24 Giờ Lên Đỉnh Chương 17


Chương 17
Phương Quang Sáng

03 giờ - 20 - 06 - 2008

Thực ra đêm qua trước lúc lên giường, Sáng đã làm mấy chén rượu bổ. Nhưng rượu cũng vẫn làm cho Sáng không sao ngủ được. Anh chỉ nằm lơ mơ rồi thiếp đi chập chờn từng lúc.

Những ngày qua Sáng cảm thấy đời anh mấy tháng nay quá bất ổn. Anh phải về quê khẩn cấp, lo làm lại tất những thủ tục cúng bái cho ngôi nhà gỗ như lời thầy Cả đã dạy, mong cứu vãn được chút nào hay chút ấy.

Vậy mà ở cái hang ổ cuối cùng của anh trong những ngày này, anh cũng không được yên thân. Mặc dù anh đã phải tâm niệm trong lòng rằng: phải nhịn cha mình như nhịn cơm sống.

Tại sao? Tại sao hai cha con anh lại khó hiểu nhau thế? Những khúc mắc giữa hai cha con toàn là những chuyện không đâu cả! Tại sao cha không thông cảm với anh? Có phải vì giữa cha và anh là một khoảng cách tuổi tác quá lớn - 45 tuổi - lớn đến hơn hai thế hệ chứ không phải là một?

Một lần trong một bữa cơm, đang nói chuyện vui vẻ về chỗ đứng trong thời cuộc, cha Sáng bỗng cắt ngang rằng:

- Sĩ diện!... Cái cỡ như lũ chúng mày ngoài thành phố bây giờ có mà nhiều như bọ, thế nên mới phải về làng vung tiền sằng sịt, rải khắp các nhà trong làng để hách sằng.

Thì ra cha anh đến bây giờ mới phát hiện ra, 29 Tết anh đi thăm khắp lượt những nhà nghèo trong làng và biếu mỗi hộ hai trăm nghìn đồng sắm Tết. Trong đó đa số chủ gia đình là những người ngày xưa phải đến xin làm thuê cho bố anh.

Sáng cố phân trần:

- Con chỉ giúp họ vài trăm bạc để họ ăn Tết cho vui vẻ thôi mà! Có đáng bao nhiêu mà cha nói con thế!

Ông quắc mắt lên:

- Sao tao lại không có quyền được nói? Chúng mày cứ thử về đây ở hẳn, làm hẳn như tao ngày xưa đi, xem có dám cho tiền sằng sịt như thế nữa không? Lúc ấy lại chẳng két lõ đít ra thì tao không bằng con chó! Giúp là giúp công ăn việc làm, tạo cho họ cái cần câu để họ câu cá cho họ, chứ không phải là bố thí tiền cho họ.

Sáng bực mình:

- Con không mở công ty xây dựng để thuê thợ nề. Con cũng chẳng mở công ty bốc vác để thuê họ làm cửu vạn. Con đã có cái công ty nào cần lao động giản đơn thô sơ đâu mà thuê họ làm việc.

Cha vẫn ngang như cua:

- Thế có nghĩa là mày thí cho họ tí tiền để họ không có cớ trách mày không giúp họ. Tao đây, tao đấm thèm vào nhận cái loại tiền bố thí ấy.

Sáng bực quá xỉa nhẹ một câu:

- Cha bây giờ giầu rồi, chẳng phải lo nghĩ cái ăn, cái mặc gì cả, mới coi vài trăm bạc không là gì. Chứ với họ thì vài trăm bạc chắc bán cả nhà đi mới có. Đến như nhà mình ngày xưa có lúc khoai còn chẳng có mà ăn, nghèo đói, rách nát như tổ đỉa nữa là.

Lập tức cha Sáng gào lên:

- Rách nát là thế nào? Ngày xưa có lúc tao có tới tận ba, bốn cái máy xay xát chạy ầm ầm suốt đêm ngày. Cả một trang trại nuôi lợn đông nhung nhúc. Rồi chuồng gà, ao cá... Trong làng bao nhiêu người đến xin được làm thuê cho tao hàng ngày, biết bao nhiêu người phải cầu cạnh tao...Vậy mà giờ đây gặp tao chúng cứ giương cặp mắt trắng dã lên cấm chào cụ lấy một tiếng đấy...

“À, ra thế! Tất cả duyên cớ là thế! Bây giờ không còn ai cầu cạnh cụ nữa, họ lơ cụ đi, họ chỉ xoắn lấy con cụ. Cụ cảm thấy cụ không bằng con cụ nên bực mình chứ gì?” Anh suýt buột miệng một câu thật xoáy, xong lý trí và lòng hiếu đễ khiến cơ hàm anh khép chặt.

- Tao đi đến đâu là người già, người trẻ trong xã ngoài huyện đều biết tên, biết mặt chứ đâu có ném đá ao bèo như mày...

Sáng ngây người, rồi khó chịu:

- Tất cả những việc đó con coi là việc thiện, nên con muốn việc đó chỉ có con biết, người đó biết và trời biết mà thôi. Những việc con làm cho mọi người đâu phải để mong được loan tin ầm ĩ. Chẳng qua những khó khăn của họ trong thời điểm này đối với họ là quá lớn, còn việc đó với con cũng trong thời điểm này lại quá bé nhỏ. - Phải, Sáng lắc đầu thầm nghĩ - Đúng thế! Việc của mình là phải tính con số từ hai trăm ngàn Đô trở lên chứ không phải là hai trăm ngàn đồng.

Sáng nhắc lại:

- Vâng! Cái việc khó khăn của họ lúc này chỉ nhỏ bằng một phần ngàn nỗi khó khăn của con thôi. Con hoàn toàn coi nó là chuyện rất nhỏ. Có thể giúp dễ không ấy mà!

Cha anh rên lên:

- Mấy trăm ngàn bạc một nhà, mà đến hai chục nhà thì thử hỏi là mất bao nhiêu tiền. Vậy mà nó bảo là quá bé nhỏ! Mày còn ngu dại lắm con ơi! Mày không nhìn thấy tấm gương tày liếp của cha mày đấy ư?

Sáng nhăn nhó:

-Trời ơi! Sao mà cha mâu thuẫn vậy! Giúp họ việc nhỏ thì cha không nghe, cha xót của. Cha đòi con giúp họ việc lớn. Cha có biết để có một công việc tương đối ổn định, nếu con giúp họ, con còn phải bỏ tiền ra gấp cả trăm lần số tiền con biếu họ không? Cả làng đều có họ hàng dây mơ rễ má, giúp nhà này rồi còn những nhà khác tính sao? Thôi, con xin cha! Có phải cha đang cố tình muốn gây khó cho con không? - Cha muốn con bị mất đoàn kết với cả làng ư?

Cha Sáng quát lớn:

- Mày vu cho tao cái gì?

Mỗi một lần đứng trước khó khăn của mọi người, không hiểu sao anh lại cứ như đang nhìn thấy hình ảnh của mình thời thơ bé - thằng cu Sỏi 11, 12 tuổi đầu đang phải đương đầu với những khốn khó, bất lường, lòng thằng bé đang tràn ngập âu lo, sợ hãi. Và rồi, ơn phước làm sao, cho đến tận bây giờ anh vẫn luôn luôn thấy thế gian này vẫn còn rất nhiều phúc thiện.

Anh vẫn luôn phải thầm cảm ơn Chúa, thầm cảm ơn đức Phập nếu có các Ngài ấy thật vì cuộc đời thằng cu Sỏi hoá ra vẫn thật là may mắn: những lúc khó khăn nhất bao giờ cũng có một bàn tay của ai đó phúc hậu chìa ra cho nó bấu vào và đứng dậy.

Chính vì vậy mà sau này, Sáng luôn cảm thấy việc mình giúp đỡ bất kể ai khi anh tình cờ chứng kiến họ đang gặp khó khăn chẳng phải chỉ là lương tâm của anh thúc giục, mà còn là trách nhiệm. Mỗi khi có cơ hội giúp một ai đó, anh lại cảm thấy chính là anh đã lộn lại giúp đỡ thằng cu Sỏi ngày xưa. Anh nhấn mạnh lại với cha mình một lần nữa:

- Con xin cha đừng có xía vào những việc đó của con! Mà mất hết tình nghĩa, phúc đức của con đi! Những thứ đó chưa thấm vào đâu so với những ân huệ con đã nhận được từ bao người khác trước đây đấy cha.

Cha anh khinh bỉ:

- Ơn với huệ gì! Lúc nhiều tiền thì ai ai cũng xun xoe bợ đỡ cầu cạnh. Đợi đến lúc thất bát già cả không kiếm được tiền nữa như tao ấy, thì chó nó hỏi đến.

Sáng nhún vai:

- Nếu hai chục năm qua, con gặp ai cũng ích kỷ, ky bo như cha thì chắc đời con ra bã rồi.

Cha anh quắc mắt lên:

- Ky bo là thế nào? Hồi xưa tao chẳng đóng thuế cho nhà nước nhiều nhất huyện đấy hay sao? Tao còn được khen là tấm gương sáng của cả tỉnh ấy chứ! Thử hỏi hồi đó có ai xây được cả cái nhà đúc xi măng không?

Hừ, cha chỉ toàn nhớ đến những chuyện thời oai hùng của ông, mà chẳng nhớ đến những cái bận đói rã họng, những lần cha vô can, vô cớ đánh đập anh tơi bời khiến cho đứa con út ít mới hơn chục tuổi đầu uất ức quá mà phải bỏ mái nhà êm ấm ra đi.

Chẳng lẽ đến tận bây giờ cha vẫn chưa hiểu ra rằng vì cha mà Sáng phải xa rời người mẹ thân thương của mình. Những lúc đói quắt ruột, nằm co ro nơi vỉa hè, nơi ghế đá vườn hoa, thằng cu Sỏi thường ngửi thấy mùi khoai lùi, sắn nướng thơm phức của mẹ từ ngày nảo ngày nào, làm cho ruột gan nó càng cồn cào và nước mắt nó cứ tự do tuôn trào đẫm má, mặn môi vì nhớ mẹ và hận cha. Ai đã khiến nó còn quá non nớt đã phải lăn vào đời gió mưa cát bụi. Ai chứ?

Thế là dù biết là không nên, anh vẫn để cho mình chặn đứng cơn cực khoái được sống oai hùng trong hồi quang quá khứ của cha mình:

- Cái nhà chỉ có bốn bức tường với cái nắp đậy bằng xi măng trông như cái bốt điện?

“Choang!” Cha Sáng ném cái chén rượu hạt mít xuống nền gạch đá hoa:

- Nó xấu xí thế nào thì nó cũng là của tao. Tao có khiến mày phá nhà của tao đâu... Ôi ngôi nhà của tao! Mày ngon ngọt mày xui tao phá đi!

- Cha thật là tai quái. Đã đồng ý dỡ bỏ ngôi nhà nứt nát, trần bung cả mảng vào mâm cơm. May hôm ấy cha không bị vỡ đầu. Vậy mà sướng cha không muốn, cha còn tiếc cái nỗi gì?

Ngay tuần đầu tiên về nhà mới là cha thương nhớ căn nhà cũ của cha. Hễ có dịp là cha lại trách móc anh. Chao ôi, chẳng lẽ anh lại cho xây một cái nhà cốt xi măng từa tựa cái cũ, rồi lại thuê kiến trúc sư làm cho nó nứt nát như xưa để hoàn trả lại cho cha mình.

- Mày tưởng tao sung sướng khi được ở trong cái ngôi nhà không được minh bạch lắm ấy à...

- A cha lại cho là con là thằng trộm cướp ư?

- Chứ không ư? Đừng tưởng tôi không bước chân ra khỏi cái luỹ tre làng thì tôi không biết các chuyện trên thế giới, ngoài thiên hạ! Tôi quá biết anh là một thằng như thế nào! Đừng có cậy làm con mà bắt tôi bao che những chuyện quanh co, mờ ám! Tôi có phẩm chất cách mạng của tôi. Một người đã từng suýt trúng phó bí thư chi uỷ tất không dung qnhững chuyện đâm chém, nghiện hút, cướp giật, lừa đảo chuyên làm mọi người mê mụ...

...Vân vân và vân vân...

Chao ôi, cứ như cha anh nói thế này thì đại gia Phương Quang Sáng - chính cái thằng Sỏi con trai út của ông Thưởng - anh hùng bắn rơi máy bay, bắt sống phi công Mỹ xưa kia -  không chỉ là quân bán báo, đánh giày đầu đường xó chợ mà còn có thể là một tên lục lâm thảo khấu, giang hồ đại bàng gì nữa...

Phải tốn biết bao công sức cùng mồ hôi, phải nuốt đi biết bao uất hận cùng tủi hờn trong đơn độc, Sáng mới vươn được lên để làm một con người chân chính để làm một con người hết lòng vì quê hương ngày hôm nay. Để có được cái hình ảnh tốt đẹp về mình ấy, quả là không dễ dàng gì! Vậy mà cha anh đang nỡ vùi anh lại xuống đất đen.

Đau đớn! Sáng cảm thấy mình như một con hạc ở trong đền - tự trong bản chất, tự mỗi tế bào của nó - sinh ra vốn đã mỹ tú, thanh cao ; tưởng rằng bất cứ lúc nào nó muốn nó cũng có thể tự do cất cánh bay lên đắm mình vào bầu trời xanh thẳm bát ngát.

Vậy mà chẳng được - vì như thể hạc đã bị một lời nguyền muôn kiếp - nó đã bị một con rùa nặng trịch đầy thô kệch gắn vĩnh viễn ở dưới chân. Ôi thế thái nhân tình ơi! Xin đừng có thương thân phận của con rùa “dưới đình hạc cưỡi trên chùa đội bia”! Ôi con rùa thô lậu, bảo thủ, trì trệ, ù lì - cội nguồn của Sáng đấy!

Ôi cái thứ minh triết sâu thẳm của nhà Phật hiển hiện bằng hình tượng cụ thể ngay tại trong đình chùa mà hàng ngày có mấy ai sâu sắc đến mức có thể nhận được ra?

Phải đi qua biết bao nhiêu đau khổ trên con đường đi tìm lý trí và nhận thức, Sáng mới nhận ra được con hạc không phải đang sung sướng được cưỡi rùa như cái thứ nhận biết tri thức nông cạn của đời thường, mà chính hạc với đôi chân bị gắn trên lưng rùa - như thể muôn kiếp phải chịu gắn trong một thứ xiềng xích vô hình, một thứ xiềng xích không cụ thể - như thể một tư tưởng tự do, một tư tưởng tiên tiến lại phải nô lệ trong trói cùm của những luật lệ lạc hậu, tối tăm. Hồng hạc đang tuyệt vọng đau đáu nhìn lên trời xanh với nỗi đau đớn khôn cùng vì mất tự do, vì khát vọng bay lên vĩnh viễn là khát vọng không tưởng.

Con hạc trên lưng rùa chính là nỗi thương xót vô biên của đức Phật từ bi vô lượng tưới xuống những kiếp người như đau khổ như anh. Những kiếp người vô tội - bị lời nguyền từ kiếp nào chẳng biết - sinh ra đã bị gắn liền vào sự tranh giành vĩnh viễn muôn kiếp giữa thanh cao và thấp hèn!

Thế là không đừng được nữa, anh to tiếng bảo cha mình rằng có những chuyện ông không biết thì chỉ nên lắng mà nghe chứ đừng có mà cậy làm cha rồi phán xét lung tung bừa bãi...

Thế là như bao nhiêu lần khác - cha anh cậy ông làm cha, ông liền đuổi anh ra khỏi nhà. Nhưng ngôi nhà này đâu phải là cái bốt điện của ông ngày xưa. Cái nhà đó đã lở lói, loang lổ, bở nát vì ngấm trần, anh đã phá đi và thay vào nó là ngôi nhà cổ toàn bằng gỗ lim tuyệt đẹp. Anh đã thuê người cậy cục săn tìm, mua bằng được ngôi nhà cổ của một dòng họ có ông quan lang ăn chơi nổi tiếng xưa kia trên miền ngược phía Bắc rồi cẩu về dựng lại cho cha mẹ mình làm nơi thờ tự.

Ngôi nhà anh đã tâm huyết dựng lên, đã từng hy vọng nó sẽ là hang ổ cuối cùng cho anh lui về trú ngụ để anh có thể an tâm liếm láp tự băng bó vết thương cho mình sau những trận chiến thập tử nhất sinh - những lần như lần này, với những vết thương chí mạng. Vậy mà cha anh hay vô lối chỉ vì những câu nói va chạm chẳng đâu vào đâu cụ cũng nổi nóng lên đuổi anh đi, chẳng cần biết lúc đó anh đang đau đớn như thế nào.

Ôi! Cha ơi là cha! Đời ơi là đời!

Đã bao nhiêu lần rồi, không nhớ nữa, cha anh đuổi anh ra khỏi nhà. Đã bao nhiêu lần rồi anh nghĩ: “Đuổi! Thì đi! Cần quái gì! Hồi còn bé tí mình đã phải ra đi. Một thằng bé nhóc con 11, 12 tuổi đầu còn chẳng chết được nữa là bây giờ đất đai, biệt thự của mình đã từng rải khắp ba miền!”

Chỉ thương mẹ anh. Mẹ bé nhỏ gầy guộc với mái tóc bạc phơ, khuôn mặt thanh thoát, tú mỹ xanh xao đứng chết lặng, níu lấy cái bậc cửa dõi nhìn theo anh.

Ôi ánh mắt mẹ đau đáu, xa xót bất lực như bao nhiêu lần hai cha con anh xung khắc với nhau.

Ôi mẹ gầy đến trong veo da thịt. Gầy đến nỗi những đường máu, đường gân nổi hết cả lên nơi bàn tay, bàn chân, nơi ống tay, ống chân, nơi trán, nơi cổ...

Anh không biết làm gì hơn nữa để mẹ có thể béo lên được. Tiền của anh bây giờ đâu có thiếu. Vậy mà mọi thứ của ngon, vật lạ, thuốc thang quí hiếm anh cất công nhờ vả săn lùng tìm kiếm khắp các nước, tha về bồi bổ cho mẹ đều vô ích.

Có lẽ là tại tám lần sinh nở đã hút hết tinh lực của bà. Và anh, thằng Sỏi - đứa nhỏ út ít rơi vãi lỡ làng không muốn có cuối cùng của ông chồng, khi bà đã gần 50 tuổi làm kiệt quệ cơ thể bà hơn cả.

Ôi mẹ của con! Mỗi lần nhớ đến mẹ là những câu ca trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng lại vang lên trong đầu anh: Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con...

Anh Cả, anh Tứ, chị Nhị, chị Năm là liệt sĩ. Chị Sáu vì người yêu hy sinh mà thành tâm thần. Chị Sáu bỏ nhà đi lang thang rồi bị lợi dụng phải mang bầu. Chị đã chết trong khi sinh một đứa con không bố. Mẹ lại phải đi tìm cháu nhỏ về nuôi con cho chị.

Chị San không được đi thi Đại học đau buồn mà chết, anh Nguyện mất vì tai nạn giao thông.

Và Sáng nữa, cũng đã không biết bao nhiêu lần, anh bỏ mẹ ra đi trong lúc gian khó không biết ngày về.

Mẹ - mẹ mới chính là một bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến cuộc đời của mẹ là anh lại nhớ đến một đoạn thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thịnh ở Hải Phòng:

“...Gieo nhiều ít gặt

Trái tim nhàu nát

Những tháng năm ma quỉ hiện hình

Đâu cõi siêu linh

Hoang bến đợi...”.

Ôi người mẹ với những đau khổ chất đầy của anh! Có lẽ bà cố sống vì anh, vì cháu Bính con chị Sáu -  sống để ngày ngày nguyện cầu sự bình an đến cho những đứa con, đứa cháu sinh sau đẻ muộn, đầy bệnh tật còn quá nhỏ dại và vô tội của bà. Chứ bà chẳng mong tận hưởng cái gì ở cuộc đời này nữa khi nó giáng cho bà những trận đòn khốc liệt đến thế về cả về thể xác lẫn tinh thần. Ôi những tháng năm ma quỉ hiện hình vò xé trái tim mẹ nhàu nát.

Còn người đàn bà nào đau khổ hơn mẹ của Sáng nữa chứ?

Biết bao nhiêu chuyện cứ chập chờn trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh nhọc nhằn và nặng nề làm anh rất đau đầu, cho đến lúc anh không chịu được phải ngồi dậy thì cũng đã đến giờ thầy Cả dặn phải đi thắp hương trên bàn thờ tổ.

Khi Sáng mệt mỏi từ phòng thờ trên tầng hai đi xuống, anh thấy cha mình đã ra phòng khách ngồi thu lu cho cả hai chân lên chiếc ghế đại, trước mặt là cái chén Giang Châu.

Sáng nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc - 3 giờ 19 phút. Hoá ra ông cũng không ngủ được.

Cha anh đang lẩm bẩm một tràng gì đó một mình, khi nghe thấy tiếng chân của anh, ông liền quay lại và những từ cuối cùng ông chĩa vào mặt anh: “... như thế là không có được!”

Sáng ngỡ ngàng hỏi:

- Cha bảo cái gì không được cơ ạ?

Cha anh nhắc lại:

- Về làng này mà cậy có chút tiền rồi lên mặt coi người như rác là không có được.

Sáng nhíu mày hỏi:

- Cha bảo ai coi người như rác?

Cha anh cười khảy:

- Lại còn phải hỏi ai? Giương vây, giương vẩy ở đâu thì mặc cha chúng mày nhé. Đang yên đang lành thì cổng với cảnh. Thích oai danh cơ!

Sáng thấy cổ họng mình tắc nghẹn lại:

- Cha là cha của con! Cha không ủng hộ con thì thôi, sao cũng lại nói về con những lời khó nghe vậy?

Cha anh khì vào ống chiếc điếu cày bằng đuy- ra, hất luôn bã thuốc từ nõ điếu ra sàn đá hoa bóng loáng:

- Ờ, tao nói nhẹ thì mày bảo khó nghe. Còn cả làng người ta chửi bố tao lên là nhà nó hợm của thì mày nghe thấy ngọt? Mày tưởng cứ có tiền thì làm gì cũng được đấy à? Mày đã thấy chưa? Nhục ơi là nhục! Chưa đến lượt mày được xây cổng làng nghe chưa? Bao nhiêu năm làng này không có cổng cũng chưa chết ai đâu! Việc gì đến mày chứ!

Sáng cố ghìm giọng nhẹ nhàng:

- Chết thì chẳng chết, nhưng không có được đến cái cổng thì nó chẳng ra nổi một cái làng, nó chỉ giống một cái bãi đất hoang cho dân ngụ cư tứ chiếng hay nơi cư trú của đám mạt vận. Làng mình quá nghèo nàn về văn hoá!

Cha anh gầm lên:

- A bây giờ mày giàu rồi, về quê mày chê cả làng là nghèo khó, là vô học đấy! Chết thôi con ơi! Làng người ta còn bảo mày đang lấy tiền để che mắt thiên hạ đấy! Ối giời ơi! Mà cũng chẳng oan: mày lấy đâu ra mà lắm tiền của thế? Có lục lâm, có thảo khấu gì không hở? Trời ơi, đói cho sạch, rách cho thơm chứ!...

À, ra chính cha anh cũng là người đã cho rằng anh là kẻ trộm, kẻ cướp nên chưa được phép làm cái việc hiền đức là xây cổng cho làng! Hơn nữa, ông còn cho rằng anh vẽ ra cái việc làm cổng làng là để lấp liếm những việc làm xấu xa, tồi tệ!

Sáng ngỡ ngàng nhìn cha mình buồn bã. Là người trong nhà, cha không ủng hộ anh thì thôi, ông còn là cái boong ke nặng nhất bắn phá vào anh, bắn phá những mục tiêu tốt đẹp của anh ư?

- Cha hãy tin con đã và luôn là một người đàng hoàng!

Cha anh gằn giọng:

- Tin mày a? Tin mày cho mày muốn làm gì thì làm để vài bữa nữa công an người ta về xích cổ mày đi thì tao biết giấu cái mặt ô nhục này vào đâu? Dân ở cái làng này chẳng đã từng đồn mày đâm chém người, hút hít chích choách thuốc phiện, buôn bán cướp giật gì ấy trên biên giới đó hay sao! Chính vì tao là cha của mày nên tao mới phải nói cho mày biết như vậy, chứ không thì tao chẳng có thừa hơi.

Sáng sững sờ: làm sao mọi người lại có thể nghĩ về anh đen tối đến thế cơ chứ! Trong óc anh bỗng loé lên hình ảnh công an đứng trước cái bàn thờ lộng lẫy, hoành tráng anh đã mua cả trăm triệu đồng đọc lệnh bắt giữ Phương Quang Sáng về một cái tội gì đó, rồi bấm cái còng số tám sáng loáng vào tay anh. Anh sẽ rời khỏi làng bằng xe Xít đờ ca chứ không phải trên con Mẹc kiêu hãnh!

Trời ơi! Hãy nhìn xem, cha của anh kìa! Làm sao một người cha lại có thể dự đoán cho con mình một tương lai đen tối đến thế cơ chứ?

Mà ông có một chút ân hận nào không nếu vì câu nói đó của ông, sự thể ấy lại có thể xảy ra thật ngay bây giờ - có thể công an đang ở ngoài cổng! Bập! Bập! Phỉ thui!

Sáng chống hai tay lên hông, ngửa mặt lên trời, thấy tim mình nhói đau, cười lớn một tiếng khô khốc:

- Vậy thì còn ai có thể tin con được đây?

Sáng nay đúng 2 giờ - đầu giờ Dần, anh phải đặt chuông đồng hồ, cố gắng lắm mới dậy được để thắp hương lần nữa lên bàn thờ tiên tổ lễ chính xác theo lời thầy Cả ở đỉnh Nguyệt Luận đã dặn từ đêm hôm qua.

Xong việc thì nhược bã người. Đầu nhức như búa bổ, bụng lại óc ách rỗng không rất khó chịu, anh đang định xuống bếp xem có gì nong nóng ăn cho tỉnh người thì bị cha anh mượn hơi rượu lôi lại để gây chuyện.

Khổ thế! Cha anh không phải là dân nghiệt ngập be bét. Chỉ là ông có cái thú: sáng thì làm một chén cay cay cho tỉnh người. Tối thì làm một chén thơm thơm cho dễ ngủ. Mùa đông thì uống rượu cho ấm, mà mùa hè lại uống rượu cho mát. Tóm lại lúc nào ông cũng ngồi cạnh chén rượu, chẳng phải là để tu hàng lít mà chỉ là để nhấp ướt môi lấy đà nói cho trơn họng.

Ngày xưa khi mới lấy mẹ Sáng về, nghe nói cha anh cũng hiền lành, ít nói. Nhưng từ khi công việc làm ăn luôn bị đổ bể thì ông trở nên cục cằn. Ai vô phúc giây vào với ông lúc ấy, làm ông cảm thấy ngứa mắt lúc ấy, ông liền nổi nóng tức thì: “Ba giây mười lăm quả! Hai nhăm phát!” đó là khẩu hiệu cửa miệng của ông. Ông xông vào ục liền, đ 2890 á liền. Đấy cũng là những nguyên do ngày xưa thằng cu Sỏi hay bị cha mình đấm đá.

Những năm gần đây, có lẽ do tuổi càng cao, sức càng yếu, không còn có cơ hội đấm đá nhiều, cha Sáng càng cảm thấy bức xúc hơn thì phải. Ông bỗng trở tính nói ra rả như ve mùa hạ. Có lẽ vì nói quá nhiều mà cơ thể ông gầy sắt lại, nhỏ bé đi hơn hẳn ngày xưa. Cứ mỗi lần nhớ đến cha là Sáng vừa thương lại vừa giận.

Có vẻ như cha anh đã rất bực mình vì những phiền phức do những nghi lễ do anh mang về từ khi có ngôi nhà thờ tổ mới, rồi thêm nữa: tối hôm qua lại bị đổ bể chuyện tài trợ làm cổng làng, rồi không ngờ còn gây nên bao cuộc tranh cãi trong trong họ hàng, làng xóm.

Sáng nuốt một cục nước bọt nghẹn đắng nơi họng xuống cổ. Thầy Cường của anh vẫn thường dạy cho các học trò cái triết lí đã biến thành câu ngạn ngữ: “thành công sẽ đến với những ai biết nhẫn nhịn, và luôn luôn nở nụ cười trên môi cùng chữ: Xin cảm phiền!”, và thầy luôn thực hiện câu nói đó không loại trừ trong bất cứ một cuộc tiếp xúc nào: từ người già tới trẻ nhỏ, từ anh bơm vá xe đạp cũng giống như đối với các vị nguyên thủ quốc gia.

Noi gương thầy Tường, Sáng đã luyện câu nói đó cho phong cách ứng ngoại của mình như tu luyện một môn kiếm thuật. Và quả nhiên nó thật hữu ích cho anh trong giao tiếp với xã hội, nó đã mang lại cho anh những cơ hội vàng.

Nhưng không hiểu sao, chưa bao giờ anh áp dụng thành công được thuật đó trong giao tiếp với cha mình. Chỉ được dăm câu là đã ông chẳng bà chuộc.

Hễ đối mặt với cha mình là Sáng lại chẳng còn được là anh bây giờ, anh lại trở thành thằng cu Sỏi ngày xưa. Chẳng bao giờ hai cha con anh bàn bạc được chuyện gì với nhau cho đến đầu đến đũa. Nó khiến cho anh đôi lúc trở nên ngờ vực chính bản thân mình: không biết cu Sỏi ngày xưa mới thực là anh, hay anh bây giờ mới thực là cu Sỏi.

Về điều này, thầy Cả trên đỉnh Nguyệt Luận đã xem tử vi cho anh và phán với cha của anh ngay từ khi anh mới sinh ra được một tuần rằng: thằng nhỏ này tuổi Tị mà ông lại tuổi Thân, cho nên hai người cực kỳ xung khắc nhau, luôn luôn nghi ngờ và ganh tị nhau... vả lại, những người ở hai cái tuổi này đều là loại tài giỏi, khôn khéo trong xã hội cả nên không ai chịu thừa nhận tài năng của ai. Hễ gần nhau là tự nhiên có chuyện cam go, sinh ra phiền phức. Đôi khi chuyện nảy sinh mâu thuẫn lại là chuyện tai bay vạ gió từ đâu mà đến chẳng phải do hai cha con gây nên.

Từ lúc còn bé tí, anh nhớ được cho đến giờ, chưa lần nào anh thấy ông gọi anh một cách âu yếm, hay ôm anh một cách thân thiết bao giờ. Nhớ đến cha là anh chỉ toàn nhớ đến những vẻ mặt bực tức, khó chịu của ông. Thậm chí nhớ đến những cú đấm đạp vô cảm, những câu mắng nhiếc.

Và một rào cản tâm lý đã bao lần anh cố gắng ép mình dỡ bỏ cho sạch lại như chông gai, giáo mác đua nhau tua tủa mọc lên giữa hai cha con mỗi khi ông và anh tranh luận.

Ôi, biết nói thế nào về cha của anh đây, mặc dù mọi người ở cái huyện này và cả anh nữa vẫn phải luôn luôn thừa nhận rằng: ông Phương Văn Thưởng đã từng là anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ; đã từng là một người đàn ông tài giỏi trong làm ăn kinh tế một thời xa xưa - cái thời anh còn nhỏ dại chưa nhớ được tí gì.

Cha có hiểu rằng cái anh hùng kiểu đó, cái tài giỏi kiểu đó đã qua rồi - xưa rồi! Lặp lại con đường giống những người như ông để có chiến công ngày hôm nay là điều không thể. Mặc dù, anh vẫn tôn kính những chiến công của họ - các bậc tiền bối.

Những người như ông - như cha của anh, chỉ có thể là tấm gương sáng nên noi theo ngay trong thời của ông thôi. Nói theo kiểu tổng kết là: đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Cha của anh phải biết rằng ông chỉ nên đứng im ở trên cái đài cao vinh quang đó của ông để cho thế hệ sau chiêm ngưỡng, và hãy làm ơn đừng có nhất nhất giở những bài học kinh nghiệm cũ của mình ra đòi con cháu thực hiện.

Không ai quên những trận đói rã họng sau chiến tranh, nhất là những năm 86, 87 - dân Hà Nội thủ đô của cả nước còn phải nhá khoai tây thối thay gạo. Cho nên đài vinh quang bây giờ đã khác, và vì thế lối lên đỉnh của nó cùng những tai ách của nó cũng đã rất khác xưa.

- Người ta chửi cho là hợm của cũng phải lắm! - Cha anh vẫn tiếp tục to tiếng - Mày có biết đằng sau lưng mày các cụ nói gì không? Người ta bảo là mày chỉ có buôn ma tuý, buôn thuốc phiện, không thì cũng buôn người mới giàu có nhanh như thế! Giống như cái thằng Lượng chủ trang trại nuôi hươu ấy. Khi công an người ta ập vào khám xét mới lòi ra: hươu hiếc chỉ là để che giấu hêrôin thôi.

Sáng nhăn nhó:

- Đúng là các cụ già rồi nên nhìn đời lúc nào cũng chỉ thấy toàn tăm tối.

Cha anh cười khảy:

- Phải! Chúng tao già rồi nên còn cần cái gì nữa đâu mà sợ chẳng nói thật. Mày không muốn bị mếch lòng chứ gì? Thuốc đắng giã tật con ơi! Người ta còn bảo là mày không chỉ định về quê vung tiền lấy tiếng mà còn có ý đồ rửa tiền, tắm tiền nữa cơ đấy!

Sáng ngạc nhiên:

- Con về quê rửa tiền?

Cha Sáng đảo ánh mắt như thể lia con dao pha vào anh:

- Chứ không à? Liều liệu đấy con ơi! Người ta khi không phải đổ mồ hôi, khó nhọc vì tiền mới xử sự với đồng tiền như rơm rác mà thôi.

- Ai bảo với cha rằng con coi tiền như rơm rác? Rất nhầm lẫn. - Sáng bực tức la lớn - phải hỏi những người đã được con giúp đỡ khi khó khăn xem: những đồng tiền ấy có là rơm rác hay không?

Cha anh xì mũi vào mặt anh:

- Thì chính trong cuộc họp tối qua khi anh về rồi ấy, những người đã được anh giúp đỡ, cưu mang bằng tiền bạc, bằng các mối quan hệ của anh đã phát biểu rằng: “chưa từng thấy ai lại rộng rãi về tiền bạc như cậu Sỏi. Ai muốn có tiền chỉ cần đến ới một tiếng là cậu ấy sẽ đưa chon gay. Tiền với cậu ấy có khi còn rẻ hơn cả tiền Âm phủ, vì tiền Âm phủ chúng ta muốn có thì cũng còn phải bỏ tiền ra để mua”.

Sáng lặng người đi: ôi những người dân quê bãi ngang nghèo nàn, khốn khổ của anh - những con người mà cha anh là một đại diện ưu tú, đã phải một nắng hai sương sinh sống bòn mót từ hạt lúa, con khoai, củ sắn lép khẹp, quắt queo trên những bờ bãi xác xơ, khô cằn không chút màu mỡ nên cái nhìn của họ vào đâu cũng trở nên nghiệt ngã, so sánh và tị nạnh. Anh thốt lên ngao ngán:

- Con người ta khi đã phải hà tiện kiết xác, đã chỉ có mỗi cái ước cho cái lá rau rệu mọc hoang ngoài bãi bờ cũng to bằng cái lá đa thì chẳng thể nói chuyện gì được trong thời đại kinh tế bùng nổ này.

Cha anh quắc mắt lên:

- A mày dám rẻ rúng cái làng quê nghèo nàn này đến thế thì mày còn vác mặt về đâu làm gì? Mày về đây để ra oai phải không? Cút! Cút ngay cho khuất mắt ông!

- Cha không phải đuổi. Con cũng chán ngắt rồi!

Thế là Sáng lao ngay vào phòng xỏ cái quần dài, khoác cái áo sơ mi, chạy ra xe ô tô khi tiếng nhạc đồng hồ thong thả báo: 3 giờ 30 phút.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83710


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận