Another Chương 1

Chương 1
April

Xuân sang, khi vừa bước sang tuổi mười lắm, tôi bị xẹp phổi trái.

Chuyện xảy ra vào ngày thứ ba tôi rời Tokyo đến Yomiyama để sống cùng ông bà ngoại. Lẽ ra ngày hôm sau tôi sẽ nhập học một ngôi trường trung học ở đây, dù có hơi trễ để chuyển trường vào dịp gần cuối học kỳ. Nhưng xui xẻo thay tôi lại trở bệnh vào đúng đêm trước đó.

Ngày 20 tháng Tư, năm 1998.

Thứ Hai lẽ ra là ngày đầu tiên tôi đến trường - ngày để có một khởi đầu mới- lại trở thành ngày tôi nhập viện lần thứ hai. Lần đầu là sáu tháng trước. Và cũng như lần đầu, tôi đến bệnh viện vì tràn khí phổi trái.

“Họ nói cháu phải nằm viện một tuần lễ, có khi đến cả mười ngày.”



Bà ngoại Tamie của to đã đến bệnh viện từ sáng sớm. Lúc nghe bà nói câu này, tôi đang nằm trên giường bệnh mới của mình, hô hấp khó khắn và gắng gượng chịu đựng cơn đau liên miên trong lồng ngực.

“Bác sĩ bảo không cần phẫu thuật, nhưng họ sẽ phải hút khí ra. Dự kiến là khoảng trưa nay sẽ làm.”

“Vâng…Năm ngoái cháu cũng hút khí một lần rồi.”

“Việc này không biết có phải làm thường xuyên không nhỉ? Cháu thấy khó thở à? Koichi, có sao không cháu?”

“Dạ…Ổn ạ.”

Vài tiếng trước, khi xe cứu thương chở tới bệnh viện, cơn đau và cảm giác khó thở trong ngực tôi còn dữ dội hơn nhiều. Sau khi nghỉ ngơi, tôi bắt đầu thấy khá hơn, nhưng vẫn rất khổ sở. Dù không muốn bức hình chụp X-quang một bên phổi nhăn nhúm vặn vẹo cứ dai dẳng hiện trong đầu tôi.

“thật khổ cho cháu…Chỉ vừa mới đến đây vậy mà!”

“À, ừm…Cháu xin lỗi bà.”

“Coi nào, việc gì phải xin lỗi. Chuyện đau ốm ai mà lường trước được.”

Bà mỉm cười nhìn tôi, nếp nhăn quanh mắt như nhiều thêm. Năm nay đã ngoài sau mươi tuổi, bà vẫn khỏe mạnh và luôn điềm tĩnh dịu dàng. Nhưng chúng tôi hiếm có dịp gẫn gũi như thế.

“À, dì Reiko thì sao ạ? Dì ấy không bị trễ làm chứ?”

“Nó sẽ ổn thôi. Con bé luôn sắp xếp mọi thứ ổn thỏa. Nó còn quay về nhà một chặp rồi mới đi làm, vẫn đúng giờ như mọi khi.”

“Phiền bà chuyển lời cho dì là, chẹp, cháu xin lỗi vì đã làm phiền dì ấy.”

Đêm hôm trước, đột nhiên những triệu chứng bệnh quen thuộc ập tới. Cảm giác bất ổn dâng lên từ những tiếng lục khục lan trong lồng ngực, một cơn đau nhói đặc trưng kèm theo cảm giác khó thở. Nó lại đến sao? Tôi lập tức nhận ra tình trạng của mình, trong lúc hoảng hốt người duy nhất tôi có thể cầu cứu là di Reiko, bấy giờ vẫn đang thức ở trong phòng khách.

Reiko là dì tôi, kém người mẹ đã khuất của tôi mười một tuổi. Hiểu ra tình trạng của tôi, dì gọi ngay xe cấp cứu và cùng tôi đến bệnh viện.

Cảm ơn dì Reiko. Lần này cháu nợ dì nhiều lắm.

Dù rất muốn nói thật to lời cảm ơn dì Reiko, nhưng cơn đau lúc ấy không cho phép. Chưa kể tôi còn gặp khó khăn, nói đúng hơn là thấy căng thẳng, khi trò chuyện cùng dì.

“Bà mang theo áo cho cháu thay đây. Nếu cần gì nữa thì cứ nói nhé.”

“Cháu cảm ơn.”

Tôi khàn giọng đáp, trong lúc bà đặt một túi giấy lớn ở cạnh giường. Cơn đau dội lên khi trở mình, vì vậy tôi chỉ có thể nằm thẳng và khẽ gật đầu với bà. “Bà ơi! Bố cháu có biết chuyện không?”

“Bà chưa báo cho bố cháu. Cũng không biết là Yosuke đang ở Ấn Độ hay ở đâu. Chẳng biết liên lạc bằng cách nào nữa, để tối nay bà hỏi Reiko vậy.”

“không sao, cháu sẽ tự liên lạc với bố. Bà mang giúp cháu chiếc điện thoại cháu để trong phòng đến đây là được…”

“À, thế à?”

Bố tôi tên là Sakakibara Yosuke. Ông làm việc ở một trường đại học có tiếng ở Tokyo, chuyên nghiên cứu văn hóa nhân chủng học hay nhân sinh xã hội gì đó. Có học hàm giáo sư ở tuổi tứ tuần, chắc hẳn ông cũng là một người rất tài ba. Nhưng tôi thì không khỏi nghi ngại khả năng làm cha của ông.

Tóm lại, bố tôi thường xuyên vắng nhà.

Ông bỏ đứa con trai duy nhất ở lại căn nhà trống huơ và đi khắp trong ngoài nước để khảo sát thực địa hay gọi là gì khác tôi cũng không biết. Nhờ thế mà ngay từ thời tiểu học tôi đã luôn tự tn sẽ không thua kém bất cứ đứa bạn cùng độ tuổi nào về khoản việc nhà.

Đúng như bà nói, bố tôi vừa đi công tác Ấn Độ, tuần trước đây thôi. Công việc này không hẹn mà đến ngay giữa kỳ nghỉ xuân, bố sẽ nghiên cứu và thăm dò ở đó suốt một năm. Đây là một trong những lý do khiến tôi phải đến Yomiyâm sống cùng ông bà ngoại mà không báo trước.

“Koichi, cháu với bố có ổn không?”

“Vẫn ổn ạ, cháu nghĩ vậy,” tôi đáp. Dù tự nhận thấy làm con của một người như thế thật không dễ, tôi cũng không hề oán trách bố.

“Bất kể thế nào, Yosuke cũng là người rất chung thủy.” Bà nói như thể đang lẩm bẩm với chính mình. “Ritsuko mất đã nhiều năm nay, thế mà Yosuke vẫn chưa tái hôn. Hơn nữa còn giúp đỡ gia đình này rất nhiều dù đôi bên ít khi liên lạc.”

Ritsuko là tên mẹ tôi. Mười lăm năm trước, đúng năm sinh tôi, mẹ đã qua đời khi tuổi còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi sáu. Bố mẹ tôi cách nhau mười tuổi.

Tôi chỉ được nghe kể lại rằng bố đã chiếm trọn trái tim mẹ ngay từ ngày đầu tiên gặp mặt, lúc đó bố là giảng viên đại họcm còn mẹ là một sinh viên trong lớp bố. Tôi chẳng nhớ là vào lúc nào, đã từng có một người bạn lâu năm của bố tới chơi nhà, trong cơn say bí tỉ, ông ta cũng buông lời trêu chọc bố tôi, “Chú mày năm đó đúng là tốc chiến tốc thắng.”

thật khó hiểu là từ ngày mẹ mất tới giờ bố vẫn chưa tìm đến người phụ nữ nào khác. nói ra lại bảo là thiên vị, nhưng tôi vẫn phải thừa nhận bố tôi là một nhà nghiên cứu tài năng, và dù đã năm mươi mốt tuổi, trông bố vẫn rất điển trai với vẻ ngoài trẻ trung và tính cách dễ chịu. Có địa vị trong xã hội, kiếm được nhiều tiền, trên hết lại độc thân, vậy nên tôi không nghĩ rằng bố chẳng được phụ nữ để ý.

Phải chăng bố muốn làm tròn bổn phận với người vợ đã khuất? Hay bố để tâm đến cảm xúc của tôi? Dù thế nào thời gian cũng đã lâu, tôi chỉ mong bố mau mau tái hôn và thôi cái việc đẩy nghĩa vụ trông nhà cho con trai đi. Mong muốn đó, có một nửa là từ tận đáy lòng tôi.

“Xẹp phổi” hay còn gọi là “tràn khí màng phổi tự phát”. Hoặc chính xác hơn là “tràn khí màng phổi nguyên phát”, thường gặp ở người trẻ tuổi có thể trạng cao, gầy. Phần lớn các ca bệnh đều không rõ nguyên nhân, nhưng nghe nói trong khá nhiều trường hợp là do mệt mỏi hoặc đầu óc căng thẳng cộng với thể trạng vốn có của người bệnh.

Có thể hiểu ngay từ cái tên, “xẹp phổi” tức là một phần bóng khí của phỏ bị vỡ khiến không khí thoát vào khoang trống giữa phổi và thành ngực. sự cân bằng áp lực bị rối loạn làm cho lá phổi xẹp đi như một trái bóng bị thủng lỗ. Bệnh thường kém theo các triệu chứng đau ngực và khó thở.

Căn bệnh mà nghĩ qua thôi cũng đã thấy khiếp sợ này, tôi đã phải trải nghiệm lần đầu tiên vào tháng Mười năm ngoái, khoảng sáu tháng trước.

Thoạt đầu, một cơn đau kỳ lạ nhói lên trước ngực, và có cảm giác nếu di chuyển thì tôi sẽ tắt thở ngay lập tức. Tôi cứ nghĩ chỉ cần đợi vài bữa sẽ khỏi, nhưng mấy hôm sau bệnh tình vẫn không khá hơn. Thực tế thì có ngày càng trở năngk nên tôi phải kể với bố và được trở đến bệnh viện. Họ chụp X-quang rồi chẩn đoán phổi trái của tôi bị tràn khí và đang trong quá trình xẹp đi. Rồi nhập viện ngay trong ngày.

Bác sĩ điều trị chính của tôi quyết định dùng phương pháp điều trị “hút khí màng phổi”.

Sau khi gây te, người ta làm tiểu phẫu mở ngực tôi để gắn một ống thở nhỏ gọi là trocar catheter vào khoang phổi, đầu kia ống nối với máy hỗ trợ hô hấp, nhờ vậy họ sẽ thực hiện quá trình hút lượng khí đang còn lưu lại giữa phổi và khoang ngực.

Quá trình điều trị kéo dài đến một tuần để cho lá phổi căng trở lại hình dạng cũ, lỗ thoát khí được bít kín và tôi sẽ được xuất viện. Khi đó, bác sĩ đã dùng từ “hồi phục hoàn toàn”, nhưng còn nói thêm, “Khả năng tái phát là năm mươi phần trăm”.

Lúc nghe câu chẩn đoán ấy, tôi cố không nghĩ quá nhiều đến mức độ nghiêm trọng và bệnh trạng của mình. Tôi chỉ hiểu được rằng, ờ thì có khả năng sẽ bị lại lần nữa. Nhưng tôi nào ngờ mình lại đối mặt với số phận bị thảm này nhanh và đúng thời điểm tệ hại như vậy…

nói thật, tôi thấy rất buồn.

Bà về rồi, điều đầu tiên tôi làm trưa hôm đó là lên phòng điều trị trong khu nội khoa để họ hút khí, giống như sáu tháng trước.

May mắn là bác sĩ điều trị lần này không tệ. Cơn đau sáu tháng trước khi họ nhét ống thông vào người tôi vô cùng dữ dội, nhưng lần này thì không ghê gớm mấy. Giống như lần trước, nếu khí thoát ra theo ống làm cho phổi tôi trở lại như cũ và lỗ hổng kín lại, tôi sẽ được xuất viện. Tuy nhiên, một khi bệnh đã tái phát lại thì khả năng tái phát lần ba sẽ cao hơn. Nếu tình trạng phát bệnh diễn ra thường xuyên, bệnh viện sẽ phải xem xét việc tiến hành phẫu thuật. Điều này càng khiến tôi thêm phiền muộn.

Chiều hôm đó bà lại đến thăm và mang thêm điện thoại cho tôi. Nhưng tôi quyết định đợi mọi việc xong xuôi mới gọi điện thông báo cho bố. Dù có gấp gáp kể ngay thì sự thể cũng đã xảy ra. Tình trạng của tôi không đến mức nguy hiểm chết người, và tôi cũng không muốn làm bố lo lắng bằng cách để bố nghe giọng nói yếu ớt này.

Máy thở đặt cạnh giường bệnh phát ra tiếng ùng ục rất nhỏ, gây ra khi không khí hút khỏi người tôi đi qua dung dịch trong máy.

Chợt nhớ dòng cảnh báo của bệnh viện, rằng “điện thoại có thể gây nhiễu các thiết bị y tế”, tôi bèn tắt nguồn điện thoại rồi đưa mắt nhìn ra cửa sổ, trong khi cắn răng chịu đựng cơn đau và sự khó thở nay đã trở nên quen thuộc.

Nơi tôi đang nằm là khu nội trú ở một bệnh viện công – một toàn nhà năm tầng cũ kỹ. Phòng của tôi nằm trên tầng bốn.

Có thể thấy những đốm trắng loang lổ bên dưới bầu trời đen kịt phía xa kia. Đó là ánh đèn của thị trấn miền núi nhỏ bé nơi mẹ Ritsuko, người mẹ tôi chỉ biết qua những tấm ảnh, sinh ra và lớn lên. Thị trấn Yomiyama.

Tôi đã đến đây bao nhiêu lần rồi?

Ý nghĩ trên chợt cắt ngang dòng suy tư.

Chẳng thể nhớ nổi những ký ức thời thơ ấu, tôi chỉ biết mình từng tới đây đôi lần. Khoảng ba hoặc bốn lần hồi còn học tiểu học. Đây là lần đầu tiên tôi quay lại từ khi lên trung học ư? Hình như không phải.

đang nghĩ rằng hình như không phải, mạch suy nghĩ của tôi chợt bị chặn lại. một tiếng “ùng” trầm sâu dội lên từ đâu đó, rồi nó ập đến, bao trùm lấy tôi, tưởng trừng muốn nghiền nát cơ thể này.

Tôi khẽ thở dài trong vô thức.

Thuốc gây tê đã hết tác dụng. Vết rạch dưới nách, nơi có gắn ống thông, đang nhói lên, hòa lẫn với cơn đau ngực nhức nhối không ngừng.
Sau hôm đó, bà đến thăm tôi mỗi ngày.

Tôi biết bệnh viện khá xa nhà, nhưng bà chỉ khẽ cười và bảo lái xe đến có gì mà cực nhọc đâu. Bà đúng là chỗ dựa đáng tin cậy. Dù vậy, tôi biết chắc vì tôi mà việc nhà sẽ bị lơ là đi đôi chút, và bà cũng sẽ thấy lo lắng cho ông ngoại Ryohei, gần đây ông đã bắt đầu lẩm cẩm…Tôi thấy thật có lỗi với bà. Cảm ơn bà nhiều lắm – tôi không khỏi cảm kích từ tận đáy lòng mình.

Biện pháp hút khí dần phát huy hiệu quả, đến ngày thứ ba nằm viện, cơn đau đã dịu đi hẳn. Vấn đề nảy sinh khi ấy đơn giản chỉ là sự nhàm chán. Tôi còn chẳng thể tự mình ra ngoài được. Lý do là vì cơ thể tôi vẫn bị gắn với chiếc mát thở bằng ống thông. Ngoài ra thì tôi phải truyền dịch mỗi ngày. Nội chuyện đi vệ sinh cũng đã khó khăn, và tất nhiên mấy ngày này tôi chưa được tắm.

Phòng bệnh của tôi là phòng đơn, có trang bị một chiếc tivi nhỏ chạy bằng tiền xu. Nhưng dù bật nó lên, tôi cũng chỉ xem được những chương trình tẻ ngắt chiếu buổi trưa. Tôi phải chấp nhận xem mấy chương trình nhàm chán, hoặc nằm đọc vài quyển sách tôi nhờ bà mang đến, hoặc nghe nhạc…Quả là những cách khó có thể gọi là giải trí, mà tôi phải dùng để giết thời gian.

Tôi nằm viện được sáu ngày, thì vào ngày 25 tháng Tư, giữa buổi trưa thứ Bảy, dì Reiko ghé vào, “Dì xin lỗi vì không có thời gian đến thăm cháu.”

Nét mặt áy náy, dì thanh minh là gần đây toàn phải đi làm muộn. Hiển nhiên không cần dì giải thích tôi cũng hiểu được lý do. Nếu chỉ có thể mà giận dì, tôi mới là người cần hối lỗi. Cố giữ sự vui vẻ, tôi kể dì nghe về tình trạng sức khoẻ của mình. Tôi cũng kể cho dì về chẩn đoán của bác sĩ phụ trách trong buổi khám sáng, dự kiến nếu tình hình sức khoẻ ổn định, tôi có thể xuất viện vào đầu tuần sau hoặc muộn nhất là trong tháng này.

“Vậy là cháu có thể sẽ đi học lại sau Tuần lễ vàng(1) nhỉ?” Dì Reiko vừa nói vừa đưa mắt ra hướng cửa sổ. Vẫn đang nằm bẹp trên giường bệnh, tôi không khỏi dõi theo ánh mắt dì. “Bệnh viện này được xây trên ngọn đồi mang tên Yumigaoka. Nó nằm ở góc phía Đông của thị trấn nên từ đây cháu có thể trông thấy trọn vẹn dãy núi ở phía Tây. Ở đằn ấy cũng có một nơi gọi là Asamidai.”

“Vì sao lại là Yumigaoka(2) và Asamidai(3) ạ?”

“Gọi là Yumigaoka vì có thể ngắm được cảnh hoàng hôn rất đẹp, và Asamidai là nơi tuyệt vời để ngắm bình minh đang lên. Dì nghĩ đây là lý do chúng có tên như vậy.”

“Nhưng không phải thị trấn tên là Yomiyama(4) ạ?”

“À, vì chúng ta có một ngọn núi mang tên Yomiyama nằm ở phía Bắc. Thị trấn ở vùng trũng, nhưng toàn bọ khu vực là một chuỗi những ngọn đồi thoai thoải chạy từ Bắc xuống Nam.”

Kể ra, tôi thậm chí vẫn chưa biết gì về địa hình cơ bản trong vùng. Có lẽ dì Reiko nhận ra điều này nên mới gợi ý bài hướng dẫn nho nhỏ vừa rồi. Chắc dì nghĩ cùng ngắm khung cảnh ngoài cửa sổ là một cơ hội tốt.

“Từ đây cháu thấy được không?” Dì đưa tay phải lên chỉ. “Dải xanh lá chạy dọc từ Bắc xuống Nam ấy. Đó là sông Yomiyama chảy xuyên qua trung tâm thị trấn. Ở phía bên kia bờ sông là sân thể thao của trường. Cháu có thấy rõ không?”

“À, vâng…” Tôi nhấc nửa người trên khỏi giường rồi nheo mắt nhìn về phía dì Reiko chỉ. “Ồ, cái mảng trăng rộng lớn kia phải không ạ?”

“Đúng nó đấy.” Dì quay lại nhìn tôi và mỉm cười. “Đó là trường trung học Bắc Yomiyama, ngôi trường cháu sẽ theo học.”

“Thú vị thật!”

“Ở Tokyo cháu theo học một trường tư phải không? Có phải trường dạy liên thông cả khối trung học cơ sở với trung học phổ thông không?”

“Dạ.”

“Có lẽ cháu sẽ thấy trường công hơi khác…Nhưng không sao nhỉ?”

“Vâng, chắc là ổn ạ.”

“Thế này thì lỡ mất chương trình học tháng tư rồi, thời điểm nhập viện tệ quá.”

“Ồ, không sao đâu dì. Ở trường cũ bọn cháu đã học gần xong chương trình lớp Chín.”

“Chà chà, ấn tượng đấy! Chuyện học với cháu chắc chỉ là chuyện nhỏ.”

“Cháu cũng không biết nữa.”

“Thế thì dì nên khuyên cháu là đừng xao lãng chuyện học hành nhỉ!”

“Dì Reiko, trước kia dì cũng học ở trường đó phải không ạ?”

“Ừ. Dì tốt nghiệp khoảng mười bốn năm trước. Thế này thì cháu đoán ra tuổi thật của dì mất.”

“Vậy mẹ cháu cũng học ở đó?”

“Ừ. Ritsuko cũng xuất thân từ Bắc Trung. Trong thị trấn còn có trung học Nam Yomiyama, gọi tắt là Nam Trung. Ngoài ra một số người còn gọi Bắc Trung là Bắc Yomi.”

“Bắc Yomi? À, ra là thế.”

Dì Reiko mặc âu phục màu đen, áo trong màu kem, dáng người mảnh dẻ, gươn mặt thanh tú cùng làn da trắng muốt. Mái tóc dài suôn của dì buông xuống quá vai.

Với kiểu tóc đó, trông dì có phần giống mẹ tôi trong những tấm di ảnh. Khi nhận ra điều này, nỗi đau nhức nhối trong tim tôi lại trỗi dậy tựa như một cơn bệnh âm ỉ bấy lâu. Tôi từng bảo rằng không quen nói trực tiếp cùng dì vì luôn thấy bồn chồn. Điều đó chỉ đúng tám phần, nguyên nhân chính là bởi trông dì giống mẹ.

“Dì không lo về chuyện học tập của cháu, nhưng mấu chốt là sự khác biệt giữa trường công và trường tư. Có thể ban đầu cháu sẽ thấy bối rối trước nhiều chuyện, nhưng rỗi sẽ quen dần thôi.”

Dì còn bảo khi nào tôi xuất viện và đến lớp, dì sẽ chỉ tôi “Các quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi”. Thế rồi mắt dì chuyển sang đống sách nằm trên chiếc bàn cạnh giường. “Dì không biết là cháu thích loại sách này đó, Koichi.”

“À, vâng, cũng không hẳn ạ.”

Có tất cả bốn quyển sách. Chúng đều là truyện dài chia làm hai tập: Salem’s Lot và Pet Sematary của Stephen King(5).Trước khi dì Reiko đến, tôi cũng vừa đọc xong tập đầu của Pet Sematary.

“Vậy thì sau này dì cũng sẽ kể cháu nghe về ‘Bảy điều kỳ bí’ ở Bắc Yomi.”

“Bảy điều kỳ bí?”

“Trường nào cũng có dạng chuyện này, nhưng ở Bắc Yomi có hơi khác. Khi dì còn đi học đã có đến tám bản. Cháu muốn nghe không?”

thật ra tôi không mấy quan tâm đến chuyện ma ngoài đời thật, thế nhưng…

“Vậy phiền dì kể hết giúp cháu.” Tôi gượng cười đáp lại.

--- ------ ------ ------ ------
(1)Tuần lễ vàng: Kỳ nghỉ dài vào dịp tháng Năm ở Nhật, gồm bốn ngày quốc lễ trong vòng một tuần, từ 29/4 đến 5/5.
(2)Yumigaoka: nghĩa là ngọn đồi ngắm hoàng hôn.
(3)Asamidai: nghĩa là đài ngắm ban mai.
(4)Yomiyama: nghĩa là ngọn núi ngắm cảnh đêm.
(5)Stephen King: Nhà văn người Mỹ thiên về thể loại kinh dị và giả tưởng.

Nguồn: truyen8.mobi/t128903-another-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận