Đến một lúc sự đau khổ của người khác vẫn chưa đủ với họ; họ muốn nhìn thấy cảnh tượng ấy.
Người ta có thể bị bắt mà không cần đến một lý do nào cả. Những cuộc vây ráp diễn ra ở bất cứ đâu: tất cả mọi người bị hốt đi, không ai được chống lại. Miễn sao là con người.
Buổi sáng hôm đó, Pannonique đi dạo trong Công viên Bách thảo(1). Những nhà tổ chức chương trình đến và càn quét cả công viên, không để sót một mục tiêu nào. Cô gái trẻ bị đưa lên một chiếc xe tải.
Chuyện này diễn ra trước khi chương trình đầu tiên được phát sóng: mọi người còn chưa biết điều gì sẽ xảy đến với mình. Họ giận dữ. Tại nhà ga, họ bị lèn chặt vào một toa chở súc vật. Pannonique phát hiện thấy cô và mọi người đang bị quay phim: rất nhiều máy quay dõi theo họ, không một biểu hiện lo âu vụn vặt nào trên gương mặt họ bị bỏ qua..
Cô hiểu rằng việc chống cự chẳng những không giúp ích được gì, mà còn trở thành tiêu điểm hấp dẫn cho truyền hình. Vì thế trong suốt chuyến đi, cô im lặng không để lộ một cảm xúc nào. Xung quanh cô bọn trẻ gào khóc, người lớn la mắng, người già uất ức đến nghẹt thở.
Họ bị lùa xuống một cái trại giống như những cái trại tập trung vốn chưa cổ xưa gì của phát xít Đức, chỉ có một chi tiết khác biệt duy nhất đập ngay vào mắt: những chiếc máy quay giám sát được gắn ở khắp nơi.
Để trở thành nhà tổ chức, không cần bất cứ điều kiện nào. Những người chủ xướng chương trình cho các thí sinh lần lượt đi qua và chọn ra những “gương mặt độc nhất”. Sau đó, những thí sinh này phải hoàn thành bảng trắc nghiệm hành vi.
Zdena đã được chọn, đó là kẻ cả đời chưa bao giờ vượt qua nổi một cuộc thi. Ả lấy thế làm hãnh diện lắm. Từ nay, ả có thể khoe rằng ả làm ở đài truyền hình. Ở tuổi hai mươi, không một tấm bằng, có được công việc đầu tiên: rốt cuộc thì những người xung quanh sẽ phải ngưng chế nhạo ả.
Người ta giải thích với ả các nguyên tắc của chương trình. Những người phụ trách hỏi ả có cảm thấy sốc không.
- Không. Mạnh đấy, ả trả lời.
Vẻ đăm chiêu, vị phụ trách nhân sự nói với ả rằng chính xác là như vậy.
- Đó là những gì mọi người muốn, ông ta nói thêm. Những kiểu trình diễn giả tạo, màu mè đã hết thời rồi.
Ả vượt qua những cuộc kiểm tra khác một cách xuất sắc, cho thấy mình có khả năng gây ấn tượng với người lạ, gào thét những lời lăng mạ vô cớ, chứng tỏ quyền lực của mình, không mủi lòng trước những lời kêu than.
- Điều quan trọng, là phải tôn trọng khán giả, một người phụ trách nói. Không một khán giả nào đáng để bị coi thường.
Zdena đồng tình.
Ả được giao vị trí kapo(1).
- Chúng tôi sẽ gọi cô là kapo Zdena, người ta nói với ả như vậy.
Thuật ngữ quân sự này khiến ả thích thú.
- Trông mày oách lắm, kapo Zdena ạ, ả tự nói với mình trong gương.
Ả đã không còn để ý đến những chiếc máy quay phim đang thu hình ả nữa.
Báo chí chỉ nhắc đến sự kiện này. Các bài xã luận bùng nổ, những người có lương tâm la ó.
Ngay sau buổi phát sóng đầu tiên, khán giả yêu cầu được xem tiếp. Với tên gọi ngắn gọn “Trại tập trung”, chương trình đã thu hút được lượng khán giả kỷ lục. Chưa bao giờ người ta gây được ảnh hưởng trực tiếp đến vậy lên tội ác.
“Có điều gì đó đang xảy ra,” thiên hạ kháo nhau.
Máy quay phim thỏa sức ghi hình. Nó hướng vô số các con mắt của mình đến mọi lán trại nơi nhốt các tù nhân: những cái nhà tiêu, với tiện nghi duy nhất là các chồng đệm rơm. Bình luận viên chương trình cố gắng miêu tả mùi nước tiểu và cái lạnh ẩm thấp mà, tiếc thay, truyền hình không có khả năng chuyển tải.
Mỗi kapo có vài phút để tự giới thiệu mình.
Zdena không khỏi bất ngờ trước đặc quyền này. Trong vòng hơn năm trăm giây, chiếc máy quay sẽ chỉ hướng mắt về phía ả. Và cái con mắt nhân tạo ấy sẽ kết nối với hàng triệu con mắt bằng xương bằng thịt.
- Đừng bỏ lỡ dịp tỏ ra thân thiện, một người tổ chức chương trình nói với các kapo. Khán giả nhìn các bạn như những kẻ độc ác, thô lỗ: hãy chứng tỏ cho họ thấy các bạn là con người.
- Và cũng đừng quên rằng truyền hình có thể là một diễn đàn dành cho những ai trong số các bạn có ý tưởng, có lý tưởng, một người khác gợi ý với nụ cười nham nhở khiến người ta liên tưởng ngay đến những điều ghê tởm mà hắn hy vọng được nghe thấy các kapo tuôn ra.
Zdena tự hỏi ả có ý tưởng nào không nhỉ. Mớ âm thanh ồn ào trong đầu ả mà ả vẫn trịnh trọng gọi là suy nghĩ không làm cho ả mụ mẫm đến mức kết luận là ả có. Tuy nhiên, ả nghĩ rằng ả sẽ tạo được cảm tình không chút khó khăn.
Sự ngây ngô ấy cũng thường thôi: người ta không hề biết truyền hình khiến họ trở nên xấu xí đến mức nào. Zdena chuẩn bị bài diễn văn huênh hoang của mình trước gương mà không nhận ra rằng chiếc máy quay sẽ không rộng lượng như tấm gương đang phản chiếu hình ảnh ả.
Khán giả truyền hình nóng lòng chờ đợi buổi giới thiệu của các kapo: họ biết rằng họ có thể sẽ căm ghét những kẻ này, và rằng những kẻ này sẽ tìm mọi cách để được như thế, rằng thậm chí những kẻ này còn cung cấp thêm lý lẽ cho việc mình bị ghê tởm.
Họ đã không phải thất vọng. Nói về chuyện tầm thường, đê tiện, thì những lời tuyên bố của các kapo vượt xa những gì họ chờ đợi.
Đặc biệt họ phải nhăn mặt trước bài diễn thuyết của một phụ nữ trẻ với gương mặt thiếu cân đối có tên là Zdena.
- Tôi hai mươi tuổi, tôi cố gắng tích lũy kinh nghiệm cho mình, ả nói. Quý vị không nên có định kiến về “Trại tập trung”. Hơn nữa, tôi thì tôi cho rằng đừng bao giờ phán xét, bởi chúng ta là ai mà có quyền phán xét? Khi tôi diễn xong vai của mình, sau một năm nữa, việc đưa ra nhận xét này nọ mới có ý nghĩa. Ngay bây giờ thì không. Tôi biết sẽ có người nói rằng cách hành xử với con người ở đây là không bình thường. Thế thì tôi xin đặt câu hỏi này: khái niệm bình thường là gì? Cái tốt, cái xấu là gì? Đây là vấn đề văn hóa?
- Nhưng, kapo Zdena, nhà tổ chức chương trình lên tiếng, cô có thích thú nếu phải chịu đựng những gì các tù nhân đang chịu đựng không?
- Đúng là một câu hỏi ăn gian. Trước hết, ta không biết các tù nhân nghĩ gì, bởi vì những người làm chương trình có hỏi họ đâu. Mà có lẽ họ chẳng nghĩ gì cả.
- Khi chúng ta chặt một con cá còn sống, nó không kêu gì hết. Từ đó cô có thể kết luận rằng nó không đau đớn sao, kapo Zdena?
- Câu hỏi hay đấy, tôi sẽ ghi nhận câu này, ả vừa nói vừa phá lên cười để tìm kiếm sự đồng tình. Anh biết không, tôi nghĩ đâu phải vô cớ mà họ ngồi tù. Ai nói gì thì nói, tôi cho rằng không phải tình cờ mà số phận này được dành cho những kẻ yếu. Điều mà tôi nhận thấy, đó là tôi đây, tôi không phải loại đàn bà õng ẹo, tôi thuộc về phía những kẻ mạnh. Hồi còn đi học, tôi đã như vậy. Trong sân trường bao giờ cũng có một đám những đứa con gái ẻo lả và những thằng con trai chải chuốt: tôi không bao giờ ở trong số bọn chúng, tôi đứng trong đám những đứa lì lợm. Tôi á, tôi chưa bao giờ tìm cách khiến người ta thương hại mình.
- Cô có nghĩ rằng các tù nhân tìm cách khiến người ta thương hại họ không?
- Rõ quá đi rồi. Họ đóng loại vai cao thượng mà.
- Tốt lắm, kapo Zdena. Xin cảm ơn vì cô đã rất thành thật.
Ả rời khỏi tầm ngắm của chiếc máy quay, trong lòng cảm thấy bất ngờ bởi chính những gì ả vừa nói. Ả không nghĩ mình lại suy nghĩ nhiều điều đến vậy. Ả khoái chí với ấn tượng tuyệt vời mà ả sẽ tạo ra.
Báo chí tràn ngập những lời chửi rủa thái độ vô liêm sỉ quá đà của các kapo mà đặc biệt là của ả kapo Zdena, những lời lên mặt dạy đời của ả khiến người ta không khỏi rụng rời. Cánh viết xã luận nhắc rất nhiều đến sự kiện trọng đại này, sự kiện mà theo đó tù nhân được đóng một thứ vai cao thượng; thư từ của độc giả thì phản ánh sự ngu dốt tự đắc và sự nghèo nàn của con người.
Zdena không hiểu tại sao làn sóng khinh bỉ kia lại trút xuống đầu ả. Chẳng bao giờ ả nghĩ mình đã diễn đạt không chính xác. Ả chỉ đơn thuần rút ra kết luận rằng khán giả và bọn nhà báo là một lũ tư sản, chúng trách cứ cái sự ít học của ả; ả cho rằng chúng phản ứng như thế là vì chúng thù hận tầng lớp vô sản lưu manh. “Thế mà ta lại đi tôn trọng lũ người ấy cơ đấy!” ả tự nhủ.
Vả lại, cũng chỉ ít lâu sau, ả đã không còn chút tôn trọng nào dành cho khán giả nữa. Bây giờ, đối tượng duy nhất trên đời này mà ả tôn trọng là những nhà tổ chức chương trình. “Chí ít mấy người đó cũng không phán xét ta. Bằng chứng là họ trả công cho ta. Và trả công rất cao.” Mỗi câu nói của ả là một sai lầm: các ông chủ khinh bỉ Zdena. Họ cười nhạo ả. Và họ trả cho ả một cái giá rẻ mạt.
Ngược lại, nếu có một cơ hội dù là ít ỏi nhất để một tù nhân có thể sống sót ra khỏi trại, điều mà dĩ nhiên ở đây là không thể, người ấy sẽ được chào đón như một anh hùng. Khán giả ngưỡng mộ các nạn nhân. Sự khôn khéo của chương trình này nằm ở chỗ nó biết cách thể hiện họ bằng hình ảnh cao đẹp nhất.
Tù nhân không biết ai trong số họ đang bị ghi hình, cũng không biết khán giả đang nhìn thấy gì. Đó là một phần của nhục hình mà họ phải chịu. Những tù nhân yếu đuối sợ bị lên hình khủng khiếp: thêm vào nỗi đau đớn trong cơn khủng hoảng tinh thần là nỗi nhục nhã khi trở thành vật thu hút sự chú ý. Và quả thật, chiếc máy quay không bao giờ bỏ qua những khoảnh khắc hoảng loạn.
Nhưng nó cũng chẳng ưu ái gì những khoảnh khắc ấy. Nó biết rằng mối quan tâm của “Trại tập trung” là chỉ ra hết mức vẻ đẹp của những con người đang bị tra tấn này. Vì thế mà nó đã nhanh chóng chọn ra Pannonique.
Pannonique không hề biết. Điều đó đã cứu cô. Nếu biết được mình là đích ngắm chính của chiếc máy quay, hẳn cô đã không chịu đựng nổi. Cô đinh ninh rằng một chương trình đáng ghê tởm như thế này chỉ quan tâm đến điều duy nhất là sự đau khổ.
Vì vậy, cô quyết tâm không để lộ bất cứ một sự đau đớn nào.
Mỗi buổi sáng, khi đám quản trại dò xét từng đoàn người để tìm ra những người không còn đủ khả năng làm việc và đem họ đi hành quyết, Pannonique giấu nỗi lo lắng và cảm giác ghê tởm của mình đằng sau một cái mặt nạ kiêu hãnh. Sau đó, trong suốt một ngày quét dọn những đống đất đá dưới cái đường hầm vô tích sự mà họ phải xây dưới làn mưa roi của những tên kapo, cô không biểu lộ gì. Và cuối cùng, khi người ta dọn ra cho những người tù nhân đói khát bữa tối với món xúp nhơ nhớp, cô thản nhiên húp cạn.
Pannonique hai mươi tuổi và gương mặt cô là gương mặt khả ái nhất mà tạo hóa có thể làm ra. Trước khi bị bắt, cô là sinh viên ngành cổ sinh vật học. Niềm đam mê nghiên cứu loài khủng long diplodocus hóa thạch khiến cô chẳng còn mấy thời gian ngắm mình trong gương hay dành trọn tuổi trẻ rạng ngời nhường ấy cho tình yêu. Sự thông minh khiến vẻ đẹp lộng lẫy của cô càng trở nên ấn tượng.
Những người tổ chức chương trình không mất nhiều thời gian để phát hiện ra cô, và xem cô như một trong những lợi thế quan trọng của “Trại tập trung”, và họ đã không lầm. Việc một cô gái vô cùng xinh đẹp và duyên dáng phải chịu đựng cái chết được báo trước mà người ta có thể trực tiếp chứng kiến tạo ra bầu không khí căng thẳng ngoài sức chịu đựng và không thể cưỡng nổi.
Trong khi chờ đợi, không nên bỏ qua sự khoái trá mà công chúng có được nhờ người đẹp của họ: những làn roi quất xuống cơ thể quyến rũ của cô, không quá mạnh để tránh làm tổn hại quá mức đến nó, nhưng đủ để khiến người ta cảm thấy ghê tởm. Những tên kapo còn có quyền mắng chửi, và bọn chúng không tiếc lời lăng mạ hạ nhục Pannonique hết mức có thể, để tạo ra cảm xúc tột cùng nơi khán giả.
Lần đầu tiên Zdena nhìn thấy Pannonique, ả nhăn mặt lại.
Chưa bao giờ ả thấy cái gì tương tự. Của khỉ gì thế nhỉ? Trong đời mình ả đã từng gặp rất nhiều người, nhưng chưa bao giờ ả nhìn thấy cái điều đang hiện lên trên gương mặt cô gái trẻ. Thậm chí, ả còn không chắc nó chỉ hiện lên trên gương mặt cô, hay nó nằm trong chính gương mặt ấy.
“Có thể là cả hai,” ả tự nhủ với cảm giác trộn lẫn giữa nỗi sợ hãi và sự ghê tởm. Zdena ghét cái điều đang khiến ả khó chịu này. Nó làm ả nôn nao, giống như khi người ta ăn phải một thứ thức ăn khó tiêu.
Đến đêm, kapo Zdena lại nghĩ đến điều ấy. Dần dần, ả nhận ra mình đang không ngừng nghĩ về nó. Nếu có ai hỏi điều ấy là gì, chắc chắn ả không thể trả lời được.
Ban ngày, ả tìm cách ở gần Pannonique nhiều nhất có thể, để lén lút quan sát cô và tìm hiểu tại sao vẻ ngoài của cô lại ám ảnh ả đến vậy.
Thế nhưng, càng quan sát cô, ả lại càng cảm thấy khó hiểu. Ả lờ mờ nhớ đến những giờ lịch sử mà ả được học ở trường, lúc ả khoảng mười hai tuổi. Trong sách giáo khoa có in tranh của các họa sĩ thời xưa - ả không nhớ được đó là thời Trung cổ hay thế kỷ trước. Đôi khi người ta thấy trong đó các quý bà - hay những nữ thánh đồng trinh? hay những nàng công chúa? - trên và trong gương mặt họ cũng có vẻ bí ẩn hệt như vậy.
Thuở niên thiếu, ả nghĩ rằng đó chỉ là một thứ tưởng tượng. Những gương mặt như vậy không thực sự tồn tại. Ả quan sát xung quanh mình và đi đến kết luận ấy. Đó không thể là cái đẹp bởi vì trên truyền hình, những gì được xem là đẹp không giống như vậy.
Vậy mà bây giờ, cô gái xa lạ này lại mang gương mặt ấy. Vậy là nó có tồn tại. Tại sao người ta lại cảm thấy khó chịu như vậy khi nhìn thấy nó? Tại sao nó lại khiến người ta muốn khóc? Ả có phải người duy nhất cảm thấy điều ấy không?
Zdena nghĩ mãi và không sao ngủ được. Hai mắt ả sưng lên. Các tạp chí tuyên bố rằng tên ngu xuẩn nhất trong lũ kapo trông càng ngày càng đần độn.
Ngay khi đặt chân đến trại, các tù nhân đã bị lột hết quần áo và mỗi người được phát một bộ đồng phục vừa với vóc người mình - pyjama cho đàn ông, áo liền váy dài cho phụ nữ. Họ bị xăm một chuỗi số hiệu lên da, và số hiệu đó trở thành cái tên duy nhất được phép sử dụng.
CKZ 114 - tên gọi của Pannonique - từ nay sẽ là niềm cảm hứng của khán giả. Báo chí dành những bài viết dài để nói đến cô gái trẻ đáng ngưỡng mộ cả về sắc đẹp lẫn phẩm cách này, cô gái mà chưa ai từng được nghe giọng nói. Người ta ca ngợi vẻ thông minh quý phái trên nét mặt cô. Ảnh cô xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí. Ảnh trắng đen hay ảnh màu, tất cả đều hợp với cô.
Zdena đọc một bài xã luận ca ngợi “nữ tù nhân xinh đẹp CKZ 114”.
Đẹp: thì ra là thế. Xuất phát từ nguyên tắc không hiểu gì về cái đẹp, nên trước đây kapo Zdena không dám tự gọi điều ấy bằng một từ cụ thể. Ả cảm thấy khá tự hào vì dù sao ả cũng có khả năng, không hiểu thì chí ít cũng nhận thấy hiện tượng ấy.
Cái đẹp: thì ra là thế, hiện tượng CKZ 114. Những cô gái được coi là đẹp trên truyền hình không tạo được cho Zdena cảm giác bất ổn này, từ đó ả đi đến kết luận rằng có thể những cô gái đó không đẹp thực sự. “Trại tập trung” đã giúp ả thấy thế nào là vẻ đẹp đích thực.
Ả cắt từ báo một tấm ảnh chụp CKZ 114 đặc biệt thành công và dán gần giường ngủ của mình.
Tù nhân có một điểm chung với khán giả là họ biết tên của các kapo. Những kẻ này không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để gào lên tên tuổi mình, như thể bọn chúng cần được nghe thấy nó vậy.
Vào giờ tuyển lọc buổi sáng, khung cảnh thường là thế này:
- Tất cả đứng nghiêm trước kapo Marko!
Hay trong lúc đào hầm:
- Nói xem, thế này mà mày gọi là vâng lời kapo Jan sao?
Có điều gì đó khá giống nhau giữa những tên kapo, kể cả trong sự độc ác, tàn nhẫn và ngu dốt.
Đám kapo đều còn rất trẻ. Không một tên nào quá ba mươi tuổi. Không thiếu gì ứng viên nhiều tuổi hơn, thậm chí có cả người già. Nhưng những nhà tổ chức nghĩ rằng bạo lực mù quáng sẽ gây ấn tượng mạnh hơn nếu nó xuất phát từ những cơ thể non trẻ, những khối cơ bắp vị thành niên và những gương mặt bầu bĩnh.
Thậm chí còn có cả một hiện tượng, ả kapo Lenka, một mụ đàn bà quyến rũ da thịt mềm mại lúc nào cũng tìm cách hấp dẫn đàn ông. Ả không chỉ lẳng lơ khêu gợi công chúng và uốn éo mông trước các kapo khác, mà thậm chí còn thử quyến rũ các tù nhân. Ả phô vào mặt họ cái áo khoét cổ của mình và liếc mắt đưa tình với những tù nhân quy phục ả. Bên cạnh bầu không khí thối tha bao phủ lên mỗi chương trình, là sự cuồng dâm của ả, sự cuồng dâm vừa khiến người ta ghê tởm, lại vừa có sức thu hút mạnh.
Các tù nhân còn có điểm chung này nữa với khán giả, đó là họ không biết tên những người đồng hành bất hạnh của mình. Họ rất muốn biết, bởi vì sự đoàn kết và tình bạn đã trở thành những điều không thể thiếu đối với họ; thế nhưng bản năng lại cảnh báo họ về mối nguy hiểm sẽ đến với ai muốn biết thông tin ấy.
Chẳng bao lâu sau họ có được minh chứng quan trọng.
Ả kapo Zdena càng ngày càng xuất hiện nhiều bên cô gái trẻ CKZ 114. Các mệnh lệnh được đưa ra vẫn không thay đổi: nếu phải vô cớ đánh đập ai đó thì người ấy sẽ là cô gái xinh đẹp này.
Lấy mệnh lệnh trên làm cớ, Zdena có thể viện dẫn lý do nhiệm vụ để trút cơn điên dại của mình lên Pannonique. Ả làm điều đó với vẻ sốt sắng đặc biệt. Ả kapo đánh đập CKZ 114 một cách quá mức, nhưng cũng không vì thế mà ả làm trái lệnh ban tổ chức đưa ra là không được gây hại đến sắc đẹp của cô gái.
Ban tổ chức đã nhận thấy điều ấy. Họ không chống lại khuynh hướng này: khán giả truyền hình bị lôi cuốn đặc biệt khi được xem sự thô bạo mà hiện thân là Zdena tới tấp đổ lên cơ thể mảnh mai đến xé lòng của cô gái trẻ.
Họ không để tâm lắm đến một dấu hiệu khác trong nỗi ám ảnh của ả kapo: ả không ngừng gọi tên, hay nói đúng hơn là “đánh số” cho nạn nhân của mình:
- Đứng dậy ngay, CKZ 114!
Hay:
- Tao sẽ dạy cho mày biết thế nào là vâng lời, CKZ 114!
Hay:
- Mày sẽ thấy những gì mày phải thấy, CKZ 114!
Hay thậm chí là tiếng gào đơn giản này thôi, nhưng nói lên rất nhiều điều:
- CKZ 114!
Có lúc, khi không thể tiếp tục đánh đập cơ thể trẻ trung của cô gái được nữa, ả đẩy cô ngã ra đất và thì thầm:
- Lần này tạm như vậy đã, CKZ!
Trước những hành hạ ấy, Panonique vẫn giữ thái độ can đảm và cư xử đúng mực đến đáng khâm phục. Cô không hề nghiến răng, cô nhất định im lặng cho đến khi cơn đau dịu xuống.
Trong trại của Pannonique có một người đàn ông chạc ba mươi tuổi, cảnh đày đọa này đã khiến anh phát điên. Anh thà ngàn lần bị đánh đập, còn hơn phải nhìn thấy cô gái trẻ liên tục chịu đau đớn. Một buổi chiều, trong lúc nghỉ, người mang số hiệu EPJ 327 ấy đến bên cô và nói:
- Cô ta chỉ chăm chăm hành hạ chị thôi, CKZ 114 ạ. Thật không thể chịu nổi.
- Nếu không phải cô ta thì cũng sẽ là một người khác.
- Tôi muốn tốt hơn hết là người ta hành hạ ai đó khác.
- Anh muốn tôi phải làm gì đây, EPJ 327?
- Tôi không biết. Chị có muốn tôi nói chuyện với cô ta không?
- Anh biết rõ mình không có quyền làm như vậy, và như vậy chỉ khiến cô ta càng thêm hung hăng mà thôi.
- Thế nếu là chị, chị có nói chuyện với cô ta không?
- Tôi đâu có nhiều quyền hơn anh.
- Không chắc. Chị đang ám ảnh tâm trí kapo Zdena.
- Anh nghĩ rằng tôi muốn tham gia trò chơi của cô ta sao?
- Tôi hiểu rồi.
Họ nói chuyện thật khẽ vì sợ rằng những chiếc micro gắn ở khắp nơi có thể thu cuộc nói chuyện của họ.
- CKZ 114, tôi có thể biết tên chị được không?
- Vào một hoàn cảnh khác, tôi sẵn sàng nói với anh. Còn trong lúc này, tôi nghĩ rằng điều đó có thể gây nguy hiểm.
- Tại sao? Tôi đây, nếu chị muốn, tôi sẵn sàng tiết lộ với chị rằng tôi tên là...
- EPJ 327. Anh tên là EPJ 327.
- Thật khó khăn. Tôi cần chị biết tên tôi. Và tôi cần biết tên chị.
Anh bắt đầu to giọng, vì tuyệt vọng. Cô đặt một ngón tay lên miệng anh. Anh rùng mình.
Trên thực tế, khát khao của kapo Zdena cũng giống với khát khao của EPJ 327: ả điên lên vì muốn biết tên của CKZ 114. Cứ gào mãi cái số hiệu đó bốn mươi lần một ngày, ả không cảm thấy được thỏa mãn.
Không phải vô lý mà mỗi con người lại mang một cái tên thay vì một số hiệu: cái tên là chìa khóa của mỗi cá nhân. Nó như tiếng bật tinh tế của ổ khóa khi bạn mở cửa. Nó như thứ giai điệu kim loại khiến cho sự dâng hiến trở nên có thể.
Với một ai đó, số hiệu cũng giống hệt như tấm chứng minh thư: nó chẳng gợi nên điều gì về bạn cả.
Zdena điên lên khi nhận ra giới hạn quyền lực của ả: một người nắm mọi quyền sinh sát trong tay đối với số phận của CKZ 114 như ả mà lại không có cách gì để biết tên cô gái. Tên cô không được ghi lại ở bất cứ đâu: mọi giấy tờ tùy thân của tù nhân đều bị đốt sạch khi họ đến trại.
Ả chỉ có thể biết tên của CKZ 114 từ chính miệng cô.
Không biết chắc liệu câu hỏi này có được phép không, Zdena kín đáo đến gần cô gái trẻ trong lúc cô làm việc dưới đường hầm khẽ thì thầm vào tai cô:
- Mày tên là gì?
Pannonique quay lại nhìn ả với vẻ mặt sửng sốt.
- Tên của mày là gì? ả kapo tiếp tục thì thầm.
CKZ 114 lắc đầu từ chối với vẻ quả quyết. Và cô lại tiếp tục dọn dẹp đống đá.
Thất bại, Zdena túm lấy cây roi và thẳng tay quất tới tấp vào người tên tù nhân vô lễ. Khi ả dừng lại vì kiệt sức, nạn nhân của ả dù rất đau đớn vẫn liếc về phía ả với ánh nhìn châm chọc như muốn nói:
“Ngươi tưởng cách đó sẽ khiến ta phải khuất phục ư!”
“Ta là một kẻ ngốc, ả kapo nghĩ. Để đạt được những gì ta muốn, ta lại phá hủy cô ta. Zdena ngốc nghếch ơi! Nhưng thực ra cũng không phải lỗi của ta: cô ta thách thức ta, khiến ta tức giận, và ta không thể kiềm lại được. Cô ta tự chuốc lấy điều đó đấy chứ!”
Khi xem những đoạn băng chưa được giải mã, Zdena thấy CKZ 114 nói chuyện với EPJ 327. Ả lấy cắp một ống penthotal(1) tại trạm y tế và tiêm vào người EPJ 327. Loại huyết thanh sự thật này đã khiến kẻ bất hạnh mở miệng và bắt đầu liến thoắng không ngừng:
- Tôi tên là Pietro, Pietro Livi, tôi khao khát được nói ra điều đó, tôi cũng vô cùng khao khát được biết tên của CKZ 114, cô ấy có lý khi giấu tôi, nếu không tôi sẽ tiết lộ hết cho cô mất, kapo Zdena ạ, tôi căm thù cô, cô là tất cả những gì tôi khinh bỉ, còn CKZ 114 là tất cả những gì tôi yêu quý, cái đẹp, sự cao quý, sự duyên dáng, giá như tôi có thể giết cô, kapo Zdena...
Đoán là mình nghe đã đủ, ả đập một đòn mạnh khiến EPJ 327 bất tỉnh. Những nhà tổ chức chặn ả lại: ả không có quyền tra tấn các nạn nhân vì ý thích ích kỷ của ả.
- Cô muốn làm gì cũng được, kapo Zdena ạ, nhưng phải là trước máy quay!
Và họ tịch thu toàn bộ thuốc penthotal.
“Nếu ta không phải một đứa đại ngu ngốc đến vậy, ta đã nghĩ ra việc tiêm penthotal cho CKZ 114. Bây giờ thì ta chẳng còn thuốc trong tay nữa, ta sẽ không biết được tên cô ta. Báo chí họ có lý: ta là một đứa ngu ngốc tự đắc.”
Đó là lần đầu tiên trong đời Zdena ý thức được về sự vô dụng của mình, và lấy làm hổ thẹn vì điều ấy.
Ả nhường lại cây roi cho vài tên kapo khác. Chẳng thiếu gì những kẻ ngu đần và thô bạo muốn được thỏa thuê bằng cách trút mưa roi lên cơ thể mảnh mai của CKZ 114.
Thời gian đầu, Zdena tiến bộ được phần nào. Ả không còn cảm thấy nhu cầu muốn phá hủy cái đang ám ảnh ả nữa. Thỉnh thoảng, ả đánh đập một số tù nhân khác để người ta không nhìn ả như kẻ ăn không ngồi rồi. Nhưng cũng chẳng đáng kể.
Dần dần, ả bắt đầu băn khoăn. Làm sao ả lại có thể dễ dàng hài lòng với mình đến thế? CKZ 114 vẫn bị đánh đập y như trước đây. Phủi tay rút ra khỏi một tình huống nào đó không có nghĩa là người ta vô tội.
Một phần tối trong con người Zdena còn thì thầm với ả rằng, khi ả là người quất roi lên CKZ 114, có cái gì đó thiêng liêng trong hành động ấy. Trong khi lúc này cô gái trẻ lại biến thành nạn nhân của tình trạng bạo lực chung, của sự độc ác mù quáng và của những hình phạt tầm thường.
Ả quyết định tái khẳng định vị trí của mình. Ả lại tiếp tục đánh đập không thương tiếc cô gái trẻ xinh đẹp. Khi Pannonique thấy ả đao phủ này trở lại sau bảy ngày vắng mặt, mắt cô thoáng vẻ bối rối như muốn hỏi thái độ lạ lùng ấy có ý nghĩa gì.
Zdena lại bắt đầu đặt câu hỏi cũ:
- Mày tên là gì?
Pannonique lại tiếp tục im lặng, cô giữ nguyên vẻ mặt châm chọc mà ả kapo đã không nhầm khi đọc thấy từ đó câu này: “Ngươi tưởng ta xem sự trở lại của ngươi là một ân huệ và ta phải cảm ơn ngươi vì thế ư?”
“Cô ta có lý, Zdena nghĩ, mình cần phải làm gì đó để cô ta cảm thấy hài lòng.”
EPJ 327 kể lại cho CKZ 114 nghe màn tra khảo mà anh đã phải chịu.
- Anh thấy không, cô nói, anh không nên biết tên tôi.
- Bây giờ cô ta đã biết tên tôi, nhưng rõ ràng cô ta chẳng hề quan tâm. Chị là điều ám ảnh duy nhất đối với kapo Zdena.
- Đó là một đặc ân mà tôi sẵn sàng từ chối.
- Tôi chắc chắn chị có thể tranh thủ điều đó một cách có lợi cho mình.
- Tôi không muốn hiểu điều anh đang nói.
- Tôi không nói ra điều đó để xúc phạm chị. Chị không biết tôi quý mến chị thế nào đâu. Và tôi biết ơn chị vì đã cho tôi có được tình cảm ấy: từ khi chúng ta rơi vào địa ngục này, tôi cảm thấy cần được yêu mến ai đó hơn bao giờ hết.
- Còn tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy cần ngẩng cao đầu như bây giờ. Đó là điều duy nhất nâng đỡ tôi.
- Cảm ơn chị. Sự kiêu hãnh của chị cũng là của tôi. Tôi có cảm giác rằng đó cũng là sự kiêu hãnh của tất cả mọi người ở đây.
Anh đã không nhầm. Ánh mắt của những tù nhân khác cũng bị thu hút bởi vẻ đẹp của cô.
- Chị có biết rằng những bài bình luận hay nhất về khái niệm vinh quang trong các tác phẩm của Corneille đã được viết bởi một người Do Thái sống tại Pháp vào năm 1940 không? EPJ 327 nói thêm.
- Anh từng là giáo sư à? cô gái trẻ hỏi.
- Tôi vẫn luôn là giáo sư. Tôi từ chối nói về nghề nghiệp của mình ở thời quá khứ(1).
- Thế nào, kapo Zdena, cô lại tiếp tục hành hạ CKZ đấy à? kapo Jan hỏi với vẻ trêu chọc.
- Đúng thế, ả trả lời mà không hề nhận thấy người ta đang cười nhạo ả.
- Cô có vẻ thích con bé đó nhỉ? kapo Marko hỏi.
- Đúng thế, ả đáp.
- Cô thích thú khi đánh đập cô ta. Cô không thể sống thiếu điều đó được.
Zdena suy nghĩ rất nhanh. Và bản năng mách bảo ả không nên nói sự thực.
- Đúng vậy, tôi thích làm thế.
Những người có mặt cười ồ lên.
Zdena nghĩ hai tuần trước, đó hoàn toàn không phải một lời nói dối.
- Tôi có thể yêu cầu mọi người một điều không? ả ướm hỏi.
- Thì cứ nói thử.
- Hãy để cô ta cho tôi.
Mấy tên kapo cười rống lên.
- Đồng ý, kapo Zdena, bọn này sẽ để con bé đó cho cô, kapo Jan nói. Với một điều kiện duy nhất.
- Là gì? Zdena hỏi.
- Cô phải kể lại cho chúng tôi nghe.
Ngày hôm sau, đang lao động tại đường hầm, CKZ 114 thấy kapo Zdena tay cầm roi tiến về phía cô.
Máy quay lập tức chĩa về phía cặp đôi đang thu hút toàn bộ sự quan tâm của khán giả này.
Pannonique cố gắng làm việc tập trung hơn nữa, nhưng cô biết nỗ lực ấy chẳng giúp gì được cho cô.
- Cô là một con mèo hen ốm yếu, CKZ 114! ả kapo gào lên.
Và một cơn mưa roi đổ ập xuống người tù nhân.
Ngay lập tức, Pannonique nhận ra cô không cảm thấy gì. Trận mưa roi chỉ là một động tác giả. Với phản xạ vốn có, CKZ 114 tỏ vẻ như đang cắn răng chịu đau.
Sau đó, có lúc cô đã liếc nhìn thật nhanh về phía gương mặt ả kapo. Cô đọc thấy ở đó ánh mắt đầy ý nghĩa: mụ đao phủ đã cố ý tạo ra bí mật này, và ả chỉ chia sẻ nó với nạn nhân của mình.
Chỉ thoáng sau, Zdena lại trở lại thành ả kapo bình thường, với những tiếng gào la đầy thù hận.
Sau một tuần giả đánh đập CKZ 114, ả lại hỏi cô câu lần trước:
- Tên cô là gì?
Pannonique không trả lời. Ánh mắt cô dò xét ánh mắt kẻ thù. Cô vác chậu đựng đất đá và mang đổ xuống nơi tập trung ở gần đó. Rồi cô quay lại hốt đất đá đầy chậu của mình.
Zdena đứng đợi, vẻ nhẫn nại, như để cho cô thấy rằng cách ả đối xử với cô xứng đáng được đền đáp.
- Mày tên là gì?
Pannonique suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Tôi tên là CKZ 114.
Đó là lần đầu tiên cô mở lời nói trước mặt một tên kapo.
Dù không tiết lộ tên của mình cho Zdena nhưng cô đã tặng ả món quà mà ả không hề ngờ đến: giọng nói của cô. Một giọng nói nhẹ, trầm và trong. Giọng nói có âm sắc rất đặc biệt.
Zdena ngỡ ngàng đến mức ả không nhận ra câu trả lời rất quanh co.
Ả cũng không phải người duy nhất nhận thấy sự kiện này. Ngày hôm sau, hàng loạt các nhà xã luận cho đăng bài với tiêu đề: CÔ ẤY ĐÃ NÓI!
Rất hiếm khi người ta nghe thấy một tù nhân nói. Hơn thế nữa, chưa một phương tiện truyền thông nào từng thu được giọng nói của CKZ 114. Với cô, người ta chỉ nghe được những tiếng rên nhẹ dưới làn mưa roi. Trong khi bây giờ, cô đã nói hẳn hoi: “Tôi tên là CKZ 114.”
“Điều đặc biệt trong câu nói ấy, là từ tôi, một nhà báo viết. Trước đôi mắt ngỡ ngàng của chúng ta, cô gái trẻ đang chịu nỗi ô nhục khủng khiếp nhất, nỗi ô nhục bị tước đi nhân phẩm, bị nhục mạ, bị hành hạ đến cùng cực - cô gái trẻ mà chúng ta sắp phải chứng kiến cái chết và thực tế là như đã chết này vẫn có thể kiêu hãnh mở đầu một câu nói bằng từ tôi thắng lợi, một sự khẳng định chính mình. Quả là bài học quý về lòng can đảm!”
Một nhật báo khác lại đưa ra phân tích đối lập:
“Cô gái trẻ đã công khai thừa nhận sự thất bại của mình. Cuối cùng (!) cô ấy đã lên tiếng, nhưng là để thú nhận sự thất bại, để nói rằng từ nay, danh tính duy nhất mà qua đó cô nhìn nhận về mình, là dãy số hiệu man di khủng khiếp ấy.”
Không một phương tiện truyền thông nào hiểu được bản chất thực của những gì vừa diễn ra: hành động ấy chỉ diễn ra giữa hai con người và chỉ họ mới hiểu ý nghĩa của nó. Và cái ý nghĩa vĩ đại ấy là: “Tôi đồng ý đối thoại với cô.”
Những tù nhân khác cũng không hiểu nhiều hơn, nhưng tất cả đều vô cùng ngưỡng mộ CKZ 114. Cô là người hùng của họ, phẩm cách cao quý trong cô đã mang lại cho cô can đảm ngẩng cao đầu.
Một phụ nữ trẻ mang số hiệu MDA 802 nói với Pannonique:
- Thật tuyệt, đằng ấy đã cho ả ta biết đằng ấy là thế nào.
- Nếu chị không thấy phiền, tôi muốn xưng chị - tôi hơn.
- Tôi tưởng chúng ta là bạn bè.
- Chính thế. Hãy để dành cách xưng hô suồng sã cho những kẻ có dã tâm làm hại chúng ta.
- Thật khó để gọi chị là chị. Chúng ta cùng tuổi với nhau.
- Những tên kapo cũng cùng độ tuổi với chúng ta. Đó là bằng chứng cho thấy khi đã qua tuổi niên thiếu, ở cùng độ tuổi không còn là điều kiện đủ để người ta có điểm chung nữa.
- Chị nghĩ cách xưng hô trang trọng như thế này sẽ mang lại điều gì đó ư?
- Điều gì giúp chúng ta khác biệt với những tên kapo nhất định là cần thiết. Cũng như tất cả những điều nhắc nhở rằng, ngược lại với bọn họ, chúng ta là những người văn minh.
Thái độ này lan tỏa rất nhanh. Chẳng bao lâu, toàn bộ các tù nhân trong trại đều xưng hô với nhau một cách trang trọng.
Cách xưng hô đó đã có những tác động nhất định. Tình cảm giữa người này với người kia không giảm đi, họ cũng không vì thế mà cảm thấy xa cách nhau, nhưng họ tôn kính nhau hơn rất nhiều. Đó không phải là một sự kính trọng bề ngoài: họ thực sự quý mến nhau nhiều hơn(1).
Bữa ăn tối vô cùng nghèo nàn: bánh mì khô với thứ nước xúp trong đến mức một miếng vỏ rau củ trong đó cũng khó mà tìm được. Người ta đói mà khẩu phần ăn thì quá ít, thế nên hàng ngày họ vẫn đau đáu chờ tới bữa ăn đạm bạc ấy.
Những người nhận được phần ăn của mình vội lẳng lặng ôm lấy khư khư và ăn một cách dè xẻn, vẻ nhu nhược, vừa ăn vừa tính toán xem còn được bao nhiêu miếng nữa.
Chẳng phải là chuyện hiếm khi đến cuối bữa ăn có ai đó òa lên khóc vì họ sẽ phải ôm cái bụng rỗng đến tận tối hôm sau: sống chỉ để trông chờ bữa tối thảm hại này và chẳng còn hy vọng vào bất cứ điều gì, vâng, quả là đáng phải khóc lắm.
Pannonique không chịu nổi sự đau khổ này nữa. Trong một bữa ăn tối, cô bắt đầu lên tiếng. Như một vị khách mời bên bàn tiệc đầy thức ăn, cô mở đầu câu chuyện với những người bạn tù trong nhóm. Cô nói về những bộ phim yêu thích và về những diễn viên mà cô ngưỡng mộ. Một người ngồi bên cô tán đồng, người tiếp theo bất bình, phản đối ý kiến của cô, giải thích quan điểm của anh ta. Mọi người bắt đầu nói lớn tiếng hơn. Họ bày tỏ thái độ. Họ bàn luận sôi nổi. Có lúc Pannonique phá lên cười.
Chỉ có mình EPJ 327 nhận ra điều đó.
- Lần đầu tiên tôi thấy chị cười.
- Tôi cười vì hạnh phúc. Họ nói, họ tranh cãi, như thể đó là một điều quan trọng. Thật tuyệt vời.
- Chị mới là tuyệt vời. Nhờ chị mà họ quên đi bữa ăn thảm hại của mình.
- Anh thì sao?
- Tôi ư, hôm nay không phải là lần đầu tiên tôi nhận ra sức mạnh của chị. Không có chị hẳn tôi đã không còn tồn tại.
- Người ta không chết dễ dàng như thế.
- Ở đây, chẳng có gì đơn giản hơn cái chết. Chỉ cần tỏ ra không còn đủ sức làm việc và ngày hôm sau, ta sẽ bị giết.
- Dẫu thế, ta không thể quyết định cái chết của mình.
- Có chứ. Cái đó gọi là tự tử.
- Chỉ một số ít người thực sự có khả năng đi đến tự tử. Tôi giống với số đông loài người, tôi có bản năng sống còn. Anh cũng vậy.
- Chân thành mà nói thì không có chị, tôi không chắc mình có được bản năng ấy. Ngay cả trong cuộc sống trước đây của tôi, tôi cũng chưa từng biết ai như chị: người mà ta có thể bày tỏ trọn vẹn suy nghĩ của mình. Chỉ cần nghĩ đến chị là tôi được giải thoát khỏi mọi nỗi chán chường.
Những người ngồi cùng bàn với Pannonique không biết đến những bữa tối tủi hổ nữa. Các nhóm xung quanh hiểu ra nguyên tắc và làm theo: không còn ai ngồi ăn trong im lặng. Nhà ăn trở thành một nơi ồn ào.
Bụng họ vẫn đói như trước, thế nhưng, không còn ai òa lên khóc khi kết thúc phần ăn ít ỏi của mình.
Họ cũng không đỡ gầy hơn. CKZ 114 vốn đã mảnh mai khi bị bắt về trại nay lại mất đi nét cong tròn mềm mại trên hai gò má. Vẻ đẹp trong đôi mắt cô ngày càng tăng lên, vẻ đẹp của cơ thể cô ngày càng giảm đi.
Ả kapo Zdena cảm thấy lo lắng. Ả tìm cách lén đưa thức ăn cho cô gái đang ám ảnh tâm trí ả. CKZ 114 từ chối vì lo sợ những hậu quả có thể xảy ra nếu cô chấp nhận.
Hoặc giả hành động của Zdena bị máy quay ghi lại, CKZ 114 có thể phải chịu những hình phạt mà cô thà không nghĩ đến.
Hoặc giả hành động của Zdena không bị máy quay ghi lại, CKZ 114 cũng thà không phải nghe những cách đền ơn mà ả kapo có thể đòi hỏi ở cô.
Dẫu thế, bụng cô sôi lên vì đói. Thật khó khăn khi phải quay mặt đi trước những thanh sô cô la mà nghĩ đến thôi cô đã phát điên vì thèm muốn. Nhưng rồi cô vẫn quyết định từ chối bởi không tìm được giải pháp nào.
Tình cờ, MDA 802 phát hiện ra vụ việc. Cô ta cảm thấy tức giận khôn tả.
Vào giờ nghỉ, cô ta đến nói nhỏ với cô bạn bất hạnh của mình một cách cộc cằn:
- Làm sao chị dám từ chối thức ăn?
- Điều đó chỉ liên quan đến tôi thôi, MDA 802 ạ.
- Không, điều đó liên quan đến cả chúng tôi nữa. Những thanh sô cô la ấy, chị đã có thể chia cho chúng tôi.
- Vậy thì chị cứ việc nhận lấy từ ả kapo Zdena đi.
- Chị biết rõ là ả ta chỉ quan đến mình chị.
- Chị không cho rằng đó là điều bất hạnh của tôi sao?
- Không. Tất cả chúng tôi đều muốn có ai đó mang sô cô la đến cho mình.
- Bằng giá nào cơ chứ, MDA 802?
- Bằng giá mà chị sẽ đưa ra, CKZ 114 ạ.
Và cô ta bỏ đi, vẻ đầy giận dữ.
Pannonique suy nghĩ. MDA 802 nói đúng. Cô đã tỏ ra thật ích kỷ. “Bằng giá mà chị sẽ đưa ra”: phải, chắc chắn có cách nào đó để tranh thủ cơ hội này mà không cần phải nhún nhường ả.
Zdena không có khả năng suy nghĩ với những từ ngữ của EPJ 327. Tuy nhiên, những gì ả thầm quan sát được lại hoàn toàn tương đồng. Cảm giác chán chường mà EPJ 327 từng nói với Pannonique, ả hiểu. Ả cảm nhận thấy điều đó nhiều đến mức ả gọi nó thành tên.
Ngay thuở niên thiếu, khi người ta miệt thị ả, khi người ta miệt thị những gì người ta không hiểu trước mặt ả, khi người ta vô cớ giẫm nát những gì đẹp đẽ, khi người ta làm nhục người khác vì muốn được đắm mình trong ti tiện và được nhạo báng mọi người, Zdena cảm thấy một cảm giác khó chịu dai dẳng mà bộ não ả gọi tên là sự chán chường.
Ả đã quen sống với sự nhơ nhớp ấy, ả tự nhủ đó là số phận chung, thậm chí ả còn tiếp thêm vào đó, để tạo ra ảo tưởng rằng ả không phải lúc nào cũng chỉ là nạn nhân. Ả nghĩ thà ả gây ra cảm giác ghê tởm còn hơn là chịu đựng nó.
Họa hoằn lắm mới có lúc cảm giác chán chường biến mất. Khi ả nghe thấy một điệu nhạc mà ả cho là hay, khi ả rời khỏi một nơi ngột ngạt và cảm nhận được không khí lạnh buốt ào đến quất vào mặt, khi nỗi chán ngấy thức ăn trong một bữa tiệc linh đình thoáng chốc bị quên đi nhờ một ngụm rượu chát khé cổ, thứ còn tốt hơn cả một sự giải thoát tạm thời: bỗng nhiên cảm giác chán chường đảo ngược, và không có từ nào để miêu tả trạng thái đối lập của nó, không phải sự yêu đời cũng không phải sự ham muốn, nó còn mạnh hơn thế gấp ngàn lần, một niềm tin vào cái gì đó rộng lớn vô cùng nhân lên trong ả, đến độ khiến đôi mắt ả mở lớn.
Pannonique làm nảy sinh trong ả cùng một cảm giác như thế. Một cảm giác không tên cho một người không tên: có quá nhiều cái không tên trong chuyện này. Bằng bất cứ giá nào, Zdena cũng phải biết tên của CKZ 114.
Đối với các tù nhân, gầy đi không đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà còn là vấn đề sống còn. Buổi sáng, trong đợt sát hạch đầu tiên, các tù nhân lần lượt bị kiểm tra: những người nhìn quá gầy yếu để có thể sống sót sẽ bị xếp vào dãy những người xấu số.
Một số tù nhân độn giẻ dưới bộ quần áo tù để trông có vẻ béo ra một chút. Làm sao để không bị sụt cân quá nhiều trở thành nỗi lo lắng thường trực.
Mỗi tổ gồm có mười người. Pannonique bị ám ảnh bởi sự sống còn của mười người trong nhóm cô, trong đó có EPJ 327 và MDA 802. Nhưng cái áp lực vô thức mà họ đang gây ra để cô phải nhận sô cô la từ kapo Zdena trở nên quá sức chịu đựng đối với cô.
Tính chất ghê tởm của hoàn cảnh càng làm tăng sự kiêu hãnh trong cô. “Tên của ta đáng giá hơn sô cô la chứ,” cô nghĩ.
Trong lúc này, cô cũng đang càng ngày càng gầy đi. Việc là thần tượng của khán giả không giúp cô thoát khỏi cái chết: các nhà tổ chức chương trình bắt đầu xoa tay khoái trí khi tưởng tượng ra giây phút hấp hối của cô, được năm chiếc máy quay đồng thời truyền đi, sẽ hấp dẫn khán giả truyền hình đến thế nào.
Zdena hoảng sợ. Vì CKZ 114 vẫn nhất định từ chối phần sô cô la ả đưa, ả kapo bèn dùng uy lực của mình nhét thẳng thanh kẹo vào túi áo tù của cô. Ngay lập tức, cô gái trẻ phác một cử chỉ khuyến khích. Zdena bất ngờ trước sự bạo dạn ấy đến mức ả liền nhét thêm thanh sô cô la thứ hai vào túi áo của cô gái mà ả muốn che chở. Hành động của ả không bị ai để ý.
CKZ 114 hướng về phía ả một cái nhìn thoáng có ý cảm ơn. Zdena không tin nổi vào điều tuyệt vời vừa xảy ra. “Cô ấy biết điều đấy chứ,” ả tự nhủ. Ả cũng tin mình hoàn toàn có lý.
Vào bữa tối, Pannonique chuyền đi dưới gầm bàn cho từng người một những miếng sô cô la khiến mọi người sung sướng đến phát điên. Các tù nhân nhấm nháp phần kẹo của mình với vẻ ngây ngất.
- Kapo Zdena đã đưa cho chị đấy à? MDA 802 hỏi.
- Vâng.
EPJ 327 nhăn mặt khi nghĩ đến cái giá mà CKZ 114 hẳn đã phải trả.
- Chị đã ra giá như thế nào? MDA 802 hỏi gặng.
- Chẳng ra giá nào cả. Tôi có được phần sô cô la này mà chẳng phải đổi lại gì hết.
EPJ 327 thở dài như trút được gánh nặng.
- Ả ta cần chị sống sót, MDA 802 bình luận.
- Chị thấy không: tôi đã có lý khi không tiết lộ tên mình một cách uổng phí, CKZ 114 nói.
Mọi người đều ồ lên cười.
Điều này đã thành thông lệ: mỗi ngày, kapo Zdena nhét hai thanh sô cô la vào túi áo của CKZ 114 và ả không nhận được bất cứ sự cảm ơn nào khác ngoài một ánh mắt liếc nhanh.
Sau khi những cảm xúc đầu tiên qua đi, Zdena bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng cô gái được ả bảo trợ đang chế nhạo ả. Ả vẫn hằng sung sướng với ý nghĩ được là ân nhân của người đang ám ảnh tâm trí ả. Vậy mà Pannonique tuyệt đối không cư xử như kẻ chịu ơn cuống cuồng vì cảm động: giá mà ít ra cô ta cũng hướng về phía ả với đôi mắt mở tròn đầy biết ơn! Đằng này, cô nàng làm như thể những phần sô cô la ấy hiển nhiên thuộc về mình.
Zdena tự nhủ rằng CKZ 114 xử sự như thế là hơi quá đáng. Càng ngày, ý nghĩ ấy càng tăng lên. Ả cảm giác như đang sống lại nỗi nhục nhã từng vô cùng quen thuộc với ả: người ta coi khinh ả.
Giờ thì ả biết rằng các kapo khác và khán giả truyền hình cười nhạo ả: ả chẳng thèm quan tâm. Nhưng thái độ khinh rẻ của CKZ 114 khiến ả phát bệnh. Ả ân hận vì đã thay những trận roi bằng lương thực. Lẽ ra ả phải thẳng tay đánh đứa con gái ả không hề quen biết ấy.
Tệ hơn: ả cảm giác như tất cả tù nhân trong tổ của CKZ 114 đều khinh miệt ả. Ả hẳn đã trở thành trò cười của bọn họ. Ả nghĩ đến việc cắt tiếp viện sô cô la cho cô gái. Khổ thay, suốt thời gian qua cô ta chẳng thêm da thêm thịt được chút nào.
Hẳn nhiên rồi: chắc chắn cô ta đã chia sô cô la cho những người khác. Chính vì thế mà những thanh sô cô la ấy chẳng giúp được gì cô ta. Có khi lũ khốn trong nhóm còn ăn luôn cả phần kẹo của cô ta. Và bọn chúng lại cười nhạo ả nữa chứ.
Zdena cảm thấy căm hận đến cùng cực lũ người xung quanh cô gái đang ám ảnh tâm trí ả.
Sự trả thù của kapo Zdena sớm bắt đầu.
Một buổi sáng, khi đi kiểm tra nhóm của CKZ 114, Zdena dừng lại trước mặt MDA 802.
Ả nấn ná không nói một lời vì biết chắc sự im lặng của mình khiến nạn nhân sợ hãi đến mức nào. Ả khinh bỉ nhìn cô ta. Liệu có phải tại cái bộ mặt bé tí, nhọn hoắt và xấc xược hoàn toàn trái ngược với khuôn mặt của ả kia? Liệu có phải tại ả cảm thấy cô ta thân với CKZ 114? Zdena ghét cay ghét đắng MDA 802.
Cả nhóm của CKZ 114 nín thở dõi theo số phận của kẻ bất hạnh.
- Mày gầy đi đấy, MDA 802 ạ, cuối cùng ả kapo cũng lên tiếng.
- Không phải vậy, kapo Zdena, cô gái kiên quyết phản đối.
- Có chứ, mày gầy đi. Làm sao mà mày có thể không gầy đi cơ chứ khi phải làm những việc khổ sai trong chế độ ăn thiếu thốn thế này?
- Tôi không gầy đi, thưa kapo Zdena.
- Mày không gầy đi ư? Có phải tình cờ ai đó đã l 4e7 én cho mày ăn kẹo?
- Không, thưa kapo Zdena, nữ tù nhân nói, càng lúc càng xanh mặt vì sợ.
- Vậy thì đừng có chối là mày đang gầy đi nữa! ả kapo gào lên.
Nói rồi ả túm lấy vai cô gái và ném cô như người ta quăng một thứ đồ vật vào hàng những tử tù. Cằm của MDA 802 bắt đầu run lên từng hồi.
Và lúc đó, một điều khó có thể diễn đạt thành lời đã xảy ra.
CKZ 114 bước khỏi hàng, đi đến nắm lấy tay MDA 802 và kéo cô trở về đứng chung với những người được quyền sống.
Thấy Zdena điên lên vì giận dữ đang chạy lại hòng tái lập bản án, CKZ 114 bước tới đứng đối diện với ả, nhìn thẳng vào mắt ả và lớn tiếng dõng dạc tuyên bố:
- Tôi tên là Pannonique!
Phần tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !