Ở Rể (Chuế Tế)
Tác giả: Phẫn Nộ Đích Hương Tiêu
xem tại t.u.n.g.h.o.a.n.h.c.o.m
Quyển thứ nhất: Gió sớm Giang Ninh
Chương 19: Trung thần
Dịch: Thiên Kim
Biên tập: thuan0
Nguồn: Tàng Thư Viện
- ...Cũng không biết là có cả bài, hay chỉ là mấy câu?
Ven sông Tần Hoài, Tần lão mở miệng hỏi Ninh Nghị, Khang Hiền bên cạnh lại thở dài:
- “Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa, một vùng Bạch Lộ nước chia đôi...” Dù chỉ là tàn cú, nhưng cũng đã đạt đến phong thái đại gia rồi...
Ninh Nghị nhìn mấy câu thơ, cười rộ lên:
- Ồ, tàn cú.
Rồi gã phủi phủi tay:
- Không hiểu thi từ..
- Tiểu tử này không thành thật, bằng không hôm nay lại có được mấy bài thơ hay..
Nói thì nói thế, thi nhân làm thơ chỉ làm được tàn câu cũng là chuyện bình thường, hai người không nói tiếp nữa mà chuyển sang lĩnh vực thư pháp. Đây là một lĩnh vực riêng, thơ viết ra cũng có thể nói là do người khác sáng tác, nhưng không thể nói chữ là do người khác viết ra được, huống hồ mấy kiểu chữ ở phía trên rõ ràng là tự cấu thành một hệ thống, hai người đều là cao nhân trong việc này, tự nhiên có thể nhìn ra môn đạo trong đó.
Đối với những đại gia thư pháp như bọn họ mà nói, từng chữ dùng bút viết ra đều có cái hồn trong đó, những chữ viết bằng than này tuy còn chưa tới trình độ đại gia, nhưng công lực cũng đã hiển lộ rõ ràng. Giống như Nhiếp Vân Trúc, thời đại này không ai nghĩ lại có người ở nhà chuyên luyện thứ bút pháp dạng này, kẻ có thể dùng mẩu than mà viết ra được như vậy trình độ hẳn là còn cao hơn nữa, đặc biệt là những loại thư pháp trước đây chưa từng thấy lại càng có giá trị cao tới mức khó mà định lượng.
Xét đến mấy chữ nghiêng đậm viết ở cuối, tuy mới lạ nhưng giá trị tham khảo chả được mấy, chỉ có thể coi như một trò giải trí. Nhưng mấy chữ “Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa, một vùng Bạch Lộ nước chia đôi” viết theo dạng Tống thể và Sấu Kim thể kia mới đúng là thứ làm cho bọn họ phải tán thưởng rất nhiều, vì trong nó ẩn chứa rất nhiều môn đạo.
Hai kiểu chữ này đúng là xuất hiện từ thời Tống, quỹ tích của triều Vũ cũng như triều Tống, văn nhân đông đảo, Nho học phát triển mới sản sinh ra nhiều thứ mới mẻ, hai kiểu chữ này không thể nghi ngờ là vừa mới lạ lại vừa phù hợp với phong tục và thẩm mỹ của thời đại.
Vượt trước thời đại một bước là thiên tài, vượt trước hai bước thông thường được coi là kẻ điên, hai kiểu chữ này vừa vặn có nền tảng cơ sở của thời đại, xem như là lượng biến thành chất, đạt được hiệu quả thẩm mỹ đột phá. Lúc Ninh Nghị viết ra cũng không có chủ định trước chuyện này, nếu có thì chỉ là muốn làm cho đối phương kinh ngạc khi nhìn nhận vấn đề mà thôi. Với cách tư duy của gã, không thể tính là chủ động thi thố, các suy tính phức tạp đã xử lý xong từ trong tiềm thức, giờ chỉ thể hiện ra theo cách đơn giản nhất mà thôi. Những thứ liên quan tới văn hóa này không đáng kể để mà dấu dốt, kiểu chữ nghiêng đậm không căn cứ kia vừa đủ để chứng minh ngày thường gã hay giải trí vớ vẩn bằng những trò gã có hứng thú, cũng vừa đủ để duy trì ấn tượng của kiểu chữ Tống thể cùng Sấu Kim thể, khiến ấn tượng kinh diễm này diễn ra một cách tự nhiên không quá lộ liễu.
Trong lúc hai người nghị luận về thư pháp, Ninh Nghị chủ yếu là giữ im lặng, chỉ thỉnh thoảng nói vài điểm then chốt mà gã biết. Hai người này thực sự là đại hành gia, kiến thức cơ bản hơn gã không biết bao nhiêu lần, chi bằng ít nói giấu dốt là hơn. Mấy ngày qua gã nhàn tản vô vị, cũng đầu tư nâng cao kỹ năng thư pháp, thỉnh thoảng nghe được mấy lời cũng thấy có nhiều lợi ích.
Nếu là dạng học sinh tài tử thông thường, sợ là không được học từ những bậc thầy có trình độ như hai người đây. Đương nhiên, thái độ của hai người đều là như đang dạy học, nói chung là như giảng giải và phân tích cho đệ tử nghe, học sinh bình thường mà nghe quá nhiều chỉ sợ cũng là vô ích. Nhưng năng lực quy nạp, biện luận, chỉnh lý của Ninh Nghị rất mạnh mẽ, đối với kiến thức uyên bác của hai người này cũng chỉ là bội phục, không đến nỗi sùng bái mù quáng nghe theo, thậm chí còn tìm ra một vài điểm không quan trọng.
Lần thảo luận thư pháp này kéo dài ước chừng nửa canh giờ, thỉnh thoảng mấy người lại cầm mẩu than viết viết vẽ vẽ lên tấm bảng trắng, tay đen thui một mảng, tiếp đó ra bờ sông rửa tay. Tần lão và Khang lão lúc này cũng không bàn tới chuyện bút pháp của bút than với bút lông nữa, với trình độ mà Ninh Nghị biểu hiện ra, đổi mới đôi chút trong một thư viện nho nhỏ tất không cần bọn họ góp ý. Đương nhiên, nếu như muốn phát triển mở rộng ra ngoài, chuyện này hẳn có vấn đề. Ninh Nghị phủi phủi tay, sau đó vẫy những hạt nước trên tay thuận miệng nói:
- Thật ra thì than củi viết vẫn không tốt lắm, ta tính qua mấy ngày nữa đi kiếm ít thạch cao làm vài cây bút phấn để sử dụng. Đến lúc đó chỉ cần sơn đen tấm bảng, bên trên viết chữ màu trắng, rõ ràng hơn nhiều so với chữ viết bằng than củi, lau chùi cũng đơn giản hơn.
- Thạch cao?
Khang lão ngờ vực hỏi:
- Bút phấn là cái gì?
- Thạch cao sau khi nung qua lửa thì cho thêm nước rồi khuấy lên, rồi ngưng kết thành thỏi trong khuôn đúc. Nó có thể dùng để viết chữ và không mờ như than củi, cầm trong tay cũng không bẩn như thế này.
thạch cao Triều Vũ cũng đã có, Khang lão suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Đúng thế, thạch cao sau khi nung khô xác thực có thể dùng để viết... A, chuyện này khỏi cần nhờ ai, để lão phu dặn đám người làm chế cho ngươi là được. Không biết yêu cầu hình dạng cụ thể lớn nhỏ thế nào và còn có gì cần chú ý không?
Ninh Nghị vốn biết Khang Hiền nhà to nghiệp lớn, nếu lão đã mở miệng tất cũng không chối từ, gã lập tức khoa tay múa chân phác họa phấn viết một phen. Quy trình làm phấn viết vốn đơn giản, dù cho không làm, lấy một khối vôi đóng rắn trong lò miễn cưỡng cũng có thể viết chữ được, nên điều muốn nói cũng không nhiều:
- Có thể kêu thợ thủ công làm thử vài lần, hoặc là trộn chút đất sét, tốt nhất là cố gắng tìm ra tỉ lệ pha trộn sao cho thích hợp nhất để viết.
- Chuyện này lão phu đương nhiên hiểu. A Quý.
Khang lão mỗi lần ra khỏi nhà đều có bốn gã người hầu, hai nam hai nữ lúc nào cũng ở gần đó, lúc này gọi tới một người:
- Lời Ninh công tử ngươi đã nghe được, sau khi trở về hãy phân phó xuống làm.
Người nọ liền khom người nói:
-Vâng.
- Ha ha, vừa rồi chỉ toàn luận chữ, trà nguội mất rồi....
Lúc nãy ba người tay cầm than nên không tiện rót trà, bây giờ thời gian đã không còn sớm, cũng không còn bao nhiêu tâm tư chơi cờ, mấy người ra quán trà ngồi một lát, nha hoàn của Khang Hiền lại rót trà mới. Tấm ván gỗ màu trắng vẫn còn để ở bên, đề tài tự nhiên vẫn loanh quanh chuyện con chữ. Một lát sau, bình luận của Tần lão bình chuyển sang phong cách một số bậc thầy thư pháp đương đại, lão vốn am hiểu thư pháp, một hơi bình luận hoa rơi nước chảy, tiện thể trêu chọc kiểu chữ của Khang Hiền một phen, Khang Hiền cười mắng:
- Thể chữ Lệ với cuồng thảo, lão phu có lẽ không bằng ông, nhưng nếu luận về chữ Khải thì ông thua xa lão phu lắm lắm.
Tần lão cười nói:
- Đấy gọi là thuật nghiệp phải có chuyên công, Minh công cả ngày lấy đạo quân tử dạy người, chữ Khải nếu kém không khỏi mất đi tính tín phục. Chỉ vì muốn dạy người cho thuận tiện mà luyện chữ Khải tới cảnh giới như vậy, Minh công đáng làm “sử thượng đệ nhất nhân...”
Cười giỡn như thế chốc lát, Tần lão ngẫm lại, chuyển sang đề tài khác:
- ... chữ viết của Lập Hằng khiến lão phu nhớ tới một người, người này cũng là họ Tần, rất tài hoa, trước kia lúc ở Đông Kinh cũng quan hệ chữ nghĩa với lão phu, tài ăn nói cực kỳ xuất chúng mà viết chữ cũng rất đẹp, phong cách của y cũng giống phong cách câu "Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa" của Lập Hằng, có thể coi là Nhan cân Liễu cốt (1)... Tiếc là nét chữ của y năm đó còn chưa thoát khỏi khuôn mẫu cũ, giờ đây cũng không biết ra sao.
Khóe mắt Ninh Nghị khẽ giật giật, không ngờ Khang Hiền ở bên lại nở nụ cười:
- Lời Tần công nói, chẳng lẽ là người vừa mới nhậm chức ngự sử trung thừa Tần Cối Tần Hội Chi?
Tần lão gật đầu:
- Chính là người này, mấy năm trước người Liêu xuôi nam, từng bắt đi cả nhà của y, song người này hữu dũng hữu mưu, thâm nhập vào nơi hổ sói, vẫn có thể giả trá cùng người Liêu (2), năm trước, thừa cơ người Liêu tấn công Sơn Dương, y dẫn người nhà về nam. Haiz... Bây giờ y đã là ngự sử trung thừa rồi sao?
- Bản thông báo tháng trước đã truyền tới chuyện này. Từ khi quay về đến giờ y rất được trọng dụng, đặc biệt là trong thời khắc nguy nan vẫn không quên vợ cả. Nghe nói lúc ấy ở nước Liêu, người Liêu vốn muốn giam giữ vợ y, hai người hao tổn tâm huyết diễn một vở kịch hay mới có thể cùng nhau trốn về nam, trên đường chạy trốn bị người Liêu phát hiện, cũng nhờ mấy tên đầy tớ trung thành liều chết đoạn hậu mới đào thoát thành công, đủ thấy ngự phê cũng có ý... Ai, cũng vì chiến sự tiền tuyến bất lợi, sự tích của y mới lại càng trân quý. Nhưng bây giờ trong triều cũng không phải hoàn toàn tán thưởng, chuyện y về nam bị hoài nghi rất nhiều, cho rằng chuyện này khả nghi, sợ là có điều quái lạ khác..
Tần lão suy nghĩ, lắc đầu:
- Việc này cũng khó nói, nhưng chuyện đoán mò vô căn cứ không phải là hành vi của quân tử, dựa vào lão phu ngày đó chứng kiến, người này đoan chính ngay thẳng, là người công minh chính trực, yêu quốc yêu dân tuyệt không phải là giả vờ, sau này ra sao phải xem hành động thực tế mới biết được. A... Lại nói tiếp, Hội Chi lão gia cũng đang ở Giang Ninh, sau này nếu y đến, Lập Hằng cũng nên gặp, nói không chừng có thể cùng chung tiếng nói...
Ninh Nghị nháy nháy mắt, tiếp đó có chút phức tạp mà sờ sờ mũi, qua một lát rốt cuộc bật cười, gật gật đầu lấy lệ.
Tần lão và Khang lão không thấy có gì không ổn, Khang Hiền nâng tách trà lên uống một ngụm, nhìn về phía Ninh Nghị:
- Có điều là Lập Hằng tài hoa như thế, chẳng lẽ thật không một chút ý niệm công danh gì sao?
Nói về thời gian gặp mặt, Ninh Nghị cùng hai người lui tới cũng chưa lâu, hình như Khang Hiền đã từng nói, chẳng qua chỉ là giao tình trong như nước giữa những bạn cờ, cùng nhau nói chuyện phiếm (3), nhưng nhìn chung văn nhân đều nung nấu ý tưởng vì nước vì dân, vì thiên địa tu tâm, vì dân sinh mà sống, vì kế thừa học thức tiên hiền, vì vạn thế mở thái bình, nếu không thì cũng là học văn tập võ luyện nghệ để ra sức cho hoàng đế, đây đều là những chuyện nghiễm nhiên khỏi cần bàn luận. Bây giờ trông Tần lão mỗi ngày nhàn nhã chơi cờ, Khang Hiền cũng lộ ra là người phú quý rảnh rỗi, nhưng trong đó cũng có ẩn tình phức tạp.
Những ngày tiếp xúc vừa qua, từ bài Thủy điệu ca đêm trung thu tới chữ viết rồi bút phấn, đối với hai lão mà nói, chuyện Ninh Nghị có tài khỏi cần bàn luận, nghi vấn cũng là dần dần lớn. So với ngày xưa khi có lần Tần lão thở vắn than dài đáng tiếc cho chuyện gã đi làm một kẻ ở rể, lúc đó chỉ là thở dài mà không nghi vấn, nhưng lần này ý nghĩa của vấn đề đã không còn giống như trước nữa.
Lần này nói chuyện cả chiều là về những con chữ, ý đồ phủ nhận cái danh tài tử của Ninh Nghị rất rõ ràng, không phải là nói giỡn hay thuận miệng cho có lệ. Thế gian sao lại có người không có ý tưởng công danh cơ chứ, hẳn là có ẩn tình gì đó. Mà thân phận của hai người này đều không đơn giản, nếu Khang Hiền đã hỏi với thái độ như vậy, hẳn đã thực sự động lòng mến tài. Điều này có nghĩa là.. tỏ thái độ sẵn sàng động thủ hỗ trợ.
Gió thu vi vu hiu hắt từ bờ sông thổi xao xác cành liễu, Tần lão nhấc chén trà, chầm chậm thổi lá trà trong chén, nhướn mắt nhìn sang, hiển nhiên cũng đang hiếu kỳ đợi câu trả lời của Ninh Nghị. Cảm nhận được hàm nghĩa trong câu hỏi, Ninh Nghị nhàn nhạt lắc đầu.
- Ta biết nói ra không ai tin, nhưng mà.. có một số việc thực sự không muốn làm. Tài tử cũng tốt, thanh danh cũng tốt, công danh cũng được nhưng không muốn tranh giành. Điều này.. là sự thật.
--------------------------
(1) Nhan cân Liễu cốt: Nhan: Đời Đường có hai đại hành gia về thư pháp là Nhan Chân Khanh và Liễu Tông Nguyên, lập ra hai thể chữ là Nhan thể và Liễu thể. Cân chỉ khí lực, cốt chỉ cốt cách đặc biệt.
Nhan cân Liễu cốt: ý chỉ chữ viết có khí lực như của Nhan Chân Khanh, có cốt cách sắc sảo như Liễu Tông Nguyên.
(2) Nguyên văn: hư dữ ủy xà: ý là lịch sự nhưng không chân thành, lá mặt lá trái.
(3): Nhại lại câu: “Quân tử giao tình trong như nước”. ý là giao tình giữa những bạn cờ, chuyện phiếm không vồ vập nhưng lại như giao tình của những người quân tử.