Tại văn phòng hãng môi giới nhà đất Williamson, một người đàn ông trẻ tuổi, vẻ mặt lanh lợi đứng lên đón khách.
- Chào thiếu tá Burnaby.
- Chào anh.
- Vụ án mạng thật khủng khiếp, phải không thưa thiếu tá? - anh ta kêu lên, có vẻ muốn trò chuyện - Đã bao nhiêu năm, ở thị trấn Exhampton này chưa xảy ra vụ nào ghê rợn đến như vậy...
Thiếu tá chặn dòng thác lời lẽ kia lại:
- Xin giới thiệu với ông, thanh tra Narracott.
- Rất hân hạnh...
Viên thanh tra nói:
- Ông có thể cung cấp cho tôi một số thông tin được không? Chính ông đã môi giới việc thuê tòa lâu đài ở làng Sittaford?
- Cho bà khách của chúng tôi, phu nhân Willett? Vâng đúng thế.
- Xin ông cho biết một số chi tiết xung quanh việc thuê nhà đó. Bà khách đến nhờ ông giới thiệu hay trước đó bà ta đã biết có tòa lâu đài đó?
- Bà ấy gửi thư hỏi chúng tôi... Xin ông chờ cho một chút... - Anh ta mở ngăn kéo, lấy ra một hồ sơ - Thư gửi từ khách sạn Carlton, London.
- Trong thư, bà khách có nói cụ thể đến lâu đài Sittaford không?
- Không. Bà ấy chỉ ngỏ ý muốn nghỉ vụ đông năm nay trong vùng núi Dartenson, và đề nghị tôi giới thiệu cho một tòa nhà có tối thiểu tám phòng ngủ. Gần ga xe lửa hay gần một thành thị nào không quan trọng.
- Lâu đài Sittaford có được đăng ký cho thuê ở hãng của ông không?
- Không. Nhưng đấy là tòa nhà duy nhất trong khắp vùng này đáp ứng đúng những yêu cầu của bà khách hàng. Bà ấy còn nói rõ với hãng chúng tôi là sẵn sàng trả tiền thuê tới mười hai ghi-nê một tuần. Do thấy như vậy chúng tôi bèn liên hệ với đại úy Trevelyan. Đại úy đồng ý và công việc được thu xếp ổn thỏa.
- Bà Willett chưa cần xem tòa nhà?
- Bà ấy không cần. Nhận được thư trả lời là bà ấy ký ngay vào bản hợp đồng. Rồi hôm đó, bà thuê ôtô đến đây, thỏa thuận trước với ông đại úy về vấn đề những tấm khăn trải và những bộ thìa nĩa bằng bạc, đồng thời thăm tòa nhà.
- Bà khách tỏ vẻ hài lòng?
- Lúc quay lại hãng chúng tôi, bà ấy cho biết là bà ấy rất hài lòng về tòa lâu đài Sittaford.
- Ông có nhận xét gì về bà khách đó không? - viên thanh tra hỏi, chăm chú nhìn người đàn ông trẻ tuổi.
- Trong nghề chúng tôi, chúng tôi đã quen không ngạc nhiên về chuyện gì bao giờ.
Sau câu trả lời mang tính triết lý ấy, thanh tra Narracott cùng thiếu tá Burnaby cáo từ.
* * *
Lát sau họ bước vào văn phòng hai công chứng viên Walter và Kirkwood. Người bảo vệ cho biết ông Kirkwood vừa đến, và mời hai vị khách vào phòng giấy.
Kirkwood đã đứng tuổi, vẻ mặt hiền lành. Sinh trưởng ở thị trấn Exhampton, ông ta đã nối nghiệp ông nội và cha trong nghề công chứng này. Ông ta đứng dậy, lấy vẻ mặt đau buồn, đưa tay bắt tay thiếu tá Burnaby:
- Chào ông thiếu tá Burnaby. Quả thật là một câu chuyện thương tâm. Tội nghiệp đại úy Trevelyan!
Ông ta nhìn thanh tra Narracott vẻ dò hỏi, thiếu tá Burnaby bèn giới thiệu thanh tra Narracott.
- Vậy ra ông được giao điều tra vụ án?
- Vâng, thưa ông Kirkwood. Và tôi đến đây để hỏi vài điều cần làm rõ.
- Rất hân hạnh nếu có thể giúp ích ông thanh tra được điều gì - viên công chứng nói.
- Tôi muốn biết chi tiết về bản chúc thư của đại úy Trevelyan. Hình như bản chúc thư đó được cất giữ tại văn phòng của ông?
- Vâng.
- Đã lâu chưa?
- Khoảng năm hoặc sáu năm trước đây. Lúc này tôi chưa thể nói chính xác.
- Thưa ông Kirkwood, tôi muốn biết càng sớm càng tốt tên những người được đại úy cho hưởng thừa kế. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi.
- Thật vậy sao? Tôi lại không nghĩ như vậy. Nhưng ông thanh tra biết rõ vấn đề ấy hơn tôi.
Ông ta đưa mắt nhìn thiếu tá Burnaby.
- Thiếu tá Burnaby và tôi là hai người nhận trách nhiệm thi hành bản chúc thư. Nếu ông thiếu tá thấy không có gì trở ngại...
- Tôi không có gì trở ngại.
- Nếu vậy, tôi xin thỏa mãn yêu cầu của ông thanh tra.
Nhấc máy điện thoại trên bàn giấy, Kirkwood nói câu gì đó. Hai phút sau, nhân viên đem vào một chiếc phong bì to, dày, đưa chủ. Khi nhân viên đã đi ra, Kirkwood mở phong bì bằng con dao dọc giấy, lôi ra một văn bản, rồi hắng giọng, đọc rành rọt:
“Tôi, Joseph-Arthur Trevelyan, cư trú tại lâu đài trong làng Sittaford, quận Devon, ngày 13 tháng Tám 1926, có nguyện vọng sau khi chết như sau:
1. Tôi chỉ định ông John Edward Burnaby, cư trú tại xóm "biệt thự” trong làng Sittaford, và ông Frederic Kirkwood, công chứng viên tại thị trấn Exhampton, là hai người chịu trách nhiệm thi hành bản chúc thư này.
2. Tôi cho Robert Henry Evans, đầy tớ trung thành của tôi, khoản tiền là một trăm (100) bảng, nếu cho đến ngày tôi qua đời anh ta vẫn còn làm việc cho tôi.
3. Biếu ông John Edward Burnaby, để tỏ lòng quý mến tình bạn với ông, toàn bộ số giải thưởng thể thao của tôi, kể cả những bộ đầu và da thú, những chiếc "cúp" và các giải thưởng khác.
4. Tôi trao toàn bộ các bất động sản nào không trái với các điều khác trong bản chúc thư này cho hai người thi hành bản chúc thư, để hai người đó đem bán.
5. Khoản tiền bán được, hai người thi hành chúc thư sẽ dùng để trả phí tổn cho tang lễ, phí tổn trong việc thi hành chúc thư, và thanh toán các món nợ nếu lúc đó tôi còn mắc. Aau đó chia thừa kế theo lời ghi trong bản chúc thư này.
6. Toàn bộ số tiền còn lại được chia làm bốn phần.
7. Một phần trao cho chị ruột tôi, Jennifer Gardner.
Ba phần còn lại dành cho ba người con của bà chị quá cố của tôi. Mary Pearson.
Tôi, Joseph-Arthur xác nhận bản chúc thư này là ý nguyện cuối cùng của tôi.
CHỮ KÝ CỦA NGƯƠI LÀM CHÚC THƯ VÀ CỦA HAI NGƯỜI LÀM CHỨNG
Ông Kirkwood đưa bản chúc thư cho thanh tra Narracott.
- Hai trong số các nhân viên của tôi đã có mặt, chứng kiến việc ký lên bản chúc thư này.
Viên thanh tra đọc lại bằng mắt bản chúc thư.
- … Bà chị đã quá cố, Mary Pearson. Thưa ông Kirkwood, ông vui lòng cho biết thêm một số chi tiết về bà Pearson này.
- Bà ta đã mất cách đây khoảng một chục năm, còn ông chồng của bà, một nhân viên ngân hàng, đã mất trước cả vợ. Theo tôi biết, chưa bao giờ bà đến đây gặp ông Trevelyan...
- Pearson... - viên thanh tra lẩm bẩm - Còn một điều nữa, trong bản chúc thư không thấy nói cụ thể trị giá tài sản của đại úy Trevelyan là bao nhiêu. Theo ông thì số tài sản, toàn bộ khoảng bao nhiêu?
- Câu hỏi của ông rất khó trả lời...
Giống như mọi người làm nghề pháp lý khác, ông Kirkwood này chuyên biến những vấn đề đơn giản nhất cũng thành phức tạp. Ông nói:
- Ngoài lâu đài ở Sittaford, ông đại úy còn sở hữu một dinh cơ trong vùng Plymouth. Chưa kể khi thi hành bản chúc thư, sẽ còn nảy sinh nhiều diễn biến khác.
- Tôi chỉ cần con số gần đúng.
- Tôi không dám liều lĩnh đưa ra một con số nào hết...
- Thí dụ hai chục ngàn bảng chẳng hạn. Liệu có đến thế không?
- Hai chục ngàn? Thưa ông thanh tra kính mến. Trị giá toàn bộ tài sản của đại úy Trevelyan phải gấp bốn lần con số đó là ít. Nếu ông nói tám chục hoặc chín chục ngàn nghe còn tạm được.
Thiếu tá Burnaby nói chen vào:
- Tôi đã nói với ông ấy rồi: đại úy Trevelyan giàu hơn nhiều so với người ta tưởng.
Thanh tra Narracott đứng dậy:
- Thưa ông Kirkwood, vô cùng cảm ơn ông đã bỏ công giúp dỡ chúng tôi.
- Nhưng ông tin rằng những thông tin này giúp ích được ông trong việc tìm ra hung thủ? - Công chứng viên Kirkwood hỏi.
Nhưng thanh tra Narracott hoàn toàn không muốn thỏa mãn trí tò mò của ông công chứng.
- Trong những vụ án như thế này, chúng tôikhông được quyền bỏ qua một chi tiết nào. Nhân đây, xin hỏi thêm, ông biết địa chỉ của bà Jennifer Gardner và của gia đình Pearson không?
- Tôi hoàn toàn không biết gì về gia đình Pearson, còn địa chỉ bà Jennifer Gardner thì tôi có đây: Biệt thự "Hoa hồng", đường Waldon, thị xã Exter.
Viên thanh tra cảnh sát ghi địa chỉ đó vào cuốn sổ tay.
- Chà, lại thêm một loạt công việc nữa đây. Bà Mary Pearson đã quá cố có mấy con, thưa ông Kirkwood?
- Theo tôi biết thì ba: hai gái một trai, hoặc hai trai một gái, tôi không nhớ chính xác.
Thanh tra Narracott nhét cuốn sổ vào túi, xin cáo từ.
* * *
Ra đến đường, đột nhiên ông quay sang viên thiếu tá, nhìn thẳng vào mắt ông này.
- Bây giờ chỉ có hai chúng ta. Ông có thể cho tôi biết sự thật về cái "năm giờ hai mươi nhăm" kia chứ?
Viên thiếu tá đỏ mặt.
- Tôi đã nói với ông mấy lần rồi...
- Nhưng tôi chưa thỏa mãn. Ông còn giấu tôi một sự thật nào đó. Thiếu tá Burnaby, việc ông nói đến cái giờ đó với ông bác sĩ không thể không có lý do... Tôi tin rằng tôi đã đoán được đằng sau câu nói đó là cái gì rồi.
- Nếu đã biết, sao ông còn phải hỏi tôi?
- Một người nào đó đã đến gặp đại úy Trevelyan vào giờ đó... và ông biết có chuyện đó, đúng thế không?
Viên thiếu tá im lặng. Rồi ông ta lầu bầu:
- Tôi phản đối. Tôi không biết gì cả.
- Ông cẩn thận đấy, thiếu tá Burnaby! Ông biết anh chàng tên là James Pearson chứ?
- James Pearson? Là ai vậy? Một người cháu của đại úy Trevelyan chăng?
- Tất nhiên rồi. Đại úy Trevelyan có một người cháu trai tên là James Pearson.
- Điều ấy tôi không biết. Tôi biết Trevelyan có mấy người cháu, nhưng tôi không biết tên.
- James Pearson đã nghỉ trong khách sạn Ba Vương Miện đêm qua. Rất có thể ông đã nhận ra anh ta.
- Tôi không nhận ra ai cả. Mà tôi cũng chưa bao giờ gặp một đứa cháu nào của đại úy Trevelyan.
- Nhưng ông biết là chiều hôm qua ông đại úy có chờ một trong mấy người cháu ấy đến đây thăm ông ta?
- Tôi đã bảo tôi hoàn toàn không biết kia mà - viên thiếu tá giận dữ quát lên.
Mấy người đi đường quay mặt lại nhìn họ.
- Tại sao ông không chịu tin tôi, ông thanh tra? Tôi hoàn toàn không biết chuyện một người cháu Trevelyan đến đây gặp ông ấy. Tôi chỉ biết mấy người cháu ấy hiện đang sống tại Tombouctou!
Thanh tra Narracott sửng sốt. Thái độ giận dữ của viên thiếu tá khiến ông thấy rõ ông ta không nói dối.
- Nếu vậy "năm giờ hai mươi nhăm' nghĩa là sao?
- Tốt nhất là tôi đành kể toàn bộ câu chuyện với ông vậy.
Thiếu tá Burnaby tỏ ra ngượng ngừng, ông khẽ ho thông cổ họng rồi nói:
- Thật ra tôi không tin những chuyện nhảm nhí ấy. Mình là người hiểu biết, đâu có thể tin chuyện mê tín ấy được…
Rồi thái độ mỗi lúc một ngượng ngùng, ông kể:
- Chẳng là để chiều ý thích của bà ấy, nhiều khi con người ta phải chơi cái trò ngu xuẩn ấy.
- Trò gì chẳng hạn, thưa thiếu tá?
- Chúng tôi đã chơi trò "bàn ma".
- Ra thế!
Thế là thiếu tá Burnaby, vừa luôn miệng thanh minh là mình không tin, vừa kể lại hiện tượng kỳ lạ diễn ra chiều hôm qua tại lâu đài Sittaford, trong phòng khách bà phu nhân thuê lâu đài của đại úy Trevelyan.
Thanh tra Narracott kinh ngạc.
- Cái bàn đánh vần tên "Trevelyan" và chính do đấy mà ông tìm đến nhà ông ta và phát hiện vụ án mạng?
Thiếu tá Burnaby lấy khăn tay lau mồ hôi trán.
- Tất nhiên rồi... Lúc đó tôi vẫn chưa tin. Nhưng hôm qua là Thứ sáu, cho nên tôi quyết định cứ thử ra thị trấn Exhampton để gặp ông bạn xem sao.
Tuy viên thiếu tá ra sức thanh minh là ông ta không tin nhưng thanh tra Narracott thấy rõ là ông ta bị ấn tượng rất mạnh về điều "hồn ma" cho biết. Chẳng thế, ông ta lại quyết định cuốc bộ mười cây số giữa lúc trời mưa tuyết rất lớn, và đường xá thị ngập tuyết, để "xem" ông bạn thân thiết ra sao? Nghĩ như vậy, nhưng chính bản thân thanh tra Narracott cũng không biết nên cắt nghĩa hiện tượng kia thế nào. Chẳng lẽ trò chơi "bàn ma" kia lại chứa đựng phần nào sự thật? Dù sao thì đây cũng là lần đầu tiên ông chứng kiến một trường hợp có thật. Nếu sự phát hiện của "hồn ma" kia xác nhận nguyên nhân khiến ông thiếu tá ra thị trấn Exhampton, thì nó cũng không liên quan gì đến vụ án mạng. Thanh tra Narracott đã lý luận như vậy, bởi đối với ông thế giới trần gian quan trọng hơn thế giới ma quỷ.
Nghề của ông là khám phá các vụ án.
Mà công việc đó không thể dựa vào các sức mạnh siêu nhiên.
Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8!