Hoang bi cổ mộc thiên niên quốc
(Chu Mạnh Trinh, Đề Cổ-loa miếu)
Dịch nghĩa:
Bia tàn cây cỗi cố quốc nghìn thu hận
Chu Tường Qui kêu lên:
– Đào công tử, người có sao không?
Nàng chạy lại bên cạnh Đào Kỳ. Đào Kỳ giả vờ ôm ngực ngồi dậy, mặt nhăn nhó khổ sở:
– Cám ơn cô nương, tôi không sao cả.
Đào Kỳ ngồi dậy nói:
– Chu công tử, tôi còn thiếu công tử bảy chiêu nữa.
Minh Châu cản:
– Đào công tử, ngươi không địch nổi sư huynh tôi đâu, chịu thua đi cho xong chuyện.
Đào Kỳ lắc đầu:
– Cám ơn cô nương có lòng chiếu cố. Nhưng tôi còn thiếu Chu công tử bảy chiêu nữa.
Rồi nó đứng dậy thủ thế.
Chu Quang vọt người lên, đá một phi cước vào người nó. Chân trái vào ngực, chân phải vào mặt... Kình lực mạnh như vũ bão.
Đào Kỳ chờ cho chân Chu Quang sắp chạm vào người mình, nó mới thụp người xuống, loạng choạng như người say rượu, miệng đếm:
– Bốn chiêu.
Chu Quang thấy mình đá hụt, nổi giận, đánh một chưởng chiêu số rất kỳ ảo. Đào Kỳ cúi đầu xuống, hai tay che lấy mặt, vận sức chịu đòn. Miệng đếm:
– Năm chiêu.
Cứ thế đến chiêu thứ chín, nó nói:
– Chu công tử, còn một chiêu nữa.
Chu Quang móc trong túi ra hai vật đen thui như hai trái dưa màu vàng liệng xuống trước mặt Đào Kỳ. Minh Châu, Chu Tường Qui đồng kêu thét lên:
– Chết!
Đào Kỳ thấy ánh lửa loé lên. Nó biết là điều bất tường vội nhảy vọt người lên cao. Tai nó nghe hai tiếng nổ kinh hồn dưới chân, khói đen mờ mịt. Ở trên cao, nó đá gió một cái người rơi xuống đất. Chân chấm đất, nó ngửi thấy mùi khét rất khó chịu. Biết là trong khói có chất độc, nó vội nín hơi, nhảy liền ba bước, ra khỏi vùng khói.
Nó vận khí, hít một hơi dài, thấy chân khí lưu thông như thường, nó mới yên tâm nhìn Chu Quang.
Thấp thoáng bóng xanh, một người đã nhảy đến trước mặt Chu Quang tát y hai cái bốp, bốp mắng:
– Đồ hèn mạt!
Đào Kỳ trông nhận ra người đó là Lê Đạo Sinh, y chắp tay:
– Lục-trúc tiên sinh!
Minh Châu, Tường Qui cùng hành lễ:
– Thái sư phụ!
Lê Đạo Sinh hỏi Đào Kỳ:
– Cháu thử hít hơi mạnh xem có sao không?
Đào Kỳ hít một hơi dài, không thấy có gì khác lạ. Nó lắc đầu. Lê Đạo Sinh chỉ mặt Chu Quang mắng:
– Mi là đồ hư thân. Đào công tử không thù, không oán, cũng không có lời lẽ xúc phạm tới mi, mà mi dùng võ công thượng thừa để đánh người. Mi đánh thua còn dùng ám khí. Ta phải đập chết mi mới được. Mi mau lại tạ lỗi với Đào công tử.
Đào Kỳ xua tay:
– Lão tiên sinh! Chúng cháu là ngoại hậu bối, qua lại với nhau mấy chiêu, không đáng để tiên sinh phải quan tâm.
Lê Đạo Sinh mặt đỏ lên:
– Mi thấy không, Đào công tử đây tác phong danh gia, nên không chấp với mi đó.
Bất đắc dĩ Chu Quang phải đến bên Đào Kỳ chắp tay tạ ba lễ.
Lê Đạo Sinh chỉ mặt Chu Quang nói:
– Mi phải đi về với ta. Ta sẽ phạt mi 36 roi đòn về tội hành sự vô thiên vô pháp hôm nay.
Nguyên Lê Đạo Sinh chế ra một thứ ám khí cực kỳ khủng khiếp là Hoả-lưu. Vỏ bên ngoài bằng chì pha với đồng, bên trong là mấy trăm hạt chì nhỏ, trộn với thuốc kịch độc và lưu hoàng thành một thứ chất nổ. Khi ném ra lưu hoàng chạm vỏ chì, phát thành tiếng nổ, làm cháy thuốc độc và mấy trăm viên cùng bắn ra. Người nào bị viên chì văng trúng là bị thương. Vết thương có chất độc, sẽ đau đớn rên la trong mười ngày rồi thịt thối ra mà chết cực kỳ thảm thiết. Trái Hoả– lưu này chỉ những đệ tử của Lê Đạo Sinh mới được giữ mỗi người một trái. Chu Quang là đệ tử đời thứ ba đáng lẽ không được giữ, nhưng vì đã học được bản lĩnh cao ngang hàng với sư thúc, sư bá, nên Lê Đạo Sinh đặc biệt cho y hai trái. Trong lúc sắp bị thua cuộc Đào Kỳ, phải làm nô bộc suốt đời theo lời hứa, y mới đem ra dùng, mong kết liễu tính mệnh nó. Nhưng nó dùng khinh công thượng thừa tránh được.
Lê Đạo Sinh dắt con ngựa của ông cho Đào Kỳ nói:
– Đào công tử, người với Minh Châu, Tường Qui tiếp tục dạo chơi, và cố quên chuyện hôm nay đi. Đây ngựa của lão phu, công tử cỡi mà đi chơi.
Thấy Đạo Sinh xử sự nghiêm cẩn, Đào Kỳ sinh ra kính phục. Với những hành động như thế hèn chi thiên hạ không tôn ông là Lục-trúc tiên sinh. Nhưng hình ảnh nhà tù giam Nguyễn Phan với Đặng Thi Kế lại trở về trong đầu nó, khiến nó tự hỏi:
– Lục-trúc tiên sinh là người xấu hay người tốt? Việc ông đối xử với ta phân minh: Khi ta thua phải làm nô bộc, thì ông bắt ta làm nô bộc. Khi hết hạn nô bộc, chịu lời uỷ thác của Nghiêm đại ca, ông coi ta là khách. Như vậy ông tốt với ta. Nhưng ông giam Đặng Thi Kế với Nguyễn Phan thì thực là trái với nghĩa hiệp. Hiện ta khó mà phân biệt được ông là người tốt hay xấu.
Đào Kỳ lên ngựa, cùng Tường Qui, Minh Châu rời trang Thái-hà dạo chơi. Ba người đến bờ sông nhỏ, giòng nước đục ngầu, vì sông thông với sông Hồng-hà. Tường Qui hỏi Đào Kỳ:
– Đào đại ca! Tôi gọi vậy cho thân nghe. Đại ca ở Thái-hà trang có buồn không? Hay là bây giờ chúng ta đi Long-biên hay Cổ-loa chơi đi. Đại ca là người phái Cửu-chân, thì phải đi Cổ-loa chơi một lần cho biết. Vì Cổ– loa là cố đô Âu-lạc, đại ca sẽ tìm lại di tích của An Dương vương, Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung, là những vị anh hùng đất Việt thủa xưa, cũng là tổ sư phái Cửu-chân của đại ca.
Nghe tiếng nói trong trẻo, ngọt ngào của Tường Qui, Đào Kỳ nhận lời liền:
– Nếu Chu cô nương muốn vậy thì chúng ta cùng đi Cổ-loa. Từ đây đến Cổ-loa đâu có xa gì?
Minh Châu đề nghị:
– Tôi là sư muội của chị Tường Qui, ngôi thứ đã định sẵn. Còn công tử với chị em tôi, cứ một điều công tử, một điều cô nương mãi thì mất thân thiện đi. Bây giờ thế này, chúng ta so tuổi, ai lớn hơn là anh chị, như vậy chả hơn ư?
Tường Qui đồng ý. Nàng so tuổi, cả ba người ngang nhau, nhưng Đào Kỳ lớn hơn Tường Qui bốn tháng, nàng gọi nó:
– Đào đại ca, tôi ở vai dưới rồi.
Đào Kỳ ngây ngất:
– Như vậy từ nay tôi là anh của hai cô nương.
Ba người phi ngựa, hướng Cổ-loa. Ngựa của Thái-hà trang toàn tuấn mã, nên phi như bay. Đào Kỳ nghe thấy bên tai gió vù vù, cây cỏ bên đường một màu xanh biếc, giật lùi về phía sau. Chỉ hơn giờ đã tới một con sông chảy siết. Tường Qui phất tay dừng ngựa lại cho sải bước rồi nói:
– Con sông này trước kia vốn không có tên. Sau có thành Cổ-loa mới đổi gọi là sông Cổ-loa. Ngày nay sông Cổ-loa đổi thành sông Thuỷ-châu, lấy tên ghép của Trọng Thuỷ và Mỵ Châu mà thành.
Ba người tới bến đò. Nhà đò thấy ba người cỡi ngựa, đeo kiếm thì biết là thuộc giòng dõi cao sang, chạy ra tiếp. Minh Châu hỏi:
– Chúng tôi ba ngựa và ba người, nhà đò lấy bao nhiêu tiền?
Chủ đò nói:
– Ba ngựa thì đi một thuyền lớn. Ba vị một thuyền nhỏ. Xin cho 60 đồng. Nếu các cô, cậu muốn trở về thì chỉ tính 30 đồng nữa là 90 đồng.
Minh Châu gật đầu:
– Được tôi thưởng cho ông 10 đồng nữa là 100 đồng.
Ba người bước xuống đò. Đào Kỳ nhớ lại cách đây mấy năm nó với sư tỷ cũng qua sông Hồng-hà, rồi bị Nguyễn Tam Trinh nhận chìm đò bắt sống. Nên nó chú ý theo dõi nhà đò. Đò chưa ra sông thì hai người tấu nhạc đã làm việc. Đây là một cặp vợ chồng. Chồng khoảng 30, vợ khoảng 25 tuổi. Chồng thổi tiêu, vợ kéo nhị, và hát. Tiếng tiêu lên cao vút vọng đi khá xa, dội xuống mặt nước, hợp với sóng nước rung rinh, làm thành một điệu nhạc buồn thảm vô cùng. Tiếng nhị thánh thoát tỉ tê. Hai âm điệu hoà hợp nhau, khiến Đào Kỳ phải cau mày:
– Khúc hát này là khúc gì mà buồn như vậy?
Người đàn bà kéo nhị cất tiếng ngâm sa mạc:
Nhớ xưa tám tám vua Hùng,
Dựng thành đất Việt, anh hùng phương Nam.
Đào Kỳ chú ý nhìn ống tiêu, thấy một màu xanh biếc. Trên ống tiêu có khắc nhiều hình người. Nó nhìn kỹ thì rõ ràng đó là những chiêu thức đồ hình của võ thuật. Người đàn ông ngưng thổi tiêu, nó hỏi:
– Này bác ơi, ống tiêu của bác đẹp quá, bác cho tôi coi được không?
Người đàn ông không nói năng gì, đưa ống tiêu cho nó. Nó cầm lên xem, giật bắn người lên. Vì đó là những chiêu thức võ công của phái Cửu-chân.
Nó hỏi:
– Ống tiêu này bác mua của người ta, hay bác tự tay làm ra?
Người đàn ông trả lời:
– Thưa do chính tôi làm lấy.
Đào Kỳ càng tò mò hơn:
– Những đồ hình võ học này là ở... đâu?
Người đàn ông thổi tiêu lơ đãng:
– Nó là võ học ư? Công tử muốn thì tôi bán cho.
Đào Kỳ nói:
– Giá bao nhiêu?
Người đó nói:
– Bao nhiêu cũng không bán, nếu công tử kêu được tên chiêu thức đó thì tôi cho không.
Đào Kỳ ghé vào tai ông ta:
– Đó là chiêu Loa thành nguyệt hạ.
Người đàn ông trao tiêu cho Đào Kỳ:
– Tôi tặng công tử đấy.
Đào Kỳ cầm ống tiêu bỏ vào túi, thì thuyền đã đến bến. Người thổi tiêu nói:
– Tôi tên là Chu Thổ Quan, vợ tôi họ Quách tên Thiên Lý. Chẳng hay công tử thuộc giòng dõi Lạc-hầu nào?
Đào Kỳ đoán đây là người nhà mình, nên nó dùng giọng Cửu-chân trả lời:
– Tôi ở Cửu-chân.
Chu Thổ Quan á lên một tiếng nói:
– Chắc công tử tới đây lần đầu. Tôi đưa công tử đi thăm thành Cổ-loa, xin công tử trả cho tôi ít tiền sinh sống được không?
Đào Kỳ gật đầu:
– Được chứ, được chứ.
Tường Qui móc túi đưa cho Chu Thổ Quan 200 đồng:
– Chu tiên sinh, tôi tạ tiên sinh 200 để được tiên sinh đưa đi chơi, xin tiên sinh nhận cho.
Tiền mướn người hồi đó, giá cao nhất một ngày là mười đồng, thế mà Tường Qui trả đến 100 đồng một người, tức là gấp mười. Đã vậy nàng còn dùng danh từ tạ và gọi là tiên sinh thực ít có.
Chu Thổ Quan chắp tay:
– Cô nương cho như vậy là nhiều quá rồi, lại còn dạy quá lời thực chúng tôi không dám.
Minh Châu cười:
– Chu tiên sinh! Tiên sinh tấu nhạc trên con sông chở khách vãng lai. Người trần mắt thịt thì gọi tiên sinh là xẩm sáng, coi tiên sinh là một thứ ăn xin. Còn chúng tôi, chúng tôi nhìn cái hồn nhạc ở trong người tiên sinh. Khi tiên sinh tấu nhạc, là tiên sinh đem tất cả cái ảo diệu âm thanh dâng cho chúng tôi. Chúng tôi lắng tai nghe, nhận tất cả những ân huệ đó. Đã vậy còn được tiên sinh dẫn đi ngoạn cảnh Cổ-loa, dù tạ 100 đồng chứ đến một quan (600 đồng) cũng không xứng. Với 100 đồng, chúng tôi chỉ có thể nói rằng tạ tiên sinh mà thôi.
Đào Kỳ nghe Minh Châu nói, làm nó suy nghĩ:
– Hai thiếu nữ này là đệ tử danh gia có khác. Tư thái khác phàm. Dù đối với người nghèo khó, vẫn lịch sự. Khổng-tử dạy rằng lễ kính là kỷ cương của trời đất quả đúng vậy.
Nó đoán Chu Thổ Quan chắc chắn là người nhà rồi. Nếu ông không là người của chú cũng là người của bố nó. Nó phải tìm cách hỏi thăm tin tức bố và chú nó mới được.
Chu Thổ Quan chỉ tay về phía trước:
– Kìa là thành Cổ-loa, cố đô của Âu-lạc ta.
Tường Qui hỏi:
– Tôi nghe nói rằng, ngày xưa vua An-dương vương nhà Thục định xây thành Cổ-loa, cứ xây lại bị đổ. Sau được thần Kim-qui hiện lên trừ ma tà, yêu quái, thành mới xây xong. Thần còn dâng cho vua cái móng rùa để làm nẫy nỏ. Bắn một phát cả ngàn người chết, không biết có đúng không?
Chu Thổ Quan thở dài:
– Đó là sau khi Triệu Đà đánh chiếm Âu-lạc, rồi y bịa ra như vậy, để dân chúng quên những anh hùng Lĩnh Nam mà thôi. Câu chuyện như thế này: Sau khi thắng vua Hùng lập ra nước Âu-lạc, vua An-dương nhà Thục muốn xây một cái thành lớn cho kiên cố để chống giặc. Ngài ngỏ ý ấy với Vạn-tín hầu Lý Thân. Vạn-tín hầu vẽ một kiểu thành như hình trôn ốc dâng lên. Vua An-dương thuận, và nhờ Vạn-tín hầu tìm địa điểm. Ngài chu du khắp nơi, cuối cùng tìm ra nơi này, có con sông chảy uốn khúc. Xây thành như vậy hai mặt giáp sông, đã là hiểm trở, còn hai mặt do đường bộ đi vào. Ngài đào hào sâu, làm cổng để phòng vệ. Nếu địch do mặt sông để tấn công vào, thì ta ở trên thành bắn xuống, chúng sẽ bị bại. Còn do mặt bộ đánh vào, thuỷ quân theo hình trôn ốc từ trong thành tiến ra đánh mặt hậu. Thành chia ra làm ba khu vực. Khu bên ngoài là dân chúng ở. Khu này được bao bọc bởi lớp đê dài 16.000 trượng (32 cây số ngày nay).
Thổ Quan chỉ một bức tường cao dài, cỏ xanh trước mặt:
– Kìa là lớp đê ngăn nước. Đê cao cả chục thước như vậy, để nước sông khỏi tràn ngập. Đứng ở phía ngoài nhìn vào, chẳng thấy gì cả. Lát nữa ta vào trong sẽ thấy những đồn, ụ, phòng thủ rất kiên cố. Giả thử quân Thục bị thua, chạy về cố thủ. Giặc phải chiếm được cái đê này trước đã. Quân trú phòng phía trong để bắn tên ra. Quân ở ngoài tấn công, leo lên đốc đê, sẽ làm mồi cho cung tên.
Đoàn người vượt qua cái cổng thứ nhất lên mặt đê. Chu Thổ Quan chỉ phía trong đê:
– Kìa các vị nhìn xem, phía trong đê cứ một khoảng lại có một đồn nhỏ. Đồn đóng được gần 100 quân, để phòng thủ lớp đê. Sau khi giặc thắng tràn qua lớp đê này, đã mệt mõi, bị thương tích nhiều, làm sao còn sức đánh vào lớp thành thứ nhất. Quý vị hãy nhìn xem, với lớp thành cao thế kia, mà quân tấn công lớp mệt mỏi, lớp bị thương, làm sao mà công phá cho được.
Bọn Tường Qui nhìn theo tay chỉ của Chu, thấy một vòng luỹ cao vòi vọi:
– Chu tiên sinh, lớp luỹ này cao đến 20 trượng không?
Chu Thổ Quan gật đầu:
– Cô nương ước tính đúng, lớp luỹ ngoài cao trên 20 trượng (40 mét), chân luỹ rộng 15 đến 20 trượng. Mặt luỹ từ 6 đến 8 trượng. Lớp luỹ này bao bọc phần thứ nhất của thành chu vi khoảng 4.000 trượng. Trong lớp luỹ là nơi các quan ở.
Ba người đã vào đến cửa thành. Họ phải đi qua một cây cầu bắc ngang cái hào rộng đến mười trượng. Cầu có hai sợi dây lớn nối liền với cổng thành. Khi hữu sự thì quân trong thành quay cái bánh xe cuốn dây, cầu được kéo lên. Cổng thành đóng lại.
Ba người cảm thấy như nhỏ bé lại trước lớp luỹ đồ sộ. Trên mặt luỹ, quân lính Hán đi lại canh phòng, người ngựa rầm rập. Trong thành có nhiều nhà cửa cao lớn, khang trang.
Chu Thổ Quan chỉ những nhà đó nói:
– Đó là những dinh thự của các đại thần thời Âu-lạc. Ngày nay người Hán ở. Ngôi nhà có năm góc, ngói xanh kia là dinh của Cao-cảnh hầu Cao Nỗ. Cao-cảnh hầu là người chế ra thần nỏ Âu-lạc, bắn một phát hàng ngàn mũi tên, khiến cho 50 vạn quân Tần phải bỏ xác, và Triệu Đà kinh hồn động phách. Ngài là tổ sư của phái Hoa-lư. Trải qua 200 năm, dinh thự còn đó, nhưng con cháu ngài không được ở, mà bọn người Hán đến ở. Ôi đau xót biết bao, tủi nhục biết bao?
Chỉ sang phía trái, ông nói:
– Kia là dinh của Vạn-tín hầu Lý Thân, tổ sư của phái Long-biên. Dinh của ngài rất lớn. Vạn-tín hầu xưa đã từng đánh Hung-nô, ruổi ngựa khắp Vạn-lý trường thành, đánh thắng hết các anh hùng Trung-nguyên, oai danh một thời, nhưng nay thì dinh của ngài để cho người Hán ở. Thực là mối hận vạn cổ.
Đào Kỳ nhìn theo bốn dãy nhà bốn bên, ở giữa là một dinh thự rất đẹp. Trong dinh có người ở nhưng cây cối điêu tàn, cỏ cây xơ xác.
Chu Thổ Quan thở dài:
– Xưa kia đây là thủ đô Âu-lạc, oai linh một thủa. Nay vua An-dương vương ở đâu? Vạn-tín hầu ở đâu? Cao-cảnh hầu ở đâu? Trung-tín hầu ở đâu? Bia tàn cây cỗi, ngàn đời hận vong quốc. Tổ tiên ta xưa oanh liệt một thời. Vạn-tín hầu sang Lạc-dương đánh thắng các anh hùng của Tần Thuỷ-hoàng, sau đó lĩnh ấn nguyên soái đánh Hung-nô. Hung-nô sợ không dám nhập Trung-nguyên. Trung-tín hầu giết Đồ Thư tại trận, quân Tần vỡ mật rút lui. Thế mà chỉ vì một người con gái Âu-lạc nhẹ dạ, đến nỗi như thế này.
Chu Thổ Quan dẫn ba người đi thăm hết các dinh thự cũ cố đô, đến một góc thành có miếu thờ, hương khói nghi ngút.
Chu Thổ Quan nói:
– Kia là đền thờ vua An-dương và các anh hùng thời Âu-lạc. Chúng ta nên tới đó hành hương, để tưởng niệm.
Đền thờ vua Thục An-dương được xây tại một góc thành. Đào Kỳ thấy lối kiến trúc giống như đền thờ Cao-cảnh hầu Cao Nỗ mà nó đã đi qua. Đền được làm trên một khoảng đất rộng, xung quanh có hàng rào trúc, cắt xén rất tinh vi. Cổng vào, cột tô sơn đỏ, mái ngói xanh. Trên cột có rồng uốn khúc, đầu rồng trên nóc cổng nhả ra một viên châu. Cổng có ba cửa vào, cửa chính ở giữa lớn, lúc nào cũng đóng. Hai cửa hai bên vừa hai người đi thì mở cho khách tới lễ. Vào trong cổng là một cái hồ nhỏ trong trồng sen, có cá chép vàng bơi lội. Trên bờ hồ trồng đủ mọi loại hoa. Trước khi vào đền, phải qua một cái hàng hiên. Hai bên hiên có hai ngôi tượng rất lớn, tay cầm đao, đó là hai thần giữ cửa. Vào trong đền, ở giữa tượng An-dương đắp bằng đất, rất linh động, lưng đeo bảo kiếm, ngồi trên ngai. Bên phải một người cực kỳ cao lớn, đeo bảo kiếm, bên trái một người khác mặc quần áo võ quan, tay cầm cung, tay cầm tên. Phía trước một người cầm gậy đập xuống đầu ba người quỳ gối: Một nam, một nữ còn trẻ và một người già.
Chu Thổ Quan:
– Người ngồi giữa là vua Thục An Dương. Người to lớn hùng vĩ là Vạn-tín hầu Lý Thân, người đeo cung tên là Cao-cảnh hầu Cao Nỗ. Người cầm gậy đánh vào đầu kẻ gian là Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung. Ba người quỳ gối thì nữ là Mỵ Châu, nam là Trọng Thuỷ, còn lão già là Triệu Đà.
Trong đền hương khói nghi ngút, huyền ảo. Ông từ giữ đền thấy năm người vào lễ, vội bước ra chào:
– Quý khách ở phương xa tới lễ đức vua phải không?
Đào Kỳ gật đầu:
– Vâng, chúng tôi xin được lễ đức vua và các vị trung thần.
Ông từ gọi hai thiếu nữ mặc áo vàng lên điện. Một người đánh chuông, một người đánh trống. Đào Kỳ quỳ trước điện, Minh Châu, Tường Qui đồng quỳ xuống bên cạnh. Đào Kỳ lễ bốn lễ rồi khấn:
– Đệ tử là Đào Kỳ, thuộc phái Cửu-chân, xin khấn trước các vị tổ sư: Đệ tử nguyện xin dâng cả cuộc đời cho công cuộc phản Hán phục Việt. Xin các vị tổ sư linh thiêng, phò hộ cho đệ tử sớm được gặp những bậc anh tài để phò tá.
Bên cạnh Đào Kỳ, Minh Châu, Tường Qui cùng khấn theo, nhưng hai nàng khấn nhỏ quá, Đào Kỳ không biết các nàng khấn những gì.
Ba người cùng lấy tiền đưa cho ông từ để mua đèn hương và tu bổ đền. Đào Kỳ còn lưu luyến không muốn rời khỏi đền, nó hỏi ông từ:
– Lão bá, chẳng hay đền được xây từ hồi nào vậy?
Ông từ mắt mơ màng nhìn về xa xưa nói:
– Sau khi giòng họ Triệu bị người Hán đánh dẹp, dân chúng các nơi kéo về đây họp nhau, thu góp tài vật xây đền. Cho đến nay gần 100 năm rồi. Quý khách đây là con dân Việt hay đệ tử của Âu-lạc?
Đào Kỳ chỉ Tường Qui, Minh Châu giới thiệu:
– Hai vị cô nương đây coi như đệ tử của Vạn-tín hầu.
Còn chàng chỉ Chu Thổ Quan:
– Tiên sinh với tôi đều là đệ tử của Trung-tín hầu.
Ông từ mặt đầy vẻ thiện cảm:
– Thế thì mời quý vị viếng thăm giếng Trường hận là nơi Trọng Thuỷ nhảy xuống tự tử, sau khi đã chôn xác Mỵ Châu.
Ông dẫn năm người đến dưới gốc cây đa thực lớn, chỉ cái giếng khá sâu:
– Đây là cái giếng Trọng Thuỷ đã nhảy xuống tự tử chết theo Mỵ Châu. Từ ngày đó, trong thành Cổ-loa mọc ra một thứ hoa màu tím, có lấm tấm trắng. Trong nhuỵ quả hiện ra hình một người đàn ông cúi đầu như khóc. Người ta đồn đó là hình Trọng Thuỷ, hoa được gọi là hoa Trường-hận.
Tường Qui mắt phượng mở to quát:
– Trọng Thuỷ! Nếu hồn ngươi có sống quanh đây hãy nghe ta nói: Ta chỉ là một cô gái Việt nhỏ bé, tuổi chưa quá 17, nhưng ta đã trải qua nhiều đêm nhìn trăng uống hận vong quốc. Ngươi được vua An Dương thương yêu, cho ở rể. Được Mỵ Châu tin tưởng ngươi. Ngươi nỡ lòng nào dẫm lên đại lượng của vua An Dương, chà đạp lên tình yêu của Mỵ Châu, phá vỡ hết hệ thống nỏ thần trên thành, ăn cắp bí mật chế nỏ, rồi chiếm nước người... Dù ngươi hối hận chết đi một lần, chứ chết đi đến một trăm lần cũng không chuộc được tội ngươi.
Nàng rút kiếm lia một nhát, bao nhiêu hoa Trường-hận trên bờ giếng đứt sát hết tới tận gốc. Cơn giận hình như chưa hết, mắt phượng sắc như dao, còn nhìn vào những cây hoa nằm dưới đất như muốn băm vằm ra.
Chu Thổ Quan rút trong túi ra một ống tiêu, đưa lên miệng thổi, tiếng tiêu cao vút lên tận mây xanh, toả vào không gian vô tận, dài liên miên bất tuyệt. Đào Kỳ nhận ra tiếng tiêu đó là bản Cổ-loa di hận mà nó đã được nghe cách đây mấy năm ở trên bờ sông Hồng-hà do Nguyễn Tam Trinh tấu. Có điều Tam Trinh tấu trên sông nước mênh mông. Còn Chu thổ Quan lại tấu ngay trên cảnh điêu tàn của Cổ-loa, thành ra tiếng tiêu thê thảm như con mất cha, nức nở như tiếng vợ mất chồng và ai oán như thiếu phụ nhan sắc mặn nồng giữa ngày xuân phải xa tình lang, khiến người ngồi đó phải cúi đầu khổ não.
Tường Qui rút kiếm chỉ về phương Bắc nghiến răng:
– Đệ tử, Chu Tường Qui, xin thề trước Quốc-tổ, sẽ dùng cả đời để phản Hán phục Việt. Nếu đệ tử không giữ lời thề, sẽ như cây này.
Nàng rút kiếm chém vèo một cái, cây lúc lác bên cạnh bị tiện trọn từ gốc.
Quách Thiên Lý tay kéo nhị, miệng ca:
Lĩnh Nam anh hùng,
Lĩnh Nam địa linh,
Lĩnh Nam anh kiệt,
Đất Lĩnh Nam chừ! Đã hai trăm năm,
Giặc Hán đến,
Anh hùng đâu?
Điêu tàn thành cổ, nước sông trôi,
Cây cỏ khóc chừ! Người đời vô tình,
Ai đó nghe ta hát chừ! Tỉnh giấc đi thôi,
Ăn ngon chừ,
Mặc đẹp chừ,
Nhà đẹp chừ,
Vợ đẹp chừ,
Cúi đầu như trâu như ngựa,
Non nước điêu tàn, vong quốc mênh mang.
(dịch bài Cổ-loa di hận)
Năm người xuất hồn, như mê như tỉnh. Chu Thổ Quan dẫn bọn Đào Kỳ đi vào giữa thành, chỉ vào lớp tường cao nói:
– Đây là lớp trong cùng của Cổ-loa. Đó là cung điện của vua An Dương. Ngày nay là nơi đồn trú của một quân Hán. Bọn này chịu quyền điều khiển của Bình-nam đại tướng quân, chứ không chịu quyền điều khiển của thái thú. Kìa các vị coi lớp luỹ bên trong cao, rộng hơn lớp luỹ bên ngoài mấy trượng. Trên có nhà chòi, đó là nơi đặt những dàn nỏ thần của Cao-cảnh hầu. Triệu Đà đánh bao lần đều bại. Nhưng nhờ Trọng Thuỷ phá hoại các dàn nỏ, thành ra chúng mới tiến vào dễ dàng như vậy.
Trời đã ngả về chiều, Đào Kỳ khẽ nháy mắt cho Chu Thổ Quan tách ra xa Tường Qui, Minh Châu hỏi:
– Chu tiên sinh, chẳng hay tiên sinh thuộc chi phái nào của phái Cửu-chân?
Chu Thổ Quan thở dài nói:
– Tôi thuộc chi phái Chu trang.
Đào Kỳ tỉnh ngộ:
– Trong chín Lạc-hầu vùng Cửu-chân, thì Chu Khải Anh là người xu phụ theo thái thú Nhâm Diên, nên có nhiều đệ tử bỏ phiêu bạt khắp nơi. Không biết Chu Thổ Quan là người thế nào với Chu Khải Anh?
Quách Thiên Lý cúi mặt xuống, buồn rầu nói:
– Cũng là Cửu-chân, nhưng công tử là con của Đào hầu, phản Hán phục Việt, danh vang Lĩnh-nam. Còn thúc phụ của chúng tôi thì làm tôi cho giặc. Cho nên chúng tôi thà đi ăn mày, chứ không ở trong trang của người.
Chu Tường Qui thấy Đào Kỳ và vợ chồng Chu Thổ Quan lui ra xa nói chuyện. Nàng đoán rằng họ có nhiều điều bí mật muốn trao đổi với nhau nên lãng đến chỗ buộc ngựa chờ đợi.
Quách Thiên Lý liếc nhìn Đào Kỳ:
– Năm trước chúng tôi nghe chuyện Đào, Đinh trang bị đánh, Đào, Đinh hầu đều thoát, nhưng không biết phiêu bạt nơi nào. Sau nghe có một số đệ tử thoát thân, ở nhờ Cao-cảnh hầu tại Hoa-lư. Chúng tôi tới nơi tìm, thì nhị đệ tử là Trịnh Quang nói rằng: Trước khi xảy ra trận đánh cảng Bắc, Đào hầu dặn rằng, sau này có bị thất lạc, sẽ gặp nhau ở Cổ-loa. Bởi vậy chúng tôi đến đây giả là phường tấu nhạc bên sông, khắc võ công Cửu-chân lên ống tiêu, hầu người Cửu-chân đến thì nhận ra nhau.
Đào Kỳ bây giờ mới hiểu ra:
– Thế thì từ hồi đó đến giờ, sư huynh đã gặp bao nhiêu người của Đào, Đinh trang rồi?
Chu Thổ Quan buồn rầu:
– Gặp thì có gặp, nhưng không gặp Đào hầu đâu. Đầu tiên tôi gặp một cô nương cực kỳ xinh đẹp, võ công cao cường, đi cùng với một thiếu niên thuộc phái Sài-sơn. Cô nương xưng là tam đệ tử của Đào hầu.
Đào Kỳ lộ nét mặt vui mừng trên mặt:
– Đúng đấy! Người ấy là sư tỷ của tôi họ Hoàng tên Thiều Hoa.
– Sau đó ba người nữa, một người xưng là Đào Hiển Hiệu, một người xưng là Đào Quí Minh cùng đi với một người con gái là Đào Phương Dung. Dường như ba người là anh em ruột. Họ ở rất xa đến. Họ cùng đi tìm Đào hầu. Tôi hỏi họ ở đâu thì họ nói rằng họ đến từ huyện Đăng-châu.
Đào Kỳ nghe kể, lòng nó rộn lên mừng, vì ba người họ Đào đó là em con chú nó là Đào Thế Hùng. Bố nó, và tất cả mọi người đều tưởng rằng Thế Hùng ở Cổ-loa, không ngờ ông lại ở Đăng-châu.
Nó hỏi:
– Họ chỉ nói ở Đăng-châu thôi sao? Họ không nói rõ ở trang động nào?
Chu Thổ Quan lắc đầu:
– Họ không tin chúng tôi, nên chỉ nói sơ lược, rồi lưu lại Cổ-loa một tháng, dường như để tìm Đào hầu. Sau không thu được tin tức gì, họ lại ra đi. Như vậy cho đến nay Đào hầu, Đinh hầu vẫn không có tin tức gì!
Đào Kỳ từ biệt vợ chồng Chu Thổ Quan rồi cùng Chu Tường Qui, Minh Châu trở về Thái-hà trang.
Đào Kỳ vừa định ăn cơm, thì con nữ tỳ hầu nó đến nói:
– Công tử, Lục-trúc tiên sinh mời công tử đến dùng cơm chung với lão gia.
Đào Kỳ thay quần áo, rồi lên phòng ăn riêng của Lê Đạo Sinh. Đức Hiệp mở cửa phòng dẫn nó vào. Trong phòng ăn có Lê Đạo Sinh, Hoàng Đức, vợ chồng Chu Bá, vợ chồng Lục Mạnh Tân, và bọn anh em Tường Qui. Đào Kỳ thấy Lục Mạnh Tân, nó tiến tới trước mặt ông chắp tay hành lễ:
– Con xin kính cẩn vấn an thầy. Chúc thầy được vạn an.
Lục Mạnh Tân nắm tay Đào Kỳ:
– Người đời đi tìm thầy. Nhưng thầy cũng đi tìm học trò. Thầy được một người đồ nhi như Đào Kỳ thì không uổng một đời đi dạy học.
Lê Đạo Sinh vẫy Đào Kỳ:
– Hôm nay các cháu đi chơi Cổ-loa về phải không? Chắc lại thăm đền thờ của An-dương? Nào, cuộc đi chơi có gì hay kể xem nào?
Minh Châu là người nhanh miệng, nàng tường thuật từ đầu đến cuối cuộc đi chơi. Lê Đạo Sinh luôn gật đầu. Ông vuốt tóc Minh Châu, Tường Qui lòng đầy tự hào:
– Ông mừng lắm. Ông già rồi, đang cố gắng bước đi từng bước. Đời ông cần phải hoà hoãn với người Hán, để bảo tồn trang ấp, môn hộ. Nếu cuối đời, ông làm được việc gì thì tốt. Còn nếu không làm được việc gì thì các cháu sẽ kế tục. Nhưng mà...
Ông ngừng lại một lúc tiếp:
– Đào công tử với các cháu làm những chuyện đó giữa khu vực Hán quân không chừng họ đã biết hành tung của các cháu, e sau này gặp khó khăn đấy. Thôi được, chúng ta ăn cơm đi. Từ nay Đào công tử đừng ăn riêng nữa, lên đây ăn với chúng ta, cùng thảo luận cho vui. Đào công tử với chúng ta đang đi cùng đường.
Đào Kỳ thấy Lê Đạo Sinh coi nó như người nhà, nó cảm thấy nhẹ lâng lâng. Nó liếc nhìn Chu Tường Qui, bất chợt cũng gặp nàng nhìn nó. Bốn mắt nhìn nhau, nó cảm thấy tim đập mạnh, tự nghĩ:
– Có lẽ nàng cũng như mình, cũng mong có dịp gặp nhau. Nay ông ngoại nàng cho mình lên đây ăn uống cùng, đi chơi cùng thì còn gì sướng hơn.
Chu Quang thấy ông ngoại đối với Đào Kỳ ngày càng tử tế, thì bực mình:
– Ông ngoại, cháu không hiểu câu ông ngoại nói: Chúng ta đang đi cùng đường với Đào công từ là thế nào?
Lê Đạo Sinh cười:
– Có gì mà không hiểu. Chúng ta hoà hoãn với người Hán, để đợi một ngày kia, thực lực đã đủ thì mới khôi phục đất Lĩnh Nam. Đào công tử cũng thế. Công tử là con nhà danh gia, nhưng thân thiết với Lĩnh Nam công, thế thì không cùng đường lối với ta là gì?
Chu Tường Qui liếc nhìn Đào Kỳ:
– Đào đại ca, cách đây bốn năm, đại ca còn ít tuổi, tại sao lại thân được với Lĩnh Nam công, uy quyền bậc nhất thiên hạ, chỉ thua có vua Hán thôi?
Đào Kỳ thuật chi tiết trận đánh cảng Bắc, gặp Nghiêm Sơn thế nào cho mọi người nghe, rồi nó kết luận:
– Bố tôi dạy: Quân thù có gì tốt cũng phải nhận là tốt. Ta có gì xấu phải biết là xấu. Đừng vì ghét người mà cái xấu của mình bảo là của người. Đừng vì tự ái mà cái tốt của người lấy làm của mình. Người Hán có Nghiêm Sơn, có Lục tiên sinh, tôi nghĩ... thực đáng kính phục.
Cơm xong, mỗi người đi một ngả chơi. Tường Qui nheo mắt với Đào Kỳ một cái. Nó nghĩ thầm:
– Chắc nàng có điều gì muốn nói với ta đây. Ta phải đi theo nàng mới được.
Tường Qui lững thững đi về phía bờ sông. Trời đã về chiều, mặt trời toả ánh nắng đỏ rực, rọi ngang trên sông nước đỏ ngầu. Màu đỏ của nước, ánh đỏ của mặt trời tạo thành một màu đỏ óng ánh. Tường Qui xuống một con đò đậu ở bến. Đào Kỳ biết con đò to lớn trần thiết cực kỳ xa xỉ này là du thuyền của Lê Đạo Sinh. Thuyền có ba tầng, tầng dưới là phòng để uống rượu, đọc sách. Tầng giữa để ngủ và tầng trên cùng để đánh đàn, ngoạn cảnh.
Tường Qui xuống thuyền, dơ tay ngoắc Đào Kỳ. Tim nó đập loạn lên, không tự chủ được, bước theo.
Tường Qui dắt nó leo lên tầng trên. Trong căn phòng có treo đủ các thứ nhạc khí: Nào sáo, nào đàn, nào trống cơm... không thiếu một thứ gì.
Tường Qui phất tay một cái, thuyền phu nhổ sào, bẻ lái, con thuyền từ từ trôi ra giữa sông, rồi cho chạy xuôi giòng. Tường Qui cầm cây đàn bầu bật dây mấy cái, tiếng đàn kéo dài như rung rinh theo sóng nước. Nàng vừa đàn vừa ca:
Yến yến vu phi,
Si trì kỳ vũ,
Chi tử vui qui,
Viễn tống vu dã,
Chiêm vong phất cập,
Thế khấp như vũ.
Yến yến vu phi,
Hiệt chi hàng chi,
Chi tử vu qui,
Viễn vu tương chi,
Chiêm vọng phất cập,
Trữ lập dĩ khấp.
Yến yến vu phi,
Hạ thượng kỳ âm,
Chi tử vu qui,
Viễn tống vu Nam,
Chiêm vọng phất cập,
Thực lao ngã tâm.
Đào Kỳ biết nàng hát một bài ca trữ tình trong kinh Thi, mà ý nghĩa như sau:
Kìa trông yến bay,
Cánh lên, cánh xuống.
Nàng đi theo ai?
Tiễn nàng ra đồng,
Trông theo chẳng thấy,
Khóc lóc như mưa.
Kìa trông yến bay,
Hàng lên, hàng xuống.
Nàng đã theo ai?
Nhìn theo không kịp,
Theo nàng đi xa,
Đứng nhìn nhỏ lệ.
Kìa trông yến bay,
Tiếng kêu đau thương.
Nàng đi lấy chồng,
Tiễn nàng về Nam,
Nhìn theo chẳng hịp,
Lòng này khổ đau.
Đào Kỳ hồn bay bổng theo tiếng đàn:
– Tường muội, tại sao em lại ca bài ca đó?
Tường Qui vẻ buồn man mác:
– Anh là người văn võ kiêm toàn. Năm xưa nghe tiếng đàn của đệ tứ Thái-bảo phái Sài-sơn mà biết được tâm sự của ông. Ông khen đại ca là đệ nhất tri kỷ. Nay đại ca nghe tiếng đàn, câu hát của em không lẽ không hiểu sao?
Đào Kỳ tưởng nàng hát chơi một khúc, không ngờ trong tiếng đàn còn có ngụ ý gì nữa đây, mà nó không hiểu. Tường Qui cúi đầu xuống vừa đàn, vừa hát, tiếng hát ngân dài thê thảm:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống ruộng cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Ba đồng một mớ trầu cau,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thủa nào ra?
Nàng hát xong, Tường Qui cúi đầu xuống nước mắt nhỏ từng giọt. Đào Kỳ rung động tâm hồn:
– Thì ra Tường Qui đã có chồng rồi. Bây giờ bèo mây dun dủi nàng gặp ta. Hai đứa ý hợp tâm đầu. Nhưng nàng như cá cắn câu, chim vào lồng, biết sao ra thoát.
Thuyền vẫn trôi đều trên sông. Trăng chiếu xuống nước lung linh. Đào Kỳ nhìn lên bầu trời, mây lững lơ bay về phương trời xa. Nó buông tiếng thở dài não nuột. Tường Qui đã lại ngồi bên nó, ngắm trăng. Hai tay nàng ôm gối, mặt hơi nghiêng nghiêng nhìn trời, nước mắt nhỏ xuống vai Đào Kỳ. Nó thấy một vật động đậy, lạnh buốt đụng vào tay nó. Nó nắm lấy, thì ra bàn tay của Tường Qui. Tường Qui gục đầu vào vai nó. Người nó như bay tít lên mây xanh, không tự chủ được nữa, nó ôm đầu nàng vào ngực. Thuyền vẫn cứ trôi. Tường Qui kể:
– Năm 15 tuổi, bố em hứa gã em cho con quan huyện lệnh Đăng-châu. Lễ lộc đã đủ. Mấy hôm nữa thì sẽ làm lễ cưới. Nhưng... trên đường về thăm ông ngoại, em gặp anh. Cùng một tâm tư phản Hán phục Việt, cùng trong làng võ với nhau, khiến em với anh như gặp nhau tự thủa nào! Nhưng... em không biết làm sao đây?
Thời bấy giờ phụ mẫu quyền cực kỳ mạnh. Cha mẹ quyết định cưới gả hết. Con cái không được tự quyết một điều gì. Bên Trung-hoa thời này thì trai gái không được tự do gặp nhau. Nhưng vùng Lĩnh-nam, tộc Việt không chịu khuôn khổ quá chặt chẽ của Khổng, Mạnh, nên Đào Kỳ mới được gặp riêng Tường Qui.
Tường Qui khóc:
– Em gặp anh đây, giống như nhìn trăng dưới nước, chỉ thấy ánh trăng, mà không biết trăng như thế nào. Mai em sẽ về làm dâu họ Trương, rồi cách biệt ngàn trùng.
Đào Kỳ vuốt tóc Tường Qui:
– Em nói, bố em hứa gả cho con quan uuyện lệnh Đăng-châu, vậy thì chồng em là người Hán sao?
Tường Qui gật đầu. Bây giờ Đào Kỳ mới hiểu tại sao khi đi lễ ở đền vua An Dương, nàng lại ghét Trọng Thuỷ và người Hán đến thế. Chàng thấy tâm tính nàng không giống ông ngoại với cha.
Tường Qui cúi đầu lau nước mắt:
– Chỉ còn mấy hôm nữa, em phải về nhà, rồi làm một Mỵ Châu. Lấy chồng Hán. Nhục nhã, tủi hận. Vậy trong những ngày còn ở đây, em xin anh luôn gần em...
Thuyền đã cập bến, hai người lên bờ. Tường Qui về phòng. Đào Kỳ cũng về phòng. Nó nằm vật xuống giường, buồn vô tận. Từ lúc gặp Tường Qui, nó như lạc hồn vào thiên thai. Hai người tâm đầu ý hợp. Tuy chỉ một ngày gần nhau, mà như đã sống bên nhau hàng chục năm. Bây giờ nghe tin Tường Qui đã có chồng, nó như người rơi từ cao xuống vực thẳm. Nó phải làm gì bây giờ? Nó chợt nhớ đến Lục Mạnh Tân. Ừnhi! Tại sao nó không tìm để vấn kế. Hoặc giả nó với Tường Qui cũng làm như Mạnh Tân với Phương Lan không được sao?
Nó ra khỏi phòng, khép cửa lại, thì thấy một bóng đen chạy vụt về phía phòng Minh Châu. Nó vốn có cảm tình với nàng, nên nó rất quan tâm đến việc này. Nó vội theo bén gót. Bóng kia đến trước cửa phòng, gõ cửa ba cái. Có tiếng mở cửa phòng, rồi tiếng Minh Châu hỏi:
– Bố đấy phải không?
Bóng đen đáp lại:
– Ừ, bố đây. Bố vào phòng con rồi sẽ nói.
Cánh cửa khép lại.
Lòng Đào Kỳ đầy nghi ngờ:
– Hoàng Đức muốn gặp con gái, thì ngang nhiên gọi nàng đến phòng mà hỏi. Cớ sao lại phải lén lút như vậy? Ta phải nghe xem có chuyện gì mới được. Biết đâu chẳng liên quan tới ta?
Nó rón rén lại ghé tai bên cửa sổ nghe. Tiếng Hoàng Đức hỏi:
– Con đi chơi với Đào Kỳ, có thu được tin tức gì không?
Có tiếng Minh Châu đáp:
– Không có nhiều.
Rồi nàng thuật lại việc gặp vợ chồng Chu Thổ Quan cho Hoàng Đức nghe. Hoàng Đức nghe xong nói:
– Con phải nhớ, thái sư phụ và bố đưa con về đây để làm một việc trọng đại cho nhà ta, cho việc khôi phục Lĩnh-nam. Từ lúc thái sư phụ gặp Đào Kỳ, người đã nói với ta phải giữ nó ở trong trang, hy vọng cha, chú, cậu của nó sẽ tìm đến. Bấy giờ ta chỉ khẽ ra tay là bắt được hết. Nhưng bốn năm qua, chúng ta không được tin tức gì của họ. Rồi tự nhiên xảy ra vụ thái sư phụ bị mất cắp, ta bị đánh trọng thương. Ta với đại sư bá và hai vị sư thúc gặp một đối thủ lợi hại bịt mặt trong đêm... Thái sư phụ nghi tất cả chỉ do một người của Đào trang gây ra. Người này tất có vai vế cao hơn Đào Thế Kiệt, nên võ công y cực cao. Từ đấy thái sư phụ tỏ ra chiều chuộng, thương yêu Đào Kỳ, cho con đi bên cạnh nó, may ra biết được tung tích người kia.
Tiếng Minh Châu nói:
– Con thấy Đào Kỳ thực là người có khí phách, tại sao chúng ta phải coi anh ấy là kẻ thù nghịch, mà không kéo anh ấy về với Thái-hà mưu đồ cùng thống nhất võ công Lĩnh Nam.
– Con chẳng hiểu gì cả. Ta cần là cần người có võ công cao ẩn nấp trong Thái-hà trang. Nếu kiếm được y ta sẽ có tất cả võ công tối cao của Cửu-chân. Ta sẽ dùng võ công đó, cho những người khác của Cửu-chân tập. Họ sẽ là người của ta, mà võ công tuyệt cao. Hôm nay ta biết chắc Đào Kỳ có liên lạc với người bí mật đó. Vì lúc Chu Quang ném Hoả-lựu, y đã dùng thân pháp Long– biên, lẫn với Cửu-chân có pha Tản-viên. Đúng là thứ võ công của người bí mật đánh trong đêm hôm nọ.
– Con xin bố một điều, dù gì, cha cũng không được hại Đào đại ca.
– Con thực đoảng quá! Bố đã hứa gả con cho Chu Quang rồi, tháng sau sẽ cưới, tại sao con lại có tình ý với Đào Kỳ?
Tiếng Minh Châu gắt lên:
– Con có tình ý gì đâu? Con thấy anh ấy là người có tư cách, có chí khí thì không muốn hại anh ấy mà thôi.
Tiếng Hoàng Đức cười:
– Thái sư phụ biết hắn không có cảm tình với con. Hôm nay bọn con đi chơi. Thái sư phụ cho người đi theo bén gót, thấy nó với sư tỷ Tường Qui tình ý đậm đà. Chiều nay hai người xuống cấm phòng của thái sư phụ tình tứ. Chúng ta biết hết. Thái sư phụ bảo để cho gã Đào Kỳ mê sư tỷ con, rồi tháng sau gả sư tỷ cho họ Trương, làm cho nó thất tình, khổ sở, thì tự nhiên để lộ hết chân tướng, chúng ta sẽ tìm ra kẻ bí mật kia là ai?
Những câu về sau Hoàng Đức nói nhỏ quá, Đào Kỳ không nghe thấy gì nữa. Một lát thấy Hoàng Đức trở ra, Minh Châu khép cửa lại rồi vào phòng.
Đào Kỳ trở về phòng, toát mồ hôi lạnh:
– Thì ra bấy lâu nay ta vẫn là con chim mồi để bắt bố và cậu ta, nhưng không hiểu người ở đâu mà không xuất hiện. May mắn ta đọc được võ công trong cây gậy đồng, xuất hiện đánh với Hoàng Đức và bọn Đức Hiệp, chúng tưởng ta là tiền bối cao nhân của Cửu-chân. Chúng còn độc ác, dùng cả con cháu vào việc mưu đồ bất chính nữa. Nhưng... Minh Châu đối với ta đầy chân tình. Tường Qui đối với ta tình sâu hơn biển. Ta không thể tiếp tục để cho nàng khổ sở nữa. Ta... phải thoát khỏi nơi này mới được.
Nhưng trước khi đi, ta phải từ biệt Tường Qui đã.
Nó lấy giấy viết mấy chữ:
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu,
Cầu chi bất đắc:
Ngụ mị tư phục.
Du tai, du tai,
Triển, chuyển, phản trắc.
Mấy câu này nó lấy ý trong bài thơ Quan-thư của kinh Thi nói rằng “Có người con gái xinh đẹp. Người quân tử đem lòng yêu mến mà cầu. Cầu mà không được, nên ngủ, thức tưởng nhớ. Nhớ quá, quay phải, nằm sấp, nằm ngửa đều thương”. Rồi nó lấy khăn che mặt, tiến lại phía phòng Tường Qui. Nó khẽ đẩy cửa sổ, lén bỏ bức thư vào rồi lùi lại, đi về phía Nam trang. Nó đi được một quãng thì nghe rõ ràng có người theo sau. Tiếng chân rất nhẹ. Nó đoán là Hoàng Đức hoặc Đức Hiệp. Bất thình lình nó quay lại, thì thấy người kia ẩn vào gốc cây. Nó tiến tới gốc cây, vung tay đẩy một chưởng. Người kia thấy bị lộ, cũng phóng chưởng đỡ lại. Hai chưởng gặp nhau, bộp một tiếng. Người kia lùi lại, còn nó đứng im. Người kia lên tiếng:
– Thì ra ngươi.
Tiếng nói của Đức Hiệp. Đào Kỳ lại nói giọng khàn khàn:
– Chúng ta có cần tái đấu không?
Đức Hiệp không nói gì, trầm người xuống, phóng một chưởng cực mạnh về phía trước. Nó nhận ra là chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng. Không muốn chùng chình lâu, nó cũng vận chiêu Ác ngưu nan độ Âm nhu phản công. Bịch một tiếng. Đức Hiệp lùi lại, lảo đảo muốn không vững. Một người trong bóng tối nhảy ra đỡ Đức Hiệp, phóng chưởng đánh nó. Nó nhận ra chiêu Ngưu tẩu như phi, chưởng lực cực kỳ hùng mạnh, trên đời nó chưa từng thấy. Nó hít một hơi vận đủ mười thành công lực, đánh trả bằng chiêu Ngưu tẩu như phi nhưng vận Âm kình. Bịch một tiếng, ngực nó muốn nổ ra, người bắn về sau. Còn người kia lêu lên:
– Tuyệt lắm, đỡ chưởng nữa của ta.
Nó hoảng kinh, vì nhận ra tiếng Lê Đạo Sinh, nó vội nhảy trái, phóng vào đêm tối mất dạng.
Ghi chú của thuật giả:Kể từ năm 1975, các cơ quan mà tôi làm việc luôn luôn cấm tôi về Việt-Nam, cũng như vùng biên giới Hoa-Việt. Năm 1990, sau khi Tổng-thống Pháp François Mittérand sang thăm Việt-Nam, và ký một số hiệp ước, thì hai cơ quan mà tôi làm việc là viện Pháp-á (Institut Franco-Asiatique viết tắt là IFA) và Liên-hiệp các viện bào chế dược phẩm (Coopérative Européenne Pharmaçeutique viết tắt là CEP) đổi hẳn thái độ. Cả hai nơi luôn cử tôi đi trong phái đoàn với chức vụ cố vấn, làm việc tại Việt-Nam.
Trong những lần về như vậy, tôi lại dẫn các bạn Pháp thăm di tích lịch sử Việt-Nam. Di tích về An Dương vương là một. Tôi đã tìm ra được hai đền chính thờ ngài và các anh hùng thời Âu-lạc.
Đền thứ nhất tại xã Cổ-loa. Nói ra thực buồn, tôi nghiên cứu tất cả các tours mà những công ty du lịch lớn như Việt-Nam tourist, Sai-gòn tourist quảng cáo bán ở hải ngoại, dĩ chí những tours ngắn do những công ty nhỏ trong nước cũng... giống nhau: Không có tours nào giới thiệu Cổ-loa cả. Ngay một số tài xế của các công ty cho thuê xe, khi nói đến Cổ-loa, họ cũng phải hỏi thăm đường. Công ty duy nhất, là công ty Nghi-tàm, có thể cung cấp cho tôi một tài xế, tuy lớn tuổi, nhưng anh ấy biết đường đi tất cả những di tích. Tên anh là Toản. Sau gần một tháng đi thăm, lúc từ biệt, chúng tôi tặng anh một số tiền ngang với số tiền mà chúng tôi trả cho công ty. Anh ngạc nhiên vô cùng. Trong tất cả các di tích mà tôi dẫn người Pháp đi thăm, họ thích nhất Cổ-loa.
Tại Cổ-loa, có miếu thờ An Dương vương. Miếu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, nên được giữ gìn khá cẩn thận. Miếu dựng trên kinh đô cũ của Âu-lạc ở Phong-khê, nay là xã Cổ-loa, huyện Đông-anh, Hà-nội. Gọi là miếu, chứ thực sự đây là khu đền đài khá lớn. Khu này chia làm hai: Một là những nhà bia, tiếc rằng bia bị đục mất nhiều chữ, thành ra tôi không thể chép lại đầy đủ. Hai là đền thờ. Gian nhà được gọi là Ngự-triều di quy rất đẹp, rất rộng. Phía sau có tượng thờ Mỵ Châu. Tượng chỉ có thân mà không có đầu, vì đầu bị... An-Dương vương chặt mất. Trên tường treo bức hoành phi có viết bài thơ của Chu Mạnh Trinh, chữ còn đầy đủ:
Lang quân tình trọng, phụ ân thâm,
Bất bạch kỳ oan trực đáo kim,
Cơ trảo vô linh, qui diệc khứ,
Minh châu hữu lệ bạng do trầm.
Hoang bi cổ mộc, thiên niên quốc,
Bích hải giao thiên nhất phiến tâm,
Tịch mịch tiến triều cung ngoại miếu,
Đỗ quyên đề đoạn, nguyệt âm âm.
Dưới đây là bản dịch của Nguyễn Tường Phượng:
Tình chàng dù trọng, nghĩa cha sâu,
Ôm ấp oan kia đến tận đâu?
Nỏ mất móng thiêng, rùa lẩn bóng,
Trai chìm đáy nước lệ hoen châu.
Bia tàn cây cỗi, ngàn thu hận,
Bể biếc trời xa một cánh sầu,
Cung miếu triều xưa nay vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải cuốc kêu thâu.
Trong sân miếu có cây đa, do vua Ngô trồng, trải hơn nghìn năm cây đa vẫn còn đứng như chứng nhân lịch sử. Tương truyền khi trồng cây đa, Ngô vương có lời nguyền rằng:
“Sông kia nước có thể cạn, rừng kia có thể hết cây, nhưng cây đa này sẽ sống mãi với linh khí của vua An-dương”.
Thế nhưng trong đêm giao thừa tết Canh Thìn (2000), cây đa bị cháy. Nguyên do: Vì tuổi cao, có nhiều chỗ mục. Ngày tết người ta đốt vàng ở gốc cây. Cây bị cháy. Sau đó tuy lửa được dập tắt, song cây bị phỏng nhiều chỗ rồi... chết. Tháng 8 năm 2001, tôi trở lại thăm cố đô Cổ-loa, thì cây không còn nữa.
Tài liệu chữ Hán:
ĐVSKTT, Ngoại-kỷ.
Bắc-ninh toàn tỉnh địa dư chí.
ĐNNTC.
Nam Việt thần kỳ hội lục.
Thoát-hiên minh sử thi tập.
Chính pháp điện thạch bi.