Đức Phật Và Nàng Chương 89

Chương 89
Sự kiện mười ca kỹ

Ngày hôm sau, vẫn là viên thái giám họ Trịnh đưa tôi đi tham quan khắp lượt khu vực ngoại diên của cung điện. Dù chỉ là một phần nhỏ, nhưng đủ khiến tôi mỏi nhừ chân, quả không hổ danh là cung Vị Ương năm trăm năm lịch sử. Vì sự có mặt của Trịnh Hoàng môn nên tôi không thể lôi đồ nghề ra phác hoạ và ghi tốc ký, chỉ có thể âm thầm ghi lại mọi thứ trong trí nhớ. Lúc quay về nơi ở thì ngày đã sang chiều, tôi thấy rất nhiều người đang có mặt trong sân vườn. Nhìn kỹ thì nhận ra họ chính là các cô gái Lương Châu bị Hách Liên Bột Bột bắt cóc, Hô Diên Tĩnh cũng có mặt.

Chín cô gái nhìn thấy tôi thì đồng thanh chào:

- Phu nhân!

Tôi giật mình, họ đều quen tôi, nhưng vẫn cúi chào tôi một cách trịnh trọng thế này, tin rằng trước đó, họ đã được dặn dò kỹ lưỡng. Tôi nhìn thấy một gương mặt lạ, cô gái này không đi cùng với tôi tới vườn Tiêu Dao dạo trước. Tôi đếm lại, tổng cộng là mười người, không phải chín.

Tôi dò hỏi viên thái giám đứng bên cạnh. Ông ta nói rằng, bệ hạ đã sai người đưa họ đến đây. Tôi định hỏi tiếp thì nghe thấy tiếng bước chân rầm rầm vang lên, sau đó một thái giám cao giọng thông báo:

- Bệ hạ đến!

Mọi người đang có mặt trong khu vườn khi ấy nhất loạt quỳ rạp xuống, tôi không muốn gây sự chú ý, nên cũng quỳ theo. Diêu Hưng cười vang, nắm tay Rajiva, bước vào. Nhà vua khoát tay, cho phép chúng tôi đứng lên. Theo sau Diêu Hưng và Rajiva, ngoài Tăng Triệu, còn có ba nhà sư người Hán nữa, hai trong số họ chừng hơn bốn mươi tuổi, một vị trẻ hơn, có lẽ là các nhà sư Trúc Đạo Sinh, Đạo Dung và Tăng Duệ mà tối qua Rajiva nhắc tới.

Rajiva nhìn các cô gái trong vườn, kinh ngạc hỏi:

- Bệ hạ, chuyện này…

- Đây là mười thiếu nữ đến từ Lương Châu, Khuất Kiết dâng tặng cho đội ca múa của Hoàng cung. Quốc sư bảo rằng muốn tìm con gái của người quen kia mà, nếu vậy, trẫm sẽ tặng họ cho quốc sư. Ngoài người quốc sư cần tìm ra, những người khác sẽ ở lại đây hầu hạ quốc sư.

Rajiva chắp tay, khiêm cung:

- Xin bệ hạ chớ làm vậy! Bần tăng chỉ muốn tìm con gái của người quen mà thôi.

- Quốc sư đừng từ chối.

Diêu Hưng liếc sang tôi, rồi quay lại thuyết phục Rajiva:

- Phu nhân quốc sư không thể sinh nở được nữa, vậy quốc sư hãy giữ lại các thiếu nữ này làm thiếp, để họ sinh ra những đứa trẻ thông minh xuất chúng. Quốc sư là người trí tuệ siêu phàm, nếu không có hậu duệ nối nghiệp thì thật đáng tiếc.

Rajiva một mực từ chối, khẩn thiết cầu xin:

- Thưa bệ hạ, bần tăng là người xuất gia, lẽ ra không nên quyến luyến hồng trần. Bần tăng và vợ là duyên nợ từ kiếp trước, bần tăng thành thân vốn đã phạm tội đại nghịch, sao có thể cưới thêm thiếp được?

- Quốc sư là người phóng khoáng, hơn mười năm trước đã phá giới, hơn mười năm sau, ngay chính đại điện đã công nhận vợ, việc nạp thiếp, sinh hậu duệ để nối nghiệp có gì mà không thể? Phật pháp Đại Thừa đề cao sự thuận tiện trong quá trình truyền pháp, vì vậy việc này chẳng hề làm tổn hại đến lòng hướng Phật của quốc sư.

Diêu Hưng tiếp tục bước về phía dãy nhà chính, Rajiva theo sát nhà vua, tiếp tục can ngăn:

- Bệ hạ, bần tăng không sợ người đời gièm pha, nhưng nếu tăng sĩ Trường An biết chuyện này, chỉ e c ó người học theo…

Vua Diêu Hưng dừng bước, vẻ mặt giận dữ:

- Kẻ nào dám buông lời gièm pha quốc sư, trẫm sẽ không tha cho kẻ đó. Kẻ nào không có trí tuệ siêu phàm như quốc sư mà dám học đòi yêu đương nam nữ, kẻ đó có tội với Phật tổ, trẫm sẽ trừng trị nghiêm khắc.

Tôi thở dài, tự biên tự diễn những chuyện không có thật nhằm tạo ra sức thuyết phục cho lời nói của mình, sau đó, dùng cường quyền áp chế, ngăn trở người khác, vốn là cung cách mà các bậc vua chúa thường làm.

- Bệ hạ…

Giọng nói của Rajiva run rẩy.

- Quốc sư!

Diêu Hưng dường như đã bắt đầu khó chịu.

- Thứ mà trẫm đã ban tặng thì không bao giờ thu nhận lại.

Thấy Rajiva vẫn còn muốn cự tuyệt, tôi vội vàng bước đến, cúi đầu, thưa rằng:

- Thần thiếp xin thay mặt quốc sư tạ ơn Bệ hạ. Thần thiếp nhất định sẽ đối xử với các cô gái này như chị em trong nhà.

Diêu Hưng mặt mày hớn hở, cười vang:

- Ha ha, phu nhân quốc sư quả là người hiểu biết, hiền thục, đức độ. Tốt lắm, vậy trẫm giao mười cung nữ này cho phu nhân, sau này, họ sẽ cùng phu nhân hầu hạ quốc sư.

Rajiva chau mày nhìn tôi, tôi mỉm cười an ủi chàng. Cuối cùng thì Rajiva cũng đành yên lặng, không nói thêm điều gì, chàng cùng vua Diêu Hưng, Tăng Triệu và ba đệ tử bước vào phòng khách.

Tôi đưa mười cô gái đi sắp xếp chỗ ở. Khi chúng tôi vào phòng, tôi nhận thấy vẻ mặt rất đỗi hoang mang, lo sợ của họ, nghiêm trọng hơn là sắc mặt của cô gái lạ kia. Tôi nhẹ nhàng nói với họ:

- Các em đừng lo lắng. Ta biết các em đều theo người thân chạy nạn từ Lương Châu đến đây, mất liên lạc với các em, người thân của các em chắc chắn rất phiền muộn. Quốc sư là người từ bi, người sẽ giúp các em đoàn tụ với người nhà của các em, quốc sư sẽ ban tặng lễ vật và đưa các em về.

Mấy cô gái vui mừng khôn xiết, cảm ơn rối rít. Đột nhiên cô gái lạ kia đẩy người bên cạnh và lao ra ngoài, vấp phải bậc cửa, cô gái lảo đảo, vội níu lấy cánh cửa, nôn oẹ dữ dội. Tôi chạy đến đỡ cô gái đó và kêu các cô gái khác mang nước đến.

Cô gái lạ uống ừng ực mấy ngụm liền mới lấy lại được bình tĩnh, sắc mặt không nhợt nhạt như lúc trước nữa. Tôi ngắm cô ấy kỹ hơn, cô chừng mười sáu, mười bảy tuổi, đường nét trên khuôn mặt sống động, tinh tế như một khối ngọc quý được chạm khắc tỉ mỉ, làn da mịn màng, dáng điệu thướt tha, đó là cô gái xinh đẹp nhất trong số mười cung nữ.

- Phu nhân bảo rằng sẽ thả tự do cho chúng em, có thật không ạ?

Cô gái vừa hổn hển, vừa ngước nhìn tôi bằng đôi mắt to thâm quầng, chan chứa hy vọng.

- Tất nhiên là thật.

Cô gái bỗng nhiên quỳ sụp xuống:

- Sơ Nhụy tạ ơn phu nhân. Không biết phu nhân có thể cho phép Sơ Nhụy ra đi ngay bây giờ không?

Sao lại gấp gáp như vậy? Tôi gật đầu:

- Ta sẽ cho người đưa em về nhà.

Cô gái sợ hãi, lắc đầu quầy quậy:

- Không dám làm phiền phu nhân. Em rất thuộc đường, em chỉ xin phu nhân cấp lệnh bài cho em thôi.

Cô gái ra đi gấp gáp như vậy, lại không cần người hộ tống, hẳn là có điều khó nói. Tôi ra ngoài tìm Trịnh Hoàng môn, nhờ ông ta đưa cô gái ra khỏi cung. Cô gái cảm ơn, rồi nhanh chóng rời đi.

Các cô gái khác nhìn nhau ngơ ngác, tôi động viên họ yên tâm ở lại đây, và đưa cho tôi thông tin về người thân, tôi sẽ nhờ vào sức ảnh hưởng của Rajiva ở Trường An để giúp họ tìm kiếm. Vì dù có để họ rời khỏi cung lúc này, giữa biển người mênh mông, họ biết đi đâu tìm người thân? Hách Liên Bột Bột thì dám công nhiên bắt bớ, người cắm cọc tiêu tình nguyện bán thân làm nô lệ thì nhan nhản ngoài phố. Chỉ e là, thành Trường An dưới sự cai trị của Diêu Hưng cũng không mấy an toàn.

Các cô gái trẻ người non dạ, nên khi nghe tôi phân tích như vậy thì đều gật đầu đồng ý. Tôi đã ghi lại thông tin về người thân của tám người, hai người kia cứ im lặng hoài. Một trong số đó là Hô Diên Tĩnh, cô gái còn lại dáng vẻ yêu kiều, xinh xắn, chừng mười bảy, mười tám tuổi, gương mặt trái xoan, ngũ quan xinh đẹp. Nhan sắc của cô gái này tuy không sánh bằng Sơ Nhụy, nhưng cũng có thể xem là một vẻ đẹp nổi trội. Tôi nhớ cô ấy tên là Yến Nhi.

Tôi hỏi Yến Nhi về gia cảnh, thì được biết cô ấy có mẹ, nhưng bà đã mất vì bệnh nặng trên đường chạy nạn và cô không có người thân nào ở Trường An. Đang kể lể, bỗng cô quỳ sụp xuống, khóc lóc như mưa gió, cầu xin tôi cho cô ấy ở lại. Tất nhiên là đồng ý, và tôi nghĩ ngay đến việc ngày sau sẽ sắp xếp chu toàn cho việc kết hôn của cô ấy, để an ủi vong linh cha mẹ đã khuất của cô ấy.

Tôi dẫn Hô Diên Tĩnh nãy giờ vẫn mải mê quan sát tôi, và có vẻ như rất muốn nói điều gì đó. Tôi tủm tỉm cười, bây giờ là thời gian của cô ấy.

Tôi dẫn Hô Diên Tĩnh đến một phòng trống, tươi cười:

- Tĩnh à, cháu nhận ra cô cô rồi, phải không?

Cô gái kinh ngạc, nhìn tôi trân trân, như thể không tin nổi:

- Cô… cô chính là người đã cứu cháu trong nạn đói ở Guzang mười sáu năm trước?

Tôi mỉm cười, gật đầu. Năm đó cô bé đã chín tuổi, nên chắc là nhớ được nhiều chuyện hơn Mộ Dung Siêu.

Cô gái đỏ hoe cả hai mắt, nắm tay tôi, xúc động nói:

- Lần đầu gặp cô, cháu thấy rất quen, nhưng vì nghe nói cô đã qua đời không lâu sau khi gia đình cháu rời đi, nên khi ấy cháu không dám nhận cô. Hôm nay gặp lại pháp sư, rồi gặp lại cô, cháu rất đỗi băn khoăn. Bởi vì cô còn rất trẻ, nên cháu đã nghĩ, phải chăng pháp sư tìm được một người trông giống hệt cô ngày trước. Vì, dù sao cô cũng không thể trẻ như vậy được.

Tôi mỉm cười, đổi đề tài:

- Chúc mừng cháu đã nên vợ nên chồng với em Siêu, cô chưa kịp chuẩn bị quà cưới cho hai đứa.

Cô gái đỏ mặt, lí nhí:

- Sao cô biết chuyện đó?

- Vì hôm qua cô đã gặp phu quân của cháu.

- Em Siêu ư?

Cô gái ngạc nhiên ngẩng đầu, mừng rỡ rối rít, kéo tay áo tôi:

- Em ấy đang ở đâu?

Đôi mắt cô gái sáng long lanh, gương mặt lộ rõ vẻ sốt ruột, tôi trêu:

- Nếu cháu hứa sẽ sớm sinh một nhóc con cho cô bế, thì cô sẽ đưa cháu đi gặp cậu ấy.

- Cô cô!

Cô gái giẫm chân nũng nịu, vành tai cũng đỏ ửng cả lên.

Trịnh Hoàng môn quay về, tôi tiếp tục nhờ ông ta đưa tôi và Hô Diên Tĩnh rời cung. Diêu Hưng vẫn say sưa đàm đạo những việc lớn lao ở phòng khách, chốc chốc tiếng cười sảng khoái lại vang lên. Tôi lắc đầu, cứ đà này, chắc hẳn phải đến bữa cơm tối, nhà vua mới chịu ra về.

Sau khi ra khỏi cung, Trịnh Hoàng môn cho tôi hay, cô gái khi nãy chỉ nhờ ông ta đưa đến cổng. Viên thái giám thấy cô gái không ngừng nôn ọe, sức khỏe yếu ớt, có ý tốt muốn đưa cô ấy về, nhưng cô gái một mực từ chối, bảo rằng sẽ tự đi một mình.

- Cô ơi, cô gái tên Sơ Nhụy đó rất lạ.

Hô Diên Tĩnh nhíu mày nói với tôi:

- Hôm đó, sau khi cô bỏ trốn, Vương ma ma đã rất tức giận, nhưng không làm cách nào tìm được cô, nên đành đưa chín người chúng cháu đến đội ca múa. Những ngày sau đó, chúng cháu chỉ biết chuyên tâm học múa. Sơ Nhụy vào đội ca múa trước chúng cháu hơn một tháng, cũng là do cái tên Lưu tướng quân hơi một tí là đòi chặt chân chặt tay người khác ấy đưa tới. Cô ấy xinh đẹp là thế, lại giỏi múa hát, nếu có cơ hội trình diễn, chắc chắn sẽ được Bệ hạ để mắt tới. Nhưng sự xuất hiện của pháp sư khiến Bệ hạ đổi hướng hứng thú, suốt hơn hai tháng trời, ngài chẳng màng thưởng thức ca múa, chỉ chuyên tâm nghe pháp sư giảng đạo, tu tâm dưỡng tính… Trong mấy chục ngày ở cùng phòng với Sơ Nhụy, cháu thấy cô ấy thường xuyên nôn ọe, không ăn được cơm, nhưng cứ nửa đêm lại lén lút thức dậy ăn táo chua.

Hô Diên Tĩnh ghé vào tai tôi, thì thào:

- Cô ơi, chắc là cô ấy có thai rồi.

Tôi khẽ gật đầu. Sơ Nhụy vội vã ra đi, phải chăng là đến tìm người đàn ông ấy?

- Vậy tại sao cô ấy lại bị đưa đến chỗ pháp sư?

- Vì cô đấy.

Hồ Diên Tĩnh mỉm cười, khoác tay tôi, tiếp tục hạ thấp giọng:

- Hôm nay đội ca múa bỗng nhiên nhận được ý chỉ của Bệ hạ, lệnh cho Vương ma ma đưa mười ca kỹ mà Lưu tướng quân dâng tặng đến nơi ở củ a pháp sư. Vương ma ma lo lắng tột độ, đã ghép Sơ Nhụy vào cho đủ số người.

Thì ra là như vậy.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến căn nhà lá đơn sơ của Mộ Dung Siêu. Chưa kịp bước vào nhà đã nghe có tiếng gọi lớn:

- Cô cô!

Tôi quay lại, thấy Mộ Dung Siêu đang hồ hởi chạy về phía mình. Mặt trời hoàng hôn chiếu qua vai cậu ta, kéo dài bóng dáng cao lớn ấy ra thêm mãi. Ánh nắng vàng ươm hất lên gương mặt với những đường nét như in tạc của cậu ta. Hô Diên Tĩnh đứng bên cạnh, mê mải ngắm nhìn vẻ điển trai ấy.

Cậu ta chạy đến trước mặt tôi, hơi thở gấp gáp, tay áo xắn lên cao, để lộ các bắp tay cuồn cuộn. Nhìn thấy Hô Diên Tĩnh, cậu ta giật mình kinh ngạc, sau thì nhấc bổng cô gái lên, xoay một vòng, miệng hét vang:

- Chị Tĩnh về rồi!

Tôi hả lòng hả dạ nhìn đôi trẻ. Hô Diên Tĩnh đỏ mặt, vùng vẫy đòi xuống. Mộ Dung Siêu đặt cô gái xuống đất, nhìn tôi, gãi đầu, cười hoan hỉ:

- Hôm nay cháu bốc hàng thuê, kiếm được hai mươi quan tiền, bây giờ cháu sẽ đi mua thức ăn, mời cô cô một bữa thịnh soạn.

Tôi gọi cậu ta lại, đưa thêm ít ngân lượng:

- Mua nhiều đồ ăn ngon vào nhé.

Cậu ta ngẩn ngơ:

- Không cần nhiều thế này đâu

Tôi mặc kệ, cứ nhét vào tay cậu ta:

- Mẹ cháu đâu?

- Mẹ đi giặt đồ thuê cho người ta.

Ánh mắt cậu ta chợt tối sầm lại, cười buồn:

- Cũng sắp về rồi.

Tôi nhờ Trịnh Hoàng môn về nhắn với Rajiva, rằng hôm nay tôi ở lại ăn cơm ở nhà người quen. Tôi muốn mời họ ra ngoài quán nhưng sợ họ phật ý vì làm vậy rất lãng phí, nên tôi ở lại làm cơm cùng Sính Đình và Hô Diên Tĩnh.

Mười ngón tay của Sính Đình đã bị bọt xà phòng làm cho tước hết da, bàn tay thô ráp, còn đâu vẻ đẹp nõn nà của những ngón tay chỉ biết cầm bút khi xưa. Mộ Dung Siêu mua một miếng thịt ba chỉ, họ rang cháy cạnh và ăn uống ngon lành.


(Các bạn đang đọc truyện tại: tuthienbao.com
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ
)Mộ Dung Siêu nói với tôi, họ không được ăn thịt suốt mấy năm nay rồi. Tôi không thích các món nhiều mỡ, nhưng thấy họ vui vẻ như thế, tôi cũng cảm thấy vui lây.


Niềm vui đoàn viên ấm cúng của họ khiến tôi nghĩ ngợi. Nếu Mộ Dung Siêu không tham vọng, họ có thể tiếp tục cuộc sống bình yên này. Tuy nghèo khó nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Có điều, tôi rất rõ rằng, cậu ta sẽ không cam chịu cuộc sống bị chà đạp, bị chèn ép, sớm muộn cậu ta cũng sẽ trở lại con đường đã chọn. Sau rốt, cậu ta sẽ lên ngôi vua, nhưng là Hoàng đế của một tiểu quốc yếu ớt, non kém. Lưu Dực tiêu diệt Nam Yên, bắt Mộ Dung Siêu làm tù binh và chặt đầu ở Kiến Khang. Chàng trai khôi ngô tuấn tú trước mặt tôi đây, chỉ tám năm sau sẽ phải chết thê thảm.

- Cô cô sao vậy?

Tôi chợt giật mình nhận ra, khi nãy đã nhìn cậu ta quá lâu, bèn gắp một miếng thịt bỏ vào bát cậu ta cười ha ha:

- Cháu đẹp trai quá, cô nhìn mà chảy cả nước miếng đây này.

Cậu ta đỏ mặt, cầm một miếng bánh bao, chấm vào nước thịt rang, cắn một miếng to, sau đó, vét sạch những giọt nước mỡ sau cùng trên đĩa. Tôi thầm nhủ, mong là cậu ta không nhìn ra nỗi bi ai trong mắt tôi khi nãy.

Ăn tối xong, như thường lệ, Mộ Dung Siêu đưa tôi về cung. Cậu ta rất vui vẻ, trên đường đi cứ ngâm nga mãi. Mất một lúc lâu tôi mới nhận ra, đó chính là ca khúc “Ngủ ngoan, bé yêu” mà hồi nhỏ tôi dạy cho cậu ta và Hô Diên Tĩnh. Nhưng cậu ta hát sai hoàn toàn tiết tấu. Tôi thở dài, ngăn cậu ta lại, bảo rằng tôi sẽ biểu diễn bài hát chuẩn.

Trăng sáng vằng vặc trên đầu, phố xá vắng tanh, không gian thanh trong, yên ả. Tôi cất giọng hát khe khẽ, nhớ lại trước đây từng hát ca khúc này cho Rajiva, Pusyseda, Cầu Tư, Vịnh Tư, Hô Diên Tĩnh và cả người đi bên cạnh tôi nghe. Những kỉ niệm quá khứ lần lượt hiện lên theo lời hát, khiến tôi bồi hồi xúc động. Tôi đã ở vào cái tuổi rất hay hoài niệm rồi!

Cậu ta lắng nghe từ đầu đến cuối, kinh ngạc nói:

- Cháu chỉ nhớ lờ mờ về bài hát này và không biết ai đã dạy cháu. Thì ra người đó là cô.

Cậu ta nài nỉ tôi hát lại một lần nữa, tôi chiều ý, cậu ta cũng ngâm nga theo tôi, miệng cười tủm tỉm, hình như vừa nhớ lại chuyện vui thời thơ ấu. Khung cảnh này, chàng trai vui vẻ này, thật ấm áp…

- Cô chỉ là một ca kĩ mà đòi bước chân vào phủ tướng quân của ta ư?

Một giọng nói lạnh như băng cất lên, cắt ngang bài hát của tôi. Phía trước là một dinh cơ bề thế, đèn lồng đỏ soi rọi bóng một người đàn ông và một người phụ nữ. Tôi giật mình, kéo tay Mộ Dung Siêu, nép sát vào ngõ nhỏ bên cạnh.

Tôi thận trọng thò đầu ra nhìn, đây chính là phủ tướng quân kị binh mà tối qua tôi đã đi qua. Dưới ánh sáng của chiếc đèn lồng, dáng người cao lớn và gương mặt khiến người ta khiếp sợ của Hách Liên Bột Bột lộ rõ. Còn cô gái nhỏ nhắn, yếu đuối đến mức đáng thương, đang nức nở khóc kia chính là Sơ Nhụy.

- Bột Bột, em đứng chờ cả buổi ở ngoài cổng để nhận được câu nói này ư? Sao chàng có thể nhẫn tâm như vậy? Em đã có…

- Có gì hả?

Hắn liếc xéo Sơ Nhụy, vẻ mặt xấc xược:

- Ai chứng minh được? Cô làm hỏng việc của ta, lại dám chạy đến đây đòi ta nhận cô.

Giọng nói của cô gái trở nên run rẩy:

- Chàng không sợ em sẽ đi nói với Bệ hạ rằng…

Hách Liên Bột Bột túm lấy cổ áo Sơ Nhụy, kéo cô áp sát vào ngực hắn, động tác thô bạo, không mảy may thương hoa tiếc ngọc, giọng nói hằm hè, lạnh như băng:

- Bệ hạ sẽ tin ta hay tin ngươi? Sơ Nhụy, nếu ngươi dám dở trò với ta, ngươi sẽ mất mạng đó.

Hắn cười lạnh lùng, rồi đột ngột đẩy mạnh cô gái. Thân thể yếu ớt của Sơ Nhụy vấp phải bậc thềm, cô hét lên và ngã ngửa về phía sau. Tôi lao đi với tốc độ của tên lửa, đón lấy cơ thể cô gái trước khi cô ngã xuống, nhưng trọng lượng của Sơ Nhụy khiến tôi lăn ra đất. Tôi đỡ Sơ Nhụy dậy, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu khi đó là: may mà em bé trong bụng cô ấy không việc gì. Ý nghĩ thứ hai đến ngay sau đó là: đây là lần đầu tôi làm đệm đỡ cho người khác, mình mẩy đau ê ẩm.

Mộ Dung Siêu chạy đến, kéo Sơ Nhụy ra khỏi người tôi, rồi vội vã đỡ tôi lên. Tôi cắn răng vào môi gượng dậy, hai tay cuống cuồng vòng ra sau lưng xoa bóp. Mộ Dung Siêu cũng góp một tay vào làm việc chăm sóc đấm lưng của tôi.

- Là cô à!

Hách Liên Bột Bột bước xuống, vắt chéo tay trước ngực, lạnh lùng quan sát tôi, hậm hực:

- Cô là kẻ ranh ma nhất trong đám con gái Lương Châu đó, dám cả gan chạy đến chùa mồi chài lão hòa thượng ấy. Hiện lão hòa thượng ấy là kẻ được sủng ái nhất trong triều. Tuy hơi già, nhưng cô theo hầu lão sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Ta nên gọi cô là gì nhỉ, phu nhân quốc sư ư…

Khi ấy hắn cùng vua Diêu Hưng vào chùa Thảo Đường nghe giảng pháp, nên đã chứng kiến cảnh tôi và Rajiva nhận nhau. Hắn chầm chậm tiến lại gần tôi, tôi giận sôi người khi nhìn vào đôi mắt hung hãn, ác bá của hắn. Đồ tiểu nhân bỉ ổi!

Hắn liếc nhìn Mộ Dung Siêu, rồi lại đột nhiên kẹp chặt cằm tôi dưới những ngón tay thô bạo của hắn:

- Cô cũng ghê gớm ghê nhỉ, lại dụ dỗ được con thỏ trắng Tiên Tì này rồi đấy à!

- Buông cô ấy ra!

Mộ Dung Siêu bóp chặt cánh tay của Hách Liên Bột Bột, dùng thân hình cao lớn của cậu ta che chắn cho tôi.

Hách Liên Bột Bột ra sức thoát khỏi gọng kìm của Mộ Dung Siêu, cười khinh bỉ:

- Thỏ con, cô ta hơn tuổi ngươi phải không? Cô ta ăn vụng được bao nhiêu ngân lượng từ lão hoà thượng đó để nuôi ngươi?

- Đồ vô liêm sỉ, nói năng xằng bậy!

Mộ Dung Siêu nổi trận lôi đình, xông lên giao đấu với Hách Liên Bột Bột. Hai người đó cao lớn ngang nhau, tuổi tác cũng tương đương. Hách Liên Bột Bột được huấn luyện võ công bài bản trong đội kị binh, nhưng Mộ Dung Siêu từ nhỏ phải đi lao động vất vả nên cậu ta khoẻ hơn hắn. Giao đấu một hồi vẫn không phân thắng bại, họ chuyển sang vật nhau trên đất, tôi chẳng thể làm gì, chỉ biết đứng nhìn và lo lắng. Nơi này là phủ đệ của Hách Liên Bột Bột, người hầu của hắn nghe thấy tiếng động sẽ nhanh chóng kéo ra, đến lúc đó, một mình Mộ Dung Siêu chẳng thể đấu lại nổi. Hơn nữa, Hách Liên Bột Bột là đại tướng quân, trong khi Mộ Dung Siêu chỉ là một thường dân áo vải, sẽ chẳng có phán quyết công bằng nào cho sự việc này.

Hách Liên Bột Bột đang đè lên người Mộ Dung Siêu, ra sức đấm đá túi bụi, bỗng hắn đờ đẫn, mắt trợn ngược, sau đó lăn đùng ra đất. Mộ Dung Siêu kinh ngạc đẩy hắn sang bên, túm cổ áo hắn định ra đòn, nhưng tôi vội ngăn cậu ta lại.

- Còn không mau chạy đi! Người trong phủ của hắn sắp kéo ra rồi đó.

Lúc ấy Mộ Dung Siêu mới sực tỉnh, vội buông hắn ra. Hách Liên Bột Bột nằm bất động trên đất. Tôi kéo tay Sơ Nhụy nãy giờ vẫn đang ngơ ngác, cả ba cùng co cẳng chạy về phía cung Vị Ương.

- Sơ Nhụy, em cứ yên tâm ở lại đây dưỡng thai, chờ ngày sinh nở.

Sau khi trở về nơi ở, tôi không đi gặp Rajiva ngay mà sắp xếp một phòng riêng biệt cho Sơ Nhụy.

- Sơ Nhụy tạ ơn cứu mạng của phu nhân!

Nước mắt tuôn trào, cô ấy định quỳ xuống, nhưng tôi đã ngăn lại, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Em đang mang thai, đừng lo nghĩ nhiều quá, ảnh hưởng đến đứa bé, hãy đi nghỉ sớm đi.

Cô ấy cúi đầu, nức nở:

- Phu nhân, chị không hỏi em về việc... có mang sao?

- Ta không hỏi, vì ai cũng có điều khó nói.

Tôi có thể đoán ra cha đứa bé là Hách Liên Bột Bột, nhưng căn cứ vào cuộc đối thoại mà tôi tình cờ nghe được, chắc chắn đó không đơn giản chỉ là chuyện sự tình vụng trộm.

Trước lúc rời khỏi phòng Sơ Nhụy, tôi ngoái đầu lại nói với cô ấy:

- Ta chỉ muốn nói với em điều này: cho dù xảy ra chuyện gì, đứa bé là vô tội.

Cô ấy sững sờ, đưa tay lên bụng rồi lại cúi đầu rơi nước mắt. Tôi thở dài, đóng cửa lại.
Tôi men theo hành lang trở về phòng, uể oải đưa tay lên đấm lưng, toàn thân đau mỏi, bước đi loạng choạng. Ngày hôm nay xảy ra nhiều chuyện, tôi thấy đầu óc quay cuồng. Mỗi khi mệt mỏi tôi thường hay chóng mặt, đó là do căn bệnh máu trắng gây ra. Bỗng nhiên phía trước xuất hiện hai bóng người, một cao lớn, một nhỏ bé, ánh trăng chếch nghiêng, chiếu sáng một góc hành lang, soi tỏ màu áo cà sa nhà chùa và màu váy hồng thiếu nữ.

Tôi băn khoăn không biết vị sư nào hẹn gặp thiếu nữ, nên lẳng lặng nép vào một góc khuất, lòng thầm thở than: Hôm nay là ngày gì thế không biết, toàn phải thập thò bờ tường bụi rậm nghe chuyện người khác thế này!

Giọng nói thâm trầm của người đàn ông cất lên:

- Ta đáng tuổi ông của cô, cô chỉ là một cô bé mà sao thiếu tự trọng như vậy!

Người đó là Rajiva! Chàng đang nói chuyện với ai? Tôi thót tim, mồ hôi đổ trên trán, hồi hộp thò đầu ra nhìn.

Thiếu nữ tiến lên một bước, Rajiva lập tức lùi lại phía sau. Cô gái đang đứng ở vị trí được chiếu sáng hoàn toàn bởi ánh trăng vằng vặc, nên có thể thấy rõ vẻ yêu kiều, tha thướt, và một khuôn mặt đã được trang điểm hết sức kĩ càng. Tôi đưa tay lên bịt miệng, cô gái đó là Yến Nhi!

- Pháp sư phu nhân cũng là nạn dân từ Lương Châu đến đây. Phu nhân gặp gỡ pháp sư trước Yến Nhi, nên Yến Nhi không dám tranh giành chức vợ cả với chị ấy. Hôm nay được ngắm nhìn dung nhan phi phàm của pháp sư, Yến Nhi thật sự rung động và lấy làm ái mộ, muốn được trọn đời hầu hạ pháp sư, dù có phải làm tì thiếp, Yến Nhi cũng bằng lòng.

- Không được nói những lời này nữa!

Rajiva nghiêm mặt, đưa mắt nhìn xung quanh, cố gắng hạ thấp giọng:

- Cô không có ai là người thân thích nên ta có thể tạm thời cho cô ở lại, ngày sau sẽ giúp cô sắp bày chuyện hôn sự. Nhưng nếu cô không chịu từ bỏ ý nghĩ khi nãy, thì đừng trách ta vô tình.

Nói xong Rajiva rảo bước về phòng, mặc Yến Nhi đứng đó sững sờ, bực bội. Cô ấy cắn môi, vò khăn tay, giẫm chân, sau đó, ngó nghiêng xung quanh, rồi rảo bước về một hướng khác.

Tôi cứ đứng mãi trong bóng tối, ngẩn ngơ cho tới khi họ đã khuất dạng từ khi nào. Lúc lâu sau mới lò cò nhảy ra, bàn chân hoàn toàn tê dại. Tôi ngồi xuống, tựa lưng vào thành chắn, vừa xoa bóp, vừa hoài niệm.

Rajiva khôi ngôi tuấn tú, khí chất cao quý, lại dịu dàng, thuần khiết và chung tình, chàng là một người đàn ông hoàn hảo. Nếu vào thời hiện đại, chắc tôi sẽ phải ngày đêm nơm nớp lo âu, canh chừng những người phụ nữ sẵn sàng nhào đến cướp đoạt chàng. Thế nhưng, nếu chịu khó theo dõi và tổng kết cuộc đời chàng sẽ thấy, số phụ nữ ái mộ chàng ít ỏi đến mức tội nghiệp, có lẽ vì thân phận đặc biệt của chàng. Chàng đi tu từ nhỏ, ở Tây vực, chàng được tôn vinh như một thần thánh. Các tín nữ Tây Vực sùng bài chàng như thần thánh. Nếu tôi không gặp chàng khi chàng còn nhỏ, nếu chỉ muộn vài năm nữa thôi, có lẽ nếu tôi sẽ không có thể có được nhân duyên sâu đậm này.

Ngoài tôi ra, chàng luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định với các cô gái khác. Những người phụ nữ cùng thời đại với chàng không thể hiểu nổi những tư tưởng vĩ đại của chàng, điều này càng khiến họ luôn giữ một thái độ "ngưỡng vọng" đối với chàng. Tuy chàng không nói, nhưng tôi tin, khi tôi không ở bên chàng, chắc chắn vẫn có người con gái khác có tình ý với chàng. Có điều, từ thái độ của chàng đối với Yến Nhi cho thấy, bốn mươi năm qua, ý chí của chàng chưa bao giờ bị lay động.

Chúng tôi đã cùng đồng cam cộng khổ, chúng tôi hiểu nhau và tin tưởng nhau tuyệt đối. Dù phải chờ đợi bao lâu đi nữa, chúng tôi vẫn tin rằng người kia sẽ không bao giờ thay lòng.

Có điều, nếu là trước đây, chàng vẫn còn hi vọng để nương vào, nhưng sau này thì sao, sau khi tôi rời khỏi Trường An thì sao, chàng còn chờ đợi tôi làm gì nữa.

Miệng tôi đắng chát, tôi mệt nhọc lê tấm thân rã rời về phòng. Rajiva đeo kính lão, ngồi viết sách. Thấy tôi về, chàng sốt sắng ép tôi uống thuốc, tôi nhăn mặt vì đắng, tâm trí vẫn đang rối bời, nghe chàng cất giọng hỏi:

- Ngải Tình, vì sao nàng giữ những cô gái đó lại?

Tôi trả lời qua quít:

- Vua Diên Hưng khi ấy đã rất bực bội, chúng ta không nên chọc ngài nổi giận.

Nhận thấy vẻ mệt mỏi của tôi, chàng đặt tay lên hai vai, xoa bóp cho tôi. Tôi nhắm mắt lại, lấy hết cam đảm nói với chàng:

- Rajiva, em chỉ có thể ở lại đây nửa năm, cặp song sinh của chàng...

- Ngải Tình!

Chàng dừng tay lại, giọng nói pha chút bực dọc:

- Sao nàng nói vậy?

- Rajiva, em không thể sinh con được nữa...

Tôi mở mắt, thở dài, cảm thấy cay đắng khi phải nói ra điều mà cà hai đều biết rất rõ nhưng cứ cố né tránh bấy lâu.

Chàng ngồi xuống bên tôi, đặt tay tôi vào lòng bàn tay chàng, vuốt ve:

- Chúng ta đã có nhóc Rajiva, chú bé thông minh, đáng yêu như thế vẫn chưa đủ hay sao?

- Nhưng, sử sách chép rằng...

- Ngải Tình! Ta phải nói thế nào nàng mới chịu hiểu. Vì sao nàng cứ mãi bận lòng vì những ghi chép ấy?

Chàng nghiêm giọng ngắt lời tôi, khuôn ngực phập phồng:

- Chỉ vì những ghi chép vô thưởng vô phạt ấy mà nàng tự ý sắp đặt tì thiếp cho ta ư?

Lòng tôi đau như cắt, trong đầu thoáng hiện lên gương mặt yêu kiều của Yến Nhi. Lời nói thốt ra nặng như đeo đá, khiến lưng tôi dường như cũng còng hẳn xuống.

- Chẳng bao lâu nữa em sẽ phải quay về, chàng... Chàng có thể, để sau khi em rời khỏi đây, mới... mới...

Chàng bật dậy, ôm lấy hai vai tôi, cúi thấp xuống, để mắt chàng nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Nàng từng nói với ta, ở thời đại của nàng chỉ cho phép hôn nhân một vợ một chồng, đàn ông không được lấy vợ hai. Ta kết hôn với người đến từ tương lai. Nàng là người vợ duy nhất của ta, là người vợ mà suốt đời này ta không bao giờ ruồng bỏ. Ta quyết không nạp thiếp.

Tôi mỉm cười chua xót, sống mũi cay xè:

- Rajiva, em chưa bao giờ hoài nghi về tình yêu chàng dành cho em, nhưng em ra đi lần này, sẽ không thể gặp lại chàng nữa...

Chàng rời khỏi vai tôi, đứng thẳng lên, chầm chậm cất bước đến bên cửa sổ, ánh mắt ngưng đọng trên những cây đào ngoài kia, một lúc lâu sau mới lên tiếng:

- Ngay từ khi gặp nàng ở chùa Thảo Đường ta đã hiểu, đây là lần sun họp cuối cùng của hai ta.

Chàng quay lại nhìn tôi, ánh sáng ngọn nên tỏa rạng gương mặt bình thản, điềm tĩnh của chàng, soi rọi những gợn buồn trong đôi mắt như hai vực nước sâu của chàng.

- Tuy nàng chưa bao giờ nói ta sẽ sống đến năm bao nhiêu tuổi, nhưng ta biết, thời gian dành cho ta không còn nhiều nữa. Chỉ còn vài năm ngắn ngủi, mà phải dịch thuật khối lượng lớn như thế, nàng nghĩ, ta còn thời gian để bận tâm việc khác nữa không?... Nàng trở về và bên ta nửa năm, tặng cho ta bao kỉ niệm đẹp trong những năm tháng cuối đời ngắn ngủi của mình thế này, ta mãn nguyện lắm rồi.

Chàng chìa hai tay về phía tôi, mỉm cười hồn hậu.

Tôi đứng lên, đến bên chàng. Chàng kéo tôi tựa vào ngực chàng, vòng tay qua eo tôi, gác cằm lên vai tôi, giọng chàng rủ rỉ bên tai:

- Đừng trăn trở chuyện cặp sinh đôi ấy nữa, đó chẳng qua là lời đồn thổi thiếu căn cứ mà những kẻ chấp bút chép sử mấy trăm năm sau viết lại. Ta chỉ có một người vợ duy nhất là nàng, một người con duy nhất là nhóc Rajiva. Hai mẹ con nàng là những người thân thiết nhất của ta.

Sống mũi cay xè, nước mắt tôi trào ra. Chàng hôn nhẹ vào má tôi:

- Những cô gái kia bị Hách Liên Bột Bột bắt cóc, người nhà của họ chắc chắn rất lo lắng, ngày mai ta sẽ nhờ người dò hỏi tin tức để họ được trở về đoàn tụ với gia đình.

- Chàng không sợ Diêu Hưng trách tội ư?

- Ta từng thề với Phật tổ quyết không nạp thiếp, lẽ nào Bệ hạ vẫn muốn gây khó dễ cho ta?

Chàng mỉm cười, xiết chặt tôi hơn nữa, kéo tôi ghì sát vào cơ thể chàng.

- Vả lại, Bệ hạ cũng chỉ vì cao hứng mới làm vậy, lẽ nào ngài ngày ngày cất công tới đây kiểm tra tình hình của mấy cô gái kia?

Tôi rút mảnh giấy trong tay áo ra:

- Đây là thông tin về người thân của mấy cô gái đó.

Ngừng một lát, hít một hơi, tôi tiếp tục:

- Có một cô gái tên Yến Nhi không còn người thân, hay là, tạm thời cứ giữ cô ấy lại.

Tôi không hề vui khi nghe những lời Yến Nhi khi nãy, nhưng không thể vì thế mà đuổi cô ấy đi được. Cô ấy chỉ còn một thân một mình, nếu chúng tôi không cưu mang, cô ấy biết đi đâu về đâu bây giờ.

Chàng có vẻ không vui, nhưng vẫn cầm tờ giấy, gấp lại, cất vào trong túi áo:

- Bắt đầu từ ngày mai ta sẽ đến chùa Đại Tự thuyết giảng kinh văn. Nhân tiện, ta sẽ nhờ dại tướng Diêu Hiển và tả tướng Diêu Tung tìm kiếm người thân của mấy cô gái này.

Chàng dắt tay tôi đi về phía chiếc giường, kê gối cho tôi, rồi làm mặt nghiêm nghị:

- Còn nữa, từ nay trở đi, ta không muốn nghe về chuyện này thêm nữa...

- Vâng...

Tôi ngoan ngoãn gật đầu, và mang theo vào giấc ngủ miên man nụ cười rạng rỡ như nắng ban mai của chàng.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/t24606-duc-phat-va-nang-chuong-89.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận