Đại Đường Song Long Truyện
Hồi 547: Binh pháp nhập đao
Người bên phe Bái Tử Đình nhìn thấy đều hoang mang không hiểu. Phương hướng đánh tới của Khấu Trọng là về mé trái, điểm công kích rơi vào vị trí cách Phục Nan Đà đến ba xích. Khí thế của nhát đao lại như thể một đi không trở lại, tuyệt không có khả năng giữa chừng biến chiêu hoặc cải biến phương hướng.
Phục Nan Đà cuối cùng cũng thôi lay động, tập trung tinh thần chăm chú nhìn thế đánh của Khấu Trọng. Lão có cảm nhận khác với những người đứng xem, bởi lão mà không nhìn ra chiêu công của Khấu Trọng thì tất sẽ chịu thiệt thòi. Cao thủ đối trận, sợ nhất là nhìn không rõ thực hư của đối thủ.
Từ Thiên Trúc đến Trung Thổ, lão dựa vào tâm pháp Phạm Ngã Bất Nhị làm người ta không nắm được thực hư của mình mà hoành hành tuỳ ý không bị ai kiềm chế. Hôm nay gặp phải Khấu Trọng, bị gã dùng gậy ông đập lưng ông rất hiệu quả. Phục Nan Đà không thể nắm vững biến hoá của đối thủ để thi triển vô thượng tâm pháp để mê hoặc địch, cuối cùng chính Phạm Ngã Bất Nhị của lão lại bị phá thủng, lộ ra sơ hở.
Lần đầu tiên Phục Nan Đà phát sinh cảm giác bất an không biết nên làm thế nào cho tốt, chỉ còn cách nghiêm trận chờ đợi, xem Khấu Trọng có biến hoá ra sao.
Cự ly ba trượng chớp mắt đã rút ngắn một nửa.
Khấu Trọng lăng không hoán khí, thi triển thuật hồi phi lĩnh ngộ từ thân thủ của Vân Soái, đao theo người biến, trong không trung vẽ ra một đường cong mỹ lệ chém xéo vào Phục Nan Đà. Một luồng kình phong tụ mà không tan, tăng mà không giảm, khóa chết đối thủ vào trong.
Chúng nhân lặng ngắt như tờ, toàn bộ phe Bái Tử Đình đều lộ xuất thần sắc kinh sợ. Trong thiên hạ lại có thân pháp thần kỳ và đao chiêu lợi hại như thế sao?
Đây là lần đầu tiên Khấu Trọng dùng hồi phi thân pháp phối hợp với chiêu Kích Kỳ trong Tỉnh Trung Bát Pháp. Gã lại xuất đao vào lúc khí thế tích tụ đến cực điểm, tạo thành uy thế không thể kháng cự, có thể đánh lui tam quân.
Đứng trước thế công mãnh liệt này, cuối cùng Phục Nan Đà cũng nhìn ra được đao chiêu của Khấu Trọng. Lão đâu ngờ nhát chém đó lại công thẳng đến, không một chút xảo trá. Có điều đã chậm mất một chút, ban đầu lão định ngạnh tiếp, nhưng dưới tình thế mình yếu địch mạnh này thua thiệt là tất nhiên, hơn nữa đao chiêu đánh đến lại vô cùng lợi hại khó mà chống nổi.
Vào lúc đao phong gần công tới nơi, gân cốt toàn thân Phục Nan Đà đột nhiên phát ra tiếng kêu “lách tách” như tiếng nổ khi đốt ống trúc khô, tiếp đó thân hình cuộn thành một quả cầu người mau chóng bắn ngược ra sau.
Quái chiêu như thế, kể cả Khấu Trọng, không ai nghĩ sẽ phát sinh trong lúc đối chiêu.
Nhưng Khấu Trọng như mũi tên đã lắp vào cung, dây căng hết cỡ chỉ chờ phóng ra, tốc độ tăng lên trong phúc chốc, đạt tới vận tốc kinh nhân mà mắt thường khó nhìn rõ, đuổi rát theo “quả cầu” Phục Nan Đà.
Tưởng chừng gã sắp đâm trúng đối phương, bỗng từ trong “quả cầu”, lão phóng vụt ra một cước, mũi chân điểm trúng Tỉnh Trung Nguyệt.
“Choang!”
Một luồng sức mạnh hùng hậu không gì sánh được truyền qua thân đao, chấn cho công thế của Khấu Trọng hoàn toàn biến mất, khí huyết nhộn nhạo, kịch chấn lùi lại.
Phục Nan Đà từ hình dạng “quả cầu người” trở về trạng thái bình thường, bằng một động tác vô cùng đẹp mắt bay là là trên mặt đất chừng ba trượng mới dừng lại. Da mặt lão thoáng tái đi, rồi lại phục hồi vẻ bình thường, song mục ma quang đại thịnh trừng trừng nhìn Khấu Trọng.
Mọi người trông thấy tình cảnh đó không ai dám nói một câu.
Lần đầu tiên Bái Tử Đình có chút hối hận đã chuẩn y cuộc chiến này. Hắn vốn cho rằng đó là cơ hội tốt để đường đường chính chính sát hại Khấu Trọng, nhờ đó lập uy mà cổ vũ lòng quân. Lúc này mới biết Khấu Trọng lợi hại vượt ra ngoài ý nghĩ của mình, gã đã khiến Phục Nan Đà phải chịu thiệt.
Nhưng nhãn lực của hắn cũng cao minh, nhìn ra Phục Nan Đà đã tránh khỏi bị đao khí đả thương, có thể giữ thế quân bình với Khấu Trọng mặc dù để gã chiếm hết thế thượng phong. Nếu không lão tất bại không sai.
Khấu Trọng hoành đao đứng yên, cười rộ rồi hỏi:
- Quốc sư lúc này đối diện với tử vong, không biết có lĩnh hội gì mới về đạo sinh tử hay không? Tại sao không nói ra, cho bọn ta cùng nghe thử kiến giải của ngài.
Mấy câu gã vừa nói ra trong hoàn cảnh này tràn đầy ý vị trào phúng.
Bạt Phong Hàn đang quan chiến, chợt ghé sát tai Từ Tử Lăng nói nhỏ:
- Lão Phục động khí rồi, không thể duy trì cái gì mà Phạm Ngã Như Nhất con bà nó nữa!
Phục Nan Đà lộ xuất một tia tiếu ý tràn đầy sát cơ làm người ta hiểu được đó mới là bộ mặt thực của lão, đoạn lắc đầu nói:
- Người trẻ tuổi thường hay tự mãn. Con người có thể từ tử biến thành sinh, sống có thể biến thành chết. Sinh tử vốn vô thường, thắng bại cũng chỉ là vô thường, chiến đấu không phải chỉ luôn luôn thắng. Thiếu Soái nếu có di ngôn gì, tốt nhất là bây giờ nói ra đi.
Khấu Trọng cười đáp:
- Ta có một di ngôn rất quan trọng, nhưng không cần thiết phải nói lúc này, bởi từ tận đáy lòng ngươi đã cho ta biết rằng ngươi chưa đủ tư cách để giết ta. Hà hà! Quốc sư ngài dường như không để mệnh lệnh của Đại vương vào trong lòng. Đại vương đã nói chỉ cần phân thắng bại là xong. Quốc sư lão nhân gia vừa rồi lại bảo muốn lấy mạng ta, xem lời nói của Đại vương như là gió thổi ngoài tai. Thật là cổ quái!
Phục Nan Đà nghe thế thoáng ngạc nhiên, rồi lập tức tỉnh ngộ, biết bản thân vì động chân nộ nên không thể duy trì tâm cảnh Phạm Ngã Như Nhất, nhưng đã chậm một bước.
Khấu Trọng tưởng như nói cười thoải mái, thực tế lại không ngừng tìm cơ hội khai thác sơ hở của địch nhân. Phục Nan Đà bị nói đúng vào chỗ yếu hại liền tỏ vẻ hơi phân tâm. Gã lập tức phát sinh cảm ứng, không thể bỏ qua liền quát lên:
- Chắc thắng rồi mới gây chiến, đặt mình vào vị trí địch nhân, từ đó nhận biết địch mà giành thắng lợi! Quốc sư đã thua thiệt một lần, lại còn muốn ta lưu lại di ngôn sao?
Đoạn vung đao chém ra.
Mấy câu Khấu Trọng vừa ngâm nga chính là lý luận của Tôn Tử, thiên hạ đệ nhất binh pháp khoáng cổ tuyệt kim. Tuy gã thuận miệng Đông Tây mỗi chỗ nhặt một câu, nhưng kết hợp vào lại thành vừa vặn miêu tả chính xác tình thế trước mắt của đối thủ. Phục Nan Đà tuy biết rõ gã nói thế nhằm phân tâm mình, chỉ là từng chữ đều đúng nên không thoát khỏi bị ảnh hưởng, không thể hồi phục trạng thái như trước.
Bái Tử Đình rốt cục cũng biến sắc. Tên Khấu Trọng này có thể tung hoành thiên hạ không chỉ vì đao pháp cái thế, mà còn vì tài trí kiến thức rất cao minh.
Trong mười ba thiên của binh pháp Tôn Tử, chỉ có năm thiên dài trên chín trăm chữ, nhưng tất cả đều bác đại tinh thâm, nội dung tinh tế. Khấu Trọng tuỳ ý lựa chọn mấy câu đều vô cùng hợp với hoàn cảnh. Có thể thấy gã đã thấu triệt mười ba thiên đó, nắm vững trong lòng bàn tay, lại còn có thể dung nhập vào trong đao pháp.
Tỉnh Trung Nguyệt vẽ ra trong không trung một đường vô cùng huyền ảo làm người ta không thể hình dung. Thoạt nhìn cứ tưởng tầm thường không có gì kỳ lạ, nhưng thực ra ẩn chứa thiên biến vạn hoá. Hai chân chỉ thấy nhẹ nhàng di chuyển vài ba bước, chợt như biến thành thân pháp “súc địa thành thốn” vượt qua gần hai trượng dài. Cảm giác sai lệch về cự ly di chuyển phối hợp với chiêu thức huyền ảo, kèm theo uy thế kinh nhân thiên địa biến sắc, vô luận là người trong cuộc hay bàng quan đứng xem đều cảm thấy đao pháp của gã thần kỳ như thể trời sinh ra sẵn vậy.
Bạt Phong Hàn hét lớn:
- Hay!
Tiếng thét của gã hàm chứa kình lực, vang rền như sấm dậy, người người nghe thấy đều tâm thần chấn động, sực nhớ hắn và Từ Tử Lăng đều là những nhân vật uy mãnh hiếm có tương đương với Khấu Trọng. Bạt Phong Hàn là người đến Tất Huyền cũng không giết được, tiếng thét của gã lại càng làm tăng thêm khí thế cho một đao của Khấu Trọng vốn đã uy chấn thiên hạ.
Đại hành gia ra tay, như trời đất vô cùng vô tận, như biển rộng chẳng lúc cạn khô, khi muốn thì vượt mọi khoảng cách, khi gần thì đánh ngã tất cả. Tuy vẫn là chiêu Kích Kỳ của Tỉnh Trung Bát Pháp, nhưng gã lại phối hợp với thuật hồi phi, lúc này quả thực đã “vượt qua mọi khoảng cách”, đao thế như lôi đình vạn quân chém thẳng vào địch nhân. Có thể thấy ảnh hưởng của Thiên Đao Tống Khuyết đối với Khấu Trọng rất lớn. Nếu không có Tống Khuyết thân hành chỉ điểm, đích thân thuyết pháp, gã tuyệt không thể sử ra Tỉnh Trung Bát Pháp lợi hại tới mức thiên địa biến sắc, thần sầu quỷ khóc như thế. Khấu Trọng lại trải qua vô số lần sinh tử huyết chiến, đơn đả quần đấu, từng từ biên giới của cái chết tìm lại sự sống, đao pháp của gã mới bắt đầu đạt tới cảnh giới quỷ thần mạc trắc như thế này.
Phục Nan Đà cũng thuộc hàng tông sư hiếm có. Đến lúc sinh tử quan đầu, lão thu nhiếp tâm thần, trong không gian nhỏ hẹp thân thể biến hoá thành vô số vị trí hư hư thực thực. Từ hữu thủ chỉ phong xuất ra, tưởng điểm lại không điểm, kỳ ảo đến mức hư thực khó đoán, làm người xem hoa mắt. Chỉ cần Khấu Trọng có một sai lầm, nhìn không ra hư thực của lão thì thế thượng phong có được sẽ như nước chảy đến tận cùng, phải chắp tay mà nhường lại.
Cao thủ giao đấu, quan trọng nhất là thời điểm này.
Tấn công hay, thủ lại càng hay!
Bọn Bái Tử Đình đều lộ vẻ mừng, đồng thanh hô lớn.
Kể cả Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng vừa mới trợ trận cho Khấu Trọng cũng không thể không bội phục thủ thức cao minh của Phục Nan Đà. Chiêu Kích Kỳ trong Tĩnh Trung Bát Pháp của Khấu Trọng lợi hại nhất là bức địch nhân phải ngạnh tiếp. Nếu như muốn phá chiêu này, phương pháp duy nhất là không ngạnh tiếp với gã. Trong tình huống đó, trước hết phải làm Khấu Trọng muốn công không được, bị bức phải giữa đường biến chiêu. Như vậy khí thế của Khấu Trọng sẽ bị khoá chặt. Thủ thức của Phục Nan Đà chính là hàm chứa diệu dụng đó, hư thực khó đoán, làm Khấu Trọng không tìm ra điểm nào để công vào.
Trong lúc hai gã đang thầm than thì Khấu Trọng công thế hoàn toàn tiêu tan, hiên ngang đứng lại cách Phục Nan Đà một trượng, chiêu Kích Kỳ biến thành Bất Công.
Như công nhưng không công, tựa thủ mà chẳng thủ.
Cảm giác từ cực động chuyển thành cực tĩnh ấy gây nên sức chấn động tràn đầy kịch tính.
Người xem hai bên đều lặng yên không một tiếng động, làm cho cảm giác kỳ dị đó càng tăng thêm.
Tỉnh Trung Nguyệt chỉ thẳng vào đối phương, phát xuất đao khí lẫm liệt bức nhân, ghìm chặt đối thủ.
Phục Nan Đà đồng tử thu nhỏ lại, xạ xuất ma quang tập trung cường liệt, hiển nhiên lão phải nhận sự xung kích mạnh mẽ hơn những người đang xem, tâm thần bị áp đảo, không thể duy trì mối liên hệ với cảnh giới “phạm thiên”.
Trong lúc không nắm được biến hoá chiêu thế của Khấu Trọng, lão đành phá vỡ thế thủ, nghiến răng mà tấn công.
Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng đều nhìn đến nỗi mắt hoa thần mê, không tưởng tượng nổi Khấu Trọng có thể đảo lộn thứ tự xuất chiêu, bởi vì trước đây hắn toàn Bất Công trước rồi Kích Kỳ sau.
Bất Công chính là để bức đối thủ từ thủ biến thành công, hoặc từ công biến thành thủ, làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến.
Sử dụng thứ tự chiêu thức theo một cách khác, Khấu Trọng lại một lần nữa đưa Phục Nan Đà vào thế hạ phong, không để cho lão một cơ hội.
Không dựa vào việc không tấn công, mà dựa vào việc ta không có ý muốn tấn công.
Những người nhãn lực cao minh như Bái Tử Đình, Tông Tương Hoa đều lộ rõ thần sắc kinh hoàng.
Phục Nan Đà nhún mình phóng lên, bay tới trên đầu địch thủ. Tứ chi dường như mất hẳn liên hệ bình thường với mình mẩy xương cốt, cuồng mãnh công kích Khấu Trọng như thuỷ ngân chảy xuống đất, không kẽ hở nào không lọt, lăng lệ đến cực điểm, như thể có tới bốn thứ binh khí tập trung toàn lực tấn công gã.
Khấu Trọng cười lớn rồi hỏi:
- Phạm Ngã Bất Nhị của Quốc sư đi đâu mất rồi? không phải là vì sợ hãi khi đối mặt với tử vong nên trốn mất đấy chứ?
Hoàng mang của Tỉnh Trung Nguyệt chợt bùng tỏa, đao thế trải rộng, gã chém lên một nhát nhanh như thiểm điện. Thế đánh ngỡ như tiện tay lại giống như hữu ý, tưởng vụng về mà lại hóa vô cùng xảo diệu. Đây chính là chiêu thứ sáu của Tĩnh Trung Bát Pháp mang tên Chiến Định. Trong thời khắc giữa vô ý và hữu ý, tiêu sái tự nhiên như gió trên đại thảo nguyên thổi tới, đao quang nhanh như chớp giật nghênh đón thế công mãnh liệt tựa cuồng phong bạo vũ của địch nhân.
“Không chắc chắn sẽ không xuất binh, không toàn thắng sẽ không giao chiến, chuẩn bị muôn phần thoả đáng, một trận quyết định toàn cục”.
Chiến Định cùng với những chiêu thức khác đều hoà hợp sâu sắc với chỉ dẫn của Thiên Đao Tống Khuyết, đao thế biến hoá không vết tích, hoàn toàn thi triển trong khoảnh khắc giữa hữu ý và vô ý, lại như ẩn chứa cả pháp quyết “Âm dương ứng tượng, thiên nhân giao cảm” của Ninh Đạo Kỳ.
Tỉnh Trung Nguyệt và thủ cước Phục Nan Đà giao kích, phát xuất âm thanh kình khí giao kích liên miên bất tận.
Phục Nan Đà phát huy Du Già thuật đến cực hạn, trong không trung hết bay lên lại hạ xuống, từ trên cao cuồng công mãnh kích đại địch. Chỉ thấy Khấu Trọng trên thì đao quang lấp loáng, dưới đất thì chân đạp kỳ bộ, mỗi lần di chuyển đều có thể tránh nặng tìm nhẹ, tránh hư đánh thực, ứng phó tự nhiên.
Binh lính Long Tuyền không hiểu đều tưởng Phục Nan Đà giành chủ động chiếm hết thế thượng phong, liền hò hét cổ vũ tới chấn động cả một vùng trời, làm cho không ít thường dân trong thành vội vã kéo đến xem nhiệt náo.
Bạt Phong Hàn hạ giọng:
- Lão Phục đã như cây cung giương hết cỡ rồi, tuyệt không chi trì được lâu nữa. Giờ ta mới hết lo lắng cho Khấu Trọng!
Từ Tử Lăng gật đầu đồng ý. Phục Nan Đà triển khai công thế lăng không đánh xuống, rõ ràng muốn bức Khấu Trọng ngạnh tiếp, hy vọng bằng công lực thâm hậu hơn đối thủ và kỳ chiêu bất tận không dễ đối phó của Du Già thuật, một lượt tiêu diệt luôn Khấu Trọng.
Có điều Tỉnh Trung Nguyệt của Khấu Trọng đã đạt đến cảnh giới tuỳ tâm sở dục. Chỉ thấy gã không hề kinh sợ, khi rời ra khi bám sát, lúc hư lúc thực, lúc thì đâm chém như điên, khi lại tránh nặng tìm nhẹ. Gã dù có nhiều phen kinh động nhưng hoàn toàn không gặp nguy hiểm, chống chọi lại thế công cuồng bạo, khí thế như cầu vồng của Phục Nan Đà. Chiếm được địa lợi, chân gã bước vững trên mặt đất, từng chiêu khống chế thế công từ trên xuống của Phục Nan Đà, tiêu hao rất lớn chân nguyên thể lực của lão, làm nội thương của lão càng thêm trầm trọng.
Khấu Trọng thét lớn một tiếng, át hoàn toàn tiếng hét của Phục Nan Đà, đoạn cao giọng:
- Phép dụng binh, lấy mưu làm chính! Đó là dùng mưu lược trận, trước tiên phải mưu đoạt địa lợi; muốn dùng mưu thắng địch, trước tiên phải dùng mưu đặt bản thân vào thế bất bại. Quốc sư thấy mưu kế trong chiêu này của lão tử thế nào?
Bọn Bái Tử Đình nghe rõ từng câu, tất cả đều kinh tâm động phách. Tỉnh Trung Bát Pháp của Khấu Trọng huyền ảo tinh kỳ, lại kết hợp với lý luận của các nhà quân sự Trung Thổ, lấy binh pháp dùng để quyết thắng cho thiên quân vạn mã ngoài sa trường dung hoà vào trong đao pháp, đạt tới cảnh giới cuối cùng vốn dĩ không ai có thể hiểu thấu của trời đất. Lúc này thấy gã lại thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về dụng mưu sử chiêu, cả bọn không thể không lo lắng cho Phục Nan Đà.
Không một ai mở miệng nói năng, chỉ bất tri bất giác hô hấp khẩn trương.
Phục Nan Đà trong lòng hiểu rõ chiến lược lăng không đánh xuống khó sinh công hiệu, không may là lão lại bị Khấu Trọng khoá chặt ở trên, chẳng thể thoát thân. Đột nhiên tay quyền của lão cong vòng như hình cầu đánh xuống Khấu Trọng, thầm nghĩ bất kể ngươi dùng mưu hay không dùng mưu, đối với một chiêu tưởng chừng đầy rẫy sơ hở nhưng lại không hề sơ hở này, chắc sẽ lâm vào tình trạng có sức mà không thể thi triển được.
Khấu Trọng lập tức lạng người sang ngang, chờ cho lão hạ xuống đất mới lắc đầu nói:
- Quốc sư lại trúng kế rồi! Chiêu đó của ta tên là Dụng Mưu, chú trọng vào việc vững vàng chiếm địa lợi, đâu có phải để tấn công như vậy chứ? Chỉ là thuận miệng nói như thế mà thôi!
Tât cả những người đứng xem đều ngơ ngác.
Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng thì biết chiến sự đã tới giai đoạn kết thúc, bởi không chỉ tâm pháp Phạm Ngã Bất Nhị của Phục Nan Đà bị phá, quan trọng hơn là ý chí của lão cũng đã bị áp đảo, tư tưởng rối loạn, hãm vào tình thế hoàn toàn bị động chỉ biết chịu đòn. Phục Nan Đà không còn khí thế phản kích đến nửa chiêu, thắng bại không do lão làm chủ nữa.
Bái Tử Đình cuối cùng cũng nhịn không nổi, hô lớn:
- Dừng tay!
Phục Nan Đà tức giận phát xuất một tiếng rống kinh thiên động địa, tứ chi giang rộng, mũi chân trái điểm trên mặt đất, toàn thân lập tức xoay tít như con quay, song thủ huyền ảo đánh ra cả ngàn chưởng ảnh, như cơn gió lốc cuộn đến Khấu Trọng.
Đúng vào lúc mũi chân lão điểm lên mặt đất, Tỉnh Trung Nguyệt phát xuất muôn đạo hoàng mang làm người xem kinh tâm động phách, gã quát lớn:
- Quốc sư lần thứ hai chống lại lệnh vua rồi đó! Hãy xem chiêu Tốc Chiến của lão tử quyết định sớm toàn cục.
Trong lúc gã nói, sắc vàng của Tỉnh Trung Nguyệt chợt bừng lên mãnh liệt, một đao đã chém vút ra.
Thời gian và góc độ nhắm rất chuẩn xác, đao phong quán chú tinh thần và toàn thân công lực, kèm theo khí thế thảm liệt một đi không trở lại.
Toàn bộ những người đứng xem đều phát sinh cảm giác nhìn không ra kình khí đánh tới đâu, nhưng lại hiểu rõ đây là thời khắc quyết định thắng thua của trận chiến này.
Ngay khi chiêu thức của hai người chuẩn bị giao kích, Tỉnh Trung Nguyệt của Khấu Trọng trong tư thế tưởng như không thể biến hoá bỗng phát sinh biến hoá, từ chiêu Tốc Chiến của Tĩnh Trung Bát Pháp lại chuyển thành Binh Trá, bảo đao thu về, thân hình lướt theo đao, vọt sát qua mình Phục Nan Đà.
Mọi người kể cả Bạt Phong Hàn và Từ Tử Lăng không ai nhìn thấy việc gì đã phát sinh giữa bọn họ. Chỉ nghe thấy tiếng khí kình giao kích cuồng liệt, hai người xoay tròn tách ra hai phía đối diện.
Toàn trường yên lặng tới mức cây kim rơi xuống đất cũng có thể nghe rõ.
Khấu Trọng đứng vững lại trước tiên, Tỉnh Trung Nguyệt chĩa về phía đối thủ đang cách xa gã năm trượng trên Chu Tước đại nhai gần cửa Nam thành, gã cười lớn rồi nói:
- Dụng binh mà không trá ngụy, giống như có cung mà không có tên, có thuyền mà không có lái. Quốc sư tuy võ công hơn người, tâm pháp độc đáo, nhưng lại không biết đạo dụng binh, không biết đạo lý dũng cảm hay nhát gan là tại phương pháp, thành hay bại là tại trí. Nghĩa là dũng cảm hay nhát gan nằm ở mưu, mạnh hay yếu nằm ở thế. Mưu đạt việc thành thì làm người dũng, mưu hỏng thế mất thì làm người nhát gan giả dũng cảm.
Câu này gã nói ra trong lúc đao pháp bát diện uy phong, quả thực có khí thế duy ngã độc tôn, thành bại nắm chắc trong tay.
Phục Nan Đà cuối cùng cũng hết xoay vòng, quay lại đối diện với Khấu Trọng, tả thủ đơn chưởng giữ ở trước ngực tạo thành thế thủ Vấn Tấn, hữu thủ vẫn để sau lưng. Vẻ bề ngoài không để lộ chút thương thích nào mà lão vừa phải chịu.
Nhưng những cao thủ như Từ Tử Lăng, Bạt Phong Hàn, Bái Tử Đình đều hiểu rõ lão đã thua đứt trận này.
Nhãn thần hai địch thủ chạm nhau, trong chốc lát nhìn đối phương không chớp.
Lời Khấu Trọng hoàn toàn không phải khoa trương bản thân mà là một bước đả kích đấu chí của Phục Nan Đà, làm lão không cách nào gom nốt chút sức tàn khi hấp hối mà phản công.
Tuy khoảng cách hai bên lên đến hơn năm trượng, nhưng mọi người đang xem bất kể võ công cao thấp đều cảm thấy bảo đao của Khấu Trọng khoá chết Phục Nan Đà vào trong, lúc nào cũng có thể trong nháy mắt như điện chớp vượt qua cự ly này đánh một đòn đoạt lấy mạng lão.
Thân hình Phục Nan Đà bỗng nhiên run rẩ phục trước ngực rã ra từng mảng. Chỗ tâm tạng xuất hiện một vết cắt, máu tươi ứa ra. Hai mắt bừng bừng lấp lánh quái dị, lão lạnh lùng nói:
- Hảo đao pháp! Nhưng ngươi vẫn chưa đủ tư cách lấy mạng người tinh thông phép sinh tử của Du Già thuật đâu. Một đao này sẽ có ngày ta trả lại cho ngươi. Đại vương, xin cáo biệt!
Dứt lời, lão quay mình phóng nhanh về phía cửa Nam thành.
Bái Tử Đình không hề yêu cầu lão dừng lại.
“Choang!”
Khấu Trọng tra đao vào vỏ, phát ra một tiếng ngân vang rền, làm mọi người ở đó đều cảm thấy trái tim như bị đánh một chuỳ thật nặng. Cảm giác khó chịu và bất an khác nhau tuỳ vào công lực từng người.
Từ Tử Lăng nghe thấy, tâm lĩnh thần hội. Đúng là nhà gần miếu tất biết cúng thần. Tiếng ngân vang đó đích thực là biến tấu từ Chân Ngôn ấn pháp của gã, chỉ khác là được sử ra tràn đầy sức mạnh sát thương.
Nhìn thì tưởng chiêu đó đơn giản, thật ra đã được Khấu Trọng toàn tâm toàn ý phát động, quán chú toàn bộ tinh thần gã, nếu không đã không thể tạo thành âm thanh chấn nhiếp toàn trường như vậy.
Phục Nan Đà nghe tiếng ngân của đao, thân hình chấn động kịch liệt rồi dừng lại. Trên mặt xuất hiện thần sắc cực kỳ cổ quái.
Bái Tử Đình than dài rồi nói:
- Quốc sư cứ an tâm đi đi. Bái Tử Đình ta sẽ tuyệt không phụ lòng kỳ vọng của ngài đâu!
Quân dân Long Tuyền giật mình kinh hãi, lúc này mới biết Phục Nan Đà không chỉ trúng đao thảm bại, hơn nữa còn bị thương rất nặng.
Phục Nan Đà tủi hận nhìn Khấu Trọng trừng trừng, tiếp đó nhãn thần trở nên ảm đạm, khoé miệng ứa máu nhỏ ròng ròng xuống đất.
Trước cả ngàn ánh mắt nhìn chăm chú, vị võ học đại sư người Thiên Trúc này từ từ gục xuống.
Kể cả Bái Tử Đình, toàn bộ quân dân Long Tuyền ngây ngốc như gà gỗ, không thể tin nổi thi thể đang nằm bất động trên Chu Tước đại nhai kia lại là Phục Nan Đà.
(Hết hồi 547).