Axit Sunfuric Phần 2


Phần 2
“Từ nay, ta chẳng thể có thần tượng nào cao đẹp hơn thế nữa,” Pannonique tự hứa với mình.

 

Phải mất một khoảng thời gian dài mọi việc mới trở lại bình thường.

Zdena đứng bất động trước mặt người con gái mà từ nay, hơn bất cứ ai khác, đã có một cái tên. Mãn nguyện, kinh ngạc, phẫn nộ, hoảng hốt, ả được một phen choáng váng.

MDA 802, suy sụp, đứng khóc không thành tiếng.

CKZ 114 không rời mắt khỏi ả kapo. Cô khinh bỉ nhìn ả với sự tập trung cao độ.

EPJ 327 say đắm ngắm nhìn cô. Anh thấy cô tuyệt vời như chính cái tên mà cô mang.

 

Trong căn phòng với chín mươi lăm cái màn hình, những nhà tổ chức chương trình hớn hở vui sướng.

Cô bé này quả là biết tạo cảnh giật gân. Họ không chắc đã hiểu những gì vừa xảy ra; tuy vậy, họ lại chắc rằng khán giả chẳng hiểu gì, căn cứ vào thái độ khinh miệt của khán giả. Họ cũng tin rằng đó là một cảnh tượng huyền thoại.

Ngay lập tức, các đài bạn tới tấp điện thoại đến hỏi về ý nghĩa sự kiện. Người ta giải thích với họ rằng điều vừa xảy ra không hề có trong luật chơi: cô gái trẻ CKZ 114 đã tạo ra một cú sốc, và cú sốc đó chỉ có giá trị trong trường hợp nhất định. Đó là một happening(1). Vì vậy, nó sẽ không tái diễn nữa.

Người giải thích càng tỏ ra quả quyết hơn nữa bởi họ không nắm được bản chất của điều kỳ diệu vừa diễn ra.

 

Ai là người nắm bắt được điều ấy?

Không phải Zdena, ả đã rơi vào trạng thái mất lý trí. Quá choáng váng trước những gì vừa được nghe để có thể còn khả năng suy nghĩ, rốt cuộc Zdena cũng phải chấp nhận danh tính của cô gái vẫn hằng ám ảnh ả. Ả mất hết sức mạnh.

Không phải CKZ 114, người vừa tình cờ khám phá ra một cách thức mới. “Tên của ta đã cứu được một mạng người. Một cái tên đáng giá một mạng người. Nếu mỗi người trong chúng ta ý thức được giá trị của cái tên mình đang mang và hành xử cho đúng cách, thì rất nhiều mạng người sẽ được cứu.”

Cũng không phải các tù nhân khác, những người hẳn rất xúc động, nhưng lại ngỡ như mình vừa chứng kiến một sự hy sinh, một sự từ bỏ. Thần tượng của họ đã chối từ một kho báu để cứu một người bạn. Liệu đó có phải là khởi đầu cho sự hiến thân của cô ấy? Liệu hành động này có đẩy cô đến những hy sinh khác nghiêm trọng hơn?

EPJ 327 là người duy nhất không nhầm: anh biết rằng hành động này sẽ không thể lặp lại. Khi một cái tên là một bức tường thành và việc vượt qua bức tường thành ấy khiến người ta mê mải thì điều đó sẽ được gọi là tình yêu. Sự kiện họ vừa chứng kiến là một hành động của tình yêu.

 

Điều kinh khủng nhất trong những điều kỳ diệu là tầm ảnh hưởng của chúng có những giới hạn nhất định.

Sức mạnh của cái tên Pannonique đã cứu mạng MDA 802, và cho kapo Zdena hiểu ra sự tồn tại của những điều thiêng liêng. Nhưng nó đã không cứu được mạng sống của những người mà “Trại tập trung” giết vào ngày hôm đó, và nó không khiến một lũ người khác hiểu ra sự tồn tại của những điều thiêng liêng.

Nó cũng không ngăn được hành trình của thời gian. Những tù nhân kiệt sức và đói khát lại tiếp tục lao động khổ sai trong đường hầm dưới làn roi vọt. Nỗi tuyệt vọng lại xâm chiếm họ.

Rất nhiều người trong số họ lấy làm ngạc nhiên khi nghe thấy chính mình lẩm bẩm: “Cô ấy tên là Pannonique.” để tự tiếp thêm nghị lực. Họ không hiểu điều gì trong thông tin ấy mang lại cho họ nhiều sức mạnh đến thế, nhưng họ nhận thấy điều đó.

 

Tới bữa tối, CKZ 114 được đón chào như một vị anh hùng. Cả phòng ăn hô to tên cô khi cô bước vào.

Tại bàn ăn của tổ cô, không khí trở nên sôi nổi.

- Tôi xin lỗi, cô mở đầu, hôm nay kapo Zdena không tiếp tế sô cô la cho tôi.

- Cảm ơn chị, Pannonique. Chị đã cứu mạng sống của tôi, MDA 802 nói một cách trang trọng.

CKZ 114 say sưa nói về lý thuyết mà cô đã thầm dựng lên trong suốt một ngày làm việc tại công trường. Cô giải thích rằng tất cả mọi người đều có thể và phải làm như cô: như thế, họ mới có thể đưa được nhiều người bị kết án trở lại hàng ngũ những người sống sót.

Mọi người lắng nghe cô vì không muốn làm cô phật lòng. Chẳng ai nỡ nói thẳng rằng những điều cô đang trình bày chỉ là hão huyền.

Khi cô vừa kết thúc bài diễn thuyết đầy tâm huyết của mình, EPJ 327 tuyên bố:

- Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng sẽ không gọi chị bằng tên nào khác ngoài tên Pannonique, đúng không?

Lời tuyên bố được mọi người tuyệt đối tán thưởng.

- Đó là một cái tên rất đẹp, tôi chưa từng nghe thấy cái tên này, một người đàn ông vốn vẫn kiệm lời lên tiếng.

- Đối với tôi, đó sẽ luôn là cái tên đẹp nhất trên đời, MDA 802 nói.

- Đối với tất cả chúng tôi, tên của chị sẽ mãi là cái tên cao quý nhất, EPJ 327 nói.

- Tôi không biết phải trốn đi đâu nữa, CKZ 114 trả lời.

- Romain Gary(1) từng là tù nhân trong một trại tập trung của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới vừa qua, EPJ 327 nói tiếp. Điều kiện sống của các tù nhân thời đó cũng gần giống điều kiện sống của chúng ta bây giờ. Không cần phải nói các bạn cũng hiểu nó vô nhân tính, và tệ hơn, nó đẩy con người ta đến chỗ mất nhân phẩm thế nào. Khác với ở đây, phụ nữ và nam giới ở đó bị tách riêng. Trong trại tù nam của mình, Gary chứng kiến cũng như ông, các tù nhân trở thành những kẻ khốn khổ hoang dại, những con thú đau đớn. Những gì họ nghĩ còn tồi tệ hơn cả những gì họ phải chịu đựng. Nỗi day dứt lớn nhất là họ ý thức được điều đó. Liên tục chịu nhục nhã vì bị cắt giảm các khoản tối thiểu phục vụ nhu cầu sống, họ chỉ mong được chết. Cho đến ngày một người trong số họ nảy ra ý tưởng tuyệt vời: anh ta tạo ra nhân vật đức bà.

EPJ 327 ngừng lời để vớt xác một con gián ra khỏi bát xúp, rồi tiếp tục:

- Anh ta quyết định rằng kể từ lúc đó trở đi, tất cả bọn họ sẽ sống như thể có một đức bà đang ở bên họ, một đức bà thật sự, người mà họ sẽ cảm thấy vô cùng hân hạnh khi được tiếp chuyện, và trước mặt người ấy, họ sẽ phải cố gắng để không hạ thấp giá trị của mình. Cách thức tưởng tượng ấy đã được tất cả mọi người làm theo. Dần dần, họ nhận ra mình được giải thoát: bằng cách sống với sự hiện diện cao quý của vị đức bà tưởng tượng, họ đã lấy lại được nhân phẩm. Trong các bữa ăn, dù thức ăn của họ chẳng hề hơn những gì chúng ta đang có, họ vẫn bắt đầu nói trở lại, hơn thế nữa, họ còn trao đổi, đối thoại, lắng nghe người khác một cách chăm chú. Họ cung kính hướng về vị đức bà, kể cho người ấy nghe những điều xứng đáng với bà. Ngay cả khi không nói gì, họ cũng quen với ý nghĩ rằng đức bà đang dõi mắt theo họ, và quen với cả việc điều chỉnh cách hành xử sao cho cặp mắt ấy không phải thất vọng. Bầu không khí mới đó không thoát khỏi mắt những tên kapo. Chúng nghe người ta thì thầm về sự hiện diện của một vị đức bà và bắt đầu điều tra. Chúng khám xét mọi ngõ ngách trong trại giam nhưng không tìm thấy ai. Chiến thắng tinh thần ấy của các tù nhân đã giúp họ bám trụ được đến cùng.

- Câu chuyện thật đẹp, một người trong số họ nói.

- Câu chuyện của chúng ta còn đẹp hơn, EPJ 327 trả lời. Chúng ta không phải tạo ra nhân vật đức bà của mình: chị ấy tồn tại, chị ấy sống với chúng ta, chúng ta có thể nhìn ngắm chị ấy, nói chuyện với chị ấy, chị ấy trả lời chúng ta, chị ấy cứu chúng ta, và chị ấy tên là Pannonique.

- Tôi chắc chắn là một vị đức bà tưởng tượng sẽ hiệu quả hơn nhiều, CKZ 114 thì thầm.

 

EPJ 327 đã quên nhắc đến khác biệt cơ bản khác so với các trại giam của Đức quốc xã: những chiếc máy quay. Thiếu sót ấy còn mang một ý nghĩa quan trọng: các tù nhân đã nhanh chóng thôi để ý đến sự hiện diện của chúng. Họ đã phải chống chọi quá nhiều với nỗi thống khổ của mình nên chẳng còn tâm trí nào để ý đến khán giả nữa.

Sự lãng quên tạm thời ấy đã cứu họ. Ánh mắt nhân từ của một đức bà tưởng tượng hay của một cô gái trẻ bằng xương bằng thịt có thể giúp người ta sống bao nhiêu, thì con mắt lạnh lẽo và hau háu của chiếc máy quay lại vùi dập người ta xuống kiếp nô lệ bấy nhiêu. Tệ hơn nữa: nó tước đi mọi khả năng tưởng tượng của con người.

Những ai phải sống trong một địa ngục dai dẳng hay nhất thời đều có thể vận dụng đến thủ thuật tinh thần hiệu quả nhất để chống chọi với địa ngục ấy: tự kể cho mình một câu chuyện. Người lao động bị bóc lột tưởng tượng mình là tù binh chiến tranh, người tù binh chiến tranh tưởng tượng mình là hiệp sĩ Chén Thánh, vân vân. Mọi nỗi thống khổ đều có biểu tượng và có sự tích anh hùng của nó. Kẻ bất hạnh khi có thể lấp đầy lồng ngực một hơi thở kiêu hãnh sẽ ngẩng cao đầu và không còn than vãn nữa.

Trừ khi anh ta nhìn thấy chiếc máy quay đang lén quan sát nỗi đau của anh ta. Lập tức anh ta biết rằng khán giả sẽ thấy ở anh ta hình ảnh một nạn nhân, chứ không phải một nhân vật anh hùng đang tranh đấu.

Bị đánh gục bởi chiếc hộp đen, anh ta buông rơi vũ khí hay chính là câu chuyện anh ta đang tự kể với mình. Và anh ta trở thành hình ảnh mà người ta sẽ thấy: một kẻ khốn cùng bị nghiền nát bởi câu chuyện đang diễn ra bên ngoài, một con người chỉ còn lại những bản năng tối thiểu.

 

Chúa trở nên cần thiết nhất khi sự vắng mặt của Người rõ ràng nhất. Trước lúc bị bắt vào “Trại tập trung”, với Pannonique cũng như với phần lớn những người khác: Chúa chỉ là một ý niệm. Thật thú vị khi tìm hiểu Người, thật hưng phấn khi nhận ra ở đó những điều khiến người ta choáng váng. Còn tình yêu của Chúa, đó là một khái niệm đầy sức mê hoặc, đến mức khiến người ta quên đi câu hỏi lớn về sự hiện diện của Người: tìm cách giải thích về tôn giáo là một điều ngu ngốc cổ lỗ chỉ làm nảy sinh thêm những chuyện ngớ ngẩn.

Từ khi bị bắt, Pannonique có một nhu cầu ghê gớm cần đòi hỏi ở Chúa. Cô khát khao khôn nguôi được chửi rủa Người. Giá như có thể gán trách nhiệm về cái địa ngục này cho một sự hiện diện siêu nhiên nào đó, hẳn cô đã được an ủi là có thể căm ghét vị chúa ấy bằng tất cả sức lực của mình, và trút lên ông ta những lời chửi rủa thậm tệ nhất. Khổ thay, thực tế không thể chối cãi của trại tập trung này chính là sự phủ định của Chúa: sự tồn tại của cái này tất yếu kéo theo sự phi tồn tại của cái kia. Người ta thậm chí không thể suy nghĩ về Người: Chúa thực sự vắng mặt.

Thật khó mà chịu nổi khi không thể trút lên ai đó nỗi oán giận nhường ấy. Tâm trạng này làm nảy sinh thứ trạng thái điên loạn. Thù ghét con người ư? Điều đó chẳng có nghĩa gì hết. Nhân loại là một đám chen chúc hỗn độn, một thứ siêu thị phi lý bán bất cứ thứ hàng gì và bán cả những thứ đối lập. Thù ghét nhân loại đồng nghĩa với việc thù ghét một thứ từ điển bách khoa toàn thư: không có thuốc chữa cho tâm lý thù ghét ấy.

Không, cái mà Pannonique cần thù ghét, đó phải là một thứ nguyên tắc mang tính nền tảng. Một ngày kia, trong đầu cô nảy ra một sự liên tưởng: bởi vì chẳng ai có thể lấp chỗ trống đó, nên người ấy sẽ là cô, Pannonique, cô sẽ là Chúa.

Thoạt đầu, ý tưởng ngông cuồng ấy khiến cô buồn cười. Tiếng cười này khiến cô phải suy nghĩ: chỉ riêng việc tìm ra lý do để cười đã làm cô thấy ấn tượng. Ý tưởng của cô thật lệch lạc và thô thiển, chắc chắn rồi: nhưng cô chẳng quan tâm. Về mặt lệch lạc, không gì có thể lệch lạc hơn cái trại tập trung này.

Chúa ư: cô không được tạo ra để đóng vai trò ấy. Không ai được tạo ra để đóng vai trò ấy. Thế nhưng, vấn đề không nằm ở đó. Vị trí ấy đang bị bỏ trống: đây mới chính là vấn đề. Vì vậy cô sẽ lấp chỗ trống này. Nguyên tắc mang tính nền tảng để người ta thù ghét sẽ là cô: thà vậy còn đỡ đau đớn hơn là không có ai để trút sự căm hận này. Nhưng mọi thứ sẽ không dừng ở đó. Cô sẽ là Chúa không chỉ để tự chửi rủa mình mà sẽ là Chúa ngay cả trong suy nghĩ của chính mình.

Cô sẽ là Chúa cho tất cả. Vấn đề không còn là tạo ra vũ trụ: quá muộn rồi, cái xấu cũng đã tồn tại. Thực chất, khi quá trình sáng tạo hoàn thành, thì công việc của Chúa sẽ là gì? Hẳn sẽ giống như công việc của một nhà văn khi cuốn sách của ông ta được xuất bản: công khai bày tỏ tình yêu với tác phẩm của mình, nhận những lời khen ngợi, những lời chế nhạo, những thái độ thờ ơ dành cho nó. Đối diện với một số độc giả khi họ chỉ trích những thiếu sót của tác phẩm dù ông biết rằng, dẫu họ có lý, ông cũng không thể thay đổi những thiếu sót đó được. Yêu nó đến cùng. Tình yêu ấy là sự hỗ trợ cụ thể duy nhất mà người ta có thể mang tới cho tác phẩm.

Thêm một lý do nữa để im lặng. Pannonique nghĩ đến những tiểu thuyết gia diễn thuyết thao thao bất tận về cuốn sách của họ: điều đó phỏng có ích gì? Chẳng phải họ sẽ giúp ích cho tác phẩm của mình tốt hơn nếu trong quá trình tạo ra nó, họ biết đưa vào đó tất cả tình yêu cần thiết? Và giả sử họ đã không thể mang lại sự hỗ trợ ấy đúng lúc, thì chẳng phải họ sẽ giúp ích cho tác phẩm của mình nhiều hơn sao khi vẫn cứ tiếp tục yêu nó bằng một tình yêu đích thực, một tình yêu không thể hiện qua những diễn văn dài dòng mà qua một sự im lặng được nhấn mạnh bởi những câu từ giá trị? Sáng tạo, quá trình này không phải khó khăn gì bởi nó khiến người ta vô cùng ngây ngất: chính sau đó công việc của Chúa mới phức tạp hơn nhiều.

Đó chính là lúc Pannonique sẽ ra tay can thiệp. Cô sẽ không là Đức Jesus - cô không muốn đóng vai nạn nhân chịu tội thay, vai diễn mà chương trình này muốn phân cho họ. Cô sẽ là Chúa, là hiện thân của sự cao cả và tình yêu thương.

Cụ thể, điều đó có nghĩa là phải yêu thương những người khác đến cùng. Và việc này không đơn giản chút nào, bởi vì không phải mọi tù nhân đều khiến người ta yêu thương được.

Yêu thương MDA 802, yêu thương EPJ 327 ư, còn có gì tự nhiên hơn thế? Yêu thương những tù nhân không hề quen biết, điều đó cũng không khó. Yêu thương những tù nhân luôn làm cho cuộc sống của những người xung quanh trở nên không chịu nổi vẫn là việc hoàn toàn có thể. Bạn có thể yêu thương ai đó, chừng nào bạn còn hiểu được anh ta.

Nhưng làm sao Pannonique có thể yêu thương ZHF 911?

ZHF 911 là một bà già. Điều lạ lùng là các nhà tổ chức chương trình vẫn chưa loại bỏ người đàn bà này. Song cũng dễ dàng đoán được tại sao họ giữ bà ta lại: bởi vì đó là một bà già đáng kinh tởm.

Mụ giống như phù thủy Carabosse(1), gương mặt nhăn nheo vì hàng ngàn vết nhăn của sự đồi bại. Miệng mụ đại diện cho cái ác cả trong vẻ nhăn nhúm của nó - vết nhăn vốn là đặc trưng của những đôi môi xấu xa - lẫn trong những từ ngữ tuôn ra từ đó: mụ luôn tìm thấy trong mỗi người điểm yếu nào đó để làm tổn thương họ. Sự độc ác của mụ chỉ nằm ở lời nói: mụ là minh chứng cho những sức mạnh xấu xa của ngôn ngữ.

Ngay trên chuyến tàu chở các tù nhân đến trại, ZHF 911 đã làm mọi người phải chú ý: trong khi những bà mẹ ôm chặt con mình vào ngực, mụ buông lời tuyên bố về số phận đang chờ đón bọn trẻ. “Rõ ràng rồi, mụ nói với họ. Bọn phát xít Đức từng giết sạch trẻ con đầu tiên. Cũng chẳng trách bọn họ được: lũ ranh con lúc nào cũng khóc rống lên này, lũ ranh con chuyên ỉa đùn này, lũ ranh con ăn hại này chỉ mang lại những điều phiền toái, và toàn là quân vô ơn! Mấy người đừng có bám lấy chúng mãi thế, đến nơi là chúng sẽ bị giết sạch. Chà, thưa quý bà, ngoài việc khiến bà phát phì, lũ oắt con này còn làm được gì cho bà nào?”

Quá đỗi sững sờ, các bà mẹ chẳng biết phải trả lời mụ quái vật ấy ra sao. Một số người đàn ông lên tiếng:

- Này, mụ già rác rưởi kia, mụ có biết ở Dachau(1), số phận dành cho người già là thế nào không?

- Rồi các người sẽ thấy, mụ già nghiến răng trả lời.

Mụ già lúc đó còn chưa mang số hiệu ZHF 911 ấy đã không lầm: những chiếc máy quay gắn trong toa tàu hẳn đã ghi lại được bản chất con người mụ, bởi vì, không giống những người cao tuổi khác, khi đến trại, mụ đã thoát khỏi cái chết. Các nhà tổ chức chương trình hẳn đã tính toán rằng mụ sẽ làm suy sụp tinh thần các tù nhân, và như vậy sẽ rất thú vị. Liệu có phải mụ tiên đoán được điều đó? Không có gì chắc chắn cả. Song chẳng mấy chốc, người đàn bà này tỏ ra coi thường tất cả.

Nghiên cứu ZHF 911 đồng nghĩa với nghiên cứu cái ác. Đặc tính nổi bật ở mụ là thái độ thờ ơ tuyệt đối: mụ không đứng về phía những tên kapo, chẳng đứng về phía các tù nhân, cũng chẳng đứng về phía bản thân mình. Bản thân mụ không mang lại cho mụ cảm xúc nhiều hơn những người khác. Mụ nguyền rủa bằng những lời lẽ lố bịch nhất trong khi người ta bảo vệ một người hay một cái gì đó. Mụ thích nói những điều kinh khủng với bất cứ ai mà chẳng vì ý định sâu xa nào: chỉ đơn giản vì thích thú khi khiến được người khác đau đớn.

Các quan sát khoa học về ZHF 911 cho thấy những đặc tính khác của cái ác: mụ rất trơ ì, chỉ dùng năng lượng để nói - nhưng là thứ năng lượng không gì sánh nổi. Nếu người ta cảm giác mụ thông minh, thì đó là bởi sự độc ác ngấm trong từng lời đối đáp của mụ, những lời reo rắc nước mắt và tuyệt vọng.

Thật kinh khủng khi nhận ra rằng người xấu xa nhất trại giam này là người thuộc nhóm tù nhân, chứ không phải thuộc nhóm cái ác. Điều đó hoàn toàn logic: quỷ dữ là thế lực chia cắt. ZHF 911 là nhân tố khiến trại giam trở nên trì trệ. Không có mụ, thì trại giam có lẽ đã là tập hợp của cái thiện, nhưng có mụ, trại giam chỉ là một nhóm người đáng thương bị giằng xé bởi những cuộc đấu khẩu nội bộ.

Tại sao các tù nhân lại có thể nghĩ rằng họ thuộc nhóm cái thiện khi mà mỗi sáng, họ đều mong đợi cái chết của mụ già đáng ghê tởm kia? Khi đám kapo đến chọn ra những người bị kết án tử hình trong ngày, hòa lẫn với nỗi sợ hãi là niềm thích thú mong được thấy ZHF 911 bị kết liễu. Nhưng chẳng bao giờ mụ bị chọn. Sau mỗi lần như thế, mụ đều nhìn những người trong trại mình bằng ánh mắt đắc thắng. Mụ biết họ mong đợi cái chết của mụ đến thế nào.

Một vài người tốt bụng tỏ ra bất bình trước sự căm ghét mà mọi người dành cho mụ: “Thử nghĩ mà xem, bà ấy già lắm rồi, bà ấy có biết gì nữa đâu, sao các anh chị lại có thể ghét bỏ bà ấy như thế? Đó không phải lỗi của bà ấy.” Những lời lẽ này làm bùng lên những trận cãi cọ. Chúng đến tai ZHF 911 khiến mụ thích thú. “Không có ta, có lẽ họ đã rất yêu thương nhau,” mụ tự nhủ.

Cái lưỡi rắn độc của mụ trút nọc độc lên cả những tên kapo (lúc nào cũng bằng những từ ngữ gây tổn thương nhất: ví dụ mụ không chửi ả kapo Lenka là con đĩ, nếu mụ nói thế hẳn ả đã có thể mỉm cười, mà mụ chửi ả là con đàn bà thiếu hơi đàn ông, cụm từ này khiến ả ta điên tiết), lên những người tổ chức - những “tên phát xít đầu óc bã đậu”, những “tên Hitler khốn cùng” - và lên khán giả, mụ gọi họ là “lũ đầu bò”. Không ai chịu nổi mụ.

Dẫu thế, cái khủng khiếp nhất thì người ta không thể trách mụ, bởi vì mụ làm điều đó hoàn toàn vô thức: ZHF 911 thường rú lên khi có ánh trăng. Gần như mỗi tối, vào khoảng nửa đêm, người ta nghe thấy những tiếng tru chói tai phát ra từ trại giam; những tiếng tru ấy kéo dài khoảng năm phút rồi ngưng. Phải mất một thời gian người ta mới hiểu nguồn gốc của những tiếng tru này. Những người ngủ cùng lán với mụ già cuối cùng cũng tố cáo mụ: “Làm ơn giải thoát chúng tôi khỏi mụ điên không giống con người này với.”

Các ông chủ xoa tay khoái chí. Họ tổ chức ghi hình thứ âm thanh độc hại buổi đêm này: đầu tiên người ta thấy cảnh cả trại chìm trong giấc ngủ, bỗng nhiên người ta nghe thấy những tiếng hú khủng khiếp, chiếc máy quay ra vẻ tìm kiếm, nó đi vào một cái lán và người ta thấy ZHF 911 ngồi trên đống rơm tru lên từng hồi. Vài phút sau, người ta thấy mụ ngã xuống gối trong trạng thái vô thức.

Người ta hỏi mụ về hiện tượng ấy. ZHF 911 tỏ vẻ ngạc nhiên một cách thành thật và chối biến.

Không gì khiến tinh thần các tù nhân suy sụp hơn việc phải chứng kiến sự điên dại này. Khi những tiếng hú cất lên, mỗi người trong họ đều điên tiết tự nhủ: “Sao bọn chúng không giết mụ cho rồi! Mong sao sáng mai đến lượt mụ sẽ bị kết liễu!”

Pannonique căm ghét người đàn bà này đến tận xương tủy và chỉ cầu mong mụ chết đi. Cô đã uổng công buộc mình phải nghe theo lẽ phải, uổng công tự nhủ rằng đâu phải ZHF 911 là người tạo ra “Trại tập trung”, bởi cô vẫn cảm thấy móng tay mình biến thành móng vuốt mỗi khi cô gặp mụ. Và khi cô nghe tiếng mụ già chết tiệt rống lên trong đêm, cô chỉ muốn được tự tay bóp cổ mụ.

“Nếu không có ZHF 911 thì làm Chúa sẽ dễ dàng biết bao!” Cô lấy làm buồn cười vì suy nghĩ phi lý của mình: quả thực, nếu cái ác không tồn tại thì làm Chúa thật dễ - nhưng nếu thế, người ta cũng chẳng còn cần đến Chúa.

 

Ở một thái cực khác, trong trại có một cô bé cũng thoát khỏi án tử hình một cách lạ lùng. PFX 150 là một bé gái mười hai tuổi và chẳng có đặc điểm gì nổi bật. Em không có vẻ lớn trước tuổi, không xinh nhưng nhìn khá dễ thương, gương mặt ngơ ngác cho thấy rõ sự ngây thơ của em. Em rất ngoan ngoãn, ít nói. Em không hiểu tại sao người ta còn để em sống, và em không biết liệu em có thích chết hơn hay không.

- Người ta còn chờ gì mà không kết liễu luôn con bé này đi nhỉ? ZHF 911 nói rõ to mỗi khi mụ ta gặp em.

PFX 150, hẳn được nuôi dạy khá tử tế, không nói lại câu nào. Pannonique điên lên vì giận dữ.

- Tại sao chị(1)_ không tự bảo vệ mình? cô hỏi cô bé.

- Tại vì bà ấy không nói trực tiếp với em.

Pannonique dạy cô bé một câu để đáp lại thật rõ ràng nếu lần sau ZHF 911 còn buông lời khiêu khích.

Chẳng bao lâu sau điều đó xảy ra. PFX 150 cất giọng nhỏ nhẹ nói lại:

- Người ta còn chờ gì mà không giải quyết mụ già hay rú lên dưới ánh trăng này nhỉ?

ZHF mỉm cười.

- Chính thế, mụ ta trả lời. Ta ư, ai cũng biết tại sao bọn chúng còn giữ ta: bởi vì ta tàn phá cuộc sống vốn đã rất kinh khủng của các người. Nhưng mày, một con bé chẳng có giá trị gì và chẳng làm phiền ai, thì vì lý do xấu xa nào mà bọn chúng còn giữ mày nhỉ?

Cô bé ngớ người, chẳng biết phải nói gì. Khi Pannonique đến khen ngợi em đã dám nói lại, PFX 150 trách cô:

- Hãy để em yên! Em đã có lý khi im lặng! Chỉ vì chị, em đã cho bà ta cơ hội nói với em những điều tồi tệ hơn! Và bây giờ thì em đang chết vì sợ đây. Đi mà lo việc của chị đi!

Pannonique cố gắng ôm cô bé vào lòng để an ủi, nhưng cô bé vùng mạnh ra.

- Chị làm ra vẻ cao cả, như thể chị có giải pháp cho mọi chuyện, nhưng không phải thế, chị chỉ làm mọi việc tệ hơn mà thôi, cô bé giận dữ tuôn ra một tràng.

Pannonique cảm thấy hổ thẹn. “Đây là bài học cho ta khi ta tự cho mình những quyền lực mà ta không có,” cô nghĩ.

Nhưng không phải vì vậy mà cô từ bỏ ý nghĩ về quyền năng chúa trời trong tâm trí. Cô quyết tâm sẽ tìm cách tốt hơn để sử dụng nó.

 

Giống như hầu hết các đêm khác, Pannonique thức giấc vì tiếng hú của ZHF 911.

“Tại sao ta lại căm ghét mụ bởi những tiếng gào rú ấy hơn là bởi những lời lẽ lăng mạ ghê tởm mụ trút lên đầu chúng ta nhỉ? Tại sao ta lại có thể vô lý đến thế?”

Sự thực là tất cả mọi người trong trại giam đều nghĩ giống cô: sự điên dại của mụ già khiến người ta bực bội nhiều hơn những lời ác độc mụ nói. Không phải sai khi cho rằng trong những lời xấu xa của mụ có cái gì đó vô tình lại rất hài hước, trong khi những tiếng rú về đêm chỉ làm rõ thêm sự hiện hữu nhớp nhúa của chính họ.

Pannonique thử phân tích những tiếng như tiếng cú kêu đêm ấy - bỗng nhiên cô cảm thấy dùng từ này không hợp lý. Tiếng cú kêu đêm không phải là không dễ chịu. Còn thứ tiếng mà mụ già phát ra giống với tiếng sủa dài của loài chó ngao hơn. Âm thanh ấy cất lên, đạt đến cao trào, rồi giảm xuống, dừng lại, và lại bắt đầu.

Sau khoảng năm phút, một âm thanh co thắt khàn khàn (“Aaah!”) vang lên báo hiệu hồi kết.

Pannonique thấy buồn cười: “Nghệ sĩ vừa xong phần trình diễn và đang chào khán giả.”

Cô cảm giác như nghe thấy âm thanh gì đó. “Ôi không, bà ta lại bắt đầu!” Cô nhíu mày, căng tai: thứ âm thanh này hoàn toàn khác. Đó không phải tiếng kêu của mụ già, mà là tiếng rên khe khẽ của một sinh linh nhỏ bé.

Âm thanh ấy ngừng lại rất nhanh. Dù vậy, tiếng kêu nhỏ xíu vẫn tiếp tục ám ảnh tâm trí Pannonique. Nó khiến cô cảm thấy đau xé lòng.

 

Ngày hôm sau, cô kín đáo điều tra. Song chẳng ai nghe thấy gì khác ngoài tiếng gào rú của mụ già. Cô gái trẻ không vì thế mà cảm thấy yên lòng.

Trong lúc vất vả dọn dẹp những đống đất đá tại công trường, cô bỗng cảm thấy giận điên người khi nghĩ đến khán giả truyền hình. Đó là một thứ ngòi nổ âm ỉ xuất phát từ lồng ngực, từ từ dâng lên đến tận răng, biến cả hàm răng thành nanh vuốt. “Thử hình dung bọn họ ngồi đó, trước màn hình tivi một cách nhu nhược, thưởng thức cái địa ngục mà ta đang phải chịu, và chắc chắn còn ra vẻ bất bình nữa chứ! Chẳng có bất kỳ ai làm hành động gì đó cụ thể để cứu chúng ta, một việc hết sức tự nhiên, nhưng ta đâu mong đợi đến vậy: dám cá là chẳng có lấy một ai tắt tivi đi hay chuyển sang kênh khác.”

Đúng lúc đó, ả kapo Zdena đi tới quất roi liên tiếp lên người cô, vừa đánh vừa chửi rủa, rồi ả tiếp tục đi canh chừng những người khác.

“Ta ghét cả ả nữa, nhưng ta vẫn ghét đám công chúng kia hơn. Ta thích kẻ đánh đập ta hơn những kẻ đứng nhìn ta bị đánh đập. Ả không đạo đức giả, ả công khai đóng vai một kẻ bỉ ổi. Trong cái ác cũng có thứ bậc nhất định, và kapo Zdena không phải kẻ chiếm giữ vị trí đáng ghê tởm nhất.”

Cô thấy tên kapo Marko đang gào thét chửi rủa PFX 150. Thân phận trẻ con khiến cô bé phải chịu ít roi vọt nhưng nhiều những lời xỉ vả. Rõ ràng cô bé lúng túng chẳng biết phải làm thế nào. Những gì em đang trải qua nhắc em nhớ lại trường học, nơi người lớn không tiếc lời mắng nhiếc em, nhưng đồng thời, nó lại chẳng gợi cho em điều gì cả, có chăng chỉ là cảm giác phục tùng thành hình từ thời thơ ấu vẫn luôn bóp nghẹt mọi tư tưởng phản kháng.

Pannonique nhẹ nhàng đến gần.

- Hắn nói gì với chị vậy? cô hỏi em.

- Em chỉ giả vờ nghe hắn thôi.

- Chị giỏi thật, Pannonique nói, cô nhận thấy trẻ con cũng có những phương cách riêng của chúng.

- Tại sao chị không xưng hô thân mật với em? Em thích như vậy hơn.

- Nếu là ở ngoài kia, tôi sẽ xưng hô thân mật với chị và tôi cũng sẽ đề nghị chị xưng hô thân mật với tôi. Nhưng ở đây, chúng ta cần phải thể hiện sự kính trọng trong cách nói chuyện với nhau, điều mà các kapo không muốn làm.

- Vậy với những người tổ chức chương trình, phải gọi họ là “các chú” hay là “các ông”?

- Chị nói chuyện với họ à?

PFX 150 có vẻ bối rối. Cô bé im lặng một lúc rồi mới trả lời:

- Không. Nhưng nếu một người trong ban tổ chức hoặc một kapo đến đặt câu hỏi với em, em phải gọi họ là “chú” hay là “ông”?

- Cần phải xưng hô trang trọng với tất cả mọi người.

Kapo Zdena chạy tới gào lên rằng họ ở đây để làm việc chứ không phải để tán gẫu.

Cuộc nói chuyện chớp nhoáng ấy khiến Pannonique không thôi băn khoăn. Trong khi tiếp tục làm việc, cô nhận ra rằng bản giao hưởng Vua loài cây tống quán sủi của Schubert cứ trở đi trở lại trong đầu cô. Đó không phải bản nhạc lý tưởng dành cho công việc này. Bình thường, Pannonique lập trình sẵn trong đầu mình những bản giao hưởng có thể mang lại cho cô năng lượng cần thiết để làm một công việc đòi hỏi nhiều sức lực tay chân - Saint-Sans hay Dvorak - nhưng lúc này, thứ giai điệu xé ruột trên cứ bám riết tâm trí cô và khiến cô kiệt sức.

 

Pannonique hỏi thăm các tù nhân ngủ cùng lán với cô bé. Cô không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào. Phần lớn mọi người đều kiệt sức và thèm ngủ đến mức ngay cả những tiếng hú trong đêm của mụ già họ cũng không nghe thấy.

- Nhưng cô bé ấy ở gần chỗ các bạn hơn chỗ chúng tôi kia mà, Pannonique nói.

- Tôi mệt đến mức chẳng điều gì có thể đánh thức tôi được, người ta trả lời cô.

- PFX 150 là một đứa bé, họ còn nói với cô. Nó rất ngoan, chúng tôi chẳng hề nghe tiếng nó.

Buổi tối, Pannonique lại thử nói chuyện với cô bé lần nữa. Không dễ chút nào. Cô bé khó nắm bắt như một cục xà phòng, và thường lẩn tránh như thể chẳng có gì là quan trọng cả. Pannonique tìm cách đi đường vòng.

- Trong cuộc sống trước đây của chị, chị thích điều gì?

- Em thích chim. Chúng đẹp, chúng tự do, chúng biết bay. Em thường đứng rất lâu nhìn chúng. Em dùng toàn bộ số tiền tiêu vặt của mình để mua chim ngói ở chợ và thả cho chúng tự do. Em rất thích làm thế này: em cầm cơ thể ấm nóng và run rẩy ấy trong đôi tay mình, em thả nó về phía trời và nó trở thành chủ nhân của không gian bao la. Em cố gắng đồng hành với nó một đoạn bằng suy nghĩ.

- Có chim trong trại này không?

- Chị không nhận thấy à? Không có con nào cả. Lũ chim đâu có ngu ngốc. Ở đây bốc mùi quá tệ.

- Chị giống như một chú chim trong trại này, Pannonique âu yếm nói.

Thế là PFX 150 nổi giận dữ dội.

- Chị hãy để em yên!

- Tôi nói gì không phải à?

- Con chim nhỏ thế này, con chim nhỏ thế kia, đừng có gọi em như vậy!

- Những người khác trong trại cũng gọi chị là con chim nhỏ ư?

Cô bé ngừng nói. Đôi môi em run lên. Em gục đầu vào lòng bàn tay. Pannonique không nói được lời nào nữa.

Đêm hôm sau, cô cố thức để canh chừng. Nhưng một cơn buồn ngủ không thể cưỡng nổi ào đến và cô chẳng còn nghe thấy gì. Cô tự trách mình: “Chúa sẽ không ngủ mê mệt như thế nếu Người có ai đó phải che chở.”

Đêm tiếp theo, cô lập trình cho đầu mình kỹ lưỡng đến mức cô không hề nhắm mắt. Cô chẳng nghe thấy gì, kể cả tiếng của mụ già. Vì những lý do không thể hiểu nổi, mụ đã không hú lên dưới ánh trăng như mọi khi.

Đêm thức trắng ấy để lại trong cô cảm giác mệt mỏi đầy oán hận: “Chúa không bao giờ có cảm giác này.” Song không vì thế mà cô từ bỏ ý định đại diện cho Người: “Đó không phải là nghĩa vụ của ta và ta không thích thú gì khi làm thế: chỉ có điều việc này vô cùng cần thiết.”

Đêm hôm sau ZHF 911 bù cho đêm hôm trước, mụ hét to hơn mọi khi khiến Pannonique choàng tỉnh như một kẻ mộng du và rón rén bước ra khỏi lán. Cô chạy thẳng đến lều của PFX 150 và nấp đi. Một gã đàn ông dong dỏng cao và khỏe mạnh mở cửa, trong tay ôm một cơ thể nhỏ bé bị gã bịt miệng bằng một bàn tay. Khi gã bước qua dưới ánh đèn của tháp canh, Pannonique thấy rõ gã đã rất già, và mặc một bộ vest lịch lãm. Gã bỏ đi với chiến lợi phẩm của mình.

Cô vẫn đứng nấp trong vũng bùn, tim cô như muốn ngừng đập. Cô cảm giác thời gian kéo dài vô tận. Khi quay trở lại, gã không phải dùng tay bịt miệng cô bé nữa: nó nằm bất động, sóng soài trên tay gã.

Gã vào lều rồi trở ra một mình. Pannonique đi theo. Cô thấy gã bước vào khu nhà ở của những người mà họ gọi là chỉ huy: những trưởng ban tổ chức. Cánh cửa lập tức khép lại và được khóa kỹ càng.

Lúc quay trở lại chiếc giường bằng rơm của mình, Pannonique òa khóc vì cảm giác ghê tởm.

 

Ngày hôm sau, cô dò xem nét mặt của PFX 150 thế nào: nó chẳng có biểu hiện gì cả.

- Người đàn ông cao tuổi tối qua là ai?

Cô bé không trả lời.

Cô gái trẻ nắm lấy vai em mà lắc như điên dại:

- Tại sao chị lại bảo vệ ông ta?

- Em đang bảo vệ chính mình đấy chứ.

- Tôi đã đe dọa chị ư?

Kapo Marko đến quát Pannonique:

- Mày có thôi làm phiền con bé khốn khổ này không?

Trong khi dọn dẹp đống đất đá, cô tự hỏi, trong cơn tức giận cực độ, tại sao các tù nhân ngủ cùng lán với cô bé lại có thể không nhìn, không nghe thấy gì. “Mình chắc chắn là họ nói dối. Những kẻ khốn nạn đó, chúng chết khiếp vì sợ hãi. Nhưng mình, mình sẽ không để yên.”

Cô đợi đến khi ả kapo Zdena lại gần và nói với ả rằng cô muốn được gặp một người trong ban tổ chức. Zdena nhìn cô với vẻ kinh ngạc, như thể cô vừa hỏi xin ả một con gà tây rô ti. Nhưng dường như yêu cầu kiểu này chưa bao giờ được tính tới: ả kapo bỏ đi.

Nhưng cần phải tin rằng ả đã chuyển lời yêu cầu ấy lên cấp cao bởi vì cô nhận được câu trả lời: việc đó là không thể. Pannonique nhờ hỏi lại xem cô có cách nào khác không. “Cô tưởng cô đang ở đâu?” người ta trả lời cô.

Cả ngày, cô gái trẻ cố tìm ra ai đó để có thể tiết lộ bí mật bẩn thỉu này. Đến tối, cô vẫn không tìm thấy. Trong khu nhà ăn, cô cảm thấy không thể chịu nổi nữa: “Nếu mình đứng dậy, nếu mình kêu gọi tất cả mọi người làm chứng, và nếu mình la to lên những điều mình biết thì sao? Sẽ chẳng giải quyết được gì cả. Trong trường hợp tốt nhất, sẽ có nổi loạn, và tất cả sẽ kết thúc trong một cuộc tắm máu. Trong trường hợp xấu nhất, những tù nhân kia sẽ không phản ứng gì hết, họ sẽ ngồi nhu nhược trước phần ăn của họ, mà mình thì không muốn đối diện với nguy cơ phải thất vọng về họ đến vậy. Thà mình trực tiếp hành động còn hơn.”

 

Đêm tiếp theo là một trong những đêm mụ già không hú lên dưới ánh trăng. Vì thế, Pannonique không tỉnh giấc và cô đã không thể bảo vệ PFX 150. Sáng hôm sau, cô giận điên người: “Hóa ra vắng tiếng rống của mụ phù thủy ấy là mình ngủ không còn biết lo lắng đến điều gì trên đời nữa!”

Đêm kế tiếp, cô bị kéo ra khỏi giấc ngủ bởi những tiếng rú của ZHF 911. Nhưng khi cô đến được lều của bé gái, gã đàn ông ấy đã đi xa. Cô liền đuổi theo gã, và không cần suy nghĩ, cô nhảy đến đứng trước mặt gã.

Gã đứng sững và im lặng nhìn cô.

- Thả cô bé ra! cô ra lệnh.

Nằm trong tay gã, PFX 150 gửi đến cô những dấu hiệu kỳ lạ bằng cách lắc đầu.

- Thả cô bé ra! cô lặp lại.

Gã vẫn đứng đó, bất động.

Pannonique nhảy đến siết cổ gã.

- Mày có thả cô bé không?

Bằng một động tác gọn gàng, gã đẩy kẻ tấn công mình ra và lăng cô đi thật mạnh, rồi gã dấn bước về phía khu nhà ở của những người chỉ huy. Pannonique nắm được chân gã và kéo gã ngã xuống. Bé gái lăn vào vũng bùn. Pannonique bảo cô bé chạy đi nhưng kẻ kia đã nắm được cổ chân cô bé. Gã đứng dậy và bỏ đi, kéo theo cô bé phía sau.

Pannonique vừa đuổi theo vừa chửi rủa gã:

- Tên rác rưởi kia! Thật quá dễ dàng đối với mày, đó chỉ là một tù nhân. Cô bé còn quá nhỏ, nó không có khả năng tự vệ. Nhưng tao nói cho mày rõ, tất cả mọi người sẽ biết chuyện. Tao sẽ nói với các kapo, và họ sẽ nói với những người tổ chức, tao sẽ nói với khán giả, tao sẽ khiến cuộc sống của mày trở nên khốn khổ!

Gã nhìn cô vẻ chế nhạo, xong quẳng đứa bé vào nhà và đóng cửa lại.

Pannonique nghe thấy tiếng khóa cửa rồi hoàn toàn im lặng. Sự im lặng ấy còn đáng sợ hơn cả tiếng rên rỉ.

“Thậm chí ta còn chưa biết giọng nói của tên này. Hắn chẳng nói gì hết,” cô nghĩ.

Cô lả người đứng đợi trong vũng bùn. Vô ích. Cô bé không trở ra nữa.

 

Đến giờ điểm danh sáng, Pannonique thấy kapo Marko mang cô bé trở lại. Cô mỉm cười với cô bé. Nét mặt em tái nhợt.

Tiếp đó, kapo Jan đến chọn ra những người sẽ bị giết trong ngày: bình thường, hắn ta sẽ điểm qua một lượt để xem xem ai đáng bị xử tử; lần này, không do dự, hắn lôi ZHF 911 và PFX 150 ra khỏi hàng.

Tiếng xì xầm nổi lên khắp nơi. Dù người ta có quen với cái ác đến mức nào đi nữa, hành quyết một đứa trẻ vẫn là điều gì đó khác hẳn. Thậm chí, chẳng ai còn đầu óc đâu để cảm thấy vui sướng khi cuối cùng cũng thoát khỏi mụ già.

Người ta nghe thấy giọng ZHF 911 lần cuối, vẫn lửng lơ giữa tiếng nghiến răng và tiếng cười khẩy.

- Có vẻ như những thái cực hút lẫn nhau.

Đối với mụ, chết chẳng có nghĩa lý gì.

Còn PFX 150, em đứng đó bàng hoàng trong im lặng. Người ta phải đẩy em để buộc em bước đi.

 

Chưa bao giờ Pannonique cảm thấy đau đớn như khi nhìn cô bé ấy đi về phía cái chết.

Rõ ràng kapo Jan đã nhận được lệnh của ai đó. “Nếu mình không can thiệp, hẳn gã đã không vội vã trừ khử nạn nhân như thế,” cô nghĩ và cảm thấy ghê tởm.

Đó là một ngày kinh khủng: bóng ma của cô bé hiện hữu trong ánh mắt tất cả mọi người.

Pannonique không cho phép mình chìm đắm trong chán nản, tuyệt vọng: “Ta đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp, đúng thế, nhưng ta không phải là nguồn gốc của cái ác. Bởi vậy, ta quyết định từ bỏ việc đóng vai Chúa, vì lý do duy nhất rằng đó là một suy nghĩ quá non nớt.”

Ngay lúc ấy, cô nhìn thấy MDA 802 vốn mảnh khảnh đang lảo đảo dưới sức nặng của khối đất đá. Cô vội chạy đến giúp bạn mình nâng cái chậu nặng lên. Hành động ấy không qua khỏi mắt tên kapo Marko, hắn bước đến đẩy Pannonique ra và mắng cô:

- Sao hả, mày tưởng mày là Simon de Cyrène chắc?

Toàn thân Pannonique run lên. Cô chẳng hy vọng những tên kapo cảm thấy ăn năn với việc chúng là những kẻ thô lỗ, tối tăm vô học; điều khiến cô giật mình, đó là một cách vô tình, tên kapo kia đã nói ra chính xác những lời cô cần.

Simon de Cyrène: tại sao cô không nghĩ ra sớm hơn? Đó là nhân vật đẹp nhất trong Kinh thánh, bởi không cần phải tin vào Chúa người ta vẫn thấy ông thật kỳ diệu. Một con người giúp đỡ một đồng loại của mình, chỉ bởi lý do duy nhất là gánh nặng mà người kia mang trên vai quá lớn.

“Từ nay, ta chẳng thể có thần tượng nào cao đẹp hơn thế nữa,” Pannonique tự hứa với mình.

Phần tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26044


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận