24 Giờ Lên Đỉnh Chương 15


Chương 15
Phương Văn Thưởng

03 giờ 19 phút - 20 - 06 - 2008

Vốn trước gia đình ông cũng vào loại khá giả của xã. Ông sắm được hẳn ba cái máy xay xát, việc nhiều đến mức phải thuê thêm người làng để trông coi. Cám tấm của ba cái máy xay xát lúc nào cũng đủ để ông nuôi được 50 con lợn trong chuồng một cách thoảng mái. Ông đã xây được nhà mái bằng, chỉ phải vay chút ít. Ấy thế mà...

Ông Thưởng lại vê vê một viên thuốc ấn vào nõ điếu, xoè một mồi lửa châm vào thuốc, rít vào một hơi cháy cổ rồi phả hắt khói ra như muốn hắt cả những bực bội ra khỏi gan ruột, rồi lại nhắp một chút rượu trong cái chén Giang Châu, bần thần nghĩ ngợi.

Từ tối hôm qua đến giờ hầu như ông không ngủ được. Nằm trên giường mà cứ nhắm mắt lại là ông lại thấy đầu mình cứ như một cái đầu máy vidêô. Biết bao nhiêu đau khổ, bại hại ông và cái gia đình này đã phải trải qua, ông luôn muốn quên đi để sống nốt những ngày cuối đời cho thanh thản, thì nay lại hiện lên hết. Cuộc họp tối qua đã bới sục lên cả. Ông lại phải dậy lấy chén rượu nhấm nháp cho đỡ buồn.

Từ ngày thằng Nguyện là con trai thứ ba của ông ra ở riêng, ông phải cấp bớt cho nó một cái máy xay xát làm vốn sinh sống, ông đã thấy buồn đứt ruột. Ông đang ra sức tích góp tiền của ngày đêm để trả nợ xây nhà chưa xong, chứ đừng nói tới sắm lại được cái máy xay xát, thì thằng Sỏi đã gây hoạ làm mù mắt thằng Thuỷ.

Vì vụ thằng Sỏi gây hoạ mà phải bán bớt một chiếc máy xay xát nữa, gia đình ông đang từ giàu có lại rớt xuống chỉ còn đủ ăn. Ông nhận thấy thầy Cả bói sao mà tài, sao mà giỏi, sao mà đúng thế.

Chưa hết. Thằng Thuỷ đeo một con mắt giả, cha mẹ nó sợ nó sau này không lấy được vợ nên nằng nặc bắt đền nhà ông, đòi nhà ông phải ký giấy trước hứa gả con San chị thằng Sỏi cho nó làm vợ. Thằng Thuỷ 15 tuổi vốn đã rất xấu trai nay thay một con mắt giả nhìn cứ trừng trừng trông lại càng ghê rợn. Đã thế thằng Thuỷ lại còn học dốt mới học hết lớp hai nên chỉ thích được ở nhà chăn trâu.

Con San nhà ông 17 tuổi xinh gái nhất làng lại đang học năm cuối cấp III rất giỏi. Con San mơ ước sau này được đi học Đại học nên dứt khoát không chịu lấy chồng ở làng chứ đừng nói lấy thằng Thuỷ chột mắt hành nghề chăn trâu, còn thua nó hai tuổi.

Nghe nói ông chủ tịch Uỷ ban xã phải chiều lòng gia tộc họ hàng nên hoạch ra cái lý do xã thiếu cán bộ trẻ có trình độ để làm thư ký, muốn giữ con San lại để đào tạo cán bộ nguồn. Ông không cấp dấu chứng nhận lý lịch cho con San. không được đi thi Đại học con San uất ức sinh bệnh tật, ốm đau kiệt quệ rồi tuyệt thực mà chết.

Con San chết làm ông Thưởng đau đớn khôn cùng. Con bé có mái tóc dài tới tận kheo chân, có đôi môi đỏ thắm, có khuôn mặt như trắng như trứng gà bóc xinh đẹp như tạc bằng ngọc. Con bé học giỏi có tiếng cả xã ấy là niềm tự hào vô hạn của ông.

Nếu ở thời vua chúa xưa kia thì hẳn con San đã là cung phi hoàng hậu. Ông yêu con bé ấy còn hơn yêu chính bản thân ông, nên ông chẳng quản tốn kém tiền bạc cho nó đi trọ học ở tận trên huyện. Tương lai của nó đang rộng mở.Vậy mà... nó chỉ không chịu ăn uống có hai tuần...

Thầy Cả bảo rằng: tại đương số quá đẹp nên các Thánh, các Mẫu bắt người về làm lính hầu các Thánh các Mẫu. Tất cả những chuyện vừa xảy ra chỉ là các Ngài ấy tạ sự ra cho có lý để đem lính của các Ngài ấy đi mà thôi. - luật trời xưa nay vẫn vậy hòn vàng bay đi hòn chì nằm lại. Đừng có trách móc ai mà tội.

Nghĩ về những đứa con của mình, chỉ xét riêng về dung nhan hình hài, tính nết trí lự thôi - ông thấy có vẻ cũng đúng: cả bốn đứa liệt sĩ lẫn ba đứa chết tai, chết hoạ của ông đứa nào cũng đẹp đẽ, đạo đức, thông minh, sáng láng.

Giờ còn mỗi cái thằng Sỏi - đẹp thì so với thiên hạ cũng khá, nhưng cũng chẳng bằng ai trong số những anh chị em đã khuất của nó, lại còn bất trị.

Thằng Sỏi không lúc nào nguôi gây tai hoạ cho ông. Nó luôn làm ông phải đau đầu nhức óc vì nó.Tất cả đám trẻ nhà ông trước đây đều có nề có nếp như những con nghé ngoan đã xỏ mũi rồi thì chỉ cần câu “vắt, diệt” là thẳng đường cày.

Riêng thằng Sỏi như con cua chuyên đi ngang trên những luống cày của ông. Nó cũng như cái con cua ranh con ấy, luôn dám giơ càng lên đe chống cả trời. Nó không bao giờ chịu làm một việc gì nhất nhất tuân theo lời bảo ban, dặn dò của ông. Nó luôn trứng khôn hơn vịt, luôn lý sự, luôn phê phán, chê bai những việc ông đã làm, luôn đi khác lối những lề lối làm việc mà từ ngàn đời nay dân quê vẫn đã làm quen nếp. Để rồi nó luôn gây nên cái cảnh là làm ông - cha của nó trở thành: nếu không kém cỏi, ngu xuẩn, về nhận thức thì cũng có lỗi ngây ngô, yếu đuối về tư tưởng trước làng xóm, láng giềng.

Rồi lại thêm tội vì thằng Sỏi gây hoạ mà con San phải đau khổ tuyệt thực mà chết, nên từ đấy bất cứ lúc nào nhìn thấy Sỏi là ông như thấy có một cục nghẹn dâng lên ngang cổ. Đến ngay như cái việc nó tồn tại và thở ở trong cái nhà này thôi, cũng làm ông cảm thấy bức bí như thể nó hít hết cả không khí, làm ông tức ngực khó thở.

Hễ khi có mặt nó là lập tức trí óc ông lại cứng lại, xù ra trong mọi toan tính, đề phòng. Vậy mà nó cứ hồn nhiên sống tự do, nhắng nhít, hớn hở, vui vẻ như những con cung quăng trong ang nước lưu cữu. Như thể nó mới là chủ của ngôi nhà của ông.

Thằng Sỏi như cái gai trong mắt ông. Nhất cử nhất động của nó đều làm ông cảm thấy tức mắt đến bất bình: tại sao nó mới bé ranh con mà dứt khoát không chịu mặc lại quần thừa, áo rách của bố? Nó khinh bố nó bẩn chăng?

Tại sao thân là một thằng con trai làm ruộng mà lại phải tỉ mẩn, cầu kỳ rửa tay, rửa chân suốt ngày?

Tại sao là dân quê mà lại không có dép thì không đi học? Đến bữa chỉ có bánh sắn suông, không có canh cá là không ăn. Hay tại nó sinh ra đã mang bản mệnh vương gia, thống lĩnh?

Tại sao? Tại sao nó cứ bắt đầu óc ông phải căng ra suy nghĩ “tại sao” vì nó?

Có phải chính vì cái thói con nhà lính tính nhà quan đó mà thằng Sỏi sinh ra có cái khát vọng kiếm tiền nhiều hơn bất cứ đứa trẻ nào ở trong cái làng này?

Thằng Sỏi đêm nào cũng mò mẫn đi cắm câu, buông vó, thả lờ kiếm cá tôm. Rồi lại chính nó mang cái mớ tôm cá ấy đi ra chợ huyện bán lấy tiền, nên lúc nào nó cũng có tiền nong rủng rỉnh trong túi.

Số tiền ấy nó đưa một phần cho mẹ nó mua đồ ăn, phần còn lại nó mua sắm toàn những thứ ăn chơi xa xỉ: thôi thì sách vở, quần áo chẳng nói làm gì. Đằng này có lần nó lại còn rước về một đôi giày quá khổ. Trông nó tha bậm bạch dưới chân mỗi khi đi học, ông ngứa mắt lắm.

Cả làng ông có ai quan tâm đến giày dép bao giờ. Đàn ông, đàn bà, người già trẻ nhỏ chỉ xỏ dép vào chân khi có việc thật hệ trọng phải đi xa khỏi làng.

Đã là dân làm ruộng thì mang giày mang dép làm gì chỉ tổ vướng chân, tha bùn về nhà. Tối đến cứ hồn nhiên ba xoa hai đập là trèo lên giường.

Chỉ có bọn đàn bà sau một ngày chân đất thả đi khắp các chốn cùng nơi, tối khuya đến mới tìm dép rửa chân, cốt chỉ để đi ngủ. Nhất là loại trẻ ranh như nó lại càng không thiết tha gì đến giày với dép.

Thế mà thằng Sỏi mới có học tới cái lớp 5 mà lại đi giày đi học hàng ngày. Sau này nó đi học ở cái trường Cao đẳng ấy cũng vậy. Trông nó mới lại càng ăn diện, chải chuốt làm sao. Sao nó không thấy bố nó giản dị đến thế nào.

Thật chẳng ra cái thể thống gì! Có lẽ đó là do cái tội ông đã không cương quyết nên để cho nó theo học cái trò múa may nhăng nhít từ cái hồi năm xưa nó mới hơn chục tuổi đầu ấy.

Thật ra nói ông không cương quyết khi ấy là không trung thực. Khi biết mẹ thằng Sỏi đã bị thằng Sỏi thuyết phục bí mật giấu ông đi xin cái giấy chứng nhận đã học hết lớp 5 ở trường học của nó, và ra Ủy ban xã xin xác nhận lý lịch cho thằng Sỏi đi học Múa thì ông đã nổi điên lên với bà.

Ông đập tan cái phích Rạng Đông, đạp đổ cả một dãy phên liếp nơi cửa ra vào. Hẳn là nó lại mỉm cái nụ cười rạng rỡ của nó lên để mê mụ bà ấy rồi!

Sao lại không học về thuỷ lợi để lấy nước cho các thửa ruộng khô khát mùa gió Lào nắng nung ở cái làng này? Sao không học về nông nghiệp để có thể mang về những giống lúa ngon thơm, giống ngô mảy hạt, bắp dài hơn hẳn của xã bên, huyện bạn mang lại ấm no cho làng ta cơ chứ?

Đã là con nhà nông là phải gắn liền với đất đá sỏi cát: sỏi là sự kết cứng rắn chắc, là thằng đàn ông nông dân là phải bền bỉ chịu đựng phong sương, mưa nắng, không gì có thể quật đổ được. Có thế ông mới đặt tên nó là Sỏi.Thế mà rồi mụ vợ ông - đàn bà nông nổi nghe nó ngon ngọt, cho nó đi học múa may - cái nghề của bọn xẩm sờ lười nhác.

Ông lại chẳng biết quá rõ cái lũ nhảy cò cò ở trong các đoàn văn công ấy - là mấy cái cô cậu không có tài cán gì để hát hò như đám kia lại ngại lao động chân tay bẩn thỉu, nhưng vẫn thích nổi tiếng.

Chúng thích được sĩ diện lượn ra lượn vô nơi ánh đèn sân khấu nên hay bị cấp trên phân công vào cái chân cầm cờ dạng chân nhảy chéo góc nhau dăng ngang sân khấu cho khán giả có cái để nhìn đỡ buồn tình khi những ca sĩ họ bận thay quần áo chưa ra hát được.

Mà tất cả cái đám bây giờ cứ gọi là văn công nghe cho có vẻ oai thế thôi chứ chính là lũ hát xẩm ngày xưa. Cái lũ người trông lôi thôi, rách rưới vẫn đến túm tụ ở góc sân đình làng bên: ban ngày thì ngủ nghê vạ vật, ngả ngớn; ban đêm thì tô rồng vẽ rắn xanh đỏ loè loẹt lên mặt diễn những tích Thị Màu lên chùa, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Suý Vân giả dại, Đào Tam Xuân loạn trào... toàn những thứ chửa hoang, lẳng lơ, điên rồ, có ý kích loạn... Thật chẳng có lập trường tư tưởng gì cả.

Cho nó đi theo cái bọn ấy thì hỏng! Nó hỏng rồi!

Đúng là mụ đàn bà thiển cận - nay mai học xong - thất nghiệp về địa phương nó múa lấy công điểm chắc?

Ông giận bà lắm nhưng là việc đã rồi, khi ông phát hiện ra chuyện đó, nó đã vào trường học được gần một năm.

Nếu ông bắt nó về Nhà nước sẽ bắt đền ông cả năm: tiền cơm nuôi nó, tiền công trả cho các thầy cô giáo dạy nó, tiền ở trọ trong trường... vân vân.

Ôi chao là khối tiền ra đấy! Ông chẳng có sức đâu mà cứ đi chạy theo gánh hoạ cho nó suốt ngày này sang tháng khác như vậy, ông đành mặc cha nó.

Hồi nó về nghỉ hè năm học đầu tiên, ông thấy nó sáng nào cũng tập tành hàng tiếng cái trò đi đứng lả lướt, nhón nhón đầu ngón chân, trông tức mắt vô cùng: đàn ông, đàn ang làm sao lại có cái trò õng oẹo như cái thằng lại gái thế kia nhỉ?

Ông bảo: “Mày cút ngay cho khuất mắt ông, lên rú mà làm những cái trò đó nhé!”

Thế là ngay trưa hôm đó nó xách túi đi thẳng, không thèm xin ông lấy một đồng tiêu vặt.

Hè năm sau khi nó về, chẳng những ông thấy nó mặc rất sang, có cả cái quần bò nghe nói rất đắt tiền, đâu như những gần hai trăm bạc, rồi lại còn rước về cả một cây đàn ghi ta phật phừng, dạy bọn trẻ ở Chi đoàn thôn hát múa suốt ngày.

Hoá ra thấy người làng ở Bắc Bình kể lại là nó không hề hổ thẹn với chúng bạn. Nó vẫn vừa đi học múa vừa đi bán báo. Chẳng biết điều đó có đúng không! Nếu đúng vậy thì kể nó cũng tài - giống cha nó! Cũng giỏi!

Rồi lại nghe người làng từ Bắc Bình về chơi đồn: nghe đâu như tháng trước thằng Sỏi nhà Thưởng bị công an bắt cùng với cái đám bạn học cùng lớp về đồn giam mất hai ngày vì dính vào hút hít, tiêm chích ma tuý, ma tiếc gì ấy.

Trời ơi là trời! Con ơi là con!

Một người anh hùng như ông, có phẩm chất sáng ngời có lần suýt trúng phó Bí thư chi uỷ như ông mà lại có một thằng con chích choác ma tuý ư? Nó không nhớ nó còn là con em gia đình liệt sĩ sao? Nó phá hoại thanh danh của ông, của gia đình đến thế thì thôi chứ còn gì nữa!

Đã thế nó còn theo đòi ăn bả tư sản Quang như Sáng như... Ấy là ông đang còn chưa nguôi được cơn tức giận điên cuồng, dù chuyện đã xảy ra cả mấy năm nay rồi.

Cái thằng con ngang ngược ấy dám ngang nhiên đi đổi cái tên Phương Văn Sỏi mà ông đã ban cho nó từ thuở sơ sinh một cách rất rẻ rúng, rất lung tung: lúc thành ra Phương Quang Sao Sáng khi nó làm vũ công mong biến được thành sao nghệ sĩ sáng giá; lúc lại thành Phương Quang Sáng vứt bớt cái đệm là Sao khi nó trở thành doanh nhân, nghe cho nó có cái uy phong lẫm liệt.

Nó đổi tên cha sinh mẹ đẻ mà không hề nói với cha nó một tiếng. Nó ra thẳng Ủy ban, chẳng hiểu nó chỉ mỉm cái nụ cười mê mị ấy hay nó ngọt nhạt, lo lót với mấy tay ấy thế nào mà rồi tất cả các giấy tờ của nhà ông bây giờ thành ra chẳng có thằng con nào tên là PhươngVăn Sỏi nữa.

Cứ như thể ông chưa từng đẻ ra một đứa con trai tên là Sỏi, chứ không phải đã từng có sinh ra nó nhưng rồi lại bị mất đi như bảy đứa con đã mất của ông. Nó trở nên xa lạ trong ông khi đội một cái tên lạ hoắc trở về nhà ông.

Hồi ấy ông đã nghe lỏm được chuyện những người làng đi thăm anh em, bè bạn ở Bắc Bình về nói: “Thằng Sỏi bây giờ thành nghệ sĩ nổi bần bật rồi. Nó từ bỏ gia đình gốc gác nông dân rồi. Nó bây giờ là dân tỉnh thành, là quý xờ tộc. Tên nó bây giờ in to lắm trên biển quảng cáo Hội diễn thi tốt nghiệp của trường Cao đẳng Nghệ thuật Bắc Bình, đọc lên nghe cứ sáng choang cả tai: Phương Quang Sao Sáng! Bây giờ ai mà gọi tên cũ là nó không thèm thưa đâu...”

Cái gì cơ? Sao Sáng! Sáng Sao à? Tên gì mà nghe cứ như trong bài đồng dao của con trẻ ngày xưa: Một ông sao sáng/ Hai ông sáng sao... Tên thế thì khác gì vè cho lũ trẻ con chúng nó đi hát rao ều ễu ở làng? Tên thế thì nó mất cái đứng đắn lập trường con người đi chứ! - ông Thưởng vật vã vì đau khổ thay cho thằng con út. Theo ông nghĩ: nó có tài nhưng non nớt, hay bốc đồng nghe người ta xui non xui dại.

Cái người kể lại nói rằng cái tên đó là do thầy giáo của nó xui nó lấy như thế để dễ toả sáng trên con đường nghệ thuật. Đồ khốn khiếp! Giáo mới dục gì mà lại bảo con cái người ta từ bỏ tên tuổi ông cha ban cho. Giáo thế thì có mà giáo gươm, giáo mác chứ giáo dục cái nỗi gì!

May mà thằng con ông cũng khá - giống cha nó - luôn có bản lĩnh của riêng mình - có chòng chành thì cũng chỉ chòng chàng tí chút thôi - nên ông không thấy cái tên Sáng Sao - Sao Sáng ở trong các thứ giấy tờ của nhà mình.

Rồi thằng Sỏi tốt nghiệp xong ra trường nhưng thất nghiệp phải nằm dài. Thời buổi đang lúc khó khăn người thừa của hiếm. Đến cán bộ thật làm ra tiền ra của hẳn hoi cho Nhà nước mà còn bị trả lương bằng may ơ, xích líp, phân lân, phân đạm thì ai thừa gạo, thừa tiền để nuôi cái lũ nhảy cò cò, lúc nào cũng quần là, áo lượt cho quẩn chân tốn kém.

Ông liền tranh thủ giáo dục nó: Con đã thấy chưa: Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/ Nhất nông nhì sĩ. Cứ phải hạt lúa củ khoai mới là cái căn bản. Ăn mày là ai, ăn mày là ta/ đói cơm rách áo mới ra ăn mày. Cha ông ta đã dạy rồi. Bỏ cái thứ nhảy cò cò ra vẻ đang tung bay trên sân khấu một cách nhố nhăng vô ích ấy đi. Từ nay tu tỉnh lại đi cho nó ra cái cốt con người. Nhất là bỏ cái tên vớ va vớ vẩn ấy đi.

Nó lí sự: “Cha chẳng biết gì thì thôi: con người nghệ sĩ chính là sự thăng hoa của con người xã hội. Chính vì vậy nghệ sĩ lúc nào cũng cao quý thời nào cũng là tinh hoa của xã hội. Cho nên nghệ sĩ nào mà chẳng phải có một cái tên hay ho cho nó hợp với nghề nghiệp, với phẩm chất cao quý của họ. Hơn nữa, con lại là một nghệ sĩ múa - bộ môn múa ba lê đầy kinh điển và quý phái. Cha có biết bọn ghen tị với tài năng của con, chúng nói về con như thế nào không? Sỏi đá, Đất đai! Cái đồ vừa đọc tên lên đã thấy ba đời cày cuốc chân đất mắt toét... Thế mà cũng lên sân khấu. Lại còn múa sôlô ba lê nữa cơ chứ! Thật là nực cười”.

“Sỏi đá? Đất đai là nông dân! Thì mày chẳng là con nhà nông dân thì là con nhà gì? Khổ lắm con ơi! Cá không ăn nhời là cá ươn. Cha đã bảo rồi không có học cái nghề ấy. Không có làm cái nghề nhắng nhít ấy. Chẳng mở mắt ra mà thấy bây giờ cái nghề ấy đang đói rã họng ra hay sao?

Thà cứ làm cái nghề phụ xe như anh mày trước đây, tuy có mệt mỏi, vất vả một chút nhưng còn dễ kiếm được đồng ra đồng vào, lại cũng còn được đi đó đi đây, đâu có phải bị tù túng như anh nông dân trong làng mà phải sợ.”

Vừa nghe ông nói vậy, nó liền tự ái chạy vào buồng nằm dài cả buổi. Sáng hôm sau ông dậy đã thấy nó bỏ đi rồi.

 Nó bỏ đi đến ba bốn năm cũng chẳng thấy quay về. Có người nói nó đi làm đạo diễn múa cho một trường học nào ấy.

Người khác lại bảo làm gì có, thằng Sỏi đang đi làm cửu vạn gánh hàng qua biên giới. Có người lại bảo nó đang đi lừa đảo, ăn cướp hay trấn lột gì đó, mà lại là của người quen, người ta kêu lắm.

Rồi có người họ hàng ở tít tận trong Ninh Thuật lại điện ra người nhà kể chuyện gặp thằng Sỏi nhà Thưởng đang đi làm lơ xe ở bến xe Vũng Tàu.

Chỉ đến hôm ấy, nghĩ đến tấm thân vũ công mền yếu của nó bị quăng quật khắp thiên hạ, ông mới rên lên xa xót: “Ôi, con ơi! Thật ra thì mày đang ở đâu?”.

Ấy xa xôi thì thương nhớ vậy! Nhưng hễ gần nhau, chuyện trò được vài câu là khủng khiểng.

 Nhưng đó là chuyện riêng của gia đình ông. Gia đình nào mà chẳng có nhiều chuyện. Còn con cái thì nó là máu mủ, là ruột già của cha mẹ nó. Của mình ai chẳng đau, con mình ai chẳng xót. Làng coi rẻ cái sự thành tâm của nó thì khác nào làng coi thường tấm thịnh tình của ông, làng khinh thường ông.

Người ta thường có thói xấu là hay ghen tức ngấm ngầm trong ruột với người khác chỉ vì họ được mọi người xem là có lòng tốt hơn người. Nên trong thâm tâm ông thừa biết những kẻ phá đám trong cuộc họp tối qua nại ra những sự ấy vì họ ghen tị với nhà ông vì thằng Sỏi nhà ông có nhiều tiền mà lại quá rộng rãi. Đời là vậy: ở hẹp người cười, ở rộng người chê.

- Thằng Sỏi rộng rãi tiền nong với mọi người quá đây mà. Ngu quá! Đã mất tiền cho họ còn bị họ cười thầm cho vào mặt. Rộng rãi quá thế là không có được!- Ông thốt lên bức bối.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83708


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận