24 Giờ Lên Đỉnh Chương 14


Chương 14
Phương Quang Sáng

20 giờ 12 phút - 19 - 06 - 2008

 

 

Trễ quá rồi. 20 giờ 12 phút.

Anh đã đi hơn 250 km hết hơn 2 tiếng đồng hồ chỉ vì không hiểu sao hôm nay dọc đường lại có quá nhiều cảnh sát giao thông đứng chặn đường, bấm tốc độ. Đi dọc đường qua các địa phương anh đều được các lái xe ngược chiều nháy đèn pha cảnh báo có bấm tốc độ. Thế là xe xịn có thể đi tới 250km một giờ mà đi như rùa bò.

Sáng để ô tô ở nhà rồi vội vàng đi sang Nhà văn hoá của thôn. Ở đó cuộc họp của thôn đã tiến hành được gần một tiếng đồng hồ. Lúc này Hùng - ông trưởng thôn - một ông anh họ của Sáng đã đang đề đạt với dân làng nguyện vọng được xây cổng làng của anh.

Sáng lặng lẽ đứng vào sau lưng người cuối cùng ở ngoài cửa đằng sau phòng họp. Anh nhìn thấy cái gáy của cha mình ở ngay hàng ghế đầu tiên.

Sáng đứng lắng nghe những ý kiến của dân làng mà mỗi lúc lòng một thêm ngán ngẩm.

Hình như hễ bàn tới làm một việc gì cần phải chung sức là y như rằng mọi người ở cái làng này toàn bàn ngang, toàn nêu ra muôn vàn sự phức tạp.

Có lẽ vì cái thế đất của làng Hoàng Ngôn là bãi ngang nên cái ngang đã thấm sâu vào bản chất của dân làng Hoàng Ngôn - những con người sống ở nơi đây, nên mọi mong muốn làm đẹp cho làng của Sáng ở cái làng này cứ vấp phải muôn vàn trở ngại.

Ông trưởng Ban văn hoá thông tin của làng đứng lên phát biểu:

- Đụng đến cổng làng tức là đụng đến vấn đề văn hoá. Văn hoá thuộc ngành dọc được quản lý thống nhất từ tận trên Trung ương trở xuống rồi.

Khó đấy, đã đụng đến vấn đề vĩ mô của làng là phải xin phép Xã, rồi Xã phải làm đơn trình lên Huyện, rồi Huyện phải lập tường trình lên Tỉnh từ cả năm trước... tóm lại đây là vấn đề lâu dài không phải là cứ cậy có tiền muốn làm gì thì làm - nói làm cổng làng là làm ngay. Đúng là lớp trẻ nóng vội. Nóng vội quá!

Một ông già tóc búi củ hành ngồi ngay hàng ghế đầu nói:

- Chẳng phải vô cớ từ đời các cụ thành lập làng mấy trăm năm trước đến giờ không ai dám giở dói chuyện làm cổng làng ra! Các cụ tổ đã không làm ắt là phải có lý của các cụ.

- Ôi dào, lại muốn mua danh bán tiếng đây! - Có tiếng ai đó từ bên dưới réo lên.

Hưng Sủa con trai thứ của lão Hanh già gật gù:

- Cần phải đề phòng cả cái bọn Việt gian bán nước xưa kia sẽ nhân những việc như thế này gửi tí tiền về lấy tiếng ủng hộ việc làng để rửa cái chuyện hại dân xưa kia lấy danh yêu nước bây giờ.

Một ông trung niên mặc cái áo thun vai áo thủng lỗ chỗ cười cười nói:

- Nhà tôi đang đói bỏ bố lên được đây. Chỉ có mỗi hai cái cẳng vác cái cuốc, cả đời chẳng ra khỏi làng bao giờ, chỉ có từ ruộng về nhà thì đi lối chó nào mà chẳng được. Cứ nhiễu cổng với chẳng cửa. Bảo nó có chi thêm tiền cho nhà tôi mua gạo ăn hàng ngày, không phải ăn khoai néo cột nữa thì tôi ủng hộ cả hai tay! Ngày nào tôi cũng chui qua cái cổng của nó vài ba lần!

Mọi người cười ồ lên có vẻ khoái trí với đề nghị sát sườn ấy lắm.

Ông Bí thư 78 tuổi sau khi nghe chán những lời bàn ra tán vào rồi, phút cuối mới đủng đỉnh:

- Chúng ta đều biết chuyện ông Nguyễn làng ta bên họ nhà tôi: năm 1954 ông ấy được ta cho đội lốt đi làm con nuôi của đức giám mục ở nhà thờ rồi di cư vào Nam học. Ở trong đó ông ấy học giỏi đến mức được chính quyền Nguỵ cho đi du học. Rồi ông về nước trở thành một phóng viên báo chí bình luận có tầm cỡ quốc tế, rồi được chính quyền Sài Sòn thủa đó công nhận là một viên chức báo chí lớn trong chính quyền, rồi được trở thành ông chủ một tờ báo rất có tiếng tăm. Nhưng thực tế, dưới cái lốt đó, ông Nguyễn là một trùm tình báo cỡ lớn của ta.

Nhưng năm 1967 cơ sở bị lộ, ông bị địch bắt ra xét xử ở một phiên toà đại hình chấn động cả Sài Gòn, làm huyên náo đến tận Quốc tế - phải đày ra tận Côn Đảo. Rồi lại được địch thả vào năm 1970. Chẳng biết lúc ấy ông ấy có khai khúng gì không nhưng tôi được biết là sau giải phóng thì ông ấy lại bị ta bắt. Ông Nguyễn bảo: phải mất một năm điều tra thẩm vấn, cấp trên thấy ông ấy vô tội không khai báo gì hồi bị Nguỵ bắt nên mới thả ông ấy ra. Ông ấy bảo được địch thả chỉ vì ông ấy có họ hàng thế nào đó với tên tỉnh trưởng. - Cũng chẳng biết có đúng thật như thế không? Vẫn thấy ông ấy được tự do đi lại, vẫn ở trong thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại chẳng thấy cấp trên về làng tuyên bố trắng đen gì ráo! Lúc đó tôi chỉ là một anh phó chủ tịch xã. Tôi cũng phải gương mẫu vì nghĩa diệt thân - không thể vì tình họ hàng mà lem nhem bênh vực cho một chuyện chẳng rõ trắng đen  gì cả.

- Thế nó mới phức tạp chứ! - Ông chủ tịch hiện tại, tức ông Bí thư cũ gật gù góp ý - Thà ông ấy cứ có cái lí lịch rõ ràng là tên Việt gian đã từng bán nước nay quay lại thành Việt kiều yêu nước thì nó đi một nhẽ, vì ta đã có chủ trương hoà hợp theo đúng chính sách của Trên - đến tận Thủ tướng nguỵ cũ Nguyễn Cao Kỳ, chúng ta còn chấp nhận được nữa là. Đằng này nó lại là chuyện mù mờ lý lịch - lúc thì có cống hiến cho cách mạng, lúc lại chẳng biết có cống hiến nữa hay không, hay lại là tên phản động? Nếu không phải là phần tử xấu thì tại sao ông ấy giỏi thế, lại đã từng có công cống hiến cho cách mạng mà Đảng và nhà nước lại không dùng nữa. Rồi lại còn có một thời gian bị ta bắt giam nữa chứ. Hay là ông ấy lại phản bội rồi? Đấy, cái mù mờ - cái đấy mới đáng sợ. Trong một cuộc chiến, đáng sợ nhất vẫn là một tên dám trở cờ. Một tên hay thay đổi lập trường quan điểm. Tên ấy dám đâm dao vào lưng chiến hữu lắm.

Ông Bí thư nhăn mặt giơ tay ra hiệu và cắt ngang lời ông chủ tịch:

- Ông không được phân tích lung tung như vậy! Ông Nguyên nhà tôi là một anh hùng cũng như nhiều anh hùng tình báo khác mà trên chưa được phép tiết lộ nhiều thông tin... Vả lại ta đang nói vấn đề khác, ông phải để tôi nói hết đã, rồi ông phát biểu sau... Hồi năm 2000, ông Nguyễn về làng xin hiến hai mươi triệu - nghe nói đó là toàn bộ tiền về hưu một cục Nhà nước cấp một lần cho thời gian hoạt động tình báo cho ta của ông ấy - ông ấy muốn giúp làng xây một cái cầu đá để có thể kéo được xe cải tiến chở lúa qua cái ngòi từ con đường đồng về làng.

Ông Chủ tịch lại cướp lời:

- Tôi còn nhớ: ông ấy bảo rằng: thương anh em họ hàng nhà ông ấy cùng dân làng cứ phải gánh sắn, gánh khoai kẽo kẹt từ ngoài ruộng về làng vì xe cải tiến không đi qua được cái cầu bằng tre mỏng manh nhỏ hẹp - chẳng biết có phải vậy không hay là trong quá khứ đã làm chuyện tội lỗi nay phải làm việc thiện mong được yên ổn tâm can!

Ông Bí thư ghiến răng, cố ghìm tiếng :

- Không có chứng cớ gì thì đừng có cố bôi nhọ người ta chứ!

Ông Trưởng an ninh thôn vội đứng lên phát biểu xuê xoa:

- Thôi! Thôi! Tôi can hai ông! Bây giờ người ta thường làm như vậy cả: bọn buôn ma tuý, bọn buôn lậu, bọn làm gái mãi dâm bán phấn buôn hương, bọn buôn bán người qua biên giới, bọn tham nhũng, bọn quan tham cướp đất của dân... thường là bọn đi đêm hoặc chui vào tận gian hậu của nhà đền, góp tiền từ thiện ghi tên công đức lên bia đá, bảng vàng nhiều nhất. Nhà đền có thể không có tai mắt quần chúng nên còn bị lừa, chứ chúng ta cũng nhắm mắt ngậm miệng ăn tiền như thế thì thật là mất lập trường quan điểm.

Hưng Sủa ngồi dưới đá thêm vào:

- Đấy! Người ta đã từng là chiến sĩ tình báo cao cấp chỉ mong được cống hiến cho làng một cái cầu con con bé xíu qua con ngòi tận tít cuối làng, khuất nẻo chẳng ai biết mà làng còn chưa chuẩn cho vì quá khứ mờ ám nữa là làm tận một cái cổng chào lớn, hiên ngang thay mặt làng đón chào quan khách. Chúng ta không thể để ai cứ cậy có tiền là ra oai cũng được!

Ông Bí thư e hèm hắng giọng nói to:

- Nói phải có thứ tự chứ. Đây là cuộc họp chứ không phải là cái chợ. Ai thích nói cứ chen ngang nói bừa. Trật tự nào! Ai muốn phát biểu thì phải giơ tay xin đăng ký đã chứ!

Đám đông trong phòng lắng xuống.

Ông Chủ tịch e hèm cho ngọt giọng:

- Đằng này... ông Phương Quang Sáng - nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn - tức cháu Sỏi con ông Thưởng trước đây ở làng ta, đã từng có tội phá hoại bờ ruộng hợp tác xã để đặt lờ bắt cá bị bắt sống quả tang - chuẩn theo pháp luật là có tội uỷ hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Chưa kể trước đó còn nhiều lần đêm hôm mò mẫm đáng ngờ ở các ao ngòi, đã từng bị tình nghi là có dính líu đến một vụ chết người, đã bị bắt giam theo dõi 2 ngày, có ghi chép ngày tháng rõ ràng - chuẩn theo nguyên tắc đạo đức là chưa được quang minh, trong sáng...

Ông Bí thư tiếp lời:

- Đã đành nay cháu nó cũng đã có những biểu hiện tiến bộ, nhưng đó cũng chỉ là nghe đồn đại thế thôi, chứ cháu Sỏi ở quá xa làng ta, cháu ấy làm những gì thì chúng ta không kiểm chứng được.

Nhỡ sau này nhờ danh tiếng là đã từng làm nhà từ thiện lớn ở làng ta rồi cháu ấy lại được mời ra làm quan chức cấp cao, rồi lại mắc tội tham nhũng hoặc những tội gì gì khác chẳng hạn thì có phải là chúng ta đã gây khó cho Đảng và nhà nước vì ngay từ những bước đi ban đầu đã xoá mờ lập trường, bao che những chuyện mờ ám, khuất tất để người xấu có cơ hội leo cao không? Vì vậy, chúng ta cũng nên xem xét cho kỹ lưỡng một chút, làng lúc nào mà chẳng ở đây, có mất mất đi đâu đâu mà vội...

- Các bác nói chí phải. Tôi nhất trí ủng hộ quan điểm của hai bác Bí thư và Chủ tịch. - Ông trưởng ban an ninh thôn phát biểu - Bởi vì cũng như các làng khác, chúng ta chỉ có một cái cổng làng. Hơn nữa, làng ta còn chưa có Thành hoàng làng, nên phải để dành cho người có danh, có đức sáng láng nhất của làng làm cổng, vì người đó sau này sẽ được ghi danh sổ sách, cũng sẽ trở thành Thành hoàng làng ta. Theo tôi là ta nên đề nghị các bác bên gia đình ông Bí thư, hoặc ông Chủ tịch.

Hưng Sủa nhao lên nói:

- Yêu cầu các hộ bên gia đình ông Bí thư và ông chủ tịch lên tiếng đi! Đã có lý lịch trong sáng rồi, có dám nhận làm cổng làng hay không?

Ông Hùng Trưởng thôn là người điều hành cuộc họp hỏi:

- Thưa gia đình hai bên được đề cử có ý kiến gì không ạ?

Bà vợ ông Bí thư vội vã đứng lên:

- Ấy, ấy! Nhà em xin vô cùng cám ơn làng ta đã tín nhiệm gia đình em. Nhưng em xin được mạn phép giãi bày cùng các bác - Bà run run sợ hãi - hiện tại gia đình các cháu nhà em chúng cũng là cán bộ Nhà nước cả, nhưng mới chỉ là cán bộ chức thấp, chưa có cái oai danh nào. Nhà chúng em là chưa dám nhận vinh dự lớn ấy đâu ạ! Nhà em xin nhường cái danh dự ấy cho nhà bác Chủ tịch xã đấy ạ!

Ông trưởng thôn quay sang hỏi:

- Thế còn gia đình bên ông Chủ tịch ạ?

Bà vợ ông Chủ tịch đứng lên ỏn ẻn:

- Em và nhà em không dám nhận thịnh tình của bà Bí thư đâu ạ. Em là em cũng xin nhất trí với ý kiến của bác gái Bí thư đấy ạ! Nhà em thì các con cháu còn kém hơn bên gia đình bác Bí thư, không được phát triển lắm. Nhưng, nếu các bác làng ta cứ nhất quyết tín nhiệm nhà em thì em xin khuất đến lúc các cháu con thằng Cả ở ngoài Hà Nội chúng nó thành tài ạ. Nếu làng chờ được thì nhà em xin vâng ạ!

Ông Trương ban An ninh thôn phản đối:

- Chờ thế thì biết đến mùa quýt nào. Bây giờ con thằng Cả mới 4 tuổi. Hay là chúng ta lại quay lại bên nhà ông Bí thư nhỉ?

Bà vợ ông Bí thư vội vã đứng lên.

- Ấy không đâu ạ! Nhà em cũng như bên bà Chủ tịch, cũng xin khuất làng đến khi thằng cháu đích tôn nhà em nó đỗ thạc sĩ ở Hà Nội đã ạ. Nhưng em cũng thú thật với làng rằng nó sắp đỗ rồi thật đấy ạ, nhưng bằng cấp thì có chứ tiền thì ít lắm không có đâu ạ.

Ông anh họ Trưởng thôn của Sáng khuyến khích:

- Thì các bác cứ nhận đi đã lấy cái tiếng thơm cho Thành hoàng làng đi đã. - có vẻ như ông đã quên hết những lời tâm huyết của Sáng bàn với ông lần trước. - Tiền nong thì theo tôi là ta cứ bổ cho từng suất đinh giai trong làng nhỉ...

Thế là râm ran lên những tiếng kêu ca phàn nàn rằng: ăn còn chả có cứ vẽ chuyện, đúng là phú quý sinh lễ nghĩa… đúng là rởm đời…

... Thế nghĩa là không đến lượt Sáng được phép ước mơ xây một cái cổng làng theo kiến trúc cổ của làng xã Việt Nam. Có thể rồi thì làng Sáng cũng sẽ có một cái cổng sau bao năm quyên góp, nhưng anh biết chắc chắn nó sẽ chớt chát vấy vá, mầu mè và tạm bợ vì ai ai cũng có quyền làm chủ tập thể nó. Và rồi ai ai trong làng cũng thầm nguyền rủa anh vì anh đã là đầu mối gây nên chuyện phải chi tiền đóng góp của nhà họ để rồi làm nên một thứ xấu xí đến thế.

Anh - Phương Quang Sáng - một trong những doanh nhân thành đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh, vậy mà dường như lại gặp muôn vàn trở ngại ngay trên tại quê hương mình. Anh muốn xây dựng một hình ảnh đẹp, một danh tiếng tốt nhất cho quê hương mình, vậy mà cả cái đám đông trong phòng họp kia mấy ai chia sẻ được sự thiện chí của anh trong vấn đề này?

Sáng bỏ về nhà. Anh còn phải đi lên Đền thầy Cả. Cha của anh vẫn ở lại trong phòng họp.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83707


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận