Đức Phật Và Nàng Chương 59

Chương 59
Lưu luyến

Chúng tôi bị đưa về thành Khâu Tử và được sắp xếp ở trong cung. Tuy không xa hoa như tẩm cung của công chúa Wusun khi xưa, nhưng nơi đây không thiếu thốn thứ gì cả và còn có cung nữ phục dịch. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi được tự do hơn trước đây. Lữ Quang viện cớ muốn nghe thuyết giảng Phật pháp, buộc Rajiva ngày ngày kề cận bên ông ta. Rajiva giống như một vị cố vấn, ngày nào cũng túc trực bên Lữ Quang, nên không thể tham gia bất cứ hoạt động nào của chùa Cakra.

Nghe Rajiva than vãn về công việc chính sự nhàm chán hàng ngày của mình, tôi chợt hiểu ra mục đích của Lữ Quang. Ông ta không còn muốn chèn ép Rajiva, cũng không còn giữ ý đồ lợi dụng biến chàng trở thành “cơ quan ngôn luận” của ông ta nữa. Nhưng lòng nhiệt thành với ý tưởng và tôn giáo của chàng khiến ông ta lo ngại. Chùa Cakra chỉ cách thành Khâu Tử chừng bốn mươi dặm. Số lượng tăng sĩ và dân chúng trong thành cộng lại cũng đến hàng vạn người. Như vậy có nghĩa là, chỉ cần Rajiva lên tiếng kêu gọi, sẽ có một lượng không hề nhỏ bé ủng hộ chàng. Vì vậy, Lữ Quang không yên tâm để chàng tự do tự tại ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Ông ta muốn Rajiva luôn ở cạnh mình để dễ bề kiểm soát.

Tôi nói với Rajiva, kẻ nắm quyền lực xưa nay vẫn vậy. Vua chúa trong lịch sử đều không muốn các bậc cao tăng có sức mạnh hiệu triệu an cư tại những nơi mà nhà vua không thể kiểm soát, như những vùng núi đồi xa xôi, hẻo lánh. Vì rất có thể, khi số lượng tín đồ trở nên đông đảo, có kẻ nuôi dã tâm làm phản thì sao? Đường Thái Tông tin yêu Trần Huyền Trang là thế, vậy mà khi đại sư đã luống tuổi, muốn tới chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn an cư và dịch thuật kinh Phật, vua Đường đã từ chối thẳng thừng. Đây là một minh chứng rõ nét cho chủ nghĩa cá nhân cực đoan của các bậc đế vương.

Rajiva chìm trong suy tư hồi lâu. Cuộc sống an nhiên tự tại, muốn gì được nấy trước đây khiến Rajiva xem thường quyền lực thế tục. Thực ra, cho đến lúc này, chàng vẫn chưa nhận ra, tôn giáo vĩnh viễn không thể thoát ra khỏi sự ràng buộc của quyền lực thế tục. Thế lực lớn mạnh của giáo đường Roma thời kỳ Trung thế kỷ lan tỏa khắp châu Âu, khiến tôn giáo này nghiễm nhiên trở thành sức mạnh thống trị của châu Âu. Thế nhưng, hoàng tộc các tiểu quốc châu Âu không chịu khuất phục, đã dấy lên các cuộc cải cách tôn giáo. Nổi bật nhất là cuộc cải cách tôn giáo của vua Henry VIII ở nước Anh. Ngài đã tự lập ra một tôn giáo và đặt làm quốc giáo, tuyên bố khai trừ Giáo Hoàng Roma ra khỏi danh sách nhà lãnh đạo các tôn giáo. Cuộc đấu tranh giữa tôn giáo và quyền lực thế tục đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử châu Âu thời kỳ Trung thế kỷ. Kết quả, tôn giáo đã phải lùi bước, trở thành công cụ thống trị tinh thần và phụ thuộc vào các vương triều.

Sau khi Lữ Quang công phá Khâu Tử, Rajiva đã bảo vệ mọi thứ bằng cả tính mạng và sự tôn nghiêm của mình, nhưng trong cuộc đối đầu kịch liệt với nhà cầm quyền ấy, thực tế là chàng luôn rơi vào thế yếu. Mặc dù thế sự hỗn loạn đã tác hợp cho chúng tôi nên duyên, nhưng xét ở một góc độ khác, rõ ràng, đó chính là sự thất bại thảm hại của tôn giáo. Nhưng tôi không muốn giải thích cho chàng những lý luận kinh tế chính trị học này. Vì giả như chàng hiểu và chấp nhận những lý thuyết này đi nữa, tôi cũng không nên để tư tưởng của thời hiện đại ảnh hưởng đến chàng. Nhưng tôi tin, chàng sẽ nhận ra chân lý này, bởi vì khi Diêu Hưng xuất hiện, chàng đã biết tận dụng sự trợ giúp của sức mạnh thế tục để hoàn thành sứ mệnh của mình. Có điều, phải mất mười bảy năm trăn trở, mười bảy năm đằng đẵng trôi trong vô nghĩa ở Guzang, chàng mới nhận ra chân lý này. Như thế có phải là rất đáng buồn hay không? Hay ta hãy xét ở góc độ lạc quan, và xem mười bảy năm đó là khoảng lặng cần thiết, để chuẩn bị cho hành trình vinh quang, sáng lạn nhất trong cuộc đời chàng diễn ra sau đó?

Tôi tựa vào vai chàng, ước gì có thể truyền cho chàng sức mạnh. Dù ngày mai có ra sao, mười bảy năm có em ở bên, mong rằng chàng sẽ hạnh phúc.

- Cô Ngải Tình! Không đúng, phải gọi là công chúa mới phải.

Tôi quay lại, nhận ra Đoàn Nghiệp trong bộ áo lông cừu, đang bước thấp bước cao tiến về phía tôi. Lúc này, tôi đã ra khỏi cung và đang trên đường đến phủ quốc sư thăm hai đứa nhỏ.

Đoàn Nghiệp bước đến, cúi chào và niềm nở:

- Đã lâu không gặp, công chúa trông tươi tắn hơn trước rất nhiều.

Tôi vội đáp lễ. Ông ta hôm đó cũng theo Lữ Quang đến chùa Cakra, nhưng chỉ nhận ra tôi sau khi chúng tôi trở lại thành Khâu Tử. Lối sống của người Khâu Tử khá cởi mở, hoàng cung không có quá nhiều quy tắc nghiêm ngặt. Bởi vậy, tướng lĩnh của Lữ Quang đều được phép ra vào cung. Khi ông ta và Đỗ Tấn chạm mặt tôi, Đỗ Tấn đã nói với ông ta, tôi chính là công chúa Khâu Tử được gả cho đại pháp sư Kumarajiva, Đoàn Nghiệp vô cùng bất ngờ.

- Công chúa, trời đông giá rét, ta có thể mời công chúa một chén rượu ấm, được không?

Đoàn Nghiệp chỉ tay vào một quán rượu ven đường, dùng ánh mắt ra hiệu cho tôi. Tôi gật đầu, được thôi, tôi cũng đang muốn tìm hiểu một số thông tin từ ông ta.

Đoàn Nghiệp chọn một buồng riêng, chúng tôi bảo người phục vụ đứng chờ ở bên ngoài. Khi chỉ còn lại hai người, Đoàn Nghiệp hạ thấp giọng:

- Công chúa, Trường An đã bị Mộ Dung Xung bao vây. Thiên vương không tìm ra cách đối phó, cùng lúc gửi bốn lệnh triệu hồi Lữ tướng quân lập tức về kinh.

Tôi ngẩng lên nhìn ông ta, im lặng. Sách “Tấn thư” viết rằng, Mộ Dung Xung là “người đồng tính”, là con trai út của Hoàng đế Tiền Yên – Mộ Dung Tuấn. Nhà Tiền Yên bị Phù Kiên tiêu diệt, năm mười hai tuổi, Mộ Dung Xung theo chị gái là công chúa Thanh Hà vào sống trong hậu cung của Phù Kiên, hai chị em đều được Thiên vương Phù Kiên rất mực sủng ái. Vương Mãnh nhiều lần khuyên ngăn, Phù Kiên mới đồng ý đưa Mộ Dung Xung ra ngoài cung, cho làm Thái thú Bình Dương.

Đoàn Nghiệp cười mỉa mai:

- Tên mọi trắng Mộ Dung này có biệt danh là Phượng Hoàng. Ngày trước, trong thành Trường An người ta hay kháo nhau về lời sấm truyền: “Chim phượng hoàng xuất hiện ở thành A Phòng”. Thiên vương nghĩ đó là điềm may mắn, đã cho trồng mấy chục vạn cây ngô đồng và tre trúc để chờ chim phượng hoàng tới. Điều đáng nực cười là, Mộ Dung Xung đã đánh bại quân của Thiên vương ngay tại thành A Phòng, như thế chẳng phải lời sấm truyền kia đã ứng nghiệm hay sao? Thiên vương xem nhẹ lời khuyến cáo của Vương Cảnh Lược[1], dung túng cho bọn người Sabir[2] nên mới có kết cục như hôm nay.

[1] Vương Mãnh, chữ là Cảnh Lược.

[2] Dân tộc thiểu số thời cổ, ở vùng Đông Bắc, Nội Mông, Trung Quốc.

Tộc người Sabir khác với tộc người Hán, họ có nước da trắng như trứng gà bóc, lúc nào cũng tươi cười, khỏe khoắn. Hoàng thất Mộ Dung toàn là những vương tử điển trai, công chúa kiều diễm, người Đê gọi họ là bọn mọi trắng. Mộ Dung mới chừng hai mươi lăm tuổi, dẫn đầu một đội quân ô hợp, nhưng lực lượng của Phù Kiên lúc này đã suy yếu, nên mới bị dồn đuổi khỏi Trường An. Trên đường trốn chạy, Phù Kiên bị Diêu Trường (thuộc tộc người Khương) bắt. Và tháng năm năm 385 sau Công nguyên, người hùng bi kịch của thời kỳ Thập lục quốc – Phù Kiên đã bị giết bởi kẻ tiểu nhân giậu đổ bìm leo – Diêu Trường. Còn người đàn ông “nhan sắc” khuynh nước khuynh thành – Mộ Dung Xung, sau khi đánh chiếm Trường An, đã dung túng cho binh lính giết người cướp của, gây bao tội ác tày trời, biến vùng đất kinh kỳ trù phú, sầm uất thành địa ngục A Tỳ. Mộ Dung Xung không dám quay về quê cũ vì sợ thế lực lớn mạnh của người chú ruột Mộ Dung Thùy. Xưng đế chưa đầy một năm, Mộ Dung Xung bị thuộc hạ giết chết, khi ấy ông ta mới hai mươi bảy tuổi.

Chuỗi biến cố lịch sử kinh thiên động địa ấy đang diễn ra ở cố đô Trường An, cách tôi cả ngàn dặm, mỗi khi nghĩ đến, tôi không khỏi xúc động rưng rưng. Nhưng vì sao Đoàn Nghiệp lại nói với tôi những điều này?

Như đoán được nỗi băn khoăn trong mắt tôi, Đoàn Nghiệp tiếp tục hạ giọng, nói:

- Lữ tướng quân vẫn chần chừ chưa quyết. Nếu quay về trong bối cảnh Trường An đang bị vây khốn bởi người Sabir và người Khương như hiện nay, sẽ rất nguy hiểm. Vả lại, có quay về cũng chỉ hao binh tổn tướng, chẳng thể lật ngược thế cờ, nên tướng quân không cam lòng. Nhưng nếu không quay về, một khi vượt qua được kiếp nạn này, Thiên vương ắt sẽ truy xét tội trạng, tướng quân khó thoát khỏi tội chết.

- Vậy, Đoàn đại nhân mong tôi giúp gì cho ngài?

Tôi điềm tĩnh nhấp một ngụm trà nóng.

- Nay pháp sư ngày ngày túc trực bên tướng quân, nếu có thể, xin pháp sư mượn lời tiên tri thuyết phục Lữ tướng quân quay về Trường An. Tuy không tín Phật, nhưng tướng quân hẳn sẽ tiếp nhận những lời tiên đoán.

Tôi chợt nảy ra ý định, hỏi:

- Vì sao đại nhân muốn Lữ tướng quân quay về?

- Như hầu hết anh em trong đoàn quân, gia đình tôi cũng ở vùng Quan trung[3], tôi đêm ngày thương nhớ cha mẹ, vợ con, nên một lòng muốn quay về.

[3] Chỉ vùng đồng bằng phù sa màu mỡ thuộc hạ lưu sông Vị Hà, dưới chân núi phía Bắc của dãy Tần Lĩnh thuộc tỉnh Thiểm Tây – Trung Quốc, trung tâm là cố đô Tây An.

Đoàn Nghiệp nở nụ cười đầy ẩn ý, hạ giọng thêm nữa:

- “Hào quang xuất hiện ở Kiện Khang, nghiệp lớn sẽ thành ở Hà Tây”. Tôi chưa biết Kiện Khang và Hà Tây là vùng đất nào, nhưng chắc chắn không thể là Tây vực. Đoàn Nghiệp tôi muốn nên nghiệp lớn, không thể cứ níu chân ở Khâu Tử này mãi.

Tôi khá bất ngờ, thì ra ý đồ của ông ta là vậy! Chưa xét đến thực lực, giống như hầu hết các vị nam nhi đại trượng phu, luôn tự vỗ ngực xưng anh hùng của thời đại này, Đoàn Nghiệp cũng nuôi dã tâm lớn. Tôi trầm tư hồi lâu mới cất tiếng:

- Tôi ra ngoài đã lâu, đến lúc phải về rồi.

Đứng lên, bước ra cửa, ngập ngừng một lát, tôi nói:

- Một mình pháp sư không thể khiến Lữ tướng quân hạ quyết tâm trở về. Sao Đoàn đại nhân không nghĩ cách để Đỗ đại nhân thuyết phục Lữ tướng quân? Nếu không hành động nhanh chóng, chờ khi việc phân chia thiên hạ đã được an bài, Lữ tướng quân có trở về cũng chỉ còn cơm thừa canh cặn mà thôi.

Lữ Quang cuối cùng cũng ra đi. Lúc này là cuối tháng mười hai, tuyết dày khiến giao thông trên con đường tơ lụa bị ngừng trệ. Bởi vậy, phải chờ vài tháng nữa, Lữ Quang mới lên đường. Hôm đó, sau khi phân tích cục diện của Trung Nguyên, tôi nói với Rajiva:

- Rajiva, chàng phải khuyên ông ta trở về Trung Nguyên.

Sử sách chép rằng, Lữ Quang nghe lời khuyên của Rajiva mới quay về Trường An. Nhưng tôi không cho rằng Rajiva có sức ảnh hưởng lớn đến ông ta đến thế. Mâu thuẫn giữa họ không dễ xóa bỏ nhanh chóng như vậy.

Lữ Quang chần chừ, phần vì ông ta muốn có thêm thời gian vơ vét của cải của Khâu Tử, phần vì muốn quan sát tình hình ở Trung Nguyên. Ông ta quay về, không phải vì sợ uy Phù Kiên, mà vì muốn chiếm một vùng đất sau khi Đế quốc Tiền Tần tan rã. Các quốc gia ở Tây vực giống như những ốc đảo nhỏ giữa vùng hoang mạc khắc nghiệt, thực lực yếu ớt, muốn chiếm cứ và quản lý cả vùng Tây vực, ông ta sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức. Trong khi các vùng đất ở Trung Nguyên lại rộng lớn, màu mỡ, dễ dàng thiết lập và củng cố chính quyền. Thêm vào đó, binh lính của ông ta đều là người Quan trung, xa nhà đã lâu, ai nấy đều mong quay về. Bởi vậy, sau khi cân nhắc thiệt hơn, Lữ Quang nhận thấy quay về vẫn là thượng sách. Chỉ cần Rajiva và Đỗ Tấn cùng tác động, chắc chắn Lữ Quang sẽ sớm đưa ra quyết định.

- Ta hiểu. Nếu ông ta ra đi, đó là may mắn của Khâu Tử.

Chàng ngắm nhìn những bông tuyết trắng ngút bên ngoài cửa sổ với ánh mắt lưu luyến. Vài tháng nữa, chàng sẽ phải rời xa quê hương, không hẹn ngày trở về. Tôi đan tay mình vào tay chàng, dựa đầu vào vai chàng, cùng chàng lắng nghe tiếng tuyết rơi ào ạt ngoài kia. Đây là lần cuối cùng chúng tôi được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp này.

Tết Nguyên đán của người Hán, Lữ Quang tổ chức rất náo nhiệt. Người Đê bị Hán hóa đã lâu, nên phong tục tập quán không khác gì người Hán. Đèn hoa chăng kết khắp nơi trong hoàng cung. Đêm giao thừa, chúng tôi được mời đến đại diện tham dự yến tiệc. Lữ Quang tuyên bố sang xuân sẽ khởi hành về Trung Nguyên, tướng sĩ hoan hô vang dội. ng ta quay sang Rajiva, nói rằng Thiên vương Đại Tần có lời mời pháp sư đến Trường An thuyết pháp. Rajiva bình thản gật đầu. Khi màn trình diễn ca múa hát bắt đầu, Lữ Quang không cho phép Rajiva ra về, chỉ đồng ý để chàng uống trà thay rượu. Đến tận nửa đêm, khi pháo hoa rợp trời, yến tiệc mới kết thúc, vậy là năm 385 sau Công nguyên đã đến. Biến cố lịch sử lớn nhất trong năm này là cái chết của Phù Kiên. Cùng với kết cục đó, vùng đất Trung Nguyên chuyển sang một thời kỳ mới.

Cũng trong năm 385 sau Công nguyên, “người đồng tính” Mộ Dung Xung xưng đế, lập nước Tây Yên. Nhưng vì chính quyền rối ren, không lâu sau đã sụp đổ, nên Tây Yên không được liệt vào danh sách các nước nhỏ thời Thập lục quốc.

Cũng vào năm này, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Tần – Diêu Trường đã giết chết Phù Kiên, tấn công Mộ Dung Xung ở Trường An. Năm kế tiếp Diêu Trường chiếm cứ và biến Trường An thành kinh đô của nhà Hậu Tần, cho tới khi Lưu Dục tiến hành cuộc Bắc phạt, tiêu diệt Hậu Tần.

Cũng năm này, Khất Phục Quốc Nhân – người Sabir ở Lũng Tây lập nên chính quyền ở vùng đất mà nay là phía Nam Cam Túc và phía Bắc Thanh Hải. Nhưng vì thế lực nhỏ bé, phải phụ thuộc vào các quốc gia lớn hơn, nên chỉ dám xưng hiệu là Thiền vu, Đô đốc, Tần vương. Sử gọi là nước Tây Tần.

Cũng năm này, trên thảo nguyên Nội Mông xuất hiện một nhân vật anh hùng. Bộ lạc Thác Bạt (thuộc tộc người Sabir), dưới sự lãnh đạo của Thác Bạt Khuê (lúc này mới mười sáu tuổi) đã lập ra nhà Bắc Ngụy. Năm 439 sau Công nguyên, Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Lương – tiểu quốc cuối cùng của thời Thập lục quốc. Miền Bắc Trung Quốc, sau 135 năm chiến tranh loạn lạc, cuối cùng đã được thống nhất, mở ra thời kỳ Nam Bắc triều kéo dài 150 năm lịch sử, cho đến khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc.

Tôi cùng Cầu Tư và Vịnh Tư chơi trò đắp người tuyết ở sân sau. Hai đứa trẻ được quấn bọc trong những bộ quần áo dầy bịch, ấm áp, khuôn mặt tròn xoe, hai má đỏ hây hây, đáng yêu vô cùng. Đắp người tuyết chán lại đến trò oẳn tù tì, ai thua sẽ phải bịt mắt bắt dê. Tiếng cười lanh lảnh vang khắp sân vườn. Tôi vờ thua, bịt mắt giả làm ngáo ộp, hai nhóc con chơi đùa thỏa thích.

- A, bắt được rồi!

Không phải, thân hình này chắc chắn không phải trẻ con. Kéo khăn bịt mắt xuống, Pusyseda cười rạng rỡ trước mặt tôi.

- Ngải Tình, chị vẫn ngốc nghếch giống hệt hơn hai mươi năm trước.

Một cục tuyết rơi trúng cậu ta, không phải tôi ném đâu, mặc dù tôi rất muốn. Cầu Tư cười ha ha, chạy biến, đến lượt Pusyseda bịt mắt làm ngáo ộp. Lúc sau, hai đứa trẻ mồ hôi nhễ nhại, Pusyseda gọi người hầu đưa chúng đi thay quần áo.

Tôi nhìn theo hai đứa trẻ, thở dài:

- Ước gì tôi cũng có những đứa trẻ đáng yêu thế này.

- Nếu lúc đầu chị đồng ý lấy tôi, thì chúng đã là con trai và con gái của chị rồi.

Tôi giật mình ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt đùa cợt tinh quái của cậu ta, vẻ điển trai ấy vẫn khiến người đối diện phải ngạt thở. Tôi hơi bàng hoàng, dường như được thấy lại Pusyseda của ngày xưa, lúc cậu ta nói với tôi: Chị có muốn chồng mình là một người thường không? Thấy tôi không lên tiếng, cậu ta hắng giọng, khẽ nói:

- Vào nhà đi, mồ hôi ra, dễ cảm lạnh lắm!

Hiểu Huyên đang ngồi bên lò sưởi, vừa cởi than vừa khâu vá. Nhìn thấy Pusyseda, nét mặt rạng rỡ, bước đến đón lấy áo khoác của chồng.

- Mấy ngày nay tôi bận tối tăm mặt mũi. Lữ Quang là kẻ tham lam, như thể hắn muốn khuân cả Thuận Tử đi theo.

Cậu ta bực dọc:

- Đức vua muốn tống khứ hắn đi, nên chấp thuận mọi yêu cầu.

Cậu ta bước đến bên lò sưởi, gắp một viên than bỏ vào rồi tiếp tục:

- Lữ Quang đã quyết định sẽ khởi hành vào ngày mồng Một tháng ba. Hắn nói sẽ đưa đại ca đi cùng vì Phù Kiên muốn nghe thuyết pháp.

Cậu ta cười khẩy:

- Phù Kiên làm gì còn tâm trí nghe thuyết giảng kinh văn Phật pháp nữa. Nếu ông ta bị hạ bệ, Trung Nguyên sẽ đại loạn.

Cậu ta ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt đầy lo lắng:

- Ngải Tình, thời điểm này đến Trung Nguyên sẽ vô cùng nguy hiểm.

- Chúng tôi đâu thể tự mình quyết định việc đó.

Tôi cúi xuống lò lửa rực hồng:

- Cậu yên tâm, sẽ không có chuyện gì xảy ra cả, chúng tôi cũng không đến Trường An ngay, mà sẽ lưu lại Guzang.

- Có quay về đây nữa không?

Im lặng. Chủ đề đau lòng này cuối cùng cũng được nhắc tới.

- Tôi không biết, mong là có.

Tôi không dám nhìn vào mắt cậu ta, vì tôi biết, chúng tôi sẽ không còn gặp lại, lòng tôi đau như cắt.

- Muộn rồi, tôi phải về.

Tôi đứng lên, tạm biệt Hiểu Huyên, bước vội.

- Chờ đã.

Pusyseda kéo tay tôi lại, đôi mắt màu xám nhạt dừng lại trên gương mặt tôi, cậu ta định nói gì đó mà không thể cất lời.

- Tôi…

Cậu ta có vẻ rất xúc động, ánh mắt trôi về một hướng khác, ngập ngừng:

- Tuyết lớn lắm, để tôi đưa chị về.

- Không cần đâu…

Tôi cũng ngó sang một hướng khác, bỗng thấy Hiểu Huyên mang áo ra cho Pusyseda, lặng lẽ khoác lên vai cậu ấy.

Chúng tôi bước đi trên tuyết, giữ một khoảng cách nhất định. Những bông tuyết trắng muốt ràn rạt đổ xuống, chỉ một lát đã phủ lên cầu vai chúng tôi từng lớp tuyết mỏng. Pusyseda không chọn đi trên con phố chính quen thuộc, mà đưa tôi vòng vèo qua con ngõ nhỏ phía sau hoàng cung. Phố xá vắng tanh, chỉ có tiếng bước chân chúng tôi xào xạ o trên tuyết, vang động cả ngõ nhỏ.

Dáng hình cao lớn phía trước bỗng nhiên dừng lại, vẻ mặt nghiêm trọng:

- Ngải Tình, nói thật cho tôi biết, tôi còn được gặp lại chị nữa không?

Tôi nhắm mắt lại giây lát rồi mở ra, nhìn Pusyseda thật lâu, lưu lại trong trí nhớ từng đường nét gương mặt cậu ta, vừa khe khẽ ngâm ngợi:

- Ra đi lại ra đi,

Cùng chàng sinh biệt ly.

Xa nhau hơn vạn dặm,

Mỗi kẻ một phương chia.

Đường dài bao hiểm trở,

Gặp nhau biết có khi?

Ngựa Hồ run gió bắc,

Chim Việt đậu cành nam.

Đã lâu ngày xa cách,

Áo mặc cũng rộng thêm.

Trên trời mây che khuất,

Người đi chẳng ngoái xem.

Nhớ chàng người già béo,

Chợt sắp hết tháng năm.

Lời xưa thôi nói lại,

Chỉ mong bữa thêm cơm.[4]

[4] Đây là bài thơ ngũ ngôn khuyết danh thứ 19 trong tập thơ “Mười chín bài thơ cổ” lưu truyền từ đời Hán ở Trung Quốc (Bản dịch của Diệp Luyến Hoa)

- Ngải Tình…

Lặng đi trong âm hưởng buồn se thắt của lời thơ, Pusyseda nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng. Cánh tay run run đặt lên vai tôi. Khi dòng thơ cuối cùng khép lại, cậu ta đã khóc nấc lên, kéo tôi vào lòng. Tôi ngả vào vai Pusyseda, cảm nhận hơi thở gấp gáp và khuôn ngực vạm vỡ của cậu ấy. Những bông tuyết nhẹ tênh sa xuống, nhanh chóng tan ra, hòa cùng nước mắt, lạnh buốt, tựa cõi lòng giá băng của tôi lúc này.

- Hãy chăm sóc Hiểu Huyên và mấy đứa nhỏ thật chu đáo…

Tôi nức nở:

- Tôi sẽ rất nhớ cậu…

- Tôi biết rồi…

Pusyseda lau nước mắt cho tôi, nhưng để mặc nước mắt mình chảy tràn trên má. Khóe môi run run, mấy lần muốn nói điều gì đó, nhưng không cất nổi nên lời. Cậu ta hít một hơi thật sâu, gắng gượng nở một nụ cười rạng rỡ:

- Nhớ bảo trọng…

- Tôi hứa.

Tôi cũng lấy hết sức đáp lại, như thể chỉ có như vậy mới diễn đạt được hết tâm trạng của tôi lúc này.

- Pusyseda, cảm ơn đã làm tất cả cho tôi…

Cậu ta lại kéo tôi vào lòng, vòng tay ngày một xiết chặt hơn:

- Chị hiểu mà, chỉ cần chị hạnh phúc, tôi sẽ làm tất cả…

- Tôi rất hạnh phúc, thật đó! Cậu đã tặng hạnh phúc cho tôi, cảm ơn cậu…

Tôi ngồi bên cửa sổ, mải mê ngắm nghía chiếc trâm ngọc xinh xẻo trên tay. Một chuỗi hạt nhỏ thả xuống từ chiếc mỏ bằng vàng của chim phượng hoàng. Đó là món quà Pusyseda tặng tôi lúc chia tay, cậu ta vẫn nhớ sinh nhật của tôi. Cậu ta còn lưu lại trên trán tôi một nụ hôn mang theo cái giá lạnh của mùa đông, giống như khi xưa, lúc tôi trở về thế kỷ XXI. Nụ hôn mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời…

- Đang ngắm nghía gì vậy?

Vội gạt nước mắt, mỉm cười quay lại nhìn chàng. Ánh mắt chàng dừng lại nơi chiếc trâm ngọc, hồi lâu mới lấy ra từ trong áo một chiếc hộp, đưa cho tôi.

Mở hộp ra, tôi thấy một đôi nhẫn cưới, kiểu dáng đơn giản, nhưng rất tinh xảo. Chàng nâng bàn tay trái của tôi lên, đeo vào ngón áp út chiếc nhẫn nhỏ. Rồi đưa tay ra trước mặt tôi, mỉm cười.

Chàng từng hỏi tôi về hôn lễ thời hiện đại. Tôi đã miêu tả rằng, cô dâu chú rể sẽ trao nhẫn cưới cho nhau và phải lồng nhẫn vào ngón áp út. Chẳng ngờ, chàng đã ghi nhớ điều đó.

Tôi lồng chiếc nhẫn to hơn vào ngón tay chàng, rồi ngẩng lên nhìn chàng. Chàng dịu dàng tươi cười, cài chiếc trâm ngọc lên tóc tôi.

- Chúc mừng sinh nhật!

Chàng ghé sát vào tai tôi, khe khẽ hát. Giai điệu lệch lạc, nhưng vẫn có thể nhận ra đó là bài hát chúc mừng sinh nhật mà 23 năm trước tôi đã dạy chàng và Pusyseda. Giọng hát êm ái của chàng khiến tôi mê đắm, tựa hồ làn sóng dặt dìu làm dịu mát tâm hồn tôi.

- Nàng đã kìm nén rất khổ sở rồi.

Chàng hát xong, ôm tôi vào lòng:

- Muốn khóc, hãy khóc đi.

Trong vòng tay ấm áp của chàng, tôi bật khóc nức nở.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t24479-duc-phat-va-nang-chuong-59.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận