24 Giờ Lên Đỉnh Chương 18


Chương 18
Phương Quang Sáng

3 giờ 36 phút, ngày 20 - 0 6 - 2008

 

 

Sáng giơ tay nhìn vào mặt chiếc đồng hồ Radô có gắn những hạt kim cương bé xíu sáng lấp lánh thay những con số.

     Những chiếc kim dạ quang chỉ vào vị trí 3 giờ 36 phút.

“Quá sớm để đi đâu vào lúc này!” - Sáng thầm nghĩ rồi hít một hơi luồng dài không khí thoáng đãng, mát lạnh trong trẻo của ruộng đồng. Tự nhiên những nỗi bức bối, bất ưng trong lòng dường như tiêu biến đi đâu hết. Anh bỗng muốn được nằm nghỉ, và ngủ một cách thanh thản, vô lo giữa bầu không khí tươi mát, ngọt lành thân thiết của bờ bãi quê hương.

Sáng quay lại chiếc xe Mercedes xinh xắn đang nằm bên lề đường ngoan ngoãn như chú chó mực mở cửa sau. Anh chui vào xe, đóng cửa lại rồi bấm nút hạ tấm kính cửa sổ xuống lấy một chút gió đồng vào xe cho thoáng, trước khi nằm dài xuống chiếc ghế da, nhắm mắt lại.

Sáng rất mong những câu nói, những lập luận của mình luôn thuyết phục được người nghe, cho nên đã thành thói quen, để rèn luyện kỹ năng hùng biện, những lúc một mình lặng lẽ như thế này, thì thế nào anh cũng tung ra trong đầu mình một vấn đề nào đó. Rồi anh sẽ đả phá nó, rồi lại tự bảo vệ nó như thể có những phe phái khác nhau đang tranh cãi. Tóm lại là tự dựng lên một cuộc tranh luận khá sôi nổi.

Lúc ấy, mọi ý nghĩ của anh như thể vang lên rành rọt trong đầu như nhiều giọng nói của những người khác nhau đang chỉ trích, phản biện lẫn nhau quyết liệt, liên tiếp - đầu anh như chia thành những phe phái rõ ràng.

Những phe phái ấy lúc là một trong số những người thầy mà anh ngưỡng mộ, lúc lại là một kẻ luôn đối kháng nào đó trong số những kẻ hay đối kháng anh. Và cả chính anh nữa - Phương Quang Sáng, người dẫn chương trình tranh biện của riêng mình - nhưng đôi lúc cũng quên mất vai trò chung gian nhảy thẳng vào giữa cuộc tranh biện.

Trong các cuộc đấu phá và bảo vệ tư tưởng đó, Sáng với thiện chí gạn đục khơi trong - luôn luôn học hỏi cái tốt của bất kể ai, kể cả của kẻ thù - luôn luôn gạt bỏ cái xấu bất kể nó là của mình hay của chính những người mà mình hâm mộ - anh sẽ như một kẻ cơ hội, lúc thì ở phe này, lúc lại nhảy té sang phe kia khi thấy mình đuối lý.

Để rồi kết cuộc, anh nhận lấy cho mình bên chiến thắng. Anh sẽ đi theo chân lý đã được khẳng định trong cuộc tranh hùng luận điểm. Qua đó các lập luận của anh đã được mài rũa mà trở nên chính xác, sắc bén.

Song, cái đích cuối cùng mà anh muốn hướng tới vẫn là làm sao có được cái cách giãi bày những tư tưởng vốn cao siêu, vốn phức tạp sao cho trở nên thật mạch lạc và giản đơn của thầy Tường. Làm sao biến được những mớ triết lý cứng nhắc vô hồn, những câu khẩu hiệu khô khan thành hành động thực tế một cách nhuần nhuyễn như nước thấm mưa dầm.

Ông thường nói: “Bởi cuộc sống quá ngắn ngủi, mà chúng ta lại chỉ được sống có một lần, nên hãy sống sao cho mỗi giây phút sống của chúng ta phải tràn đầy ý nghĩa. Cho nên phàm đã làm con người thì phải có mơ ước, phải có Khát vọng tuyệt đỉnh - The pinnacle of aspiration.

Nhưng chúng ta là những con người có học hành, có tri thức, cho nên muốn gì thì gì cứ phải là con người trước đã rồi mới làm đỉnh gì thì đỉnh.

Mà cũng chẳng có đỉnh, chỉ có đường đi lên đỉnh. Đỉnh núi nào dẫu là thấp hay cao của thế giới thì cũng chỉ là hòn đá cuối cùng đứng bên trên những hòn đá khác không bị rớt xuống, không chịu làm nền cho các hòn đá khác trèo lên trong cuộc khai thiên lập địa mà thôi.

Vấn đề chính là làm sao để có thể trở thành người đứng vững ở trên cùng giống như hòn đá trên cùng đỉnh của ngọn núi kia.Vì thế mà học tập, bồi bổ kiến thức, tư chất cá nhân là không bao giờ thừa. Hãy học chữ Nhẫn. Ví như ông già Ngu Công - cứ lặng lẽ nhẫn nại kiên trì mở đường thì rồi cũng có ngày trở thành điển tích, cũng trở thành tuyệt đỉnh của người mở đường cho hậu thế làm gương.

Nhưng lúc này đây, Sáng chỉ nghĩ đến cha mình. Cha anh lại không vậy. Ông không cần phải rèn rũa cái gì. Chỉ cần đừng làm trái các chủ trương, chính sách, đường lối lúc nào cũng đã có sẵn, đừng có vi phạm luật pháp là ông vẫn sống tốt.

Hơn nữa, ông còn chẳng cần phải bước một bước nào ra khỏi cái làng Hoàng Ngôn của ông, ông vẫn đã từng là hạt nhân quan trọng của vùng đất này. Ông đã từng là Anh hùng trong một tập thể Anh hùng.

Điều này thì dù gần chùa gọi Bụt bằng anh, lại khá coi thường những người không chịu phấn đấu, Sáng cũng phải thừa nhận là đúng. Trên đầu giường của cha anh treo hẳn bốn chiếc bằng khen Gia đình vẻ vang và vô số giấy khen các loại.

Những thành tích ấy của cha Sáng đã giúp ông có một lần đã suýt trúng chân Phó Bí thư chi uỷ Hoàng Ngôn. Nhưng rồi các bậc trưởng lão trong làng Hoàng Ngôn đều nói rằng: nhà đồng chí Thưởng có bốn bằng Liệt sĩ, về mức độ cống hiến cho Tổ quốc thế là cũng nhỉnh hơn gia đình các đồng chí khác một chút. Nhưng đồng chí Thưởng còn để cho thằng con trai út - thằng Sỏi - mắc tội: phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Thằng Sỏi đã từng bị công an xã tạm giam mất hai ngày. Như thế một là lý lịch gia đình đã có vết. Hai là luật nhà thực thi còn chưa nghiêm thì chưa thể nói đến chuyện xứng danh đại diện cấp Đảng lãnh đạo nhân dân trong làng xã được.

Cái chức Phó Bí thư ấy vì thế trượt khỏi tay cha Sáng.

Song sự thực sâu xa ông Thưởng biết quá rõ: đâu phải tại tội lỗi ở Sáng. Ở làng Hoàng Ngôn hiện nay Bí thư và Phó bí thư chi uỷ đều đã xấp xỉ bảy mươi. Để giải thích: tại sao Ban chấp hành chi uỷ lại già cỗi như vậy? Cả chi uỷ đã kể lể công tích rằng: hai cụ đều có quá khứ anh hùng vì đã từng đi bộ đội vào tận chiến trường ác liệt ở Quảng Trị và Tây Ninh. Một người đã từng được cấp bằng khen Dũng sĩ diệt Mỹ. Người kia lại được công nhận Dũng sĩ diệt xe tăng.

Hơn thế nữa mỗi cụ lại cùng đứng đầu một dòng họ lớn nhất trong làng nên Chi uỷ phải biết vì tình thế thế thời phải thế. Phải bầu hai cụ là Bí thư và Phó bí thư thay phiên, và ngược lại cũng làm Chủ tịch xã và Phó chủ tịch xã luân lưu để giữ lấy cái hoà khí giữa hai họ lớn nhất nơi thôn ổ. Cũng chính vì thế mà địa vị của hai cụ ấy ở làng Hoàng Ngôn là một địa vị đáng để tự hào, đáng để mơ ước với bao nhiêu người ở ngay trong làng xã.

Thật ra thì các cụ ở Hoàng Ngôn cứ đại ngôn cho mình thế, chứ Sáng biết tỏng: chẳng phải đến bây giờ các cụ vẫn quá giỏi giang chẳng còn ai có khả năng để thay thế, mà là vì những nhân vật tài ba xuất sắc, những thanh niên sức vóc, năng nổ, nhiệt tình hầu như đã đi hết khỏi làng và chẳng ai muốn về lại quê nhà lập nghiệp khi đã học hành xong, đã thành tài.

Chảy máu chất xám đang là vấn nạn của cả thế giới. Và làng Hoàng Ngôn có vẻ như ngoài tất tần tật các vấn đề khác ra, cũng được vinh dự đứng ngang tầm thời đại trong vấn đề này. Giờ đây làng Hoàng Ngôn hầu như chỉ còn toàn các cụ già, đàn bà, con gái nhỏ tuổi và trẻ em. Thanh niên, nam giới có và còn sức vóc đều bỏ làng đi nơi khác phấn đấu, làm ăn, kiếm sống.

Còn cha Sáng, chính vì đã có lần có số phiếu trúng được chân phó Bí thư ấy mà rồi lại không được làm nên điều đó đã khiến cho đến tận bây giờ ông cũng vẫn còn đang bực bội.

Sự bất công hồi ấy đã khiến cha Sáng đổ hết tội lỗi làm ông không có danh trên đường đời lên đầu Sáng.

Sự bất công ấy cũng đã làm cha Sáng uất hận cho rằng đối với ông chẳng nơi nào đáng lập danh trên trái đất này hơn lập danh ngay ở chính cái làng Hoàng Ngôn của ông.

Ông phải thành công ngay trước mắt chúng nó cho chúng nó trắng mắt ra mà nhìn.Và chính cái tính ngang ngạnh, ương gàn bất chấp thời thế ấy đã khiến ông không thèm biết đến nơi này ngoài cái làng Hoàng Ngôn này.

Nhưng, than ôi! Sáng lại quá biết các làng bãi ngang là loại làng nghèo nhất trong các loại làng ven biển! Mà làng nghèo nhất trong số tất cả các làng bãi ngang lại chính là làng Hoàng Ngôn của cha Sáng!

Vậy mà ông lại tự hào vì cả đời chưa từng bước chân ra khỏi nó. Cả đời tôn sùng mảnh đất quê hương - mảnh đất bãi ngang ruột thịt. Chẳng dám cười! Đâu phải là đỉnh!

Cha anh yêu quê hương! Quá được! Nào có ai dám chê trách chuyện đó đâu. Anh cũng yêu quê hương! Sáng cũng yêu cái làng nghèo khó của mình lắm chứ! Nhưng yêu đến mức bất chấp thế thái nhân tình - bất chấp lý trí - một mình một chân lý chẳng cần tri thức gì cả như bố anh thì quả là bất ổn... Nhưng biết làm sao được! Đã là con dân của làng Hoàng Ngôn - bãi ngang mà không ngang mới lạ.

Nhưng chẳng ai ngang đến cực điểm như cha Sáng: vô cùng ngang - vô cùng bảo thủ - lại còn sĩ diện đến vô cùng nữa. Ông như thể chính là tiêu điểm hội tụ những đặc tính ngang của dân làng bãi ngang - vùng giữa chẳng hẳn đất, chẳng hẳn cát - vùng đất bãi nối biển với đất nguyên thổ trong vùng.

Trong cuộc họp bàn về làm cổng làng, lẽ ra phải nhũn nhặn với cả làng, phải phân tích cho toàn thể bô lão cái được của làng khi cho con trai mình đứng ra tài trợ làm cho làng một cái cổng làng hoành tráng thì ông lại tự ái phát khùng nói lung tung: “Đúng! Thằng Sỏi là một thằng đã từng có tội xâm phạm tài sản Xã hội chủ nghĩa. Nó đã bị bắt giam vì bị tình nghi là giết người đấy. Nó có vết thật, không được như con các ông bà đâu. Nó không có chỗ để ở trong cái làng này, nên nó mới phải đi làm giàu thật lớn ở ngoài thiên hạ cho ối kẻ ức rực máu mắt ra. Thôi các ông bà không cần phải bàn đến nó nữa. Mà tôi cũng sẽ cấm nó từ nay không có được nhắc tới cái chuyện làm cổng, làm kiếc gì cho cái làng này nữa!...”.

Thế là đâm trúng vào lòng tự trọng của toàn thể các bô lão. Thế là tối hôm qua ngày mồng 19 tháng 6 dự định bấy lâu nay của Sáng đã bị đổ bể vô phương cứu chữa trong cuộc họp.

Sáng buồn bã, nhắm mắt lại, anh cố thiếp đi một lúc cho đỡ mỏi mệt, nhưng mãi vẫn không sao ngủ đi cho được. Anh thấy mình cứ trằn trọc, trằn trọc và thở dài không yên mãi, không biết vì sao.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83711


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận