Chương 1 Ám ảnh mỗi khi về quê Quê em ở Ninh Bình, một vùng quê được bao phủ bởi núi đá trùng điệp, người thì thưa mà đất thì rộng, rừng cây um tùm bốn phía. Đến tận bây giờ, những năm của thế kỉ 21 mà ở quê em vẫn còn diễn ra chuyện hổ vào làng vồ trâu, trăn gió nuốt trộm dê, bò.
Để trị hổ, trăn thì còn có súng đạn, bẫy, lưới,… nên người dân quê em cũng chẳng ngại gì lắm. Có người còn mừng vì chỉ mất vài con dê mà đổi lại được một con hổ hay một con trăn, bán rẻ cũng phải vài chục triệu. Nhưng dù có không sợ trời không sợ đất thì người dân quê cũng luôn mang trong mình nỗi sợ mơ hồ về một thứ không rõ ràng, đó là Ma. Sau đây em xin tổng hợp lại những chuyện em được nghe kể từ chính người thân của mình, và những câu chuyện em cóp nhặt được khi đi chơi ở những huyện khác trong tỉnh.
Chuyện thứ nhất: Ma chóĐó là vào những năm 60, khi ông em vừa từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về. Ông em kể lại rằng: Hôm đó, ông vừa hoàn thành xong một số việc giấy tờ, họp bàn với anh em trong đơn vị về việc tập kết để chuẩn bị vào Nam. Sau buổi họp thì đã xế chiều, anh em chào tạm biệt nhau rồi ai về quê người nấy, hẹn ngày 25 tháng Giêng, hai năm sau thì tất cả tập chung tại trụ sở của đơn vị. Nóng lòng muốn về nhà sau gần chục năm xa vợ xa con, ông em bắt ngay chuyến tàu cuối cùng của ngày hôm đó để về quê. Lúc ông xuống đến gha Ghềnh thì đã muộn lắm rồi, nhìn lên đồng hồ treo ở nhà ga thì bây giờ là 2 giờ sáng. Nhưng đang nóng lóng về nhà, lại thấy có sáng trăng nên ông quyết định đi xuyên đêm về nhà. Tính ông em vốn bạo gan, lại chẳng tin vào chuyện hồn ma bóng quế nên ông bỏ ngoài tai lời khuyên từ những người khách ở ga, khuyên ông nên ở lại đến sáng hãy về vì dạo này có lắm lời đồn về ma quỷ ở ngã ba vào thôn, ông cứ thế thẳng bước đi về, lòng chỉ mong về sớm được lúc nào hay lúc ấy. Đêm hôm đó, một mình ông đi trên con đường đất dài hơn 6 cây số từ ga Ghềnh về làng. Hai bên đường toàn là cây cối rậm rì, cách vài trăm mét mới có một vài nhà, thời đó lại chẳng mấy nhà có đèn điện, nên nhìn ngút tầm mắt chỉ thấy toàn cây là cây, thỉnh thoảng tiếng chim khắc ăn đêm lại kêu khé khé đến rợn người. Cơ mà ông em chẳng sợ, lại có sáng trăng nên cứ sải bước mà đi, vừa đi vừa nghĩ xem giờ này ở nhà đang làm gì. Đi được một lúc thì ông em bống thấy một con chó trắng tinh đi trước, cách ông một quãng ngắn, ông em thấy lạ liền bước nhanh về trước xem sao, vì ở quanh đây làm gì có mấy nhà mà có chó chạy ra đến tận đây, lại còn chó trắng tinh như chó nhà bọn theo Tây. Nhưng lạ là ông đi nhanh thì con chó cũng đi nhanh, ông đi chậm thì còn chó cũng đi chậm, lúc ông thử đứng lại thì con chó cũng đứng lại, mấy lần như vậy thì ông em nhận ra rằng cái thứ đi trước mình chẳng phải là chó mèo nhà nào cả. Ông em liền nhặt vài cục đá, đinh bất ngờ lao tới gần ném con chó xem nó làm sao, nghĩ sao làm vậy, ông em vơ bên vệ đường vài viên đá to bằng 2 nắm tay, ông ném liền ba phát: "Cục! Cục Cục…!" , tiếng đá chạm đất nghe đinh tai, nhưng ông em tự lại thấy lanh gáy vì từ nãy đến giờ cả ba phát ông em ném đều trúng lưng và đầu con chó, nhưng tại sao lại là ba tiếng đanh như vậy, mà con chó thì chẳng có phản ứng gì, vẫn lững thững đi trước ông. Ông em lúc này bắt đầu thấy ghê tay rồi, nhưng ông không biết sợ là gì nên lại cầm đá, lần này ông dồn sức ném thật mạnh, thì bống ùm một cái, con chó nhảy luôn xuống cái ao hoang bên đường rồi mất hút.Thấy chỉ ném vài viên đá mà đuổi được cái thứ kia nên ông em càng vững dạ, lại tiếp tục hướng thẳng đến làng. Đi thêm một lúc, ông em ước chừng chỉ còn vài cây là về đến nhà thì chợt ông em khựng người lại, đằng trước ông lại là con chó đó đang đi lững thững. Lúc này thì ông em không cảm thấy sợ nữa mà thấy cay lắm vì từ trước đến nay chưa ai dám chọc phá ông đến như thế cả. Ông khẽ rút từ trong ba lô ra con dao găm dài non một thước tây, hơi giấu vào sau lưng để thủ thế (vẫn là con dao này, con dao ông đã dùng để quần nhau với một con hổ khi còn trên Việt Bắc, đến giờ mặt ông em vẫn còn một vết sẹo, kết quả của cái tát với cuối cùng của con hổ, nhưng may sao ông em dùng dao gạt được từ đó ông em coi con dao này như vật hộ mệnh, mỗi khi có hiểm nguy thì ông đều sờ đến con dao đầu tiên).Vừa thủ con dao, ông em vừa đi tiếp, nhưng lần này ông bước thận trọng hơn. Đi tiếp đến đầu cầu thì con chó không còn giữ khoảng cách với ông nữa, ông em đến gần nó hơn. Và lần này thì ông thực sự thấy lạnh toát ống lưng khi thấy con chó bống nhảy phốc lên trên thành cầu, từ từ đi bằng hai chân sang bên kia cầu, cái thành cầu chỉ rộng bằng phần ba quyển vở học sinh, vậy mà con chó đi không hề chao đảo. Giờ thì ông em bắt đầu thấy lạnh dần từ sống lưng lên gáy, ông vẫn tiến tiếp, mắt ông theo sát con chó, tay chỉ chực vung con dao găm ra tấn công. Con chó đi tiếp đến đầu cầu bên kia, rồi nó ngồi trên cái trụ cầu, quay đầu lại nhìn chăm chằm vào ông, cái mõm hơi há ra như đang cười.Giờ, khoảng cách giũa ông và nó chỉ còn khoảng vài mét. Ông em đứng im mất vài giây rồi bất ngờ đâm thẳng con dao về phía trước, vọt người đến chỗ con chó, ông chửi to: " ĐM mày! Để tao xem mày là ma cỏ gì mà dám trêu vào tao!" Bất chợt con chó ẳng một tiếng rồi nhảy ùm xuống sông không thấy bóng dáng đâu nữa. Lúc này ông em mới thở phào nhẹ nhõm, đoạn đường tiếp theo về làng, ông em vẫn chú ý đề phòng con chó kia nhưng tuyệt nhiên không thấy nó đâu nữa.