Bất tri hà nhật xuất lao lung
(Phan Chu Trinh, Chí thành thông thánh thi)
Nghĩa là:
Không biết bao giờ đất nước thóat ra khỏi cảnh lao tù.
Từ hơn một tháng nay, trai tráng trang Cổ-đại phải bỏ hết công việc đồng án để lo sửa đường, cắt cỏ, đốn những cành cây chỉa ra đường và làm một đài cao giữa thôn. Lệnh của quan Huyện-úy ban ra rằng: Trai tráng trong thôn từ 15 tới 50 tuổi đều phải có mặt tại chỗ từ giờ Mão, để làm xâu. Lệnh còn cắt đặt rõ, người nào phải mang dao mác, người nào phải mang cuốc, mang móng, mang xẻng. Sau hơn một tháng, con đường cái quan dài hơn chục dặm đã được sửa chữa bằng phẳng. Một ngọn cỏ cũng không còn, một cành cây chỉa ra đường cũng chẳng có. Hai cây cầu bắt qua suối được sửa lại. Hôm nay người ta bắt đầu làm hai cái cổng lớn bằng tre, một cái ở đường cái quan rẽ vào thôn và một cái ở ngay kỳ đài.
Quan Huyện-uý lại ra lệnh: Ngày mai tất cả mọi người trong xã phải mặc quần áo chỉnh tề, tụ tập ở chợ, để đón quan trên. Hỏi quan trên là ai thì không được trả lời. Dân làng thắc mắc: Quan nào mà oai đến thế?
Nhưng sáng nay thì người ta hiểu. Trên cổng chào, hai tấm vải đỏ viết hàng chữ vàng lóng lánh:
Cung nghinh Tô thái thú giá lâm
Nghĩa là kính mừng ngài Thái-thú họ Tô giá lâm.
Sang giờ Thìn, mặt trời đã lên cao, nắng mùa hè chói chang, già trẻ lớn bé mồ hôi nhễ nhãi, có người đã phải ngồi xuống để nghỉ chân. Bỗng một hồi tù và vọng lại, rồi tiếp theo tiếng trống thúc, mọi người đều đứng dậy nhìn về xa, chỉ thấy mờ mờ một đoàn người ngựa đi đến, gươm dáo sáng chưng.
Đầu tiên, hai con ngựa ô cao lớn, trên có hai vị tướng quân mặc giáp sắt, lưng đeo bảo kiếm tiến qua cổng. Tiếp theo, hai người lính hầu cầm bảng đề chữ Tĩnh túc, Hồi tỵ, tiếp theo chín con ngựa, ba con một hàng, trên mỗi con ngựa, một vị vệ uý, giáp trụ, đao kiếm sáng ngời. Khoảng xa một chút, một người mặc quần áo đại quan, mắt hơi to, má phính đầy những thịt, bụng lớn như cái trống ngồi trên con ngựa màu đỏ như huyết dụ, bốn bên có bốn vệ sĩ đeo gươm theo hầu. Bỗng một tiếng loa hô lớn:
– Thái-thú giá lâm, quỳ xuống.
Dân chúng hai bên đường đồng quỳ xuống, cúi gầm mặt, không dám ngửng đầu lên. Thái-thú họ Tô giơ roi ngựa phất phất mấy cái. Ngựa tiến đến trước đình. Thái-thú nhảy xuống, giữa hàng bô lão, chức sắc đang quỳ gối. Y vẫy tay nói lớn:
– Miễn lễ.
Theo sau Thái-thú là các huyện lệnh, quan lại, nghênh ngang tiến vào sân đình. Tất cả ngồi xuống mấy hàng ghế trên khán đài. Dân chúng đã được điều động đến trước khán đài, quỳ xuống.
Huyện-lệnh đứng dậy, hướng về phía Thái-thú vái mấy vái rồi hướng ra dân chúng nói lớn:
– Dân Giao-Chỉ chúng bay nghe đây, ngài Tô thái thú vừa được đức kim thượng phong cho chăn dắt chúng bây. Sách nói rằng: Dân chi phụ mẫu nghĩa là quan trên là cha mẹ dân, nên ngài từ tâm đi khắp nơi để thăm dân cho biết sự tình. Vậy ai có điều gì oan ức hãy đến khấu đầu trước ngài, để đèn trời soi xét cho.
Một lão ông đầu tóc trắng như cước, run rẩy tiến lên, dập đầu lạy bốn lạy trước Tô thái-thú, rồi nói:
– Bẩm thái thú, ngài thương dân như con đỏ, xin ngày cứu xét cho trang của tôi thoát khỏi cơn bĩ cực.
Tô Định gật đầu:
– Người có gì cứ nói.
Lão ông lạy thêm ba lạy:
– Trang tôi trước đây có Trần Lạc hầu cai quản đã mấy đời. Mới đây, Lạc-hầu bị người ta ám sát chết. Chúng tôi xin tôn Trần công tử lên thay. Nhưng Huyện-lệnh đại nhân không cho. Vì vậy trang ấp không người cầm đầu. Bẩm Thái-thú đại nhân, trang tôi có 300 xuất đinh, năm trước quan Huyện bắt nộp 600 cân quế, năm nay bắt nộp 900 cân. Vì rừng nhiều thú dữ, rắn độc, nên đến giờ này là tháng bảy mà mới được có 400 cân. Đàn bà, trẻ con phải lên rừng tìm quế, đồng ruộng bỏ hoang, mùa màng thất thu, chắc chết hết. Mong Thái-thú đại nhân ân giảm cho.
Huyện-lệnh đứng dậy chỉ mặt lão ông nạt:
– Dân trang Cổ-lễ đã lười biếng, lại vô phép, chỉ lêu lổng rong chơi, không chịu tuân phép nước. Mày còn muốn kêu ca gì nữa? Bây đâu, lôi cổ nó ra đánh đủ 30 côn.
Vệ sĩ dạ ran. Hai người tiến ra, đè cổ ông già xuống đánh. Đến côn thứ năm thì ông ngất xỉu. Trong đám đông, có một thiếu nữ đứng dậy, chạy đến trước Thái-thú Tô Định quỳ xuống dập đầu lạy bốn lạy:
– Trăm lạy đại nhân, ngàn lạy đại nhân, tiểu tỳ xin thay cha chịu đòn.
Tô Định liếc nhìn thiếu nữ, tuổi khoảng 17, 18, nhan sắc tươi như hoa, y nghĩ gì không rõ, sẽ cau mặt rồi phất tay:
– Tha cho lão. Còn cô kia, tên gì?
Thiếu nữ cúi đầu thưa:
– Tiểu tỳ họ Nguyễn, tên Thánh Thiên.
Tô Định đứng lên nâng nàng dậy:
– Nể lời bậc quốc sắc thiên hương, ta tha cho cha cô, nhưng cô phải theo ta về Luy-lâu.
Thiếu nữ quỳ xuống, dập đầu liên tiếp:
– Bẩm Thái-thú, cha tiểu tỳ chỉ có mình tiểu tỳ, nếu tiểu tỳ theo đại nhân về Luy-lâu thì không người phụng dưỡng. Xin đại nhân cho tiểu tỳ được ở lại phụng dưỡng cha già.
Tô Định gật đầu:
– Được, nàng đem cha về đi.
Y quay lại tên vệ sĩ nói mấy câu nho nhỏ. Tên vệ sĩ cười, rồi theo bén gót Thánh Thiên.
Huyện-lệnh lại dõng dạc nói:
– Ngài Tô thái-thú ban phép mới cho bọn man di Giao-chỉ các người, hãy lắng tai nghe:
Ghi chú của thuật giả
Đời Hán bên Trung-hoa (Tây Hán 206 trước Tây lịch đến 25 sau Tây lịch và Đông Hán 25-220 sau Tây Lịch), là thời kỳ tiếp nối thời Chiến-quốc, triều đình chưa có luật pháp cai trị thống nhất, cho nên ngoài Cửu-chương luật của Tiêu Hà ra, thì các Thái thú có toàn quyền. Thái thú như một ông vua con, được quyền bổ nhiệm từ các quan lại trực thuộc cho tới huyện-úy, huyện-lệnh. Thái thú chỉ huy cả quân sự lẫn hành chính. Vì vậy, khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, các thái-thú nổi lên cát cứ một phương. Sau Quang Vũ trung hưng lên được, vẫn phải đi đánh dẹp từng quận một. Luật nhà Hán có điều khoản cho phép Thái thú ban lệnh nội trị, trái với luật triều đình trong trường hợp cần thiết. Bởi vậy, Tô Định mới ban hàn Ngũ-lệnh.
Hết chú giải.
“Niên hiệu Kiến Vũ (3) thứ mười nhà Đại Hán, tháng 7 mùa hạ, quan Thái-thú đất Giao-chỉ họ Tô ban lệnh cho dân chúng Nam-man được rõ:
“Kể từ đức Thái tổ Cao hoàng (4), thần thánh văn võ chém rắn khởi binh, trước diệt bạo Tần, sau chinh phạt Nguỵ Sở, kể từ đấy, khắp lê dân thiên hạ đều cúi đầu quy phục. Vùng Lĩnh Nam, Triệu Đà quỳ gối, nên thiên triều vẫn cho được tồn tạii. Sau Lữ Gia giết ấu chúa làm điều bạo nghịch, chống lại thiên triều, nên thánh Thiên tử phải cho binh tướng chinh phạt. Vừa rồi Vương Mãng lòng lang dạ thú, nhân việc Tiên-đế uỷ thác trọng sự, mưu đồ phản nghịch. Nay chúa ta tuốt gươm, phất cờ trung hưng, lập lại nhà Đại Hán, đã nghĩ đến các người ở xa. Phái ta làm Thái thú, để chăn dạy các người tuân theo lễ nghĩa, biết phép tắc thiên triều. Ta đi khắp các châu quận để ban bố chính thống cho các người biết. Các người phải bỏ thói man mọi hung hăng mà quy phục, thì ta sẽ giáo hoá dạy dỗ cho, còn trái lệnh, quyết xử tử chẳng tha. Ta nay ban xuống chính lệnh năm điều, các người phải bảo nhau quy phục.
“Điều thứ nhất: Các người quen bạo tàn, ngang ngược, thường lấy cớ tập võ, tụ tập nhau làm đạo tặc, mưu đồ phản nghịch. Kể từ nay cứ tụ tập từ 19 người trở đi phải có phép, dù là đám tang, đám giỗ. Trái luật, người cầm đầu bị xử trảm. Tòng phạm bị chặt một tay hoặc một chân.
“Điều thứ hai: Trai cũng như gái, từ 15 tới 50 tuổi, mỗi năm phải nộp 500 cân gạo, gọi là thuế quân phí.
“Điều thứ ba: Mỗi trang, tuỳ vùng phải nộp gỗ quý, ngọc ngà, kim khí, đồi mồi, da thú, theo quy định của Huyện-lệnh.
“Điều thứ tư: Khi có lệnh, phải cung cấp đủ số dân đinh quy định, xung làm lao quân. Lao quân bắt đầu từ 15 tới 40 tuổi. Trang nào thiếu một lao quân, phải nộp 10 lượng vàng (6). Nếu không nộp vàng thì Lạc-hầu bị cách. Người nào trốn tránh, bị xử trảm.
“Điều thứ năm: Kẻ nào biết âm mưu tạo phản, phỉ đồ, báo với quan trên thì trong nhà được miễn lao quân, còn được thưởng tuỳ theo lớn nhỏ. Kẻ nào tri tình, che dấu sẽ bị tội như chính phạm.
“Kẻ nào vi phạm một trong các điều trên sẽ bị chém. Phạm từ hai điều trở đi, cả nhà sẽ bị chém. Phạm từ ba điều trở đi sẽ bị giết cả ba họ.”
Đọc xong, Huyện-lệnh hỏi lại:
– Bọn man mọi Giao-chỉ các người có gì không hiểu thì được phép hỏi.
Dân chúng im phăng phắc, không một tiếng trả lời.
Bỗng có tiếng nói:
– Tôi có điều thắc mắc.
Mọi người đổ dồn mắt về phía có tiếng nói. Tất cả đều cười ồ lên, vì người nói là một đứa trẻ, khoảng 17, 18, mặt mũi lem luốc, đầu bù tóc rối. Đứa trẻ đó chính là Đào Kỳ.
Đêm ấy, trên đường trốn đi, nó gặp Đức Hiệp và đánh một chưởng khiến y bị thương nặng. Giữa lúc đó, Lê Đạo Sinh xuất hiện, đánh nó một chưởng. Nó đã vận âm kình đủ mười thành công lực, thế mà đỡ chường của y, nó còn thấy tê liệt khắp thân mình. Nếu hôm đó Đạo Sinh không mải cứu Đức Hiệp, mà đánh một chưởng nữa, ắt nó khó toàn mạng.
Rời Thái-hà trang, nó về vùng Cổ-loa để nghe tin tức cha, chú, nhưng vẫn biệt tăm. Tiền hết, đêm nó lẻn vào đền thờ Hùng vương trong trang Thái-hà đào lên lấy mấy lượng vàng, thanh kiếm của An-Dương vương với cây búa của Sơn Tinh rồi lang thang các nơi giả làm ăn mày. Tối tối, nó về các đền thờ ngủ và tập võ.
Trong mấy ngày đầu xa Thái-hà, nó như người mất hồn, nhắm mắt lại thấy Tường Quy ôn nhu văn nhã, nước mắt chảy dài, ngồi đánh đàn. Có nhiều lần, nghĩ đến Tường Quy, nó thức suốt đêm không ngủ. Nhiều lúc nó mơ thấy Tường Quy lấy chồng, bỏ rơi nó, nó khóc lóc thảm thiết, lúc thức dậy mới biết là giấc mơ.
Một hôm nhớ Tường Quy quá, nó đột nhập Thái-hà trang để tìm nàng, nhưng không thấy đâu. Nó kiếm con nữ tỳ tra hỏi, được trả lời rằng Tường Quy đã về Bắc-đái rồi. Nó định đi Bắc-đái, nhưng không biết đường. Nó lang thang khắp nơi giả làm ăn mày. Rồi nó kiếm thợ rèn, nhờ khắc chữ Tường Quy vào thanh kiếm của vua An-Dương, lúc nào cũng đeo ở bên cạnh nó. Vì nhớ thương quá, nó như người dở điên dở khùng.
Một đêm nọ, nó lần mò về Thái-hà trang để dò tìm tin tức Tường Quy. Vào trong trang, nó cảm thấy có điều khác lạ: Trang được canh gác nghiêm mật. Kinh nghiệm cho nó biết rằng khi tráng đinh canh phòng như vậy, thế nào cũng có cuộc hội họp. Nó đã quen đường, nên đã lần mò đến đại sảnh đường một cách dễ dàng. Nó thấy một tráng đinh cầm đao đứng gác ở gần cửa sổ, có hình dáng tương đương với nó, nó tự nhủ thầm:
– Ta bắt tên tráng đinh này, lột quần áo, giả làm y đứng canh gác để nghe trộm cuộc họp của Lê Đạo Sinh, biết đâu chẳng dò ra được tin tức Tường Quy?
Nghĩ là làm. Với võ công hiện thời, nó đến bên cạnh tên tráng đinh, mà y cũng không biết. Nó dùng ngón tay làm chỉ, nó phóng một chỉ vào ngực, tên tráng đinh đã chết ngất. Nó lôi tên tráng đinh vào bụi cây, lột quần áo, mặc vào, rồi cầm đao đứng gác bên cửa sổ.
Một lát, sảnh đường đã đầy người. Tổng số người họp lên tới trên trăm. Nó đưa mắt quan sát thấy toàn là đệ tử của Lê Đạo Sinh với các Lạc-hầu, Lạc-tướng, Trang-chủ, Động-chủ thuộc Thái-hà trang.
Lê Đạo Sinh tiến vào đại sảnh, ngồi lên ghế chủ toạ. Lê Đức Hiệp hướng xuống cử toạ, nói:
– Sư phụ tôi cho mời các vị về đây họp, vì có sự thay đổi rất quan trọng của đất Giao-chỉ ta. Xin để Vũ Hỷ, Vũ Phương Anh trình bày.
Phong-châu song quái đứng dậy. Vũ Hỷ hướng vào Lê Đạo Sinh hành lễ rồi nói:
– Thưa sư phụ, thưa các vị sư huynh, sư đệ, trước đây Kiến Vũ thiên tử phong cho Nghiêm Sơn làm Lĩnh-nam công, lĩnh chức Bình-nam đại tướng quân. Nghiêm Sơn có công cứu giá 20 lần, bị thương 15 lần, rồi giúp Kiến Vũ thiên tử trung hưng Hán thất. Kiến Vũ thiên tử với Nghiêm công kết huynh đệ với nhau, hẹn chia đôi thiên hạ. Sau khi đánh chiếm được chín quận Kinh-châu, Nghiêm công đề nghị nên chiếm sáu quận Lĩnh Nam để có một vùng yên ổn, cung cấp lương tiền cho Trung-nguyên. Kiến Vũ thiên tử phong Nghiêm công tước Lĩnh Nam công. Nghiêm công một mình một ngựa, mang theo Hợp-phố lục hiệp kinh lược sáu quận như một giang sơn riêng. Sau đó Nghiêm công dần dần loại hết các thái thú, cử người thân tín của mình giữ chức Thái-thú, Đô-uý, Đô-sát rồi nắm lấy binh quyền. Đất Lĩnh Nam trở thành một giang sơn riêng của người.
Vũ Hỷ ngừng lại một lúc, để cho thính giả nắm được tình hình, rồi nói tiếp:
– Lĩnh-nam công xuất thân là người nghĩa hiệp, lại là nghĩa đệ của Kiến Vũ thiên tử, được toàn quyền, vì vậy người muốn các Thái thú thi hành chính sách cai trị dân như Nghiêu, Thuấn. Nhất là khuyến khích võ lâm dạy võ cho dân chúng tự do. Mấy năm nay dân chúng được hưởng ngày Nghiêu, tháng Thuấn. Người lại ra lệnh trọng dụng người Việt, vì vậy hiện tất cả các Huyện-uý đều là người Việt. Chính trong chúng ta đã có tới sáu Huyện-uý. Trước đây, chỉ có người Hán mới được giữ chức Giám sở Tế-tác tại các huyện. Lĩnh-nam công cho mở rộng, người Việt được cử vào chức Giám-sở Tế-tác hầu hết các nơi. Riêng tôi còn được cử làm Đô-sát Cửu-chân. Nhưng... không biết kẻ nào đã xàm tấu với Kiến Vũ thiên tử rằng: Lĩnh-nam công làm phản, muốn biến Lĩnh Nam này thành một giang sơn riêng.
Lê Đạo Sinh hỏi:
– Thế Kiến Vũ thiên tử có tin không?
Vũ Hỷ tiếp:
– Không! Nhưng Mã thái hậu thì lại tin. Mã thái hậu lấy kinh nghiệm riêng trong nhà. Trước đây Kiến Vũ thiên tử theo bá phụ là Cảnh-Thủy hoàng đế cầm quân chinh phạt (7), khi quyền vào tay đã phản Cảnh Thủy thiên tử. Vì vậy bà cho rằng Nghiêm Công sẽ phản Kiến Vũ thiên tử. Triều thần, hầu hết là chân tay cũ của Lĩnh-nam công, đều không tin lý luận của Thái hậu. Song, Thái hậu cũng mua chuộc được một số quan lại mới, cùng anh em giòng họ Thái-hậu, nên Kiến Vũ thiên tử đã sinh ra hoang mang.
Lê Đạo Sinh tiếp:
– Khi chúa đã nghi, bầy tôi chỉ có hai đường: Một là bầy tôi làm phản để sống, hai là chịu chết. Trước cuộc tranh cãi của hai phe đại thần, Kiến Vũ thiên tử đưa ra quyết định: Cử Ngũ-phương thần kiếm sang kinh lược Lĩnh Nam. Ngũ-phương thần kiếm trước đây đã từng nổi dậy giúp Cảnh Thủy hoàng đế đánh chiếm Trường-an, Lâm-đồng, Đồâng-quan. Sau đó Cảnh Thủy hoàng đế phong chức tước gì cũng không nhận, ngài mới ban cho một thanh Thượng phương bảo kiếm, được quyền tiền trảm hậu tấu. Ngũ phương thần kiếm cũng có quen biết với Nghiêm công. Tuy vậy, nếu quả họ thấy Nghiêm Công phản Thiên-tử thì có quyền giết đi. Nhưng ta không hiểu sao Kiến Vũ thiên tử còn cử Tô Định sang làm Thái thú Giao-chỉ, khi đã giao Lĩnh Nam cho Lĩnh-nam công thì Thái thú phải do Lĩnh-nam công cử mới phải chứ?
Vũ Hỷ nói:
– Đệ tử đã cho dò thám trong đám tùy tùng của Tô Định, được biết: Mã thái hậu cho rằng Ngũ phương thần kiếm cô đơn sẽ bị Lĩnh-nam công mưu hại. Cuối cùng bà đưa ra ý kiến rằng: Bây giờ cứ cử một người thân của Thái hậu là Tô Định sang làm Thái thú Giao-chỉ. Lại giao cho Tô Định ban hành pháp lệnh mới. Pháp lệnh này hình như hủy bỏ hết cả những luật lệ của Lĩnh-nam công đã mở rộng cho dân Việt được nhiều quyền. Nếu Lĩnh-nam công không nhận Tô Định, rõ ràng có ý tham quyền cố vị, tất sẽ làm phản. Còn Lĩnh-nam công, nhận Tô Định thì vẫn là người trung thành.
Lê Đạo Sinh ngắt lời:
– Ngươi có biết Lĩnh-nam công đối phó ra sao không?
Vũ Hỷ đáp:
– Lĩnh Nam công được tin này vội họp với Hợp-phố lục hiệp, đưa ra ý kiến rằng: Công chỉ kinh lược, xếp đặt cho Lĩnh Nam yên ổn, rồi về Trung-nguyên đánh giặc, thống nhất giang sơn cho Kiến Vũ thiên tử, chứ người đâu có tham cái bả Lĩnh-nam công, nên vui vẻ nhận Tô Định. Nhưng Tô Định có người con là Tô Phương, sư đệ của Ngũ-phương thần kiếm. Tô Phương được cử làm Đô-sát Giao-chỉ. Đệ tử e rằng Tô Định dựa thế Mã thái hậu, cùng Tô Phương sẽ ảnh hưởng vào Ngũ-phương thần kiếm, gây khó dễ cho Lĩnh Nam công. Bây giờ đệ tử dám xin sư phụ ban quyết định: Chúng ta theo Lĩnh-nam công hay Thái-thú Tô Định?
Lê Đạo Sinh nói:
– Ta hiện giờ lĩnh chức Đô-úy của Giao-chỉ, nhưng binh quyền thì phủ Lĩnh-nam công nắm hết rồi. Về quân sự, ta phải tuân theo lệnh Bình-nam đại tướng quân. Về hành chính, ta trực tiếp với Tô Định. Vậy ta quyết định đứng ngoài sự tranh chấp giữa Nghiêm công và Mã thái hậu. Đợi xem tình thế ra sao đã.
Vũ Hỷ tiếp:
– Thái thú Tô Định sang Giao-chỉ chuyến này có mang theo một số võ học cao thủ, có ý coi khinh Lĩnh Nam không người. Ngày mai Thái thú đi Cổ-lễ để ban hành pháp lệnh mới, rất khắt khe. Con e rằng võ lâm Lĩnh Nam sẽ gây ra chuyện chẳng lành với Thái thú. Vậy thái độ chúng ta phải ra sao?
Lê Đạo Sinh nói:
– Thái thú Tô Định đã mang theo nhiều võ lâm cao thủ, chúng ta nên tìm cách tránh né, không đi theo. Nếu võ lâm Lĩnh Nam gây sự với Tô Định, cứ mặc cho võ sĩ theo Tô đối phó. Trai cò hại nhau, ngư ông hưởng lợi. Vậy ta quyết định: Các người đâu về đó, nhứt thiết chờ thời cơ để quyết định sau. Còn Tô thái thú đi kinh lược đâu, các ngươi không đi theo. Dù có đi theo, nếu xảy ra sự gì, cứ đứng ngoài, để mặc võ sĩ của Tô thái thú đối phó.
Bất thình lình Lê Đức Hiệp quát lên:
– Thằng bé Đào Kỳ, mi gớm thực.
Nói rồi y vọt ra cửa sổ. Còn lơ lửng trên không, hai tay y đã biến thành trảo chụp xuống Đào Kỳ.
Đào Kỳ không ngờ y nhận ra nó. Nó xoạc cẳng xuống đinh tấn, hai tay sử dụng thế cầm nã bắt tay Đức Hiệp. Đức Hiệp biến chiêu thành quyền đánh vào người nó. Đào Kỳ lộn người đi, phóng một hồi phong cước vào người Đức Hiệp. Cước, quyền chạm nhau. Đức Hiệp cảm thấy tay bị tê liệt. Y vội phát chưởng tấn công vào thượng bộ Đào Kỳ. Vì sợ Lê Đạo Sinh can thiệp, Đào Kỳ hú lên một tiếng rồi phóng mình vào đêm tối.
Ra khỏi trang Thái-hà, Đào Kỳ nghĩ thầm:
– Nghiêm đại ca của ta một lòng một dạ với Kiến Vũ thiên tử, thế mà mụ Mã thái hậu lại mưu hại đại ca. Ngày mai ta sẽ đến Cổ-lễ phá cho Tô Định biết mặt anh hùng Lĩnh Nam một phen.
Trước khi lên đường trấn nhậm, Tô Định đã nghiên cứu rất kỹ về các quận phía nam núi Ngũ-lĩnh. Đây là vùng bờ sôi giếng mật, vàng bạc châu báu rất nhiều, nhưng cũng là vùng rồng nằm, hổ phục, lắm anh tài. Dân chúng nhà nhà đều tập võ. Định đã từng nghe xưa kia, đệ nhất võ tướng đời Tần Thủy Hoàng là Đồ Thư bị giết, bởi một võ tướng Lĩnh Nam là Vũ Bảo Trung. Đất Giao-chỉ là nơi anh hùng tụ tập. Họ đều là người Việt, đang mưu đồ phục quốc. Các trường võ, các môn phái mọc lên khắp nơi. Y có ý định dẹp hết các môn phái võ, rồi dần dần đánh phá các Lạc-hầu, Lạc-tướng sau. Có như thế, y mới ngồi yên được. Bởi vậy y mời cho được một số đầu trộm đuôi cướp, nhưng là những cao thủ thời đại của Trung-nguyên sang với ý đồ dẹp Giao-chỉ, đàn áp võ lâm anh hùng. Y đã đi an dân khắp các nơi, nay đến Cổ-đại, Cổ-lễ, Cổ-loa nữa là coi như xong.
Đi đến đâu y cũng công bố ngũ pháp, cấm tập võ. Các phái, các gia ngơ ngác nhìn nhau, không dám nói gì. Thảng hoặc có người phản đối, y cho vệ sĩ đánh chết ngay trước công đường, làm gương cho kẻ khác sợ.
Nay đến đây, thấy thằng ăn mày con có ý kiến, y ra hiệu cho nó nói.
Đào Kỳ hiên ngang đứng giữa đình nói lớn:
– Ngài là quan Thái thú mới đến nhậm chức, đúng như ông Khổng-Tử của quý quốc đã nói: Phàm các đạo làm quan, phải yêu thương dân như yêu thương con đỏ, lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân. Thế nhưng ngài lại ban ra ngũ pháp cực kỳ khắc nghiệt như vậy, còn đâu là cái đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ nữa?
Đám quan lại theo hầu Tô Định quát tháo, đuổi Đào Kỳ đi. Nhưng Tô Định phất tay ra hiệu bảo im lặng, rồi hỏi:
– Cậu bé kia, cậu nói cũng có lý, nhưng cậu tên họ là gi? Cha mẹ là ai? Ai xúi cậu ra đây nói như thế?
Đào Kỳ trợn mắt, méo mồm, thè lưỡi quay lưng hướng về đám quan lại. Dân chúng được một phen cười ầm lên. Nhưng đám người Hán thì không nhìn thấy!
Đào Kỳ thủng thẳng trả lời:
– Tôi họ Âu, tên Lạc, chẳng có ai xúi tôi ra đây cả. Bởi hai tháng nay tôi nghe các bậc huynh trưởng trong làng nói rằng: Ngài tân thái thú họ Tô là người thương dân như con, nên mới mạo muội ra đây để phân trần.
Mọi người đều biết đứa trẻ nói mỉa Tô Định, nhưng Tô Định lại tươi nét mặt lên, cho rằng dân chúng ca tụng y thực:
– Cậu bé kia, ngũ pháp của ta đã ban ra, không thể thu về. Tuy vậy, ta cũng có biệt lệ. Trong đám vệ sĩ theo ta, có năm người biết chút ít võ nghệ. Nếu trong trang, có ai thắng được một người, ta sẽ miễn cho một điều. Nếu thắng được cả năm người, ta sẽ miễn cho cả năm điều.
Đào Kỳ chụp lấy cơ hội:
– Sách binh thư của Tôn Tử quý quốc có nói: Quân trung vô hý ngôn. Nghĩa là trong quân, không được nói đùa. Vậy nếu trong trang có ai thắng được một trong các vệ sĩ của ngài, xin ngài y lời hứa.
Tô Định liếc mắt nhìn đám vệ sĩ, lòng đầy tin tưởng:
– Được, ta hứa! Không sai lời.
Đào Kỳ chắp tay vái Tô Định, nói:
– Tôi còn nhỏ, sức không được là bao, vậy đề tài xin cho tôi được chọn phép đấu, không hiểu các vệ sĩ của ngài có dám cho tôi chọn không?
Đám võ sĩ nhìn nhau mỉm cười rồi nói:
– Chú mọi con Giao-chỉ kia, bất cứ đấu văn, đấu võ, đấu thứ gì chúng ta cũng đấu với chú.
Đào Kỳ chấp tay xá y:
– Ông là vệ sĩ của Tô thái thú, lại là người Hán, nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Không được thay đổi.
Người đứng đầu đám cận vệ nói:
– Ta là anh hùng người Hán, lời hứa nặng như núi Thái-sơn, không bao giờ đổi. Cậu có biết núi Thái-sơn ở đâu không?
Đào Kỳ nghiêm trang trả lời:
– Thái-sơn là ngọn núi nhỏ ở Trung-nguyên, nhưng lại là hòn núi lớn nhất nước Lỗ, quê hương của Khổng-Tử (9), nên thường được mang ra để tượng trưng cho sức nặng. Bởi Khổng-Tử là bậc thánh nhân dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho đời, nên người ta mới mang núi Thái-sơn ra ví von, vừa có ý nghĩa sức nặng, vừa có ý nghĩa đạo lý.
Nghe Đào Kỳ thuyết về Khổng-Tử, lại ca tụng Thái thú, vệ sĩ đám người Hán cảm thấy đứa nhỏ này dễ thương, dễ cai trị, chứ không phải là đứa trẻ rắn mắt, do người xúi ra phá rối.
Tô Định xuất thân là một võ học danh gia, tài kiêm văn võ. Trước khi đến Giao-chỉ trấn nhậm, Định mang theo năm gia tướng, võ nghệ tuyệt vời, hy vọng giúp Định đối phó với các môn phái đất Lĩnh Nam.
Định đi khắp nơi để ban hành ngũ lệnh, không ai dám nói gì. Không ngờ đến vùng Cổ-lễ này lại gặp một đứa bé dám ra lý luận. Lúc đầu, Định tưởng Đào Kỳ được cha mẹ xúi ra. Nhưng sau một hồi vấn đáp, Định biết không phải, vì những điều Kỳ nói đều do nhân hoàn cảnh mà trả lời. Thấy Đào Kỳ lễ phép, Định nghĩ cần phải thu phục đứa trẻ này mới mong dân chúng trong trang quy phục.
Định vẫy Đào Kỳ lại gần, hỏi:
– Cháu ngoan, ta cho cháu chọn đề tài thi. Chỉ cần cháu thắng được một trong năm vị đại ca đây, ta sẽ miễn cho trang một điều. Vậy cháu muốn đấu gì nào?
Đào Kỳ cười hích hích,chắp tay vái Định:
– Cháu đa tạ đại nhân, cuộc thứ nhất cháu xin đấu văn.
Từ Tô Định cho đến đám quan người Hán, đều ngơ ngác nhìn nhau. Hồi đầu họ tưởng đứa trẻ sẽ đấu võ, nên mới chỉ vào đám vệ sĩ, không ngờ Đào Kỳ lại xin đấu văn. Khổ một điều, văn tự là của Trung-nguyên, người Hán tự hào mang văn hiến đi giáo hoá man di, nay đứa trẻ man di lại xin đấu văn mà không nhận lời thì còn ra thể thống gì nữa? Định đành chỉ một vệ sĩ:
– Phương Đại, ngươi ra đấu với nó.
Phương Đại là một vệ sĩ có nước da trắng, mặt mũi sáng sủa như một văn nhân. Y không những là một võ sư mà còn là người đọc sách nữa. Y vâng lệnh Tô Định tiến ra đối diện với Đào Kỳ.
Tô Định hỏi:
– Đây, Phương thúc thúc sẽ đấu văn với cháu.
Phương Đại đầy vẻ kiêu căng hỏi Đào Kỳ:
– Trong tứ Thư, ngũ Kinh, nếu có điều gì không hiểu, cháu cứ nêu ra, ta sẽ dạy dỗ cho cháu.
Đào Kỳ chắp tay xá Phương Đại ba xá:
– Câu thứ nhất cháu hỏi Phương tiên sinh: Luận-ngữ là sách do đệ tử của Khổng-Tử chép lại, nên trong 12 thiên, thiên nào cũng có chữ Tử viết tức Khổng-Tử nói. Theo cháu, trong 12 thiên đó có một thiên do chính Khổng-Tử viết nên mới không có chữ Tử viết. Vậy đó là thiên nào?
Phương Đại ngơ ngác, lắc đầu không biết, nhưng các quan văn đều gật đầu, vì họ cũng hiểu như Đào Kỳ.
Đào Kỳ thấy Phương Đại không trả lời được, nên cười:
– Phương tiên sinh thua rồi. Cháu hỏi câu thứ nhì: Tư Mã Thiên chép bộ Sử-ký đã chia làm bản kỷ, bát thư, thế gia, liệt truyện. Bản kỷ chép truyện các vị đế. Thế gia chép truyện các vương hầu. Liệt truyện chép truyện danh nhân. Có đúng không?
Phương Đại gật đầu đáp:
– Đúng như vậy.
Đào Kỳ lắc đầu:
– Sai rồi! Nếu Phương tiên sinh nói vậy, chẳng hoá ra coi Hạng Vũ là bậc đế ngang với Cao-tổ hay sao? Trong ngũ pháp Tô đại nhân vừa ban hành có nói rằng: Cao-tổ trước diệt bạo Tần, sau đánh nguỵ Sở. Nguỵ tức là giặc, tại sao Hạng Vũ được Tư Mã Thiên chép trong quyển thứ bảy là Hạng Tịch bản kỷ. Muốn chép là bản kỷ thì phải chép là Sở đế bản kỷ chứ sao lại chép tên tục rất vô lễ là Hạng Tịch bản kỷ?
Phương Đại ngơ ngác không giải thích được, dù y đã đọc bộ Sử-ký hàng chục lần, nhưng y không chú ý điều đó.
Đào Kỳ cười:
– Phương tiên sinh, người thua rồi.
Đào Kỳ lại tiếp:
– Tư Mã Thiên chép truyện các vương thì ghi là thế gia, Khổng phu tử không hề là vương hầu, sao lại chép là Khổng-tử thế gia?
Phương Đại lại không trả lời được.
Tô Định và các quan người Hán đều ngơ ngác nhìn nhau. Sự thực, họ có đọc sách, nhưng không hề chú ý đến những điều đó.
Dân chúng trong trang đầu vẻ tự hào.
Có tiếng thì thào:
– Thằng bé thực lạ lùng. Nó đã lớn gan, còn thông minh nữa.
– Chuyện, nó là con cầu tự. Thần đồng giáng sinh đó.
– Bà biết gì mà nói. Trai đất Giao-chỉ có thua gì ai?
Tô Định vừa sung sướng, vừa lo nghĩ:
– Thằng bé này đã thông minh kỳ lạ như vậy, hẳn thầy nó chắc không phải tay tầm thường. Ta đã hứa thì phải thực hành lời hứa.
Nghĩ rồi, Định gật đầu:
– Cháu giỏi lắm, ta miễn cho dân làng này điều thứ nhất.
Đào Kỳ chắp tay vái:
– Đức đại thánh vạn tuế.
Quan huyện lệnh hỏi Kỳ:
– Tại sao cháu không tạ ơn Thái thú đại nhân, lại đi tung hô đại-thánh?
Kỳ hiên ngang:
– Đức thánh Khổng dạy nhân nghĩa cho đời, Thái thú đại nhân là người thấm nhuần đạo lý đại-thánh nên giữ lời hứa. Do vậy cháu tung hô đại-thánh.
Tô Định cắn môi suy nghĩ:
– Thằng nhỏ này đã khôn lại ngoan, nó ca tụng Khổng-Tử rồi mượn Khổng-Tử để buộc ta vào lễ nghĩa, bản lãnh nó không vừa. Phải cẩn thận, nếu không sẽ hỏng với nó.
Định hỏi:
– Cháu muốn đấu nữa không?
Kỳ đáp:
– Cháu muốn đấu võ.
Tiếng oà vang lên. Dù dân trang hay quan quân người Hán cũng đều ngạc nhiên, vì với khí lực của đứa trẻ 17 tuổi làm sao có thể thắng đám võ sư như rồng, như hổ của Tô Định kia?
Tô Định lại hỏi:
– Cháu muốn đấu quyền, đấu vật hay đấu vũ khí?
Đào Kỳ nói:
– Cháu muốn cùng các vị thúc thúc đây đấu võ dưới nước. Thể lệ đấu như thế này: Cả hai nhảy xuống nước, đấu quyền. Nếu ai mệt, hoặc bị chìm thì coi như thua cuộc.
Tô Định cũng như đám tướng sĩ theo hầu, đều là những người võ học tuyệt đỉnh, đánh dư trăm trận, nhưng họ không thông thạo thuỷ tính. Nếu bơi lội một lúc thì được, chứ còn giao chiến dưới nước thì không thể được. Nhưng Định hy vọng đứa trẻ 17 tuổi, khí lực không là bao, chỉ cần túm được nó, mọi chuyện sẽ xong xuôi. Y muốn tỏ ra mình là đại quan người Hán, mang lễ nghĩa đi giáo hoá Nam man, nên y phải giữ lời hứa. Y hướng vào đám võ sĩ, hỏi:
– Có ai đại diện ra đấu với đứa trẻ này không?
Trong năm võ sư theo hầu Tô Định, có Hầu Mạnh Đức là người bơi lội giỏi nhất. Đức bước ra thưa:
– Tiểu nhân nhận đấu trận này.
Từ đình đến bờ sông không xa, Tô Định cùng các quan người Hán đồng kéo ra bờ sông. Dân chúng thấy lạ cũng ùn ùn đi theo. Hy vọng Đào Kỳ thắng được trận nào, bớt được cái ách đó. Tới bờ sông, Đào Kỳ leo lên ngọn cây rồi nhảy ùm xuống sông. Hầu Mạnh Đức cũng nhảy vút lên cao, y đá gió một cái, lộn người xuống sông. Thế nhảy này chứng tỏ khinh công của y đã vào mức thượng thừa. Lối nhảy vừa tỏ ra người có bản lĩnh cao, vừa đẹp mắt. Xuống nước, y bơi ra giữa sông, chập chờn đợi Đào Kỳ. Nhưng chờ đợi mãi không thấy Kỳ đâu. Tô Định cũng như dân chúng đều ngơ ngác tìm Kỳ, nhưng vẫn biệt tăm. Họ cho rằng Đào Kỳ lặn sâu dưới nước, để bất thần nổi lên đánh Mạnh Đức, nên chờ đợi, nhưng chờ hoài cũng không thấy tăm hơi. Về phía người Việt đã hơi sốt ruột:
– Hay là nó bị nước cuốn chết rồi?
– Hay là nó bị giao long nuốt mất rồi?
– Có lẽ nhảy xuống đụng đá, đau quá, chết chìm dưới đáy nước rồi!
Lại một khắc nữa qua đi, vẫn không thấy Đào Kỳ đâu. Mạnh Đức bơi đã thấy mệt, y nằm ngửa lên mặt nước chờ. Chờ đến nửa giờ (một giờ cổ bằng hai giờ ngày nay) không thấy Đào Kỳ nổi lên, phía người Việt đã có tiếng than:
– Thôi chắc chết thật rồi!
– Ai có thể ở dưới nước lâu như vậy được?
Tô Định sai lính cầm loa truyền:
– Quan Thái thú truyền cho Mạnh Đức vào bờ. Âu Lạc chết rồi.
Mạnh Đức đã mệt rã cả chân tay, vội lập lờ bơi vào bờ. Nhưng khi cách bờ vài trượng, bỗng y kêu thét lên một tiếng rồi chìm nghỉm. Trên bờ không ai hiểu tại sao.
Có tiếng kêu:
– Thôi rồi, chuột rút rồi.
– Không phải đâu, giao long cuốn mất đấy.
Nhưng chỉ một lát sau, y nổi lên cùng với Đào Kỳ. Tay Kỳ cầm búi tóc y lôi vào bờ. Vì bị uống nước no, bụng y phình ra như cái trống. Bạn hữu xúm lại dốc ngược người y cho nước chảy ra, rồi làm hô hấp. Một lát, y mở mắt nhìn. Câu đầu tiên là chửi thề:
– Tiên sư con mẹ nó, thằng Nam man con nó bóp... bóp...da... ai... da... ái tôi.
Tô Định lại gần hỏi:
– Nó bóp chỗ nào?
Mạnh Đức nhăn nhó chỉ vào hạ bộ.
Tô Định cảm thấy có sự gì quái gở, nhưng tìm không ra. Y cũng như những người Việt có mặt đều không thể tin được rằng, Đào Kỳ có thể lặn lâu dưới nước một thời gian như thế, để rồi khi Mạnh Đức mệt nhừ, mới nổi lên bóp... dế đến nỗi y ngất xỉu đi, bị Kỳ dìm xuống nước. Y quay lại nhìn Đào Kỳ thấy Kỳ đã quỳ bên cạnh từ bao giờ. Bao nhiêu giận hờn, nghi ngờ trong lòng y tan hết, y nghĩ:
– Đứa trẻ này bất kỳ dùng mưu trí quỷ quái gì thắng vệ sĩ của mình cũng là thắng. Thắng rồi, nó còn quỳ bên cạnh để cầu xin, vậy ta cũng nên gia ơn bố đức cho dân để mua chút cảm tình mai hậu.
Tô Định tuyên bố:
– Cuộc đấu thứ nhì, Âu Lạc thắng. Ta miễn cho dân trang khoản thứ nhì.
Dân trong trang đồng la lên:
– Đa tạ Thái thú đại nhân.
Nguyên Đào Kỳ nổi tiếng bơi giỏi từ nhỏ. Sư huynh, sư tỷ đã tặng cho nó biệt hiệu là con rái cá. Trước khi thi, nó đã dắt vào lưng một ống sậy nhỏ. Khi nhảy xuống nước, nó đứng tận dưới lòng sông, cho ống sậy ló đầu lên. Nó ngậm ống sậy hút hơi để thở. Mắt nó mở trừng trừng nhìn Hầu Mạnh Đức. Đến khi thấy Đức bơi vào bờ, nó mới lặn theo, bóp dế cho y ngất xỉu, dìm y xuống nước cho uống nước no, rồi mới nổi lên.
Tô Định nói với các bô lão trong làng:
– Trang này có được một thần đồng, xứng đáng để ta miễn cho hai điều. Nếu Âu Lạc hay bất cứ ai thắng được các vệ sĩ của ta hai cuộc nữa, sẽ được miễn bốn khoản. Riêng khoản cuối cùng không thể khoan miễn.
Đào Kỳ tiến lên nói:
– Khải bẩm đại nhân, cháu xin đấu vật.
Đám quan người Hán cười ồ lên. Bởi Đào Kỳ mới 17, 18 tuổi, thân thể tuy có chắc chắn thật, nhưng đứng cạnh các vệ sĩ của Thái thúc thì thực là cái trứng chống bên hòn đá. Họ là võ sĩ, khinh công phải thuộc loại tuyệt đỉnh. Họ lại to lớn, kềnh càng. Nếu đấu vật, làm sao Kỳ thắng được?
Huyện-lệnh hỏi lại:
– Thằng bé Nam man kia, có thực mi muốn đấu vật với các vị võ sư đây không? Mi không sợ chết sao?
Kỳ chắp tay thưa:
– Cháu là thân phận hèn mọn, đâu dám đấu vật với các ngài võ sĩ. Bây giờ thế này: Mang ra đây hai con trâu lớn. Các ngài võ sĩ chọn một con. Con còn lại thuộc phần cháu. Hai bên cùng nhảy vào vật với trâu. Ai vật trâu ngã trước, người đó thắng.
Lòng Tô Định đầy hứng thú. Y nghĩ thầm: Trong trang có đứa trẻ thông minh như thế này, ta sẽ chu cấp tiền bạc cho nó ăn học. Lớn lên nó sẽ là chân tay của ta, dùng để trị lũ Nam man, lo gì không yên?
Dân trang đã dẫn đến hai con trâu mộng to lớn, khoẻ mạnh. Tô Định chỉ vào một võ sĩ to lớn:
– Triệu Thiết, mi ra vật với trâu đi.
Tô Định mang sang Giao-chỉ năm đại võ sĩ. Y muốn mang năm võ sĩ đi các nơi biểu dương, đe doạ người Việt. Nhưng khi đến đây, một người vì đấu văn mà bại, một người đấu dưới nước bị bại một cách mơ hồ. Bây giờ tới vật trâu, thì không còn sợ gian mưu nữa. Y hy vọng thế nào Triệu Thiết cũng tỏ được võ công của Trung-nguyên. Năm trước Thiết đã từng hai tay không đánh chết hổ trên núi vùng Mân Triết, nay cũng hai tay đó, y đánh chết trâu thực quá dễ dàng.
Triệu Thiết ngắm nghía hai con trâu, rồi y chọn con nhỏ hơn để đấu. Mọi người lui ra thành một vòng lớn. Bọn võ sĩ, vệ sĩ cầm binh khí đứng cản phía trong vòng đấu, đề phòng lỡ trâu nổi điên húc người.
Trâu và Triệu Thiết đứng giữa sân. Y cởi hết quần áo, chỉ còn cái quần lót. Người y to lớn, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Y khoanh tay quyền, chuyển động chân tay, gân cốt kêu răng rắc rồi tiến đến cây lúc lác gần đó xuống tấn đánh một quyền. Cây lúc lác to bằng bắp chân gãy đến rắc một cái, rồi đổ kềnh xuống. Từ các quan người Hán đến dân xã đều vỗ tay. Y tiến đến trước trâu, ôm quyền thủ thế. Tô Định cầm dùi đánh tiếng trống thứ nhất. Thiết tiến lên, xuống trung bình tấn, hai tay nắm hai sừng trâu đè xuống. Con trâu rống lên một tiếng rồi hất đầu lên cao. Thiết vẫn không bỏ sừng trâu. Người y lộn đi một vòng, ngồi lên thân trâu. Hai tay y ra thế Chung cổ tề minh đánh vào hai vai trâu. Trâu đau quá rống lên một tiếng, quẹo đầu lại, dùng sừng chém vào chân y. Y nhảy vọt lên cao như chiếc pháo thăng thiên, rồi từ từ đáp xuống trước đầu trâu. Trâu nổi hung xông lên húc Thiết. Thiết dùng đinh tấn, hay tay cầm chắc sừng trâu mà đẩy. Trâu cũng dùng sức để đẩy. Một người, một vật không ai nhường ai. Được một lúc, bất thình lình Thiết nhảy qua một bên. Trâu mất đà lao về phía trước, Thiết vung quyền đấm vào bụng trâu. Trâu đau quá, rống lên một tiếng, quay đầu lại húc Thiết. Thiết tránh sang một bên, hai tay biến thành trảo, chụp vào đầu trâu, móc lòi hai con ngươi ra, rồi thuận tay nắm sừng trâu vặn trái. Trâu đau quá rống lên một tiếng rồi ngã lăn. Quan lại, dân chúng cùng reo vang như sấm.
Thiết tiến lại trước Tô Định, vái một vái:
– Tiểu nhân chờ lệnh đại nhân.
Tô Định lấy trong bọc ra một nén vàng, trao cho Thiết:
_ Ta thưởng cho ngươi.
Tô Định ấm ức vì các võ sĩ của mình chưa được dịp thi thố tài năng. Nay thấy Thiết vật ngã trâu, biểu lộ sức khoẻ vô địch trước dân chúng, y mừng quá, quên mất rằng còn cuộc đấu của Đào Kỳ.
Y tuyên bố:
– Trong 60 tiếng trống, Triệu Thiết đã vật ngã trâu. Nếu nay Đào Kỳ cũng trong 60 tiếng trống vật ngã được trâu, coi như thắng. Dân trong trang được miễn khoản ba.
Con trâu mộng được dẫn ra, đứng trước mặt Đào Kỳ. Nó khoan thai đứng chờ, khoanh tay trước con trâu mộng. Tất cả mọi người dù Hán hay Việt cũng không thể tin được Kỳ sẽ thắng. Có người còn lo sợ Kỳ sẽ bị trâu chém chết.
Tô Định hỏi Kỳ:
– Cháu chuẩn bị xong chưa?
Kỳ đáp:
– Xong rồi.
Tô Định cầm dùi lên đánh tiếng trống thứ nhất. Chỉ thấy Đào Kỳ xuống đinh tấn, tay trái úp lên lưng mình, tay phải đánh thẳng vào đầu trâu. Trâu rống lên một tiếng rồi đổ kềnh sang một bên. Vừa lúc Tô Định đánh tiếng trống thứ nhì. Không ai nhìn rõ Kỳ đã đánh vào huyệt nào của trâu? Cử toạ Hán, Việt đều reo hò ầm ĩ. Tô Định tiến lên xem xét, thấy trâu đã đứng dậy, không một vết thương nào cả.
Y lắc đầu hỏi Đào Kỳ:
– Cháu dùng thế gì để đánh ngã trâu vậy?
Kỳ đáp:
– Cháu dùng Phục ngưu thần chưởng của Vạn-tín hầu. Đó là thức thứ bảy tên là Ngưu đảo ư địa.
Nói đến Vạn-tín hầu, Tô Định biến sắc mặt, không nói gì. Trở vào đình, lên ghế ngồi.
Nguyên Phục ngưu thần chưởng là chưởng pháp do thánh Tản-viên Sơn Tinh chế ra. Mỗi chiêu bao gồm chưởng, quyền, cước, chỉ, trảo biến hoá vô cùng. Chưởng được đặt tên Phục ngưu, nghĩa là hàng phục trâu. Khởi đầu, Sơn Tinh luyện tập bằng cách lấy trâu làm vật chịu đòn. Vì vậy chưởng pháp này đánh bất cứ thú vật nào cũng không hiệu nghiệm bằng đánh trâu. Do thế, với công lực hiện thời của Đào Kỳ, nếu nó dùng chưởng Cửu-chân, ít ra cũng phải bảy, tám chiêu trâu mới ngã. Nhưng nó dùng chưởng Phục ngưu sở trường đánh trâu, nên chỉ một chiêu, trâu đã ngã lăn ra. Trong chiêu Ngưu đảo ư địa, nghĩa là trâu ngã xuống đất, mục đích để vật trâu. Nó dùng hai ngón tay đã vận kình lực, bất thần chọc vào hai lỗ mũi trâu. Con trâu bị đau rung động cả đầu, phản ứng lại bằng cách nghiêng đầu đi. Nó tiếp tục dồn chân khí sang, khiến cho hai chân trước của trâu như bị tê liệt. Vì vậy, trâu mới ngã lăn xuống đất. Có điều nó ra chiêu thần tốc với âm kình của phái Long-biên, nên không ai nhìn rõ nó đánh trâu bằng cách nào.
Huyện lệnh hỏi Tô Định:
– Ban nãy Âu Lạc nói đến Phục ngưu thần chưởng tại sao đại nhân lại tỏ vẻ đăm chiêu?
Tô Định gật đầu:
– Ta không phải đăm chiêu mà thực ra là lo sợ. Nhà ngươi không biết đấy thôi, Phục ngưu thần chưởng là bộ chưởng vô địch thiên hạ. Khắp Trung-nguyên, Hung-nô, Mân Việt, phàm những ai đã học võ, nghe đến tên đều táng đởm kinh hồn. Khi xưa, sư phụ dạy võ cho ta có nói : Quyền pháp của người là quyền pháp vô địch. Nhưng khi đối trận với Phục ngưu thần chưởng thì phải tránh cho xa. Bởi thần chưởng này xưa nay chưa ai địch lại .
Huyện lệnh lại hỏi:
– Vạn-tín hầu là nhân vật thế nào?
Tô Định không trả lời, mắt y mơ màng nhìn về hướng chân trời xa, lẩm bẩm:
– Ta vẫn tưởng từ khi An Dương vương bị Triệu Đà đánh bại, chưởng pháp này đã thất truyền. Không ngờ người Việt vẫn lưu giữ được. Sư phụ ta trước đây gặp một đối thủ, y chỉ biết có một thức trong Phục ngưu chưởng, đã khiến cho lão nhân gia lộn hai vòng, đau đến ba năm mới khỏi.
Y lắc đầu liên tiếp:
– Huyện lệnh không biết là phải: Năm Canh Thìn, nhằm niên hiệu Thục An Dương vương thứ 37, bên Trung-hoa niên hiệu Tần Thủy Hoàng năm thứ 26. Thủy Hoàng muốn mang quân đánh Âu-Lạc. Trước khi đánh, Thuỷ Hoàng cho dò thám tình hình, phong thổ, nhân vật Âu-Lạc. Lệnh cho An Dương vương phải cống mười võ sĩ. An Dương vương cho Lý Thân mang mười đệ tử sang cống. Đến kinh đô nhà Tần ở Hàm-dương. Lý Thân dùng Phục ngưu thần chưởng đấu với các vệ sĩ của vua Tần, thường chỉ một chiêu đã thủ thắng. Thuỷ Hoàng cho Lý Thân làm tướng đánh Hung-nô. Sau khi dẹp xong Hung-nô, Thủy Hoàng phong Lý Thân làm Vạn-tín hầu, cho về Âu-Lạc thăm nhà. Trở về Âu-Lạc, Lý Thân cùng đệ tử trốn vào rừng ở ẩn không trở lại Trung-nguyên nữa. Năm Bính Tuất (215 trước Tây lịch), nhằm niên hiệu An Dương vương thứ 43 và niên hiệu thứ 32 Tần Thuỷ Hoàng, quân Hung-nô lại vượt Vạn-lý trường thành vào đánh Trung-nguyên. Thủy Hoàng sai tướng Mông Điềm cầm quân chống giặc, nhưng bị thua. Thủy Hoàng sai sứ sang Âu-Lạc triệu Vạn-tín hầu Lý Thân. Ông trốn vào rừng ở ẩn. An Dương vương cáo rằng Lý Thân đã chết. Sứ về tâu lại. Thủy Hoàng biết Lý Thân chưa chết, truyền sứ giả đòi An Dương vương đưa xác Lý Thân về Tần. Lý Thân không muốn để An Dương vương bị luỵ, ông triệu đệ tử lại, truyền người thừa kế, rồi tuyệt hơi thở mà thác. Đệ tử y lời, mang xác sư phụ ướp lại, đóng quan tài đưa về Tần. Thủy Hoàng sai mở nắp quan tài ra, thấy xác Lý Thân còn tươi, sai chôn cất theo lễ vương, rồi đúc một tượng bằng đồng giống hệt Lý Thân, đặt ở cửa Tư-mã thành Hàm-dương. Tượng rất lớn, trong đặt lính điều khiển. Khi sứ giả Hung-nô qua, thấy tượng Lý Thân, chân tay múa võ như người sống. Sứ Hung-nô về tâu lại với chúa. Từ đấy, Hung-nô không dám nhập Trung-nguyên quấy rối nữa.
Trong sử Việt Nam thường gọi Lý Thân bằng tên Lý Ông Trọng. Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang cai trị Giao-châu, khâm phục Lý Thân, cho lập đền thờ bên sông Hồng thuộc xã Thụy-Hương, huyện Từ-liêm, nay thuộc Hà-nội. Sau Cao Biền sang cai trị Giao-châu, cho đúc tượng Lý Thân để thờ, gọi là tượng Lý Hiệu-úy. Tượng đó nay còn ở Hà-nội.
Tài liệu chữ Hán:
ĐVSKTT, Ngoại kỷ.
KĐVSTGCM, Tiền-biên, Q1.
Đại Việt địa chí.
Nam Việt địa dư chí.
Địa dư chí.
Hoàng Việt địa dư.
Nam sử lược biên.
Thăng-long cổ tích khảo.
Nhị hoàng di ái lục.
Long-biên bách nhị vịnh.
Chư dư tạp biên.
Thoái thực kỳ văn.
Trở lại với Tô Định, khi học võ, được sư phụ kể lại uy mãnh của Phục ngưu thần chưởng 36 thức, y đã sợ bóng sợ gió pho chưởng này. Lúc lên đường sang Giao-chỉ, y tự biết mình đã nhập vào vùng rồng nằm hổ phục. Với năm võ sĩ vô địch vùng Mân Việt, Tây-xuyên, y tưởng rằng sẽ trấn áp được đất Giao-chỉ, không ngờ khi đến trang nhỏ này, thấy đứa bé 17, 18 tuổi có thể sử dụng chưởng pháp dễ dàng đánh ngã con trâu mộng, trong đầu óc y đầy nghi vấn: Thế thì tất cả những võ công của Vạn-tín hầu, dân chúng đều biết, vậy khó mà sống cho yên ổn được. Y có biết đâu, ngoài Đào Kỳ ra, có ai học được đâu? Y tuyên bố Đào Kỳ thắng mà lòng đầy hoang mang.
Y hỏi:
– Trận thứ ba cháu đã thắng, ta miễn cho trang ba khoản. Còn trận đấu thứ tư là thi chạy, vậy cháu có dám đấu nữa không?
Đào Kỳ hiên ngang đáp:
– Dù thắng, dù bại cháu cũng phải đấu, vì đấu sẽ đem lại cho trang tránh được nạn lao quân. Bây giờ thế này, cháu cùng các vị thúc thúc đây chạy thi dưới ruộng nước. Chớ còn chạy trên bộ thì thường quá rồi.
Tô Định chỉ một võ sĩ cao nghệu, đứng bên cạnh:
– Lý Tam Mạnh, ngươi ra đua với cháu nhỏ này đi.
Tam Mạnh chắp tay tuân lệnh. Tất cả tiến đến thửa ruộng đấu nước phía sau đình. Cả hai cởi giày dép, quần áo, chỉ được mặc đồ lót.
Tô Định nói:
– Thửa ruộng này rộng ước trăm trượng. Ta đánh một tiếng trống thì hai người cùng chạy. Hễ ai tới bờ bên kia trước thì thắng.
Tô Định cùng dân trang đinh ninh kỳ này Đào Kỳ không thể nào thắng được Tam Mạnh, vì Kỳ chỉ đứng tới vai y mà thôi.
Tô Định cầm dùi đánh tiếng trống thứ nhất. Cả hai đều nhảy xuống rộng. Tam Mạnh nhảy xuống, vì người y nặng nên chân bị lút tới đầu gối, y luống cuống rút chân lên. Còn Đào Kỳ, nó nhảy đúng hai gốc rạ, chân không bị lún, cứ lần theo các gốc rạ mà chạy. Khi Tam Mạnh khám phá ra mưu kế của Kỳ thì đã trễ. Y cố vượt lên theo, nhưng vẫn tới bờ bên kia sau Kỳ một bước.
Tô Định tuyên bố Đào Kỳ thắng, miễn cho trang bốn khoản. Cả trang cúi lạy.
Tô Định gọi Đào Kỳ đến cạnh, móc túi ra ba thoi vàng trao cho Kỳ và nói:
– Cháu thực thông minh hiếm có, hãy cố gắng học hỏi. Nếu sau này cháu có gặp những điều bất như ý, cứ đến thăm Luy-lâu gặp ta, ta sẽ giúp cháu.
Tô Định vốn người xảo quyệt, bề ngoài y tỏ vẻ thua Đào Kỳ, nhưng bề trong y đang liệu bề tính toán. Đợi sau khi rời Cổ-đại, y sẽ cho tế tác điều tra lý lịch Đào Kỳ và xem ai là người đã xúi dục Kỳ.
Khi Tô Định đi rồi, người Cổ-đại vây quanh Đào Kỳ, khâm phục nó như một vị đại cứu tinh.
Cô gái tên Thánh Thiên tới trước mặt nó chắp tay hành lễ:
– Cậu em, gia đình cậu ở đâu? Tại sao lại lưu lạc ăn mày? Cậu giỏi văn, giỏi võ như vậy, đi ăn mày thì vô lý quá. Thôi, cậu về nhà chị đi. Nhà chị cũng không nghèo lắm, cậu yên tâm.
Kỳ theo Thánh Thiên về nhà. Vừa bước vào nhà, nó cảm thấy như có ai đánh trộm phía sau lưng. Nó vội trầm người xuống tránh, đồng thời vung tay ra sau phản kích. Trong lúc vội vã, nó sử dụng tới chưởng pháp học trong thẻ đồng của cây gậy. Chưởng của nó gặp chưởng người lạ, chạm nhau đến bịch một cái. Nó quay đầu lại. Đứng trước mặt nó là một người đàn ông tuổi đã khá cao, mặt bịt một chiếc khăn lụa.
Người đó suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Thực là cao nhân. Tiếp chưởng nữa của lão.
Ông vận đủ mười thành công lực phóng ra. Chưởng phong chưa tới, Đào Kỳ đã cảm thấy người ngộp thở. Nó không dám coi thường, vội vận sức chống lại. Hai chưởng gặp nhau lần này nghe đến “xịt” một cái. Vì Kỳ vận âm kình, chưởng hoá âm nhu. Người kia mượn thế chưởng của Kỳ lùi lại, rồi bỏ chạy. Y dơ tay vẫy Kỳ. Đào Kỳ vội rượt theo. Hai người chạy được khá xa, người kia ngừng lại, ngồi xuống nơi gốc cây đa. Đào Kỳ thấy y dường như không có ác ý, hỏi:
– Xin lão bá cho biết cao danh quý tính. Lão bá gọi tiểu điệt tới đây có điều gì dạy bảo?
Người kia cười:
– Trọn đời lão chưa từng thấy ai có chưởng lực mạnh như vậy. Trên giang hồ trước đây chỉ có Đặng Thi Kế của phái Tản-viên và sư thúc của ta là có chưởng lực như vậy thôi. Tiểu hữu, người học chưởng này ở đâu vậy? Sư phụ người là ai?
Đào Kỳ nói:
– Cháu không có sư phụ. Cháu học võ với bố cháu, nhưng những chưởng vừa rồi lại không do bố cháu dạy. Vì một nỗi khổ tâm riêng, cháu không thể nói tên bố cháu ra được.
Người kia nói:
– Tiểu hữu, người vừa sử dụng Phục ngưu thần chưởng đấu với ta. Chưởng thứ nhất là Thanh ngưu nhập điền, chưởng thứ nhì là Ngưu ngọa ư sơn. Chưởng thứ nhất là dương cương. Chưởng thứ nhì là âm nhu. Trong thiên hạ chỉ có Lê Đạo Sinh biết được những chưởng này mà thôi. Nhưng y chỉ biết có 12 chưởng thuộc dương cương. Thức Thanh ngưu nhập điền tiểu hữu sử dụng còn trầm mãnh hơn y. Còn chiêu Ngưu ngoạ ư sơn thì Lê Đạo Sinh không biết. Tiểu hữu, người là người phái Tản-viên chăng? Tại sao tiểu hữu lại nói theo giọng vùng Cửu-chân, và biết vận âm kình của phái Long-biên, lão thực không hiểu nổi?
Đào Kỳ thấy lão phẩm bình về võ học của mình không sai, nên nó biết ngay đây là một đệ nhất cao nhân đương thời, ít ra cũng ngang hàng với bố, cậu của nó, nên nó càng tỏ ra khách khí:
– Lão bá dạy quả đúng. Hai chiêu vừa rồi, cháu thuận tay phản đòn chứ không kịp suy nghĩ. Chưởng lực của lão bá hùng mạnh vô cùng. Nếu cháu không dùng Phục ngưu thần chưởng thì không chống lại được. Thời thơ ấu, cháu sống ở vùng Cửu-chân. Chưởng pháp cháu sử dụng là của Văn-Lang, chứ cháu không phải là người của Tản-viên.
Lão già lại nói:
– Hồi sáng nay, lẫn trong dân chúng quan sát, ta thấy lúc chạy ra sông thi bơi, tiểu hữu dùng thân pháp của phái Cửu-chân, chỉ chạy có năm đầu ngón chân. Lúc đánh nhau dưới nước thì dùng hai chiêu của phái Sài-sơn, lúc thi chạy lại dùng khinh công của thánh Chèm, và khi vật ngã trâu lại dùng võ công gì, ta cũng không nhìn ra. Khi đấu chưởng với ta, thì dùng chưởng pháp của Tản Viên. Hà... lão già này thực hủ lậu.
Đào Kỳ thấy lão quả thực tinh mắt. Nó học võ công của cha thuộc phái Cửu-chân, nên tòng tâm sử dụng, lão nhìn ra nó là lẽ thường. Nhưng nó chỉ học lỏm của Nguyễn Tam Trinh hai chiêu hôm lão bắt Nghiêm Sơn trên sông Hồng, thế mà lão cũng nhìn ra. Nó hỏi:
– Thưa lão bá, thánh Chèm là ai? Tại sao cháu sử dụng võ công của Văn-Lang, lão bá lại bảo là võ công của phái Tản-viên?
Lão già lột chiếc khăn che mặt ra, Đào Kỳ ồ lên một tiếng, vì thấy lão là một người tiên phong đạo cốt. Tuổi tuy cao, nhưng mặt như ngọc, râu lốm đốm bạc, dài tới rốn. Hai mắt sáng như điện. Răng lão đều như hàng ngô. Lão nói:
– Nguyên Vạn-tín hầu Lý Thân là người đất Chèm, vì vậy người đời còn dùng tên đất để gọi ngài. Còn Phục ngưu thần chưởng nguyên của Sơn Tinh thuộc dương cương. Sau Vạn-tín hầu thắng Sơn Tinh mà vẫn phục tài đối thủ, bèn dùng nội công âm nhu chế ra 36 chiêu khác, khắc chế lại.
Đào Kỳ im lặng không nói gì. Người kia lại nói:
– Vừa rồi tiểu hữu thắng Tô Định, cứu được dân Cổ-đại nhưng y không để yên đâu. Y vốn người thâm hiểm, y sẽ cho người theo dõi và mưu hại tiểu hữu đó. Tiểu hữu mau rời khỏi nơi đây. Bây giờ tiểu hữu định đi đâu?
Đào Kỳ nhớ lời Nguyễn Phan dặn mình đến trang Cối-giang để trao cho Nguyễn Trát một bài quyết về võ học, nên vội nói:
– Tiểu bối định đi Cối-giang.
Người kia thoáng một vẻ kinh ngạc, rồi nói:
– Tiểu hữu định đi Cối-giang à? Thế thì cùng đường với ta. Nào, chúng ta cùng đi một thể.
Thế là thủy chung lão già vẫn cứ gọi Đào Kỳ là Âu Lạc.
Hai người, một già, một trẻ cùng nhau đi về hướng Cối-giang. Khi tới một cánh rừng, phía trước có hai người mặc quan phục Hán cỡi ngựa, phía sau có một thiếu nữ bị trói ngồi trên mình một con ngựa khác. Đào Kỳ nhận ngay ra thiếu nữ đó chính là Thánh Thiên. Nó nổi giận, định sinh sự. Lão già nói:
– Quân binh Hán rất tàn bạo, tiểu hữu để mặc lão đối phó, đừng nên lộ thân thể không mấy tốt đẹp.
Đào Kỳ đã một lần kinh nghiệm về vụ cứu cô gái tên Tiá, nên lần này nó thận trọng hơn. Lão già dắt nó tránh sang bên nhường chỗ cho ba con ngựa đi.
Thánh Thiên kêu lên:
– Âu Lạc, cứu chị với!
Lão già hỏi người quan binh béo mập:
– Thưa quan, chẳng hay cô gái này phạm tội gì?
Tên béo mập cười hì hì:
– Chả có tội gì cả! Huyện-úy sai bọn ta mời cô về để đưa lên Luy-lâu làm Thái thú phu nhân. Ngươi muốn sống thì đừng can thiệp vào.
Lão già im lặng, rồi bỗng phi thân nhảy lên, không hiểu lão dùng thủ pháp gì, chỉ thấy thoáng một cái, hai tên quan bịnh bị tát hai cái bốp, bốp. Thuận tay, ông nhấc thiếu nữ xuống đất. Chỉ một cái bấu tay, bao nhiêu dây trói cô gái bị đứt hết.
Hai tên quân binh hét lên một tiếng, rút kiếm khỏi vỏ, nhảy xuống vây quanh ông lão. Lão lơ đãng nhìn phương trời xa xa dường như đang suy nghĩ một điều gì. Hai tên quân binh múa đao nhảy vào chém. Lão vung tay bắt đao, nắm chặt lấy sống đao. Hai tên quan binh cố gắng vùng vẫy, giằng co, hai cây đao như đóng đinh vào cột, không hề chuyển động. Không hiểu lão chuyển động tay thế nào, bỗng hai tên quân binh ngã chúi về phía lão, té lộn xuống như người quỳ trước mặt Thánh Thiên. Hai thanh đao lão dí vào cổ chúng. Chúng sợ quá, chắp tay lạy lia lịa:
– Trăm lạy lão gia, xin lão gia tha mạng. Chúng con chỉ là người thừa hành mệnh lệnh của Huyện-úy mà thôi.
Lão già thu đao về, phất tay ra hiệu cho chúng đi. Hai tên vội nhảy lên ngựa phóng đi như bay.
Đào Kỳ chú ý đến thủ pháp của lão thì rõ ràng là võ công Long-biên. Những chiêu thức của lão giống hệt những chiêu thức Nguyễn Phan dạy nó. Có điều lão sử dụng rất thành thục. Nó buột miệng kêu lên:
– Úi chà!
Lão già bảo Thánh Thiên:
– Cháu không về nhà được nữa. Tô Định chỉ muốn bắt cháu. Không thấy cháu, ta đồ rằng hắn không hại cha cháu đâu.
Thánh Thiên đi theo Đào Kỳ với ông lão.
Thánh Thiên hỏi:
– Long-biên nhị hiệp, cháu có một điều không hiểu tại sao cha cháu cũng có võ công, mà chịu để cho Tô Định đánh đòn như vậy?
Đào Kỳ nghe nói đến Long-biên nhị hiệp, vội hỏi:
– Chị Thánh Thiên! Chị vừa nói cái gì là Long-biên nhị hiệp?
Thánh Thiên nói:
– Lão bá đây họ Nguyễn, tên Trát, là chưởng môn phái Long-biên, em chưa biết sao?
Đào Kỳ chắp tay hành lễ:
– Hậu học xin tham kiến Long-biên nhị hiệp.
Nguyễn Trát phất tay rồi nói:
– Tiểu hữu, người đừng quá đa lễ. Hôm nay, Nguyễn Trát này được làm quen với một tiểu anh hùng là mãn nguyện rồi.
Nguyên lão già đó là Nguyễn Trát, Lạc-hầu trang Cối-giang. Lão năm nay tuổi khoảng 60, chưởng môn phái Long-biên, vang danh thiên hạ. Hồi đại hội Ngũ-lĩnh, lão cùng sư đệ Phan Đông Bảng đoạt chức Lĩnh Nam võ công đệ nhị. Đào Kỳ nghe đến tên Nguyễn Trát, nó nhớ lời Nguyễn Phan nói với nó: “Lão là chưởng môn phái Long-biên, bị ba phản đồ Lê Nghĩa Nam, Hoàng Đức Tiết và Mai Huyền Sương đánh thuốc độc cho mê man, bắt giao cho Lê Đạo Sinh để khảo bí quyết võ công. Khi lão bị bắt, đám đệ tử lão tranh giành chức chưởng môn, đệ tử thứ hai là Nguyễn Thuật thắng sư huynh, sư đệ lên nắm ngôi chưởng môn. Nguyễn Thuật chết, con là Nguyễn Trát lên thay”. Nguyễn Phan khẩn khoản nhờ nó mang bí quyết về luyện nội công âm nhu với 72 chiêu kiếm trấn môn ra truyền lại cho người đời sau.
Về đến trang trại, Nguyễn Trát mang năm con ra giới thiệu với Đào Kỳ:
– Đây là bốn con trai của lão: Anh, Hùng, Hào, Kiệt. Còn con gái út tên Phương Dung.
Từ ngày rời Thái-hà đến giờ, bây giờ Đào Kỳ mới gặp được nhiều người ngang tuổi. Chuyện trò như pháo nổ. Nguyễn Trát sai làm cơm đãi khách. Ông bà cùng năm con ngồi tiếp Đào Kỳ.
Ông nói:
– Đây là tổng đường phái Long-biên. Phái Long-biên chúng ta đông người, ai cũng tập võ cả. Nhưng hiện giờ Thái thú cấm võ, không biết rồi sẽ ra sao? Ta có người bạn là Đô-úy Giao-chỉ, không biết tiểu hữu có nghe danh không? Y thực là tốt bụng, đúng là một vị hiền nhân, quân tử. Tuy làm quan với Hán, mà lòng ở Việt. Y nổi tiếng trong võ lâm, lại là vị quan nhân có đức. Thật khó kiếm được một người như y.
Đào Kỳ hỏi:
– Có phải Lục-trúc tiên sinh không?
Nguyễn Trát gật đầu:
– Đúng đó, tiểu hữu đi ăn mày thế này là do ý thích tiêu dao tự tại. Chứ tiểu hữu là người võ lâm, ghé thăm y, thế nào y cũng chu cấp tiền bạc cho tiểu hữu.