Vì không tin nên bà không bao giờ chấp nhận. Bà không có người tâm sự trong số đông đảo bạn bè, tuy mọi người đều tin rằng mình đủ thân để biết mọi điều bà suy nghĩ và làm. Bà cũng không cho chồng biết bất cứ chuyện gì, ngoài những chuyện bà muốn ông biết; ông cũng rất vui thích khi bà không tâm sự với ông. Biết tất cả tâm hồn và trí óc của người đàn bà có ý chí mạnh mẽ này thực là đáng sợ đối với ông. Bà đoán biết rằng ông chỉ muốn biết càng ít càng tốt, bà cũng hiểu rằng vì cảm tình, ông cũng sẽ đứng về phía người con gái Nhật ngây thơ này, người con gái ngoại quốc sẽ bước vào nhà ông. Ông sẽ che giấu cảm tình của ông đối với người con gái Nhật, và sẽ bí mật đứng về phe James.
Đời sống trong nhà vẫn như thường lệ trong khi James vắng nhà và ông Peterson trở nên quen thuộc với cái giọng nói dễ nghe của bà vợ khi trả lời điện thoại. "ồ thưa bà, chúng tôi không coi chuyện ấy quá quan trọng! Bà cũng biết các bà mẹ phải mong đợi những chuyện rắc rối của con trai mình - không tránh được đâu. Bà có nghĩ đó là phần bất hạnh của chiến tranh không? Không, nó chưa kết hôn! Tôi nghĩ chúng nó trải qua một thứ nghi lễ hứa hôn trong một ngôi chùa Phật giáo, mặc dù tôi không tin lễ nghi ấy có giá trị Ở đây. Dẫu sao bây giờ chúng tôi cũng chỉ mới nói đến chuyện này thôi."
Những ngày đẹp trời cứ tiếp nối nhau. Hoa hồng trong vườn bắt đầu nở, lớn hơn và to hơn bao giờ, và cũng thơm hơn bao giờ trong mùa xuân này. Thỉnh thoảng James cũng gửi bưu thiếp về cho gia đình, cái nào cũng cho biết chàng sắp trở về, rồi lại không thấy chàng về. Có những sự chờ đợi mà chàng không hiểu. Hoa Thịnh Đốn là một mê cung mà chàng đang lạc lối. Cho tới nay chàng chỉ có một lời hứa hẹn, và lời hứa ấy chẳng có nghĩa gì.
Bà Peterson đọc to những tấm bưu thiếp ấy cho chồng nghe vào giờ ăn, và mặt bà không chú ý gì. Bà gửi một lá thư hàng không cho bà đại tá ở Đông Kinh, cám ơn bà ta về những sự báo động và xin bà ta giúp đỡ thêm.
Bà thúc giục, "Có thể nào đổi James sang Âu châu không? Đó có thể là giải pháp tuyệt vời nhất. Nếu có thể đổi nó đi ngay lập tức, trước khi nó đem con nhỏ ấy qua đây, thì tránh cho chúng tôi nhiều khó khăn."
Vì thế tại Hoa Thịnh Đốn, đi hết văn phòng này tới văn phòng khác, James chỉ thấy một sự trì hoãn kỳ lạ và khó hiểu. Không trở lại Nhật Bản thì rất dễ dàng. Người ta có thể thu xếp cho chàng ngay được. Và đề nghị kế tiếp là chàng phải đi Âu châu, và tại đó chàng sẽ làm những công việc đúng như chàng làm tại Nhật Bản. Người ta thấy rằng chàng có một khả năng giỏi về phân tích tình hình chính trị tại ngoại quốc, và nhiều quốc gia bao quanh Đức quốc cần một sự phân tích như thế.
Viên sĩ quan chắc nịch, bén nhạy và hơi ít học khuyến khích chàng, "Anh có thể viết rõ ràng hơn phần đông những người tốt nghiệp đại học khác có thể viết. Khi tôi đọc những bài của anh, tôi hiểu anh nói gì."
"Cám ơn," James trả lời, quyết định chàng sẽ không bao giờ đi Âu châu, ít nhất cho tới khi Dục Thủy đến đây và có thể đi theo chàng. Âu châu là một thế giới khác nữa. Chàng đã sống trong nhiều thế giới khác nhau rồi.
Chàng trở về nhà trong một tâm trạng thỏa hiệp. Chàng hiểu rằng người ta cho chàng thời giờ để suy nghĩ lại, và do đó chàng được nghỉ phép bán chính thức vô thời hạn. Nếu chàng không muốn đi Âu châu - thế thì hình như không có gì cho chàng bây giờ tại Hoa Thịnh Đốn. Chàng bàng hoàng nhận cái tin này với lòng nghi ngờ. Hình như có người đang chống lại chàng, nhưng chàng không tin đó là viên đại tá, vì ông ta rất mong ước chàng trở lại Nhật Bản. Chàng không thể tưởng tượng bất cứ ai khác có ảnh hượng tới tận Hoa Thịnh Đốn. Trong lúc lái xe ngang qua vùng đất đỏ phì nhiêu của Virginia, chàng quyết định sẽ đón Dục Thủy sang Hoa Kỳ ngay lập tức. Chàng thu xếp việc này trong lúc chàng còn ở Hoa Thịnh Đốn. Không có một trở ngại nào, vì nàng sinh đẻ tại quốc gia này. Từng đoạn Kinh Thánh chàng đã nghe một cách bất đắc dĩ trong nhà thờ hồi còn nhỏ thoáng hiện qua tâm trí chàng. Thánh Phao Lô đứng trước một viên chức La Mã đã tự tuyên cáo. Viên chức La Mã kiêu căng đã nói, "Tôi đã mua tự do của tôi bằng một giá rất cao."
Thánh Phao Lô đã hãnh diện ngẩng đầu và nói, "Nhưng tôi sinh ra đã tự do rồi."
Dục Thủy cũng sinh ra tự do như chàng, ngay cả chàng, James Peterson, cũng tự dọ Nàng là người Mỹ trước pháp luật. Chàng giữ vững sự kiện không thể thay đổi này.
Khi chàng trở về nhà vào một buổi tối, lúc đó vẫn còn sớm, và cha mẹ chàng đang chơi cờ trong phòng khách. Họ là những tay chơi cờ giỏi, nhưng mẹ chàng chơi hay hơn, bởi vì bà quyết tâm muốn thắng trong khi cha chàng không quan tâm đến thua hay thắng.
Chàng nói khi bước vào nhà, "Kính chào các nhà vô địch."
Hai người giật minh ngẩng lên, cùng vui mừng, nhưng chàng nghĩ mẹ chàng hơi dè dặt. Nhưng bà không cho phép điều bà cảm thấy làm hư hỏng cái sự ấm áp của lòng vui mừng khi đứa con trở về. Bà đứng dậy, hôn má chàng, và hai tay bám vào tay chàng. "Ôi, mẹ rất mừng khi con trở về. Mẹ hy vọng con không tìm được việc làm, darling - con chưa cần đi làm đâu! Căn nhà trống trải khi thiếu con."
"Hừ, con không kiếm được việc. Thà như vậy còn hơn. Con không muốn việc họ cho con. Đi Âu châu! Tại sao con phải đi Âu châu và bỏ phí những gì con học được tại Á châu? Ai thắng thế? Chắc lại mẹ rồi, con tin thế!"
Cha chàng nói, "Ngồi xuống. Cho ba biết phải đi thế nào. Như thường lệ, mẹ con bao vây ba rồi."
Mẹ chàng kêu lên, "Thôi. James đói rồi. Con ăn tối chưa?"
"Chưa ăn gì cả." Chàng bỗng cảm thấy vui tươi. Hai người này sẽ không xử khó với chàng. Mẹ chàng bắt buộc phải tỏ ra không thù nghịch chàng. Bà sẽ không bao giờ nói bà hối tiếc, bà không thể như thế, đó là phong cách của bà. Chàng thấy thoải mái và bỗng chốc thấy rất mệt mỏi. Mọi thứ trên đời đều phức tạp, lôi kéo một trăm cách cùng một lúc, nhưng ở đây ít nhất cuộc đời cũng vẫn tiếp tục như cũ. Dục Thủy nhỏ bé của chàng sẽ bước vào chiếc cửa mở và đời sống sẽ không bị quay đảo lộn. Cha mẹ chàng có quyền hạn chừng nào ông bà còn sống; khi ông bà chết rồi, chàng sẽ thay thế chỗ của họ. Bằng sức mạnh của ý chí và quyết tâm của chàng, chàng sẽ giữ căn nhà này như cũ, một thế giới không tận cùng.
° ° °
Dục Thủy đọc lá thư như thường lệ, thoạt đầu đọc mau lẹ, nghĩ mãi từng lời yêu đương. Đây là điều quan trọng nhất. Rồi nàng đọc lại rất cẩn thận, để có thể hiểu mọi hướng và mô tả của những mẩu tin. Sau đó nàng đọc vài lần mỗi ngày để cảm thấy gần gũi chàng, tâm trí hai người giao cảm với nhau, trái tim gặp nhau. Qua những lá thư nàng hiểu được chàng. Sự gần gũi của da thịt có thể là một ngăn trở cho sự hiểu nhau! Khi nàng ở trong vòng tay của chàng, ngay cả khi nàng trông thấy chàng bước lại với nàng, trí óc dừng lại và tư tưởng biến đi. Nhưng khi giữa hai người là đại dương, thì chính nhờ trí óc mà hai người có thể sống trong sự hiện diện của nhau, và như thế tư tưởng chảy ra dễ dàng, và dễ hiểu biết nhau hơn.
Trong những tuần lễ xa cách, nàng đã bắt đầu biết chàng rõ hơn. Chàng không mạnh mẽ như lúc đầu nàng tưởng. Chàng cũng tùy thuộc một phần vào cha mẹ. Điều này làm nàng ngạc nhiên, bởi vì nàng tưởng tượng thanh niên nam nữ tại Hoa Kỳ hoàn toàn tự do khỏi gia đình, và có thể làm cái gì họ thích. Họ không bị bắt buộc phải vâng lời cha mẹ. Bây giờ nàng thấy rằng muốn gì phải có lời cầu xin, và trong nhà chàng chính người mẹ điều khiển, chứ không phải cha chàng như ở đây. Nàng suy nghĩ chuyện này nhiều lắm. Nàng phải làm vừa lòng mẹ chàng, chứ không phải cha chàng. Hừ, điều này có thể hiểu được, bởi vì ngay tại Nhật Bản mẹ chồng có thể làm người con dâu trẻ đau khổ hoặc hạnh phúc. James gửi cho nàng những hình ảnh về căn nhà và cha mẹ chàng. Nàng nghiên cứu khuôn mặt của hai người lớn tuổi này. Nàng dùng kiếng phóng đại mang từ lớp sinh vật về nhà, và xem xét từng nét mặt và mắt của họ. Nàng thuộc về một giống dân cổ và thừa hưởng một sự khôn ngoan của con người. Bằng sự suy tư bí mật này, nàng hiểu biết một cách đáng ngạc nhiên về cha mẹ James. Một lần nàng thấy lo lắng về một người con gái tên Monicạ Monica là người đầu tiên biết về cuộc hôn nhân của hai người, nhưng chàng hy vọng Monica sẽ là bạn nàng. Chàng không gửi hình và không nhắc tới Monica.
Thư của chàng chỉ nói về việc nàng sang Hoa Kỳ, và cuối cùng lá thư ngày hôm nay gửi cho nàng lời yêu cầu nàng phải đi và còn có cả vé máy bay của nàng nữa. Cái vé này là một kho tàng đối với nàng. Nàng xem xét tỉ mỉ vé máy bay, đọc mỗi chữ. Tấm vé thực là đơn sơ, nhưng vô cùng quý giá; đây chính là giấy phép cho nàng vào Thiên Đường. Sự chỉ dẫn của chàng rất rõ ràng. Không có gì khó khăn cả. Nàng đã có thông hành, nàng chỉ cần lấy Visa; nàng sẽ lên máy bay tại Đông Kinh, và chàng sẽ gặp nàng tại San Francisco bằng xe hơi của chàng, và hai người sẽ hưởng tuần trăng mật trong khi lái xe chạy ngang đất nước Hoa Kỳ cùng nhau.
Khi nàng đọc lá thư vài lần rồi, nàng đi tìm mẹ và hai người cùng nói cho cha nàng biết khi ông trở về nhà buổi tối. Nàng thấy mẹ đang cho cá vàng ăn, dùng một cây que bằng tre, khuấy chiếc ao nhỏ. Những con cá vàng chậm chạp lờ đờ vì lạnh, nhưng vẫn còn quá sớm cho chúng lẩn tránh xuống bùn.
Hình dáng mẹ nàng cúi xuống trong bộ kimono màu bạc xanh, trong ánh nắng mai mờ như sương trong khu vườn giống như một bức tranh. Nàng sẽ nhớ bà mẹ nhỏ bé này! Tuy nhiên nàng chưa nghĩ như thế trong nỗi niềm mơ ước được tái ngộ với James. Mẹ nàng quá im lặng, quá rút lui, quá lặng lẽ, và thế mà nàng cảm thấy cái ý nghĩ đi xa là một sự miễn cưỡng gần như đau đớn. Nàng quỳ xuống bên mẹ trên đám cỏ úa.
Những con cá bây giờ bơi ra khỏi những tảng đá, vẫy những chiếc đuôi rộng, và không quan tâm đến đồ ăn.
Dục Thủy nói, "Chúng nó muốn ngủ."
Mẹ nàng trả lời, "Chúng nó biết sắp tới mùa đông rồi."
Trong một lúc mẹ nàng không nhìn nàng, chú ý đến công việc. Rồi như thể biết Dục Thủy có mục đích ra gặp bà, bà ngẩng lên, hơi giật mình. "Có chuyện gì không?"
"Có," Dục Thủy trả lời và rút lá thư ra. "Anh ấy muốn con đi Hoa Kỳ, và gửi vé máy bay cho con." Nàng rút vé máy bay ra; mẹ nàng cầm lấy, lật đi lật lại, không thể đọc được.
Bà đưa thư, phong bì và vé máy bay lại cho Dục Thủy.
Dục Thủy hỏi, "Ba sẽ nói gì? Ba không bao giờ tin tưởng James sẽ đưa con đỊ"
"Bây giờ ba con sẽ hiểu." Mẹ nàng đứng dậy và đậy nắp cái bình đựng đồ ăn cho cá.
Hai người nhìn dòng nước chảy. Những con cá bỗng trở nên hăng hái khi ngửi thấy đồ ăn. Chúng đã quên, nhưng chúng bỗng nhớ chúng thích đồ ăn. Vẫn còn thời giờ cho chúng ăn trước khi chúng ngủ.
Mẹ nàng nói, "Còn lâu lắm mẹ mới lại gặp con. Có lẽ mẹ chẳng bao giờ gặp con nữa. Ba con không bao giờ trở lại Hoa Kỳ nữa. Ba con bảo mẹ thế."
Dục Thủy hứa, "Con sẽ về thăm mẹ." Nàng cong bàn tay vào bàn tay mẹ như nàng thường làm hồi nàng còn nhỏ.
"Nếu có con - " mẹ nàng bắt đầu và ngừng lại.
Đứa con! Nó sẽ là gì? Một điều không tránh được là nó sẽ sinh ra. Nhưng người ta có muốn nó sinh ra không? Mọi người đàn bà tự hỏi câu này. Khi có tình yêu, có nên có con không? Bà Sơn Điền biết rằng có một thứ tình yêu mà bà không bao giờ biết, nhưng cái sức quyến rũ của nó bà đã trông thấy ở Dục Thủy. Qua Dục Thủy, bà cảm thấy sức mạnh của nó, một năng lực thay đổi đã làm cho con gái bà thành một người sẵn sàng rời bỏ cha mẹ. Chính bà cũng không cảm thấy thế khi cha mẹ bà gửi bà sang Hoa Kỳ để lấy một người đàn ông bà chưa từng gặp, bà đã đi mà không thắc mắc gì. Do định mệnh của bà. Dục Thủy may mắn hơn bà nhiều: nó ra đi vì người đàn ông nó đã biết. Nhưng có thể nào một người đàn bà Nhật thực sự biết một người đàn ông Mỹ? Việc này còn phải tìm hiểu. Dẫu sao Sơn Điền cũng là một người Nhật và không khác với những người Nhật khác, tuy xuất sắc hơn. Như vậy bà biết rằng con cái của bà sẽ là người Nhật, tóc đen, mắt đen, da vàng, nhưng làm sao Dục Thủy biết được con cái mình sẽ như thế nào? Chúng có thể có mắt màu nhạt như mắt của cha chúng. Lúc đó sẽ phải làm gì? Bà có vẻ giật mình trước sự có thể xảy ra này, và Dục Thủy nhìn thấy vẻ mặt của mẹ.
"Mẹ, có chuyện gì không?"
Bà Sơn Điền ngơ ngác trả lời, "Mẹ có một ý nghĩ. Dục Thủy, mẹ nghĩ chuyện này!"
"Chuyện gì hả mẹ?"
"Đàn bà Mỹ - họ không biết con cái sẽ có mắt và tóc màu gì! Đây không phải là một sự đáng lo ngại ử"
Dục Thủy hỏi, "Mẹ Ơi, chuyện ấy quan trọng đối với con hay sao?"
Bà Sơn Điền quan tâm trả lời, "Mẹ nghĩ quan trọng. Điều đó quan trọng đối với mẹ, Dục Thủy, như khi mẹ trông thấy con, và mắt con không đen. Làm sao mẹ có thể cảm thấy đứa nhỏ ấy là cháu của mẹ nếu mắt nó không đen?"
"Ô, mẹ Ơi - "
Dục Thủy cố bật cười, nhưng nàng cũng cảm thấy đau khổ một lúc. Nếu đứa trẻ mắt xanh thì nàng có thấy kỳ lạ không? Tuy thế nếu đứa trẻ hoàn toàn giống nàng, James có thể cảm thấy kỳ lạ. Như mẹ nàng nói, thì đây quả thực là một sự khó chịu.
Nàng nói, "Có lẽ con không có con."
Mẹ nàng lắc đầu. Bà nói bằng một giọng thực tế. "Con không thể nói thế. Nếu đến lúc một đứa trẻ được hoài thai, thì nó sẽ được hoài thai và không gì có thể ngăn chặn đời sống của nó được. Cái linh hồn chờ đợi bên ngưỡng cửa, chớ đợi đúng lúc của nó. Khi đúng lúc sống, chúng ta sống, ngay cả đúng lúc phải chết, thì chúng ta chết. Cái chu kỳ ấy không thể làm nhanh hơn hoặc chậm lại được. Đời sống người này có thể ngắn, người kia có thể dài, nhưng tất cả đều là định mệnh."
Như vậy lời nói này giải thích sự kiên nhẫn và tinh thần không chống đối, sự chấp nhận, cái nguồn sức mạnh mênh mông và đơn giản của mẹ nàng. Dục Thủy không thể trả lời được, và cảm thấy cái định mệnh của mẹ, nàng cúi đầu chào và bước đi.
Đây là lần đầu tiên, sau cái giây phút thông hiểu trái tim của mẹ nàng, Dục Thủy cảm thấy không thể tránh có con được.
° ° °
Khi cha nàng không phản đối bất cứ chuyện gì về việc ra đi của nàng, nàng rất đỗi ngạc nhiên, hoặc cảm thấy nàng nên ngạc nhiên. Ông thu xếp cho nàng đi lấy Visa, đi cùng với nàng tới văn phòng tại Đông Kinh. Ông bảo nàng biết ông có một ít tiền trong một trương mục tiết kiêm trong một ngân hàng tại San Francisco mà ông để lại cho Kiến Sơn, và khi Kiến Sơn chết rồi, số tiền vẫn còn nguyên tại đó. Bây giờ ông đặt số tiền ấy dưới tên nàng.
Tất cả qua đi một cách dễ dàng đến nỗi tưởng như thần linh chạy trước mặt để dọn đường cho nàng. Giấy khai sinh của nàng, chứng minh nàng sinh tại Los Angeles, giấp thông hành của nàng dính liền vào thông hành của cha mẹ, nay chỉ cần tách ra và chỉ cần thêm một tấm ảnh là hợp lệ. Điều khó khăn duy nhất là tên nàng. Nàng muốn dùng tên mới của nàng, là bà James Peterson.
Điều này cha nàng ngăn cấm. "Không, ba không cho phép như thế. Con phải dùng tên ba và tên con, Dục Thủy Sơn Điền. Có thể sau này con cần lại cái tên này."
Nàng tức giận chạ "Thưa ba, làm sao ba có thể nói thế? Ba không tin tưởng con."
Ông chỉ trả lời, "Ba không tin tưởng cuộc đời."
Nàng chịu thuạ Đời sống phải chứng minh nàng đúng. Cha nàng sẽ phải thấy khi tất cả xảy ra như nàng trông thấy. Người già không tin tưởng. Khi tất cả thu xếp xong, hai cha con trở về nhà, và nàng rất cảm động trước cố gắng thân thiện của chạ Ông không nói gì về việc ra đi của nàng, nhưng từ cửa sổ xe lửa, ông chỉ cho nàng một số quang cảnh - một người có một cái bướu trên cổ, hoặc một đứa trẻ bị bịnh mắt. Ông mở cửa sổ và gọi người đàn ông chỉ là một khu khuân vác. "Này ông kia có bướu trên cổ! Bướu ấy có thể cắt đi. Tại sao ông không đến bệnh viện tại Đông Kinh? Hoặc tới với tôi tại Kyotỏ"
Người ấy là một người ngu dốt, và la to lại, "Đời sống tôi gồm có cái bướu này. Tôi có nên cắt đời sống tôi đi không?"
Bác sĩ Sơn Điền thở dài đóng cửa sổ lại. Công việc của một y sĩ thực là khó. Trước hết ông phải bảo người đàn ông ấy rằng ông ta có thể trị lành được, và rồi phải bắt ông ta tin thế. Việc trị bệnh là việc cuối cùng và dễ nhất.
Ông bàn luận với Dục Thủy về sự bướng bỉnh của con người, nhất là của những trí óc ngu xuẩn, mà ông bao gồm phần lớn nhân loại, và đặc biệt là những người trẻ và đàn bà, như Dục Thủy cảm thấy.
Tuy thế không có gì làm mờ hạnh phúc của nàng. Vì ngày giờ ra đi đã được ấn định, thời gian sẽ lướt quạ Buổi sáng sẽ tới và những giờ của một ngày bay đi trên đôi cánh hạnh phúc. Nàng sung sướng đến nỗi nàng trở nên tàn ác mà không biết. Nàng không còn nhìn thấy những trái dâu đỏ ngoài vườn, hàng năm đem lại cho cha nàng một cái thú lớn lao. Nàng quên hai lần không cắm hoa vào bình hoa trên bàn thờ, nhưng cha mẹ nàng không trách nàng. Đối với họ, nàng đã mất rồi.
Nàng cũng biết sự đau đớn của cha mẹ, nhưng nàng biết không thể chia xẻ nỗi buồn ấy, bởi vì nàng rạng rỡ với tình yêu và hào hứng, và trái tim đã vượt qua đại dương và nóng ruột đứng chờ trên bờ biển xa xôi ấy.
Vì thế khi giờ chia tay tới nơi, khi nàng từ giã căn nhà, khu vườn, Nhu Mị, và cuối cùng là mẹ nàng, khi nàng cùng với cha đi ra phi trường, khi nàng biết chỉ còn cách xa James vài giờ nữa, nàng cảm thấy tê tái vì niềm vui. Không thể nào chỉ nghĩ tới cha mẹ nàng, hoặc những gì nàng bỏ lại.
Một ngày trước khi lên đường, nàng nhận được một lá thư ngắn của Hoà Lang Mạc Sầu. Lá thư tử tế và thân thiện, chàng cầu chúc nàng hạnh phúc và chàng cho biết sẽ gửi sang Hoa Kỳ một món quà cưới nhỏ. Năm tới chàng cũng có thể đi Hoa Kỳ, nếu công việc thương mại của chàng khai trương, như chàng và cha chàng hy vọng, và nếu nàng bằng lòng, chàng sẽ đến thăm và làm quen với những người bà con mới của nàng. Chàng lúc nào cũng trân quý tình bạn của nàng, và nàng lúc nào cũng có tình bạn của chàng, dù nàng cần đến tình bạn ấy hay không. Nàng đọc lá thư, biết chàng rất tử tế khi gửi lá thư này, nhưng nàng cũng không thể cảm được lòng tốt của chàng. Nàng đốt lá thư trong cái bình hương, không muốn giữ và cũng không muốn để lại.
Trong một lúc, khi phi cơ cất cánh, nàng bỗng có một quan niệm ngắn ngủi về cái nàng đang làm. Nàng nhìn qua ô cửa kính nhỏ, và trông thấy cha nàng đứng trên sân bay bên ngoài, đứng thẳng và cao, chiếc áo choàng rộng của ông bay phất phới trong gió. Hai bàn tay ông nắm chặt chiếc can, hai chân ông đứng vững chãi và xa cách nhau, đầu ông ngẩng lên để nhìn nàng. Nàng không chắc ông có thể trông thấy nàng không, nhưng trong một giây nàng có thể trông thấy ông rất rõ ràng. Ngày hôm ấy trời tốt, ánh mặt trời chiếu rực rỡ sau ba ngày mưa bão, và ánh sáng mặt trời rọi xuống khuôn mặt đẹp đẽ nhưng có nhiều nếp nhăn của ông. Nàng trông thấy một nỗi buồn cao quý ở khuôn mặt ấy, một sự đau lòng tự trọng, một hối tiếc dai dẳng bên dưới cái dáng vẻ cương quyết của ông. Nàng bỗng hiểu biết và trái tim đau nhói.
Cảnh ấy không kéo dài lâu. Những chiếc cánh vĩ đại rực rỡ nhấc nàng lên cao, và trái đất trở nên nhỏ bé và xa dần. Trong vài phút, nàng đã ở trên cao bên trên đại dương, và tư tưởng cũng như giấc mơ của nàng đã bay xa trước mặt.