Ở Rể Chương 7 : Thư viện Dự Sơn

Ở Rể (Chuế Tế)
Tác giả: Phẫn Nộ Đích Hương Tiêu

Quyển thứ nhất: Gió sớm Giang Ninh
Chương 7: Thư viện Dự Sơn

Dịch: Trần Mộ
Biên tập: Thuan0
Nguồn: Tàng Thư Viện




Ngay khi Tần lão cho rằng, gã có vài phần tài năng như vậy mà đi ở rể nhà thương nhân, thiếu chí hướng thật là đáng tiếc, Ninh Nghị đã đón nắng sớm trong lành tiến vào thư viện Dự Sơn, gã dự định dành trọn buổi sáng để chuẩn bị cho đám nhỏ học Luận Ngữ.

Thư viện Dự Sơn không phải được mở ở nơi có tên là Dự Sơn, mà nó là học đường riêng của nhà họ Tô. Nó thường thu nhận những người có quan hệ với gia tộc, nhưng học đường không tính là lớn vì người tới học cũng không nhiều. Dự Sơn là tên một ngọn núi ở quê nhà họ Tô.



Thư viện Dự Sơn nằm cách Tô phủ không xa, chỉ bằng một con đường không ồn ào náo nhiệt. Khung cảnh nơi đây khá đẹp và yên tĩnh, tường trắng ngói xám vây quanh, một phiến rừng trúc nhỏ, một cái bảng hiệu “Thư viện Dự Sơn” do một vị đại nho nào đó được mời viết cũng làm nơi đây có thêm vài phần không khí đèn sách.

Toàn thư viện tổng cộng có bốn mươi chín học sinh, bảy lão sư bao gồm cả thư viện trưởng Tô Sùng Hoa. Theo tỷ lệ mà nói thì có thể thấy lực lượng giáo viên khá hùng hậu. Tô Sùng Hoa cũng chính là người của Tô gia, từ nhỏ đã đậu cử nhân, ra làm quan mấy năm nhưng không có thành tích gì, thậm chí còn có lời đồn y phạm phải mấy chuyện không tốt, ngoài ra còn có hai vị lão sư đã từng làm quan dùng lương cao mời tới. Ngoài lão sư và học sinh còn có mấy nữ đầu bếp và người hầu, tạp dịch.

Tô gia đã đầu tư rất nhiều cho thư viện này, nhưng hoặc bởi các lão sư đều không đáng tin cậy, hoặc do tư chất đám học sinh đều ngu dốt nên thư viện vẫn mãi chưa tạo dựng được thành tích gì. Một số học sinh trước khi học xong nhận thấy mình vô vọng với khoa cử, hầu hết đều gia nhập các cửa hàng nhà họ Tô, bởi vậy thoạt nhìn cái thư viện này như một học viện kỹ thuật. Nếu trong nhà có đứa nhỏ có khả năng đi theo con đường làm quan, phần lớn sẽ chuyển đến học viện tốt hơn trước mười hai tuổi.

Ninh Nghị giảng dạy ở đây đã được ba ngày, Tô Sùng Hoa đối xử với gã khá tốt, không bởi cái thân phận ở rể mà làm khó dễ gì gã. Kẻ đã lăn lộn rất lâu trong xã hội đến mức thành tinh như lão cũng không cần phải làm mấy chuyện vớ vẩn như vậy. Cân nhắc chuyện Ninh Nghị không có chút tài học gì – tất cả mọi người đều nói như vậy – nên lão phân cho gã dạy hơn mười đứa trẻ mới nhập môn không lâu. Đám trẻ này tổng cộng có mười sáu đứa, tuổi từ sáu đến mười hai, thậm chí còn có hai tiểu cô nương tóc bím, bởi các nàng đều là thân thích của Tô gia nên cũng muốn dạy một chút chữ nghĩa. Vị thầy giáo trước đó đã dạy xong Hiếu Kinh, bây giờ chuyển sang Luận Ngữ. Lịch dạy Luận Ngữ được cố định vào buổi sáng, buổi chiều dành cho dạy lễ, nhạc, xạ, ngự, toán học các loại, toán học là chủ yếu, phần còn lại phụ thuộc vào năng lực cùng tâm tình của thầy giáo.

Ở những trường học chính quy, lịch học sẽ được lập quy củ và chi tiết hơn, nhưng hiển nhiên thư viện Dự Sơn không có được những điều kiện như vậy. Với Ninh Nghị mà nói, dạy Luận Ngữ kỳ thực là một chuyện đơn giản, tất nhiên gã không thể nhớ tất cả hay nhớ câu nào ở chính xác vị trí nào ..., nhưng nếu chỉ cần đọc và giải thích đơn giản thì quá dễ. Bất luận người hiện đại nào chỉ cần đã học lên cao và có chút thời gian nghiên cứu đều có thể giải thích về tương đối về Luận Ngữ, tất nhiên là kiểu nói tung tung không có căn cứ.

Dẫu là cổ đại thì bậc đại nho chân chính nghiên cứu tứ thư ngũ kinh vẫn rất sâu sắc, trình độ sâu không lường được, thậm chí một danh kỹ viết cổ văn cũng có thể khiến một giáo sư thời hiện đại xấu hổ. Nhưng đại đa số người đọc sách không có cơ hội tiếp xúc với trình độ giáo dục cao hơn, thường sau khi đọc xong một quyển Luận Ngữ là thôi không đọc đến sách Mạnh Tử. Tiêu chuẩn của lão sư cấp thấp còn đơn giản hơn, nói trắng ra là chỉ cần dạy người biết chữ là được. Vị lão sư tiền nhiệm trước của Ninh Nghị chính là một người như vậ rung đùi gật gù dạy một đám trẻ con, nếu có thắc mắc gì sẽ giải thích hàm nghĩa cơ bản nhất của đoạn văn, rồi sau đó bắt học sinh nghiêm túc học thuộc lòng hoặc chép lại một đoạn. Đây chính là bài kiểm tra, nếu không làm được thì đánh.

Chuyện đơn giản! Ninh Nghị cũng không định cải cách nhiều, một canh giờ trước gã cho đám học sinh gật gù đọc Luận Ngữ - thực ra đọc sách liên tục hai giờ đối với Ninh Nghị là việc rất thống khổ, nhưng đám nhóc này cũng đã quen rồi. Sau hai giờ, Ninh Nghị bắt đầu giảng giải nội dung đoạn trước, rồi thuận miệng thêm thắt dẫn chứng cho phong phú, lúc kể chuyện xưa, lúc nói thực tế, coi như cho đám nhỏ này thư giãn một chút.

Đám trẻ này rất dễ dạy, tuy mới chỉ dạy ba ngày mà Ninh Nghị đã có thể cảm nhận rõ ràng cái uy của lão sư. Đám nhỏ này không hề quậy phá hay đùa nghịch, rất là đáng yêu, bọn chúng trân trọng cơ hội đi học, không nghịch ngợm không gây gỗ với nhau, nếu vì có chuyện rắc rối mà đánh sưng mông con nhà người ta cũng là chuyện bình thường, nơi đây quả thực là thiên đường của các lão sư. Ninh Nghị dạy học rất thoải mái, cả ba ngày vừa qua, mỗi ngày giảng giải kinh thư, kể chút chuyện xưa là đám trẻ này đã thỏa mãn lắm rồi, mà giảng giải những điều này Ninh Nghị thậm chí không cần chuẩn bị giáo án, cứ thế mà làm tới.

Hôm nay bắt đầu giảng Luận Ngữ tới đoạn “phú quý là ham muốn của con người..” (1) từ cách thức đạt được của cải giảng tới đạo thương nhân. Trong đó lại chen một ít thuyết pháp “Đạo của quân tử ái tài” (2) cùng một ít giải thích. Đời trước, Ninh Nghị làm nghề này, nếu chỉ dùng cổ văn để biểu đạt hay diễn giải một đoạn, gã cũng thừa đủ để đứng giảng bài cho sinh viên đại học thời hiện đại. Nhưng lúc này trước mắt là một đám nhóc tuổi chưa đến mười hai, sau khi thuận miệng nói vài câu gã bèn dừng lại, chỉ đưa vài ví dụ nhỏ để trêu chọc một phen, rồi nói đến hội thơ Bộc Viên, nhắc đến sáu thuyền hoa kết mảng, nhắc đến trận chiến Xích Bích, sau đó bắt đầu kể cho đám trẻ nhỏ câu chuyện về trận đánh Xích Bích.

Thời đại này nói đến Tam Quốc chủ yếu vẫn là “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ. Bộ này Ninh Nghị chưa từng đọc nên gã kể về bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa thời hiện đại, là tác phẩm văn chương thú vị được trau chuốt và tự sướng hết mười phần. Tám mươi vạn đại quân của Tào Tháo xuôi nam đến Chu Du đánh Hoàng Cái, kế liên hoàn, thuyền cỏ mượn tên,.. một đám hài tử ngày thường chưa nghe được bao nhiêu cố sự mặt đỏ bừng bừng, hưng phấn, thỉnh thoảng hô to: “Tiên sinh, tiên sinh, tiếp nữa đi..” kể được hơn nửa đám nhỏ này mới yên tĩnh lại, bởi viện trưởng Tô Sùng Hoa đã đi tới bên phòng học, mặt không biểu tình, hai tay chắp sau lưng đứng nhìn. Nhưng dù như vậy cũng không thay đổi được vẻ hưng phấn trên mặt đám nhỏ.

Ninh Nghị tiếp tục nói, dĩ nhiên không vì chuyện nhỏ này mà phân tâm, gã tiếp tục kể cho tới gần trưa mới xong đoạn hỏa thiêu đoàn thuyền. Tô Sùng Hoa vẫn đứng ở bên ngoài nghe, cũng không rõ thái độ của lão đến cùng là như thế nào. Ninh Nghị giảng xong cố sự, mới viết xuống giấy bài Xích Bích hoài cổ (3) của Đỗ Mục mà gã ưa thích:

Kích nằm trong cát sắt chưa tiêu
Tay rũa hiện lên dấu vết triều
Gió đông không giúp Chu Công Cẩn
Đồng Tước đài kia tỏa nhị Kiều (4)

Trên lớp không có bảng đen, muốn viết thứ gì cũng rất bất tiện. Hôm nay Ninh Nghị đối với công việc lão sư này có chút yêu thích và nhiệt tình, vừa viết gã vừa nghĩ có lẽ mình nên “phát minh” ra cái bảng trắng, dẫu có dùng bút than để viết cũng tốt hơn là dùng bàn cát. Sau khi gã viết xong, một đám học sinh vội vàng chép lại vào giấy. Đi ra ngoài cửa, Tô Sùng Hoa bước lên chào, mặt cũng lộ ra nụ cười.

- Hiền chất tài cao, không ngờ lại nghiên cứu sâu lịch sử tam quốc Ngụy Tấn. Cố sự vừa rồi là lấy từ Tam Quốc của Trần Thọ có phải không?

Nếu Tần lão ở đây, nói không chừng còn mắng cho Ninh Nghị vài câu, chê gã bịa chuyện vớ vẩn, dạy hư học sinh. Trên thực tế Tam Quốc chí không đặc sắc đến như vậy, ví dụ như tiết “thuyền cỏ mượn tên” thật ra là thuyền của Tôn Quyền xuất môn đi loanh quanh bị tên bắn, một bên thân thuyền bị gắn tên quá nhiều suýt lật úp nên Tôn Quyền hạ lệnh quay đầu, để cho sườn bên kia đón tên, thuyền mới cân bằng mà rời đi được. Ninh Nghị chỉ xem qua Tam Quốc diễn nghĩa với phim truyền hình, Tô Sùng Hoa xảo hợp lại chưa đọc qua Tam Quốc chí, nên vừa rồi mới tưởng cố sự này ở trong sách, nghe thích quá. Lúc này bước tới tán tụng “gã học thức uyên bác”, kể chuyện xưa làm người mê mẩn.

Chẳng qua, sau vài lời tán tụng cũng bóng gió khuyên gã vài câu, đại loại là không nên khách khí với đám học sinh như vậy. Nếu lúc này Ninh Nghị khoảng năm mươi sáu mươi tuổi đối phương tất sẽ không nói như vậy, nhưng hiện tại trông mặt gã cùng lắm chỉ hai mươi, mép lún phún ria, cần nghiêm khắc với đám hài tử này một chút, để lộ ra uy nghiêm giữa thầy và trò. Hiển nhiên là lão không hài lòng với việc Ninh Nghị kể chuyện Tam Quốc trong giờ giảng Luận Ngữ, đặc biệt lại kể câu chuyện đầy vẻ sinh động nơi trà quán như thế. Ninh Nghị khiêm tốn gật gật đầu nghe, lúc quay đầu đi thì làm như chưa từng nghe thấy..

sau đó Tô Sùng Hoa mời gã ở lại thư viện ăn trưa. Giải thích một chút, các nhà nghèo, quán nhỏ bình thường mỗi ngày ăn hai bữa, có những hộ hai bữa cũng không có, nhưng tài sản của Tô gia hùng hậu nên thêm được một bữa, nhưng cũng chỉ là bữa phụ, đôi khi chỉ là một cái bánh ngọt thay thế. Ninh Nghị khéo léo từ chối lời mời của đối phương, đi thẳng về nhà thay quần áo rồi đưa cho tiểu Thiền, dự tính giặt sạch để để trả lại Tần lão, chuyện ngã xuống sông gã cũng không nói với nàng, tránh cho nàng giật mình mà tìm một đống thuốc bắt gã uống. Mấy ngày Ninh Nghị đi thư viện vừa rồi, không phải hôm nào tiểu Thiền cũng đi theo, buổi sáng rảnh rỗi nàng thường làm những việc khác.

Đến buổi chiều lại tới bờ sông Tần Hoài chơi cờ. Tần lão xem ra là một lão quái nhân, trước đây Ninh Nghị cảm thấy lão quá nửa đã từng làm quan, sáng nay tới nhà đối phương nên càng thêm khẳng định. Phong cách bày biện trong nhà có rất nhiều chỗ người bình thường không thể có, lại thêm tầm mắt cùng phong độ ăn nói, người như vậy mà ngày ngày lại chạy tới bờ sông bày cờ, quả thực cũng là kỳ quái.

Hôm nay lúc đến đã thấy có một lão giả khác đang ở đó cùng Tần lão chơi cờ, lão giả họ Khang, tuổi tác xấp xỉ cùng Tần lão, gia cảnh giàu có, biểu hiện ra dáng lão thái gia: ra ngoài ăn mặc vàng xanh rực rỡ, lại dẫn thêm hai tên sai vặt và hai nha hoàn mở đường. Người này dáng vẻ nghiêm khắc, lời nói tương đối hà khắc nhưng kỳ nghệ rất cao. Mỗi khi thấy Ninh Nghị phê bình nước đi của y thì “Quả là hạ lưu”, “Không chút phong độ quân tử”, “Xem chừng dây dưa đến chết”, “Tiểu bối ghê tởm”, nhưng vừa quay đầu đã tiếp thu góp ý, sửa chữa lại đôi chút rồi cùng Tần lão đại chiến. Kỳ thật Tần lão còn cao minh hơn y, sau khi tiếp nhận cách nghĩ mới đã cải biến tới mức không còn dấu vết như xưa.

Từ khi tới nơi này Ninh Nghị đã gặp được không ít người, từ đứa trẻ chưa được giáo dục cho tới người đã được dạy dỗ, gã thấy rất nhiều kẻ có tư tưởng xơ cứng. Đúng là cổ hủ cũng tốt mà đôn hậu thì cũng được, nhưng tầm mắt và phương thức tư duy hoàn toàn không linh hoạt được như người hiện đại, chỉ khi tiếp xúc với giới cao tầng mới thấy không hề kém cạnh. Tỷ như Tần lão, ngoài miệng không nói gì nhưng trong lòng lại tiêu hóa những điều mà lão thấy mới mẻ một cách tự nhiên, nghiền ngẫm cách nghĩ cùng nguyên lý của nó. Còn lão đầu họ Khang này miệng đầy lễ nghĩa liêm sỉ nhưng lúc hạ cờ vẫn là tâm ngoan thủ lạt, không câu nệ mọi chuyện. Đương nhiên, nếu không phải là mấy người như Ninh Nghị và Tần lão thì cũng nhìn không ra điểm ác độc trong lòng lão, mà đó chỉ là so sánh với Tần lão mà thôi, so với người bình thường còn cao minh hơn nhiều lắm.

Tần lão cũng mấy bạn cờ dạo này hay nghiên cứu nước cờ của Ninh Nghị, dù sao những nước đi mới lạ này mới thấy lần đầu, rất có giá trị nghiên cứu. Đối với lão nhân Ninh Nghị cũng không nhún nhường, đôi khi mặc kệ Khang lão phì râu trừng mắt, lâu lâu lại hời hợt vài câu:
- Lão đầu ông nói một đàng làm một nẻo, không phải người tốt.

Hoặc..


- Nước cờ này ông dám hạ không, ông cứ hạ xem! Hạ đi thì biết!

Thường ngày hầu như chẳng quản thân phận tiểu bối, gã thoải mái tranh luận cùng Khang lão, hai người tại chỗ chơi cờ tranh luận to nhỏ ầm ỹ một hồi, Tần lão ở bên thì cười lên ha hả. Nếu là đánh cờ cùng Khang lão, lão sẽ nói “Lập Hằng nói rất có lý”, còn nếu đối thủ là Ninh Nghị, hai lão sẽ về hùa đồng thanh chê nước cờ này không quang minh chính đại.

Nhưng dù châm chọc ầm ỹ nhưng tuyệt không có ác ý, lúc đầu xác thực là Khang lão coi Ninh Nghị như một tiểu bối vô tri để dạy bảo, nhưng sau cũng hiểu ra gã đích thực có tư cách làm đối thủ của mình, đối phương cũng hoàn toàn tự nhiên không đặt mình vào vị trí tiểu bối mà.

Bất kể thế nào, mỗi lần Khang lão đến đều có một bình trà ngon đưa tới, lão kêu hạ nhân tự tay mang trà cụ, lá trà, nước, còn nha hoàn thì ngồi ở bên pha trà châm nước. Lần này Ninh Nghị tới đây cũng không khách khí, tự mình cầm một chén rồi chuyển ghế ngồi ở bên bàn cờ, lâu lâu nhấp một ngụm:
- Ý, Khang lão sắp thua rồi.

Lão đầu đang âm thầm tính cờ, lông mày nhíu lại:
- Thằng nhóc miệng còn hôi sữa biết thắng thua cái gì, uống trà của lão phu mà còn dám nói loại lời này.. Hừ, lão phu đã có diệu kế...

Lão giơ tay định hạ cờ, Ninh Nghị ho khẽ một tiếng, tay của lão nhân lập tức dừng lại, hồ nghi nhìn mấy lần rồi thu lại. Ninh Nghị lại uống một ngụm trà:
- Chén trà này thực giá trị.. ừm, trà này là trà gì vậy?

- Tiểu tử cô lậu quả văn, thực là phung phí của trời. Đã nghe thấy tên Tử Duẩn chưa?

Tần lão cũng đang ở bên thưởng thức trà, lúc này cười nói:
- Cố Chử Tử Duẩn (5), trà ngon. Chỉ là đun nước giữa đường thật có chút đáng tiếc, sớm biết hôm nay lão mang trà này tới thì ván cờ này đã đưa về nhà đánh.

Khang lão không thèm để ý, rốt cục cũng đã quyết định, duỗi tay hạ cờ:
- Trà chính là dùng để uống. Mọi người kỳ hứng đang cao, lại là cùng chung chí hướng, cùng uống trà này, đó mới là điều trọng yếu nhất. Trà chỉ là vật chết, vì muốn thấy ông vui vẻ mà ta mới lấy ra, ông cảm thấy có thể chấp nhận được thì nó mới có giá trị, tiếc làm gì những thứ đang có!

- Lời này của Khang lão xem ra cũng có khí khái, y như một đại nhân vật.

- Đại nhân vật gì, lão phu..

- Lão phu ơi, ông thua rồi.

- Hả..

Ninh Nghị cười vỗ vỗ bả vai của lão rồi đứng lên. Lúc này phong cảnh ven sông khá thoáng, gã bưng chén trà đi ra, phía sau là tiếng cười đắc thắng của Tần lão. Khang lão nói: truyện được lấy từ website tung hoanh
- Há có thể như vậy..

- Ha ha, vốn là vì Minh công hôm nay mang đến trà ngon nên ta tính dối lừa một phen thả cho một ván, nhưng bởi những lời khí khái lẫm liệt này, quân tử tương giao đúng phải là như vậy, cho nên lão hủ đành không muốn làm kiêu, ha ha ha ha ha..

Khang lão hiển nhiên rất bất mãn chuyện mình đã mang trà đến mà còn thua cờ, nhưng dù sao thua là thua nên vẫn phải nhận. Lão gọi Ninh Nghị rồi mọi người bầy lại ván cũ, sau đó cùng với Tần lão hạ ván cờ mới. Trong lúc đánh cờ Tần lão kể chuyện buổi sớm Ninh Nghị cứu người ngã xuống sông rồi bị đánh một bạt tai, Ninh Nghị lại không tránh khỏi một tràng cười hả hê trên sự đau khổ của người khác. Sau đó nghe hai lão nhân nói tới chuyện gần đây phương bắc lại bị người Liêu xâm phạm.

Cuối thu, ánh mặt trời vẫn còn chói chang nhưng buổi chiều gió đã se lạnh thổi dọc sông Tần Hoài, thời gian cũng không còn sớm, mọi người chia tay trở về nhà.

Bởi hôm đó hóng gió cả chiều, sáng hôm sau thức dậy, Ninh Nghị cảm thấy đầu óc có chút mê man nhức nhối, không biết có phải là bị cảm hay không nữa.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

(1) Theo Khổng Tử, một người quân tử (đàng hoàng) phải hội đủ 5 đức tính (gọi là ngũ thường): Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nói về Nhân, Khổng Tử nói: “Giàu và sang, người ta ai cũng muốn, nhưng chẳng phải đạo mà được giàu sang thì người quân tử chẳng thèm. Nghèo và hèn, người ta ai cũng ghét, nhưng nếu chẳng phải lỗi đạo mà phải nghèo hèn thì người quân tử chẳng bỏ. Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử? Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân, dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân.” (Luận Ngữ, Thiên IV, Lý Nhân)
(2) Nguyên văn “Quân tử ái tài thủ chi dĩ đạo”

(3) Nguyên văn Hán Việt Bài "Xích Bích hoài cổ" của Đỗ Mục:
Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
Tự tương ma tẩy nhận tiền triêu.
Đông phong bất dữ chu lang tiện,
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị kiều.
Dịch nghĩa:
Mũi kích gãy nằm trong cát, sắt chưa mòn hết
Tự tay mình mài rũa, đã nhận thấy dấu vết triều đại vừa qua
Nếu không có gió đông thuận tiện cho Chu Du (thì đã bị thua Tào Tháo trong trận chiến Xích bích)
Thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khóa chặt hai nàng Kiều. (vì Tào Tháo rất thích cướp vợ của các tướng bại trận của mình, cũng như Điêu Thuyền của Lã Bố.. nhị Kiều là 2 chị em đánh đàn rất giỏi. 1 người lấy Chu Du và một người lấy Tôn Sách)
(4) Bản dịch thơ của Lương Cao Cường

(5) Cố Chử Tử Duẩn: một loại danh trà tiến vua nổi tiếng của vùng Thái Hồ. Trong thời bắc Tống, trà này được coi là loại cống trà tốt nhất từ thời Đường.

Nguồn: tunghoanh.com/o-re/quyen-1-chuong-7-xw7aaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận