Trong trường hợp đó ai ai cũng bối rối, hoang mang nhưng Tiền Vạn Năng vẫn giữ được bình tĩnh, hay ít ra lão ta cũng lấy bình tĩnh nhanh chóng.
Lão bật cười vang, lão cười được là có nghĩa sự tình không mảy may quan trọng, lão có thể dẹp bỏ nó qua một bên như thường.
Triệu Sĩ Nguyên thấy thế, biết ngay lão ta rất già dặn, lão là một tay đại gian, đại ác, có mưu cơ không kém Tào Duy Ngã bao nhiêu.
Do đó chàng càng đề phòng hơn.
Cười một lúc, Tiền Vạn Năng lại thở dài, khoát rộng hai tay lên không, tỏ vẻ chán nản, đoạn thốt:
- Ý trời! Đúng là ý trời! Cái kế hoạch của lão phu thành hình từ mười năm qua không ngờ trong một phút, lão ta hủy diệt! Kể ra Vô Tình lệnh chủ vẫn còn may mắn.
Triệu Sĩ Nguyên giật mình:
- Các hạ nói thế nghĩa là sao?
Tiền Vạn Năng chỉ sợ Triệu Sĩ Nguyên không để cho lão có cơ hội nói gì, lão cứ sợ chàng xuất thủ bất ngờ kết liễu tánh mạng của lão, nên vờ thở dài rồi than, cốt dụ dẫn chàng, làm cho dịu lại sự quyết liệt của chàng.
Ngờ đâu Triệu Sĩ Nguyên lại muốn nghe chuyện! Lão ta thở phào tiếp luôn:
- Thiếu lệnh chủ có biết tại sao lão phu thiết kế lấy cho được bức huyết thơ chăng?
Triệu Sĩ Nguyên ạ một tiếng, không biểu hiện rõ rệt là chàng có biết hay không biết.
Tiền Vạn Năng giải thích:
- Lão phu định gây niềm tin nơi Vô Tình lệnh chủ, sau đó sẽ tùy cơ ứng phó với lão ta, lấy đạo xử sự của lão đối với lão. Lão phu chực dịp cho Vô Tình lệnh chủ thưởng thức mùi vị Tán Công Tán trong một ngày gần đây. Nếu thành công là lão phu làm được một việc đại hữu ích, lão phu trừ được một mối hại lớn cho giang hồ.
Triệu Sĩ Nguyên lại ạ một tiếng, ởm ờ không biểu hiện rõ ý kiến như thế nào.
Tiền Vạn Năng cau mày, cố gắng một lần nữa:
- Lão phu nương mình trong một tổ chức của ma đầu, hơn mười năm qua rồi nào phải mỗi lúc muốn một cơ hội như thế này mà có ngay cho! Rồi bây giờ, cơ hội đã đến, song mưu cơ bất thành! Ngoài ra lại còn gây ra sự hiềm nghi! Lão phu nhận thấy mọi hy vọng đều tan biến.
Triệu Sĩ Nguyên vẫn ạ một tiếng như cũ!
Tiền Vạn Năng biết là sự tình bất thuận lợi rồi! Lão không dấu vẻ khẩn trương cao giọng hỏi:
- Thiếu lệnh chủ có tin lời lão phu hay không?
Triệu Sĩ Nguyên gật đầu:
- Tại hạ tin lời các hạ! Tại hạ tin luông dụng tâm khổ sở của các hạ!
Tiền Vạn Năng đinh ninh là Triệu Sĩ Nguyên tin thật, nên thở phào tiếp:
- Lão phu cố gắng giải bày tâm nguyện cho Thiếu lệnh chủ hiểu. Giờ thì Thiếu lệnh chủ đã minh bạch rồi, lão phu không còn thắc mắc nữa.
Triệu Sĩ Nguyên mỉm cười:
- Tin thì có tin thật, song còn ba điểm nghi vấn, tại hạ mong các hạ giải thích cho biết.
Tiền Vạn Năng cao giọng:
- Biết thế nào lão phu nói thế ấy, nhất định không giấu diếm. Thiếu lệnh chủ cứ nói.
Triệu Sĩ Nguyên hỏi liền:
- Tứ Phật Thiếu Lâm trúng độc Tán Công Tán, có phải là do các hạ tự thi hành thủ đoạn chăng?
Tiền Vạn Năng giật mình:
- Thực tình lão phu không biết việc đó!
Triệu Sĩ Nguyên hỏi tiếp:
- Cấu kết với Phổ Tế đại sư hãm hại tôn trưởng, bán rẻ đồng môn có phải thủ đoạn của các hạ chăng?
Tiền Vạn Năng kinh hãi:
- Việc đó... việc đó thì...
Triệu Sĩ Nguyên cười lạnh:
- Có phải những việc đó nằm trong chủ trương tranh thủ lòng tin Vô Tình lệnh chủ chăng?
Tiền Vạn Năng lấp vấp đáp:
- Việc đó... tại sao lại trút lên đầu lão phu? Xin Thiếu lệnh chủ đừng lầm mưu ly gián của kẻ khác!
Bỗng lão kêu lên:
- Cẩn thận! Có kẻ ám toán!
Nhanh như chớp lão lao vút mình qua cửa sổ.
Lão đinh ninh là tiếng kêu của lão sẽ làm cho Triệu Sĩ Nguyên phân tâm.
Ngờ đâu lão vừa nhún chân, Triệu Sĩ Nguyên đã đảo bộ đứng chắn nơi vọng cửa rồi.
Lão thầm kêu khổ!
Nhưng chưa chịu bỏ cuộc, lão quay mình định vọt qua vọng cửa khác.
Lão nhanh chân, dù lão nhích động trước, Triệu Sĩ Nguyên còn nhanh hơn, dù chàng đảo bộ sau.
Tiền Vạn Năng chưa đến cửa, Triệu Sĩ Nguyên đã đứng chắn tại đó rồi.
Biết không thể chạy thoát, lão dừng chân lại, hỏi gấp:
- Tại sao Thiếu lệnh chủ ngăn chận không cho lão phu đuổi theo kẻ ám toán!
Triệu Sĩ Nguyên lạnh lùng:
- Những trò quỷ của các hạ, đã đến lúc phải chấm dứt. Xem đây!
Chàng chỉ tay ra, Tiền Vạn Năng không phương tránh kịp đành bị chế ngự.
Lão thay đổi thái độ, xuống nước:
- Thiếu lệnh chủ...
Triệu Sĩ Nguyên khoát tay ngăn chận:
- Bây giờ các hạ chỉ cần nghe chứ không nên nói gì!
Tiền Vạn Năng gật đầu luôn mấy lượt:
- Phải! Phải! Thiếu lệnh chủ cứ phân phó!
Triệu Sĩ Nguyên lạnh lùng:
- Trao thuốc giải Tán Công Tán cho bổn lệnh chủ!
Tiền Vạn Năng mừng thầm, nghĩ:
- Chỉ cần ngươi yêu cầu ta, là ta có cách thoát khỏi tay ngươi!
Hy vọng trở lại, lão đáp:
- Thuốc giải tự nhiên là có, nhưng Thiếu lệnh chủ giải huyệt cho lão phu trước đi.
Nếu có một cơ hội nhỏ, nhất định là lão chẳng bỏ qua. Trong trường hợp này, là còn đưa điều kiện, kể cũng giảo quyệt mà cũng trắng trợn thật?
Triệu Sĩ Nguyên hừ một tiếng:
- Nếu bổn lệnh chủ không giải huyệt?
Tiền Vạn Năng cười lớn:
- Thì lão phu chết, song có Tứ Phật Thiếu Lâm làm bạn đồng hành đỡ phải tịch mịch chốn tuyền đài.
Triệu Sĩ Nguyên cười lạnh:
- Các hạ không chịu trao, dễ thường bổn lệnh chủ không có cách lấy được à?
Tiền Vạn Năng điềm nhiên:
- Thiếu lệnh chủ trọng nghĩa khí, hành động ắt phải ngại anh hùng thiên hạ phê bình, do đó chẳng khi nào Thiếu lệnh chủ dám dùng cực hình bức bách lão phu!
Trừ khi Triệu Sĩ Nguyên bất chấp sự Oán trách của khách giang hồ, chàng còn cách nào lấy được thuốc giải.
Tiền Vạn Năng chắc như vậy.
Triệu Sĩ Nguyên trầm giọng:
- Các hạ quả quyết là bổn lệnh chủ không biện pháp?
Tiền Vạn Năng không nao núng:
- Thiếu lệnh chủ cho biết biện pháp đó như thế nào?
Triệu Sĩ Nguyên hừ một tiếng, nhìn vò rượu chưa cạn hẳn, vò rượu có chất Tán Công Tán.
Tiền Vạn Năng giật mình.
Lão hối hận đã dùng lời quyết liệt, bây giờ mở miệng van xin làm sao được nữa!
Triệu Sĩ Nguyên vẫy tay, tạo hấp lực, đưa bình rượu lên, tay tả đón tiếp, chàng nghiêng miệng bình ngay Tiền Vạn Năng,lại dùng hấp lực hút rượu bình vào miệng lão ta.
Tiền Vạn Năng đang há miệng, chực nói gì đó, vòi rượu chui tọt vào miệng, chạy xuống cổ liền.
Triệu Sĩ Nguyên quăng chiếc bình không vào một góc, đoạn hỏi:
- Bây giờ ngươi bằng lòng trao thuốc giải hay không?
Chàng không cần giữ lễ độ với Tiền Vạn Năng nữa, bởi chàng nhận ra lão ta có tư cách quá hèn hạ.
Tiền Vạn Năng do dự rất lâu.
Thấy lão ta lâm vào trường hợp đó, vẫn còn ngoan cố, Triệu Sĩ Nguyên thở dài, thốt:
- Ngươi không giao thuốc giải thì đừng trách bổn lệnh chủ vô tình đấy!
Chàng lại chờ một lúc nữa.
Tiền Vạn Năng vẫn bất động.
Chàng cười lạnh tiếp:
- Ngươi cho rằng trúng phải chất Tán Công Tán, ngươi bất động rồi là chẳng còn sợ chất độc ngấm vào cơ thể à? Ta sẽ có cách làm cho chất độc phát tác, cho ngươi biết như vậy!
Hơn nữa, ta cũng có phương pháp chữa trị Tứ Phật Thiếu Lâm, chẳng cần chi thuốc giải của ngươi. Song ngươi tán tận lương tâm đến thế đó, ta còn dung dưỡng ngươi làm sao được nữa chứ?
Chàng ấn một ngón tay nơi lưng Tiền Vạn Năng.
Một đạo khí nóng chuyền từ tay chàng sang mình Tiền Vạn Năng, làm sôi động các kinh mạch, chân lực của lão cũng dao động theo.
Chân lực dao động là chất độc phát tác liền.
Tiền Vạn Năng lập tức kêu lên:
- Tại hạ nói! Tại hạ xin chỉ! Xin Thiếu lệnh chủ dung tha cho tánh mạng!
Triệu Sĩ Nguyên trầm giọng:
- Ta không thể dung tha ngươi được! Ngươi tàn độc đến độ mất cả nhân tánh, còn sống phút giây nào là còn hãm hại người lành, ngươi đừng hy vọng ta khoan dung!
Rồi chàng nghiêm sắc mặt tiếp:
- Nếu ngươi chịu chỉ chỗ dấu thuốc giải, ta sẽ cấp cho ngươi nửa phần số lượng chữa trị một người, giúp ngươi khỏi bị đau đớn vì chất độc hành hạ, chứ còn chữa trị cho ngươi được toàn vẹn thì đừng hòng. Có tán thất võ công, trở thành người thường, sống nốt ngày thừa, kể ra cũng phúc đức cho ngươi lắm đó.
Tiền Vạn Năng còn chút hy vọng nào, cố bám víu vào điểm hy vọng đó, dù biết là mong manh.
Lão thốt nhanh:
- Lão phu tin lời Thiếu lệnh chủ. Để lão phu chỉ chỗ dấu thuốc giải!
Thuốc giải lão để dưới tượng phật nơi gác thứ năm.
Triệu Sĩ Nguyên xuống gác thứ năm, quả thấy hai bình thuốc dấu nơi bệ tượng, một bình màu hồng, một màu xanh.
Tiền Vạn Năng cho biết bình màu hồng đựng Tán Công Tán, còn bình màu xanh đựng thuốc giải.
Lão thốt:
- Số lượng thuốc giải đủ cho mười người dùng, Thiếu lệnh chủ đã đáp ứng rồi, xin cấp cho lão một phần.
Thực ra số thuốc đó thừa chữa trị cho hai mươi người, Tiền Vạn Năng hạ thấp con số xuống, còn phân nửa là để phòng ngừa Triệu Sĩ Nguyên cấp cho lão nửa phần cần thiết.
Như vậy là số nửa phần đó là đúng một phần thực sự, lão sẽ không còn lo ngại gì nữa.
Ngờ đâu, Triệu Sĩ Nguyên từng học qua y thuật, tuy chàng không hạ độc ai, chứ về việc giải độc thì chàng rất am tường, và hiểu rõ phân lượng cần thiết cho mỗi trường hợp.
Do đó chàng chỉ cấp cho lão đúng nửa phần, như lời chàng đã nói.
Tiền Vạn Năng tuyệt vọng van cầu:
- Thế thì Thiếu lệnh chủ nên giết luôn lão phu! Như vậy lão phu sẽ đỡ khổ hơn.
Triệu Sĩ Nguyên trầm giọng:
- Bình sanh bổn lệnh chủ không hề giết kẻ khoanh tay chờ chết!
Chàng lao mình qua cửa sổ vút đi.
Tiền Vạn Năng nghe nhiệt độ trong người càng phút càng tăng rồi đầu nhức như búa bổ, kế đó toàn thân đỏ rực lên, máu rịn qua làn da, kết thành hạt, lão run run, càng phút càng run mạnh.
Cuối cùng lão hét một tiếng lớn, mửa vọt máu tươi, ngoẻo đầu gục luôn tại chỗ không còn ngóc dậy nữa!
Chiều hôm đó Phổ Tế đại sư dẫn ba mươi sáu vị cao tăng chấp sự, xuyên qua khu Vân Hải Tùng Đào, đến trước một sơn cốc, vượt mấy đoạn đường hẹp, đến một thạch động.
Trước cửa có ba chữ lớn:
- Tổ sư động.
Tám lão tăng đứng canh tại đó.
Họ cùng nghiêng mình, vòng tay chữ thập thốt:
- Tổ sư chỉ chấp nhận một chưởng môn vào thôi!
Phổ Tế đại sư do dự.
Sau cùng lão phải để ba mươi sáu vị chấp sự Ở bên ngoài, rồi một mình vào động.
Động có ba phần ngoài chính sảnh và trong.
Bên ngoài là thiền đường, và bốn gian tịnh thất nhỏ, dùng làm chỗ ở cho tám vị lão tăng.
Nơi chính sảnh có một ngôi thạch thất, có bốn tiểu sa di ở trong đó, phục thị bốn vị tổ sư.
Bên trong cùng, cũng có thiền đường và gian tịnh thất nhỏ, bốn vị tổ sư ở nơi đó.
Chưởng môn có oai quyền tuyệt đối, điều khiển toàn phái, bất luận là ai phàm là tăng đồ đều phải tuân lịnh.
Nhưng đến động tổ sư rồi, chưởng môn chỉ còn là một đệ tử thông thường.
Bốn vị tổ sư thường nhật tu tâm dưỡng tánh, không hề hỏi han hay can thiệp đến sinh hoạt của chùa.
Còn chưởng môn thì hằng năm đến ngày mùng bốn tháng tư suất lĩnh đại biểu toàn môn phái, đến vấn an sư tổ, xin chỉ thị thi hành.
Giờ đây, gặp lúc Vô Cực phái đều uy hiếp bảo giao chùa, Phổ Tế đại sư mới phá lệ đến Tổ sư động, một công lệ mà từ ngày lập phái đến nay chưa một môn phái nào vi phạm.
Phổ Tế đại sư vượt qua phần ngoài động, vào đến chính sảnh, đứng trước cửa thạch thất, cao giọng thốt:
- Yêu cầu trực vụ sư đệ trình lên tổ sư, có Phổ Tế đại sư đến bái kiến!
Từ trong thạch thất một tiểu sa di đáp vọng ra:
- Sư tổ thỉnh sư huynh chưởng môn vào!
Phổ Tế đại sư qua khỏi tòa thạch, đến hậu động, thấy bốn vị tổ sư đang ngồi bồ đoàn tại thiền đường, mắt nhắm nghiền như đang nhập định.
Phổ Tế đại sư quỳ lại đủ lễ đoạn thốt:
- Đệ tử Phổ Tế bái kiến bốn vị tổ sư, nguyện cầu tổ sư vĩnh viễn an khương.
Bốn tổ sư ngồi theo thứ tự tuổi tác, từ tả sang hữu pháp hiệu của các vị là Liễu Nhân, Liễu Duyên, Liễu Trần, và Liễu Phi.
Liễu Phi là vị nhỏ tuổi hơn hết.
Ba vị kia vẫn nhắm mắt chỉ có Liễu Phi từ từ mở mắt. Hai đạo tinh quang chiếu vào mặt Phổ Tếđại sư, đại sư nghe lạnh khắp mình, bất giác sợ hãi, cúi đầu nín thở.
Thì ra trong ánh mắt của Liễu Phi ẩn ước có niềm phẫn nộ. Mà Phổ Tế đại sư là người có tội, tự nhiên phải ngán.
Các vị tổ sư Thiếu Lâm, người nào cũng có từ một trăm năm sáu mươi tuổi trở lên, dĩ nhiên công phu tu vi của họ cực kỳ thâm hậu.
Liễu Phu thu nhãn quang lại, niệm phật hiệu, đoạn hỏi:
- Phổ Tế! Ngươi biết tội chưa?
Phổ Tế chết sửng tại chỗ.
Lão thầm nghĩ, các vị tổ sư không hề bước ra khỏi động, chẳng lẽ biết những việc lão đã làm.
Không! Nhất định họ không biết được. Bởi nếu biết được thì làm gì các vị đợi đến ngày nay mới hỏi tới?
Lão đã bắt đầu làm nên tội lỗi hơn một năm rồi kia mà?
Rồi lão lại nghĩ, có thể các tổ sư trách cứ lão về một việc gì khác, chẳng hạn sơ suất trong việc điều hành toàn môn phái. Như vậy lão không thể hấp tấp thừa nhận.
Lão cố giữ bình tĩnh, nhóng khẩu khí của các tổ sư, đoán sự tình như thế nào rồi hãy liệu sau.
Lão cúi đầu, đáp:
- Đệ tử đã biết tội mình! Đáng lý không nên lấy lễ đối đãi với Vô Cực phái. Bây giờ nguy cơ sắp đến, đệ tử hết sức là ăn năn.
Liễu Phi tổ sư hỏi:
- Còn tội gì nữa chăng?
Phổ Tế đại sư giật mình:
- Đệ tử hằng giữ quy giới, luôn luôn chuyên tâm chấn chỉnh sơn môn, tự xét mình tuy bất tài, sogn không hề dám làm điều chi trái với huấn thị của tiền nhân.
Liễu Phi tổ sư buông giọng rắn rỏi:
- Giả như ngươi tự động thú nhận những việc đã làm, những mưu mô dự tính, thì còn có thể hưởng dịp tự hối, ăn năn. Còn ngươi cứ che dấu tội lỗi thì đừng trách ta có quyết định dứt khoát!
Phổ Tế đại sư trầm ngâm suy nghĩ.
Lão nghĩ rằng hành động của lão cực kỳ chu đáo, nhất định là không để lộ một sơ hở nào.
Lão cắn răng, lấy thái độ phủ nhận:
- Đệ tử chưa dày đức độ, tuổi còn nhỏ, sớm chấp chưởng quyền lãnh đạo, tự nhiên khó tránh được một vài đố kỵ, cầu xin sư tổ lượng xét.
Liễu Phi trầm giọng:
- Ngươi không tự thú?
Phổ Tế đại sư cương quyết:
- Đệ tử không dám vọng ngôn!
Liễu Phi lại niệm phật hiệu, đoạn tiếp:
- Ngươi không chịu nói, ta nói hộ cho!
Bỗng Liễu Phi nghiêm sắc mặt hỏi:
- Do đâu ngươi được tôn chức chưởng môn?
Phổ Tế đại sư lại giật mình:
- Vị chưởng môn tiền nhiệm là ân sư của đệ tử, truyền cho đệ tử.
Liễu Phi lại hỏi:
- Ngươi có ám toán Trí Năng, uy hiếp Trí Năng nhượng vị cho ngươi chăng?
Phổ Tế đại sư kêu lên:
- Oan thay cho đệ tử!
Liễu Phi tiếp:
- Nếu ngươi tham quyền đoạt vị, thì sự việc đó chỉ nhắm vào một cá nhân, chư tổ còn có thể dung tha mà không nở dùng trọng hình xử phạt. Nhưng ngươi không giới hạn lòng tham ở chức vị chưởng môn, ngươi muốn uy hiếp hào kiệt giang hồ, giành quyền bá chủ một góc trời, câu kết với ngoại nhân, cam tâm hủy diệt cơ nghiệp tiền nhân, điều đó chư tổ không thể bỏ qua cho ngươi...
Phổ Tế đại sư nghĩ rằng Trí Năng hòa thượng trúng phong, không cử động được, không nói năng được, thì sự tình đâu có thể bị bại lộ?
Bất quá Liễu Phi tổ sư ức đoán vậy thôi, chứ làm gì có bằng cớ chứng minh tội ác của lão ta?
Đã chối, lão chối luôn:
- Vô bằng, vô cớ, tổ sư lại kết tội đệ tử, thì thật là oan quá!
Liễu Phi thở dài:
- Vô bằng, vô cớ? Còn Tùy Duyên hòa thượng kia, hắn từ đâu tới! Tại sao hắn ở mãi trong chùa, đến nay đã hơn một năm, bảy tháng rồi? Hắn là ai?
Phổ Tế đại sư bối rối:
- Đệ tử vì sự vụ quá nhiều, đệ tử không kiểm soát cẩn thận... có lẽ các vị tri khách sơ suất...
Liễu Phi lại thở dài:
- Xảo ngôn, ngụy biện như ngươi thật đáng trách! Không lẽ ngươi không biết hối hận?
Phổ Tế đại sư vẫn phủ nhận:
- Đệ tử vấn tâm, nghĩ rằng mình chưa làm gì đáng tội, bất quá đệ tử ngay tính nhưng cái lý rất oan!
Liễu Phi hơi mất bình tĩnh:
- Ngươi cho rằng ta bịa chuyện, từ cái không tạo ra cái có!
Phổ Tế đại sư điềm nhiên:
- Đệ tử nào dám có ý đó!
Liễu Phi lắc đầu:
- Chưa thấy mặt Diêm Vương ngươi vẫn tưởng rằng mình còn sống. Được rồi, ta sẽ đưa nhân chứng ra, đối chất với ngươi!
Liễu Phi vừa dứt tiếng, từ nơi trong cửa hông có tiếng niệm phật hiệu vang lên.
Nghe âm thanh đó, Phổ Tế đại sư run người liền.
Tiếp theo đó, một câu nói vang lên:
- Nghiệt chướng! Hãy nhìn xem bần tăng là ai!
Người bước ra là một vị cao tăng, tuổi trên tám mươi, gương mặt hồng hào.
Phổ Tế đại sư không cần quay lại nhìn cũng hiểu ngay là Trí Năng thiền sư, vị ân sư của lão ta!
Đã rơi vào tình cảnh này, Phổ Tếđại sư không còn lùi được nữa, lão phải tìm cái sống trong cái chết.
Lập tức Phổ Tế đại sư nhảy đến sau lưng Liễu Nhân tổ sư, áng bàn tay nơi hậu tâm, hét lớn:
- Bốn vị sư tổ đả trúng phải Tán Công Tán, ân sư đừng vọng động mà có hại cho tất cả.
Liễu Nhân, Liễu Duyên, Liễu Trân trước sau vẫn bất động. Trí Năng thiền sư nạt:
- Nghiệt chướng! Thế ra ngươi vẫn chưa biết hối cải à? Ngươi còn muốn hãm hại các vị sư tổ nữa sao?
Phổ Tế đại sư trầm giọng:
- Đệ tử tìm cái sống trong cái chết, bắt buộc phải thế! Xin ân sư hứa là để cho đệ tử tự do ra khỏi động.
Bỗng một giọng nói rõ ràng từ phía sau lưng Phổ Tế đại sư vọng đến:
- Đã lầm lạc một lần, không nên để cho lầm thêm một lần nữa. Đại sư nên nghĩ đến thanh danh môn phái.
Phổ Tế đại sư giật mình quay đầu lại.
Sau lưng lão, một hiệp sĩ vận áo trắng, đang đứng nghiêm, song gương mặt rất hiền hòa.
Chẳng rõ hiệp sĩ xuất hiện từ lúc nào.
Hết chương 92. Mời các bạn đón đọc chương 93!