“Tôi sẽ lấy bất cứ chiếc xe nào mà các anh có”, Anna nói.
“Bây giờ chúng tôi không còn chiếc nào”, chàng thanh niên trông có vẻ mệt mỏi ngồi sau chiếc bàn làm việc trong cửa hiệu cho thuê xe mang tên Happy Hire nói bằng một giọng phân bua. “Và có lẽ phải đến sáng mai mới có xe về”, anh chàng đeo tấm thẻ mang tên Hank ấy nói thêm. Anh ta đã hoàn toàn quên câu phương châm của cửa hàng đặt trên mặt bàn tiếp tân, Không ai rời khỏi cửa hiệu Happy Hire của chúng tôi mà không mang theo một nụ cười hạnh phúc. Anna không che dấu nổi vẻ thất vọng.
“Tôi không nghĩ là chị muốn đi xe tải?” Hank ướm thử. “Không phải là màu đen mới nhất, nhưng nếu chị vội”.
“Tôi sẽ thuê”, Anna nói và nghĩ đến hàng người dài dằng dặc xếp hàng sau cô ở bến phà. Chắc chắn họ đều muốn cô nói không thuê. Hank đặt một mẫu đăng ký lên mặt bàn và bắt đầu điền vào những trang. Anna đưa bằng lái xe cho anh ta để anh ta điền tiếp vào một số chỗ trống còn lại trong mẫu đăng ký. “Chị muốn thuê trong bao lâu?” Hank hỏi.
“Một ngày, có thể là hai - tôi sẽ để lại sân bay Toronto”.
Sau khi đã điền đầy đủ các trang nhỏ trên mẫu đăng ký, Hank xoay ngược tờ giấy lại để Anna ký.
“Hết 60 đôla, và tôi cần 200 đôla tiền đặt cọc”.
Anna chau mày, rồi đưa cho anh ta 260 đôla.
“Và tôi cần thẻ tín dụng của chị”. Anna đẩy một tờ 100 đôla về phía anh ta qua mặt bàn. Lần đầu tiên cô biết đến hành động hối lộ.
Hank cho tiền vào túi. “Đó là chiếc xe tải trong ô ba mươi tám”, Hank vừa nói vừa đưa chìa khoá cho cô.
Khi Anna tìm thấy ô ba mươi tám, cô hiểu tại sao đây là chiếc xe cuối cùng còn sót lại. Cô mở cửa sau rồi cho chiếc va li và chiếc máy tính lên xe. Sau đó cô đi về phía trước xe và ngồi vào chiếc ghế lái bọc nhựa. Cô kiểm tra các đồng hồ. Chiếc xe đã chạy được 98617 dặm, và vận tốc tối đa là 90 dặm một giờ. Cô nghĩ may ra thì chiếc xe có thể chạy với vận tốc bằng một nửa con số đó. Rõ ràng chiếc xe này đã đi đến chặng cuối cùng của cuộc đời nó, và bốn trăm dặm tiếp theo sẽ làm nó tắt thở. Cô băn khoăn không hiểu nó có còn bán được nổi 360 bảng hay không.
Anna khởi động chiếc xe và tập trung tâm trí để đưa nó ra khỏi lô đỗ xe. Cô trông thấy một người đàn ông trong gương chiếu hậu ở cửa xe; anh ta vội nhảy tránh sang một bên. Chỉ vài trăm mét sau đó, cô đã phát hiện ra rằng chiếc xe này không phải sinh ra để đua tốc độ hay để đem đến cho ta sự thoải mái. Cô liếc nhìn xuống tấm bản đồ về các tuyến đường mà cô đã trải ra trên chiếc ghế còn lại bên cạnh mình, và bắt đầu tìm kiếm những biển chỉ đường dẫn tới Jersey Turnpike và Del Water Gap. Cho dù từ sáng tới giờ cô chưa có gì vào bụng, Anna quyết định phải cho xe chạy vài chục dặm trước khi nghĩ đến chuyện ăn uống.
***
“Anh nói đúng, sếp ạ”, Joe nói, “cô ta không tới Danville”.
“Vậy cô ta tới đâu?”
“Sân bay Toronto”.
“Xe hơi hay xe lửa?”
“Xe tải”, Joe đáp.
Jack thử tính xem chuyến đi sẽ mất bao nhiêu thời gian, và kết luận rằng phải tới cuối chiều ngày hôm sau Petrescu mới tới Toronto.
“Tôi đã gắn thiết bị định vị toàn cầu lên thanh ba đờ sốc sau xe của cô ta”, Joe nói thêm, “vì vậy chúng ta có thể theo dõi cô ta suốt ngày đêm”.
“Và hãy bố trí một nhân viên theo dõi cô ta ở sân bay”.
“Anh ta đã được thông báo chi tiết”, Joe nói, “với yêu cầu là phải báo cho tôi biết cô ta định bay tới đâu”.
“Cô ta sẽ bay đi London”, Jack nói.
Đến 3 giờ chiều hôm đó, Tina đã có thể loại thêm bốn cái tên khỏi danh sách những người mất tích. Ba người trong số đó đang tham gia bỏ phiếu vòng đầu để bầu thị trưởng, người còn lại bị nhỡ tầu.
Fenston nhìn qua danh sách. Leapman đứng cạnh và đặt một ngón tay lên cái tên duy nhất mà ông ta quan tâm. Fenston gật đầu và mỉm cười.
“Đỡ mất công”, Leapman bình luận. “Có tin gì mới từ JFK không?” Fenston hỏi.
“Ngày mai họ cho phép một vài chiếc cất cánh”, Leapman nói, “các nhà ngoại giao khách mời, các đội cứu thương của bệnh viện, và một số chính khách cao cấp do Bộ Ngoại giao bảo lãnh. Nhưng tôi đã thu xếp để chúng ta được cất cánh vào sáng sớm ngày thứ Sáu”, ông ta dừng lại. “Có người cần một chiếc xe mới”. “Mô đen nào?” Fenston hỏi.
“Một chiếc Ford Mustang”, Leapman trả lời.
“Tưởng là Cadillac”, Fenston mỉm cười.
***
Vào lúc 3 giờ chiều hôm đó, Anna đã tới ngoại ô của thành phố Scraton, nhưng cô quyết định cho xe chạy tiếp thêm vài giờ nữa. Trời quang đãng, không khí khô hanh, và con đường cao tốc ba làn xe đông nghịt xe cộ chạy theo hướng bắc, và hầu hết mọi chiếc xe khác đều vượt xe của cô. Anna thư giãn một chút khi những tòa nhà cao tầng đã được thay thế bằng những hàng cây to hai bên đường. Hầu hết các xa lộ đều có vận tốc tối đa là 55 dặm một giờ và vận tốc như vậy là phù hợp với cô.
Nhưng cô vẫn phải nắm chặt vô lăng để chiếc xe tải không dạt sang làn khác. Anna liếc nhìn bảng đồng hồ. Cô tính sẽ tới Baffalo vào lúc 7 giờ, và có thể cô sẽ phải nghỉ một lát tại đó.
Cô nhìn vào gương chiếu hậu, bỗng nhiên cô có cảm giác của một kẻ tội phạm đang trên đường chạy trốn. Ta không được sử dụng điện thoại di động hay thẻ tín dụng, và tiếng hú của xe cảnh sát làm nhịp tim ta tăng gấp đôi. Một cuộc sống phải luôn dè chừng những người xa lạ, và cứ chốc chốc lại phải ngoái nhìn qua vai. Ngay lúc này, Anna ước gì được trở lại New York, được sống giữa bạn bè và được làm công việc mà cô yêu thích. Cha cô đã từng nói - “ôi, Chúa ơi”, Anna nói to một mình. Nếu mẹ cô nghĩ cô đã chết thì sao? Còn bác George và gia đình ở Danville thì sao? Cô có nên liều gọi điện cho họ không? Tệ thật, cô không thích hợp với hoàn cảnh của một kẻ tội phạm.
Leapman bước vào phòng Tina mà không thèm gõ cửa. Chị vội vàng tắt chiếc màn hình bên cạnh bàn làm việc của mình.
“Anna Petrescu có phải là bạn của cô không?” Leapman hỏi mà không giải thích lý do.
“Phải”, Tina nói mà không ngửng đầu lên.
“Phải à?” Leapman hỏi lại.
“Đã từng”, Tina chữa lại.
“Vậy cô chưa có thêm tin gì về cô ta à?
“Nếu có, sao tôi lại phải đưa tên chị ấy vào danh sách mất tích?”
“Sao lại không?” Leapman nói.
“Tôi không nhận được tin gì về chị ấy”, Tina nhìn thẳng vào mặt Leapman. “Nếu ông biết được tin gì về chị ấy, làm ơn cho tôi biết”, chị nói thêm.
Leapman cau mày và bước ra khỏi phòng.
***
Anna đánh xe vào một quán ăn vắng khách. Cô yên lòng khi thấy chỉ có hai chiếc xe khác đang đỗ trong bãi để xe, và khi cô bước vào trong quán, chỉ có ba vị khách đang ngồi gần quầy thu tiền. Anna tìm một chỗ ngồi quay lưng lại với quầy thu tiền, kéo sụp mũ xuống và đọc qua thực đơn. Cô gọi món xúp cà chua và món gà rán.
Mười đôla và ba mươi phút sau, cô lại lên đường. Cho dù từ sáng tới giờ cô không uống gì ngoài cà phê, chỉ một lúc sau cô đã thấy buồn ngủ. Cô đã cho xe chạy một mạch suốt 8 giờ và đi được hơn ba trăm dặm trước khi dừng lại để ăn tối, và bây giờ thì cô phải cố gắng để mi mắt đừng sụp xuống.
NẾU CẢM THẤY MỆT, HÃY DỪNG LẠI ĐỂ NGHỈ NGƠI, dòng chữ in đậm ấy trên một tấm biển bên đường càng khiến cô ngáp nhiều hơn. Cô phát hiện thấy một chiếc xe tải mười hai bánh đang dạt vào điểm tạm nghỉ phía trước mặt cô. Anna liếc nhìn đồng hồ - hơn mười một giờ. Cô đã ở trên đường gần chín tiếng. Cô quyết định phải nghỉ ngơi vài giờ trước khi đi hết chặng đường còn lại. Suy cho cùng, cô còn khối thời gian để ngủ trên máy bay.
Anna cũng bắt chước chiếc xe tải, cô đánh xe vào điểm tạm nghỉ và cho xe dừng lại ở đầu xa nhất. Cô đỗ xe của mình sau một chiếc đại xa khác rồi nhảy ra khỏi xe, kiểm tra tất cả các cửa xe trước khi trèo lên thùng sau. Cô yên tâm vì phía sau cô không có một chiếc xe nào. Anna cố gắng tạo một chỗ nằm thoải mái, và lấy chiếc máy tính xách tay làm gối. Chưa bao giờ cô phải nằm trong một tư thế khó chịu như thế này, nhưng chỉ vài phút sau cô đã ngủ thiếp đi.
***
“Petrescu vẫn làm tôi lo lắng”, Leapman nói.
“Sao một mụ đàn bà đã chết lại có thể doạ được ông?” Fenston hỏi.
“Bởi vì tôi không tin rằng cô ta đã chết”.
“Làm sao cô ta có thể sống sót?” Fenston vừa nói vừa nhìn đám mây vẫn chưa chịu tan đang lơ lửng trên khu Trung tâm Thương mại Thế giới bên ngoài cửa sổ.
“Cũng giống như chúng ta đã sống sót”, Leapman nói.
“Những chúng ta đã kịp rời khỏi tòa nhà ngay”, Fenston nói.
“Có thể cô ta cũng đã kịp rời khỏi tòa nhà. Chính ngài đã ra lệnh cho cô ta phải rời khỏi đó trong vòng mười phút”.
“Barry lại nghĩ khác”.
“Barry vẫn sống”, Leapman nhắc nhở ông ta.
“Cho dù Petrescu có sống sót, cô ta cũng chẳng làm được gì”, Fenston nói.
“Cô ta có thể tới London trước tôi”, Leapman nói.
“Nhưng bức tranh đã được cất an toàn tại Heathrow”.
“Nhưng tất cả mọi giấy tờ chứng minh bức tranh đó là của ngài đều được cất trong chiếc két ở văn phòng ngài tại Tháp Bắc, và nếu Petrescu có thể thuyết phục-”
“Thuyết phục ai? Victoria Wentworth thì đã chết rồi, đừng có quên là Petrescu đang mất tích, và chắc là cũng đã chết rồi”.
“Nhưng nếu thế thì cũng tiện lợi cho cô ta nếu cô ta thực sự còn sống”, Leapman nói.
“Vậy thì hãy làm cho điều đó trở nên bất tiện đối với cô ta”.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!