm phải ngồi MRT cả mấy tiếng đồng hồ. Nhờ vậy mà tiền trọ không quá đắt đỏ. Có điều, xa khu náo nhiệt nên hầu như hai đứa cứ quẩn quanh nhau, xem người còn lại là cả thế giới giao tiếp duy nhất. Cuộc sống du học sinh chỉ có những ngày sống trong căn hộ chung cư, nhìn qua song cửa và đếm mưa rớt xuống đời một cách miên man. Những đêm 2 giờ sáng, buồn đến ngột ngạt trong gian phòng xa xứ, đành kiếm cớ bước bộ ra 7 -Eleven mua vội ly mì rồi ngồi bên vệ đường húp xì xụp sau ngày đói lả, nhìn ánh đèn xe vụt tắt băng qua. Đến một ngày, P bảo: “Anh không thể sống như vậy mãi.”.
(1). “Bukit” trong tiếng địa phương có nghĩa là “đồi”.
Em nhớ ngày P bỏ đi, em cũng khóc. Giọt nước mắt của tình yêu đầu đời bao giờ cũng ngọt lành và trong trẻo đến lạ. Em vẫn còn mơ mộng, cứ tưởng mình là công chúa chưa mang vừa hài cổ tích để đuổi theo kịp một bóng dáng rời đi. Lọ Lem cuống quít giữa đời hẫng nhịp, chuông điểm 12 giờ, tỉnh dậy với thực tại, thủy tinh vỡ rồi, ai nối lại cho em?
Còn bây giờ, nước mắt trên má lăn dài, mặn chát và đắng ngắt. Lần này, khóc vì anh. Em, cũng qua rồi thời trẻ con tin vào cổ tích, đã biết hiểu rằng cuộc sống này chẳng cho tròn một mơ ước của ai. Thủy tinh trên tay, chẳng thể thành hài, mà ghim đầy tươm máu cả rồi, anh ạ.
❖
- Em có giữ anh ấy lại không? - P hỏi, khi hai đứa vắt vẻo trên khung dây leo tròng trành phía cao, nhìn sao trời soi qua kẽ tay.
- Có giữ cũng chẳng được gì, khi người ta đã muốn rời đi. Anh hiểu hơn ai hết mà.
P mỉm cười, bảo:
- Dù em có vẽ một vòng tròn thì cũng phải chừa một chấm nhỏ trên đó để còn đường lui, chứ khép kín hết làm chi để rồi luẩn quẩn không thoát ra được. Đâu có ai cầm compa trong một mối quan hệ để tính toán vòng tròn có liền mạch hay đứt đoạn, cớ gì em tự đóng kín mình trong đó để nỗi buồn không thể len lỏi mất đi.
- Thì chấm nhỏ của em là West Coast đây nè.
Cảng biển West Coast là nơi ngày xưa P thường dắt em đến mỗi khi hai đứa chẳng còn chốn nương náu nổi tâm trạng. Nằm sát cửa biển, một bên là cửa hàng McDonald’s mở cửa 24/24 tấp nập người, nhưng phía sau là cả bãi cát dài vắng lặng mặc sức thả rơi nỗi buồn thấm tan vào đất. Ở nơi đó có hẳn một giàn lưới kết từ những dây thừng đan chéo đan chồng, tạo thành tháp dây cho bọn trẻ leo trèo hiếu động. Nhưng với những “đứa trẻ lớn xác” như em thì cạn nỗi lòng. Nhiều đêm em đã trèo đến tận đỉnh trên cùng của tháp dây, hai tay bầm đỏ vì bám chặt vào các sợi thừng, chỉ để nằm dài trên những đoạn dây, nhìn lên bầu trời nhấp nháy tinh tú. P nằm cạnh bên, thiếp ngủ từ lúc nào. Sao trời li ti rớt sáng xuống gương mặt P lúc tỏ lúc mờ, như những giọt nước mắt loang loáng ẩn hiện. Bất giác, em đưa tay sờ lên mặt mình, tự nhủ có ánh sao nào rơi xuống gò má để khóc giùm nỗi buồn của đứa con xa xứ hay không?
❖
Còn đêm nay, chẳng cần thứ ánh sáng ấy, mắt em cũng đã long lanh. Giữa những sợi thừng kết thành giàn lưới cao, em ngước nhìn những vì sao và khóc một cách vô dụng nhất. Anh đi rồi.
Giọng P vẫn thủ thỉ bên tai: “Để anh đưa em về nhà. Ngủ sớm đi. Ngày mai mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Đừng buồn nữa.”
Em chỉ biết bật cười, thấy khóe môi ướt đắng nước mắt.
Buồn đâu có hướng mà tự nhiên cứ hay buồn ngang xương.
Vui đâu có định lượng mà cạn queo hết vui trong tích tắc.
Mắt đâu có liên đới tới việc điều khiển tứ chi mà mới chớp mắt, mình đã rời tay.
Ngày mai đâu có biết trước thế nào mà hễ việc gì cũng trấn an dặn lòng “Ngày mai nắng lên, mọi chuyện sẽ ổn cả”.
Đôi lúc, em thấy mình vô dụng quá trong mối quan hệ này. Đã không giữ được anh ở lại chí ít cũng phải giữ được nước mắt đừng rơi. Cứ rấm rứt khóc như một đứa trẻ, nhưng anh đâu về mà dỗ nín được cho? Có những thứ không thể hoang phí vô tội vạ, nhất là nước mắt. Bởi mắt nhòe rồi thì làm sao thấy đâu là phía ánh sáng để quay nhìn Mặt trời, nhờ hong khô giùm những nỗi buồn ướt nhem?
Nhưng em biết làm gì hơn, khi tất cả lẽ sống nơi này, anh đã gom cả vào hành lý mang theo, chẳng để lại bất kỳ điều gì, ngoài thứ cảm giác duy nhất còn sót trong em là “nhớ đến phát khóc”.
❖
- Tại sao luôn là như thế? Những người có thể khiến chúng ta cười tươi nhất lại là những người rất biết cách lấy nước mắt của chúng ta? - Em hỏi P khi ngồi trên MRT về nhà.
- Nhưng ít ra em còn có thể khóc. Nỗi buồn lớn nhất không phải là khi em khóc vì một người đã đi về khác lối, mà là khi đến cả nước mắt cũng không thể rơi xuống cho nhau nữa rồi. - P buông dài trên ghế, mông lung nhìn qua những chấn song chạy vụt bên ngoài đường tàu điện ngầm hắt sáng hắt tối.
- Như là nỗi buồn của em bây giờ, không còn dành cho riêng anh nữa, đúng không? - Em hỏi ngược lại P, thoáng chút xao lòng.
- Riêng dành hay đứt đoạn cũng không còn quan trọng. Bởi sau ngần ấy chuyện, em cần phải khác đi, để đừng chai lì nắm lấy bóng in trên tường cũ - hoài phí đời vốn dĩ đã ít vui. Đừng yêu một nỗi đau!
Tiếng tàu điện leng keng trong đêm, đánh động trong em những xốn xang cho lần buông tay gần nhất. Ngày ấy là P, bây giờ là anh. Thế nên em chỉ sợ đến một ngày, cảm giác mất mát nhất trong em không phải là khi anh rời đi, mà là khi anh trở về nắm lại tay em thì phản ứng tức khắc, em sẽ rụt tay lại để che miệng cười khẩy, chứ chẳng còn thiết tha níu giữ nữa.
Người ta buông tay bỏ đi, mình buồn đã đành. Đến lượt chính mình tự buông tay với những cảm xúc-đã-từng-riêng-dành cho họ, sao cũng buồn đến vô chừng vậy nè, tay ơi? - Em nhìn P, rồi lại nghĩ về anh, rồi lại tự trách bản thân chưa bao giờ hiểu được sự phân định của con tim theo bất kỳ nguyên tắc thời gian, không gian hay phức cảm nào.
Vậy mà tối đó, giấc mơ của em, ngộ thay, không có anh hiện diện. Thay vào đó, là P, là những ngày trẻ hai đứa rong ruổi khắp những con đường ở quê nhà. Giấc mơ đưa em về ruộng muối Sa Huỳnh và cuộc sống mặn đắng đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của diêm dân - những con người cả đời nương mình vào hạt muối. Cũng ở nơi ấy, P đã kể em nghe sự tích hạt muối và nguồn gốc của vị mặn trong lẫn lộn các thứ ngọt - bùi - chua - cay.
Từ khi trần gian chỉ mới biết đến vị ngọt nhờ trồng cây hái trái, chính nỗi đau của cô gái trẻ khóc người mình yêu đã khai sinh ra muối mặn. Một tối tiễn người thương lên đường, khi chàng khuất dáng cũng là lúc cô gục mặt xuống cánh đồng mùa lúa tàn, khóc hết thơ ngây. Sáng thức dậy, thấy xung quanh mình là cả một đống muối trắng tươm được Mặt trời phơi khô, kết tinh từ nước mắt đọng lại của cả đêm khóc suốt.
Em bật dậy, đưa hai tay quệt vội hai gò má ướt đẫm, như một quán tính từ lúc anh đi. Lục lọi tủ lạnh, em rót một ly đầy nước lọc-thật-lọc, xong uống cạn. Em cần phải sống tốt, hay ít ra, sống đủ chất, để cơ thể có đủ lượng H2O mà cung cấp cho tuyến lệ đừng khô. Đôi lúc em thấy mình khờ khạo hết sức. Cố chấp với nỗi đau, kiên tâm với nước mắt, để làm gì?
Vậy mà nếu được chọn lựa, có lẽ em vẫn muốn trở lại lần nữa gặp anh, dẫu sau đó chỉ là những đoạn trường giống hệt như chúng-ta-đã- từng. Nhưng thà đau thêm một lần để biết anh vẫn còn gần và ký ức kia còn thật, hơn là sống lại những ngày tuổi trẻ yên ả mà chẳng có ngọn gió nào thổi qua để em khẽ co vai thèm một vòng tay ấm. Thế nên, vẫn sẽ chọn tương phùng, dẫu sau đó chỉ để làm nối dài tương tư.
❖
Singapore đón em trong nắng sớm chói lòng. MRT chen kín những con người bận rộn và tự kỷ. Ai cũng cặm cụi tay bấm điện thoại hoặc dửng dưng với dây nghe xập xình tiếng nhạc, chẳng buồn ngó đến người xung quanh. Cũng phải thôi, Singapore từng được khảo sát cho thấy là “quốc gia vô cảm” nhất thế giới với đại bộ phận xã hội hầu như lãnh đạm. Khi mức sống càng cao, những giá trị hiện đại khỏa lấp đi nhiều những thiếu thốn truyền thống thì những người độc thân sống một mình riết thành quen, họ không còn như cầu quan tâm đến ai khác. Đôi lúc, họ quên cả cảm xúc thật của chính mình. Như chiếc cầu dao, đưa tay gạt xuống, mọi thứ tắt ngóm trong bóng đêm. Giá mà lúc này em cũng có thể ngắt điện cầu dao cảm xúc trong mình, để bơ đi mà sống như những mặt người, những khuôn cười hệt nhau gặp trên đường mỗi ngày.
Orchard vẫn như thường nhật, hối hả người qua lại. Đường phố tất bật như chẳng hề để tâm bước chân em qua đây chỉ còn lại một mình. Em ngồi bên vệ đường, nhìn đời trôi đi. Từ nay em sẽ đi qua những con đường này không anh, sẽ đối diện với những hỏi han của bạn bè về một người không còn đi cạnh, sẽ sống tiếp, và sẽ sống tốt. Chỉ xin đừng ai đó đến hỏi em rằng: “Đã rừng quen anh?”. Lắc đầu thì tự thấy tàn nhẫn quá, dù sao cũng đã một thời chênh chao vì nhau. Còn gật đầu thì lại thấy thương hại cho một phần ký ức không thuộc về nữa, đến nỗi phải đi xác nhận lại mối quan hệ như thể giành giật chủ quyền trên mảnh đất hoang chẳng ai màng quay lại.
Em biết trả lời thế nào, ngoại trừ cam chịu: “Có, tôi có biết người ấy, như cỏ dại biết gió trời đã từng thổi qua, nhưng giữ lại là điều bất khả.”
Chúng ta rồi sẽ già, nhân sinh chẳng có gì là vĩnh cửu - đến cả nước mắt có rơi rồi cũng đọng khô thành muối mặn đổ vào biển lớn, tan sạch. Này anh, “Cả một trời yêu, bao giờ trở lại?” chắc chỉ có trong nhạc trong thơ.
Truyện ngắn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !