Đạo Mộ Bút Ký Chương 11

Chương 11
Đầu người

Từ lúc chúng tôi vào núi đến giờ, trừ phần thịt rừng ông già dẫn đường đưa cho ra, thức ăn của chúng tôi toàn là lương khô khó nuốt, mà mớ thịt rừng còn chưa ăn được miếng nào đã bị đám khỉ phá hỏng, bây giờ vẫn còn thèm thuồng, lúc lão Dương nhắc đến cá, tôi dù ngoài miệng nói thôi, thực ra trong lòng đã bắt đầu nôn nao, lại còn tưởng tượng lại cảnh được ăn lẩu đầu cá trên biển lần trước.

Nhưng nhát dao chết tiệt này đã làm tan nát mộng đẹp của tôi. Tôi thấy hình ảnh cái đầu máu me be bét dính đầy dịch tiêu hóa kia trôi nổi giữa nồi lẩu đầu cá trong mộng, một cảm giác buôn nôn xông thẳng lên cổ họng, gần như muốn phun luôn ra ngoài.

Lão Dương ngày thường cũng gan lỳ, nói đến người chết, hắn dù chưa gặp đến ngàn người thì ít ra cũng được tám trăm, nhưng thấy tình cảnh như vậy cũng tái mặt, nửa ngày cũng chưa bình tĩnh lại được.

Cố nén ghê tởm, tôi dùng dao găm xoay ngược cái đầu lại, chỉ thấy lớp da trên mặt đã có dấu hiệu thối rữa, nhưng cái đầu hầu như vẫn còn tương đối nguyên vẹn, hẳn là mới bị nuốt cách đây không lâu, lúc con cá ăn cái đầu này chắc là có nhai vài cái khiến nó hơi bị biến dạng, tình trạng khuô n mặt hầu như không thể diễn tả bằng lời, cũng chẳng thể đoán ra được rốt cuộc là ai.

Người này vào bụng cá chưa được bao lâu, có thể nói là hắn chỉ vừa mới chết gần đây thôi.

Tôi một tay che mũi, một tay dùng dao găm gạt những thứ chảy ra từ bụng cá sang hai bên, muốn xem thử những bộ phận khác của người này ở đâu. Rất nhanh tôi đã tìm được bàn tay và một khối thịt, cũng đã bị ăn mòn ít nhiều, không cách nào đoán ra được thân phận quê quán của người này.

Tôi tiếp tục gạt thêm vài thứ nữa, liền tìm được hành lý của chúng tôi bị nó nuốt vào, đồ đạc bên trong bị lẫn cùng với đủ thứ bẩn thỉu trong bụng cá, trừ những thứ không thể vứt đi, tất cả còn lại đều bị ném sang một bên không thương tiếc. Lương khô tuy được cẩn thận bọc kín trong bao nilon, nhưng tôi thật sự không thể nào thuyết phục bản thân ăn cho nổi.

Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy giữa đống nhầy nhụa có thứ gì đó màu đen, tôi còn chưa kịp lôi hết nó ra, lão Dương đã la lên: “Khỉ chứ, là ‘Phách tử liêu’.”

Tôi không biết Phách tử liêu là cái quái gì nên cho rằng đó lại là tiếng lóng hắn học được từ trong tù, bèn rút ra xem thử, hóa ra là một khẩu súng ngắn tự chế, loại súng này đã lỗi thời lắm rồi. Nó thực ra chính là súng săn đem cưa ngắn hai nòng rồi sửa phần báng súng thành kiểu của súng lục. Với hai nòng súng có thể bắn được hai lần, nhưng không tự đẩy vỏ đạn ra được, cần phải lấy vỏ đạn ra mới lắp được đạn mới vào, cho nên súng này đem ra đối phó với nhưng con thú nhỏ không có khả năng tấn công thì còn được, chứ gặp phải những con thú cỡ lớn, một phát mà không hạ gục được nó, chờ cho anh nạp xong đạn để bắn phát thứ hai thì cổ đã bị cắn đứt rồi. Mặt khác, khẩu súng này ở cự ly gần có uy lực khủng khiếp, nhưng vượt quá cự ly hai mươi mét thì đến chó cũng bắn không chết, thật ra thì không thể nào đem ra so sánh với súng lục chính thống được.

Tôi rút khẩu súng ra, chà xát lên mặt đất cho sạch hết những thứ dính trên đó rồi mới cầm lại xem. Mở nòng súng ra kiểm tra thì thấy bên trong có hai viên đạn, dưới báng súng có gắn một hộp đạn bằng sắt, bên trong có tám viên, bốn xanh bốn đỏ, không biết là loại đạn gì.

Có khả năng người này đến đây săn trộm, vô tình phát hiện ra động này nên muốn vào xem thử, kết quả là làm mồi cho cá. Khẩu súng này có thể là do lúc cá ăn thịt người thì nuốt vào theo, đúng thật là xui xẻo, ai mà ngờ cho được trong này lại có con cá ăn thịt người lớn đến vậy.

Súng là thứ tốt, vào lúc khẩn cấp có thể dùng để phòng thân, có điều đạn quá ít ỏi. Lão Dương sau khi đã moi ra hết trang bị của chúng tôi lại chọc ngoáy trong bụng cá một hồi nữa nhưng cũng chẳng tìm ra thêm được gì. Tôi nhìn cơ thể con cá, thấy ngoại trừ những vết thương do hai người bọn tôi gây ra còn có một vài vết đạn nhỏ, nghĩa là con cá này đã bị thương trước khi tấn công chúng tôi, chẳng qua nó chỉ trúng đạn ghém, lực sát thương quá nhỏ không thể gây cho nó vết thương chí mạng.

Lão Dương thấy con cá kỳ lạ, bèn hỏi tôi: “Lão Ngô, cậu nói xem ở chỗ này sao lại có cá ăn thịt người, hay là do có người nuôi nó ở trong này?”

Tôi nói với hắn: “Không phải đâu, tôi thấy dưới mặt nước trong thạch đạo này còn có dòng chảy khác nối liền với mạch nước ngầm ở gần đây, mà mạch nước ngầm vùng này thường hợp với sông Gia Lăng, con cá này hẳn là từ ngoài sông bơi vào đây.”

Lão Dương nói: “Không đúng, mấy ngàn năm trước làm gì có thiết bị lặn, bọn họ làm cách nào mà đào đường ngầm dưới nước được?”

Tôi thấy lão Dương rất có hứng thú với chuyện này, bèn giải thích: “Đây không phải là đào nên, tôi đoán là được hình thành từ sự biến đổi nào đó thôi.”

Hồi còn học kiến trúc tôi có có môn cơ học tự nhiên dạy về kết cấu địa chất. Trong đó có nhắc đến, do vận động tạo sơn vào đại Thái Cổ (Liên đại Thái Cổ (Archean, Archaean, Archaeozoic, Archeozoic) là một liên đại địa chất diễn ra trước liên đại Nguyên sinh (Proterozoic), kết thúc vào khoảng 2.500 triệu năm trước), bên trong các loại loại núi đá nham thạch thường xuất hiện các khoảng rỗng, gọi là nham mạch. Nếu nham mạch nối liền với khe núi, rất có khả năng tồn tại cả một hệ thống dòng chảy ngay trong lòng núi. Trong trường hợp đào hầm mỏ, nếu đào đến những chỗ đó thì có thể gặp phải sự cố nghiêm trọng, nhẹ thì phải bỏ một vài đoạn đường hầm, còn nặng thì tất cả bị nước dìm sạch.

Chỗ này là động khai thác đá, thường không được bố trí đường hầm thoát nước, bị nhấn chìm như thế này có thể cũng là do gặp phải sự cố như vậy.

Nhưng mà, từ đó chúng tôi có thể suy ra được, quy mô của động khai thác đá có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi đã thấy, chẳng qua là vì bị ngập cả dưới nước nên có nhìn cũng chẳng thấy được bao nhiêu. Dùng đến nhiều đá như vậy, xem ra quy mô của cổ mộ chúng tôi đang tìm không thể nào là nhỏ được.

Chúng tôi đẩy cả xác cá lẫn đầu người vào trong nước, nhưng cái mùi kia quả thật là chịu không nổi, cả hai nghỉ ngơi không bao lâu, thấy quần áo đã tạm khô, chúng tôi chỉnh trang quần áo lại lần nữa, đem toàn bộ những thứ cần thiết cất vào trong túi rồi vội vàng xuất phát.

Lão Dương mở đèn pin dẫn đường phía trước, hai người một trước một sau đi sâu vào thạch đạo.

Bên trong cũng tối đen như mực, tượng người, động vật bằng đá nằm ngổn ngang trên đường, vách tường hai bên gồ ghề, vết nứt dày đặc, có đôi lúc còn có thể thấy phù điêu chạm khắc đá chưa được hoàn thành.

Mấy thứ này cái nào cái nấy đều rất lớn, tôi không khỏi thắc mắc những khối đá ở đây được vận chuyển đến cổ mộ như thế nào.

Dựa theo những tài liệu mà ông Tề đưa cho tôi, lãnh thổ của Xà quốc cũng không lớn, phần lớn là miền núi, sống chủ yếu d a vào săn bắn, lực lượng sản xuất tương đối lạc hậu, hẳn là không có khả năng vận chuyển đá đến nơi xa xôi được. Để thuận lợi cho việc vận chuyển, cổ mộ hẳn là ở khá gần nơi này.

Cái động vừa nãy chúng tôi vào là do kẻ trộm mộ phá đá tạo thành, vậy có thể nói cửa ra của thạch động này hẳn là ở bên kia, chẳng lẽ chỉ đi qua một đoạn như vậy là đã tới được cửa vào lăng mộ?

Tuy nhiên cũng có không ít người vì che giấu vị trí mộ mà cố ý chuẩn bị vật liệu ở rất xa, nếu thật vậy thì chúng tôi cũng không thể chắc chắn được bao nhiêu.

Chúng tôi đi sâu vào trong khoảng chừng nửa giờ, bốn bề tối đen như mực, đèn trong tay lão Dương đã gần hết pin, bắt đầu mập mờ, tôi cũng đã cảm thấy mệt liền bảo hắn dừng lại thay pin, sẵn tiện làm điếu thuốc cho lên tinh thần.

Chúng tôi ngồi bệt trên mặt đất, đèn pin để ngay bên cạnh chiếu vào mấy bức tượng người giống hệt như thật. Lão Dương liền hỏi tôi: “Mấy bức tượng này, mỗi cái đều được điêu khắc giống hệt như thật, nhìn sợ chết được, cậu nói đây là thuộc triều đại nào? Sao mà đến một điểm đầu mối tôi cũng không thấy?”

Tôi cũng chẳng hiểu gì như hắn, lịch sử ngành điêu khắc của Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa và được lưu truyền rộng rãi, từng có một khoảng thời gian dài dung hòa với kho tàng văn hóa của Ấn Độ cổ đại, nhưng chủ yếu là lấy thủ pháp tả thực để thể hiện lên tác phẩm. Trong trí nhớ của tôi, thủ pháp này đã từng xuất hiện một lần, đó chính là tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thế nhưng tượng đá ở đây hoàn toàn không giống với tượng binh mã, thật sự là rất khác biệt.

Hơn nữa trên người những tượng đá này đều có đặc điểm nổi bật là hoa văn rắn hai thân, nhất định là thuộc phạm vi văn hóa của Xá tộc cổ đại, cho dù đường hầm này có thuộc về cổ mộ chúng tôi muốn đến hay không thì hiện giờ chúng tôi cũng đã tiến vào lãnh thổ của Xà quốc cổ đại, tuyệt đối không sai.

Lão Dương nói nhiều kinh khủng, vừa hút thuốc vừa hỏi này hỏi nọ, tôi bị hỏi tối tăm mặt mũi, bèn bảo hắn đừng có cái gì cũng đè đầu tôi mà hỏi, tôi cũng đâu phải là dân khảo cổ, chúng tôi cứ việc lấy đồ rồi biến, còn nghiên cứu nọ kia thì cứ để cho mấy ông giáo sư già đi mà làm.

Sau khi thay pin, vừa đi được mấy bước liền thấy phía trước có ánh sáng phản xạ lại, quả nhiên đằng trước là một mặt thạch bích, cuối thạch đạo là một căn phòng đá cỡ vừa, bên trong có không ít tượng người đá không đầu vỡ vụn nằm ngổn ngang, bốn phía có đèn đá, giữa phòng có đặt một cỗ quan tài bằng đá.

Quan tài rất lớn, trên nắp quan có khắc hình rắn hai thân, hai thân rắn chia ra quấn chặt hai bên quan tài, nét điêu khắc vô cùng tinh tế, nhưng phần đuôi rắn rõ ràng vẫn chưa được hoàn thành, chỉ mới khắc ra vài nét cơ bản sơ sài.

Chiếu đèn pin lên thì thấy loại đá làm quan tài hiện lên một màu trắng hơi mờ giống như mỡ đặc, nắp quan không được đậy khít, để lộ ra một khe hở khoảng bằng cánh tay. Quan tài được đặt trên quan sàng, xung quanh không còn có bất cứ thứ gì.

Xem ra đây là một quan tài bồi táng, có thể là thừa ra sau khi nhập liệm, hoặc là chuẩn bị để dự phòng rồi vứt luôn trong này.

Nhưng sao thạch đạo dài như vậy lại chỉ thông đến nơi này, tôi thấy buồn bực vô kể, không thể như vậy được, chỗ này rõ ràng là nơi vứt sản phẩm không hoàn thiện, không hề có lối ra, hai đầu thạch đạo này đều bị chặn, chẳng lẽ đường vận chuyển đá chính là dòng chảy sâu dưới mặt nước chỗ chúng tôi đi qua ban nãy? Hoặc cũng có thể trong căn phòng đá này có lối đi bí mật?

Nếu cửa vào ở dưới nước thì không ổn tí nào, tôi thầm nghĩ như vậy.

Trong căn phòng đá này không có thứ gì là không kỳ quái cả, tôi với lão Dương xem xét xung quanh hết một lượt, cuối cùng chạy đến bên quan tài đá.

Lão Dương lần đầu tiên thấy quan tài, rất háo hức, đi vòng quanh hai vòng mới hỏi tôi: “Trong này có bánh tông không?”

Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Không có đâu, trước giờ chưa từng nghe nói đến chuyện nhập liệm rồi lại tiếp tục điêu khắc quan tài, đây là quan tài rỗng.”

Lão Dương nhìn qua khe hở của quan tài, còn rọi đèn pin vào bên trong, nói: “Nhưng hình như có thứ gì đó được đặt trong này? Không tin cậu cứ lại đây mà xem.”

Tôi đi đến bên cạnh hắn, vừa nhìn sơ qua, quả nhiên qua khe hở của quan tài, tôi nhìn thấy một bóng đen nằm bên trong, nhưng đó là gì thì hoàn toàn không thể nhìn ra được.

Lão Dương thổi sạch lớp bụi trên nắp quan tài, gõ gõ vài cái, định đưa đèn pin vào trong khe hở để soi cho rõ, nhưng cái đèn pin chúng tôi mua có phần đầu quá lớn, thử cả nửa ngày cũng không nhét vào được, hắn hỏi: “Có muốn mở ra xem một chút không?”

Tôi cảm thấy có chút bất thường, trước đây mỗi lần mở quan tài luôn có người ở bên cạnh, mà mấy người đó toàn là dân kỳ cựu, bây giờ chỉ có một mình tôi, đến một chút tự tin cũng không có nổi, tôi lắc đầu: “Chuyện này có vẻ không bình thường, tôi có cảm giác không hay, đừng tùy tiện mở nó ra.”

Còn chưa dứt lời, lão Dương bỗng nhiên rụt tay lại lui về sau mấy bước, ngã bệt xuống đất, đèn pin văng khỏi tay lăn ra xa.

Tôi bị hắn làm cho giật mình, vừa định hỏi hắn có chuyện gì, tay đột nhiên lạnh ngắt. Tôi cúi xuống nhìn, chỉ thấy một bàn tay khô trắng bệch chẳng biết từ khi nào đã vươn ra khỏi khe hở của quan tài, nắm chặt cổ tay tôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t64196-dao-mo-but-ky-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận