Thoạt đầu Triệu Sĩ Nguyên ỷ trượng vào công lực của chàng cho rằng tự mình có thể bứt phá Long Cân Ngọc Tỏa nên không ngần ngại để cho Vô Cực phái trói buộc chàng.
Sau đó chàng thử vận lực bứt phá mấy lần đều vô hiệu.
Chàng mới tin Thiểm Hải Xuyên và đâm lo ngại, tự hối mình quá tự phụ, tạo lấy khó khăn cho mình.
Nhưng trước khi đến địa giới Tung Sơn, bỗng chàng xúc động tâm linh cơ, nhớ đến hạt Hóa Cốt Hồng Châu, nếu Hồng Châu hóa giải được công lực của con người, thì cũng có thể tiêu trừ được kháng lực của Long Cân Ngọc Tỏa, bởi sự tương khắc rõ ràng.
Chàng lấy Hóa Cốt Hồng Châu thực nghiệm.
Quả nhiên Hóa Cốt Hồng Châu có hiệu năng đúng như chàng dự đoán.
Long Cân Ngọc Tỏa mất hẳn tánh chất co giản, trở thành cứng rắn và nếu là cứng rắn thì Triệu Sĩ Nguyên bẻ gãy dễ dàng.
Nhưng chàng không bẻ gãy chàng chỉ dùng pháp xúc cốt thần công, rút tay ra, lấy lại tự do.
Được tự do rồi Triệu Sĩ Nguyên tìm cách liên lạc với Tứ Khuyết bảo họ chuẩn bị sẵn sàng.
Họ bị nhốt trong một gian nhà có bốn đệ tử Vô Cực phái giám thị cẩn thận.
Đợi lúc Châu Thiên Nhậm dẫn tám trưởng lão đến tịnh thất của Phổ Tế đại sư, Triệu Sĩ Nguyên mới tháo luôn Long Cân Ngọc Tỏa trước con mắt kinh ngạc của bốn đệ tử phái Vô Cực.
Họ quá sửng sốt, thành ra không có một phản ứng kịp thời.
Triệu Sĩ Nguyên quắc mắt lạnh lùng nhìn họ, trầm giọng hỏi:
- Tại hạ không thích ở đây lâu! Trước khi tại hạ ra đi các vị có ý kiến gì xin cho biết?
Các đệ tử Vô Cực phái trừng mắt, họ nhìn nhau rồi nhìn chàng.
Chàng ngầm vận lực vào hai tay, đoạn tiếp luôn:
- Tại hạ xin đi đây!
Chàng nghênh ngang bước ra phía cửa.
Võ Lâm Tứ Khuyết theo sau liền.
Chẳng rõ tại sao bốn đệ tử Vô Cực phái không ngăn trở, trái lại còn phân ra hai bên nhường lối, đồng thời còn nghiêng mình như thể cung kính tiễn đưa.
Một vị tuổi độ năm mươi cất tiếng:
- Thiếu lệnh chủ cứ tự tiện! Anh em lão phu cam thất lễ không đưa tiễn xa hơn!
Triệu Sĩ Nguyên ngầm vận công định thị Oai, nghe lão nhân nói thế bất giác sững sờ.
Chàng lùi lại một bước, hỏi:
- Tại sao các vị không ngăn trở?
Lão nhân đối thoại đáp:
- Bọn lão phu kính mộ Thiếu lệnh chủ là bậc đại nhân đại nghĩa, nên có ước hội với nhau là tuyệt đối không nên xác phạm đến Thiếu lệnh chủ, trừ khi bị uy hiếp phải làm, hoặc giữa chốn đông người.
Triệu Sĩ Nguyên mỉm cười:
- Đa tạ các vị quá ái mộ!
Rồi chàng tiếp:
- Còn như chúng ta gặp nhau nơi quảng đại quần chúng! Các vị sẽ có thái độ nào?
Lão nhân điềm nhiên:
- Công trước, tư sau. Bởi dù sao thì bọn lão phu cũng còn tùy thuộc môn phái.
Triệu Sĩ Nguyên cau mày:
- Để cho tại hạ ra đi thong thả như thế này, các vị không ngại chưởng môn quở trách sao?
Lão nhân cười khổ:
- Vậy thì Thiếu lệnh chủ hãy giúp cho bọn lão phu một lý do tắt trách!
Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:
- Tại hạ xin đắc tội với các vị!
Chàng đưa cao tay hữu, toan điểm vào bốn vị, lão nhân đối thoại chợt kêu lên:
- Hãy khoan, Thiếu lệnh chủ!
Triệu Sĩ Nguyên hỏi:
- Tiền bối còn điều chi chỉ giáo?
Lão nhân đáp:
- Đệ tử trong bổn phái có nhiều sự khổ không thể giải bày. Thiếu lệnh chủ nên tránh họ, tìm lối vắng mà đi, và dù sao cũng nên nương tay cho họ, nếu có gặp người nào dọc đường!
Triệu Sĩ Nguyên không hề có ác cảm đối với những người trong phái Vô Vi, chàng biết rõ họ đang ở trong một xử cảnh khó khăn do đó chàng luôn luôn ủy khúc với họ.
Nghe lão nhân thốt, chàng vòng tay cúi đầu:
- Tại hạ xin tuân lời!
Hai tay lập tức đưa ra điểm vào huyệt đạo trên người bốn đệ tử Vô Cực phái, đoạn dẫn Tứ Khuyết đi ra.
Chàng đổi ý, thay vì đi theo con đường chánh, lại chọn những lối vắng vẻ tiến tới.
Chàng âm thầm thoát khỏi phạm vi của Vô Cực phái.
Lúc Châu Thiên Nhậm trở về, bốn đệ tử tường thuật sự tình, lại thêm nhiều chi tiết cho sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn.
Rời khỏi phạm vi của Vô Cực phái rồi, Triệu Sĩ Nguyên phân công cho Tứ Khuyết mai phục tại các vùng phụ cận chờ đón Âu Dương Ngọc Kỳ.
Còn chàng thì giở thuật khinh công tối thượng, trở lại Thiếu Lâm tự dọ thám.
Ngờ đâu chàng may mắn được nghe câu chuyện giữa Phổ Tế đại sư và Tiền chuyên sứ.
Đến lúc đó chàng mới thức ngộ thái độ của Thiếu Lâm tự hơn một năm qua, không tham gia mọi hoạt động của giới giang hồ.
Thì ra đâu đâu cũng có bàn tay lông lá của Tào Duy Ngã nhúng vào.
Nếu lần này Tào Duy Ngã thành công thì phái Thiếu Lâm cầm như hủy diệt, ngàn năm sau chưa hẳn khôi phục nổi cơ đồ.
Rồi Phổ Tế đại sư họp toàn thể môn đồ tại Đại Hùng Bửu Điện cổ võ một cuộc chiến với phái Vô Cực.
Nếu chàng không nghe lọt câu chuyện trước đó, hẳn phải thán phục Phổ Tế đại sư có tinh thần bất khuất, đáng mặt lãnh đạo một môn phái lớn.
Nấp trong chỗ kín nghe Phổ Tế đại sư thuyết phục các tăng đồ, Triệu Sĩ Nguyên quan sát những người hiện diện, cố ý tìm Trí Ngươn hòa thượng là người chàng có gặp một lần, đồng thời cũng lưu ý xem người đệ tử của phụ thân chàng có mặt trong đại hội hay không.
Chàng nhận ra không có mặt hai người đó.
Đến cái lão giả hòa thượng Tiền chuyên sứ cũng vắng mặt luôn.
Không gặp Trí Ngươn hòa thượng và đệ tử của phụ thân thì làm sao trong một thời gian ngắn chàng hiểu rõ nội tình của Thiếu Lâm tự? Nếu không biết được sự thể ra sao thì thật khó cho chàng hoạch định biện pháp ứng phó.
Chàng không cần lưu lại đó lâu lắm để nghe thêm những gì Phổ Tế đại sư thuyết trình, chàng rời ngay Đại Hùng Bửu Điện đi khắp nơi tìm người muốn gặp.
Nơi hướng Bắc, cách Đại Hùng Bảo Điện độ hai mươi trượng có mấy mươi cây to lớn, thân cây từ hai vòng tay trở lên.
Núi đã cao, cây lại cao, mây trắng trôi qua vờn bên trên đầu cây, gió thổi rì rào, đầu cây lảo đảo, trông như đùa với mây.
Nơi đó là một trong mười cảnh đẹp của Thiếu Lâm tự, có cả tên là Vân Hải Tùng Đào.
Trong khu tùng đó, ẩn ước có tòa thất cấp phù đồ, thoạt ẩn thoạt hiện, như có như không, nhìn vào đó dù ai còn nặng niềm trần tục cũng cảm thấy lâng lâng như siêu thoát ngoài khổ lụy.
Nơi tầng thứ bảy của tòa phù đó có một tăng một tục.
Họ ngồi đối diện nhau, đánh chén, họ dùng rượu thịt chứ không ăn rau, trái như kẻ xuất gia.
Tăng nhân chính là Tiền chuyên sứ.
Tục nhân là một lão già, tuổi từ bảy mươi trở lên, mặt tam giác, trên nhỏ dưới lớn, mắt bé, mũi bé, miệng rộng.
Tướng mạo đó rất khôi hài, song thân phận hẳn phải cao, cho nên Tiền chuyên sứ luôn luôn vuốt ve xu nịnh.
Người đó chính là Cẩm long thủ Vân Đằng, Phiên thủ Đông Phiên, một thuộc hạ đắc lực của Vô Tình lệnh chủ Tào Duy Ngã.
Tiền chuyên sứ rót đầy chén rượu, hai tay nâng cao, điểm nụ cười nịnh, thốt:
- Thuộc hạ xin chúc trước hơn ai hết, phiên chúa thành công, phiên chúa nhận chén rượu này cho thuộc hạ được hưởng lây cái thơm của bật anh hùng cái thế!
Vân Đằng lạnh lùng hỏi:
- Ngươi đã bố trí đâu đó chu đáo rồi chứ?
Tiền chuyên sứ tên Vạn Năng, cung kính đáp:
- Thuộc hạ bảo đảm chẳng có một sơ hở nào cả!
Vân Đằng lại hỏi:
- Còn bốn lão bất tử của Thiếu Lâm? Họ có trúng kế của ngươi chăng?
Tiền Vạn Năng tiếp:
- Chính thuộc hạ tự tay bỏ chất tán công tán vào thực vật của họ. Nhất định là có kết quả như ý. Họ đừng xuất thủ thì còn khá, chứ nếu xuất thủ rồi thì cầm chắc phải khổ!
Vân Đằng hỏi tiếp:
- Còn Phổ Độ hòa thượng?
Tiền Vạn Năng mỉm cười:
- Phổ Độ hòa thượng tự chuyên học võ bên ngoài phái, nên đã bị Phổ Tế đại sư chiếu theo quy củ, phạt nhìn vách sám hối đúng mười năm.
Vân Đằng gật gù:
- Còn Trí Ngươn hòa thượng?
Tiền Vạn Năng đáp:
- Cũng như chưởng môn!
Vân Đằng bật cười ha hả:
- Ngươi khá lắm đó! Thành công lần này rồi lão phu sẽ cất nhắc ngươi lên chức vị Phó phiên chúa, cùng với lão phu lo việc lớn.
Đến lúc đó lão mới chịu tiếp nhận chén rượu, uống cạn.
Rồi lão phân phó:
- Vạn Năng! Cứ như thế mà làm.
Bỗng Tiền Vạn Năng kêu lên:
- Thuộc hạ quên mất một việc! Phiên chúa cho phép thuộc hạ vắng mặt trong chốc lát, thuộc hạ sẽ trở lại liền.
Vân Đằng hừ một tiếng:
- Việc gì?
Tiền Vạn Năng thốt:
- Châu Thiên Nhậm đến đây có mang theo năm cỗ quan tài, xem có vẻ khả nghi lắm!
Thuộc hạ muốn được điều tra cho rõ sự tình.
Vân Đằng gật đầu:
- Ngươi cứ đi, nhưng nhớ trở lại gấp!
Tiền Vạn Năng vâng một tiếng, bước đi mấy bước, vụt đứng lại, quay đầu tiếp:
- Trên trính, còn một vò rượu lâu năm đó, phiên chúa cần cứ lấy xuống mà dùng.
Lão phóng mình qua cửa sổ, đáp xuống đất, nhảy luôn mấy lượt nữa biến mất trong khu tùng.
Đợi mãi không thấy Tiền Vạn Năng trở lại, rượu trong vò đã cạn, Vân Đằng nhảy lên trính nhà, lấy vò rượu xuống, định bụng cầm cạnh, chờ.
Không lâu sau lão ta bắt đầu chếnh choáng.
Tiền Vạn Năng trở lại, phi thân qua cửa sổ, vào trong tầng lầu, miệng cười hì hì.
Nhìn vò rượu cạn quá nửa, Tiền Vạn Năng càng thích hơn, nhưng lại ngưng cười.
Rồi lão lạnh lùng hỏi:
- Phiên chúa đã uống đến vò rượu trên trính nhà?
Vò rượu nằm đó, Tiền Vạn Năng còn hỏi làm gì nữa? Tại sao lão hỏi như vậy?
Chẳng qua hỏi để biểu hiện một thay đổi ở thái độ thôi.
Tiền Vạn Năng tưởng Vân Đằng đã say, ngờ đâu Vân Đằng vốn có tửu lượng cao, gia dĩ công lực thâm hậu bao nhiêu rượu đó không đủ quật ngã lão ta.
Tự nhiên lão còn sáng suốt và nhận thấy thái độ hơi khác thường của Tiền Vạn Năng, liền trầm giọng hỏi lại:
- Ngươi nói với ai bằng giọng đó?
Tiền Vạn Năng buông cộc lốc:
- Ngươi!
Vân Đằng sôi giận, vươn tay chụp cổ tay Vạn Năng, đồng thời hét:
- Ngươi muốn chết!
Tiền Vạn Năng không né tránh, cứ để cho Vân Đằng chụp, hơn thế lão ta chẳng lộ vẻ khiếp hãi.
Lão bình tĩnh đến lạnh lùng, ung dung thốt:
- Buông tay đi! Nếu ngươi vận dụng lực, là tự chuốc khổ đấy. Nếu vọng động là cố chịu lấy hậu quả, đừng trách sao ta không bảo trước.
Làm sao Vân Đằng tin ngay lời cảnh cáo suông của Tiền Vạn Năng? Ít nhất cũng phải có một chứng minh nào đó, dù nhỏ lão mới chú ý đến lời nói của đối phương.
Huống chi lão ta rất khinh thường Tiền Vạn Năng.
Lão bật cười lạnh mấy tiếng, đáp:
- Rồi ngươi sẽ thấy trong hai chúng ta, ai chuốc khổ!
Lão bắp chặt năm ngón tay, song vừa bóp chặt lại lỏng ra liền.
Đồng thời lão cũng thét:
- Ngã!...
Tiếng ngã vang lên cùng lúc với động tác lỏng ngón tay, và trong khi Tiền Vạn Năng còn đứng sừng sững đó, chính lão lại lùi ba bước, rồi chính lão ngã xuống.
Vẻ kinh hãi hiện lên gương mặt, lão ấp úng:
- Ngươi... ngươi...
Lúc bóp mạnh mấy ngón tay, Vân Đằng có cảm giác là mình bóp vào thỏi sắt. Một đạo phản lực bắn ngược vào lão, lão buông tay, lùi lại ngã luôn.
Thực ra chẳng phải Tiền Vạn Năng có công lực cao hơn Vân Đằng mà chính là Vân Đằng mất hết công lực, nhủn người.
Tiền Vạn Năng bật cười âm trầm:
- Đại phiên chúa nghe trong người thế nào?
Vân Đằng nghe lạnh khắp người, tay chân run lên, ấp úng luôn:
- Ngươi... ngươi dùng đến Tán Công Tán, đối phó với ta!
Tiền Vạn Năng lạnh lùng:
- Chỉ tại Đại phiên chúa tham uống quá, lấy luôn cả vò rượu có chất Tán Công Tán mà dùng. Bây giờ đổ lỗi cho ai chứ! Nào có phải ta lấy xuống mà đãi cho ngươi đâu!
Vân Đằng từng hống hách đã quen, cứ tưởng là bất cứ ai cũng phải cúi đầu khuất phục trước mặt lão.
Khi nào lão tưởng nổi là có một người dám hành động như Tiền Vạn Năng?
Bây giờ lão ta mắc kế Tiền Vạn Năng thì còn chi cái danh đại ma đầu của lão.
Tuy nhiên ở trong sự thao túng của đối phương, lão có nói gì thì cũng chỉ chuốc thêm cái nhục mà thôi.
Lão nhếch nụ cười thảm, nhận mạng:
- Tốt! Tốt! Tốt! Ta quáng mắt, ta nhận bại!
Lão thè lưỡi ra, há miệng định cắn đứt lưỡi tự tử, để tránh khỏi cái khổ do chất độc gây nên, đồng thời tránh luôn Tiền Vạn Năng làm nhục.
Nhưng Tiền Vạn Năng lướt tới, một tay bóp quai hàm ngăn chận lão cắn lưỡi, đoạn điểm luôn vào các huyệt nơi tay và chân lão biến lão thành bất động.
Sau đó Tiền Vạn Năng bật cười khanh khách:
- Chết? Đâu có dễ dàng như vậy được Đại phiên chúa?
Vân Đằng thở dài, chờ đợi mọi sự hành hạ của Tiền Vạn Năng.
Tiền Vạn Năng tiếp:
- Ngươi muốn chết, thư thả một chút rồi ta sẽ cho chết, chết sướng! Đừng lo ngại gì cả!
Bỗng Tiền Vạn Năng quát:
- Muốn được vậy ngươi phải đáp ứng ta một điều.
Vân Đằng cười khổ:
- Điều chi?
Tiền Vạn Năng vung kiếm, trước hết cắt một chéo áo của Vân Đằng, sau đó lại thọc mũi kiếm rọc vào thịt Vân Đằng cho máu chảy ra, cuối cùng lại giải huyệt đạo nơi tay hữu của lão rồi bảo:
- Viết cho ta một bức huyết thơ, ta đọc làm sao ngươi viết như vậy!
Vân Đằng còn làm sao phản kháng được, đành gật đầu.
Tiền Vạn Năng trải mảnh vạt áo trước mặt Vân Đằng, Vân Đằng nhúng ngón tay vào máu, chờ.
Tiền Vạn Năng đọc:
- Tiền Vạn Năng là bậc tài trí phi phàm, thừa sức thay thuộc hạ lãnh quyền Phiên trấn Đông Phương...
Vân Đằng tỉnh ngộ, cao giọng:
- Thì ra nguyện vọng của ngươi là thế? Được rồi, ta sẽ thành toàn cho ngươi.
Lão ta không chờ nghe đọc, cứ viết luôn.
Viết xong, lão hỏi:
- Đã đủ chưa?
Tiền Vạn Năng gật gù:
- Đủ lắm rồi! Huống chi ngươi thọ thương làm gì viết được nhiều?
Suy nghĩ một chút, Tiền Vạn Năng tiếp:
- Ngươi thêm cho ta nữa chử Vân thôi, viết cách nào đủ chứng tỏ là ngươi kiệt sức, không viết nổi trọn chữ!
Vân Đằng thở dài:
- Ta phục ngươi! Chu đáo lắm.
Tiền Vạn Năng chờ cho Vân Đằng viết xong, vung tay đấm mạnh vào ngực lão.
Máu từ miệng Vân Đằng bắn ra, vấy luôn mảnh áo huyết thơ, hoan ố mấy hàng chữ.
Tiền Vạn Năng hấp tấp nhặt lên. Nét chữ vẫn còn song rất khó đọc.
Tuy nhiên mảnh vải đó vẫn còn dùng được như thường, và lão ta nhìn mảnh vải huyết thơ, dương dương đắc chí.
Lão lẩm nhẩm:
- Tuyệt hảo! Tuyệt hảo! Cái mưu của ta tròn trịa lắm rồi!
Một giọng nói lạnh lùng từ phía sau lưng vọng tới:
- Chưa chắc!
Tiền Vạn Năng giật bắn mình, nhận ra đúng là âm thanh của Triệu Sĩ Nguyên.
Tuy vậy lão vẫn quát để lấy tinh thần:
- Ai?
Đồng thời lão xếp vội mảnh áo nhét vào người, rồi quay mình lại.
Triệu Sĩ Nguyên thản nhiên tiếp:
- Máu chưa khô, các hạ xếp vội như vậy, chữ lem nhem hết, còn đọc làm sao được?
Tiền Vạn Năng hoảng hốt, với lấy mảnh áo mở ra.
Đúng như Triệu Sĩ Nguyên nói, nét chữ đã nhòa, không còn làm sao đọc được!
Thế là bao nhiêu tâm huyết, sát hại một mạng người, cuối cùng chẳng thu thập được gì cả.
Bất giác lão sững sờ, thừ người ra đó, quên luôn sự có mặt của Triệu Sĩ Nguyên.
Triệu Sĩ Nguyên bật cười ha hả:
- Thế nào? Tại hạ nói có đúng chăng?
Hết chương 91. Mời các bạn đón đọc chương 92!