Chương 16 Phế Đế Đinh Triều Phế Đế Đinh Triều--
Huệ-Sinh ngạc nhiên:
- Cứ như quận-chúa nói, thì chủ nhân của cặp ưng này là ai? Họ theo dõi hành động của Sơn-tĩnh với mục đích gì?
Bảo-Hòa đưa mắt nhìn Thiệu-Thái như muốn hỏi ý kiến của anh. Thiệu-Thái tiến lại cầm lấy chân đôi chim xem xét. Mỹ-Linh thấy đôi chim dễ thương, nàng đưa tay vuốt lông nó. Thình lìnhh nó ré lên một tiếng lớn, dương cánh xù lông, trợn mắt như định mổ tay nàng. Nàng vội vàng dụt tay lại, mắng nó:
- Loài súc sinh, mi định nhá thịt ta hả?
Thiệu-Thái an ủi Mỹ-Linh :
- Em đừng giận. Chim này do người nuôi dạy, nó rất khôn. Chỉ chủ nhân hoặc người biết cách điều khiển mới mó vào nó được. Em muốn làm thân với nó, để anh bảo nó đã. Rồi Thiệu-Thái líu lo mấy tiếng. Đôi chim ưng hướng Mỹ-Linh gật đầu chào. Chúng cọ cổ vào bàn tay nàng. Thiệu-Thái nói: - Chúng xin lỗi Bình-Dương đấy. Em có thể đùa với chúng được rồi. Mỹ-Linh đưa tay vuốt ve lông chim. Thanh-Mai hỏi Bảo-Hòa: - Tôi nghĩ người nuôi cặp chim này e không nuôi một đôi, mà còn nuôi nhiều đôi khác. Họ là ai vậy? Thiệu-Thái nhìn về chân trời xa xa chàng nghĩ thầm: - Đúng như Thanh-Mai nói. Người nuôi cặp chim có nhiều liên hệ với bản phái. Thân thế của người này rất cao. Mình lại không biết rõ là ai. Người này nuôi nhiều chim ưng, sai canh phòng, theo dõi động tĩnh chùa Sơn-tĩnh không biết để làm gì? Dường như mỗi ngày sai một cặp đến đây. Đại sư Nguyên-Hạnh không để ý, nên tưởng chúng chỉ là một cặp chim hoang. Ta không nên cho đại sư Nguyên-Hạnh biết vội, Chàng nói lảng: - Không hẳn thế! Tôi chắc chủ nhân của chúng chỉ nuôi có một đôi. Song phúc đức kém quá, chúng thấy đại sư Nguyên-Hạnh sắp đắc pháp Bồ-tát, nên đến đây chầu. Nguyên-Hạnh nghe nói, mặt biến sắc, tự chửi thầm: - Mình đáng chết thực, thấy cặp chim ưng thường đến đậu trên cây đa, những tưởng chúng là chim hoang, không ngờ là chim có chủ... họ dùng nhiều cặp chim theo dõi mọi động tĩnh của mình. Họ theo mình mấy năm liền, mà không ra mặt thì hẳn là kẻ thù chứ không phải người thân. Vậy mình phải cố gắng hỏi cho ra chân tướng kẻ thù mới được. Nguyên-Hạnh cố lấy bình tĩnh trở lại: - Cứ như thế-tử nói thì chủ nhân cặp chim ưng này thuộc phái Tây-vu? Theo tại hạ nghĩ cao nhân này không thuộc phái Tây-vu, nhưng có liên hệ rất sâu sa. Thanh-Mai ngơ ngác: - Như thế nghĩa là? Thiệu-Thái giảng giải: - Như cô nương biết, bản phái gốc từ Hồ tiên-cô, húy Đề. Thời Lĩnh-nam thống-lĩnh toàn quân là Bắc-bình vương Đào Kỳ, tiên cô được phong công chúa, phó thống lĩnh quân mã. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, Hồ tiên-cô ẩn thân dạy đệ tử. Vì vậy tất cả võ công các phái khác bị mai một. Duy đệ tử Tây-vu còn giữ nguyên được. Sau khi Hồ tiên-cô qui tiên, các đệ tử Tây-vu thành lập phái. Mỗi trang, mỗi động vẫn sống tự do, tự tại. Trải trên nghìn năm mà giữ trang động như thời Lĩnh-nam. Trong khi miền xuôi, bị người Hán biến thành làng xã. Đến đời ông nội tôi... Nguyên-Hạnh tiếp lời: - Giai đọan lịch sử này bần-tăng biết. Nội tổ của thế-tử là Thân Thiệu-Anh, võ công vô địch, một lòng với xã-tắc. Trong khi vua Ngọa-triều tại vì, người tách 207 trang động khỏi Lê triều, coi như một nước riêng biệt. Người dự định đem quân về lật đổ triều Lê. Giữa lúc đó thì đức kim thượng nhà ta được Trung-nghĩa hầu Đào Cam-Mộc cùng các tướng tôn lên ngôi cửu-ngũ. Lúc đầu người từ chối, sau quần thần khuyên can rằng nếu người không lên ngôi vua, e có nội chiến. Quân Tống nhân đó kéo sang, thì cái vạ mất nước trên nghìn năm tái diễn. Đức kim thượng đành nhận lời lên ngôi. Sau khi người lên ngôi, thì lạc-hầu Thân Thiệu-Anh gửi sứ về tỏ ý qui phục. Thiệu-Thái gật đầu: - Đúng như đại sư nói. Thời Lĩnh-nam, Hồ tiên-cô có tám đạo quân tham chiến, quân Hán nghe đến tên là kinh tâm động phách. Đó là Thần-ưng, Thần-hổ, Thần-long, Thần-ngao, Thần-phong, Thần-báo, Thần-tượng, Thần-hầu. Nguyên-Hạnh chợt nhớ ra: - Phải rồi, bản lĩnh của đệ tử Tây-vu là huấn luyện thú rừng thành binh đội. Như hồi nãy đến giờ, thế-tử, quận-chúa dùng tiếng nói của chim ưng, nói với chúng, mà sai khiến được. Vì vậy khi thấy chim ưng do người nuôi dậy thì hai thí chủ biết liền. Không lẽ người nuôi chim ưng này thuộc phái Tây-vu? Thiệu-Thái lắc đầu: - Không phải. Trong trên ba nghìn tiếng nói của chim ưng mà chúng tôi học để điều khiển chúng, thì có khỏang hai nghìn tiếng có từ thời Lĩnh-nam, còn lại là đời sau chế ra. Từ lúc chúng tôi nói truyện với chim ưng, thì khám phá ra rằng có nhiều tiếng tôi nói chúng không hiểu, ngược lại chúng nói nhiều tiếng, chúng tôi không hiểu. Vì vậy Bảo-Hòa mới quyết đóan chủ nhân của chúng có uyên nguyên với phái Tây-vu mà thôi. Nguyên-Hạnh nhìn Mỹ-Linh, hỏi Thiệu-Thái: - Phải chăng công-chúa điện-hạ đây sắp về làm dâu họ Thân? Thiệu-Thái kinh ngạc: - Tại sao đại-sư lại hỏi như thế? Chúng tôi là anh em con cô con cậu. Mẫu thân tôi là chị ruột của thân phụ Bình-Dương. Huệ-Sinh mỉm cười: - Sư thúc của bần tăng nói đúng đó. Nguyên khi đức kim thượng còn hàn vi, có kết huynh đệ với nội tổ của thế-tử. Hai bên ăn cùng mâm ,ngủ cùng giường. Có một lần người hứa sẽ gả công-chúa Hồng-Châu cho nghĩa đệ. Người còn hứa, đời đời họ Lý sẽ gả con gái cho họ Thân. Cho đến đời thân phụ của thế-tử, lại được người gả công-chúa Bảo-Hòa cho. Bần tăng nghĩ, sau này thái-tử lên nối ngôi ắt gả Bình-Dương cho thế-tử. Bảo-Hòa lắc đầu: - Truyện này không thể có được. Vì mạ mạ của đệ tử đã hỏi con gái động trưởng Vật-dương là Vi Huệ-Chân cho anh Thiệu-Thái rồi. Đã có Huệ-Chân, thì anh Thiệu-Thái không thể thêm Bình-Dương được. Mạ mạ sẽ cắt chân. Hồi còn nhỏ Mỹ-Linh thường nghe mẫu thân kể cho nghe giai thọai này. Song nàng chưa đủ lớn để có ý niệm về hôn nhân. Nàng nghe nói, Lạng-châu là châu lớn nhất Đại-việt, do họ Thân cai trị, theo lối lưu truyền huyết tộc. Vì ảnh hưởng từ thời Lĩnh-nam, dân Lạng-châu theo chế độ mẫu hệ. Để tỏ lòng trung thành với nghĩa huynh, lạc-hầu Thân Thiệu-Anh cưới thái cô Hồng-Châu. Tuy nói rằng cưới, chứ sự thực đón thái-cô lên làm chúa vùng núi rừng Bắc-biên. Không ngờ thái cô Hồng-Châu say mùi đạo, không màng phú quý, bỏ đi tu, người nữ tỳ bỗng trở lên vua bà Lạng-châu. Sau đó ông nội nàng lại gả cô nàng cho con của Thân Thiệu-Anh với tỳ nữ là Thân Thừa-Qúi. Cô nàng được phong tước Lĩnh-Nam bảo-quốc hoà dân công-chúa thường gọi tắt là công-chúa Bảo-hòa. Cô nàng trở thành vua bà Lạng-châu, thống lĩnh tất cả 207 châu động vùng Bắc-biên. Cô nàng có hai con trai, không biết nàng sẽ bị gả cho ai? Nàng đưa mắt nhìn người Thiệu-Thái, quả thực là một bậc nam tử. Thân thể hùng vĩ, cử chỉ đường bệ. Khái niệm về tình yêu bỗng đến thực nhanh. Mặt nàng đỏ ửng, cúi xuống, không dám nhìn Thiệu-Thái nữa. Thanh-Mai hỏi Mỹ-Linh: - Này Bình-Dương, em có bao nhiêu chị em gái? Tất cả chín người. Em là lớn nhất. Song không phải cùng mẹ. Phụ vương có tất cả bẩy vương-phi, ngoài ra còn thêm hai mươi bốn mỹ-nữ nữa. Thanh-Mai lại hỏi Bảo-Hòa: - Còn quận chúa. Quận-chúa có mấy anh em trai. Phụ-thân quận-chúa có bao nhiêu phi-tần? Bảo-Hòa cười: - Chị này lẩn thẩn. Ở Lạng-châu trên thì thờ vua Trưng, Hồ-tiên-cô. Lạng-châu tôn trọng phụ nữ. Trong 207 châu-động thì đến 99 do nữ chúa cai quản. Người tổng quản là châu trưởng Lạng-châu bao giờ cũng là nữ, thường gọi là vua Bà. Mạ-mạ tôi là đương kim vua Bà. Luật bản triều cho phép chồng có nhiều vợ. Nhưng phép vua thua lệ làng. Cả vùng Bắc-biên theo chế độ một vợ một chồng. Vợ, cũng như chồng lôi thôi là bị tội nặng. Bố chỉ có một mình mạ-mạ. Anh Thiệu-Thái lớn nhất, thứ đến anh Thiệu-Cực, cuối cùng là tôi. Thanh-Mai cười: - Như vậy khó biết sau này trong chín chị em của Bình-Dương, ai sẽ về làm dâu họ Thân? Từ năm mười lăm tuổi, bố mẹ Thiệu-Thái đã hỏi Vi Huệ-Chân con gái động trưởng Vật-dương cho chàng. Ngày làm lễ hỏi, chàng được thấy mặt Huệ-Chân một lần. Như tất cả các cô gái vùng thượng du khác, Huệ-Chân học cỡi ngựa, săn thú, sống với thiên nhiên. Từ đấy, cứ mỗi tiết chính chàng lại phải mang lễ vật đến động Vật-dương dâng bố mẹ vợ. Trong dịp này, chàng có dịp phi ngựa, săn thú cùng với Huệ-Chân. Hai người dần dà trở thành đôi bạn thân. Nhưng tuyệt nhiên cả hai chưa hề sinh ra một chút tình yêu trai gái nào. Mạ mạ chàng quyết định cuối năm nay sẽ cưới Huệ-Chân về Lạng-châu. Tuy sắp có vợ, mà chàng thấy rửng rưng như không. Mấy hôm nay, theo lệnh mạ mạ, chàng cùng em gái đuổi theo bọn Địch Thanh vào tới trấn Thanh-hóa thì gặp cô em họ Lý Mỹ-Linh. Khác với các cô gái thượng du chàng đã gặp. Mỹ-Linh ôn nhu, văn nhã. Nàng có một sắc đẹp huyền ảo, mờ mờ như người trong mơ. Mỹ-Linh với chàng là anh em cô cậu. Vì vậy nàng không tỵ hiềm nam nữ. Hai người gặp nhau là truyện trò không ngừng. Bây giờ nghe em gái nhắc đến mối hôn nhân với Huệ-Chân, tự nhiên chàng cảm thấy đau nhói trong tim. Bất giác chàng liếc nhìn Mỹ-Linh, buông tiếng thở dài. Bỗng có tiếng chim kêu từ xa vọng lại, mọi người ngước mắt nhìn lên: từ phía Tây, một đôi chim ưng khác bay lại. Chúng kêu lên một tràng liên tiếp. Cặp chim ưng đang đậu trên bụi cây kêu lên mấy tiếng đáp lại, rồi vọt lên cao. Bảo-Hòa nới với Huệ-Sinh: - Đúng rồi. Chủ nhân thấy đến giờ, đôi chim này không về, sai đôi chim kia đi tìm. Nàng hướng lên trời hú một tiếng dài. Đôi chim mới tới hạ cánh ngay cạnh đôi chim cũ. Thấy trên bàn có bút nghiên, Thiệu-Thái cầm bút viết liên tiếp đầy một trang giấy, rồi chàng cuộn lại, bọc thêm bên ngoài một lớp giấy nữa, rồi buộc vào chân một con ưng. Chàng huýt sáo mấy tiếng. Đôi chim cũ cất cánh bay bổng lên cao, biến vào phương trời Tây. Còn đôi chim mới bay lên cành đa cao chót vót đậu. Thanh-Mai đứng lên nói với Huệ-Sinh: - Trời đã về chiều, tiểu-nữ cùng Bình-Dương, Bảo-Hòa trở lại dinh tổng-trấn. Còn Thiệu-Thái, xin đại-sư chiếu cố cho. Nguyên-Hạnh đứng lên tiễn khách: - Rất tiếc qui luật bản tự có từ xưa, thành ra bần-tăng không thể lưu công-chúa, quận-chúa lại được. Xin hai vị đại-xá. Trước khi rời chùa, bỗng Bảo-Hòa cất tiếng líu lô nói với Thiệu-Thái một hồi dài. Thiệu-Thái luôn gật đầu. Xuống tới chỗ cột ngựa, Bảo-Hòa nói: - Chúng ta lấy ngựa đi. Còn con cọp này để lại đây cho anh Thiệu-Thái. Ba người xuống đến chân núi, Mỹ-Linh hỏi Bảo-Hòa: - Ban nãy em thấy anh Thái viết thư, chắc là gửi cho chủ của chim ưng. Anh ấy viết một thứ chữ gì kỳ lạ, em không đọc được. Rồi khi xuống núi, chị nói líu lo gì với anh Thái vậy? Bảo-Hòa biết cô em họ chưa ra đời, ít kinh nghiệm. Nàng nói: - Anh Thái ước đóan người nuôi chim ưng tất có liên hệ với phái Tây-vu, vì vậy anh ấy viết thư cho người ấy bằng chữ Tây-vu. Thứ nhất hỏi xem người đó là ai. Thứ nhì hỏi nguyên do nào người ấy sai chim ưng theo dõi động tĩnh của chùa Sơn-tĩnh. Chị thấy chùa Sơn-tĩnh có nhiều vẻ kỳ bí, nên dặn anh Thiệu-Thái cẩn thận đề phòng. Tiếng mà chị dùng để nói với anh Thái là tiếng Thái. Thanh-Mai nhắc nhở: - Khi rời trấn về Tây-vu, phò-mã dặn chúng ta phải theo dõi bọn Tống. Vì chưa chắc chúng chịu đi ngay, mà còn trở lại đền thờ Tích Quang, Nhâm Diên đào bới tìm di thư. Ông Tôn Trung-Luận đánh lừa, mà cho đến giờ phút này chúng cũng không biết. Mỹ-Linh ngây thơ: - Cô mẫu đã phái Đàm Tóai-Trạng theo hộ tống bọn họ. Kỳ thực để canh gác, thì sao bọn họ có thể trở lại đền Nhâm, Tích tìm di thư? Bảo-Hòa cười: - Em nhớ rằng bọn chúng sang Đại-Việt không phải chỉ có ba tóan. Hồi đầu chúng ta đụng bọn Triệu Huy, sau đó đến bọn Triệu Thành xuất hiện. Kế tiếp bọn Địch Thanh. Chúng còn nhiều toán nữa. Có điều tôi không rõ chúng liên lạc với nhau bằng phương tiện nào? Thanh-Mai chỉ con đường phía trước: - Con đường kia có hai ngả. Một ngả về dinh tổng trấn. Một ngả tiến ra biển, nơi có đền thờ Nhâm, Tích. Bây gìơ chúng ta không về dinh nữa, mà lên đường thẳng tới đền thờ thì hơn. Ba người rẽ ngựa hướng bờ biển. Khi thấy đẫy núi xa xa, Thanh-Mai chỉ tay: - Kìa là đảo Nghi-sơn, trên có núi Biện-sơn, chỗ tường trắng trên đỉnh núi là đền hai vị anh hùng Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn thời vua Trưng. Sườn núi còn đền thờ nữa, đó là đền thờ Mỵ-Châu. Còn kia là bãi biển Ngọc-đường, nơi có đền thờ Nhâm,Tích. Bảo-Hòa hỏi: - Có phải Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn là anh ruột Bắc-bình-vương Đào Kỳ không? Đúng đấy. Ngựa phi như gió, thoáng một cái đã tới nơi. Thanh-Mai bàn: - Cạnh đền thờ có nhiều nhà dân. Vậy chúng ta dấu ngựa, vào rừng nằm nghỉ, đêm sẽ ra dò thám thì tiện hơn. Đi dò thám mà trang phục thế này, coi bất tiện lắm. Chúng ta phải giả trai để dấu tông tích. Ba người cho ngựa chạy vào rừng. Họ tìm khu cây cối rậm rạp, cột lại. Thanh-Mai bàn: - Để giả trai, chúng ta cần ba bộ quần áo. Mỹ-Linh, em từng gỉa trai. Em có mấy bộ? Bốn bộ. Mỹ-Linh mở bọc ra, nàng lấy quần áo trao cho Thanh-Mai, Bảo-Hòa. Thoáng một cái, ba người đã trở thành ba Nho-sinh, áo, mũ, giầy giống nhau. Thanh-Mai bàn: - Chúng ta giả trai thì được rồi, nhưng còn tiếng nói, phải làm sao cho tiếng khàn khàn giống tiếng đàn ông mới được. Bảo-Hòa chỉ cây sung bên bờ suối: - Không có gì khó cả. Mỗi đứa chúng tan ăn mấy quả sung xanh thì tiếng khàn khàn ngay. Thanh-Mai vọt mình lên cao, quơ tay một cái, nàng đã hái được mấy quả sung. Mỹ-Linh cầm lấy ăn, nàng nhăn mặt: - Khó ăn chết đi được. Chát qúa. Thanh-Mai hát nghêu: Con cò đậu cọc cầu ao, Ăn sung, sung chát, ăn đào, đào chua. Bao giờ cho nước có vua, Cho dân có gạo, cho chùa có sư. Đó là câu hát được sáng tác trong thời gian nghìn năm mất nước của người Việt lưu truyền lại, thuận miệng Thanh-Mai hát chơi. Chờ cho Bảo-Hòa, Bình-Dương ăn sung xong, nàng nói: - Trời tối đến nơi rồi, bụng đói, lấy gì mà ăn bây giờ? Bảo-Hòa lấy trong bọc ra thanh nga-mi kiếm nhỏ. Nàng cắt cây, vót nhọn thành mấy mũi phi tiễn, rồi nói với Thanh-Mai: - Trong ba đứa mình thì chị có công lực cao nhất. Vậy chị dùng những mũi phi tiễn này, chúng ta đi săn thú rừng làm bữa ăn chiều. Vùng này thiếu gì gà rừng. Nào bây giờ chúng ta núp vào mấy tảng đá này chờ thú. Bảo-Hòa hú lên một tiếng dài. Con ngựa rừng của nàng với Thiệu-Thái hí lên đáp lại, rồi hai con chia hai ngả chạy đi. Thanh-Mai tỉnh ngộ: - Có phải Bảo-Hòa sai ngựa đi đuổi thú chạy lại phía này cho chúng mình săn không? Bảo-Hòa chưa kịp trả lời, thì từ phía trước nào gà rừng, nào hoẵng bị ngựa đuổi, đang chạy về phía ba người núp. Thanh-Mai vung tay lên, hai con gà rừng trúng phi tiễn, ngã vật ra. Con hoẵng chạy sắp tới nơi, mũi phi tiễn sắp tới đầu, thì nó ngã lộn đi một vòng, dãy dụa mấy cái, rồi nằm im. Bảo-Hoà reo lên: - Đủ rồi. Không nên giết nhiều thú vô ích. Reo xong, quay lại thấy Thanh-Mai tần ngần bên cạnh con hoẵng, nàng kinh ngạc hỏi: - Cái gì vậy? Thanh-Mai chỉ đầu con hoẵng: - Bảo-Hoà nhìn này! Từ xa mình thấy con vật chạy tới với tốc lực mau dị thường, chứng tỏ nó khoẻ mạnh. Mình phóng phi tiễn, phi tiễn không trúng mà con vật lăn ra chết. Mình không hiểu tại sao, mới xem lại. Này Bảo-Hoà nhìn này. Bảo-Hoà thấy đầu con vật bị trúng một viên đá lớn bằng quả chanh. Viên đá cắm sau vào óc, khiến con vật chết ngay. Vốn kinh nghiệm săn bắn, nàng nghĩ thầm: - Như vậy phải có một người công lực cao thâm khôn lường, phóng viên đá này vào đầu con hoẵng. Người này đứng phía sau Thanh-Mai, ném đá. Công lực Thanh-Mai đâu có tầm thường, mà viên đá bay xéo qua người, nàng không khám phá ra ắt người đó dùng âm kình. Bất giác nàng lớn tiếng: - Cao nhân nào, xin xuất hiện cho tiểu nữ được tương kiến. Gọi ba lần, không thấy có tiếng trả lời. Thanh-Mai lắc đầu: - Thôi, tiền bối không muốn hiển lộ thân thế cũng đành. Chị em chúng ta làm thịt hoẵng ăn vậy. Bình-Dương đứng trước một người chị họ đầy kinh nghiệm về nếp sống hoang dã, với một người chị kết nghĩa kinh lịch có thừa, nàng chỉ biết ngồi nhìn. Bảo-Hòa vẫy tay gọi Mỹ-Linh: - Em theo chị ra suối, lấy đất làm món gà rừng nướng theo lối Tây-vu. Em ở trong cung, thì không bao giờ được ăn món này đâu. Còn chị Thanh-Mai làm ơn lột da con hoẵng dùm. Bảo-Hòa vặt lông xong lấy nga mi kiếm mổ bụng hai con gà rừng, , moi ruột gan. Nàng cắt một khúc trúc, chẻ ra lấy một thanh làm lưỡi dao nhỏ. Dùng dao trúc, nàng dưa mấy nhát, bao nhiêu ruột gà xẻ làm đôi. Cái mề nàng lột vỏ bên trong. Sau khi rửa thực sạch nhét bộ lòng vào bụng gà. Nàng men theo bờ suối hái mấy thứ lá cây, nhét vào đầy bụng gà, rồi lấy dây rừng buộc lại: - Bình-Dương nên biết gà rừng thường không độc bằng gà vườn. Tuy vậy gà nào ăn vào cũng dễ sinh phong, sinh ngứa. Muốn cho khỏi ngứa thì ăn thịt gà với lá chanh hay hành sống. Ở đây không có lá chanh, chị dùng rau dền, rau sam, rau sàn bát, rau dền, xương xông, lá lốt thay thế. Mấy thứ này nhét đầy bụng gà, rồi buộc lại mà nướng. Bây giờ chúng ta đắp đất ra ngoài khi nướng thịt gà mới không bị cháy. Nói đến đâu nàng đắp đến đó, phút chốc hai con gà bị bọc đất sét kín mít. Bảo-Hòa đặt hai con gà kê giữa hai viên đá, rồi nàng lấy củi nhỏ châm lửa đốt. Một làn khói xanh bay tỏa lên giữa khu rừng u tịch. Thanh-Mai đã lột da con hoẵng, làm bộ lòng xong. Nàng cắt một cây trúc lớn, xuyên suốt qua bụng, rồi làm hai cái gạc treo lên, đốt củi nứơng. Gà rừng không lớn lắm, nên nướng mau chín. Bảo-Hòa gỡ đất bọc gà . Bên trong hiện ra thân gà mỡ vàng bóng ngậy. Nàng cầm con gà xé đôi đưa ra cho Mỹ-Linh, Thanh-Mai: - Nào ăn đi chứ. Mỹ-Linh cầm nửa con gà, mùi hương thơm bốc lên ngào ngạt. Bảo-Hòa dặn: - Em nhớ nghe, ăn bộ lòng gà lẫn với năm thứ rau mới tuyệt. Một là bụng đói, hai là sau một ngày phi ngựa, ba là lạ miệng, Mỹ-Linh cầm nửa con gà ăn hết sạch. Ba người chia nhau ăn hết hai con gà rừng mà bụng chưa no. Bảo-Hòa nhìn Mỹ-Linh tội nghiệp: - Bây giờ chúng ta ăn thịt hoẵng nướng. Cam đoan thơm, ngon không kém gì thịt gà. Nàng cầm nga-mi kiếm quay lại định cắt thịt hoẵng. Thì lạ chưa, mới đây con hoẵng còn đầy đủ, mà nay đã biến đâu mất hai cái đùi sau. Thanh-Mai, Mỹ-Linh cũng đã khám phá ra sự lạ lùng ấy. Cả ba người trố mắt nhìn. Mỹ-Linh hỏi: - Không chừng con thú nào đến ăn vụng... Nói hết câu đó nàng biết rằng không phải. Con thú nào mà có khả năng ăn hết nửa con hoẵng ắt phải lớn lắm. Thú lớn, dám đến cạnh ba người mà ăn vụng ắt phải có tiếng động. Nội công ba người tuy chưa cao thâm, song dù con gà, con chim đến gần trong hai trượng cũng nghe thấy, nữa là thú lớn. Thanh-Mai cầm cây trúc xuyên con hoẵng lên coi, nàng tìm ra vết cắt rất ngọt. Hai cái dùi bị tiện luôn cả xương. Như vậy là có người ăn vụng. Nàng rùng mình, vì với bản lĩnh của người này, nếu y có ác ý thì chỉ cần vung tay, ba chị em nàng đã không còn tính mạng. Nàng nói lớn: - Cao nhân nào gía lâm, xin cho Thanh-Mai phái Đông-a, Bảo-Hòa phái Tây-vu, Mỹ-Linh phái Tiêu-sơn được tương kiến. Không có tiếng trả lời. Bảo-Hòa ngửa mặt lên trời hú một tràng dài liên miên bất tuyệt. Tiếng hú vừa dứt thì có hai con chim ưng từ trên cao đáp xuống. Nàng vuốt ve nói với chúng mấy tiếng, rồi thả chúng bay lên không. Thanh-Mai hỏi: - Bảo-Hòa tìm ra người ăn vụng thịt rồi à? Không. Nguyên lúc rời chùa Sơn-tĩnh, em gọi đôi chim ưng đi theo, hầu canh gác gian nhân. Từ lúc rời chùa, lúc nào chúng cũng bay theo chị em mình, em không muốn nói ra đấy thôi. Nay thấy cao nhân xuất hiện, em gọi chúng xuống hỏi cho ra lẽ, thì chúng trả lời rằng đây là người nhà. Không biết ai mà có bản lĩnh dường này. Người ăn vụng bản lĩnh e không thua đại-sư Huệ-Sinh với Nùng đạo-trưởng. Mỹ-Linh ngây thơ: - Người này nhất định không phải tăng ni, vì tăng ni đâu có ăn vụng thịt? Ai mà có bản lĩnh ghê thế? Mà thôi, đã là người nhà, lại không có ác ý thì chẳng cần phải thắc mắc làm gì. Thanh-Mai nhìn lên trời đầy sao, nói bâng quơ: - Người ném đá giết hoẵng và cắt thịt hoẵng chắc cùng là một. Bảo-Hòa dứt khoát: - Chúng ta cứ đường đường chính chính thi hành lệnh của mạ mạ. Ai dám đụng đến chúng ta! Bây giờ chúng ta dưỡng thần một lát rồi lên đường. Ba người dưỡng thần một lúc, thì đêm đã buông màn. Thanh-Mai nhắc nhở: - Bảo-Hòa, Bình-Dương nhớ nghe: tuyệt đối tránh dùng võ công. Nếu có gì lạ chúng ta đốt pháo hiệu, binh mã trấn Thanh-hóa sẽ can thiệp. Ba người hướng đền thờ Nhâm, Tích lần tới. Ngôi đền nằm im lìm dưới ánh trăng vằng vặc, trông rõ như ban ngày. Đền nằm trên một khoảnh đất khá rộng, trông ra bãi biển. Trước đền có hai con ngựa đá trong tư thế đứng chầu đầu vào nhau. Từ ngoài đi tới bằng một lối đi, nằm giữa hai khỏanh ruộng. Cuối lối đi, là khu vườn, có ao sen. Hoa sen mùa hạ nở ra thơm ngát. Tiếng ếch nhái, chão chuộc dưới ao kêu liên hồi. Sau ao sen là cổng đền. Hai bên cổng có hai tấm bia đá lớn. Thanh-Mai đoán chừng bia này tạc vào thời người Hán cai trị đất Việt, để ca tụng công đức tưởng tượng của Nhâm, Tích. Nhanh nhẹn, ba người vượt qua cổng vào trong sân. Sân lát đá khá rộng. Giữa sân có chiếc bể cạn hình bán nguyệt rộng khoảng ba bước. Trong bể có giả sơn, nước trong vắt. Bảo-Hòa chỉ bụi mẫu đơn. Ba người núp vào đó. Bình-Dương đã nghe nói nhiều về người trong võ lâm hành hiệp. Hôm nay nàng mới chính thức được nhập cuộc. Trong khi im lặng theo dõi, nàng nghĩ vơ vẩn đến mẫu thân, không biết giờ này thân thể ra sao trong mồ? Phụ vương nàng bây giờ đang làm gì? Chợt Bảo-Hòa bấm sẽ vào lưng nàng rồi chỉ lên trời. Đôi chim ưng đang bay lờ lững bỗng lao vụt xuống phía con đường dẫn vào đền. Dưới ánh trăng hiện ra một bọn ba người cỡi ngựa đang tiến tới. Dừng ngựa ở sân ngoài, họ xuống ngựa, hiên ngang tiến đến giật chuông. Tiếng chuông lanh lảnh vang rất xa. Trong dẫy nhà dành cho ông từ lòe lên ánh sáng. Lát sau ông từ tay cầm bó đuốc tiến ra hỏi: - Đêm khuya quý khách đến viếng đền quan thái-thú có việc gì? Có tiếng đáp lại: - Bọn tôi đây mà. Thanh-Mai nhận ra tiếng Đàm An-Hòa. Nghe tiếng trả lời, ông từ mở cổng. Ba người bước vào. Đi cạnh Đàm An-Hòa là bọn Triệu Anh, Ngô Tích, Triệu Huy, Quách Qùi. Ông từ hỏi: - Không biết có truyện chi mà các vị trở lại giữa đêm khuya thế này? Đàm An-Hòa nói: - Hôm qua, chúng ta đã lục lọi khắp đền, mà tuyệt không tìm ra dấu vết những vật ấy. Đêm nay chúng tôi trở lại. Vì bản đồ cất dấu bị người lạ mặt cướp đi. Tôi nghĩ có lẽ người này cũng sẽ đến đây. Nên trở lại chờ y. Thanh-Mai chửi thầm: - Tên An-Hòa này quả thực khả ố. Ai lại giữa thời thịnh trị, trên có minh chúa, mà dám thông đồng với ngọai bang. Mấy ngày qua, y bị bọn Triệu Huy rồi Triệu Thành lừa dối, khinh khiến, thế mà bây giờ vẫn còn đi làm tay sai cho chúng. Ta phải nói với anh cả giết tên này đi làm những tên gian khác kinh sợ những tên gian khác mới được. Ngô Tích móc trong bọc ra một đĩnh vàng đưa ông từ: - Bình-nam vương gia truyền tôi ban thưởng cho ông. Đây là chút ít buổi đầu mà thôi. Đợi việc xong rồi, vương gia sẽ ban thưởng gấp trăm lần. Vương gia còn phong chức tước cho ông nữa. Ông từ khúm núm tiếp vàng: - Đa tạ vương gia. Đa tạ đại nhân. Triệu Huy nói như truyền lệnh: - Ông tắt đuốc đi, vào nhà dặn vợ con rằng nếu có động tĩnh gì thì nằm im, đừng có kinh hoảng. Còn chúng ta núp ngoài này chờ. Năm người chia nhau núp vào các bụi hoa. Thanh-Mai dùng thần công Lăng-không truyền ngữ nói với Bảo-Hòa: - Nếu có truyện gì, Bảo-Hòa để mình chị phản ứng là được rồi. Bọn này võ công rất cao cường. Dụng võ với chúng vô ích, mà còn nguy hiểm nữa. Thình lình hai con ưng bay trên trời kêu lên ba tiếng. Bảo-Hòa dùng cùi chỏ khẽ thúc vào Thanh-Mai, Bình-Dương ngụ ý có biến cố. Hai người nhìn lên không, thấy đôi chim ưng đang đâm bổ xuống phía sau đền. Không phải chờ đợi lâu, phía sau đền xuất hiện ba bóng đen, đều bịt mặt, họ vượt qua tường đáp xuống sân như chiếc lá rụng. Người thứ nhất cao lớn dềnh dàng, người thứ nhì béo mà lùn. Người thứ ba lùn tịt. Người to lớn bảo người béo mà lùn: - Sư đệ đứng đây đi. Đỗ quốc-cữu dặn rõ: « Chờ đêm hai ba, gìơ Tuất, ngồi lên lưng con lân trái, dơ tay thẳng lên trời. Bóng trăng dọi bóng ngón tay chỏ chỗ nào... » Người cao gầy nhảy lên lưng con lân, dơ tay thẳng lên trời, chiã ngón tay chỏ ra. Bóng ngón tay trỏ rọi xuống đúng vào đáy cái bể cạn giữa sân. Người gầy nhảy xuống khỏi con lân. Y nói: - Làm sao bây giờ? Không lẽ phá cái bể cạn này? Người cao lớn ra hiệu. Cả ba người vận sức đẩy mạnh, cái bể cạn kêu kẹt ,rồi lệch sang một bên. Ba người hì hục đẩy một lúc, cái bể cạn rời khỏi vị trí cũ đến ba bước. Người lùn cầm búa khẽ gõ vào viên đá dưới gầm bể cạn. Những tiếng cạch cạch vang lên nhè nhẹ. Cứ mỗi lần như vậy, y lại lắc đầu. Thình lình có tiếng kêu lộp cộp. Cả ba người cùng bật lên tiếng kêu: - Đây rồi. Người lùn lấy búa cậy viên đá có tiếng kêu lộp cộp lên. Dưới viên đá có lỗ hổng .Y cho tay vào sờ xọang, rồi nói: - Không có gì cả. Dường như đây là nắp hầm.Trên nắp hầm có cái khoen sắt. Miệng nói, y vận sức kéo mạnh. Cái khoen sắt không chuyển động. Người to lớn nói: - Tam đệ thử xoay cái khoen xem sao! Người lùn cầm cái khoen xoay tròn. Cái khoen kêu kẹt một tiếng rồi chuyển động. Y quay một lúc, thì cảm thấy dừơng như dưới chân chuyển động. Y vội vọt mình lên cao, vừa đúng lúc hơn hai chục viên gạch dưới chân thụt xuống. Người cao gầy nói: - Thì ra cái khoen là nắp cơ quan. Rút cái khoen ra, cơ quan chuyển động. Nắp hầm hạ xuống. Dưới ánh trăng sáng, những viên gạch xụp xuống hiện ra mấy bực thang bằng đá, thông vào đường hầm. Người to lớn ra lệnh: - Nhị đệ đứng canh gác ở ngoài này. Ta với tam đệ xuống hầm. Thình lình, có tiếng rú như cú kêu, rồi ba mũi tên hướng vào ba người bay tới, kình lực mạnh vô cùng. Cả ba kinh hòang, vọt mình lên cao. Ba mũi tên bay lướt dưới chân. Ba mũi tên trúng vào bia đá, kêu lên ba tiếng choang. Thì ra tên bằng sắt. Thanh-Mai kinh hãi: - Người nào mà công lực mạnh đến dường này? Lực tay của y e không thua bố mình làm bao. Không biết làm thế nào, mà y có thể bắn ba mũi tên một lúc? Người to lớn lên tiếng: - Cao nhân nào xin xuất hiện? Một quái nhân đầu bù tóc rối, khuôn mặt lồi lõm không còn ra mặt người. Trên lưng khoác chiếc áo bằng da thú rừng từ trên nóc đền đáp xuống nhẹ như chiếc lá. Người này không nói, không rằng, đưa tay chộp người thấp lùn. Người thấp lùn lạng người đi tránh. Thế tránh cực kỳ thần tốc. Song không hiểu quái nhân làm thế nào chụp được y, nhắc bổng lên cao. Người to lớn, và béo lùn đồng phát chưởng tấn công quái nhân để cứu đồng bọn. Chưởng phong hùng hậu vô cùng. Tay trái quái nhân cặp người lùn. Tay phải phát chưởng chống lại hai người. Thanh-Mai nhận ra chưởng pháp của quái nhân là Hoa-lư chưởng. Nàng chợt hiểu: - Thì ra quái nhân là người phái Hoa-lư, hèn gì có tiễn thủ kinh người. Mình nghe sư phụ nói, tiễn thuật bắn một lúc ba bốn mũi bị thất truyền từ khi vua Đinh Tiên-Hòang cùng con là Đinh Liễn bị giết chết. Không ngờ người này còn biết xử dụng. Thanh-Mai nhận thấy chưởng lực của hai người đấu với quái nhân ngang với bọn Triệu Huy, Ngô Tích chứ không ít. Song trong nhất thời nàng chưa nhận ra họ thuộc môn phái nào. Quái nhân thì công lực cực kỳ cao thâm, song các chiêu thức lại rời rạc, dường như biết rất ít. Vì vậy cuộc đấu vẫn không phân thắng bại. Thanh-Mai nói nhỏ vào tai Bảo-Hòa: - Không biết bọn mình đến trước hay quái nhân đến trước. Nếu quái nhân đến trước thì thực hỏng bét. Ông ta biết bọn mình ở đây, ắt có chủ ý đối với bọn mình rồi. Bỗng quái nhân quát lên một tiếng, nhảy lùi lại: - Các người đứng im. Nếu còn vọng động, ta bóp chết tên này liền. Người to lớn hỏi: - Cao nhân là ai? Quái nhân cười nhạt: - Ta là ai, cũng không đến cái thứ bọn mi hỏi tới. Bọn mi tới đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang đào bới thế này đích thị là quân trộm cướp. Theo luật bản triều thì phải bỏ vào chuồng cho cọp ăn thịt. Mỹ-Linh nói vào tai Thanh-Mai: - Ông này lầm luật của bản triều với luật thời Đinh rồi. Luật thời Đinh định rằng kẻ nào vào các nơi tôn nghiêm trộm cướp nhẹ thì chặt chân, chặt tay. Nặng thì cho hổ ăn thịt. Từ khi ông nội lên ngôi vua, đã giảm nhẹ đi nhiều. Tội trộm chỉ bị đánh trượng, phát vãng chăn ngựa cho quân trong một năm mà thôi. Người to lớn quát lên: - Bọn ta không phải là trộm cướp, mà là quan quân. Bọn ta tuân lệnh tuyên-vũ-sứ tới đây làm việc cơ mật. Quái nhân cười nhạt: - Phàm làm việc quan, thì ban ngày đường đường chính chính mà tới. Hà cớ lại đi ban đêm. Nếu người thi hành lệnh quan, hãy cho ta xem thẻ bài. Người to lớn móc trong túi ra cái thẻ bài, đưa cho quái nhân. Quái nhân cầm thẻ bài lên xem rồi trả lại: - Các người cứ tiếp tục đi. Người cao lớn vừa đưa tay cầm thẻ bài, thì quái nhân xỉa bàn tay vào ngực y. Chỉ nghe rắc một cái. Y bay bổng về sau, rơi xuống bụi hoa, rồi nằm im. Quái nhân chuyển tay chụp gã cao. Gã cao đang kinh hoàng, không kịp trở tay, đã bị quái nhân bắt. Quái nhân vung tay hai cái, gã béo, mập bay bổng lên cao, rơi xuống sân, nằm im không động đậy. Quái nhân cười khoan khoái, lấy đá đánh lửa châm vào bó bổi dắt trên lưng, rồi vẫy tay gọi bọn Triệu Anh: - Các vị xuất hiện đi thôi. Bọn Triệu Huy, Đàm An-Hòa từ bụi cây bước ra. An-Hòa cung cung kính kính trước quái nhân: - Kính mừng vương-gia đã thành công. Nghe An-Hòa nói, Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đều kinh ngạc không ít. Vì hiện trong triều Lý không một tước vương nào có hình dạng như quái nhân cả. Thanh-Mai càng nghi vấn khi thấy rõ ràng quái nhân giết ba cao thủ vốn là quan quân tuân lệnh Đàm Toái-Trạng, thế mà An-Hòa lại là người đồng bọn với quái nhân. Triệu Huy hú lên một tiếng. Ông từ trong đền bước ra. Ông nhìn ba xác chết một cách thản nhiên. Khi thấy đường hầm, ông kinh ngạc đến đờ người ra: - Tiểu nhân coi đền này đã lâu. Nào ngờ dưới bể cạn lại có đường hầm. Quái nhân cởi chiếc áo da bên ngoài, y để xuống bệ đá. Tay trái lấy con dao cắt đường chỉ, gỡ lớp lụa phía trong lật ra. Dưới ánh đuốc, hiện rõ tấm bản đồ. Triệu Huy nói: - Bây giờ chúng ta xem cho kỹ bản đồ đường hầm rồi hãy vào. Ông từ ngơ ngác chỉ vào quái nhân hỏi: - Vị này là vương tước Đại-Việt hay Đại-Tống? Triệu Huy đáp: - Vị này là Vệ-vương, nguyên là con thứ Đinh Tiên hoàng-đế. Ông từ ngơ ngác: - Thế là thế nào? Đàm An-Hòa đáp: - Nguyên trước đây vua Đinh có ba người con. Con lớn được phong Nam-việt vương. Con thứ, tức vương gia đây được phong Vệ-vương. Con thứ là Hạng-lang được lập làm thái tử. Niên hiệu Thái-bình thứ 10 (979), Nam-việt vương giết chết thái-tử Hạng-lang, rồi Đỗ Thích giết chết vua Đinh cùng Nam-việt vương. Triều thần tôn vương gia đây lên làm vua. Không ngờ Lê Hòan tư thông với Dương thái hậu, cướp ngôi, phế vương gia xuống làm Vệ-vương. Ông từ ngắt lời: - Tôi nghe nói Vệ-vương Đinh Tòan theo vua Lê đánh giặc ở vùng Cẩm-thủy trúng tên chết năm Tân-sửu (1001) nhằm niên hiệu Ứng-thiên thứ 8, chứ đâu có còn đến ngày nay? Quái-nhân buồn rầu nói: - Khi phụ hoàng cùng với Nam-việt vương bị ám hại, ta còn quá nhỏ. Ta còn nhớ khi ta được đưa vào triều kiến phụ hòang, thì ngươi chỉ còn thoi thóp thở. Người truyền đuổi hết tả hữu ra, chỉ để lại hai người là Định-quốc-công Nguyễn Bặc, Uy-quốc-công Đinh Điền. Phụ hòang ủy thác cho hai vị làm phụ chính, giúp ta trị nước. Người sai lấy chiếc áo đa trao cho ta và dặn rằng : Trọn đời ta nhờ chiếc áo này, mà trở thành anh hùng vô địch, thắng 12 sứ quân lập đại nghiệp. Vậy nếu sau này con muốn nắm được muôn dân, khuynh đảo anh hùng, phải theo bí quyết trong áo mà luyện tập . Nói rồi người đọc vào tai ta mười câu kệ. Bấy giờ ta vì kinh hỏang nên không nhớ được gì. Đinh Tòan ngửa mặt nhìn trời, rồi thở dài: Ta vừa được lên ngôi vua, thì Lê Hòan giữ chức thập-đạo tướng quân, mưu cướp ngôi. Nguyễn Bặc với Đinh Điền đem quân bắt y. Y đem quân chống lại. Hai bên giao chiến nửa ngày thì y bị bại. Y chạy vào cung cầu cứu với mẫu hậu ta. Mẫu hậu của ta tư thông với y từ lâu. Người cho một tên quân mặc quần áo của Lê Hoàn, rồi sai đem chém. Triều thần ai cũng tưởng Lê Hòan chết rồi. Nguyễn Bặc, Đinh Điền cho lui quân khỏi Hoa-Lư. Mẫu hậu truyền gọi Nguyễn, Đinh vào cung ủy lạo. Lê Hòan cho võ sĩ phục binh giết chết. Thế rồi Lê lên làm vua. Y định giết ta. May mẫu hậu hết sức che chở ta mới thoát nạn. Ta tuy sáu tuổi, khờ đại, song trong bóng tối còn nhiều người có lòng với Đinh triều. Đêm đêm họ âm thầm gặp ta, dặn dò ta phải đóng vai ngây dại. Năm ta mười tuổi bắt đầu tập võ. Lê Hòan là đệ tử phái Tiêu-sơn. Còn phụ hoàng ta thuộc phái Hoa-lư. Y dạy võ công Tiêu-sơn cho ta. Ta giả ngây, giả dại luyện tập không kết quả. Y tin thực. Trong khi đó đêm đêm vẫn có một kỳ nhân nhập hoàng thành dạy võ công Hoa-lư cho ta. Việc lâu ngày, bị bại lộ. Một đêm kỳ nhân nhập thành, bị Lê Hòan cho phục binh giết chết. Y không tra vấn ta điều gì cả. Ta biết y tìm cách giết ta. Đinh Tòan nghiến răng nói: - Năm ta 28 tuổi, nhân có giặc nổi lên ở Cẩm-thủy. Y đem quân đánh dẹp. Y mang ta theo. Ta biết y tìm cách giết ta. Trong lúc giao chiến với giặc ở trên sông. Ta bị một người vô danh từ sau bắn tên vào lưng. Nhưng ta đã được kỳ nhân luyện tập võ công Hoa-lư, nên tránh được. Đến mũi tên thứ ba, ta thấy tên đi không mạnh. Ta dơ tay lên, chờ mũi tên xuyên qua nách, thì kẹp lại. Ta giả loạng choạng như bị trúng tên, rồi ngã lộn xuống sông. Rơi xuống sông rồi, ta lặn vào bờ, ẩn dưới bụi cây. Mặc cho chiến trận xẩy ra, ta cứ thế lặn đi xa, sau chồi lên. Ta giả làm người khùng, ẩn nơi hoang sơn luyện tập võ. Ông từ nghe truyện cũng buồn lây: - Tôi nghe vua Đinh xưa là anh hùng vô địch, thế sao di thư để lại trong chiếc áo cho vương gia, mà vương gia luyện không có kết qủa? Đinh Tòan gật đầu: - Ta đem chiếc áo da ra tìm đi, tìm lại hàng ngàn lần cũng không ra di thư. Sau ta dùng dao, tháo lớp lụa bên trong, mới tìm ra được bản đồ cất di thư. Ta tuy có bản đồ, mà cũng không tìm ra nơi chôn cất. Ta lần mò sang Trung-quốc triều kiến Tống thiên tử để xin giúp ta về đọat lại giang sơn. Ta đem chiếc áo da ra làm tín vật. Song các quan bàn lui bàn tới không quyết định. Ta đành ẩn thân ở Trung-quốc, cho mãi đến niên hiệu Thuận-thiên thứ nhì (1011), Lý Công-Uẩn sai hai vị cựu thần nhà Đinh là Lý Nhân-Nghiã và Đào Khánh-Vân sang sứ Trung-quốc. Ta tìm đến gặp hai vị sứ. Lý Nhân-Nghiã không những không giúp ta, y còn khuyên ta nên hồi hương. Ta không nghe. Y bỏ về nước. Còn Đào Khánh-Vân gặp ta, y mừng lắm. Bởi y là đệ tử Hoa-lư. Y ở lại Tống, cùng ta mưu phục hồi nghiệp Đinh. Đàm An-Hòa hỏi: - Thưa vương gia, thế Đào Khánh-Vân hiện nay ở đâu? Y chết rồi. Trong khi nói truyện với y. Y kể cho ta nghe rằng xưa kia ông nội ta là Đinh Công-Trứ, làm thứ sử vùng châu Hoan, tức vùng này. Phụ hoàng ta nhân đó theo học phái Hoa-lư. Phái Hoa-lư từ khi vua Trưng tuẫn quốc, võ công bị mai một đi rất nhiều. Thế nhưng trong lần tắm sông, phụ hoàng ta đã tìm ra một hang động trong đó chép hết võ công thời Lĩnh-nam. Nhân đó người luyện tập thành anh hùng vô địch, mà thống nhất được giang sơn. Ta nảy ra ý cùng Đào Khánh-Vân trở về vùng Cửu-chân này tìm ra nơi cất di thư. Không may trên đường về, Khánh-Vân bị bắt, bị đánh bằng gậy cho đến chết. Còn ta, ta lộn trở qua Trung-quốc, rồi gặp Ngô chiêu-thảo-sứ đây bảo tấu. Tống thiên tử hứa sẽ giúp ta đem quân về đọat lại ngôi vua.Bước đầu người truyền ta theo Bình-nam vương đi tìm di thư. Nhờ tài mẫn tiệp, Triệu lang-trung đã tìm được những ký hiệu viết trên áo, rồi tìm ra hang động này... Thực phụ hòang ta linh thiêng, phò hộ ta, mới có ngày hôm nay. Ngô Tích chỉ vào đường hầm: - Chúng ta xuống dưới đó. Ông từ ở ngoài này canh chừng. Quái nhân cầm bó bổi đi trước, bọn Triệu Anh, Ngô Tích, Triệu Huy theo său. Đợi cho cả bọn đi rồi, thình lình Bảo-Hòa vọt mình ra khỏi bụi hoa chụp cổ ông từ. Nàng dí kiếm vào cổ: - Im ngay. Nếu lên tiếng ta giết chết liền. Thanh-Mai bảo Mỹ-Linh: - Em gọi đạo quân Ngự-long hay Quảng-thánh tới ngay. Mỹ-Linh cầm mũi tên, châm vào lửa, rồi dùng nội lực ném lên cao. Mũi tên nổ đến đoàng một tiếng rồi toả ánh sáng như một con rồng mầu tím. Bảo-Hòa hỏi Thanh-Mai: - Bây giờ chúng ta dùng đá lấp cửa hầm lại, thì bọn Triệu Huy hết đường lên. Đợi quân đến, sẽ mở cửa hầm bắt chúng. Thanh-Mai lắc đầu: - Không ổn. Công lực bọn này ghê lắm, chúng sẽ gỡ đá leo lên, bọn mình địch không nổi chúng đâu. Đối với bọn này phải ác mới được. Chi bằng dùng cỏ hun cho chúng ngộp hơi thì hơn. Phía sau đền có đống rơm. Ba chị em rút lấy mấy ôm rồi châm lửa trút xuống hầm. Mỹ-Linh hỏi: - Không có quạt, thì làm sao quạt khói xuống được? Thanh-Mai không trả lời, nàng vận khí phát chưởng hướng vào hầm. Gió chưởng cuồn cuộn tuôn ra. Đám rơm bốc cháy đỏ rực. Trong hầm có tiếng la hét rồi có tiếng ho sặc sụa. Bảo-Hòa, Mỹ-Linh rút thêm rơm đem đến cho Thanh-Mai. Hun một lúc, Bảo-Hòa nói: - Như vậy đã đủ rồi. Em sợ lỡ ra đường hầm có ngả khác thông ra ngoài, chúng ra được thì bọn mình nguy tai. Bây giờ chúng ta dùng đá lấp lại, rồi ẩn vào bụi cây, chờ hai đạo binh tới. Ba chị em cậy đá, gạch trên sân liệng xuống cửa hầm, phút chốc, hầm bị lấp kín. Ba người còn dùng sức đẩy cái bể cạn lật ngửa, rồi lấp lên trên. Bảo-Hòa trói ông từ lại, nhét dẻ vào miệng, đem bỏ sau bụi lau phía trước đền. Xong xuôi, ba chị em, tìm chỗ núp. Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai: - Hôm trước ông Tôn Trung-Luận bịa đại ra rằng di thư dấu ở đền thờ Nhâm, Tích, để bọn Tống phái đi cho bõ ghét. Không ngờ lại là sự thực. Bảo-Hòa cũng thắc mắc: - Nghĩ cũng điên đầu thực. Rõ ràng bọn Triệu-Thành có bản đồ cất di thư. Thế mà chúng còn bầy ra vụ trộm, rồi cướp ở đền thờ Tương-liệt đại vương để làm gì không biết? Ba người ngồi im, chờ hai đạo quân tới. Bỗng có tiếng chân người đi từ phía sau đền, rồi có tiếng đàn bà, trẻ con kêu khóc, lẫn với tiếng quát tháo. Thanh-Mai nhận ra tiếng Đàm An-Hòa: - Chồng mày đâu? Có tiếng đàn bà đáp lại: - Mới đây chồng tôi vào dặn tôi rằng bất cứ biến cố gì cũng không được lên tiếng, không được ra khỏi nhà. Rồi theo các ông đi... Có nhiều tiếng chân đi tới. Từ phía sau đền, Đàm An-Hòa cùng với bọn Triệu Anh, đi ra. Người nào đầu tóc cũng bù xù, quần áo xốc xếch. Đàm An-Hòa túm tóc một người đàn bà. Thanh-Mai đóan là vợ ông từ. Nàng chửi thầm: - Bọn này bị ta hun khói lấp cửa hầm. Chúng bị ngộp hơi tưởng chết. Không biết chúng thoát ra bằng ngách nào? Chắc ngách đó phải chui dưới nước, nên chúng ướt như chuột lột. Bọn chúng cho rằng ông từ hại chúng, tra khảo vợ con ông. Triệu Huy nói: - Tôi nghi chưa chắc người lấp hầm, cũng như hun chúng ta là ông từ. Đàm hiệu úy đừng hành tội bác.