Vào những năm ấy, phong trào khảo cổ và trộm mộ đang đến hồi cao trào, hàng tá các đội thám hiểm nước ngoài đổ xô về châu Á, hòng kiếm chác chút đỉnh từ phát kiến vĩ đại trong đợt khảo cổ lần thứ hai này.
Bấy giờ, ngành khảo cổ dưới biển của Trung Quốc gần như là một con số không tròn trĩnh. Phải trơ mắt nhìn cơ man là quốc bảo bị người ta vơ vét sạch, người trong giới khảo cổ Trung Quốc sao không nóng lòng cho được. Có mấy vị giáo sư già cùng nhau kiến nghị lên cấp trung ương, đề xuất thi hành các giải pháp, nhưng về sau do hoàn cảnh bức ép, đòi tiền chẳng có tiền, đòi người chẳng có người, rốt cục đành giật gấu vá vai lập ra vài “đội khảo sát”. Trong số đó có một đội được phái về Tây Sa, đó chính là đội do Văn Cẩm phụ trách.
Chuyện chú Ba không thể ngờ được đã xảy ra ngay trước khi đội khảo cổ lên đường khoảng chừng một tháng.
Lúc ấy, chú Ba đang lo liệu giúp Văn Cẩm một số trang bị dùng dưới đất, cùng với mấy thứ như máy bơm, thiết bị lặn. Những thứ này cấp trên có chịu trách nhiệm gì đâu, toàn do chú Ba một tay thu xếp hết. Một ngày nọ vào giữa trưa, khi chú Ba đang bận rộn điều chỉnh thử thiết bị, thì bỗng thấy một cậu học trò tiến tới, bảo rằng bên ngoài có người tìm chú.
Chú Ba thầm lấy làm kỳ lạ, có mấy ai biết dạo này mình xây ổ ở đây đâu, vậy người kia là ai? Đến lúc đi ra ngoài trông thấy người nọ rồi, chú liền không khỏi sững sờ.
Người đó họ Giải, tên Giải Liên Hoàn, hẳn là lấy từ câu “Oán hờn ôm mãi chẳng nguôi. Than sao người thương nỡ đoạn tuyệt, tin xa diệu vợi. Dẫu tay thần gỡ tương tư liên miên, như gió tan mưa tạnh vẫn còn bảng lảng sương mây”[1] đấy. Đó là anh em đằng ngoại nhà chú Ba, tính ra thì có thể coi như là ông chú họ xa của tôi, vì cùng sống ở Trường Sa nên bình thường vẫn tới chơi, nhưng cũng không thường xuyên lắm.
Năm ấy, đối với chuyện này mà nói, đám chú Ba thì vẫn còn quen biết sơ sơ, chứ các cụ đời trước thì chỉ có ngày lễ ngày tết mới họp mặt một chốc, lễ nghĩa cứ gọi là nhạt như nước ốc. Loại họ hàng như vậy lại đột nhiên đến tìm, khiến chú Ba có phần bất ngờ.
Có điều, họ hàng đã đến thăm thì tất nhiên là không thể lạnh nhạt, cũng không tiện hỏi luôn mục đích đến đây của người ta. Chú Ba bèn hoãn việc đang làm dở lại, hàn huyên với gã một lát rồi kéo gã ra ngoài quán ăn cơm. Đến khi được độ nửa tuần rượu, chú mới hỏi gã tìm đến đây có chuyện gì.
Nhà họ Giải cũng là loại thế gia vọng tộc, anh em cả thảy những sáu người, còn đông hơn cả nhà ông tôi, đã như vậy thì chắc hẳn không phải là túng tiền rồi. Gã đã đến tìm chú Ba, tất nhiên phải có việc cần giúp đỡ, hơn nữa phải là việc gì đó đặc biệt lắm, bằng không làm gì có chuyện bọn họ không thể tự dàn xếp được cơ chứ.
Gã Giải Liên Hoàn kia õng ẹo một lúc lâu mới kể cho chú nghe, rằng thực ra cũng chẳng có chuyện gì to tát, chỉ là gã tính nhờ cậy mối quan hệ của chú, muốn xin một chân trong đội khảo sát của Văn Cẩm để ra biển xem xét một chút.
Chú Ba nghe xong liền cảm thấy có điều gì đó bất thường. Văn Cẩm xinh xắn đáng yêu, ai ai cũng quý mến, vì nhà họ Giải cũng là thân thích nên ít nhiều có quen biết nhau. Thế nhưng Văn Cẩm thái độ rất kín đáo, quen thì quen, nhưng quan hệ chẳng mặn mà thân thiết gì, càng không thể nói chuyện ngày thường tìm gặp nhau chơi. Thế mà không hiểu sao gã Giải Liên Hoàn này lại tự nhiên đưa ra cái yêu sách không biết điều như vậy, nhất định là có ý đồ rồi. Chú lập tức lắc đầu, hỏi: “Cái gì mà ra biển xem xét, chú muốn xem làm gì? Đi Hàng Châu mà xem không được à?”
Giải Liên Hoàn khó xử vò đầu, nói rằng chuyện này gã không thể kể được, nếu cứ nhất định phải biết, thì cứ coi như là gã hiện đang có một mối làm ăn ở ngoài đó đi. Gã cũng chỉ là được người ta nhờ vả thôi.
Chú Ba lại hỏi gã sao không tự đi mà tìm cách xoay sở đi, thuê một con thuyền đánh cá nào có đắt đỏ gì cho cam. Gã bèn phân trần, hiện giờ Trung Quốc với Việt Nam đang đối đầu về quân sự, khu vực Tây Sa kia là địa điểm vô cùng nhạy cảm, không có giấy phép của biên phòng thì tàu bè bình thường không thể ra vào được đâu, cho nên mới nhờ chú Ba gi úp cho một bận, trà trộn vào đội khảo sát thì làm ăn gì cũng tiện, mà cũng tuyệt đối không làm ảnh hưởng gì đến Văn Cẩm.
Chú Ba càng nghe càng thấy quái lạ. Đặt gã thổ phu tử này vào chung với Tây Sa, nghĩ thế nào cũng thấy thật kỳ cục. Nói là có mối làm ăn, nhưng cái xứ Tây Sa đó thì có cái khỉ gì mà làm với chả ăn? Nói thật, ngoài đó ấy mà, chỉ rặt toàn nước với cát thôi, cùng lắm thì thêm mấy con tàu đắm. Mà muốn xuống coi tàu đắm thì cần quái gì phải ra tận Tây Sa, cứ đến Ninh Ba với biển Bột Hải là được. Hơn nữa, thời ấy nhà họ Giải cũng tính là loại có máu mặt, là gia tộc lâu đời tồn tại đã mấy trăm năm, không thể tự nhiên sa sút đến nỗi phải đi mò hàng dưới biển chứ?
Giải Liên Hoàn kia thấy chú Ba có vẻ khó xử, liền nói nếu không được thì thôi vậy, gã đành nghĩ cách khác.
Lúc ấy nếu mà là tôi, thấy gã nói vậy đảm bảo sẽ thở phào một hơi, thuận theo thời thế mà chối phắt luôn cho nhẹ nợ. Khổ nỗi chú Ba lại không nghĩ thế. Chú vừa nghe vậy, liền nhủ thầm không được rồi, chuyện này còn có điều kỳ quặc, nếu mình cự tuyệt thì thằng oắt này sẽ nghĩ cách khác thật luôn, mà cái ngữ nhà nó chẳng phải hạng công dân lương thiện gì, đến lúc đó nhỡ nó làm trò gì quái đản thì thật khó đề phòng. Giờ mình đã xây dựng được quan hệ với Văn Cẩm, không thể để cho nó phá thối, thôi thì cứ điều tra xem rốt cuộc là nó đang làm cái trò gì.
Vì vậy, chú bèn nói, không phải là không được, có điều là chú hơi khó xử, vì vấn đề này không phải chỉ mình chú quyết định mà được. Chú còn phải hỏi ý Văn Cẩm xem đã, chứ việc này không thỏa thuận luôn được đâu. Rồi chú hỏi Giải Liên Hoàn liệu có thể chờ thêm một thời gian ngắn nữa được không.
Giải Liên Hoàn nghe xong liền rối rít cảm ơn, còn lôi ra một đống hàng ngoại bấy giờ là của hiếm, nhờ chú Ba đưa cho Văn Cẩm giùm.
Cả hai mỗi người ôm một bụng âm mưu, tán gẫu mấy chuyện khác thêm một lát rồi gã Giải Liên Hoàn kia đi mất. Chú Ba lập tức đến tìm đám lưu manh du đãng mà chú quen, dúi cho ít tiền, bảo bọn chúng bám theo thằng đó, điều tra xem rốt cuộc là gần đây nó đang làm gì.
Hồi đó, đám lưu manh là cái hội nhạy tin nhất, không lâu sau đã báo về, nói rằng chúng đã bám theo Giải Liên Hoàn mấy ngày trời liền, thấy gã đích thị là một cậu ấm[2], thích nghe kịch hoa cổ[3], bạn bè cũng rặt một đám dân tứ chiếng, cực kỳ bình thường luôn. Nếu nói kỳ quặc, thì chỉ có mỗi một điểm kỳ quặc, đó là trong khoảng thời gian gần đây, không hiểu sao gã thường xuyên qua lại với một lão Tây xem chừng thân thiết lắm. Thường thường cứ dăm ba ngày là lại đến quán trà gặp lão Tây kia, nói chuyện cũng không được bao lâu, chừng mười phút đã đi mất.
Chú Ba nghe xong mà lấy làm lạ. Đối với nhóm bọn chú thì làm ăn buôn bán với người Tây cũng là chuyện thường tình, nhưng Giải Liên Hoàn thì khác. Loại như gã căn bản vốn không tham dự vào chuyện làm ăn của gia đình, ở nhà gã chỉ có mỗi việc tiêu tiền, sao tự dưng đi móc nối quan hệ với người Tây cơ chứ?
Chú Ba nghĩ, chuyện này hẳn có trò vui rồi, liền lập tức quyết định đích thân đi xem xét một phen.
Chú hỏi rõ quy luật gặp gỡ của Giải Liên Hoàn với lão Tây kia, rồi tự sắp xếp thời gian. Đến một ngày, chú đổi bộ quần áo tầm thường không bắt mắt, từ sáng tinh mơ đã lê la ngoài cửa nhà Giải Liên Hoàn chờ gã. Đợi được chừng một giờ thì thấy Giải Liên Hoàn ra ngoài. Chú Ba liền tiến đến, từ xa xa bám theo suốt đường. Đi theo gã phải đến nửa thành Trường Sa, tới khu chợ gạo hẩm thì quả nhiên đằng trước xuất hiện một quán trà. Giải Liên Hoàn cảnh giác ngó ra đằng sau xem xét, không phát hiện ra chú Ba, bèn gạt tấm mành bước vào bên trong.
Chú Ba mừng thầm, ba bước nhảy chỉ còn hai phóng vọt lên, đến chỗ cửa sổ nhìn một cái, thấy ngay Giải Liên Hoàn đang ngồi vào bàn, mà phía đối diện thì quả nhiên đã có một lão Tây ngồi yên vị.
Lão Tây kia đầu tóc màu bạch kim, lưng hùm vai gấu, cao to lực lưỡng, tuy nhìn không ra là người nước nào cả nhưng khí sắc khỏe mạnh, ngồi lừng lững trong quán trà cứ như một con gấu. Lúc này lão đang uống trà, cũng ra dáng phết, còn xỏ dép lào, trông dáng vẻ tự nhiên như vậy, đảm bảo là xông pha ở đất Trung Quốc này đã lâu, quen riết với văn hóa vỉa hè của Trường Sa rồi đấy.
Chú Ba quan sát lão Tây kia một lát, bỗng phát hiện ra người này nhìn mặt hơi quen quen, hình như đã gặp ở chỗ nào rồi thì phải? Chú không khỏi có chút buồn bực.
Số người Tây làm ăn với chú chỉ đếm trên đầu ngón tay là hết, chắc chắn là không có người này, thằng cha kia rõ ràng không phải khách hàng nhà chú. Nhưng mà, ở thời đại đó, cơ hội nhìn thấy người Tây ở Trường Sa ít lắm, đảm bảo không thể là gặp ngoài đường được. Vậy kẻ kia là ai đây?
Chú ráng sức lục lọi trí nhớ, hình dung lại hết một lượt tất cả những người nước ngoài mình đã gặp trong suốt mấy năm nay. Rồi bỗng nhiên giật mình một cái, chú chợt nhớ ra: lão Tây này, chính là một kẻ trong đám người ngoại quốc một năm trước chú đã trông thấy ở Phiêu Tử Lĩnh! Những gì trải qua năm đó có sức chấn động quá lớn, chú Ba nghĩ lại mà còn thấy kinh như mới ngày hôm qua. Đầu mối vừa được gợi ra, chú lập tức nhớ lại toàn bộ.
Cả người chú Ba lạnh toát . Chú dõi theo hai kẻ trong quán trà, đột nhiên cảm thấy mình ý thức được điều gì, nhưng lại không nắm bắt được hoàn toàn. Một dự cảm không lành bắt đầu trào lên trong lòng chú.
Nói tới đây, tôi bèn đưa tay ngắt lời chú Ba, bảo chú ngừng lại một lát. Tôi cần phải nghĩ đã rồi mới nghe tiếp được.
Theo lời chú Ba kể lại từ đó đến giờ, sự việc đã rất rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Giải Liên Hoàn muốn đến Tây Sa là để giúp lão nước ngoài bí ấn kia làm một việc, hơn nữa còn là một việc khá đặc biệt, bởi vì làm ăn buôn bán với người ngoại quốc bình thường ai cùng từng làm rồi, cần gì phải thần thần bí bí đến vậy làm gì.
Mà lão người ngoại quốc kia, lại là một trong số những kẻ định đục khoét hầm mộ huyết thi ở Phiêu Tử Lĩnh vào một năm trước. Khi đó chú Ba đã cảm thấy vô cùng quái lạ, bởi vì Phiêu Tử Lĩnh kia nằm trong một xó núi hẻo lánh của Trung Hoa, không phải là nơi mà người nước ngoài có thể dễ dàng xuất hiện. Mà bây giờ, đám người này lại còn muốn nhờ người đến hải phận Tây Sa, đây cũng là địa điểm mà người nước ngoài càng không nên xuất hiện, vì bấy giờ ở đó đang có chiến tranh.
Lúc ấy, chú Ba còn chưa biết dưới Tây Sa có một ngôi mộ cổ, cho nên có nhiều chuyện chú chỉ ngờ ngợ chứ không suy đoán nổi. Nhưng bây giờ tôi đã biết những chuyện xảy ra sau đó, căn cứ vào những kết luận này, chuyện lão người Tây kia phải nhờ vả Giải Liên Hoàn làm chắc hẳn là có liên quan đến ngôi mộ thời Minh dưới đáy biển nọ.
Nói vậy thì, người đầu tiên biết đến sự tồn tại của ngôi mộ dưới đáy biển có thể chính là lão người Tây kia, rồi lão lại nói cho Giải Liên Hoàn biết chuyện.
Vậy thì sẽ xuất hiện một vòng luẩn quẩn không thể giải thích được, một vấn đề không thể tưởng tượng nổi: lão người Tây kia từ đâu mà lần ra được sự tồn tại của mộ cổ ở Phiêu Tử Lĩnh và ngôi mộ dưới đáy biển Tây Sa? Hai loại mộ huyệt hiếm thấy này, ngay cả ông nội tôi cũng chỉ nghe phong thanh, một gã ngoại bang như lão ta sao có thể thần thông quảng đại đến vậy?
Rồi tôi lại nghĩ đến lúc Giải Liên Hoàn chết, con xà mi đồng ngư vẫn nắm chặt trong tay. Đây là con xà mi đồng ngư đầu tiên xuất hiện, rõ ràng vật này là do gã chôm từ trong cổ mộ dưới đáy biển ra. Vậy có thể nói thế này hay không: lão người Tây bí ẩn nọ, điều lão ta muốn nhờ Giải Liên Hoàn làm, phải chăng chính là vào trong cổ mộ, mang con cá đồng này ra ngoài?
Nói cách khác, lão người Tây kia không những biết trước rằng dưới đáy biển có cổ mộ, mà thậm chí còn biết trong mộ cổ có cái gì ư? Thế thì cũng quá ăn khớp với nguyên tắc tình báo là số một của dân Mẽo rồi.
Nhưng mà làm thế nào?! Mẹ nó chứ làm thế *éo nào? Rốt cục bọn chúng thế *éo nào lại biết được những chuyện này cơ chứ?
(Cộp mác đánh dấu bản quyền chung cư tờ đờ nờ ╮( ̄▽ ̄)╭)
Ngay cả chú Ba khi đến Phiêu Tử Lĩnh được ghi chép trong cuốn bút ký của ông tôi cũng phải nhờ vào việc hỏi han dân miền núi ở địa phương, mấy bận nhọc nhằn mới lần ra được vị trí chính xác. Cổ mộ dưới đáy biển Tây Sa thì lại càng khỏi phải nói. Tôi nghĩ ngoại trừ Uông Tàng Hải, không một ai có thể biết đến sự tồn tại của nó.
Nghĩ tới đây, tôi đột nhiên giật mình đánh thót, tự nhủ rằng không phải chứ! Người ta nói, vào lúc không thể đưa ra lời giải, vậy thì đáp án không có khả năng nhất lại là đáp án chính xác nhất.
Giả sử những chuyện này đây đều không có thực, nói vậy thì, đáp án chỉ có một: những lời kể vừa rồi của chú Ba, phải chăng chính là nói dối?
Người này từng có tiền án tiền sự. Tôi bỗng chốc chột dạ, lập tức nhìn chú, quan sát xem vẻ mặt của chú có gì bất ổn hay không.
Chú Ba thấy sắc mặt tôi lầm lầm lì lì thì không hiểu tôi nghĩ cái gì, thấy tôi cứ nhìn chằm chặp, bèn hỏi tôi bị làm sao đấy?
Tôi thử dò hỏi: “Chú Ba này, chú không được bịp tôi nữa đâu đấy. Đã nói đến nước này rồi, chú lại lòe tôi nữa thì thật sự là chả tốt đẹp gì cả.”
Chú Ba thấy tôi tỏ vẻ như vậy thì lấy làm lạ, hỏi tôi tại sao lại nghĩ thế? Tôi vừa trình bày thắc mắc của mình ra một cái, chú nghe xong đột nhiên nhíu mày, cũng nhìn trả lại tôi.
Tôi thấy thế là xong, phải ứng này giống như là bị tôi vạch mặt, không biết nói gì nữa, trong lòng không khỏi nặng trĩu.
Ai dè chú nhìn tôi mấy cái xong, bỗng nhiên lại nói: “Mày nghĩ nhiều quá rồi, sự việc không phải như thế. Thật ra đám ngoại quốc đó lúc ấy vốn cũng chẳng biết dưới đáy Tây Sa rốt cuộc có thứ gì, bọn chúng chỉ biết, dưới biển nơi đó chắc chắn có thứ gì đó mà thôi.”
Tôi hỏi lại: “Sao mà chú biết được?”
Chú Ba trả lời: “Cái này là chính miệng bọn chúng về sau kể cho chú đấy. Thật ra mấy thằng ngoại quốc đó, bây giờ chính là sếp sòng cái công ty gia đình của A Ninh đằng kia kìa. Mà kẻ lập ra cái công ty gia đình ấy, mày biết là ai không?”
Tôi lắc đầu, chú Ba bèn đáp: “Chính là kẻ lừa lấy cuốn sách lụa Chiến Quốc từ tay ông nội mày, tay người Mỹ nọ đấy.”
Tôi nghe xong cằm suýt rớt đất, bèn hỏi lại: “Chính là lão ta?”
Chú Ba gật đầu, kể: “Trước lần đi Tây Sa đó, chú đã từng gặp tận mặt lão một lần. Khi ấy lão ta đã không xong rồi, bây giờ phải dựa vào máy móc mà duy trì mạng sống. Lúc đó chính miệng lão đã nói cho chú biết mục đích của việc đầu tư tài chính vào hoạt động ở Trung Quốc suốt mấy chục năm nay.”
“Là gì vậy?” Tôi hỏi chú.
Chú Ba đáp: “Nguyên nhân gây ra toàn bộ sự việc, chính là cuốn sách lụa Chiến Quốc năm đó lão bịp bợm chôm được. Hồi ấy lão vẫn còn là giáo viên trung học ở Giáo Hội, thỉnh thoảng đánh quả buôn lậu đồ cổ. Năm xưa lão dùng danh nghĩa làm từ thiện, lừa được bản gốc cuốn sách lụa Chiến Quốc từ tay ông già. Bấy giờ lão này đã cực kỳ thông thạo văn hóa nước ta. Để nâng giá cuốn sách lụa này, lão quyết định giải mã thông tin ghi trên đó.” Chú Ba ngừng lại một lát: “Nhưng mà bỏ ra hai năm, thứ giải mã ra được, lại khiến lão kinh hoàng.”
Tim gan phèo phổi tôi nhảy vọt lên một cái, vội hỏi: “Lão người Mỹ này mà có thể giải mã được cuốn sách lụa Chiến Quốc mà nhà ta bao nhiêu năm vẫn không sao giải quyết được cơ á?”
Chú Ba gật gù: “Cũng vì lão là dân Mẽo, cho nên lão mới giải được. Bởi vì nguyên tắc tổ hợp mật mã trong sách lụa chỉ là dùng một loại quy tắc toán học. Người như chúng ta cho dù bác học đến mấy, cũng không có cách nào tiếp cận từ góc độ của toán học để giải mã thứ này.”
“Thế trên cuốn sách lụa kia ghi cái gì vậy chú?” Tôi tò mò hỏi.
Chú Ba trả lời: “Thông tin ghi lại trên cuốn sách lụa kia, không nói ra thì mày nhất định không thể tưởng tượng được là cái——”
Chú Ba đang nói dở thì đột nhiên có người gõ cửa. Tôi lấy làm lạ, lẽ nào lại có người đến thăm bệnh, ai đến được thì đã đến hết rồi còn gì, đậu má nó chứ đứa nào vô duyên phá đám tôi nghe chuyện đấy. Tôi quay đầu lại nhìn, hóa ra là nhân viên chuyển phát nhanh.
Anh ta tiến vào, hỏi: “Ai là Ngô Tà ạ?”
Tôi gật đầu, đáp: “Tôi đây.”
Anh ta bèn rút từ trong túi ra một gói hàng bọc kín, nói: “Bưu phẩm của anh đây.”
Chú Ba cũng thấy rất lạ, sao tự nhiên lại có bưu kiện gửi đến. Chú hỏi tôi có biết người gửi à?
Tôi lật lật nhìn nhìn, thấy trên phong bì ghi: Trương Khởi Linh, lập tức âm thầm hoảng hốt. Tôi ngầm tự hỏi, tại sao hắn lại gửi bưu phẩm cho tôi. Nhìn đến ngày gửi thì thấy cách đây chưa lâu, không lẽ hắn đã chui ra từ khe nứt dưới đất nào rồi. Tôi vội vàng mở ra xem. Trong phong bì là hai món đồ màu đen – chính là hai cuộn băng ghi hình.
.
__________________________________
.
Chú thích.
.
[1] Oán hoài vô thác, thể loại tống từ, tác giả Chu Bang Ngạn, kể về nỗi khổ tương tư.
Nguyên văn đoạn trích: “怨怀无托, 嗟情人断绝, 信音辽邈. 纵妙手, 能解连环, 似风散雨收, 雾轻云薄.” Phiên âm: “Oán hoài vô thác, ta tình nhân đoạn tuyệt, tín âm liêu mạc. Túng diệu thủ, năng giải liên hoàn, tự phong tán vũ thu, vụ khinh vân bạc.”
Dịch nôm nghĩa đoạn trích:
Ôm oán hờn không nguôi, ấy bởi vì người thương nỡ đoạn tuyệt, tin tức thư từ của người lại quá đỗi xa xôi, khiến lòng chất chứa nỗi ai oán giận hờn chẳng biết gởi gắm vào đâu, sầu này chẳng thể giải. Tương tư như sợi xích, tương tư liên miên, vốn không thể gỡ. Với bàn tay khéo léo tuyệt diệu đến đâu, dù gỡ được, nhưng cũng không thể gỡ được hoàn toàn, sợi tương tư dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, giống như khi mưa tạnh mây tan, khắp trời vẫn bảng lảng mây mỏng sương mù.
[Cả bài có mỗi 8 câu, nhưng ngồi giải nghĩa chi tiết hết ra thì có mà mất mấy trang word, nên chỉ thế này thôi =)))))]
.
[2] nguyên văn là “Nhị thế tổ” (二世祖), xuất phát từ Tần Nhị Thế thời Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Cao lôi kéo Lý Tư, giả truyền di chúc, hại chết con cả của Thủy Hoàng là công tử Phù Tô, đưa con nhỏ của Thủy Hoàng là Hồ Hợi lên ngôi, xưng là Tần Nhị Thế. Hồ Hợi ham mê tửu sắc, thích hưởng lạc, giết chết anh chị em, diệt trừ trung thần, bạo ngược vô cùng. Trong vòng ba năm ngắn ngủi, giang sơn rộng lớn Tần Thủy Hoàng vất vả lập nên đều bị Hồ Hợi làm cho mất sạch, nhà Tần tuyệt diệt. Cho nên từ “Nhị thế tổ” không chỉ có nghĩa là cậu ấm, mà còn nghĩa là thằng phá gia chi tử.
.
[3] kịch hoa cổ hay kịch trồng hoa là một loại kịch địa phương lưu hành ở Hồ Nam (Trường Sa thuộc Hồ Nam), Hà Bắc, An Huy…