Báo Cáo Chính Phủ Chương 22


Chương 22
Tôi đã trở lại với cuộc đời, đang cùng với mọi người quên đi những chuyện giang hồ. Những chuyện cũ dưới khung trời hình vuông kia đã qua, không cần tôi phải lặng thầm lưu giữ.

Đầu phố trước mặt, gần khách sạn Hoa Thiên, có một bốt điện thoại nhỏ dán chi chít những mẩu rao vặt, vẫn dáng vẻ cũ của ba năm về trước. Ba năm trước tôi bị bắt ở chính chỗ này, bị cảnh sát bẻ quặt tay ra đằng sau, ấn đầu vào một thùng rác bẩn thỉu, cuộc sống tù ngục ô nhục từ đó bắt đầu. Trong tù tôi từng ra sức véo vào đùi mình, muốn thời gian quay lại chỗ cái thùng rác này, véo về cái thời khắc trước lúc tôi tới thùng rác.

Bây giờ tôi đã quay về rồi, nhìn cái thùng rác mà không kìm được nước mắt. Hai kẻ đồng phạm với tôi về sau cũng sa lưới, vụ án kết thúc, tôi có thể lĩnh án nhẹ và ra tù. Nhưng tôi không biết lúc nghe được tin đó, rốt cuộc tôi vui hay buồn, giống như khi đã xếp hàng quá lâu, cuối cùng mới tới được trước quầy mua hàng, lại không biết mình phải mua cái gì, không biết đồ trong quầy có giá trị gì không. Giường của mẹ đã để không và lầm bụi. Dưới giường của vợ sắp cưới đã có đôi giày của người đàn ông khác. Số điện thoại của bạn bè phần lớn đã thay đổi - giờ đây tôi biết đi đâu về đâu? Dĩ nhiên tôi vẫn có thể dần dần tìm được bạn bè, nghe họ nói về GRE, nói về di dân kỹ thuật, về tiêu chuẩn ISO, lướt web... Những thứ này tôi nghe đều thấy mù mờ, giống như ban đầu tôi nghe không hiểu những tiếng lóng của các phạm nhân. Bọn họ còn vỗ vai tôi, rót cho tôi rượu nho và tiếp thêm thịt quay Brasil, hẹn tôi cuối tuần sau đi đánh golf, xem họ thắng bằng gậy Nike 350 hay 300 như thế nào... Đây cũng là tiếng lóng tôi không hiểu, một lần nữa khiến tôi toát mồ hôi, lòng bàn tay lạnh ngắt, bao lời muốn nói mà không thốt ra được. Bọn họ giống những người tù ngày xưa tôi mới gặp, hứng thú với một kẻ mới là tôi.

Chẳng phải tôi luôn mong mỏi thứ tự do như vậy sao? Chẳng phải tôi luôn hướng về ánh sáng và sự dễ chịu như vậy sao? Tại sao vừa rơi vào trong vùng tự do mà đã nảy sinh nhiều rắc rối vậy?

Đúng là tôi tự do rồi, nghe không hiểu tiếng lóng của lớp người trên nhưng vẫn nên vui vì tự do đã tới. Tôi hết lần này đến lần khác tự thuyết phục mình, bây giờ tôi không cần lo lắng gặp đàn ông hay đàn bà lạ mặt, không cần lo lắng bất kỳ bảo vệ hay xe cảnh sát nào, cho dù là cả đội cảnh sát vũ trang súng ống chạy tới tôi cũng có thể ở đây mà huýt sáo. Tôi không phạm pháp, không còn dính líu tới vụ án nào. Bạn nên hiểu ý câu nói này. Như thế để nói tôi có thể ở đây tự do ngắm trời xanh, gãi đầu, ngoáy mũi. Tôi vừa có thể lên xe lam vừa có thể gọi taxi, vừa có thể xem quảng cáo lại vừa có thể ngó quầy hàng, vừa có thể sờ cột điện vừa có thể sờ vách tường, vừa có thể đá một cái vỏ lon vừa có thể đá một hòn đá, vừa có thể vào một quầy bar nhỏ lại vừa có thể vào một hiệu cắt tóc... Một lần nữa tôi xác nhận lại bầu trời trên đầu không có cái khung hình vuông, xác nhận rằng mình có thể ở đây tự do sung sướng, lăn tròn, nhào lộn, tập thể dục theo nhạc - một điều tôi từng mơ ước ngày đêm.

 Tôi gọi điện cho Anni, bảo cô ấy số điện thoại này là do ông Ngụy cho tôi.

“Sao tôi lại không quen anh nhỉ?” Trong điện thoại có tiếng nhai kẹo cao su, còn cả tiếng nhạc nhảy ầm ĩ.

“Tôi là đài phát thanh, em quên rồi à?”

“Đài phát thanh cái gì?”

“Tôi là giọng nam cao của phòng số 9 đây mà.”

“Có chuyện như thế à?”

“Hồi tôi làm lao động viên, đã chuyển hộ em rất nhiều lời nhắn, còn giúp em khâu hộ giày ở bên ngoài.”

“Sao tôi càng nghe càng chẳng hiểu gì cả?”

“Em không phải là Anni à?”

“Xin lỗi, tôi không có cái tên ấy.”

“Em đổi tên rồi à?”

“Bí mật quốc gia, không nói cho anh được.”

“Không phải là giấu trong bài thơ nào à? Sao không giấu trong quảng cáo bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay trong quảng cáo thuốc chuột ấy?”

Tôi hơi nổi cáu, cũng bực chính bản thân mình. Hôm nay tôi gọi cú điện thoại này để làm gì? Để chia sẻ cùng cô ta niềm vui hay nỗi u ám nặng nề của tự do ư? Là để ôn lại cùng cô ta những kỷ niệm đắng cay ngọt bùi ư? Hay là muốn tìm một cô nàng hát bài “Hồng Hà cốc”, sau đó mời cô ta ăn cơm rồi lại tặng cô ta hai điếu thuốc? Tôi đã trở lại với cuộc đời, đang cùng với mọi người quên đi những chuyện giang hồ. Những chuyện cũ dưới khung trời hình vuông kia đã qua, không cần tôi phải lặng thầm lưu giữ.

“Này này,” cô ta cắt ngang lời tôi, “cái ngữ mày không phải muốn đến bắt cóc tống tiền sao? Người như tao, muốn bắt cóc tống tiền thì trước tiên phải dẫn dụ đã. Thằng nhãi nghe đây, nếu mày cho tao mượn tiền, hay định tặng hoa hồng dây chuyền vàng, thì hẵng gọi điện nhé.”

Tút, cô ta tắt máy.

Tôi như vừa bị một trận bạt tai, loạng choạng ra khỏi bốt điện thoại, nhìn chằm chằm rất lâu vào bốn chữ “Viễn thông Trung Quốc” đã bạc màu dán trên cánh cửa, hình như tôi còn có thể tự trấn tĩnh. Tôi nhìn trời, bầu trời mây khoáng đạt vô biên bị ánh đèn thành phố hắt lên thành từng mảng màu hồng, như những đám lửa lớn không người dập tắt. Xe buýt mệt nhọc thở phì phò, xe taxi lẩn lút chạy trốn, xe đạp nín thở rón rén, như đang lần theo dấu vết của chiếc xe đạp phía trước. Những người nhàn rỗi phía đầu đường túm năm tụm ba, xem ra đang trông ngóng và chờ đợi, chờ đợi sự kiện nào đó sẽ xảy ra dưới đám lửa lớn không người dập tắt.

Tôi bị ba bóng đen quây lấy, dồn vào chân tường. Chỗ này cách khá xa đèn đường, tôi không nhìn rõ mặt chúng, nhưng lưỡi dao lạnh ngắt đang gí ở cổ tôi thì cho biết ngay ý đồ của chúng. Tôi hơi buồn cười, vì trong túi xách chỉ có hai bộ quần áo bốc mùi hôi, trên người cũng không có điện thoại, đồng hồ, ví tiền hay nhẫn vàng, vẻn vẹn có mười mấy tệ lại là của ông Ngụy vừa cho vay, chỉ khiến chúng mất công nhọc sức. Nhưng bọn chúng phát hiện được vết xăm màu xanh trên cánh tay tôi, là trước kia dùng mảnh sứ khía lên da mà thành: một con rồng nhỏ, là cầm tinh của tôi. Con số 1261994 - là ngày tôi bị bắt.

“Từ Đường Gia Hà ra hả?” Một bóng đen hỏi. Xem ra hắn cũng là kẻ từng ngồi tù, biết trại giam này ở Đường Gia Hà, biết cái tên tục Đường Gia Hà này.

“Tất nhiên.”

“Ở buồng nào?”

“Số 9, số 12.”

“Mới được ra hả?”

“Ba ngày rồi.”

“Những ngày mới ra khó sống đấy. Tối rồi còn lang thang ngoài đường à? Lại còn cầm cái túi y như thật ấy!” Bóng đen cáu kỉnh nhét thứ gì đó vào túi áo tôi.

Đợi bọn họ đi xa rồi, tôi rút thứ đó từ trong túi áo ra, là một tờ năm mươi tệ, chắc bọn họ tức khí, buộc tôi bắt xe trở về nhà!

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27949


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận